Luật Tiếp công dân “phải có lợi cho dân”

20/08/2013
“Tại sao tiếp công dân lại phải cứng nhắc ở trụ sở cơ quan nhà nước, nếu dân bức xúc, lãnh đạo phải về cơ sở gặp dân, hoặc bản thân lãnh đạo thấy cần tiếp xúc với dân thì cũng phải đi”, đó là vấn đề được nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra khi thảo luận về dự án Luật tiếp công dân (LTCD).

Tiếp dân không nên giới hạn về không gian và thời gian

Với 9 Chương, 40 Điều, so với dự luật được đưa ra trước đó, dự luật trình UBTVQH đã được “rút” một số điều và tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng theo ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Một trong những vấn đề được nhiều Ủy viên UBTVQH quan tâm là nơi tiếp công dân. Theo dự thảo luật nơi tiếp công dân “bao gồm trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân hoặc nơi làm việc khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân bố trí…”. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu không bằng lòng “ngay từ khái niệm của dự thảo đã chưa ổn”. Dẫn ra nhiều việc tiếp dân rất thành công như vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh… đều là xuống cơ sở trực tiếp với dân để giải quyết những vấn đề bức xúc, ông Giàu cho rằng tiếp tại trụ sở hay ngoài trụ sở là vấn đề lớn phải hết sức cân nhắc.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhấn mạnh “tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội cũng là tiếp dân nhưng là tiếp tại cơ sở. Thực tế cho thấy việc tiếp dân ở cơ sở trong nhiều trường hợp là rất tốt. Nếu không giải quyết quyền lợi cho dân để họ tập trung đông người đến trụ sở cơ quan nhà nước gây áp lực là cực khổ, chẳng sung sướng gì. Vì thế tiếp dân không nhất thiết phải ở trụ sở”. Ông Phúc cũng đề nghị với những trường hợp tiếp đông người thì cần phải có những quy định cụ thể, ví dụ tiếp như thế nào, trách nhiệm của người tiếp, người yêu cầu tiếp ra sao…

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cũng chỉ rõ “tiếp dân ngoài trụ sở, ngoài cơ quan nhà nước là cần thiết, xuất phát từ thực tiễn. Thực tiễn cho thấy có hai trường hợp, dân cần thì lãnh đạo phải xuống, thứ hai nếu lãnh đạo thấy cần thì phải đi gặp dân. Nhiều vụ chỉ cần lãnh đạo đi gặp dân một giờ đã bằng cả 20 năm. Do đó, tiếp dân ở đâu là vấn đề cần hết sức cân nhắc”.

Dù đưa ra nhiều quy định hết sức mới nhưng nói như Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’So Phước thì luật này phải lấy mục đích chính là phục vụ dân, vì lợi ích của dân. Mà muốn vậy, bộ máy nhà nước phải liên tục được hoàn thiện. Với quan điểm này, ông K’So Phước thẳng thắn “tiếp dân không nên giới hạn về không gian và thời gian. Dân người ta đến, góp ý, phản ánh để cán bộ nhà nước tốt hơn, bộ máy tổ chức tốt hơn thì sao phải hạn chế?”.

Từ chối dân phải có cơ sở

Theo dự thảo luật, người tiếp công dân được quyền từ chối người đến nơi tiếp công dân trong tình trạng say rượu, tâm thần, có hành vi vi phạm nội quy nơi tiếp công dân và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nhiều Ủy viên TVQH cho rằng quy định này chưa rõ. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng cần định rõ các trường hợp khác là trường hợp nào. Bà Mai cũng đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm tiếp công dân của người đứng dầu cơ quan nhà nước và trách nhiệm tiếp công dân của cán bộ trực tiếp được phân công nhiệm vụ tiếp dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cảnh báo “quy định về từ chối tiếp dân phải hết sức thận trọng trong từng trường hợp, bởi có những trường hợp ngay cả Luật Khiếu nại, tố cáo cũng không cấm”. Ông Hiện đề nghị phải rà soát lại để quy định các “trường hợp khác” cho chính xác, nếu không phải dẫn chiếu đến Luật Khiếu nại, tố cáo.

Phê các trường hợp bị từ chối chưa rõ, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương đặt câu hỏi “như thế nào là say rượu, vi phạm nội quy, có thể không tiếp họ được không”. Theo đó, bà Nương đề nghị chỉ nên từ chối với những người mất năng lực hành vi dân sự, những người đang bị kết án… như quy định của một số luật hiện hành khác.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng đơn thư lòng vòng, đùn đẩy gây khó khăn cho người dân, tốn kém công sức, tiền của của cơ quan nhà nước, nhiều ý kiến đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tiếp dân. Trong đó, cơ quan có trách nhiệm tiếp dân không những cần lắng nghe ý kiến, phản ánh từ nhân dân mà còn phải giải thích, hướng dẫn cho dân hiểu các quy định của pháp luật để khiếu nại, kiến nghị hay phản ánh đúng nơi đúng chỗ, đúng pháp luật.

Thu Hằng