Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Thu hồi đất phải tính đến kế sinh nhai cho người dân

18/06/2013
Mặc dù dự kiến sẽ được thông qua vào cuối tuần này, trước khi kỳ họp Quốc hội thứ 5 bế mạc, song dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Hôm qua, hai trong nhiều vấn đề được Đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại hội trường là vấn đề về thu hồi đất và hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.

Không thể "trưng mua" thay cho "thu hồi"

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết: Nhiều ý kiến tán thành quy định Nhà nước thu hồi đất. Một số ý kiến đề nghị sử dụng khái niệm “trưng mua” đất đai thay cho “thu hồi đất” vì quyền sử dụng đất là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ và bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp về trưng mua, trưng dụng. Việc thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với trường hợp vi phạm pháp luật đất đai. Có ý kiến đề nghị đối với tài sản hợp pháp của các tổ chức, cá nhân gắn liền với đất thì phải trưng mua.

Tuy nhiên, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, trao quyền sử dụng đất, thu hồi đất.

"Các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu; người sử dụng đất được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất... theo quy định của pháp luật", ông Giàu nhấn mạnh

Trong khi đó, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản (Điều 13) quy định Nhà nước trưng mua nhà và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do đó, không thể thực hiện “trưng mua” thay cho “thu hồi” đất.

Luật còn "mờ nhạt" chuyện kế sinh nhai

ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) đồng tình "nhà nước thực hiện quyền thu hồi đất là hoàn toàn phù hợp". Tuy nhiên đối với các trường hợp thu hồi đất có nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì theo ĐB "nhà nước phải trưng mua, bởi nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của tổ chức và cá nhân thì nhà nước không thể thu hồi lại càng không thể coi đây là việc bồi thường tài sản gắn liền với đất là hệ quả của quyết định thu hồi đất".

Không ngần ngại khi cho rằng "đang có sự nhầm lẫn trong các lý giải việc trưng mua đất và trưng mua quyền sử dụng đất", ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhấn mạnh: nếu chúng ta chỉ quy định thu hồi đất thì rõ ràng chúng ta đang đối xử không công bằng với người dân, lợi ích chính đáng của họ trước pháp luật chưa được tôn trọng và bảo vệ, người dân vẫn sống trong cảnh thụ động, với tâm lý có thể bị tước đoạt tài sản bất cứ lúc nào.

Đối với tài sản gắn liền với đất như nhà ở, các công trình kiến trúc là tài sản thuộc sở hữu của người dân, ĐB Vinh đề nghị Ban soạn thảo làm rõ cơ sở pháp lý nào để thu hồi cả tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của người dân. Theo ĐB này "cần xây dựng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất và cơ chế tự thỏa thuận về giá đất bồi thường giữa doanh nghiệp và người có đất bị thu hồi".

Cũng chưa bằng lòng với việc quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất như dự luật, ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đề nghị dự thảo cần quy định rõ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là thu hồi đất để sử dụng vào mục đích chung phi lợi nhuận. Đồng thời bổ sung các tiêu chí có tính khái quát chung để xác định như thế nào là dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất phân biệt rõ với các dự án đầu tư kinh doanh có nhu cầu sử dụng đất khác.

Sau thu hồi đất, một trong những vấn đề ĐBQH cũng như người dân hết sức quan tâm đó là vấn đề đảm bảo cuộc sống cho người dân ở những nơi có đất bị thu hồi. ĐB Trần Ngọc Vinh cho rằng "luật còn mờ nhạt về chuyện kế sinh nhai cho người dân sau khi mất đất, cần có quy định đặc thù cho người cao tuổi, người tàn tật... bị mất đất. Không thể cứ đưa họ vào khu tái định cư là xong". Còn ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) thì chỉ rõ rằng, pháp luật dù đã đầy đủ nhưng thực hiện tái định cư chưa tốt làm phát sinh khiếu nại. Theo ĐB này, trước khi tiến hành cưỡng chế cần tổ chức đối thoại công khai với dân về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cũng đề nghị "dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên bổ sung nguyên tắc trước khi thu hồi đất phải lập phương án tái định cư rõ ràng. Việc bồi thường tái định cư khi Nhà nước thu hồi phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định của pháp luật, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân bằng hoặc hơn nơi ở cũ".

Có những quy định khả thi, trên hết là đứng về lợi ích của người dân, dự thảo Luật Đất đai được thông qua sẽ tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đồng thời hạn chế khiếu kiện của dân mà hiện nay đang là vấn đề bức xúc.

Thu Hằng

Về công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật không bắt buộc công chứng hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất. Có ý kiến đề nghị quy định việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần có công chứng; trường hợp cho thuê, cho mượn quyền sử dụng đất thì không nhất thiết phải công chứng mà do hai bên tự quyết định.

Tại phiên thảo luận hôm qua, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), Lê Minh Hiền (Khánh Hòa), Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng tàu)... đều cho rằng việc bắt buộc đăng ký là cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho các giao dịch này, vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Tuy nhiên, do hệ thống Phòng công chứng, Văn phòng công chứng ở nước ta chưa phát triển rộng khắp, do đó cần có quy định phù hợp để thuận lợi cho người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.