Giao thẩm quyền điều tra ban đầu cho công an xã: Quyền không cân sức sẽ sai phạm

20/06/2015
Thảo luận về dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự sáng qua (19/6), một số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị phải qui định vấn đề này trong dự thảo Luật để đảm bảo được đúng chức năng và giúp cho công an xã làm theo đúng luật nhưng vẫn không khỏi lo ngại “quyền không tương xứng với khả năng” sẽ dẫn đến những sai phạm.

Công an xã điều tra để không mất chứng cứ

Thực tế hiện nay nếu không quy định chức năng, nhiệm vụ công an xã thì lực lượng này vẫn đang thực hiện nhiều nhiệm vụ mang tính chất điều tra ban đầu. Hơn nữa, có những địa bàn xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, cách trung tâm huyện rất xa, giao thông đi lại khó khăn, nếu không giao cho công an xã các hoạt động điều tra ban đầu mà đợi công an huyện đến nơi xảy ra vụ án thì dễ dẫn đến chứng cứ đã mất hoặc không được như nguyên trạng hiện trường nên nhiều ĐBQH đồng tình giao cho công an xã tiến hành một số điều tra ban đầu và coi đó là một nguồn chứng cứ để sau này cơ quan điều tra đến không phải làm lại.

Mặc dù thực tế, công an xã là lực lượng hoạt động bán chuyên trách, trình độ công an xã vẫn còn hạn chế, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra, ĐB Lù Thị Lừu (Lào Cai) cho rằng “không phải vì thế mà không giao trách nhiệm cho công an xã thực hiện một số hoạt động điều tra cơ bản ban đầu vì thực tế công an xã vẫn đang tham gia một phần vào công tác của hoạt động điều tra”. ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) cũng nhận thấy, việc bổ sung thẩm quyền cho công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an trong dự thảo Luật là phù hợp đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nhưng, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị phải giới hạn phạm vi rất hẹp, chỉ cho lực lượng công an xã được tiến hành một số hành vi tố tụng, “không để cho công an xã được khám nghiệm hiện trường vì không có nghiệp vụ sâu, có khi lại bắt nhầm “ông” công an xã thành phạm tội”.

“Nâng cấp” chứ không “tước” quyền

Thực tế hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm của công an xã đang rất nặng nề, rất phức tạp. “Nếu không giao quyền thì công an xã vẫn phải trực tiếp đấu tranh, xử lý những việc này và cũng không thể chuyển tình hình tội phạm ở dưới xã, phường đi lên trên được” - ĐB Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) chỉ ra. Vì vậy, theo ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, “trong trường hợp nếu tiếp tục giao thêm nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân cho công an xã, thì phải xây dựng lực lượng này thành lực lượng công an chính quy cho dù có thể phát sinh thêm biên chế và kinh phí”.

Đồng tình với ĐB Lê Thị Nga về việc không đặt vấn đề tước quyền của lực lượng công an xã nhưng ĐB Hồ Trọng Ngũ không đồng tình xây dựng lực lượng này thành lực lượng chuyên trách vì sợ “phình biên chế, tăng kinh phí và không đảm bảo điều kiện công tác”.

Tuy nhiên, do lo ngại “quyền không tương xứng với khả năng” sẽ dẫn đến những sai phạm như thực tiễn đã xảy ra liên quan đến việc thực hiện một số hoạt động điều tra của lực lượng công an xã, không ít ĐBQH không đồng tình quy định trách nhiệm công an xã, phường, thị trấn, đồn công an vào dự thảo luật này. Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng), trên thực tế, công an xã là lực lượng bán chuyên trách, trình độ còn hạn chế, chưa được qua đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra. Do đó, việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho công an xã sẽ vượt quá khả năng của công an xã, dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra vụ án hình sự, gây khó khăn cho cơ quan điều tra chuyên trách hoặc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội./.

H.Giang