Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000

13/09/2013
Ngày 10/9/2013, tại Phiên họp lần thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường – Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật, thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh: mục tiêu của dự án Luật là để đáp ứng các yêu cầu khách quan của đời sống gia đình trong tình hình mới; bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân sẽ được ghi nhận trong sửa đổi Hiến pháp 1992; bảo đảm bình đẳng giới; kế thừa và nâng cao các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, cũng như sự tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Trên cơ sở mục tiêu nêu trên, dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình còn nhiều bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành; bổ sung một số quy định mới để kịp thời điều chỉnh những quan hệ hôn nhân và gia đình đã và đang phát sinh trong thực tiễn mà chưa được Luật hiện hành quy định hoặc quy định chưa cụ thể. Trong quá trình xem xét về dự án Luật trước khi trình UBTVQH, Chính phủ đã nhất trí về các nội dung cơ bản của dự án Luật. Tuy nhiên, trong dự án Luật có quy định một số vấn đề mới, Chính phủ báo cáo và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 6 vấn đề: (1) phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự án Luật (2) áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình (3) điều kiện kết hôn (4) cơ quan có thẩm quyền giải quyết thuận tình ly hôn (5) ly thân (6) mang thai hộ.

Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thay mặt Thường trực Ủy ban đọc Báo cáo Thẩm tra sơ bộ về dự án Luật. Báo cáo đã đánh giá Ban soạn thảo đã làm việc với tinh thần nghiêm túc, tuân thủ đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hồ sơ chuẩn bị đầy đủ và đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra ngay từ khi bắt đầu quá trình xây dựng dự án Luật. Về những vấn đề mà Chính phủ xin ý kiến của Quốc hội, Thường trực Ủy ban nhất trí với quan điểm của Chính phủ về những vấn đề sau: phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự án Luật; áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình; điều kiện kết hôn; ly thân; mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban cũng đề xuất Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét, đánh giá và sửa đổi để bảo đảm tính khả thi hơn trong quy định về áp dụng tập quán, ly thân và mang thai hộ.

UBTVQH đã tiến hành thảo luận các vấn đề mà Chính phủ đưa ra cùng với các vấn đề khác có liên quan trong dự án Luật. Đa số ý kiến đều đánh giá dự án Luật được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Những vấn đề được đưa vào dự thảo Luật là sát với thực tiễn. Tuy nhiên, một số vấn đề cần được điều chỉnh đến đâu, áp dụng pháp luật thế nào cũng cần có sự nghiên cứu, xem xét kỹ khi luật hóa thực tiễn cuộc sống. Ông Tưởng Duy Lượng – Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng đánh giá những vấn đề được đặt ra trong dự thảo nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo thuận lợi trong quá trình Tòa án giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình.

Tiếp thu giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng cơ quan soạn thảo rất mừng là giữa Ủy ban các vấn đề xã hội, cơ quan soạn thảo và nhiều bộ, ngành đã có sự đồng thuận sửa đổi, bổ sung Luật là để Luật đi vào cuộc sống, khuyến khích người dân chấp hành hơn là để người dân đứng ngoài luật pháp. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Các vấn đề xã hội và cơ quan liên quan, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu chung và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã kết luận: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc sửa đổi, bổ sung Luật hôn nhân và gia đình hiện hành để giải quyết những vấn đề bất cập, vướng mắc trong quá trình áp dụng Luật; bổ sung những vấn đề mới mà thực tiễn đang đặt ra nhưng chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết; phù hợp với quá trình sửa đổi Hiến pháp và các luật có liên quan; đảm bảo tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trên cơ sở thực tiễn xây dựng dự án Luật, đa số ý kiến của Thường vụ nhất trí với việc thay đổi phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự án Luật thành dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) là phù hợp.

UBTVQH cũng nhất trí đưa những vấn đề mới được nêu trong Tờ trình của Chính phủ trình ra Quốc hội lấy ý kiến. Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị Chính phủ trên cơ sở ý kiến của Thường vụ Quốc hội, Báo cáo Thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Các vấn đề xã hội, đồng thời tổ chức những hội nghị, tọa đảm, điều tra, khảo sát, tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm của các nước để giải trình thật thuyết phục khi trình Quốc hội.

Trịnh Minh Hiền – Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế