Vấn đề chất lượng, số lượng cán bộ tư pháp địa phương: Chưa hết nỗi lo...

12/05/2008
Với vai trò là người trực tiếp thực thi pháp luật, là nhân tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động và uy tín của ngành tư pháp, đội ngũ cán bộ tư pháp địa phương đã và đang đóng góp tích cực vào việc đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, trong dòng chảy của đổi mới và cải cách, đội ngũ này cũng đang bộc lộ những hạn chế, bất cập vì nhiều nguyên nhân...

Một ngày của cán bộ tư pháp - hộ tịch phường

          Thấm thoắt, chị Trần Lan Hương đã làm cán bộ tư pháp- hộ tịch phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội được 3 năm. Ba năm gắn bó với công việc tư pháp cũng là ngần ấy thời gian chị Hương làm việc không chỉ 8 tiếng một ngày. Vì Trung Hoà là một trong những phường đông dân nhất nhì Hà Nội với dân số 26.000 người, nên sáng nào khi chị Hương bước chân vào cơ quan là cũng thấy một chồng cao hồ sơ từ bộ phận “một cửa” chuyển đến, đang đợi. Đúng 8h ngồi vào bàn, cắm cúi kiểm tra, vào sổ sách đống hồ sơ, rồi chốc chốc lại tạm để đấy để giải quyết các yêu cầu “không thể chờ đợi” của công dân như khai tử, xác định tình trạng hôn nhân, chứng thực chữ ký...  Cứ thế thời gian trôi đi lúc nào không rõ.

Hôm nào cũng vậy, sớm thì 12 rưỡi, muộn thì 1 giờ chiều chị Hương mới tạm dừng công việc để nghỉ trưa. Nghỉ ngơi, cơm nước trong vòng nửa tiếng, chị lại quay lại với đống hồ sơ để kịp trả cho người dân trong ngày. Buổi chiều, trước khi dắt xe ra khỏi cơ quan trở về với gia đình vào lúc gần 6 giờ, chị Hương cũng đã kịp giải quyết thêm được nhiều đầu việc khác: vào sổ sách hộ tịch, hoà giải, tiếp dân...

Những lúc việc quá nhiều, chị phải mang cả sổ sách về nhà để tranh thủ làm buổi tối. Rồi thỉnh thoảng, có những tối chị lại lặn lội đến gõ cửa nhà dân để làm công tác hoà giải hay thu tiền thi hành án...

1 cán bộ tư pháp/10.000 dân – một con số bất cập

Một ngày làm việc nhiều hơn 8 tiếng đang là tình trạng chung của rất nhiều cán bộ tư pháp địa phương trên toàn quốc chứ không riêng gì các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Sở dĩ có tình trạng này vì dân số cơ học ở các địa bàn  không ngừng tăng trưởng, nhưng số lượng cán bộ tư pháp thì vẫn giậm chân tại chỗ.

 Theo quy định cứ 10.000 dân thì có một cán bộ tư pháp, nhưng hiện nay chỉ tiêu phân bổ như vậy đang trở nên quá bất cập vì nhiều lý do. Lý do thứ nhất là hiện nay số đầu việc mà một cán bộ tư pháp phải thực hiện theo quy định của luật là quá nhiều, có đến 12 đầu việc(trong đó có 11 đầu việc thuộc tư pháp, và 1 đầu việc do UBND phân công). Báo cáo của Bộ Tư pháp tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2008 đã phải thừa nhận: “Chủ trương phân cấp mạnh cho cấp xã thực hiện một số hoạt động hành chính tư pháp là đúng, nhưng do điều kiện thực hiện chưa được chuẩn bị kỹ nên đã phát sinh nhiều vướng mắc do đội ngũ cán bộ tư pháp địa phương quá mỏng, lại phải kiêm nhiệm nhiều công tác khác ”. Cũng tại Hội nghị nói trên, ông Nguyễn Tiến Hải, Giám đốc Sở Tư pháp Cà Mau đã đặt câu hỏi: “Theo quy định, tư pháp cấp xã chỉ có một công chức, nhưng có tới 12 đầu việc. Trong đó, có những việc phải liên tục đi xuống thôn, xóm, lại có việc chỉ ngồi giải quyết ngay tại chỗ. Chỉ có một cán bộ, vậy ai đi xuống cơ sở, ai ở lại tiếp dân?”. Trong thực tế, vì thiếu cán bộ nên hầu hết các UBND xã đều phải sắp xếp lịch các việc tư pháp theo ngày, thậm chí là từng buổi. Có UBND phường còn phải phân bổ số lượng hồ sơ chứng thực được tiếp nhận trong ngày, dù biết rằng làm như thế là sai luật.

Lý do tiếp đến khiến cho chỉ tiêu phân bổ cán bộ tư pháp trở nên bất cập là hiện nay số đơn vị hành chính xã, phường có dân số cơ học trên 10.000 dân đang ngày càng nhiều. Đơn cử như phường Trung Hoà nói trên, tuy là một phường trên địa bàn Thủ đô nhưng dân số đã lên tới con số kỷ lục 26.000 người. Bức xúc về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Đức Hạnh, Trưởng Phòng Tư pháp quận Cầu Giấy cho biết, quận Cầu Giấy có 8 phường thì số phường có dân số vượt quá 10.000 người chiếm đa số nên cán bộ tư pháp phường đang thực sự quá tải. Nhưng vì không có chỉ tiêu nên quận không thể bổ sung thêm người cho tư pháp được. Bà Hạnh mong rằng Sở Tư pháp, Sở Nội vụ nhanh chóng báo cáo UBND thành phố sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề nhân sự  để tháo gỡ bế tắc cho tư pháp cơ sở.

Lo âu chuyện chất lượng

          Bên cạnh sự thiếu hụt về số lượng, thì chất lượng cán bộ tư pháp địa phương cũng là vấn đề thực sự chưa hết nỗi lo. Qua một vài con số thống kê của các địa phương cho thấy, trình độ văn hoá nói chung và trình độ về luật học nói riêng của cán bộ tư pháp còn rất nhiều hạn chế. Tại Hải Dương, cán bộ tư pháp cấp xã có 263 người trong đó chỉ có 88 người có trình độ trung cấp luật. Tại Hải Phòng, cán bộ tư pháp cấp quận, huyện có trình độ ĐH Luật chiếm 86,54%, cán bộ tư pháp cấp xã có trình độ trung cấp luật chiếm 52,12%. Tại Cần Thơ, tuy tư pháp xã chủ yếu là cán bộ chuyên trách nhưng trình độ còn rất hạn chế, số người có trình độ ĐH, cao đẳng và trung cấp luật chỉ chiếm chưa đến một nửa(32/80 người). Trình độ hạn chế khiến cho nhiều cán bộ tư pháp địa phương rất lúng túng, thụ động trong giải quyết công việc, phát sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào hướng dẫn, giải thích cụ thể từ trên xuống.

          Một trong những nguyên nhân của vấn đề chất lượng cán bộ tư pháp là tình trạng biến động, thuyên chuyển cán bộ tại các địa phương. Có thể nói, hiện nay, đội ngũ cán bộ tư pháp chuyên trách, làm việc lâu năm trong lĩnh vực tư pháp tại các địa phương không nhiều, nếu không muốn nói là khá hiếm. Đơn cử, tại Cần Thơ, số cán bộ tư pháp có thời gian công tác tư pháp nhiều hơn 5 năm chỉ chiếm con số khiêm tốn 21,3%, trong khi đó, số cán bộ có thời gian công tác dưới 5 năm chiếm tới 56,3% (đáng lưu ý là lực lượng cán bộ này phần lớn chỉ mới tốt nghiệp PTTH, hoặc cán bộ phường, đội, khu vực được điều sang làm công tác tư pháp). Là một thành phố lớn nhưng đội ngũ cán bộ tư pháp chuyên trách ở TP.HCM cũng luôn biến động, thay đổi. Ở đây, đội ngũ cán bộ tư pháp làm công tác kiêm nhiệm, dù chiếm số lượng đông đảo, nhưng chất lượng lại không cao (có tới 43,7% chưa qua bất kỳ một lớp đào tạo luật học nào).

          Bên cạnh đó, sự quá tải công việc, khiến cho cán bộ tư pháp khó có thời gian tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ dài hạn cũng là một nguyên nhân khiến cho chất lượng cán bộ tư pháp địa phương đi xuống

 Sớm có sự thay đổi cơ bản

          Đã từ lâu trở thành mong muốn chung của đông đảo lãnh đạo Sở Tư pháp các địa phương. Tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2008, thay mặt các đồng nghiệp, ông Nguyễn Tiến Hải, Giám đốc Sở Tư pháp Cà Mau đã đưa ra kiến nghị: “Bộ Tư pháp cần sớm có nghiên cứu toàn diện và thay đổi cơ bản với đội ngũ tư pháp cấp xã, phường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng khó, càng nhiều như hiện nay.”

          Xuất phát từ yêu cầu thực tế cấp thiết, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp địa phương từ lâu đã được Bộ Tư pháp đặc biệt chú trọng. Trong 5 năm (2001-2005), Bộ Tư pháp đã đào tạo, bồi dưỡng gần 13.000 lượt cán bộ, công chức. Riêng trong năm 2005, đã đào tạo, bồi dưỡng với số lượng hơn 6.000 lượt người, chiếm hơn 50% tổng số. Hiện nay, đề tài cấp Bộ“Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức tư pháp địa phương” đang được Bộ Tư pháp nghiên cứu, thực hiện. Theo đó, hoàn thiện chính sách, bố trí sử dụng hiệu quả công chức tư pháp địa phương, đổi mới, đa dạng hoá chương trình đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên...sẽ là những giải pháp hiệu quả để phục vụ tiêu chí đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức tư pháp địa phương.

Theo mục tiêu của Đề tài, phấn đấu đến năm 2010, 100% cán bộ tư pháp cấp tỉnh, huyện được bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật, trang bị thông tin, những kiến thức về hội nhập, trong đó chú trọng bồi dưỡng cán bộ tư pháp tại các cơ quan tư pháp cấp tỉnh thuộc các vùng kinh tế trọng điểm nơi tập trung các quan hệ dân sự, kinh tế có yếu tố nước ngoài. Với cán bộ tư pháp – hộ tịch cấp xã, phường, đến năm 2010, 100% sẽ được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức bổ trợ theo quy định. Trong đó, số cán bộ có trình độ trung cấp luật tại các vùng đô thị, đồng bằng, vùng núi sẽ có tỉ lệ tương ứng là 95%, 80% và 70%. Chú trọng bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ tư pháp - hộ tịch ở vùng núi, vùng xa có trên 50% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Tuy  nhiên, thực tế cho thấy, để đạt được mục tiêu trên, thì nhận thức về vai trò của đội ngũ cán bộ tư pháp địa phương, cũng như tầm quan trọng của việc bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ này của các cấp Bộ, ngành và chính quyền địa phương đã, đang và sẽ đóng một vai trò rất quan trọng. 

Xuân Hoa

Tuy khối lượng công việc phải gánh vác luôn quá tải, nhưng hiện nay tổng thu nhập hàng tháng của cán bộ tư pháp địa phương nói chung và cán bộ pháp hộ tịch cấp xã, phường nói riêng mới chỉ dừng lại ở mức lương cơ bản, không có thêm một chút phụ cấp hay quyền lợi nào. Chính vì vậy, tâm trạng chung của nhiều cán bộ tư pháp hộ tịch là không yên tâm với công việc, mong chờ cơ hội tốt hơn để chuyển công tác khác. Thấu hiểu tâm tư của cấp dưới, đa phần lãnh đạo phòng tư pháp quận, huyện chỉ dám sát sao công tác hộ tịch, còn lại các công tác tư pháp khác như tuyên truyền pháp luật, hoà giải... thì chủ yếu dùng “phương pháp động viên anh em làm” là chính (!)