Trợ giúp pháp lý đối với người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài: Mới, khó nhưng không thể không làm!

15/05/2008
Trong số 15 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước đang có hiệu lực không có điều khoản nào quy định cụ thể về vấn đề trợ giúp pháp lý (TGPL) cho bị can hoặc người Việt Nam bị tạm giữ, tạm giam ở nước ngoài. Ngay cả khi Luật Luật sư có hiệu lực, chúng ta vẫn không chấp nhận cho luật sư nước ngoài bào chữa hay tư vấn pháp lý cho các đối tượng này, ngoại trừ việc tư vấn pháp lý thông qua hoạt động thăm gặp của viên chức lãnh sự hoặc thân nhân gia đình họ.

Theo quy định của pháp luật các nước nói chung, người bị tuyên hình phạt tù sẽ bị cách ly khỏi xã hội, phải chịu sự quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt của một cơ quan nhà nước chuyên trách trong một môi trường đặc biệt, đó là các nhà tù. Cho nên, sau khi mãn hạn tù, người đó thường gặp nhiều khó khăn trong tái hoà nhập với cộng đồng do hậu quả của một thời gian dài bị giam giữ biệt lập khỏi đời sống chung của xã hội. Đối với người nước ngoài phạm tội và bị kết án phạt tù thì khó khăn càng trở nên chồng chất bởi những người này phải chịu cảnh tù đày tại một đất nước xa lạ với họ, xa cách người thân cùng những phong tục tập quán và lối sống quen thuộc. Vì vậy, việc giúp đỡ cho các phạm nhân có điều kiện thuận lợi để tiếp thu những tác động giáo dục, cải tạo để lúc mãn hạn tù có thể nhanh chóng trở lại với cuộc sống đời thường lành mạnh, giảm thiểu nguy cơ tái phạm, trở thành người có ích cho xã hội là rất quan trọng. Đối với các phạm nhân nước ngoài, việc giúp họ có cơ hội được chấp hành bản án phạt tù ngay trên quê hương mình, gần gia đình và những điều kiện sống đã gắn bó với họ từ bao đời là một trong những mối quan tâm hàng đầu.

Riêng đối với người Việt Nam phạm tội và chấp hành hình phạt tù ở nước ngoài, một vấn đề nảy sinh là phải bảo đảm quyền được chuyển giao để thi hành án. Tuy nhiên, những nhà chức trách của chúng ta cần nghiên cứu là phải làm thế nào để các quốc gia không lợi dụng các hiệp định loại này để đẩy đuổi, cưỡng bức các phạm nhân người Việt Nam về nước. Bởi vì một người Việt tuy phạm tội và phải chịu hình phạt tù trong một thời gian nhất định, nhưng đối với họ còn rất nhiều vấn đề quan trọng của cuộc sống riêng liên quan đến đất nước mà họ đã cư trú trước khi phạm tội. Đó là gia đình và người thân, là công ăn việc làm, là tài sản, là việc được tiếp tục sinh sống trên đất nước đó sau khi mãn hạn tù… và vì vậy, họ phải cân nhắc rất thận trọng vấn đề sẽ chấp hành hình phạt tù ở đâu, ở nước ngoài hay trở về quê hương; trong nhiều trường hợp, việc tiếp tục ở lại nước ngoài chấp hành án lại là phương án tối ưu. Cần thấy rằng, nói chung một người đã phạm tội nếu trở về quê hương chấp hành hình phạt tù sẽ rất khó được phía nước ngoài cho tiếp tục nhập cảnh và trở lại nước đó để sinh sống sau khi đã mãn hạn tù, họ sẽ bị đưa vào diện “chưa được nhập cảnh”. Có nghĩa là, chúng ta phải tuyên truyền để các phạm nhân người Việt được hoàn toàn tự nguyện chấp nhận hay không việc chuyển giao họ để thi hành án, cũng như hiểu rõ tất cả những hậu quả pháp lý mà họ sẽ phải chịu sau khi đã được chuyển giao. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng nhất trong quá trình nghiên cứu, đàm phán và ký các hiệp định chuyển giao phạm nhân mà Bộ Công an đang được Chính phủ giao thực hiện với các nước như Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Cộng hoà Séc, Vương quốc Anh và nhiều nước khác.

Trong số người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài, hiểu biết pháp luật của rất nhiều người còn hạn chế. Họ cũng không có điều kiện thuê luật sư để giúp họ tránh được những rủi ro pháp lý trong khi bị bắt giữ, điều tra, xét xử hoặc trong khi quyết định đồng ý hay không việc chuyển giao về để thi hành án; đặc biệt với những người Việt Nam đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, hầu hết là con em gia đình nghèo. Trong hoàn cảnh đó, vai trò TGPL của cán bộ, của người thực hiện TGPL vô cùng cần thiết. Hoạt động TGPL có thể được tiến hành bằng nhiều cách như cử luật sư hoặc người thực hiện TGPL ra nước ngoài để trực tiếp thực hiện TGPL nếu có nguồn tài trợ từ các dự án nhân đạo; hoặc thông qua cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan quản lý lao động của Việt Nam ở nước ngoài; hoặc trợ giúp gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông, qua internet, qua gia đình, người thân của các phạm nhân ở Việt Nam…

Luật TGPL (có hiệu lực từ ngày 1/1/2007) đã đề cập đến việc TGPL đối với người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài. Có thể nói, thực hiện hoạt động TGPL đối với người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài là vấn đề mới mẻ nên chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, cả trên phương diện pháp lý lẫn về mặt thực tiễn. Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả hoạt động nhân đạo này, rất cần sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước, của các cơ quan chức năng. Trên cơ sở Luật Trợ giúp pháp lý, Việt Nam cần sớm xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời nghiên cứu khả năng đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế về vấn đề TGPL cho người Việt Nam với các quốc gia hiện có nhiều người Việt sinh sống. Có thế mới góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của một bộ phận đáng kể cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế nhanh chóng như hiện nay.

Cẩm Vân