Dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam: Bảo đảm công khai, minh bạch trong chính sách

11/09/2013
Hôm qua 10/9, cho ý kiến về dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt lưu ý “dự luật phải thể hiện được quan điểm của Đảng và nhà nước ta trong quá trình hội nhập, làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nước ngoài nhưng cũng phải quản lý chặt để tránh việc lợi dụng chính sách”.

Cần quy định chặt hơn điều kiện cấp thị thực với một số đối tượng “đặc biệt”

Nhất trí về sự cần thiết xây dựng Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam như Tờ trình của Chính phủ nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Nguyễn Kim Khoavấn đề nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về chính trị - pháp lý, mà còn tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là khi nước ta đang tích cực chủ động hội nhập quốc tế”.  Vì thế, quan điểm của Ủy ban Quốc phòng và an ninh là dự án Luật được xây dựng phải thể hiện rõ và đầy đủ nguyên tắc chủ quyền quốc gia và bình đẳng trong quan hệ quốc tế, kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa yêu cầu phát triển kinh tế, mở rộng đối ngoại với bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thể chế hiện hành.

Một vấn đề đáng chú ý trong dự luật là quy định liên quan đến vấn đề thị thực. Theo dự thảo “thị thực không được chuyển đổi mục đích trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng an ninh cho rằng “cần quy định cụ thể ngay những trường hợp đặc biệt được chuyển đổi mục đích thị thực để bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch trong chính sách, pháp luật, tạo thuận lợi cho người nước ngoài thực hiện và chặt chẽ trong công tác quản lý”.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đồng tình với quan điểm của Ủy ban, đồng thời nhấn mạnh thêm “Nếu không quy định rõ các trường hợp đặc biệt thì sẽ không đảm bảo tính công khai, minh bạch. Chẳng hạn như người lao động nước ngoài vào Việt Nam, không phải trường hợp nào cũng được cấp phép”. Bà Mai cũng đề nghị bổ sung các trường hợp lao động được cấp phép nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam ngoài quy định “mời, bảo lãnh” như dự luật.

Đối với quy định về điều kiện cấp thị thực, đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định chặt chẽ, cụ thể hơn điều kiện kèm theo để được cấp thị thực thuộc nhóm dễ phát sinh những vấn đề phức tạp như: du lịch, lao động, những người được cấp thị thực ký hiệu D theo Pháp lệnh hiện hành có thể thông qua việc chứng minh về tài chính, vé máy bay khứ hồi.

Nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý

Mặc dù báo cáo tổng kết Pháp lệnh xuất nhập cảnh và Tờ trình của Chính phủ đều nêu rõ những hạn chế trong quy định của pháp luật hiện hành về công tác quản lý, nhưng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu “dự thảo vẫn chưa quy định rõ sẽ khắc phục hạn chế này ra sao”, trong đó theo Phó Chủ tịch, quy định “Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã thực hiện các nội dung liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” là chưa rõ, khó khả thi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh “Phải tăng cường công tác quản lý. Dự thảo phải quy định sao để thuận lợi trong thực hiện, nhất là công tác quản lý ở cấp cơ sở”. Vấn đề này, Ủy ban Quốc phòng an ninh cũng cho rằng “Pháp lệnh hiện hành chỉ xác định trách nhiệm đối với UBND cấp tỉnh, nên việc quản lý đối với người nước ngoài ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn và đây là khâu yếu nhất hiện nay. Khắc phục hạn chế này, dự án Luật đã quy định trách nhiệm của UBND cấp huyện và cấp xã nhưng còn chung chung, khó bảo đảm tính khả thi và hiệu quả”.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn yêu cầu các cơ quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 tới đây.

Bình An