Tại cuộc hội thảo “Luật Bồi thường nhà nước (BTNN) nhìn từ góc độ xây dựng nhà nước pháp quyền trong tiến trình cải cách tư pháp” do Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp tổ chức, với sự có mặt của các chuyên gia pháp luật giàu kinh nghiệm, rất nhiều vấn đề lý luận xung quanh việc xây dựng Dự án Luật BTNN đã được đặt ra.
Phân biệt BTNN với trách nhiệm chính trị và trách nhiệm giải trình
Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, theo nguyên tắc của pháp quyền, hoạt động của nhà nước thường được phân ra thành 3 lĩnh vực, gồm lập pháp, hành pháp và tư pháp. Lĩnh vực nào trong quá trình hoạt động cũng có thể phạm những sai lầm và như vậy, phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật BTNN (như quy định của pháp luật Nhật Bản). Tuy nhiên, đa số các nước trên thế giới đều thống nhất quy định 2 lĩnh vực hành pháp và tư pháp thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật BTNN và khá khác nhau về cách quy định đối với lĩnh vực lập pháp. Chẳng hạn, Trung Quốc hoàn toàn loại trừ lĩnh vực lập pháp ra khỏi phạm vi điều chỉnh, còn phần lớn các quốc gia quy định áp dụng một cách hạn chế. Ông Dũng lý giải, điều này bắt nguồn từ bản chất của thiết chế dân chủ trên. Là cơ quan đại diện cho cử tri, việc cơ quan lập pháp gây thiệt hại, nếu có, chính là thông qua việc ban hành các chính sách, đạo luật không phù hợp với lợi ích của người mà mình đại diện. Trong hệ thống bầu cử uỷ thác, vấn đề bồi thường thiệt hại đồng nghĩa với việc bất tín nhiệm và không được tiếp tục bỏ phiếu trong những lần bầu cử sau.
Theo ông Phạm Duy Nghĩa, cần phân tách trách nhiệm chính trị, trách nhiệm giải trình với BTNN. Nhiều chính sách do Chính phủ, các địa phương, các cơ quan dân cử đưa ra có thể sai và gây thiệt hại đáng kể, lâu dài cho người dân, song rất khó khả thi nếu kiện các cơ quan đó để đòi bồi thường. Ông Dũng nêu một loạt ví dụ, cách hành văn của Pháp lệnh dân số đã gây ra hiểu lầm cho người dân, Luật Đầu tư từ chối trách nhiệm của cơ quan cấp phép khi thẩm định năng lực của nhà đầu tư dẫn đến nhiều dự án bị treo do thiếu năng lực tài chính, Bộ Giao thông Vận tải buộc hợp tác hoá các phương tiện vận tải của xã viên, quy định của UBND TP. Hà Nội không cho giao dịch nhà đất khi chưa có “sổ đỏ”, Nghị quyết số 32 cấm lưu thông xe ba gác, Sở Y tế TP. HCM 6 năm trời không công bố nước tương có chất gây ung thư… Ông Nghĩa cho rằng, chính sách cũ có thể sửa được bằng chính sách mới, chính quyền cũ có thể được thay thế bằng chính quyền mới, còn người dân chỉ có thể dùng tới các công cụ của trách nhiệm giải trình và trách nhiệm chính trị (như trưng cầu dân ý, điều trần, biểu tình, tẩy chay…) mà không thể dùng tới trách nhiệm pháp lý khởi kiện chính quyền về những chính sách sai.
Làm rõ thêm vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Dung nhận định, đối với thiệt hại do lập pháp gây ra, người dân chỉ có thể xử lý bằng các cuộc bỏ phiếu tiếp theo nhằm thay đổi lực lượng cầm quyền, thay đổi chính phủ, thành phần chính phủ, chứ không nhất thiết phải bồi thường thiệt hại như trong hoạt động của hành pháp và tư pháp. Ở một số nước, sự bồi thường được thể hiện bằng sự công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí được hoàn tất bằng sự thay đổi thành phần chính phủ. Ông Dung khái quát, đây là trách nhiệm chính trị, mà đã là trách nhiệm chính trị thì rất khó tính toán cụ thể cho việc bồi thường.
Theo ông Trần Hữu Huỳnh, từ chối BTNN trong lĩnh vực lập pháp có lẽ chỉ vì khả năng giới hạn về mặt kinh tế mà ít có nhà nước nào có thể kham nổi nên buộc phải từ bỏ nguyên tắc phải bồi thường. Ông Huỳnh ví von, đây là món “nợ” thường trực của mỗi nhà nước đối với nhân dân của họ. Vì thế, mỗi cán bộ càng cần phải hoạt động mẫn cán, tận tâm, chuyên nghiệp hơn để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trong hoạt động lập pháp. Ông nhấn mạnh, bồi thường là cách nhanh chóng hoàn thiện tính chuyên nghiệp trong hoạt động của nhà nước, rút ra các bài học kinh nghiệm trong quản lý nhà nước, chứ không phải chủ yếu là răn đe trừng phạt người thực thi công vụ.
Thủ tục bồi thường phải đơn giản
Ông Dũng cho rằng, trong quá trình giải quyết yêu cầu đòi bồi thường, các tổ chức và cá nhân bị thiệt hại thường “yếu thế” hơn so với cơ quan nhà nước. Bởi thế, một cơ chế giải quyết tranh chấp tạo được điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là hết sức cần thiết. Pháp luật của nhiều nước quy định, khi chủ thể bị thiệt hại và cơ quan đại diện cho nhà nước giải quyết bồi thường (phần lớn là Bộ Tư pháp) không thương lượng, thoả thuận được với nhau thì có thể khởi kiện ra toà án. Đây là một vụ kiện dân sự bình thường ở toà án và loại vụ việc này được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự mà bị đơn là nhà nước (do Bộ trưởng Bộ Tư pháp đại diện). Có vậy mới đảm bảo được tốt hơn quyền bào chữa, sự bình đẳng của các đương sự.
Đồng tình với ông Dũng, ông Huỳnh cũng rất khuyến khích phương thức thương lượng. Thực tế thời gian qua, việc thương lượng đã không được một số cơ quan nhà nước thực hiện nghiêm túc. Điều kiện, trình tự, thủ tục không thuận lợi cho người bị thiệt hại khiến cho việc bồi thường bị kéo dài, quyền lợi của người bị thiệt hại tiếp tục bị xâm phạm. Ông Huỳnh khẳng định, cách để buộc người gây thiệt hại phải nghiêm túc bồi thường là nên quy định thương lượng là bắt buộc đối với cơ quan giải quyết bồi thường và là tự nguyện đối với người bị thiệt hại.
Còn theo ông Nghĩa, để công lý được xác lập cho người dân thì cách thức xác định mức bồi thường, thủ tục đòi bồi thường, giải quyết tranh chấp liên quan đến bồi thường phải rõ ràng. Điều này không chỉ tốt cho người dân trong thương lượng và khởi kiện, mà còn tiện cho toà nếu muốn phán quyết vì người dân. Đặc biệt, ông Nghĩa gợi ý, nên đảo ngược nghĩa vụ chứng minh chứng cứ của bên khởi kiện đòi BTNN hay có thể quy định như thế nào đó để họ có thể tiếp xúc, truy cấp các nguồn bằng chứng. Lý do là, người dân thường khó có đủ chứng cứ để chỉ ra sai phạm của cơ quan nhà nước hoặc công chức thừa hành công vụ, nhất là khi bị can bị mớm. ép cung, bị đánh đập trong các trại tạm giam hoặc người kinh doanh bị tịch thu hết sổ sách.
Cẩm Vân