Phải “chặn” tình trạng thông thầu, tiêu cực

12/07/2013
Đó là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đối với dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được đưa ra trong phiên họp thứ 19 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm qua - 11/7. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh “phải nói rõ cho Quốc hội biết là với dự án Luật này hơn với Luật hiện hành ở chỗ nào trong việc ngăn chặn thông thầu, tiêu cực, và thông thầu thì bị xử lý ra sao”.

Từ nhiều năm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng rất bức xúc về tình trạng thông thầu “sau khi thông thầu là đội giá lên rất lớn. Chúng ta thử tìm xem có công trình nào không đội giá? Nhiều công trình giao thông, xây dựng dây dưa, kéo dài, chậm tiến độ cũng để điều chỉnh giá. Đã trúng thầu rồi thì giá đó phải là giá cuối chứ sao cứ điều chỉnh?”. Chủ tịch cũng trăn trở “tôi thấy đau chỗ này lắm, công trình nào cũng điều chỉnh giá lên, bắt không được, xử lý không được mà vẫn đúng luật. Thế thì hỏi Luật dở hay Luật đúng. Sửa luật lần này là phải khắc phục tình trạng đó. Chứ quy định như dự thảo hiện nay là quá nhẹ nhàng”.

Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, giải quyết triệt để tình trạng thông thầu, đội giá, tiêu cực…là những vấn đề đại sự. Hiện nay, các nhà thầu nước ngoài rất muốn đấu thầu trọn gói nhưng với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định. Về những ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho biết sẽ tiếp thu và làm việc với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội  để tiếp tục nghiên cứu, thiết kế các quy định cho chặt chẽ, rõ ràng.

Báo cáo một số nội dung lớn của dự án luật, Uỷ ban Kinh tế cho biết: Có ý kiến đề nghị khi phát hiện hành vi cấu kết, thông đồng trong đấu thầu thì phải xử lý ngay mà không cần phải chứng minh hành vi đó có làm ảnh hưởng đến lợi ích của tập thể, lợi ích của quốc gia hay không.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tiếp thu và bổ sung, chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn về hành vi bị cấm trong quá trình lựa chọn nhà thầu, về hành vi bị cấm trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, về hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu, về hình thức phạt tiền và về xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’So Phước lưu ý “không nên biến Luật Đấu thầu thành một luật tổng hợp, trong đó có cả Luật Xử lý vi phạm hành chính. Chẳng hạn tại sao lại đưa việc xử lý vi phạm đối với đảng viên vào dự luật?”

Liên quan đến việc đấu thầu thuốc chữa bệnh, theo Ủy ban Kinh tế, kinh phí mua thuốc chữa bệnh được sử dụng chủ yếu từ quỹ bảo hiểm y tế, nguồn viện phí và một số nguồn khác. Nguồn vốn ngân sách nhà nước quy định trong dự thảo Luật không bao gồm nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn viện phí. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự án Luật bổ sung quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định cơ chế riêng về đấu thầu mua thuốc chữa bệnh.

Cũng trong ngày hôm qua, UBTVQH đã cho ý kiến vào những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Cũng như với dự án Luật Đấu thầu sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, Luật phải khắc phục tình trạng lãng phí và khi phát hiện lãng phí thì phải có quy định để xử lý.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển phân trần: Luật tập trung những lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí như xây dựng cơ bản, tài nguyên, sử dụng lao động. Khi phát hiện lãng phí, dự luật quy định xử lý bằng quy định trách nhiệm người đứng đầu phải giải trình, gây lãng phí phải bồi thường. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Hiển cũng thừa nhận “khó khăn nhất là lượng hoá lãng phí, có công trình ở thời điểm hiện tại thì có biểu hiện lãng phí nhưng trong tương lai lại đáp ứng yêu cầu”.

Hôm nay 12/7, phiên họp thứ 19 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ kết thúc.

Thu Hằng