Lấy phiếu tín nhiệm: Cử tri cả nước trông đợi sự chuyên tâm, sáng suốt của Đại biểu Quốc hội

10/06/2013
Bắt đầu từ hôm nay 10/6, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm theo tinh thần Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Trước đó, báo cáo kết quả công tác, cũng như đánh giá về phẩm chất lối sống của các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi đến các Đại biểu Quốc hội. Đây là lần đầu tiên Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm nên sự kiện đặc biệt này được sự quan tâm rất lớn từ dư luận xã hội.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, trình bày báo cáo kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho biết, cử tri hoan nghênh, đồng thời kiến nghị các ĐBQH nêu cao ý thức trách nhiệm để việc lấy phiếu được tiến hành thực chất, không hình thức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt, liêm khiết, gương mẫu, có tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời kiến nghị Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát; yêu cầu bộ trưởng, trưởng ngành và người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường trách nhiệm trong quản lý ngành, lĩnh vực; tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các phiên chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Mặc dù Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định Quốc hội "bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn". Tuy nhiên, trên thực tế, việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn chưa được thực hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng bắt đầu từ ngày 1/2/2013 khi Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn có hiệu lực thì công việc này sẽ được tiến hành đồng bộ theo một quy trình chặt chẽ.

Theo Nghị quyết 35 được Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm ngoái, việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành đối với các chức danh lãnh đạo cao cấp, đó là Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước. HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, uỷ viên thường trực HĐND, Trưởng các Ban của HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên của Uỷ ban nhân dân.

Nghị quyết cũng quy định cụ thể ngay phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND. Quốc hội, HĐND sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ; riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013.

Đến thời điểm hiện nay, báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi đến ĐBQH và các bước chuẩn bị tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đã được hoàn tất theo đúng quy trình của Nghị quyết. Trao đổi với báo giới bên hành lang kỳ họp suốt tuần qua, nhiều ĐBQH khẳng định không có một sự "vận động hành lang" hay “lốp bi” nào từ những người được lấy phiếu tín nhiệm. Bản thân ĐBQH cũng không coi báo cáo đánh giá của cá nhân người được lấy phiếu tín nhiệm là kênh thông tin duy nhất để quyết định lá phiếu cho họ. Tuy nhiên, cũng có ĐBQH cho rằng vì đây là lần đầu tiên Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm nên ĐB còn thiếu thông tin về người được lấy phiếu tín nhiệm. Việc báo cáo kết quả công tác của những người này cũng được thực hiện khác nhau, người chi tiết, người khái quát ...và không có sự xác nhận hay phê chuẩn của cơ quan chức năng nên việc ĐB tự "thẩm định" tính chân thực của báo cáo cũng rất khó. Tuy nhiên, với trách nhiệm cao trước cử tri cả nước, ĐBQH sẽ cố gắng cao nhất để làm tròn "sứ mệnh" của mình.

Theo Nghị quyết 35 thì Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

Cũng theo Nghị quyết, người có quá nửa tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người có trên hai phần ba tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.

Thu Hằng

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Chưa có ý kiến nào về tình trạng "chạy" phiếu

Chúng tôi chưa nhận được ý kiến nào về tình trạng "chạy" phiếu hay vận động bỏ phiếu. Người nào làm thế khi bị phát hiện sẽ mất hết uy tín. Đến trước khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, nếu xảy ra hiện tượng này, trách nhiệm của chúng tôi là báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có ý kiến cho rằng việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trước khi các Bộ trưởng trả lời chất vấn là quy trình “ngược”. Tuy nhiên, theo tôi, bỏ phiếu trước khi chất vấn công bằng hơn. Kỳ họp Quốc hội này chỉ 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn. Cũng có những Bộ trưởng chưa từng phải trả lời chất vấn.

ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Đây là cơ hội để người được lấy phiếu tín nhiệm soi rọi lại mình

Theo tôi, lấy phiếu tín nhiệm phải làm sao đánh giá một cách trung thực nhất, đó là điều cử tri mong đợi, chứ không phải mình làm sao để mọi người bị phiếu thấp hay hạ uy tín. Với bất cứ một người nào, việc họ làm được những gì hay chưa làm được những gì thì cũng phải xem xét một cách thận trọng cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trước khi lấy phiếu, ĐBQH đã nhận được báo cáo đánh giá kết quả công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm nhưng là lần đầu nên chưa có quy củ, mỗi người một cách làm khác nhau nhưng tôi cho rằng ĐB sẽ xem xét toàn diện chứ không chỉ từ báo cáo của mỗi người mà còn trên cơ sở trên dư luận, thông tin, ý kiến cử tri, những việc làm cụ thể mà ĐB nắm được bằng nhiều kênh khác.

Một cá nhân ĐBQH sẽ không thể đánh giá được đầy đủ mà quyết định là của tập thể, sự nhìn nhận của nhiều người mới đảm bảo sự chính xác khách quan. Tuy nhiên, qua đợt lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ hội để người được lấy phiếu soi rọi lại mình...

ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Chúng tôi sẽ có thái độ khách quan, công tâm

Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người có chức vụ trong bộ máy nhà nước do QH bầu là một bước tiến mới, một thành tựu mới trong khi chúng ta thực hiện dân chủ. Để lá phiếu của mình chính xác trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bản thân tôi phải nghiên cứu thật kỹ phải nắm bắt thông tin từ công việc của các chức danh đã thực hiện trong nhiệm kỳ của mình. Cùng với đó các ĐBQH cũng phải tham khảo đánh giá của các cơ quan thông tin đại chúng, báo chí trước khi bỏ phiếu.

Xuất phát từ trách nhiệm của mình với cử tri, nhân dân cả nước, chúng tôi sẽ có thái độ khách quan, công tâm để việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất, không hình thức.

Tôi cũng như các ĐBQH khác đã sẵn sàng, chuyên tâm và sáng suốt trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt.

ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị): Nếu để tình cảm chi phối, sẽ làm cho lá phiếu của mình mất tính khách quan

Việc lấy phiếu chính là thước đo trách nhiệm cá nhân, nhưng không chỉ là thước đo đối với 49 vị lãnh đạo cấp cao của nhà nước, mà chính là thước đo trách nhiệm cá nhân các vị ĐBQH. Vì các vị ĐBQH là người cầm lá phiếu quyết định kết quả lấy phiếu, phải hết sức đề cao trách nhiệm của mình đối với đất nước, đối với cử tri đã tín nhiệm, trao cho mình quyền của dân để quyết định lá phiếu. ĐBQH được nhận các báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm, để nghiên cứu, hiểu về người mình sẽ lấy phiếu.

Hiện nay, UBTVQH đã gửi các báo cáo công tác của những người được lấy phiếu tới ĐBQH. Tuy nhiên, tôi cho đó chỉ là một kênh thông tin thôi, ĐB còn cần tham khảo nhiều kênh thông tin khác nữa.

Cử tri cả nước kỳ vọng vào sự khách quan, công tâm của các vị ĐBQH. Muốn thế, ĐB phải rất công phu nghiên cứu, không để lá phiếu sai lệch và cũng tránh tâm lý của người Việt là dĩ hòa vi quý, duy cảm hơn duy lý, nặng tình, nghĩa. Nếu để tình cảm chi phối, nể nang, sẽ làm cho lá phiếu của mình mất tính khách quan.