Người Pháp đã tiến hành pháp điển hoá như thế nào?

27/05/2008
Ở Pháp, pháp điển hoá không phải là việc sưu tập hay chồng đống các văn bản, cũng không phải là việc xếp các văn bản theo một trật tự nào đó như việc một số nhà xuất bản đang tiến hành và cũng không phải là công việc lập pháp tức là xây dựng các văn bản pháp luật mới. Mà pháp điển hóa được hiểu là “Tập hợp các văn bản thuộc hệ thống pháp luật thành văn chứ không phải thuộc hệ thống án lệ vào trong các cuốn văn bản được tổ chức thống nhất”

Như vậy, pháp điển hoá chỉ đặt ra đối với hệ thống pháp luật thành văn – tức những văn bản quy phạm pháp luật cụ thể chứ không phải các án lệ. Có hai cách thức pháp điển hoá đang cùng tồn tại ở Pháp đó là, thứ nhất, pháp điển hoá tạo ra những quy định mới như trường hợp Bộ luật Napoléon trước đây; hai là, pháp điển hoá với vai trò diễn đạt rõ hơn những nội dung các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.

Những cách thức tiến hành pháp điển hoá tiêu biểu

Cách thứ nhất, với câu hỏi đặt ra là: Nên tiến hành pháp điển hoá theo bộ phận hay theo hệ thống? Nếu tiến hành pháp điển hoá theo bộ phận thì được thực hiện giống như Napoléon đã làm với việc xây dựng một vài bộ luật căn bản thường là luật dân sự hay luật hình sự rồi dừng lại ở đó. Còn nếu tiến hành pháp điển hoá theo hệ thống thì phải xác định chương trình pháp điển hoá toàn bộ các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Trong trường hợp này, sản phẩm cuối cùng là cần xây dựng một bộ luật duy nhất chứa đựng tất cả các quy định pháp luật, các ngành luật hiện có bao gồm cả luật dân sự, hình sự,….Nhưng bộ luật duy nhất để chứa đựng tất cả các quy phạm pháp luật của các ngành luật trong hệ thống pháp luật là điều không tưởng, không thể làm được vì có quá nhiều văn bản luật. Pháp dự kiến có khoảng sáu mươi bộ luật sau khi hoàn tất quá trình pháp điển hoá.

Cách thứ hai, đưa tất cả các quy định sửa đổi cả của lĩnh vực lập pháp lẫn lĩnh vực lập quy vào trong các bộ luật để chấm dứt tình trạng có quy định nằm ngoài các bộ luật. Đây là cách thức mà Pháp đang lựa chọn để tiến hành pháp điển hoá.

Vậy câu hỏi đặt ra là, pháp điển hoá có làm thay đổi nội dung các quy định luật hiện hành hay không?

Thực tế ở Pháp đang tồn tại song song hai hình thức này, pháp điển hoá vừa làm thay đổi nội dung các quy định của pháp luật hiện hành và cũng có thể giữ nguyên. Từ năm 1991 đến nay, Pháp đã tiến hành pháp điển hoá các quy định hiện hành thành năm bộ luật – hình thức pháp điển hoá không làm thay đổi các quy định hiện hành. Đồng thời Pháp cũng đã sửa đổi bộ luật hình sự hiện hành để có một bộ luật mới. Bộ luật hình sự này được đổi mới và không phải là tập hợp các quy định pháp luật hiện hành. Trong trường hợp pháp điển hoá để hình thành lên một bộ luật mới này, theo kinh nghiệm của Pháp, nên bắt đầu từ việc pháp điển hoá Bộ luật dân sự và Bộ luật hình sự sau đó có thể là bộ luật khác. Đây là cách pháp điển hoá theo bộ phận.

Chủ thể của công tác pháp điển hoá

Nguyên tắc chung là cơ quan có quyền ban hành văn bản pháp luật nào thì tiến hành pháp điển hoá văn bản đó. Nhà lập pháp và Nghị viện pháp điển hoá luật, còn Chính phủ pháp điển hoá nghị định. Tuy nhiên khi thực hiện thì cũng gặp phải những khó khăn nhất định vì pháp điển hoá đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều cơ quan trong quá trình pháp điển hoá. Vì, tại Pháp, các cơ quan có thẩm quyền tham gia chuẩn bị các luật và nghị định rất đông đảo: Ban thư ký chính phủ, các bộ trong đó có Bộ Tư pháp chuẩn bị Luật hình sự; Tham chính viện xem xét tất cả các dự án luật và hội đồng bảo hiến. Các cơ quan chuyên môn của Chính phủ cũng tham gia vào quá trình này và đây là tác nhân không thể thiếu được vì các cơ quan này có điều kiện bảo đảm về con người, kinh phí…

Khi tiến hành pháp điển hoá theo hướng làm thay đổi nội dung văn bản luật thường thì Pháp hay thành lập một Uỷ ban có quy mô cho việc pháp điển hoá này. Uỷ ban chuyên trách này gồm những giáo sư, thẩm phán, công chức có chuyên môn, kinh nghiệm và được giao chuẩn bị cải cách luật dân sự hay luật hình sự. Đối với công tác pháp điển hoá không làm thay đổi nội dung luật hiện hành, Pháp thành lập Uỷ ban cao cấp về pháp điển hoá lần đầu vào năm 1948 sau đó Uỷ ban này đã được tái lập lại và tăng cường năm 1989. Uỷ ban này có nhiệm vụ lên chương trình pháp điển hoá, điều phối việc triển khai chương trình này và kiểm tra các bộ luật được trình lên Uỷ ban. Như vậy, Uỷ ban này không trực tiếp thực hiện pháp điển hoá mà nhiệm vụ đó thuộc về các cơ quan ban hành văn bản và cơ quan phối hợp.

Phạm vi pháp điển hoá

Khi tiến hành pháp điển hoá, câu hỏi đặt ra là, phải đưa những nội dung nào vào trong một bộ luật? Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi ở Pháp và hẳn là cả ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bộ, ngành nào cũng muốn xây dựng một bộ luật cho mình và không muốn nhường quyền quản lý cho một bộ, ngành khác dù bộ, ngành này có vị trí như thế nào đi chăng nữa. Chẳng hạn, trong lĩnh vực chứng khoán, đương nhiên là Bộ Tư pháp muốn đưa Luật về các công ty thương mại vào trong Bộ Luật thương mại và đưa ra lý do là các loại giấy tờ có giá, cổ phiếu, trái phiếu về cơ bản là các yếu tố của lĩnh vực sở hữu và huy động tài chính doanh nghiệp và các công ty thương mại. Trong khi đó, Bộ Tài chính cho rằng, chứng khoán đã đơn thuần và hiển nhiên trở thành sản phẩm tài chính, yếu tố tiết kiệm được bán và mua trên thị trường chứng khoán. Chứng khoán và các sản phẩm tài chính khác không liên quan gì đến sở hữu và huy động tài chính doanh nghiệp.

Bố cục của Bộ luật sau khi được pháp điển hoá

Yêu cầu đặt ra đối với Bộ luật sau khi được pháp điển hoá là phải có bố cục rõ ràng, dễ hiểu. Nếu nó quá phức tạp sẽ trở lên khó tiếp cận không chỉ với người dân, doanh nghiệp mà khó tiếp cận đối với cả chính cơ quan nhà nước. Ví dụ, khi pháp điển những quy định về các đơn vị hành chính, lãnh thổ thì Bộ luật chung về các đơn vị lãnh thổ thường bao gồm những phần như: Quy định chung, xã, tỉnh, vùng, quan hệ hợp tác.

Tóm lại, không riêng gì ở Pháp mà pháp điển hoá là công việc khó khăn và phức tạp đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đối với nước ta, pháp điển hoá là một khái niệm còn mới cả trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn. Vì thế, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác là việc làm cần thiết và mang nhiều ý nghĩa.

Nguyễn Đình Thơ