Quốc hội và nhân dân đồng tình “quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là cần thiết”

30/10/2015
Sáng 30/10, QH thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi).
 

Ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cho biết, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận về dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) (BLHS). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để chỉnh lý dự thảo Bộ luật.

Ngày 12/7/2015, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 972/NQ-UBTVQH13 giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo này trong thời gian 2 tháng, đồng thời, tiếp tục xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách. Ngày 12/10/2015, Chính phủ đã có Báo cáo số 497/BC-CP trình Quốc hội về kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo BLHS. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến Nhân dân, ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo BLHS để trình QH cho ý kiến.

Mọi DN đều phải chịu TNHS không phân biệt loại hình sở hữu

Theo đó,  đa số ý kiến tán thành việc quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân vào BLHS. Đây là nội dung thay đổi quan trọng trong chính sách hình sự, khẳng định quan điểm của Nhà nước ta trong việc xử lý nghiêm minh các pháp nhân vi phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Quy định này không chỉ bảo đảm sự thống nhất chung của hệ thống pháp luật mà còn nhằm thực thi các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, bảo đảm công bằng giữa pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài và pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam, việc bổ sung TNHS của pháp nhân không loại trừ TNHS của cá nhân.

 Vì vậy, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng, bổ sung quy định TNHS của pháp nhân vào BLHS. Cụ thể: sửa đổi quy định về cơ sở TNHS (Điều 2); về khái niệm tội phạm (Điều 8); quy định các hình phạt chính đối với pháp nhân gồm: phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 33); điều kiện truy cứu TNHS đối với pháp nhân (Điều 75) và quy định cụ thể các tội danh mà pháp nhân phải chịu TNHS.

Việc xác định phạm vi chịu TNHS của pháp nhân cần được cân nhắc kỹ trên cơ sở đánh giá tính phổ biến, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các vi phạm của pháp nhân qua thực tiễn xử lý vi phạm hành chính trong thời gian qua để chọn lựa những hành vi vi phạm cần phải bị xử lý về hình sự, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời, có chọn lọc tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới. Trên cơ sở ý kiến của đa số Nhân dân và ĐBQH, dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định phạm vi TNHS của pháp nhân gồm 40 tội danh.

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nhấn mạnh, quy định TNHS của pháp nhân tạo điều kiện xử lý TNHS của pháp nhân một cách minh bạch và lưu ý, pháp nhân phải chịu TNHS là pháp nhân kinh tế nên cần quy định rõ chủ thể chịu TNHS của pháp nhân là tất cả các loại hình DN không phân biệt hình thức sở hữu.

Tuy nhiên, cho ý kiến vào dự thảo về vấn đề này, nhiều  ĐBQH quan là bảo vệ quyền lợi của người lao động trong trường hợp pháp nhân bị áp dụng hình phạt đình chỉ, giải thể… nên đề nghị dự thảo BLHS cần tính đến để có quy định cụ thể.

Chuyển phạt tiền thành phạt tù cần thời gian nghiên cứu

Nhiều ý kiến tán thành bổ sung quy định cơ chế chuyển hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù nhưng UBTVQH đề nghị chưa bổ sung quy định này trong dự thảo BLHS (sửa đổi) vì việc người bị kết án chấp hành không nghiêm loại hình phạt này là do khâu tổ chức thực hiện mà không phải do hạn chế của bản thân hình phạt.

Hơn nữa, nếu quy định chuyển hình phạt nhẹ (phạt tiền, cải tạo không giam giữ) sang hình phạt nặng hơn (phạt tù) sẽ trái với nguyên tắc hình phạt phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như không phù hợp với chủ trương giảm hình phạt tù, tăng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ theo định hướng cải cách tư pháp.

 Bên cạnh đó, việc phân định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục cũng như việc xác định tỷ lệ chuyển đổi cụ thể là hết sức phức tạp, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng.

Theo những ý kiến tán thành, việc bổ sung cơ chế chuyển hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù xuất phát từ tình hình thực tế hiện nay là việc chấp hành hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ không nghiêm, kém hiệu quả.

Ngoài ra,  ĐBQH cũng cho ý kiến vào nhiều vấn đề quan trọng khác trong dự thảo BLHS (sửa đổi) theo hướng cơ bản tán thành với những nội dung đã được chỉnh lý trên cơ sở lấy ý kiến nhân dân./.

H.Giang