“Nước ta hiên có trên 84 triệu dân, xưa nay nhiều người cứ nghĩ chuyện quốc tịch nằm ở đâu đó, ở quốc tế, mà không nghĩ rằng ngay trên lãnh thổ nước ta, do trải qua nhiều năm chiến tranh nên để lại hậu quả là rất nhiều người không rõ quốc tịch nước nào” – Ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp trao đổi với phóng viên về dự án Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi trước khi Quốc hội thảo luận về dự án luật này.
GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT BẰNG HIỆP ĐỊNH SONG PHƯƠNG
PV: Theo xu hướng một quốc tịch mềm dẻo, sẽ có nhiều người có quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài hoặc tuy nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn được giữ quốc tịch Việt Nam. Dự thảo Luật đưa ra nguyên tắc định hướng cho việc giải quyết xung đột này như thế nào, thưa ông?
*. Để giải quyết các vấn đề phát sinh từ tình trạng hai hoặc nhiều Quốc tịch, dự thảo Luật quy định giao Chính phủ ký kết với nước ngoài điều ước quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh.
PV: Tại sao dự thảo Luật không đưa ra nguyên tắc cơ bản định hướng cho việc giải quyết xung đột này?
*. Việc giải quyết xung đột quốc tịch, nếu tham khảo kinh nghiệm các nước có thể thấy, không có nước nào quy định trong Luật Quốc tịch cả. Cho đến nay, tất cả các nước đều phải giải quyết thông qua con đường Hiệp định song phương, bởi vì nguyên tắc trong quan hệ quốc tế là bình đẳng giữa các quốc gia. Một khi anh đã công nhận một người vừa là công dân của anh, có quốc tịch nước anh, vừa có quốc tịch của nước khác, thì việc giải quyết xung đột quốc tịch ở đây phải bằng sự đàm phán giữa hai nước, chứ không thể chỉ bằng pháp luật Việt Nam, nếu anh áp đặt pháp luật của nước anh lên pháp luật của nước khác là vi phạm luật pháp quốc tế. Luật Quốc tịch của Việt Nam là một luật quốc nội, anh không thể dùng luật quốc nội để đặt ra các nguyên tắc giải quyết xung đột quốc tịch mang tính quốc tế được.
TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM CÓ NHIỀU NGƯỜI KHÔNG QUỐC TỊCH
PV: Khi thẩm tra dự án Luật này, có ý kiến của Uỷ ban Pháp luật cho rằng, dự án Luật chưa giải quyết thấu đáo những vấn đề bức xúc trong lĩnh vực quốc tịch hiện nay, quan điểm của ông thế nào?
*. Trong lĩnh vực quốc tịch hiện nay có hai vấn đề bức xúc. Thứ nhất là nguyên tắc một quốc tịch và thứ hai là tình trạng không quốc tịch của những người đã định cư lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam. Dự án Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi đã tập trung giải quyết hai vấn đề này.
Thứ nhất, nguyên tắc một quốc tịch cứng theo Luật năm 1998 hiện nay bức xúc vì không còn phù hợp với tình hình mới, đặc biệt trong việc thực hiện nhiệm vụ mới, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta. Chính sách về đại đoàn kết dân tộc coi người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng Việt Nam trong nước, do đó, phải có những chính sách cụ thể đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Để giải quyết vấn đề này, dự thảo Luật sửa Điều 3 của Luật hiện hành, chuyển từ một quốc tịch cứng sang một quốc tịch mềm. Có thể nói, chính sách một quốc tịch thì nước nào cũng thích, nhưng xu hướng hội nhập quốc tế khiến cho chính sách một quốc tịch không thể cứng nhắc được. Nếu anh cứng nhắc thì một mình anh sẽ đứng một sân. Do đó, việc sửa điều 3 là một tất yếu và điều đó cũng đáp ứng được nguyện vọng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Thứ hai, sửa đổi Luật Quốc tịch là nhằm giải quyết tình trạng không quốc tịch của những người định cư trên lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay. Nước ta hiên có trên 84 triệu dân, xưa nay nhiều người cứ nghĩ chuyện quốc tịch nằm ở đâu đó, ở quốc tế, mà không nghĩ rằng ngay trên lãnh thổ nước ta, do trải qua nhiều năm chiến tranh nên để lại hậu quả là rất nhiều người không rõ quốc tịch nước nào. Trong thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành khác rất nỗ lực cố gắng, nhưng vẫn không giải quyết được, vì nếu theo Luật Quốc tịch 1998 thì phải qua thủ tục nhập quốc tịch, mà thủ tục nhập quốc tịch cần rất nhiều điều kiện, trong đó có điều kiện giấy tờ chứng minh quốc tịch, nhưng họ lại không thể có, kể cả tên, họ cũng chỉ gọi để biết vậy thôi chứ không có gì chứng minh, không có hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, không có ai xác nhận rằng tên của anh là như thế này, họ là như thế này v.v… Số người này hiện nay có thể là mấy vạn, nhưng nếu không khẩn trương giải quyết có thể lên tới con số hàng triệu. Vì lý do này, dự thảo Luật mở ra quy định cho những người đã sinh sống ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 15 năm trở lên cho đến trước khi Luật này có hiệu lực được có quốc tịch Việt Nam bằng con đường đăng ký. Đấy cũng là một biện pháp giải quyết vấn đề bức xúc trong lĩnh vực quốc tịch hiện nay. Như vậy, theo tôi, dự án Luật lần này đã cơ bản giải quyết thấu đáo những bức xúc đang tồn tại trong lĩnh vực quốc tịch.
KHÔNG LIỆT KÊ HẾT MỌI QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ VÀO LUẬT
PV: Nhiều ý kiến cũng còn băn khoăn, liệu Luật Quốc tịch VN sửa đổi mở rộng như vậy thì quyền và lợi ích của người VN định cư ở nước ngoài sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?
*. Vấn đề mà trong quá trình soạn thảo được nhiều người quan tâm cũng như khi thẩm tra Uỷ ban Pháp luật đề cập nhiều, đó là quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, liệu có bình đẳng, ngang bằng với công dân Việt Nam định cư trong nước không. Về vấn đề này, tại Điều 7 Luật Quốc tịch năm 1998 cũng như Điều 6 dự Luật lần này có một quy định rất hay, đó là nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chính sách để công dân Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện hưởng các quyền công dân và làm các nghĩa vụ công dân của mình phù hợp với hoàn cảnh sống xa đất nước. Tức là quyền của họ không ngang bằng với công dân định cư trong nước. Vậy chính sách này thể hiện ở đâu? Trong lĩnh vực kinh tế thì đất đai, nhà cửa, đầu tư như thế nào? Trong lĩnh vực chính trị thì bầu cử, ứng cử như thế nào v.v… đều được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành, Luật Quốc tịch không thể quy định hết công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền như thế này, nghĩa vụ như thế kia được, nếu liệt kê như thế thì lại trở thành “cứng”.
PV: Dự thảo Luật cũng quy định về việc đăng ký có quốc tịch VN đối với người không có quốc tịch và người không rõ quốc tịch nước nước nào đang cư trú trên lãnh thổ VN. Theo ông, quy định này có khả thi không, có bất cập gì đối với người VN sống ở nước ngoài nhưng cư trú tại vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo không?
*. Theo tôi, điều này không khó khăn gì vì trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, việc đăng ký để xác nhận mình muốn giữ quốc tịch gốc là quốc tịch Việt Nam tại đối với công dân VN cư trú tại các nước là vấn đề không khó khăn. Người dân có thể gửi xác nhận của mình qua đường bưu điện, đăng ký qua mạng internet với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài….Mặt khác, dự thảo Luật cũng quy định thời hạn mang tính chất chuyển tiếp, được thực hiện trong vòng 5 năm để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân đều biết và có đủ thời gian thực hiện quy định này.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hồng Thuý