Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi)

26/05/2008
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi)
Hôm nay (26/5), dự án Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi sẽ là nội dung chính được Quốc hội tập trung thảo luận tại Hội trường.

TẬP TRUNG SỬA ĐỔI NGUYÊN TẮC MỘT QUỐC TỊCH

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi lần này tập trung vào việc sửa đổi quy định tại Điều 3 Luật Quốc tịch năm 1998 về nguyên tắc một quốc tịch, mở rộng các trường hợp được giữ Quốc tịch Việt Nam hoặc có thể được phép giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam. Dự thảo Luật sửa đổi lần này cũng quy định cụ thể quốc tịch Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Điều 13); quy định bổ sung một số quy định xác định quốc tịch Việt Nam của trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài (Điều 16). Bên cạnh đó, quy định cụ thể các trường hợp được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam (Điều 20), bỏ một số điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam (Điều 21). Dự thảo Luật cũng quy định biện pháp  đăng ký để có quốc tịch Việt Nam đối với những người không quốc tịch, người không rõ quốc tịch đang cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam; đăng ký để được cấp giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Điều 41). Để cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân khi có việc liên quan đến quốc tịch, dự án Luật Quốc tịch sửa đổi quy định cụ thể hơn trách nhiệm, quyền hạn về quốc tịch Việt Nam của các bộ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giảm đáng kể thời hạn giải quyết các vấn đề về quốc tịch (Điều 38).

HAI VẤN ĐỀ XIN Ý KIẾN: PHẠM VI SỬA VÀ HƯỚNG GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT

Tại Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, đa số ý kiến tham gia đều nhất trí với phạm vi, bố cục và nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật. Tuy nhiên, có hai vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau là phạm vi sửa đổi, bổ sung và việc giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh từ tình trạng hai hoặc nhiều quốc tịch.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, có ý kiến đề nghị dự thảo Luật sửa đổi nên luật hoá các quy định về thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch đã được quy định trong Nghị định số 104 và Nghị định số 55 của Chính phủ nhằm khắc phục tình trạng phải chờ Nghị định hướng dẫn, đồng thời đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Ban soạn thảo dự án Luật đã chuẩn bị phương án này, nhưng Chính phủ xét thấy các quy định về thủ tục trong các Nghị định nói trên là rất cụ thể, chi tiết về trình tự, thủ tục, dễ thay đổi, tuỳ thuộc vào năng lực quản lý của các cơ quan có liên quan, nếu đưa vào Luật sẽ không đảm bảo tính ổn định cao của Luật. Vì vậy, Chính phủ chỉ chọn một số vấn đề chung nhất, mang tính ổn định để luật hoá, còn lại đề nghị Quốc hội vẫn tiếp tục giao cho Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều như quy định tại Điều 43 của dự thảo Luật. Trong quá trình thẩm tra dự án Luật, một số ý kiến trong Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật một số quy định về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, tránh trường hợp bị lạm dụng khi Luật sửa đổi mở ra cho phép công dân Việt Nam có hai hoặc nhiều quốc tịch. Chính phủ nhận thấy, việc quy định cụ thể việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ công dân của công dân Việt Nam nói chung, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài nói riêng thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật chuyên ngành, không nên và không thể quy định trong Luật này. “Do vậy, kế thừa quy định tại Điều 7 Luật năm 1998, Điều 6 dự thảo Luật sửa đổi quy định: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chính sách để công dân Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện hưởng các quyền công dân và làm các nghĩa vụ công dân của mình phù hợp với hoàn cảnh sống xa đất nước” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định.

Về việc giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh từ tình trạng hai hoặc nhiều quốc tịch, có ý kiến đề nghị cần quy định rõ việc xử lý các xung đột pháp luật phát sinh do tình trạng công dân Việt Nam có hai hay nhiều quốc tịch. Thực tế có một số nước pháp luật cho phép công dân của họ có hai hoặc nhiều quốc tịch và đồng thời quy định chỉ công nhận quốc tịch của nước mình khi giải quyết các vấn đề phát sinh hoặc các tranh chấp về quốc tịch liên quan đến công dân nước họ. Chính phủ thấy rằng, đây là một vấn đề phức tạp, không thể quy định bằng một số điều trong Luật này. Nếu Luật quốc tịch của nước ta quy định theo cách như một số nước khác thì có thể sẽ không có lợi cho việc thực hiện chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài như Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị đã xác định, cũng như việc thực hiện chính sách hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Trên thực tế, khi giải quyết các vấn đề cụ thể phát sinh, như trong việc đàm phán nhận công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài về, trong việc trục xuất khỏi Việt Nam một số trường hợp công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch nước ngoài về trong nước phạm tội, trong việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đồng thời có quốc tịch nước ngoài hoặc trong việc cấp phép, đăng ký đầu tư, xác định quyền sở hữu đối với nhà ở, quyền sử dụng đất v.v…, chúng ta thường vẫn phải vận dụng linh hoạt pháp luật và tập quán quốc tế về quốc tịch. Vì vậy, Chính phủ đề nghị chỉ nên quy định chung như Điều 3 của dự thảo Luật và giao cho Chính phủ đàm phán, ký kết với các nước có liên quan điều ước Quốc tế, nhằm giải quyết tốt các vấn đề pháp lý phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam có hai hay nhiều quốc tịch.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi, do đó, dự án Luật sẽ tiếp tục được tiếp thu ý kiến, chỉnh lý cho phù hợp trước khi trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 4, diễn ra vào cuối năm nay.

Hồng Thuý

Ông Nguyễn Ngọc Đào, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội:

QUY ĐỊNH NHƯ THẾ LÀ ỔN

Ông Nguyễn Ngọc Đào, Uỷ  viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, đơn vị thẩm tra dự án Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi cho rằng, dự án Luật quy định như vậy là ổn và đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

PV: Trong quá trình Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự án Luật Quốc tịch sửa đổi, ông có thấy băn khoăn với quy định nào tại dự Luật không?

*. Tôi không băn khoăn gì cả, dự thảo quy định như thế là cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và mong muốn của nhân dân về vấn đề quốc tịch.

PV: Nhưng hướng xử lý xung đột pháp luật liên quan đến hai  hay nhiều quốc tịch mà dự thảo Luật đề ra là giao cho Chính phủ ký hiệp định song phương với các nước, ông thấy có hợp lý không?

*. Tôi ủng hộ quan điểm giao cho Chính phủ ký Hiệp định song phương với các nước. Giao Chính phủ là tốt nhất, bởi vì tuỳ thuộc từng mối quan hệ về mặt chính trị pháp lý giữa các quốc gia mà xử lý tình huống này. Việc  này còn  liên quan đến nhiều vấn đề khác như quy trình như hỗ trợ tư pháp. Ví dụ trong khối các nước mà Việt Nam có quan hệ chặt chẽ thì vấn đề đơn giản thôi, mình có thể giải quyết bằng đàm phán, nhưng đối với các nước còn có khoảng cách nhất định thì mình phải tuân thủ theo pháp luật quốc tế. Theo tôi, cứ giao cho Chính phủ là tốt nhất, bởi vì Chính phủ là người thực thi việc này, họ biết rõ khối các nước có quan hệ tư pháp tốt, khối các nước không có quan hệ tư pháp tốt để xử lý tình huống. Thực ra, băn khoăn chỉ là vấn đề xử lý tình huống thôi, chứ còn nguyên tắc chung tôn trọng và bảo vệ nhân quyền khi Việt Nam công nhận công dân có hai hoặc nhiều quốc tịch thì ai cũng ủng hộ.

PV: Ông có sợ rằng với dự án Luật này, vấn đề quốc tịch Việt Nam từ chỗ chặt chẽ quá chuyển sang thông thoáng quá không?

*. Chúng ta nên lưu ý rằng, việc giám sát và kiểm soát công dân không phải thực hiện chỉ bằng một cái hộ chiếu, mà giám sát công dân là giám sát hành vi. Tại sao chúng ta cho rất nhiều công dân nước ngoài vào Việt Nam làm ăn 50 năm, thậm chí được mua và sở hữu nhà thì không vấn đề gì. Điều đó có nghĩa là nhà nước giám sát công dân không phải bằng tấm hộ chiếu, không phải hỏi anh mang quốc tịch gì, mà là mình giám sát hoạt động của họ trên lãnh thổ nước ta. Các nước khác cũng áp dụng nguyên tắc này. Khi xảy ra các vụ án liên quan đến tư pháp quốc tế, tranh chấp về tư pháp quốc tế thì quốc tịch mới là vấn đề. Giả sử quốc tịch nước nào phải xử theo hệ thống pháp luật nào thì cái đó giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

PV: Xin cảm ơn ông! (kèm ảnh ông Đào)

Hồng Thuý