Đồng bộ, tích cực thực hiện nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề, chất vấn trong lĩnh vực tư pháp

16/11/2015
Sáng nay (16/11), trình bày báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong lĩnh vực tư  pháp, nội dung chất vấn tập trung vào triển khai thi hành Hiến pháp 2013, công tác xây dựng pháp luật và thi hành án dân sự.
 

Theo Chính phủ, việc tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp 2013. Công tác phổ biến, giáo dục Hiến pháp và pháp luật được tích cực triển khai; công bố và hàng năm tổ chức Ngày pháp luật Việt Nam. Đã rà soát trên 100 nghìn văn bản quy phạm pháp luật và lập danh mục văn bản cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới. Đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, dừng thi hành hoặc ban hành mới 282 văn bản quy phạm pháp luật phù hợp quy định của Hiến pháp, trong đó ở Trung ương có 241 văn bản; ở địa phương có 41 văn bản.

Tính đến tháng 9 năm 2015, Chính phủ đã trình 90 trong tổng số 99 dự án Luật, Pháp lệnh đã được thông qua (chiếm 91,9%), trong đó có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất). Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và nâng cao chất lượng cán bộ chuyên trách xây dựng pháp luật. Chính phủ đã chú trọng nội dung xây dựng pháp luật tại các phiên họp thường kỳ và tổ chức các phiên họp chuyên đề.

Tình trạng nợ đọng văn bản được cải thiện. Giai đoạn 2001-2010, trung bình mỗi năm chậm ban hành là 78 văn bản; từ giai đoạn 2011 đến nay trung bình là 50 văn bản/năm (năm 2011 chậm ban hành 33 văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, năm 2012 chậm 27 văn bản, năm 2013 chậm 17 văn bản, năm 2014 chậm 6 văn bản).

Công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong quá trình soạn thảo văn bản được quan tâm hơn. Kiểm tra, xử lý các văn bản có nội dung trái pháp luật. Trong giai đoạn 2012-2014, trung bình mỗi năm các Bộ, ngành kiểm tra theo thẩm quyền trên 5.000 văn bản. Năm 2012, kiểm tra 4.879 văn bản, phát hiện 287 văn bản có dấu hiệu vi phạm về nội dung, 25 văn bản sai về thẩm quyền; năm 2013 kiểm tra 4.343 văn bản, phát hiện 323 văn bản có dấu hiệu vi phạm về nội dung, 09 văn bản sai về thẩm quyền; năm 2014 (theo số liệu tổng hợp tại 15/22 Bộ, ngành), kiểm tra 6.304 văn bản, phát hiện 241 văn bản có dấu hiệu vi phạm về nội dung, 30 văn bản sai về thẩm quyền. Chủ động phát hiện và tiếp thu phản ánh, kiến nghị; kịp thời xử lý những sai sót, bất cập.

Trình ban hành và triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Tập trung kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ trong công tác thi hành án dân sự.

Chính phủ cũng thừa nhận, việc chuẩn bị một số dự án Luật, Pháp lệnh vẫn còn chậm. Còn tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Một số quy định thiếu tính khả thi, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Hiệu quả kiểm soát thủ tục hành chính chưa cao. Quản lý thi hành án dân sự vẫn còn bất cập; năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một số công chức thi hành án dân sự chưa đáp ứng yêu cầu; số trường hợp vi phạm, bị xử lý có xu hướng tăng.

Song trao đổi bên hành lang QH sau khi Phó Thủ tướng trình bày báo cáo, một số ĐBQH bày tỏ đánh giá tích cực về những kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn của các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Tư pháp. ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nhấn mạnh, “tôi đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tư pháp trong việc tham mưu cho Chính phủ khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn. Đây chính là vấn đề tôi quan tâm trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp. Qua số liệu tổng hợp của Viện nghiên cứu lập pháp, tôi thấy tình trạng “nợ” văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Chính  phủ đã cải thiện đáng kể, có thể nói là rất tích cực. Tất nhiên việc giải quyết tình trạng “nợ” văn bản không chỉ mình Chính phủ có thể thực hiện triệt để khi nhiều luật ban hành vẫn giao Chính phủ hướng dẫn”./.

H.Giang