Dự thảo Luật phí, lệ phí phải đảm bảo công bằng và tránh thất thu

19/06/2015
Góp ý vào dự thảo Luật phí, lệ phí tại phiên thảo luận sáng ngày 18/6, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị nộp các loại phí và lệ phí vào ngân sách nhà nước để cơ quan có thẩm quyền điều tiết chung và phân bổ lại cho các địa phương hay các bộ, ngành trang trải chi phí cho việc cung cấp dịch vụ thu phí cho các cơ quan thu phí, để công bằng hơn đối với các cơ quan thu phí trong cùng một địa phương và giữa các địa phương với nhau.
 

Không để lạm thu và tham nhũng

Chế độ thu và nộp phí, lệ phí trong dự thảo Luật được rất nhiều ĐBQH quan tâm. Khoản 1, Điều 10 dự thảo qui định “để lại một tỷ lệ phí nhất định cho cơ quan thu phí” nhưng ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP.Đà Nẵng) đề nghị cân nhắc lại “để không gây ra sự thiếu công bằng giữa các cơ quan nhà nước và công chức nhà nước, không để qui định bị lợi dụng để lạm thu và tham nhũng”. ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) cũng chỉ ra, qui định của Điều 10 “không rõ để lại một phần là bao nhiêu. Bên cạnh đó, “để một phần” thì liên quan cơ chế này, cơ chế khác rất phiền hà”.

Là một trong những ĐBQH đề xuất “tất cả các khoản phí và lệ phí thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước”, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, xét một góc độ toàn diện thì tất cả các cơ sở vật chất và chi phí lương, thù lao để tạo ra dịch vụ công đều có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước nên quy định như vậy rõ ràng, công khai, minh bạch và dễ dàng quản lý. Tuy nhiên, “luật cần bổ sung một điều khoản quy định về cơ chế nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ công, thu đúng, thu đủ các khoản phí, đồng thời sử dụng tốt các tài sản công để tạo ra các dịch vụ công đó” – ĐB lưu ý.

Tiếp quan điểm này, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị bổ sung một điều về nguyên tắc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí đó là bảo đảm thu hợp lý, thu đúng, đủ, công khai minh bạch và thống nhất trong quản lý sử dụng với các lý do: Phí, lệ phí liên quan dịch vụ công được thực hiện rộng rãi và trực tiếp với cuộc sống của người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Đồng tình việc quản lý, sử dụng các phí và lệ phí theo Luật ngân sách nhà nước, ĐB Đặng Ngọc Nghĩa lưu ý, Bộ Tài chính nên quy định chi tiết cụ thể những nguồn chi cho đúng vì phí thì những TP lớn thu rất lớn, nhưng các tỉnh vùng sâu, vùng xa thì không có gì về phí, thu rất ít, để trung ương điều tiết và đảm bảo không có hiện tượng thế này, thế khác vi phạm Luật ngân sách nhà nước.

Những phí nào giảm được thì nên giảm

Với nhiều 51 phí và 39 lệ phí trong dự thảo, ĐBQH đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà lại, có thể gộp một số loại phí, lệ phí với nhau, những phí nào giảm được thì nên giảm để đảm bảo thuận lợi cho người dân.

Quan tâm đến những những loại phí, lệ phí ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất “nếu trong dự thảo luật này Quốc hội không cụ thể hóa được các khoản phí này, không nêu được mục đích thu, nguyên tắc xác định mức thu, cách thức tiến hành thu thì sẽ không giải quyết được bức xúc của cử tri về một số loại  phí. Việc cụ thể hóa các loại phí này trong dự án luật không chỉ giải quyết được bức xúc của cử tri mà còn góp phần tăng thu cho ngân sách, giúp cho các dịch vụ công được cung cấp tốt hơn”.

ĐB phân tích, phí sử dụng tạm thời lề đường, lòng đường, hè phố là một vấn đề bất cập ở các đô thị lớn. Thực tế hiện nay vỉa hè, lề đường được các tổ chức, cá nhân sử dụng, nhưng phí ai thu, thu có đúng quy định pháp luật không thì rất khó thống kê. Vì vậy, qui định cụ thể về loại phí này sẽ rõ ràng, minh bạch, vừa tăng được nguồn thu chính thức cho địa phương, đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội, lập lại trật tự cho vỉa hè, tạo mỹ quan đô thị.

Tán thành với ĐB Nguyễn Văn Cảnh về phí sử dụng tạm thời lề đường, lòng đường, hè phố, ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) đề cập thêm những lo ngại để tránh thất thu từ nguồn thu rất lớn này của các tỉnh, thành phố lớn. Theo ĐB, cho sử dụng tạm lòng đường, lề đường, hè phố có thu phí cần được đảm bảo mỹ quan của đường phố, tránh ách tắc giao thông và đảm bảo nguồn thu./.

Huy Anh