Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật THADS: Nên để Bộ Tư pháp quản lý THADS

26/05/2008
Sau 1 ngày rưỡi tập trung thảo luận về dự thảo luật THADS, các ĐBQH đều đánh giá cao việc soạn thảo dự thảo luật THADS, nhất trí về sự cần thiết phải ban hành đạo luật này cũng như kết cấu và nội dung cơ bản của dự thảo.Tuy nhiên, về những vấn đề cụ thể như vấn đề xã hội hóa hoạt động THADS; mô hình tổ chức và quản lý cơ quan THADS; tiêu chuẩn, quyền hạn của chấp hành viên… thì còn nhiều ý kiến khác nhau

“Nâng tầm” cho cơ quan THADS

Xuất phát từ thực tiễn hiện nay cơ chế quản lý và mô hình tổ chức cơ quan THADS chưa ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc được giao do sự thiếu tập trung, thống nhất trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành nên, xác định rõ cơ chế quản lý và mô hình tổ chức cơ quan THADS là một trong những nhiệm vụ quan trọng của dự án Luật THADS.

Đa số các ĐBQH nhất trí với phương án cơ quan THADS được tổ chức ở hai cấp (cấp tỉnh và cấp huyện), đồng thời để bảo đảm cơ chế quản lý tập trung, thống nhất nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay, thì nên thành lập Tổng cục THADS tại Bộ Tư pháp để thực hiện chức năng quản lý THADS (tương tự mô hình cơ quan thuế). ĐB Cầm Chí Kiên (tỉnh Sơn La) cho rằng, phương án tổ chức này sẽ góp phần giảm những khó khăn trong công tác THADS khi có sự phối hợp giữa cơ quan THADS – chính quyền địa phương và Sở Tư pháp. Thống nhất quan điểm này, ĐB Hoàng Thương Lượng (tỉnh Yên Bái) khẳng định, sau 15 năm thực hiện, tổ chức cơ quan THADS theo hệ thống dọc như mô hình này đã có hiệu quả. Tuy nhiên, theo ông Lượng, không nên thành lập Tổng cục THADS để đáp ứng yêu cầu tinh giảm biên chế. Còn theo ĐB Nguyễn Hữu Nhơn (tỉnh Đồng Tháp), tổ chức cơ quan THADS theo ngành dọc như hiện nay là phù hợp nhưng phải độc lập, không phải là cơ quan của UBND để đảm bảo tính chủ động, chịu trách nhiệm trong hoạt động THADS, tránh tình trạng việc dễ thì làm, việc khó thì “dựa” vào UBND.

Ngược lại, cũng có ý kiến lựa chọn phương án phân cấp cho địa phương, theo đó Bộ Tư pháp chỉ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác THADS trong phạm vi cả nước, giao cho địa phương trực tiếp quản lý các cơ quan THADS và tổ chức, chỉ đạo việc THA. ĐB Huỳnh Nghĩa (TP.Đà Nẵng) cho rằng, lựa chọn mô hình tổ chức và cơ chế quản lý cơ quan THADS là phải giúp hoạt động THA đạt hiệu quả nhất nên phương án này sẽ đảm bảo yêu cầu trên cũng như phù hợp Nghị quyết 49. Lý giải cho ý kiến của mình, ông Nghĩa cho rằng, Chủ tịch UBND các địa phương (Trưởng ban phối hợp THADS) có đủ thẩm quyền phối hợp các lực lượng, ban ngành tại địa phương để thực hiện phối hợp THADS nên chính quyền địa phương có thể trực tiếp thực hiện THA, dưới sự quản lý của Bộ Tư pháp. ĐB Phạm Lễ Chi (tỉnh Quảng Ninh) nhận thấy, tổ chức cơ quan THADS theo mô hình này sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhiều mặt khi cần huy động các lực lượng tham gia THADS ở địa phương.

Khi thẩm tra dự thảo Luật này, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị Bộ Tư pháp trên cơ sở kết quả tổng kết, cần làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn và đánh giá cụ thể ưu điểm, hạn chế của mô hình tổ chức, quản lý THADS hiện nay, cũng như các mô hình dự kiến, từ đó chuẩn bị các phương án quy định về quản lý nhà nước và mô hình tổ chức cơ quan THADS để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.

Không nên “hạ chuẩn” bổ nhiệm chấp hành viên

Đa số các ĐBQH cho rằng, tiêu chuẩn chấp hành viên (CHV) là rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng công tác THADS. Do vậy, CHV phải là người có trình độ cử nhân Luật trở lên. Theo ĐB Trần Thị Hồng (tỉnh Hà Nam), CHV phải là người có trình độ am hiểu, vận dụng tốt pháp luật, nắm rõ tâm lý, nhận thức của các đối tượng liên quan đến vụ việc phải THA, có hiểu biết xã hội thì mới đảm bảo hiệu quả cho công tác THADS nên qui định tiêu chuẩn bổ nhiệm CHV là trình độ trung cấp Luật như trong dự thảo là không phù hợp. Bà Hồng góp ý, nếu muốn có CHV thì phải có chế độ, chính sách thu hút, đổi mới công tác tuyển dụng cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ…chứ không nên “hạ chuẩn” để bổ nhiệm CHV. Hơn nữa, theo ĐB Lê Văn Tâm (tỉnh Cần Thơ), CHV là một chức danh tư pháp, nên việc quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm phải bảo đảm thống nhất về trình độ (với các cơ quan tư pháp khác).

Song, ĐB Quách Cao Yềm (tỉnh Kom Tum) lại cho rằng, có thể đồng ý về tiêu chuẩn bổ nhiệm CHV (đối với ngạch sơ cấp) là người có trình độ từ trung cấp luật vì hiệu quả công tác THADS còn dựa nhiều vào khả năng thuyết phục, tính kiên trì của CHV. ĐB Phạm Xuân Thường (tỉnh Thái Bình) cũng nhận thấy, qui định tiêu chuẩn bổ nhiệm CHV sơ cấp là trình độ trung cấp Luật trở lên là đủ để giải quyết những cất cập hiện nay trong công tác cán bộ của các cơ quan THADS. Nhiều ĐB cũng tán thành với việc vận dụng tiêu chuẩn trung cấp Luật đối với việc tuyển dụng công chức của cơ quan THADS các tỉnh miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa nhằm tạo nguồn cho những nơi còn nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ.

Về ngạch CHV, có nhiều ý kiến, như ý kiến của ĐB Lê Văn Tâm cho rằng không nên chia thành 3 ngạch CHV nếu so sánh tương quan với cơ quan TAND, VKSND cùng cấp ở địa phương thì không có thẩm phán và kiểm sát viên cao cấp. Theo quan điểm này, ĐB Phùng Văn Toàn (tỉnh Phú Thọ) đề nghị phải qui định cụ thể, chặt chẽ về tiêu chuẩn của CHV cao cấp và xem xét có phù hợp với các qui định về trình độ cao cấp của các chức danh tư pháp khác hay không. CHV trung cấp ở cấp huyện là cần thiết, đáp ứng yêu cầu điều động cán bộ, khuyến khích CHV ở cấp huyện tích cực công tác khi chưa đủ điều kiện để được bổ nhiệm làm CHV ở cấp tỉnh.

Các ĐB cũng đã thảo luận nhiều về vấn đề cơ chế phối hợp giữa cơ quan THADS – TAND – VKSND để hạn chế những vi phạm của cơ quan THADS; qui định bắt buộc TA cùng cấp hoặc cấp trên phải trả lời những yêu cầu của cơ quan THADS, để nếu chậm trễ, gây thiệt hại thì có thể làm rõ trách nhiệm; qui định về cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyền hạn của trưởng, phó cơ quan THADS; việc CHV sử dụng công cụ hỗ trợ.../.

Hương Giang