Suy nghĩ về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

29/08/2013
 

Lời Ban biên tập:

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên, luật sư Vũ Trọng Khánh từ giã sự nghiệp pháp luật, tư pháp để đi vào cõi vĩnh hằng đã mười tám năm, để lại nỗi tiếc thương, sự khâm phục của thế hệ cán bộ tư pháp hôm nay về tấm gương của một người cán bộ tư pháp suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, cho sự nghiệp luật học, sự nghiệp tư pháp.

Sinh thời, Ông là người học trò tin cậy, được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm dìu dắt, trở thành một trong những cán bộ cốt cán đầu tiên trong chính quyền dân chủ nhân dân, trong bộ máy tư pháp được xây dựng từ sau Cách mạng tháng Tám.

Với tấm lòng kính yêu vô hạn, sự khâm phục bản lĩnh, tài năng, đức độ  đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1994, một năm trước khi qua đời, luật sư Vũ Trọng Khánh đã viết tập hồi ký, ghi lại suy nghĩ, cảm xúc của mình về Bác Hồ vĩ đại.

Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp, cùng với đó là  đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tích cực thực hiện Chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp, Ban Biên tập xin đăng tập hồi ký của  Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên, luật sư Vũ Trọng Khánh.

Nghị quyết của UNESCO suy tôn Hồ Chủ tịch là “Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội (29/3/1990) nói lên: Người là “một vĩ nhân, một con người của thời đại”. Ông Atmet, đại diện UNESCO coi Người là “một nhà thông thái hiện đại”, là “một trong số ít nhân vật lịch sử trở thành một bộ phận huyền thoại ngay khi còn sống”.

Những danh từ cao đẹp nhất đã được thế giới dùng để ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phải có một Viện nghiên cứu Hồ Chí Minh để sưu tầm, khảo cứu mới dần dần tìm ra những đặc sắc của Người.

Về phần tôi, đến với Bác là tiếp cận một thế giới mênh mông. Lần đầu tiên gặp Bác vào cuối tháng 8 năm 1945, lúc đó tôi là Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ lâm thời. Hội đồng Bộ trưởng tối nào cũng họp dưới quyền chủ tọa của anh Võ Nguyên Giáp. Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu chưa về. Một tối, anh Võ Nguyên Giáp báo tin: mai Bác về. Tối hôm sau, Hội đồng đang họp thì cửa phòng hé mở, Bác lặng lẽ bước vào: một Cụ già gầy guộc, tóc và râu lơ thơ còn đen, vầng trán rộng, mặc áo cánh, quần cộc nâu, chân đi giày vải chàm, vai vắt khăn mặt, tay cầm mũ cứng và ba toong, dáng mệt mỏi nhưng nét mặt vui, miệng hé cười để lộ hàm răng cửa vẩu và sứt. Chúng tôi im lặng. Tim tôi se lại với lòng kính cẩn đón một lão du kích từ đêm dày hoạt động cách mạng liên tục, giờ đây xuất hiện giữa Thủ đô. Anh Giáp giới thiệu Hội đồng rồi mời Bác huấn thị. Bác đứng dậy, tiếng nói nhỏ nhẹ, khuyên bảo về nhiệm vụ của chúng ta, về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư… Nghề nghiệp luật sư và văn hóa Tây âu khiến tôi quen ngưỡng mộ những lãnh tụ diễn thuyết hùng hồn, lôi cuốn. Đâu biết có một lãnh tụ bảo ban như trong gia đình bằng lời lẽ là những câu Nho giáo ngày xưa.

Bây giờ, 45 năm sau, trước lời suy tôn của thế giới, tôi muốn tìm hiểu những yếu tố nào cấu thành nền văn hóa của con người Hồ Chí Minh.

Yếu tố thứ nhất phải là nguồn gốc gia đình.

Bác Hồ sinh trưởng trong một gia đình Nho giáo xứ Nghệ Tĩnh, thâm thúy tinh thần Nho sỹ yêu nước. Cụ thân sinh ra Bác là Nguyễn Sinh Sắc, một học giả, đỗ Phó bảng nhưng không ưa làm quan.

Từ đó ta hiểu Bác rất giỏi chữ Hán, lời đạo đức Bác nói ra là Nho giáo, một học thuyết Khổng Mạnh đã được Việt Nam hóa, đến Bác Hồ thì được hiện đại hóa. Đồng thời ta hiểu nguồn gốc yêu nước, thương nòi của Bác về sau phát triển thành tư tưởng cách mạng hiện đại là lòng nhân đạo và tình yêu nhân loại.

Yếu tố thứ hai là cuộc chu du của thanh niên Nguyễn Sinh Cung đi khắp năm châu để tìm đường cứu nước: đi Pháp, sang Anh, đi Mỹ, đi châu Phi, sang Nga, nhiều năm ở Trung quốc, Thái Lan… Bác nói tiếng Pháp, Anh, Trung quốc, như tiếng Việt, biết tiếng Nga. Đến nước nào, Bác học tiếng nước ấy (kể cả thổ ngữ) và lao động để nuôi thân: rửa bát, làm bếp ở khách sạn, in ảnh, sơn vẽ đồ cổ… Nhà báo Hoàng Thịnh kể đã sang Mỹ, đến khách sạn Boston, bang Maxachuxet ở đông bắc Hoa Kỳ, được vào xem nhà bếp, nơi Bác Hồ lao động năm 1915.

Ở Pháp, Bác đã được Chủ nhiệm tờ báo của Đảng Xã hội luyện cho  viết báo. Từ đó Bác thạo Pháp văn, viết báo, viết kịch, viết kiến nghị đòi giải phóng Việt Nam, giải phóng thuộc địa… Bác am hiểu Cách mạng Pháp, văn hóa Pháp. Về văn học, Bác đủ trình độ để thích đọc Shakespeare và Dickens bằng tiếng Anh, Hugo, Zola, Anatole Frans bằng tiếng Pháp, Tolstoi bằng tiếng Nga. Thơ chữ Hán của Bác thì tuyệt tác. Như vậy, khi chu du thì về đời sống vật chất, Bác lao động chân tay để nuôi miệng, về học thức Bác tự học đến trình độ cao, thưởng thức được văn học, nghệ thuật, làm thơ…Nhưng các điều đó là thứ yếu. Điều quan trọng quyết định chí hướng của Bác và vận mệnh nước nhà là hai thu hoạch sau đây:

Thu hoạch thứ nhất: Bác thấy không chỉ dân mình nghèo khổ mà nhân dân châu Á, châu Phi, cả dân lao động ở Pháp, Anh, Mỹ cũng nghèo khổ. Nguyên nhân là do bọn tư bản, địa chủ, đế quốc áp bức, bóc lột một cách tàn ác.

Thu hoạch thứ hai: con đường giải phóng đã bừng sáng trong cuộc hành trình sang đất nước Lênin sôi sục (1923-1924), tức là con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa.

         

Yếu tố thứ ba trong cơ sở sinh lý của nền văn hóa của Bác Hồ là bộ não thượng đẳng sinh ra một trí thông minh thượng đẳng. Ta không hình dung nỗi bộ óc của Bác chứa đựng một khối lượng hiểu biết rộng rãi đến thế nào, chứa đựng một cơ chế lập luận sắc bén rất nhanh, rất tế nhị. Bác nhớ rất kỹ, rất lâu, đối đáp chớp nhoáng. Bác rất thính để hiểu và giải quyết những tình huống trừu tượng. Thầy học thuở nhỏ của Bác đã nói: Nguyễn Sinh Cung học một biết mười.

Và bây giờ vẫn không giải thích được làm sao trí thông minh của Bác đã có thể, khi viết các vần thơ tuyên truyền ở Pác Bó năm 1941, Bác đã tiên đoán năm 1945 sẽ giành được độc lập. Năm 1953 tại Hội nghị động viên lương thực cho Chiến dịch đông-xuân, kết thúc lời động viên, Bác tập Kiều: “Đành lòng chờ đợi ít lâu/ Chầy thì cũng chỉ năm sau vội gì” (ý Bác là năm sau kháng chiến thắng lợi). Và thư viết cho đồng bào miền Nam năm 1960 Bác đã khảng định năm 1975 miền Nam sẽ giải phóng.

Cơ sở nữa là trái tim thương xót dân tộc mình, thương xót nhân loại đau khổ, căm ghét bóc lột, căm ghét tội ác đến mức tự nguyện hy sinh hoàn toàn cuộc đời mình cho đấu tranh cách mạng. Hai cơ sở đó đẻ ra tinh thần và lập trường cách mạng của Bác. Tinh thần của Bác là tự lập, tự cường, từ việc lãnh đạo, điều hành cách mạng đến việc nhỏ làm ăn, sinh sống, học hành, rèn luyện thân thể để có sức phục vụ. Bác biết giữ sức khỏe bằng thể dục (tập thái cực quyền, luyện khí công, xoa bóp bắp chân bằng nước giải…), đồng thời biết di dưỡng tinh thần. Bác thường xem các bảo tàng, thưởng thức nghệ thuật ở các nước, nhất là làm thơ. Hãy xem bức ảnh Bác ngồi bên cửa sổ trầm ngâm vào buổi chiều và câu thơ: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ/ Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau”. Đẹp và cao thượng như một ông tiên!

Lập trường của Bác là đứng hẳn vào hàng ngũ nhân dân lao động, những người sống giản dị, nghèo khó, ít học. Mặt khác, xa hẳn bọn bóc lột, ghét lối sống quan cách, giàu sang, áp bức. Lập trường trong con người Bác Hồ không phải chỉ là nhận thức lý luận mà trở thành tình cảm sâu sắc, thành tính nết bền vững của Bác thể hiện ra lời nói, lối sống, hành động hàng ngày, trở thành bản chất con người của Bác và bộc lộ ra hai mặt:

Thứ nhất, Bác gần gũi bà con lao động. Bác ăn và mặc thật đơn giản. Bác có lối viết, cách nói nôm na dễ hiểu mà nội dung vẫn đúng. Những vần thơ tuyên truyền của Bác nôm na đến mức có thể ngạc nhiên: sao một tác giả nôm na như thế lại sáng tác được những vần thơ chữ Hán tuyệt tác, đòi hỏi học thức rất cao? Khi nói chuyện ngay cả với cán bộ, Bác không viện dẫn kinh điển mà rút học thuyết, lý luận thành câu cô đọng, lời văn thông thường. Ví dụ, ở Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1950 tại Việt Bắc, Bác nói với chúng tôi, cán bộ pháp lý: “Chúc các chú làm thế nào để trở thành thất nghiệp!”. Hiểu ý nghĩa trước mắt là các chú phải tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân đoàn kết, không kiện tụng nhau. Ý nghĩa sâu xa là theo học thuyết Mác-Lênin thì khi Chủ nghĩa cộng sản thắng lợi thì sẽ không còn nhà nước thống trị áp bức.  

Thứ hai, ghét lối sống quan cách, giàu sang. Bác chỉ có bộ quần áo kaki cổ đứng và đôi dép lốp ngay cả khi đi giao thiệp ngoại giao. Bác không chịu để ai hầu mình. Hai lần ở cuộc họp, tôi bắc ghế để Bác ngồi, Bác không ngồi! Sang Inđônêxia, phòng tiếp khách của Bác thiếu ghế, Bác ngồi xệp xuống thảm dưới sàn. Mọi người vui vẻ làm theo. Đến Ấn độ, trong một buổi lễ nghi đón khách, Thủ tướng Nê-ru mời Bác ngồi trên một chiếc ghế sang trọng như cái ngai vàng. Bác nhất định không ngồi, phải thay ghế khác. Những cử chỉ đó tác động đến dư luận. Nhưng cần phải hiểu rằng, đây không phải chỉ là cử chỉ tuyên truyền mà chính là tính tình con người Bác.

Tôi được thấy trong con người của Bác cùng tồn tại hai tính tình trái ngược nhau là yêu thương sâu sắc vô cùng và căm ghét vô cùng sâu sắc.

Năm 1945, khi mới về Hà nội, còn ở nhà dân ở phố Hàng Ngang, lúc 4 giờ sáng trời rét như cắt đã nghe em bé rao bành mỳ nóng, Bác ứa nước mắt. Trải qua những năm đất nước bị chia cắt, hễ nói đến đồng bào miền Nam là Bác mủi lòng lộ ra nét mặt. Đối với các cháu thanh thiếu niên, Bác quây quần đầm ấm. Các bà mẹ đẻ sinh ba, sinh tư được Bác biếu quà. Bác quý các cụ già như bậc trên. Viết thư cho một cụ nhiều tuổi hơn Bác, Bác xưng cháu. Các cán bộ là các cô, các chú như em của Bác. Ra nước ngoài, đối với các tầng lớp nhân dân, Bác cũng chan chứa tình cảm.

Trái lại, trong Chính phủ lâm thời, nói đến cán bộ phạm pháp, Bác bảo với tôi: “Tôi ghét lắm”. Năm 1950 Bác yêu cầu Tòa án quân sự xử tử không khoan nhượng Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu can tội tham ô. Đối với địch thì dứt khoát, mặc dù thủ đoạn ngoại giao mềm dẻo.

Nền văn hóa trong con người Bác Hồ biến thành hành động, đã tạo nên sự nghiệp của Bác như thế nào? Ở đây tôi chỉ nói đến hai phương diện  mà tôi được chứng kiến.

Đầu tiên là đấu tranh quốc tế giành độc lập cho Việt Nam.

Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai là cuộc tranh giành thuộc địa. Các cường quốc tranh nhau quyền đô hộ, bóc lột dân tộc yếu. Khi Hít-le thất bại, đối với Đông Dương, các nước đồng minh chỉ nghĩ đến vấn đề đặt dưới chế độ ủy trị quốc tế trực thuộc Mỹ hay trả lại cho thực dân Pháp đô hộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam ngày 2 tháng 9 năm 1945 là đập tan âm mưu đó. Tuyên ngôn là một văn kiện pháp lý công pháp quốc tế, không những khảng định quyền độc lập dân tộc Việt Nam mà còn mở đầu cho quá trình tiêu hủy chế độ thuộc địa, công nhận quyền độc lập của các dân tộc trên trái đất. Thực tế là 15 năm sau, ngày 14 tháng 12 năm 1960, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố: " Khẩn thiết chấm dứt mau chóng và vô điều kiện chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức và mọi biểu hiện". Mười năm sau nữa, ngày 12/12/1970, Đại hội đồng Liên hợp quốc ra Nghị quyết về chương trình thực hiện tuyên bố đó. Như vậy Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam có ý nghĩa đối với lịch sử Việt Nam và cả đối với lịch sử thế giới.

Hồ Chủ Tịch đọc Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam trước quốc dân đồng bào, trước thế giới xong thì lãnh đạo mau chóng thành lập Quốc hội dù có phải nhượng bộ 70 ghế cho hai cánh Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần. Quốc hội đầu tiên của nước ta được bầu ngày 6/1/1946, họp phiên đầu tiên ngày 2/3/1946 có vai trò một mặt củng cố địa vị đối ngoại của Việt Nam, một mặt làm luật để xây dựng chính quyền quản lý nội bộ Việt Nam.

Nội tình Việt Nam lúc đó hỗn độn, Tưởng Giới Thạch điều quân của Tiêu Văn vào miền Bắc bên ngoài là để giải giáp quân Nhật nhưng kéo theo bọn giả danh cách mạng Việt Nam đang trú ngụ bên Trung Quốc là Việt nam Quốc dân đảng, Việt Nam cách mệnh đồng minh hội để hòng sử dụng chúng làm tay sai  nắm quyền cai trị miền Bắc Việt Nam. Mặt khác, quân Pháp cử một số đại diện nhảy dù xuống Hà Nội. Trong khi ở miền Nam thì quân Pháp đi theo quân Anh vào giải giáp Nhật, âm mưu chiếm lại Nam Kỳ.

Ở Hà Nội, Hải Phòng hàng ngày xẩy ra tống tiền, bắt cóc, ám sát, nổ súng, quân tàu đòi tiền, đòi giám sát... Đại diện Pháp thì đòi trao đổi ý kiến… Bác thỏa mãn quân tàu về đòi hỏi vật chất và khuyên nhân dân đừng đánh lại chúng, nhưng khi tướng tàu muốn đặt cố vấn bên cạnh Chính phủ Việt Nam thì Hồ Chủ Tịch trả lời: " Thưa ngài, đối với tôi, chỉ có nhân dân Việt Nam là có quyền giám sát tôi, ngoài ra không có ai được giám sát cả".     Một mình Bác đi giao thiệp trong Hà Nội trên một ô tô con, có một bảo vệ. Tôi hỏi Bác đi thế sợ nguy hiểm, Bác bảo: " Chưa việc gì".

Về phía Pháp, đại diện là Saintey (Xanh-tơ-ny) nhiều tối hội đàm riêng với Hồ Chủ tịch bên cạnh phòng tôi ở, thỉnh thoảng có anh Hoàng Minh Giám dự cuộc hội đàm, là một ván cờ mà một mình Bác tính nước. Bác ký được với Xanh-tơ-ny Hiệp ước sơ hộ 6/3/1946 là một thiên tài sách lược, lập tức quân tàu rút hết về nước, chấm dứt nạn sách nhiễu hàng ngày của chúng, chỉ còn đoàn Pháp, tình hình nhẹ nhõm hẳn đi.

Hiệp ước 6/3/1946 đặt Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp. Việt Nam có Nghị viện, quân đội, tài chính riêng. Nhưng Pháp không đồng ý ghi Việt Nam là nước tự trị. Cuối cùng Bác đề nghị gọi Việt Nam là nước tự do. Xanh-tơ-ny chấp nhận, còn miền Nam có thống nhất với miền Bắc không thì sẽ trưng cầu ý dân miền Nam.

Sau khi ký Hiệp ước 6/3, Bác thống nhất với Đô đốc Đác-giăng-li-ơ (d' Argenlieu) đến cuối tháng 5/1946. Việt Nam sẽ cử một phái đoàn sang Pháp đàm phán về mối quan hệ hai nước, Bác cùng đi với danh nghĩa thượng khách. Có ý kiến e ngại Bác đi sang Pháp có thể gặp nguy hiểm. Bác quyết định cứ đi, việc này cũng như việc một mình Bác đi giao thiệp ở Hà Nội không sợ ám sát là cái khiếu mẫn thính của nhà chính trị lỗi lạc, cảm đoán được chiều hướng của một tình hình trừu tượng gọi là vô trọng lượng, không có gì để cân nhắc được (les imponderables).

Hội nghị đàm phán giữa Việt Nam và Pháp họp ở Phông-ten-bờ-lô (Fontainebleau) thất bại. Phái đoàn Việt Nam do anh Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, tôi là một chuyên viên pháp lý xuống tầu thủy về nước. Một gia đình Pháp tỏ ý lo âu nói với tôi:" Không biết chúng có để cho các ông về đến nhà không"?

Một mình Hồ Chủ tịch ở lại Pari, đàm thảo cùng Bộ trưởng Bộ Hải ngoại Mu-tê( Moutet), đến nửa đêm 14/9/1946 mới ký xong một tạm ước, rồi Bác xuống tầu chiến Đuy-mon Dur-Vin ( Dumont Durville) của Pháp về nước. Tôi nghĩ Tạm ước 14/9/1946 đã bảo trợ cho đoàn Việt Nam về nước yên ổn.

Khi tầu Bác đến Vịnh Cam ranh, Cao ủy Pháp là Đô đốc Đác-giăng- li-ơ mời Bác xuống tầu chỉ huy của hắn với lễ nghi long trọng, dàn binh, bắn pháo để phô trương, hòng uy hiếp tinh thần.

Bác vẫn mặc bộ kaki cũ, đội mũ cứng, vác ba toong, đi cùng bác sỹ Trần Hữu Tước ( người săn sóc sức khỏe) xuống tầu. Y phục quá tầm thường của Bác trái ngược hẳn với nghi lễ ra oai của Đác-giăng-li-ơ. Tôi nghĩ đó là một sự đối đáp của Bác. Chúng xếp Bác ngồi giữa, một bên là Thống soái lục quân Pháp ở Viễn Đông, một bên là Đô đốc hải quân Pháp ở Thái Bình Dương. Vào tiệc, Đác-giăng-li-ơ giọng bóng gió nói: “Thưa Chủ tịch, thế là ngài được đóng khung thật tốt giữa Lục quân và Hải quân”.

Viên Cao ủy nhấn mạnh câu " đóng khung thật tốt". Nói xong y và cả bọn cười khoái chí.

Bác mỉm cười, trả lời bằng tiếng Pháp: “Nhưng ngài biết đấy, thưa Đô đốc, chính bức tranh mới đem giá trị lại cho cái khung!”.

Bọn quan thực dân ngồi lịm đi và từ đó không dám giở trò chơi chữ với Bác (theo lời bác sỹ Tước kể lại). Tôi thấy đây là đốp chát giữa tư tưởng phản động của một đô đốc hải quân thực dân, nguyên là thầy tu đỗ tiến sĩ thần học và tư tưởng văn hóa hiện đại Á-Âu của Bác Hồ. Ngẫm lại ta thấy một mình Bác lo liệu, không ai lúc đó có trình độ hiểu biết, kinh nghiệm thế giới, tinh thần vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo để thay Bác được.

Tiếp theo là tranh thủ nhân dân.

Thời gian ở Bắc Bộ Phủ, Bác tiếp khách liên tiếp, trước hết là các chính khách, các nhà báo nước ngoài, không cần phiên dịch, khách trong nước thì hết đoàn này đến đoàn khác: tôn giáo, thanh niên, trí thức... đến với chủ tâm chất vấn, ra về với tinh thần thỏa mãn. Phỏng vấn Bác, nhà bác Mỹ được nghe nhắc lại Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ, nhà báo Pháp được nghe về Cách mạng năm 1789. Nhà báo In-đô-nê-di-a ở phòng Bác ra lẩm bẩm: “Người biết rõ lịch sử nước tôi hơn tôi!"

Khi sang Pháp đàm phán, ngoài Việt kiều, Bác tiếp xúc với các thành phần nhân dân Pháp, kể cả các bác học trong Hội Pháp Việt hữu nghị đứng đầu là bà Marie Curie danh tiếng. Quan sát, ai cũng thấy vẻ kính trọng của các nhà bác học đầu tóc bạc phơ, của bà Curie khi giới thiệu Bác và cử chỉ nói  năng thu phục lòng người của Bác. Chắc hẳn những hiểu biết của Bác về lịch sử cách mạng Pháp, về nền văn hóa Pháp đã hòa hợp các học giả Pháp với học giả Hồ Chí Minh, từ đó dẫn đến thiện cảm với yêu cầu độc lập của Việt Nam.

Tiếp xúc với thường dân, với các cháu bé, Bác đều thu hút được cảm tình. Một bữa tiệc với khách người Pháp, lúc ăn tráng miệng quả táo, mọi người thấy Bác không ăn táo mà cứ nói chuyện, lúc đứng dậy. Bác bỏ quả táo vào túi... Các vị khách Pháp hích tay nhau cười! Khi ra ngoài khách sạn Bác không lên xe ngay mà đi đến một cháu bé đang được bế trên tay mẹ, biếu quả táo và nói: " Đây là quả táo Bác Hồ". Hôm sau câu chuyện quả táo Bác Hồ truyền đi khắp nơi. Bác dạy anh em chúng tôi: "Sang nước văn minh, ta cử chỉ như họ thì không ai để ý, phải làm khác đi thì dư luận mới nói đến". Dư luận lúc đó đã nói đến Bác: " Ông ấy đã chinh phục tất cả Pa-ri".

Buổi ăn sáng Bác hay tiếp các nhà báo, có bài báo không thiện cảm với Việt Nam, tác giả tiếp xúc với Bác thì hôm sau đổi giọng. Một hôm một nhà báo muốn giảm thiện cảm đối với Bác của những người không ưa cộng sản đã hỏi: "Thưa Chủ tịch, Chủ tịch có phải là cộng sản không? " Bác liền đến lẵng hoa trên bàn, vừa ngắt từng bông hoa tặng mỗi người vừa nói: "Tôi là cộng sản như thế này này".

Ngay từ khi còn bôn ba hoạt động bí mật, lý tưởng đạo đức, trình độ văn hóa của Bác đã có sức hấp dẫn kỳ lạ!

Khi Bác bị bắt ở Hồng Kông, luật sư Lô-dơ-bai, người bênh vực Bác, gặp Bác trong nhà tù về đã nói lại với vợ: "Tôi gặp một nhân vật đáng kính phục". Bà vợ liền vào thăm, rủ cả vợ ông thị trưởng Hồng Kông và cũng bị chinh phục, từ đó hết sức che chở, giúp cho Bác trắng án, rồi bồi dưỡng sức khỏe cho Bác và tổ chức cho Bác cải trang trốn thoát khỏi bọn mật thám Pháp đang câu kết với Hồng Kông để bắt Bác. Khi thất bại chúng tung tin Nguyễn Ái Quốc đã chết.

Chánh mật thám Pháp ở Đông Dương Ác-nu đã nhận xét: "Người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ dựng cây thập tự cáo chung nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”.

Năm 1923, nhà thơ Xô viết Man-đen-xtam gặp Bác đã cảm thấy rằng:    “Từ người chiến sĩ Việt Nam trẻ tuổi ấy tỏa ra một thế giới văn hóa, không phải văn hóa châu Âu mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai!”

Bác tập hợp nhân tài xây dựng chính quyền mới. Xây dựng một chính quyền mới từ hai bàn tay trắng đòi hỏi biết bao khôn khéo, thông minh của Bác. Bác không rơi vào quan điểm giai cấp hẹp hòi, chủ nghĩa thành phần mù quáng chỉ chọn công nông, bất chấp trình độ khả năng, dẫn đến dốt thì dễ tham quyền hám lợi. Tôi hiểu quan điểm dân tộc của Bác là huy động mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, chọn người giỏi, trong sạch, được lòng dân thì mới làm được việc, mới đoàn kết được toàn dân, loại bỏ chống đối. Bác thu hút cả những quan to của triều đình cũ như các cụ Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Vi Văn Định, Hồ Đắc Điềm,... Vua Bảo Đại cũng trở thành cố vấn Vĩnh Thụy. Vì mỗi người có một phạm vi ảnh hưởng xã hội.

Đối với tôn giáo, Bác lấy đạo làm người để đánh giá việc thiện của tôn giáo là phù hợp với chính sách phục vụ nhân dân và lôi kéo các tôn giáo cùng vào mặt trận. Bác chú ý nhiều đến giới tri thức, giới khoa học. Ở Pháp về sau khi hội nghị Phông-ten-blô đình chỉ, Bác đưa Trần Đại Nghĩa (tên này do Bác đặt), là một kỹ sư giỏi đã bí mật nghiên cứu các tài liệu mật của Pháp, Đức về chế tạo vũ khí cùng về nước. Nhờ đó trong rừng Việt Bắc kháng chiến, xưởng công binh của ta đã sản xuất được những vũ khí đơn giản mà hiệu lực như ba-dô-ka. Bác sỹ Trần Hữu Tước đã bỏ người yêu (một cô bạn Pháp) theo Hồ Chủ tịch về phục vụ Tổ quốc. Ở trong nước, luật sư Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ lâm thời, luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng Quốc Phòng đâu tiên, Nguyễn Văn Huyên, tiến sĩ khoa văn làm Bộ trưởng Giáo dục,...Đã giao nhiệm vụ thì Bác khuyến khích tính chủ động sáng tạo. Bác Hồ đã viết nhiều thư vào Huế mời cụ Huỳnh Thúc Kháng một nhà báo yêu nước được dư luận quý trọng ra tham chính. Cụ Huỳnh không nhận lời ngay. Một hôm cụ Huỳnh ra Hà Nội nói là để thăm họ hàng. Bác Hồ mời cụ ăn nghỉ tại một phòng gần nơi làm việc của Bác. Hàng ngày cụ Huỳnh được thấy cán bộ đến thỉnh thị và cách giải quyết của Bác. Khi Quốc hội đầu tiên họp, cụ Huỳnh nhận lời ra họp ngay với Bác và được bầu vào Chính phủ ( lời kể của anh Vũ Đình Huỳnh ). Khi Bác Hồ đi Pháp đàm phán, Bác đã giao cụ Huỳnh làm Chủ tịch thay Bác. Cụ Huỳnh lo lắng hỏi cách xử trí trước khó khăn. Bác trả lời : " Dĩ bất biến, ứng vạn biến ".

Trái lại, cách xử sự với Nguyễn Hải Thần thì khác. Lúc đầu, tình hình Hà Nội chưa ngã ngũ, nhiều người chưa biết Hồ Chí Minh là ai, có người tin Nguyễn Hải Thần là một nhà cách mạng lưu vong sang Trung Quốc. Khi được tin Nguyễn Hải Thần đã vào Lạng Sơn, có ý kiến muốn ngăn cản không cho vào Hà Nội. Hồ Chủ tịch chủ trương cứ để cho ông ta về, lại còn mời làm Phó Chủ tịch nước để nhân dân tiếp xúc và đánh giá ông ta, Chính phủ khỏi mang tiếng hẹp hòi. Sáng hôm Bác Hồ báo cáo với nhân dân trước Nhà hát thành phố về Hiệp ước 6/3, Nguyễn Hải Thần cũng ra mắt, nói chuyện với đồng bào, nhưng tiếng Việt không sõi lại pha tiếng tàu nỵ nỵ ngộ ngộ. Tại nhà riêng, trí thức đến thăm hỏi thì Nguyễn Hải Thần bàn về số tử vi vì ông ta vốn sống về nghề tướng số ở Trung Quốc. Thế là mất hết tín nhiệm, Nguyễn Hải Thần cuốn gói rời Việt Nam.

Về phần tôi, khi Chính phủ lâm thời hết nhiệm kỳ, tôi thôi chức Bộ trưởng Bộ Tư Pháp. Nhân dân chuẩn bị bầu Quốc hội đầu tiên thì có cuộc thương lượng giữa các đảng phái. Chức Bộ trưởng Tư pháp được phân cho Đảng Dân chủ Việt Nam. Anh em đến mời tôi gia nhập Đảng Dân chủ mấy lần nhưng không cho biết ý đồ là để tôi giữ chức Bộ trưởng Tư pháp. Anh Võ Nguyên Giáp đến phòng tôi ngủ trưa, tôi đi chỗ khác để anh yên tĩnh nên anh không kịp nói gì với tôi. Tôi không gia nhập Đảng Dân Chủ vì chí hướng là vào Đảng Cộng sản. Do đó, Bộ Tư pháp được chuyển cho anh Vũ Đình Hòe phụ trách. Anh đề nghị tôi làm Thứ trưởng, tôi không nhận. Chủ tâm của tôi là sẽ nhận làm Chưởng lý Bắc Bộ (khi kháng chiến chống Pháp thì làm Giám đốc Tư Pháp liên khu 10) để bắt tay thực hiện tổ chức bộ máy Tòa án theo Sắc lệnh 13 mà tôi đã trình Chính phủ lâm thời và được Hồ Chủ tịch ký. Tôi còn giữ bức "Thư riêng" của Bác tự tay đánh máy gửi cho tôi năm 1948, động viên tôi và anh em thẩm phán, hỏi thăm bà mẹ tôi qua đời, lại thêm bốn câu thơ về việc Cù Huy Cận : "Trọng Khánh giúp Cù Huy, làm được cứ làm đi, chúc các chú thành công, ta không ngăn cản gì."

Tác phong của lãnh tụ là thế, hễ nhận được thư riêng của cán bộ là tự tay đánh máy trả lời thân mật, ân cần.

Về đời tư, quên mình vì nước, vì dân, Bác lo toan những việc lớn lao tột đỉnh của đất nước mà đời tư của Bác đơn sơ đến mức không có đời riêng tư.

Bộ quần áo kaki cổ đứng và đôi dép lốp thật tượng trưng cho ý chí xả thân của Bác, không vơ chút nào vào thân mình. Bác ăn uống sơ sài. Ở chiến khu Viết Bắc, đến dự Hội nghị Tư Pháp, Bác không cho làm cơm thết, Bác ngả ra bãi cỏ cơm nắm, lọ cà, lọ thịt kho và gọi tôi cho cùng ăn. Tôi gắp miếng thịt dai không nhá nổi phải dúi xuống cỏ. Ở rừng dọn về Hà Nội khi giải phóng miền Bắc, không sao ưa được dinh thự của Tây tại Phủ toàn quyền của Pháp cũ, nên Bác ở gian nhà bình thường của người thợ điện. Sau phải dựng một nhà sàn đơn giản bên ao cá để Bác làm việc và nghỉ ngơi.

Hòa bình rồi nhưng Bác vẫn du kích đi kiểm tra cơ quan, Bác đến bất thình lình, đi thẳng xuống gặp gỡ anh chị phục vụ rồi mới lên gặp thủ trưởng. Một lần Bác đột nhập vào phòng Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính Hải Phòng của tôi và hỏi :" Chú có biết dân lo gì không ?" Tôi thường xuống với dân phố nhưng lúc đó tôi không báo cáo được câu nào với Bác. Tôi nghiệm thấy mỗi lần đột xuất đứng trước Bác, tôi bị thu hút, chỉ nhìn và nghe không nói được lên lời. Bác đi rồi mới tiếc không trình bày được những ý kiến hay của mình. Một lần khác, Bác đứng nói chuyện với đám đông anh chị em thanh niên tại sân Uỷ ban hành chính. Xong rồi, Bác bảo các cháu hát và túm tôi kéo ra cầm nhịp để rồi Bác bí mật rút lui.

Tư tưởng của Bác Hồ là một thế giới mênh mông ta không hiều hết được, cuộc đời của Bác là đấu tranh gian nan không chút nào ngừng. Ta chỉ thấy khoảnh khắc ung dung, di dưỡng tinh thần cuả Bác ở những lúc hồn thơ rung động cả tâm tình và trí tuệ tạo nên những vần thơ tuyệt tác.

Trong rừng sâu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác ngồi trong thuyền bàn việc quân sự, trên dòng nước, đêm khuya dưới ánh trăng và hơi sương, Bác tức cảnh:

Yên ba thâm sứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền

(Trong hơi nước, sâu trong xứ, bàn quân sự/ Nửa đêm, quay về, trăng đầy thuyền).

Thật là phong cách một ông tiên phương Đông làm cách mạng hiện đại.

Bác chu du khắp thế giới, tập trung nghiên cứu giai cấp bị áp bức bóc lột để cuối cùng, về nước nhà tổ chức cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam cho đến thắng lợi hoàn toàn. Tôi nhận thấy cuộc đời Bác Hồ tập trung phát huy các lực lượng dân tộc nước nhà để giải phòng hoàn toàn nước Việt Nam là thiết thực, là thành công. Và Việt Nam hiện nay tuyên bố xây dựng Việt Nam độc lập, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là thiết thực.

Nay tôi đã ngoài 82 tuổi, tôi ghi lại đây mấy dòng hồi ức để nhớ mãi diễn phúc đã được gần Bác Hồ trong những năm tháng đấu tranh xây dựng Tổ Quốc Việt Nam.

                                                                     Hải Phòng, tháng 7 năm 1994

                                                                                 Vũ Trọng Khánh