Dự thảo 9 Luật Bồi thường nhà nước: Áp dụng chế độ bồi thường tổn thất tinh thần vào lĩnh vực hành pháp

23/05/2008
Dự thảo 9 Luật Bồi thường nhà nước tiếp tục có một số thay đổi đáng kể như quy định việc áp dụng chế độ bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong lĩnh vực tố tụng hình sự vào lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước và thi hành án, xác định cụ thể cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác bồi thường nhà nước, đa dạng hoá cơ chế giải quyết bồi thường nhà nước… Như vậy, so với pháp luật hiện hành, Dự thảo 9 đã có tới 15 điểm mới cơ bản.

Nghị định số 47/CP ngày 3/5/1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra không quy định rõ về việc có áp dụng hay không chế độ bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong lĩnh vực tố tụng hình sự vào lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước và thi hành án. Trên thực tế, chưa có vụ việc nào liên quan đến vấn đề này được giải quyết. Xuất phát từ nguyên tắc nhà nước bồi thường như nhau cho các thiệt hại do công chức của mình gây ra trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau, Dự thảo 9 đã áp dụng chế độ bồi thường do tổn thất về tinh thần của Nghị quyết 388 hiện hành vào việc bồi thường các tổn thất về tinh thần phát sinh trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước và thi hành án. Chẳng hạn, một người bị giữ hành chính trái pháp luật thì mức bồi thường cho một ngày cũng giống như một ngày bị giam oan, tù oan - là bằng 3 ngày lương tối thiểu; một người bị bắt giữ hành chính và bị chết trong quá trình bắt giữ thì mức bồi thường tối đa là 360 tháng lương tối thiểu, giống như mức được bồi thường cho người giam oan, tù oan bị chết. Theo Tổ trưởng Tổ Biên tập Dương Đăng Huệ, quy định trên của Dự thảo được căn cứ vào một số lý do sau: việc bắt giữ người không chỉ có trong tố tụng hình sự mà còn có cả trong quản lý hành chính nhà nước và trong quá trình thi hành án. Hơn nữa, nhà nước cần phải có chế độ bồi thường như nhau cho các thiệt hại xảy ra như nhau, không phân biệt các thiệt hại đó được gây ra trong lĩnh vực nào.

Pháp luật hiện hành có quy định về trách nhiệm bồi thường của nhà nước nhưng lại không thiết lập một cơ quan cụ thể để thực hiện chức năng quản lý của nhà nước đối với công tác này. Hậu quả là, việc bồi thường không được thực hiện một cách thống nhất trong phạm vi toàn quốc, làm hạn chế tác dụng của chế định bồi thường nhà nước. Để khắc phục tình trạng trên, Dự thảo Luật đã xác định cụ thể cơ quan của nhà nước có trách nhiệm thực hiện việc quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo 2 phương án. Phương án 1 là Bộ Nội vụ ở TƯ và các Sở Nội vụ ở địa phương, còn phương án 2 là Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp.

Dự thảo 9 còn quy định cho phép cơ quan giải quyết khiếu nại hành chính và Toà hành chính có quyền giải quyết luôn yêu cầu bồi thường nhà nước nếu người bị thiệt hại có đề nghị. Đây cũng là một thay đổi đáng kể của dự luật nhằm đa dạng cơ chế giải quyết bồi thường nhà nước. Bởi hiện chỉ có một cơ chế giải quyết bồi thường nhà nước, đó là người bị hại yêu cầu cơ quan quản lý trực tiếp công chức gây hại bồi thường và trong trường hợp không được bồi thường hoặc có quyết định bồi thường nhưng không đồng ý thì mới có quyền khởi kiện ra toà để yêu cầu bồi thường.

Tại cuộc họp góp ý cho Dự thảo 9 diễn ra vào ngày 20/5, đa số các thành viên Ban soạn thảo cho rằng nên giao cho Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với công tác bồi thường nhà nước. Song, có đại biểu lại đề ra phương án là cân nhắc tới Thanh tra Chính phủ. Các thành viên cũng đồng tình với nguyên tắc nhà nước phải bồi thường như nhau cho các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau và quy định mở rộng nhiều cơ chế giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước của Dự thảo 9. Tuy nhiên, các ý kiến chưa cùng thống nhất về mức bồi thường tối đa đối với thiệt hại do tổn thất về tinh thần cho thân nhân người bị chết trong dự luật (360 tháng lương tối thiểu) vì nó gấp 6 lần mức tối đa của Bộ luật Dân sự năm 2005 - một sự khác biệt tương đối lớn cho dù Luật Bồi thường nhà nước là luật đặc thù trong mối quan hệ với Bộ luật Dân sự.

Cẩm Vân