Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Thừa phát lại không phải là dịch vụ đòi nợ thuê!

23/05/2008

PV: Tình trạng án tồn đọng hiện nay ở nước ta là quá lớn dù đã có nhiều biện pháp được đưa ra để giải quyết. Vậy theo Bộ trưởng, cần có những biện pháp nào để giảm thiểu tình trạng này?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Có rất nhiều giải pháp để giảm thiểu án tồn đọng, trong đó riêng năm 2008, từ đầu năm, Bộ Tư pháp đã triển khai nhiều công việc mang tính hành chính. Cụ thể là từ mục tiêu chung mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội (cố gắng THA đạt 75% về việc và 55% về tiền trên tổng số những vụ việc có điều kiện thi hành), Bộ Tư pháp đã giao chỉ tiêu cụ thể về các tỉnh, thành phố (đặc biệt tập trung ở TP.HCM và Hà Nội – nơi có nhiều vụ việc và qui mô lớn, nếu có chuyển biến sẽ dẫn đến sự chuyển chung trong cả nước về giải quyết án tồn đọng). Theo báo cáo sơ bộ 3 tháng đầu năm (có dịp Tết Nguyên đán), công tác giải quyết án tồn đọng đã có những chuyển biến nhất định. Thứ hai là kiện toàn đội ngũ chấp hành viên và trưởng, phó cơ quan THADS. Đối với những nơi chưa làm được thì thực hiện điều động cán bộ THA cấp tỉnh xuống cấp huyện. Bên cạnh đó, các cơ quan THDS còn thực hiện những đợt cao điểm (1-2 tháng) nhằm giải quyết các án tồn đọng một cách dứt điểm và hiệu quả.

Nhưng vấn đề là cơ chế còn nhiều bất cập. Nếu dự thảo Luật THADS được thông qua sẽ góp phần rất lớn trong việc giải quyết những bất cập trong công tác THADS sau này và giải quyết tình trạng án tồn đọng hiện nay.

PV: Theo Bộ trưởng, công tác xã hội hoá hoạt động THADS được qui định trong dự thảo Luật THADS có khả thi hay không?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Trước đây, nước ta từng có thể chế thừa phát lại để những người được nhà nước bổ nhiệm và hoạt động dưới hình thức công ty thực hiện công tác THADS. Vì thế, chúng ta không xa lạ với hình thức này nhưng để khôi phục lại làm sau một thời gian dài bị gián đoạn thì cần phải thí điểm. Do đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội đưa vào luật để Chính phủ có cơ sở pháp lý tiến hành các hoạt động thí điểm. Đề án thành lập tổ chức thừa phát lại và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ về cơ bản đã chuẩn bị xong. Nếu đến tháng 10 Quốc hội thông qua, thì đầu năm 2009, tổ chức này sẽ đi vào hoạt động và TP.HCM cũng đã “xung phong” để thí điểm hoạt động này.

Về tính khả thi của thừa phát lại thì hiện có 2 quan điểm. Một là thừa phát lại sẽ hỗ trợ cơ quan THA và có thể mở rộng ra một số việc hỗ trợ cả TA, chứ không làm thay cơ quan THADS trong THA, nhưng phải có lộ trình mở rộng từ từ. Quan điểm thứ hai là theo chủ trương của Đảng là xã hội hoá hoạt động THA, nghĩa là chuyển cơ quan THADS từ cơ quan thuần tuý nhà nước thành cơ quan “bán Nhà nước”, “bán xã hội”, được Nhà nước bổ nhiệm nhưng hoạt động như các công ty khác. Do đó, không thể chỉ hỗ trợ vì có thể khiến dân hiểu rằng, nhà nước tổ chức thêm “dịch vụ” giúp việc cho cơ quan Nhà nước, mà phải được THA. Tuy nhiên, trước mắt, không được giao thực hiện những hoạt động như tịch thu sung công, tiền phạt trong các vụ án hình sự… (thu về ngân sách), mà chỉ thực hiện những việc dân sự (giữa công dân, doanh nghiệp với nhau). Theo đó, các đương sự có thể lựa chọn giữa tổ chức thừa phát lại hoặc cơ quan THADS khi cần THA. Và tuỳ theo kết quả, ta sẽ lựa chọn hình thức phù hợp để phát triển sau này.

PV: Làm sao để tổ chức thừa phát lại không phải là “dịch vụ đòi nợ thuê”, thưa Bộ trưởng? Và làm sao để thừa phát lại cưỡng chế THA có hiệu quả trong khi hiện nay có cả quyền lực nhà nước mà THA vẫn chậm?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tổ chức thừa phát lại không phải là dịch vụ đòi nợ thuê, không giống các công ty thu nợ hiện nay vì tổ chức thừa phát lại tiến hành các hoạt động trên cơ sở bản án, quyết định của Toà án với qui trình chặt chẽ. Thực tế, tỷ lệ các vụ việc phải cưỡng chế là rất nhỏ so với số việc phải thi hành. Nếu cần cưỡng chễ sẽ có sự hỗ trợ chính thống của cơ quan nhà nước dựa trên lệnh của Toà án hoặc cơ quan THA. Thực tế hiện nay, kế hoạch cưỡng chế là do cơ quan công an xây dựng. Nếu dự thảo Luật THADS được thông qua, thì kế hoạch cưỡng chế sẽ do cơ quan tư pháp và công an cùng phối hợp xây dựng và thực hiện. Như vậy chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao cho hoạt động này.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Huy Long