Không quy định cụ thể, thực hiện sẽ khó khăn
Ông Hiển cũng cho rằng, đây là quy định “không thực tế” vì có những doanh nghiệp nợ gấp 10 lần vốn chủ sở hữu nhưng cũng không phá sản. Nếu chỉ nợ có 200 triệu, trong thời hạn 3 tháng không trả được đã lâm vào phá sản thì “đến 99% doanh nghiệp của Việt Nam nằm trong diện phá sản”.
Trả lời câu hỏi tại sao lại quy định các tiêu chí như trên và dựa trên cơ sở nào, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết “Luật Phá sản hiện hành không quy định cụ thể hai vấn đề này nên thực hiện rất khó khăn, có DN nợ ít thôi cũng có thể phá sản. Nếu xác định giá trị khoản nợ cộng với ấn định thời gian để hai bên hòa giải, thương lượng thì sẽ thuận lợi hơn”.
Mặc dù vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện vẫn không đồng tình “Có doanh nghiệp vốn vài chục triệu, có DN vốn vài ngàn tỷ, vậy mà đều áp dụng tiêu chí 200 triệu như nhau thì thật nực cười”. Ông Hiện “phê” quy định này dở hơn luật cũ và gợi ý có thể quy định các khoản nợ căn cứ vào vốn của từng DN.
Tuy nhiên, quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì khác “chẳng cần phải nợ quá hạn đến 200 triệu đồng, anh kinh doanh mà nợ lương người lao động đến 10 triệu thì người lao động cũng có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản. DN kinh doanh đến lương của người lao động còn phải nợ thì dù là DN to hay nhỏ, quy mô vài chục triệu đồng hay cả trăm ngàn tỷ đồng cũng như nhau. Với những trường hợp này thì cần phải tạo điều kiện cho DN tái cơ cấu”.
Quản tài viên có giúp được cho chủ nợ?
Để làm nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản của DN, Hợp tác xã (HTX) lâm vào tình trạng phá sản, Luật Phá sản 2004 quy định thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản, quy định cụ thể về thành phần, chức năng, nhiệm vụ của Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phá sản 2004 của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy, hoạt động của Tổ này không hiệu quả. Do đó, Tòa án nhân dân tối cao cho rằng việc quản lý tài sản của DN, HTX nên giao cho Quản tài viên, còn thanh lý tài sản giao cho Cơ quan Thi hành án dân sự thi hành quyết định tuyên bố phá sản.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết thêm: quản tài viên là người quản lý tài sản của DN, không nằm trong cơ quan nhà nước, tham gia quá trình phá sản để đảm bảo quyền lợi của chủ nợ và con nợ, hạn chế khiếu nại đối với Tòa án. Quản tài viên có thể là Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý có thời gian hành nghề từ 5 năm trở lên.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai ủng hộ quy định nói trên vì theo bà “không làm phình thêm bộ máy nhà nước”. Tuy nhiên, bà Mai lưu ý cần rà soát để quy định chặt chẽ hơn, không nên quy định quản tài viên được bổ nhiệm vì họ chỉ tham gia khi Tòa án chỉ định theo yêu cầu.
Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với quy định này, ngay từ tên gọi. Còn theo quan điểm của Ủy ban Kinh tế, việc bổ sung quy định Quản tài viên là cần thiết. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hoạt động của Quản tài viên trong điều kiện hiện nay, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định chi tiết, cụ thể tiêu chí lựa chọn, địa vị pháp lý (viên chức nhà nước hay người hành nghề theo Luật), cơ chế giám sát, trách nhiệm pháp lý bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong hoạt động của Quản tài viên
Thu Hằng
Theo trang thông tin hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp thì năm 2012 đăng ký 69.874 doanh nghiệp, trong đó dừng hoạt động và giải thể là 54.261 (có 44.906 doanh nghiệp dừng và 9.355 giải thể). Trong khi đó 9 năm thi hành Luật Phá sản 2004, Tòa án thụ lý tổng số 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, Tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản 236 trường hợp (trong đó Toà án quyết định tuyên bố phá sản 83 trường hợp, còn 153 vụ việc chưa ra Quyết định tuyên bố phá sản). Như vậy có thể thấy số lượng đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản so với số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động là rất thấp.
(Trích báo cáo tổng kết thi hành Luật Phá sản của TANDTC) |