Bảo đảm quy trình tố tụng dân sự minh bạch

26/10/2015
Sáng nay – 26/10, QH cho ý kiến về dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) (viết tắt là BLTTDS (sđ) đã được chỉnh lý sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại kỳ họp thứ 9.
 

Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu cho biết, cơ bản ĐBQH nhất trí nhưng vẫn còn một số vấn đề lớn, có ý kiến khác nhau cần được thảo luận để làm rõ trước khi QH xem xét, thông qua Bộ luật quan trọng này

Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp để người dân không  phải “tự xử”

Đa số ý kiến nhất trí với dự thảo BLTTDS (sđ), theo đó Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng nhưng cũng có nhiều ý kiến khác đề nghị không quy định nội dung này trong  BLTTDS (sđ).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện, UBTVQH nhận thấy, việc mở rộng thẩm quyền xét xử của TAND như quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo Bộ luật là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của TAND là “cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (khoản 1 Điều 102) và kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

Trong khi pháp luật dân sự chưa có quy định đầy đủ để điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội, khi có tranh chấp dân sự xảy ra mà chưa có điều luật áp dụng thì cần thiết phải có quy định cho phép Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng để thụ lý vụ việc dân sự và giải quyết theo thủ tục TTDS chung do Bộ luật này quy định.

Để bảo đảm tính khả thi, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung các quy định về giải quyết các vụ việc dân sự, trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng cho phù hợp và tạo cơ sở pháp lý để thực hiện nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Tuy nhiên, ĐBQH lưu ý, đây là vấn đề mới, cần nghiên cứu hết sức thận trọng để bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy quy định này chủ yếu được áp dụng ở các nước nơi mà Tòa án có quyền giải thích luật và án lệ là nguồn luật. Còn ở nước ta, án lệ không phải là nguồn luật, TAND xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật.

VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự

Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng trong TTDS, VKSND không thực hiện quyền công tố mà chỉ thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, nên VKSND là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự mà không phải là cơ quan tiến hành tố tụng, cũng như không phải là cơ quan tham gia tố tụng. Song nhiều ý kiến ĐBQH lại cho rằng, VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nên VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng. Trong khi đó, một số ý kiến ĐBQH, Đoàn ĐBQH cho rằng, TTDS, VKSND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tư pháp, không trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng do vậy VKSND là cơ quan tham gia tố tụng.

Tuy nhiên, phân tích các qui định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, UBTVQH đề nghị tiếp tục xác định VKSND là cơ quan tiến hành TTDS. Ông Nguyễn Văn Hiện cho biết thêm, qua thảo luận có ý kiến trong UBTVQH cho rằng theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức VKSND năm 2014 thì cần xác định lại vị trí của VKSND trong TTDS là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự với lý do: BLTTDS năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) đã bỏ quy định về quyền khởi tố vụ án dân sự của VKSND mà trước đây Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 có quy định, hiện hành chỉ quy định VKSND có quyền kiến nghị khởi kiện vụ án dân sự.

Vì vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, VKSND không thực hành quyền công tố, không khởi tố vụ án dân sự, không chủ trì thực hiện bất kỳ một giai đoạn tố tụng dân sự nào như TAND (cụ thể: thụ lý vụ án, lập hồ sơ vụ án, thu thập chứng cứ, hòa giải, ra các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án, trưng cầu giám định…), mà chỉ kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng dân sự, thể hiện rõ được cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực theo Hiến pháp năm 2013 giữa TAND và VKSND…

Ngoài ra, ĐBQH cũng đã tập trung thảo luận về các quy định liên quan đến thẩm quyền xác minh, thu thập chứng cứ của VKS, thành phần xét xử phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn, quyền và nghĩa vụ của đương sự trong việc cung cấp chứng cứ, tổ chức phiên họp để kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ, thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án

Đây là một Bộ luật lớn nên ngoài việc chỉnh lý các quy định, nhiều ĐBQH đề nghị dự thảo Bộ luật cần được xem xét, chỉnh lý về câu chữ, cấu trúc đảm bảo tính logic, khả thi và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tiễn.

H.Giang

Cho gửi đơn khởi kiện trực tuyến để tránh sự lạm dụng

Có ý kiến đề nghị quy định rõ hình thức gửi đơn khởi kiện bằng thư điện tử, trực tuyến nhằm bảo đảm thuận tiện cho người khởi kiện và tránh sự lạm dụng. UBTVQH cho rằng việc gửi, nhận đơn khởi kiện qua thư điện tử, trực tuyến sẽ đơn giản hóa được các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết vụ án. Tuy nhiên, cũng như các thủ tục hành chính khác được thực hiện qua thư điện tử, trực tuyến thì việc gửi, nhận đơn khởi kiện qua thư điện tử, trực tuyến phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng, người khởi kiện vụ án có thể lựa chọn gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử trong trường hợp Tòa án áp dụng hình thức nhận đơn trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.