Thực hiện tranh tụng ở cả các vụ án dân sự, hành chính
Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết 49, toàn ngành Tòa án đã giải quyết được 1885.108 vụ án các loại trong tổng số 1.969.871 vụ án đã thụ lý, đạt tỷ lệ 96%. “Việc chấp hành quy định của pháp luật về thời hạn xét xử được các Tòa án thực hiện khá nghiêm túc; chất lượng xét xử tiếp tục được đảm bảo, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán năm sau thường thấp hơn năm trước. Một số khuyết điểm, thiếu sót trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án những năm trước đây như để án quá hạn; cho hưởng án treo không đúng quy định; bản án tuyên không rõ gây khó khăn cho công tác Thi hành án dân sự… đã được các Tòa án khắc phục có hiệu quả”. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn đánh giá.
Đặc biệt, cũng theo Phó Chánh án Nguyễn Sơn, Tòa án các cấp đã triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng trang tụng tại các phiên tòa xét xử; đảm bảo cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình; chú trọng việc đánh giá các chứng cứ mới. Việc đổi mới thủ tục xét hỏi và tranh luận không chỉ ở các phiên tòa xét xử hình sự mà được áp dụng đối với cả các phiên tòa dân sự, hành chính.
Đưa tranh tụng thành một nguyên tắc cơ bản
Cũng trong vòng 8 năm, Tòa án các cấp đã giải quyết 45.772/50.138 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bằng 91%. Với việc áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ công tác giải quyết đơn thư đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều vụ việc bức xúc, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người.
Tuy nhiên, TANDTC cũng thừa nhận, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán chưa giảm mạnh; số lượng đơn thư đề nghị giám đốc thẩm tái thẩm chưa được giải quyết vẫn còn nhiều; Việc đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa, đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án chưa thực sự toàn diện, sâu rộng do thiếu hướng dẫn cụ thể về nội dung, phương thức thực hiện.
Phó Chánh án TANDTP. Hải Phòng Phạm Đức Tuyên cho rằng “tranh tụng trong các vụ án dân sự, hành chính còn chưa rõ nét, trong đó phải kể đến nguyên nhân là do hiện nay quy định về tranh tụng rất khái quát, chưa được coi là nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính”. Do đó, theo ông Tuyên, cần sửa đổi bổ sung các Bộ luật tố tụng theo hướng quy định tranh tụng là nguyên tắc cơ bản trong tố tụng, tránh việc thực hiện hình thức. Được biết, vấn đề này trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp 1992, TANDTC đã kiến nghị và được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đưa nguyên tắc “tranh tụng tại phiên tòa” thành một nguyên tắc hoạt động của Tòa án trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Cải cách tư pháp thì Tòa án luôn được xem là có vai trò trung tâm trong hệ thống cơ quan tư pháp. Mặc dù chủ trương này đã từng bước được thể chế hóa trong các quy định của pháp luật nhưng theo TANDTC thì “còn mờ nhạt, nhất là vai trò, vị trí chưa được thể hiện trước, trong và sau hoạt động xét xử của Tòa án”.
Thời gian tới, TANDTC xác định tiếp tục đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa là khâu đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xét xử; đảm bảo các phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, mang lại công lý,niềm tin cho nhân dân.
Bình An
TANDTC đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chỉ đọa Cải cách tư pháp TW lãnh đọa, chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật như Hiến pháp, Luật tổ chức TAND sửa đổi, Luật tổ chức VKSND sửa đổi và pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra, cơ quan Thi hành án…bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm và chủ trương của Nghị quyết 49 trong các văn bản này. |