Đồng chí Nguyễn Văn Linh: Người “cởi trói” cho tư duy pháp lý Việt Nam

19/06/2015
Năm nay, đất nước ta kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (01/7/1915-01/7/2015) - Người đã góp phần có ý nghĩa quyết định làm xoay chuyển tình thế, mở đường cho sự nghiệp Đổi mới tiến lên ở Việt Nam giai đoạn 1986-1991. Với sự nhạy bén và tinh thần sáng tạo, Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể lãnh đạo vững vàng, kiên trì, bền bỉ vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương châm “lấy dân làm gốc” vào quá trình đổi mới tư duy pháp lý, xây dựng nền pháp luật xã hội chủ nghĩa phục vụ hiệu quả, đắc lực cho sự nghiệp Đổi mới.
 

Ông cũng chính là người đặc biệt nêu cao vai trò của pháp luật và yêu cầu đổi mới tư duy pháp lý, coi đây là một trong những trọng tâm đổi mới đồng bộ với đổi mới tư duy chính trị và tư duy kinh tế. Cho đến nay, các luận điểm đó vẫn giữ nguyên giá trị và tính thời sự, góp phần quan trọng đặt nền móng cho việc định hình và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ngày hôm nay.  

1. Yêu cầu nắm vững và tôn trọng quy luật khách quan là quan điểm chỉ đạo của đổi mới tư duy pháp lý.

Để có cái nhìn trung thực, thẳng thắn, nghiêm túc về tình hình kinh tế-xã hội khó khăn, thậm chí là đến mức gay gắt, nghiêm trọng lúc bấy giờ, Đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn thúc giục, yêu cầu mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ đảng viên phải “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” như tinh thần Đại hội lần thứ VI của Đảng. Tình hình sản xuất tăng chậm, hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp, phân phối lưu thông rối ren, sự mất cân đối của nền kinh tế chậm được thu hẹp, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chậm được củng cố, đời sống nhân dân lao động gặp nhiều khó khăn, tiêu cực xảy ra ở nhiều nơi và có nơi nghiêm trọng là những thách thức vừa là trước mắt, vừa là lâu dài, cần phải tập trung và kiên quyết giải quyết. Đồng chí nhận định, khuynh hướng chủ yếu của những sai lầm ấy là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, không nắm vững và hành động theo đúng quy luật khách quan và đây chính là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”.

Trước đó, Tổng Bí thư Trường Chinh (1907-1988), một trong số ít người đã đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng đường lối Đổi mới cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng nhận thức được quy luật, tôn trọng quy luật chính là con đường ngắn nhất đi lên chủ nghĩa xã hội; làm đúng quy luật là hợp với lòng dân, hợp với xu thế đi lên của đất nước và của thời đại. Tiếp nối những tư tưởng mang tính chất định hướng, xuyên suốt đó, Đồng chí Nguyễn Văn Linh tiếp tục khẳng định: Có nhận thức đúng và sâu mới làm đúng và làm có hiệu quả. Muốn có đổi mới trong đời sống thì trước hết phải đổi mới trong tư duy. Nói đến tư duy là nói đến trình độ nắm bắt của quy luật khách quan, nói đến việc suy nghĩ theo đòi hỏi của các quy luật khách quan đó và vận dụng chúng cho phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước.

Với bản lĩnh vững vàng, Đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức phải giữ vững nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Ông nhấn mạnh, đổi mới là một quá trình đấu tranh kiên quyết chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Theo ông, đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ bởi tư duy, phong cách cũ đã kéo dài trong nhiều năm, ăn sâu vào tiềm thức của mọi người, mọi tổ chức như một căn bệnh cố hữu, thậm chí một số mặt của nó còn được thể chế hóa về mặt pháp lý. Tuy nhiên, theo ông, phải hết sức tỉnh táo trong quá trình đổi mới, cần phân biệt đâu là cái cần đổi mới, đâu là cái cần bồi đắp, nâng cao hơn. Nói đổi mới tư duy hoàn toàn không có nghĩa là phủ nhận những thành tựu lý luận và quan niệm đúng đắn của Đảng, phủ nhận các quy luật phổ biến của cách mạng xã hội chủ nghĩa, trái lại cần tiếp tục hoàn chỉnh và phát triển thêm những thành tựu đó.

2. Tư tưởng “Lấy dân làm gốc” là định hướng xuyên suốt trong quá trình đổi mới tư duy pháp lý.

2.1. Quan niệm lại bản chất và vai trò của hệ thống pháp luật.

Trong nhiều thập kỷ trước Đổi mới, do điều kiện và hoàn cảnh đất nước ta chiến tranh, tư tưởng về chuyên chính vô sản là định hướng nổi trội, mang tính chất quyết định trong tổ chức và quản lý xã hội. Tuy nhiên, những nhận thức không đầy đủ về chuyên chính vô sản dẫn chúng ta đến quan niệm một cách thuần túy rằng pháp luật là “ý chí của giai cấp thống trị”, “được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế”, là “công cụ thực hiện chuyên chính vô sản”. Nhà nước và pháp luật luôn được coi là công cụ để thực hiện nhiệm vụ chuyên chính vô sản đó. Theo Giáo sư Michael Bogdan của Đại học Lund Thuỵ Điển, chính cách hiểu thuần túy Nhà nước xã hội chủ nghĩa là Nhà nước chuyên chính vô sản này mà trong một thời gian dài có sự hiểu sai khi coi đó là nhà nước có xu hướng trở thành “một chính quyền dựa trên sự sợ hãi và một xã hội không có quyền và tự do cá nhân”.

Với lối tư duy truyền thống, khép kín đó, pháp luật được nhìn nhận là một hiện tượng lịch sử, chỉ phát sinh, tồn tại và phát triển trong xã hội có giai cấp, pháp luật xã hội chủ nghĩa là một sản phẩm của hành động có ý thức của con người, là biểu hiện tập trung của chính trị và là ý chí của giai cấp thống trị trong một xã hội. Pháp luật luôn có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời với nhà nước và là một loại hoạt động của nhà nước. Pháp luật sẽ vô nghĩa nếu không có bộ máy có đủ sức mạnh thực hiện việc cưỡng chế tuân thủ pháp luật. Lối tư duy cùng với cách lập luận nêu trên có thể dẫn chúng ta đến hai nhận định cơ bản về pháp luật: Thứ nhất, nhận thức, quan niệm về pháp luật với lối tư duy khá hẹp: Pháp luật thường được thuần tuý hiểu là tập hợp một cách có hệ thống những khuôn thước hành xử hiện hữu do cơ quan công quyền công bố và đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế. Thứ hai, đánh đồng pháp luật với hoạt động làm luật, từ đó nhấn mạnh yếu tố quyền lực và coi pháp luật chỉ là phương tiện đặc hữu của nhà nước; hoạt động sáng tạo pháp luật là lĩnh vực độc quyền nhà nước; khi nói đến pháp luật, người ta nhấn mạnh đến tính cưỡng chế, yêu cầu tuân phục hơn là huy động sự đồng thuận, thuyết phục, giáo dục và khơi dậy ý thức tự giác trong xã hội.

Trong phần tham luận tại Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, đồng chí Nguyễn Quốc Hồng, đại biểu Đảng bộ Khối Nội chính đã từng nhận định về nhận thức “hẹp” về pháp luật trong giai đoạn trước Đổi mới như sau: Chúng ta “hiểu về pháp luật còn nặng về mặt cưỡng chế và trừng phạt mà nhẹ về bảo đảm quyền lợi chính đáng của quần chúng”.

Với nguyên tắc coi việc thực hiện rộng rãi và đầy đủ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là điểm mấu chốt trong đổi mới tư duy chính trị cũng như tư duy kinh tế, với cách tiếp cận nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, quán triệt, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, tránh bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, không nắm vững và hành động theo đúng quy luật khách quan, Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đưa ra một nguyên tắc xuyên suốt của công cuộc đổi mới, đó là “lấy dân làm gốc”. Nhiều lần, ông nhận định một cách sâu sắc rằng: Nếu tách rời, đứng xa và đứng trên nhân dân thì mỗi chúng ta không là gì hết và chính quyền của chúng ta chỉ là “người khổng lồ, chân đất sét”.

Từ thực tiễn cuộc sống, ông nhận xét, trước yêu cầu yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn đổi mới, hệ thống pháp luật cũ đã trở thành một “chiếc áo pháp lý” chật hẹp, gò bó, thiếu tính linh hoạt. Thậm chí, ông còn phê phán những căn bệnh trầm kha của xã hội đang cần được khẩn trương thay đổi nhưng vẫn còn được khoác trên mình chiếc áo pháp lý ấy, ông viết: Chỉ xét riêng trong lĩnh vực đổi mới tư duy, đổi mới phong cách làm việc cũng đủ thấy đây là việc không dễ dàng và nhanh chóng. Quá trình thay đổi tư duy, nếp làm việc sẽ không tránh khỏi sức ỳ to lớn của những quan niệm cũ…Ông đi đến kết luận: Chân lý “lấy dân làm gốc” tưởng chừng rất giản đơn, mọi người thừa nhận dễ dàng, nhưng trên thực tế làm được như thế không hoàn toàn không đơn giản. Ông trăn trở: Phải chăng khi đã có chính quyền trong tay, không ít người trong chúng ta thường nặng về sử dụng quyền lực, ra lệnh từ trên, coi nhẹ việc thuyết phục, bàn bạc, động viên nhân dân làm? Chính vì vậy, trong một xã hội tiến bộ, có kỷ cương, nề nếp, chủ yếu được điều chỉnh bằng  pháp luật, pháp luật không phải với ý nghĩa là một sức mạnh cưỡng chế mà còn là một công cụ giáo dục tích cực.

2.2. Vai trò của pháp luật trong quản lý xã hội.

Trọng trách của pháp luật trong quản lý xã hội, đất nước thời kỳ Đổi mới được Đồng chí Nguyễn Văn Linh khắc họa một cách khá cụ thể. Trước hết, đó là một công cụ cơ bản nhất để Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý: Đảng lãnh đạo, nhân dân lao động làm chủ, Nhà nước quản lý, chỉ có thể được thực hiện thông qua pháp luật và được bảo đảm bằng pháp luật. Ngược lại, xã hội cũng đòi hỏi tất cả mọi công dân, không phân biệt địa vị và chức vụ, phải sống và làm việc theo pháp luật.

Ông cũng nhấn mạnh vai trò to lớn của pháp luật trong tiến trình cách mạng của đất nước, thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh rằng ở đâu và lúc nào nhân dân lao động có ý thức làm chủ thực sự, thì ở đó và lúc đó xuất hiện phong trào cách mạng. Việc phát huy vai trò của nhân dân lao động tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội được đặt ra và thực hiện đúng ngay từ khi chuẩn bị và quyết định chủ trương, chính sách. Quyền làm chủ của nhân dân phải được thể chế hóa bằng pháp luật và tổ chức.

Pháp luật còn là phương tiện hữu hiệu để thể chế đường lối, chính sách lãnh đạo, phát triển đất nước của Đảng trong từng giai đoạn, ông lấy ví dụ từ thực tiễn cấp bách giai đoạn đó: Đảng và Nhà nước ta chủ trương mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, nhưng chừng nào luật về đầu tư của nước ngoài ở nước ta chưa được xây dựng xong thì việc thực hiện chủ trương này có phần bị hạn chế. Cũng như vậy, khi chúng ta tích cực thực hiện cơ chế quản lý kinh tế mới, lấy đơn vị kinh tế cơ sở làm khâu trung tâm, nhưng chừng nào đạo luật về xí nghiệp chưa được xây dựng thì hoạt động của xí nghiệp chưa được bảo đảm đầy đủ về pháp lý.

Trước đó, tham luận của đồng chí Nguyễn Quốc Hồng, đại biểu Đảng bộ Khối Nội chính tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI cũng đã từng đưa ra cảnh báo về một bức tranh về hệ thống pháp luật nghèo nàn giai đoạn trước Đổi mới: Pháp luật dân sự rất thiếu, nên nhiều việc tranh chấp quyền lợi giữa các công dân lẽ ra phải giải quyết bằng pháp luật dân sự mới bảo đảm công bằng dân chủ thì thường lại giải quyết bằng mệnh lệnh hành chính. Luật Hình sự mới được ban hành nhưng chưa có luật tố tụng hình sự để bảo đảm thực hiện. Nhiều việc lẽ ra phải xử lý hình sự mới nghiêm, thì lại chỉ xử lý hành chính.

Một luận điểm quan trọng khác trong đổi mới tư duy pháp lý của Đồng chí Nguyễn Văn Linh là coi pháp luật còn là một biện pháp căn cơ nhất, lâu dài nhất cho việc phòng chống tham nhũng, ngăn ngừa cán bộ khỏi sự tha hóa, biến chất. Ông viết: Nhân dân hiểu biết pháp luật sẽ giúp họ có thêm phương tiện hùng mạnh để tiến hành cuộc đấu tranh chống tiêu cực thắng lợi. Nhân dân sử dụng pháp luật làm công cụ đấu tranh để bảo vệ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Chỉ có như thế thì nền dân chủ của chúng ta mới được hoàn thiện không ngừng với mới có thể chặn đứng nguy cơ cán bộ tha hóa.

2.3. Phát triển của hệ thống pháp luật phục vụ sự nghiệp Đổi mới.

Trước yêu cầu dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội, Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đưa ra nhiều định hướng phát triển của hệ thống pháp luật trong thời kỳ Đổi mới. Trước hết, ông khẳng định: Muốn quản lý xã hội bằng pháp luật, phải quan tâm xây dựng pháp luật, phải từng bước bổ sung và hoàn chỉnh nó để bảo đảm cho bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động theo pháp luật. Ông nhấn mạnh: Ở nước ta hiện nay, có tình trạng rất thiếu nhiều luật lệ để quản lý đất nước. 

Trước yêu cầu cấp bách của cuộc sống, công tác xây dựng pháp luật cần phải có sự cải tiến, quy trình cần ngắn gọn, giản dị hơn, ông trăn trở: Phải chăng đã đến lúc cùng với việc đổi mới tư duy kinh tế, cần đổi mới tư duy pháp lý, kế hoạch hóa việc xây dựng pháp luật và định ra một quy trình làm luật nhanh chóng hơn, khắc phục sự trì trệ kéo dài.

Theo ông, tư duy lấy dân làm gốc đòi hỏi các văn bản pháp luật phải “vang vọng tiếng dân” nhiều hơn: Các đạo luật phải thể hiện được trí tuệ và ý chí của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội phải gắn bó máu thịt với nhân dân, nói lên tiếng nói của họ, đại diện cho nguyện vọng và lợi ích của họ. Ý kiến của đại biểu Quốc hội phải là chất kết tinh suy nghĩ và khát vọng đúng đắn và chân thành của bộ phận nhân dân mà mình là người đại diện. Ống nhấn mạnh yêu cầu của mối liên hệ vững chắc hai chiều giữa cử tri và cơ quan dân cử, trong sợi dây liện hệ đó, ý kiến trực tiếp của nhân dân là tài liệu gốc trung thực, không bị xuyên tạc méo mó, là căn cứ xây dựng và hoàn thiện chủ trương, chính sách. Đồng thời, trong quá trình xây dựng văn bản, những vấn đề quan trọng cần phải được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người cùng biết và khêu gợi sự tham gia góp ý của nhân dân. Cần tổ chức tốt các cuộc tranh luận công khai và cởi mở. Ống giải thích: Cái đáng sợ không phải là sự khác nhau ý kiến trong quá trình tranh luận, mà chính là sự thống nhất bề ngoài dẫn đến khi thực hiện thì mỗi người một cách làm.

Trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, Đồng chí Nguyễn Văn Linh nhận định: Việc soạn thảo và thông qua luật pháp cũng như các quyết định lớn dù quan trọng nhưng cũng mới chỉ là phần đầu của công việc. Khó khăn lớn nhất là đưa chúng vào cuộc sống, biến chúng thành hoạt động thực tiễn hằng ngày của quảng đại quần chúng. Theo ông, Nghị quyết của Quốc hội là mệnh lệnh tối cao mà các cơ quan hành pháp phải tuân theo, không một tổ chức và cá nhân nào, dù giữ địa vị gì và nhân danh ai có thể trì hoãn việc thi hành hoặc thay đổi quyết định của Quốc hội. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tăng cường các quy định về kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện ra những khó khăn, vấp váp trong quá trình thực hiện để kiến nghị với các cấp chính quyền có biện pháp giải quyết.

Để khắc phục tâm lý coi thường pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong thực tiễn cuộc sống, Đồng chí Nguyễn Văn Linh nhận định những khó khăn từ tàn dư của các chế độ trước để lại, đó là ý thức không đầy đủ đối với pháp luật. Nước ta vốn là nước sản xuất nhỏ lâu đời. Quan hệ giữa người và người trong thôn xã chủ yếu được điều chỉnh bằng tập tục và dư luận xã hội, thậm chí khác nhau tùy theo địa phương. Nhà nước phong kiến tuy có một số luật lệ, nhưng là đối với dân, trong một số trường hợp “phép vua thua lệ làng”. Trong xã hội thuộc địa, luật lệ của nhà nước thực dân ban bố nhằm bảo vệ đặc quyền đặc lợi của một thiểu số là bọn thực dân và phong kiến, trái ngược với lợi ích quần chúng. Một bộ phận nhân dân từ chỗ thành kiến, đối nghịch với luật pháp của chế độ cũ đã thành kiến với luật pháp nói chung, kể cả của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Một số cán bộ có chức có quyền chịu sự ảnh hưởng của tàn dư tư tưởng phong kiến hoặc bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, coi ý muốn của mình là tất cả, đặt mình cao hơn và đứng ngoài luật lệ của nhà nước, thậm chí còn bao che cho các hành vi phạm pháp. Bên cạnh đó, các hiện tượng vi phạm pháp luật được xử lý không nghiêm hoặc bị bỏ qua, cũng làm nảy sinh và nuôi dưỡng tâm lý coi thường pháp luật.

Từ nhận định đó, Đồng chí Nguyễn Văn Linh khẳng định vai trò trọng yếu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho người dân: Ngay đối với những luật đã có rồi thì nhiều người cũng ít quan tâm tìm hiểu. Việc thi hành pháp luật không nghiêm. Công tác phổ biến, giáo dục về pháp luật còn bị xem nhẹ. Đó là một số trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình số lượng vụ, việc phạm tội không giảm bớt, kỷ cương đất nước không được giữ vững, an toàn xã hội chưa được bảo đảm. Bên cạnh đó, khi người dân không hiểu pháp luật thì họ có thể làm trái pháp luật một cách không tự giác và không có điều kiện để thực hiện quyền làm chủ của mình trong việc kiểm tra các cơ quan nhà nước thi hành pháp luật./.

(Tham luận gửi Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền Nam, với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và thành phố Hồ Chí Minh”)

Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Tư pháp

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Tham luận tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI (tập I), Nhà xuất bản Sự thật, năm 1987.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986-2006), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2005.

3. Lê Duẩn: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, tập IV (bài Hiến pháp mới, Hiến pháp của chế độ làm chủ tập thể), Nhà xuất bản Sự thật, năm 1980.

4. Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nhà xuất bản Sự thật, năm 1988.

5. Trường Chinh: Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại, Nhà xuất bản Sự thật, năm 1987.