Đăk lăk là một tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc, đời sống còn nhiều khó khăn, đặc biệt nhận thức pháp luật của người dân nhiều vùng còn rất hạn chế. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đã có những giải pháp gì cho công phổ biến pháp luật (PBPL)? Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Y DHĂM ÊNUÔL – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk.
- Qua tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ từ 2003 – 2007 cho thấy: nhiều nơi công tác PBPL không đạt kết quả như mong muốn vì chưa có sự vào cuộc, quan tâm và chỉ đạo sát sao của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Ông nghĩ sao?
Tôi không rõ cụ thể các địa phương khác triển khai công tác PBPL như thế nào, nhưng tôi cho cho rằng trong bất cứ giai đoạn nào cũng không thể xem nhẹ công tác PBPL. Bằng chứng là Ban Bí thư đã có Chỉ thị 32 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL và Chính phủ cũng đã phê duyệt chương trình PBPL các giai đoạn. Các văn bản này đều xác định PBPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị. Do đó vai trò của cấp uỷ, chính quyền địa phương là hết sức quan trọng bởi đây là nơi đề ra những biện pháp triển khai mang tính lâu dài, và cũng là nơi trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc thực hiện thông qua đội ngũ lãnh đạo, đảng viên, công chức, viên chức.
Ở Đăk Lăk thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành trên 30 văn bản và chỉ đạo các ban, ngành ban hành hàng trăm văn bản nhằm triển khai thực hiện Chương trình PBPL của Chính phủ giai đoạn 2003 – 2007. Ngoài ra các cơ quan đoàn thể trong tỉnh còn chủ động phối hợp xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch về PBPL.
Cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo thành lập Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL ở cả ba cấp, tỉnh, huyện, xã để chỉ đạo hoạt động PBPL ở từng địa phương. Để công tác chỉ đạo thực sự sát sao, tỉnh phân công trách nhiệm đến từng thành viên Hội đồng. Theo đó, các thành viên phải theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác PBPL đối với từng đối tượng, địa bàn. Bên cạnh đó, đối ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật luôn được củng cố, kiện toàn cả về số và chất lượng. Đến nay toàn tỉnh đã có 163 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 606 báo cáo viên cấp huyện, 3733 tuyên truyền pháp luật cấp xã.
- Là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc, việc tiếp cận pháp luật còn nhiều khó khăn. Vậy các hình thức PBPL ở đây đã được thực hiện như thế nào?
Ngoài các hình thức PBPL được tổ chức một cách thường xuyên như qua hội nghị, tập huấn, PBPL qua phương tiện thông tin đại chúng, qua hoạt động trợ giúp pháp lý, khai thác tủ sách pháp luật…thì tỉnh rất chú trọng tổ chức các cuộc thi, coi đây là một hình thức phù hợp với các loại đối tượng. Thời gian qua, UBND tỉnh đã tổ chức thành công 8 cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Các sở, ngành cũng phối hợp tổ chức được 27 cuộc thi, hội thi. Ở cấp huyện ngoài việc hưởng ứng các cuộc thi do tỉnh tổ chức còn chủ động tổ chức gần 30 cuộc thi tìm hiểu pháp luật về chủ đề phòng chống ma tuý, mại dâm, an toàn giao thông, dân số, gia đình, trẻ em…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng xác định đối với đồng bào dân tộc thì việc cấp phát tài liệu bằng tiếng dân tộc là một biện pháp rất tốt. Ngoài bản tin tư pháp được phát hành thường kỳ mỗi tháng một số và các chuyên đề về từng lĩnh vực pháp luật (đã phát hành 54 ngàn cuốn) và hàng chục ngàn bộ tài liệu bồi dưỡng pháp luật, ngành Tư pháp, Thuế, Kiểm lâm, Công an…còn phát hành gần 947 ngàn tờ gấp tuyên truyền pháp luật, trong đó có 150 ngàn tờ được dịch sang tiếng Êđê. Trên 5 ngàn băng catset, đĩa hình cũng đã được cấp phát cho toàn bộ hệ thống loa, đài truyền thanh ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã để tuyên truyền pháp luật.
- Hiện nhiều địa phương rất kêu về chuyện kinh phí. Mà kinh phí cho công tác PBPL do UBND cấp. Vấn đề này ở Đăk Lăk đã được đầu tư thoả đáng chưa, thưa ông?
Tôi cho rằng việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác PBPL ở Đăk Lăk bước đầu đã được quan tâm, mặc dù vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế. Hàng năm Sở Tư pháp – cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBPL của tỉnh- được cấp khoảng từ 300 -450 triệu đồng. Tại các sở, ngành đã có khoảng 20 đơn vị có kinh phí cho công tác tuyên truyền, nhiều nhất là 170 triệu đồng/năm, ít thì chỉ trên 1 triệu. Tuy nhiên, ở cấp huyện chỉ có 10/14 huyện, TP đảm bảo được kinh phí cho công tác PBPL, nhiều nhất 50 triệu đồng/năm, ít nhất là 10 triệu đồng/năm. Cấp xã hầu như không có kinh phí bố trí cho công tác này.
- Công tác tuyên truyền pháp luật đã bước sang giai đoạn mới, với tư cách là Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp công tác PBPL của tỉnh, ông có kiến nghị với Chính phủ vấn đề gì không?
Những giải pháp cụ thể, Bộ Tư pháp đã tổng hợp và có đề xuất. Cá nhân tôi chỉ cho rằng công tác PBPL muốn hiệu quả phải phát huy tốt hơn nữa vai trò của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Việc PBPL phải gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng đảng viên, cán bộ, công chức; coi đó là tiêu trí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của họ. Cần đưa nội dung tuyên truyền pháp luật thành một trong những nội dung của các buổi sinh hoạt của cấp uỷ, chi bộ.
- Xin cảm ơn ông!
Thu Hằng