Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII, năm 2013 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014

18/06/2013
Sáng nay, ngày 18/6/2013, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII, năm 2013 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 với tổng số 447 đại biểu tán thành (89,76%).

Theo dự thảo Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua thì có 10 dự án được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 đối với 15 dự án, cụ thể như sau:

- Bổ sung vào Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 5 các dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.

- Bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 các dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Việc làm.

- Bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 các dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đầu tư công; Luật Hải quan (sửa đổi); Luật Hộ tịch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Rút khỏi Chương trình năm 2013 các dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi);  Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

- Bổ sung vào Chương trình năm 2013 dự án Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, theo dự thảo Nghị quyết thì có 43 dự án được đưa vào Chương trình năm 2014, bao gồm 30 dự án luật và 02 dự án pháp lệnh trình thông qua và 11 dự án trình cho ý kiến. Trong số này, có 04 dự án do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo là: (1) Luật Hộ tịch (cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, thông qua tại Kỳ họp thứ 7); (2) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8); (3) Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) (cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8); (4) Bộ luật Dân sự (sửa đổi) (cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8). Khác với Chương trình hàng năm của các năm trước đây, Chương trình năm 2014 không quy định về Chương trình chuẩn bị.

Đồng thời, trong dự thảo Nghị quyết được Quốc hội biểu quyết thông qua cũng đã giao một số nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ trong việc triển khai thực hiện Chương trình như Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh nghiên cứu tổng thể những chính sách cần thể chế hoá bằng pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách, tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết, hình thành hồ sơ để kiến nghị với Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội khi đã có đủ điều kiện và đảm bảo thời gian trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Phân công cơ quan cụ thể chủ trì nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ các dự án Luật Bảo vệ an toàn lãnh thổ chủ quyền quốc gia, Luật Hành chính, Luật Phòng, chống dịch bệnh, Luật Nhà giáo, Luật về các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật Khu công nghiệp, Pháp lệnh về tổ chức của các cơ quan thuộc Lực lượng vũ trang nhân dân và trình Quốc xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo đúng quy định của pháp luật; Chỉ đạo giải quyết tình trạng tồn đọng các văn bản quy định chi tiết; tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trình tự, thủ tục ban hành; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết…