Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân: so với Luật KH&CN 2000, Luật KH&CN mới được xây dựng nhằm đáp ứng những yêu cầu của hoạt động KH&CN trong điều kiện nước ta đã là thành viên của WTO và quy định rõ hơn, hợp lý hơn, phù hợp với yêu cầu của NQ TƯ 6 về nhiệm vụ, nguyên tắc của hoạt động KH&CN và khẳng định, đến cuối năm, Bộ KH&CN sẽ trình các dự thảo văn bản hướng dẫn để cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời điểm Luật KH&CN 2013 có hiệu lực (1/1/2014).
Luật KH&CN mới đã đổi mới phương thức nghiên cứu KH&CN theo hướng các đề tài, dự án có tính ứng dụng sẽ được thực hiện theo phương thức đặt hàng của các cơ quan, tổ chức. Kết quả nghiên cứu sẽ có địa chỉ tiếp nhận, tránh tình trạng “nghiên cứu xong bỏ ngăn bàn” như trước đây, gây lãng phí. Đổi mới đầu tư cho KH&CN, ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (2% GDP hàng năm) thì Luật mới đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của xã hội, nhất là doanh nghiệp (phải trích lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu KH&CN). Luật cũng có các quy định đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN, trong đó đặc biệt là mở rộng cơ chế Quỹ cho KHCN ở các Bộ, ngành, địa phương và quốc gia để cấp kinh phí kịp thời cho việc thực hiện các đề tài, dự án; đồng thời thực hiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng (được bàn giao nguồn tài chính đã được khoán khi có sản phẩm cuối cùng mà không cần qua quy trình thanh quyết toán), trừ một số đề tài, dự án không xác định được sản phẩm cuối cùng. Lần đầu tiên Luật KH&CN mới cũng quy định các chế độ ưu đãi trọng dụng các cán bộ khoa học đối với những nhà khoa học đầu ngành; nhà khoa học được nhà nước giao các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia và các nhà khoa học trẻ có tài năng.
Luật PCKB được Trung tướng Trần Việt Tân (Thứ trưởng Bộ Công an) giới thiệu là đạo luật đầu tiên quy định về các hoạt động PCKB, đáp ứng yêu cầu khách quan, đòi hỏi của nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Luật PCKB quy định rõ những vấn đề về tổ chức hoạt động PCKB, phòng ngừa, chống khủng bố, tài trợ khủng bố, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong PCKB… Trung tướng Trần Việt Tân cũng cho biết, trong thời gian tới, sẽ tập trung vào tuyên truyền, phổ biến Luật PCKB, xây dựng các văn bản hướng dẫn và tổ chức triển khai Luật sau khi có hiệu lực (từ 1/1/2014).
Giới thiệu về Luật PCTT, ông Nguyễn Xuân Diệu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản, Luât đã quy định các chính sách của Nhà nước trong PCTT và nguồn lực cho hoạt động này. Luật đã quy định các hoạt động cụ thể trong hoạt động PCTT theo chu trình 3 giai đoạn: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai và giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương các cấp để thực hiện. Luật cũng quy định quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong PCTT, đặc biệt có quyền và nghĩa vụ của các tổ chức nước ngoài, quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam trong PCTT. Thể hiện chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và nội luật hóa các cam kết và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia trong PCTT, Luật đã quy định về hợp tác quốc tế trong PCTT….
Trung tướng Nguyễn Trung Thu (Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) nhấn mạnh, Luật QP&AN sẽ khắc phục những hạn chế, đồng thời tạo ra những bước phát triển trong giáo dục QP&AN, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, làm chuyển biến mạnh mẽ trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Luật gồm 8 Chương 47 Điều quy định các nguyên tắc, chính sách, nội dung cơ bản, hình thức giáo dục QP&AN, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, quyền và trách nhiệm của công dân về giáo dục QP&AN.
Thay mặt Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Lê Minh Hưng (Phó Thống đốc) cho biết, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối quy định về giao dịch vãng lai; giao dịch vốn; sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam; thị trường ngoại tệ, cơ chế tỷ giá hối đoái và quản lý vàng là ngoại hối; quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước; hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối.
H.Giang