Tỉnh xử huyện để dân “tâm phục, khẩu phục”

29/10/2015
Có tình trạng Tòa thường phải “nương” theo nhiều quan hệ khi xử các vụ “dân kiện quan” khiến quyền lợi của dân ít được bảo đảm, dẫn tới khiếu nại dai dẳng, phức tạp, nhất là trong các vụ liên quan đến tranh chấp đất đai giữa dân và chính quyền.
Do vậy, dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến hôm nay (27/10) được kỳ vọng sẽ cải thiện được tình hình với quy định giao Tòa tỉnh xử tranh chấp đất đai liên quan đến huyện.

Ít khi “dân thắng kiện quan”

Thực tiễn thi hành Luật tố tụng hành chính (TTHC) chỉ ra, người dân còn chịu nhiều khó khăn trong các khiếu kiện trong các vụ án hành chính, đặc biệt là các vụ án liên quan đến đất đai. Đa số là khiếu kiện trong lĩnh vực này là loại việc khó, phức tạp, nên chất lượng giải quyết các khiếu kiện này của TAND cấp huyện còn hạn chế, số lượng vụ án bị hủy vẫn còn cao.

Theo đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa), một trong những nguyên nhân chính là do TAND cấp huyện không có Tòa hành chính - tòa chuyên trách giải quyết xét xử các loại án này, còn Thẩm phán TAND cấp huyện lại không có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu để giải quyết thấu đáo. Bên cạnh đó, các quyết định quy hoạch, thu hồi đất, triển khai dự án thường được thông qua tập thể cấp ủy UBND địa phương và với cơ chế “song trùng trực thuộc” về tổ chức, nhiều trường hợp kiểm sát viên, thẩm phán khi xét xử sơ thẩm chịu áp lực nên không nêu được quan điểm áp dụng pháp luật đúng đắn khi giải quyết khiếu kiện, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Do đó, rất hiếm trường hợp người dân thắng khi khởi kiện đối với quyết định của UBND cấp huyện do TAND cấp huyện giải quyết, mà thường việc “dân thắng quan” trong những vụ kiện đất đai chỉ xảy ra ở giai đoạn xét xử phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm (do TAND cấp tỉnh trở lên giải quyết).

Ngoài ra, theo báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật TTHC năm 2010 cho thấy, thẩm quyền xét xử của từng cấp tòa án chưa hợp lý. Việc giao cho TAND cấp huyện giải quyết theo trình tự sơ thẩm là có vướng mắc, không phù hợp với đặc thù ở Việt Nam, cần được xem xét, nghiên cứu khi sửa đổi Luật TTHC.

Cho dân chọn tòa xử

Do vậy, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo luật TTHC (sửa đổi) quy định mở rộng thẩm quyền cho TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện, TAND cấp cao sẽ xét xử phúc thẩm các vụ án này nếu có kháng nghị, kháng cáo là phù hợp để khắc phục những tồn tại, những bất cập về thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai.

Song vẫn còn những ý kiến cho rằng giao cho Tòa tỉnh xử khiếu kiện đất đai liên quan đến chính quyền cấp huyện sẽ đẩy việc lên TAND cấp tỉnh nên đại biểu Phan Văn Hà (Nghệ An) đề xuất, có thể để cho người dân được quyền lựa chọn tòa án để giải quyết theo trình tự sơ thẩm đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện.

Theo đó “nếu người dân khởi kiện không yên tâm, tin tưởng vào TAND cấp huyện thì có quyền khởi kiện tại TAND cấp tỉnh để yêu cầu giải quyết theo trình tự sơ thẩm, đó cũng là thể hiện bản chất của nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” – đây cũng là quan điểm được một số đại biểu tán thành khi góp ý lần đầu vào dự thảo Luật này./.

Huy Anh

Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, những tranh chấp về đất đai cần phải được tòa án cấp trên một cấp giải quyết để đảm bảo tính khách quan. Tranh chấp ở cấp huyện thì do TAND cấp tỉnh giải quyết nên tranh chấp ở cấp tỉnh phải do TAND cấp cao giải quyết. Có như vậy mới bảo đảm việc giải quyết khiếu kiện bảo vệ được quyền lợi chính đáng của các bên có liên quan, cả người dân và chính quyền. Bởi thực tế, cho dù có nguyên tắc độc lập trong xét xử nhưng thẩm phán vẫn bị ràng buộc với chính quyền địa phương cùng cấp ở nhiều vấn đề về tổ chức, thi đua, bổ nhiệm…”