Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương là một nội dung rất quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật. Theo các nhà nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh thì tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật gồm các nội dung cơ bản sau: 1)
Xây dựng pháp luật để “thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”; 2)
Ban hành pháp luật để tổ chức bộ máy nhà nước, thực hiện một Nhà nước pháp quyền; 3)
Ban bố pháp luật để công bố các quyền tự do, dân chủ của nhân dân; 4)
Nghiêm trị bằng pháp luật các tội phạm và vi phạm pháp luật; 5)
Pháp luật phục vụ cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc.
[1]
Nét nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật nói chung, về xây dựng chính quyền địa phương nói riêng là bộ máy nhà nước luôn phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp; của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân: “
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra”.
[2] Vì thế, chỉ 09 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết “
Cách tổ chức các Ủy ban nhân dân” đăng trên báo Cứu quốc số 40 ngày 11/9/1945. Và 08 ngày sau đó, dưới bút danh Chiến Thắng, Người đã viết bài: “
Chính phủ là công bộc của dân” đăng trên báo Cứu quốc số 46, ra ngày 19/9/1945. Trong nhiều tác phẩm quan trọng viết trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa bao gồm cả Ủy ban hành chính các cấp ở địa phương (Ủy ban nhân dân hiện nay). Và như vậy, với tư cách Chủ tịch Chính phủ lâm thời - người đứng đầu Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một luận điểm hết sức quan trọng, làm căn cứ lý luận để xây dựng một bộ máy chính quyền - bộ máy hành pháp, hành chính phù hợp với nguyên tắc nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Để hiện thực hóa nguyên tắc đó (dù khi đó chưa có Hiến pháp năm 1946) và để có cơ sở pháp lý xây dựng bộ máy chính quyền địa phương, dưới sự tham mưu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, ngày 22/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 63/SL về tổ chức chính quyền nhân dân ở các địa phương; và đến ngày 21/12/1945, Người ký ban hành Sắc lệnh số 77/SL về tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã, thành phố.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương còn thể hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng khác được ban hành trong thời gian 24 năm liên tục Người giữ cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945-1969). Trong khuôn khổ tham luận Hội thảo, chỉ xin trình bày về một số nội dung chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương.
1. Tầm quan trọng của chính quyền địa phương và mô hình tổ chức chính quyền địa phương trong tư tưởng Hồ Chí Minh
1.1. Về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của chính quyền địa phương
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chính quyền địa phương ở Việt Nam phải được tổ chức và hoạt động theo phương thức quản lý xã hội, quản trị quốc gia phù hợp với đặc thù, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Như đã nêu trên, ngay từ khi mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Hồ Chí Minh đã quan tâm tới việc xây dựng chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền ở địa phương. Theo Người, chính quyền địa phương nằm trong hệ thống chính quyền nhà nước được tổ chức chặt chẽ và thống nhất từ Trung ương cho đến cơ sở: “
chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra”. Chính quyền địa phương (bao gồm cấp xã, huyện, tỉnh) là những cấp trực tiếp với nhân dân; là nơi thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng và nhấn mạnh tầm quan trọng của chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cấp cơ sở (cấp xã). Người coi chính quyền cấp cơ sở là “
cấp gần gũi nhân dân nhất,
nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được thì mọi việc đều xong xuôi”.
[3]
Trong các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ban hành trong thời kỳ Người làm Chủ tịch nước (từ 1945 đến 1969) đều nhấn mạnh chính quyền địa phương là pháp nhân công quyền được sử dụng quyền lực nhà nước để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của chính quyền địa phương. “
Để thực hiện chính quyền nhân dân địa phương trong nước Việt Nam, sẽ đặt hai thứ cơ quan: Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính”.
[4] “
Hội đồng nhân dân các cấp là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, do nhân dân bầu ra”.
[5] “
Ủy ban hành chính các cấp là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân cùng cấp, là cơ quan hành chính của Nhà nước ở cấp ấy”.
[6]
Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ chính quyền địa phương cơ sở là cơ quan nhà nước gần gũi nhất với nhân dân, hiểu rõ nhất về nhân dân, phải thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và chăm lo về mọi mặt, mọi hoạt động của cộng đồng dân cư. Chính quyền địa phương phải chăm lo nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, nhất là về trình độ, năng lực làm chủ của nhân dân (quyền làm chủ của nhân dân) trong việc xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đây là những quan điểm vừa thể hiện tính trọng dân, gần dân, thân dân trong truyền thống Việt Nam; vừa thể hiện nguyên tắc bộ máy nhà nước phải gần gũi với dân cư trong tổ chức bộ máy nhà nước của các nước xã hội chủ nghĩa thời kỳ đó.
1.2. Về mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương
Trong việc tổ chức thiết lập bộ máy chính quyền địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phải xây dựng một bộ máy vừa mang tính dân chủ nhân dân, vừa mang tính tự quản. Về vấn đề này, cố Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe cho rằng, các sắc lệnh quy định về chính quyền địa phương các cấp bao gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính đã thể hiện hai nguyên lý dân chủ mới của bộ máy quản lý xã hội là chính quyền trực tiếp và chính quyền tập trung.
[7]
Để có được một bộ máy chính quyền địa phương điều hành, quản lý xã hội có hiệu lực, hiệu quả, phải đảm bảo nguyên tắc tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước, của bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở. Trong bài báo “Cách tổ chức các ủy ban nhân dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “
Ủy ban nhân dân (làng, huyện, tỉnh, thành phố) là hình thức Chính phủ trong các địa phương, sau khi khởi nghĩa thắng lợi”.
[8] Trong bài “Chính phủ là công bộc của dân”, Người tiếp tục khẳng định: “
Các Ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương”.
[9]
Đây là một nguyên tắc có tính cơ bản, xuyên suốt tổ chức bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam qua các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và năm 2013. Ý nghĩa của vấn đề này là, trên cơ sở quy định rõ ràng vị trí, tính chất pháp lý ở tầm hiến định, luật định sẽ bảo đảm cho chính quyền địa phương các cấp thực hiện quyền hạn và trách nhiệm trên hai phương diện:
một là, vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương, bảo đảm thực thi thể chế hành chính do Trung ương ban hành;
hai là, chính quyền do nhân dân bầu ra, là người đại diện cho tâm tư nguyện vọng của nhân dân, có trách nhiệm thực hiện ý chí, quyền lợi của nhân dân.
Tại Điều 1 của Sắc lệnh số 63 ngày 22/11/1945 về tổ chức các Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính đã quy định cụ thể: chính quyền nhân dân địa phương trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà sẽ đặt hai thứ cơ quan là Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính. Hội đồng nhân dân do nhân dân bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu, là cơ quan thay mặt nhân dân, được nhân dân ủy quyền. Ủy ban hành chính do các Hội đồng nhân dân bầu ra là cơ quan hành chính, vừa thay mặt cho nhân dân địa phương vừa đại diện cho Chính phủ để điều hành quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong phạm vi địa phương.
Trong việc xác định cách tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không áp dụng máy móc mô hình Xô viết ở các cơ quan, đơn vị sản xuất, công tác như Xô viết nhà máy, Xô viết nông trường... mà Người đã tiếp thu có chọn lọc mô hình các nước có nền hành chính lâu đời để vận dụng vào điều kiện, đặc điểm lịch sử, xã hội Việt Nam, quyết định lựa chọn mô hình bầu cử theo các địa bàn dân cư, tổ chức chính quyền địa phương theo các đơn vị hành chính. Đây không phải vấn đề mới, mà trong “Thư gửi Ban Phương Đông” từ thập niên 30 của thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã phê phán những người trong Quốc tế Cộng sản muốn áp đặt đường lối cách mạng cho Việt Nam:
“1. Đa số các đồng chí... cũng không hiểu thật rõ “cách mạng dân chủ tư sản” là gì. 2. Các đồng chí không hiểu tại sao phải kết hợp cách mạng phản đế với cách mạng ruộng đất”.
[10] Như vậy, sự phù hợp thực tiễn Việt Nam luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao, coi đó là yếu tố quyết định khi quyết định một chủ trương, chính sách nào đó vào thực tiễn Việt Nam.
Về yếu tố truyền thống, có thể thấy tính chất của quy định “hồi tỵ” trong Bộ luật Hồng Đức tại các điều 63, 64 và 65 của Sắc lệnh số 63/SL ngày 22/11/1945. Đây là các điều khoản chung, trong đó thể hiện rõ nhất là Điều 64: “
Hai vợ chồng, ba cha con, ba mẹ con, ba anh em ruột hay ba chị em ruột không được cùng ở trong một Ủy ban hành chính (xã, huyện, tỉnh hay kỳ)”. Về yếu tố hiện đại, có thể thấy ngay tại Điều 1 Sắc lệnh số 63/SL: “
ở hai cấp xã và tỉnh có hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính ở các cấp, huyện và kỳ chỉ có ủy ban hành chính”.
Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định ngay từ rất sớm và rõ ràng cả về vị trí, vai trò, phương thức thành lập (khi đó gọi là “cách thức thành lập”) và mô hình tổ chức của chính quyền địa phương. Với tầm tư duy sáng tạo đó, ngay sau khi giành được độc lập, hệ thống tổ chức các cơ quan từ Chính phủ đến xã đã hình thành theo hướng gọn nhẹ, thống nhất, ổn định.
Trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phân biệt mô hình tổ chức chính quyền ở nông thôn với chính quyền ở đô thị. Như đã nêu trên, Sắc lệnh số 63/SL ngày 22/11/1945 về tổ chức các Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính đã quy định cách tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương ở nông thôn. Trong đó, ở cấp xã và cấp tỉnh có đầy đủ hai cơ quan là Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính; riêng cấp huyện và cấp kỳ chỉ có Ủy ban hành chính, không tổ chức Hội đồng nhân dân. Đây là một tư duy độc đáo mang tính khoa học, thể hiện được tính dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trong việc hình thành các thiết chế về tổ chức của chính quyền địa phương, vừa đảm bảo hiệu lực quản lý vừa đảm bảo tính khả thi cao. Về quyền hạn và phân công, cách làm việc, ở mỗi cấp đều được xác định hết sức cụ thể, rõ ràng về thẩm quyền và trách nhiệm, cách thức tổ chức, hoạt động của từng cơ quan.
Tại Sắc lệnh số 77/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 21/12/1945 về tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã và thành phố đã quy định rất rõ các nội dung phân biệt giữa tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nông thôn và chính quyền địa phương đô thị. Điều 3 của Sắc lệnh số 77/SL quy định: “
Ở mỗi thành phố sẽ đặt ba thứ cơ quan: Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban hành chính thành phố và Ủy ban hành chính khu phố... Hội đồng nhân dân thành phố do nhân dân thành phố bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu, là cơ quan thay mặt cho nhân dân thành phố. Ủy ban hành chính thành phố do Hội đồng nhân dân thành phố bầu ra, vừa thay mặt cho nhân dân thành phố vừa thay mặt cho Chính phủ. Ủy ban hành chính khu phố do dân khu phố bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu là cơ quan vừa thay mặt cho dân khu phố vừa thay mặt cho Chính phủ”.
Theo tinh thần này, ở thành phố trực thuộc Trung ương khi đó chỉ có 02 cấp hành chính là thành phố và khu phố (còn được gọi là nguyên tắc “một cấp chính quyền, hai cấp hành chính”). Cấp khu phố không có Hội đồng nhân dân mà chỉ có Ủy ban hành chính. Tuy có điểm tương đồng là cấp huyện cũng không có Hội đồng nhân dân, nhưng Ủy ban hành chính huyện do ủy viên Hội đồng nhân dân các xã bầu, còn Ủy ban hành chính khu phố do cử tri khu phố trực tiếp bầu ra (tức nhân dân trực tiếp lập ra, hay còn gọi là thông qua dân chủ trực tiếp). Ngoài ra, quy định của Sắc lệnh số 77/SL về việc bỏ phiếu tín nhiệm Ủy ban hành chính khu phố khi có 2/5 cử tri yêu cầu phúc quyết Ủy ban hành chính..., hay thể thức ứng cử, bầu cử ở địa bàn đô thị cũng có những điểm khác với cách thức thực hiện đối với chính quyền địa phương ở nông thôn.
Trong hoạt động của chính quyền địa phương nói chung, chính quyền đô thị nói riêng thể hiện trong các văn bản thời kỳ này cũng có những quy định mang tính hiện đại rất cao, như việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu: “
Khi Hội đồng biểu quyết, quyết nghị của Hội đồng sẽ theo biểu quyết của đa số hội viên. Khi số phiếu hai bên ngang nhau thì quyết nghị của Hội đồng theo biểu quyết của người chủ tọa Hội đồng” (Điều 27 Sắc lệnh số 77/SL). Điều 80 Sắc lệnh số 63/SL quy định: “
Hội đồng nhân dân tỉnh có quyền quyết nghị về tất cả các vấn đề thuộc phạm vi tỉnh mình. Nhưng quyết nghị của hội đồng nhân dân hàng tỉnh không được trái với chỉ thị của các cấp trên. Hội đồng có thể hỏi ý kiến các nhà chuyên môn trước khi quyết nghị một vấn đề có liên quan đến một hay nhiều ngành chuyên môn”. Đây có thể xem là tiền đề cho hoạt động tư vấn, phản biện xã hội của Hội đồng nhân dân các cấp hiện nay. Đặc biệt là tính dân chủ rất cao, thể hiện qua các điều 107 và 108 Sắc lệnh số 63/SL quy định về việc các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh “
có thể mời người ngoài dự bàn được. Những người được mời có quyền phát biểu ý kiến, nhưng không có quyền biểu quyết” và “
trừ những trường hợp đặc biệt phải họp kín, còn thì hội đồng nhân dân tỉnh họp công khai. Dân tình có quyền dự thính nhưng không có quyền chất vấn”. Quy định như vậy thể hiện tính dân chủ rất cao trong hoạt động của chính quyền địa phương thời kỳ đó.
Quy định theo hướng hài hòa giữa tính hiện đại và tính truyền thống của Sắc lệnh số 63/SL và Sắc lệnh số 77/SL tiếp tục được thể hiện trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 1958. Điều 58 luật này quy định: “
Ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã có Hội đồng nhân dân do đầu phiếu phổ thông và trực tiếp bầu ra. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, thị xã hay xã cử ra Ủy ban hành chính. Ở bộ và huyện, chỉ có Ủy ban hành chính. Ủy ban hành chính bộ do Hội đồng các tỉnh và thành phố bầu ra. Ủy ban hành chính huyện do Hội đồng các xã bầu ra”. Điều 59 luật này cũng quy định: “
Hội đồng nhân dân quyết nghị về những vấn đề thuộc địa phương mình. Những nghị quyết ấy không được trái với chỉ thị của các cấp trên. Ủy ban hành chính có trách nhiệm: Thi hành các mệnh lệnh của cấp trên; Thi hành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân địa phương mình sau khi được cấp trên chuẩn y; Chỉ huy công việc hành chính trong địa phương”.
Như vậy, việc xác lập vị trí, vai trò, tầm quan trọng và các nguyên tắc tổ chức và hoạt động; kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống với hiện đại, tính dân tộc và tính nhân loại; sự phân biệt rõ ràng giữa mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở đô thị với chính quyền địa phương ở nông thôn là những nét đặc sắc nổi bật nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương ở Việt Nam.
1.3. Về sự hợp lý và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền địa phương
Để tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương bảo đảm hợp lý và có hiệu lực, hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải xây dựng được tổ chức bộ máy chính quyền hợp lý và khoa học nhằm mang lại hiệu quả trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Trong thời gian 30 năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài (1911-1941), Người đã nghiên cứu và kế thừa có chọn lọc các mô hình tổ chức bộ máy nhà nước của các nước điển hình trên thế giới, đồng thời vận dụng sáng tạo trong điều kiện đặc điểm lịch sử phong tục, tập quán của Việt Nam để xây dựng một mô hình tổ chức bộ máy nhà nước phù hợp với bản chất của Nhà nước dân chủ nhân dân ở Việt Nam.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những hạn chế và cách khắc phục nhũng hạn chế trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, trong đó Người rất chú trọng đến các ủy ban nhân dân. Về hạn chế chung, trong tác phẩm “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, Người đã chỉ rõ: “
Sau tám mươi năm bị áp bức, bị bóc lột, và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính. Nhưng điều đó không làm cho chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm”. Đối với hạn chế của chính quyền địa phương, Người cho rằng “…
một khuyết điểm lớn, chung cho phần đông các Ủy ban nhân dân là bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức. Về cán bộ hành chính, ta phải thú nhận là thiếu rất nhiều. Người đi tuyên truyền, người chiến đấu thì có. Người ngồi bàn giấy làm việc cai trị rất hiếm. Vào trụ sở một Ủy ban nhân dân, người ta nhận ngay thấy sự lộn xộn trong việc xếp đặt bàn giấy... Trong một Ủy ban, nhiều khi có người rất rỗi rãi, cả ngày chỉ chạy ra chạy vào cho có chuyện, có người lại bù đầu rối óc vì một mình phải kiêm đến mấy việc… Chia công việc không khéo thành ra bao biện”.
Về cách khắc phục hạn chế, trong bài báo “Cách tổ chức các Ủy ban nhân dân” đăng trên báo Cứu quốc số 40 ra ngày 11/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên cách tổ chức nhân sự của Ủy ban nhân dân (làng, huyện, tỉnh, thành phố) chỉ gồm từ 05 đến 07 người với các công việc phân chia rõ ràng như sau:
“1) Một Chủ tịch, đứng đầu Ủy ban, có nhiệm vụ đốc suất, củ soát các Ủy viên khác, liên lạc với các cấp bộ trên và các tổ chức trong địa phương, chiêu tập và điều khiển các cuộc họp.
2) Một Phó Chủ tịch, giúp đỡ và thay Chủ tịch khi anh này bận hay đi vắng.
3) Một Thư ký giữ sổ sách, làm biên bản trong các cuộc hội họp.
4) Một Ủy viên phụ trách chính trị có nhiệm vụ thành lập toà án dân chúng trừng trị những kẻ phạm tội, trái luật, do thám, tiễu trừ Việt gian. Tuyên truyền hay huấn luyện chính trị cho nhân dân, làm cho họ đoàn kết chặt chẽ xung quanh Chính phủ.
5) Một Ủy viên phụ trách kinh tế tài chính, có nhiệm vụ:
a- Giữ và dùng quỹ địa phương, quyên tiền, thu thuế lợi tức luỹ tiến, v.v.;
b- Khuếch trương nền kinh tế địa phương; nâng cao trình độ nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp;
c- Cải thiện đời sống cho nhân dân.
6) Một Ủy viên phụ trách quân sự, có nhiệm vụ:
a- Đốc suất tự vệ giữ vững an toàn cho nhân dân;
b- Võ trang và huấn luyện quân sự cho nhân dân; động viên họ lên trường tranh đấu du kích chống xâm lược.
7) Một Ủy viên phụ trách xã hội, có nhiệm vụ:
a- Tổ chức và giám đốc các cơ quan y tế, vệ sinh, cứu tế, bài trừ hủ tục, v.v..
b- Tổ chức và điều khiển những cuộc giải trí công cộng, du lịch, ca kịch, chiếu bóng, hội hè, kỷ niệm.
c- Tổ chức và trông coi công cuộc giáo dục nhân dân: mở trường học, chống nạn mù chữ, mở thư viện, v.v.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký có thể kiêm phụ trách hoặc kinh tế, tài chính, hoặc tuyên truyền huấn luyện, hoặc quân sự, hoặc xã hội. Họp Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký thành Ban thường vụ để chỉ huy công tác hàng ngày.”
Đồng thời, Người yêu cầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong Ủy ban nhân dân: “
Nhiều ủy viên trong các Ủy ban, đã được phân công rõ ràng, đã nhận phụ trách một việc nhất định, không biết xoay xỏa nghĩ cách thực hành công tác mình cho có hiệu quả, lại nhất nhất điều gì cũng chỉ đòi hỏi chủ tịch hay thượng cấp, không biết tự quyết, tự định cái gì, như vậy làm sao công tác phát triển được. Có mắt ta phải trông, có óc ta phải nghĩ, có tay ta phải làm chứ... Nói tóm lại, các nhân viên trong các Ủy ban nhân dân phải rèn cho có một tinh thần tự động mạnh mẽ, nhưng phải bỏ tính cái gì cũng tự tiện...”.
[11]
Người nhắc nhở, chỉ ra cách chia công việc cho khéo léo, tổ chức trong các ủy ban sao cho có khoa học, cán bộ làm việc phải có tinh thần tự chủ, có ý thức cao, cần phải làm việc một cách có phương pháp khoa học, không trông chờ ỷ lại người khác, có như vậy hoạt động của các cơ quan nhà nước mới có hiệu quả. Trong Sắc lệnh số 63/SL do Người ký ban hành còn quy định cách tổ chức Ủy ban hành chính các cấp, ấn định mỗi xã đặt một ủy ban hành chính gồm có 5 Ủy viên chính thức (01 chủ tịch, 01 phó chủ tịch, 01 thư ký, 01 thủ quỹ và 01 Ủy viên) và 02 ủy viên dự khuyết. Mỗi huyện đặt một ủy ban hành chính gồm 03 Ủy viên chính thức (01 chủ tịch, 01 phó chủ tịch, 01 thư ký) và 02 ủy viên dự khuyết. Mỗi tỉnh đặt một ủy ban hành chính gồm 03 ủy viên chính thức (01 chủ tịch, 01 phó chủ tịch, 01 thư ký) và 02 ủy viên dự khuyết. Cơ cấu nhân sự ủy ban hành chính các cấp đã thể hiện hết sức tinh gọn, vị trí, chức năng nhiệm vụ của mỗi chức danh rất rõ ràng, cụ thể và các vị trí của các chức danh có thể kiêm nhiệm.
Một điểm rất đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương là phương pháp dân vận trong hoạt động của chính quyền và tác phong dân vận của cán bộ, công chức chính quyền các cấp. Phương pháp dân vận trong tư tưởng Hồ Chí Minh có thể hiểu là cách diễn đạt về chính trị phương pháp thuyết phục trong quản lý nhà nước. Trong tác phẩm “Dân vận”, Người chỉ rõ: Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể (từ ngữ chỉ Đảng khi đó - TG) và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách dân vận. Thí dụ trong phong trào thi đua cho đủ ăn, đủ mặc: Cán bộ chính quyền và cán bộ Đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn... Cán bộ canh nông thì hợp tác mật thiết với cán bộ địa phương, đi sát với dân, thiết thực bày vẽ cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, ủ phân, làm cỏ, v.v.. Những hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm.
Những yêu cầu này xuất phát từ việc Người đã phát hiện ra những biểu hiện của bệnh quan liêu, xa dân của chính quyền địa phương khi đó, thể hiện rõ nhất trong tác phẩm nổi tiếng “Sao cho được lòng dân”: “
Thứ nhất dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng, có được mấy khẩu súng lục trong túi lúc nào cũng lǎm le muốn bắn, đeo chiếc kiếm bên mình lúc nào cũng chỉ chực muốn chặt người ta. Người ta còn bĩu môi nói đến bà “phủ trưởng” nọ bận quần áo chẽn, tóc cắt ngắn cưỡi ngựa đi rong khắp chỗ mà chẳng có việc gì, người ta còn thì thào chỉ chỏ ông tỉnh trưởng kia vác ô tô đưa bà “tỉnh trưởng” đi chơi mát mỗi buổi chiều. Từ chỗ ngông nghênh xa phí đó rất dễ đi đến chỗ ỷ thế cậy quyền, làm nhiều điều quá tệ. Thậm chí có ông tư pháp khi xử kiện bắt tội nhân quỳ trước thềm đánh đập, chửi mắng tội nhân, hách dịch đúng như những “ông quan”, “ông thanh tra” dưới thời Pháp thuộc, Nhật thuộc!”. Đây là điều chúng ta cần hết sức lưu ý hiện nay. Trên cơ sở của những chỉ dẫn đó cách thức tổ chức cũng như về chức năng, nhiệm vụ được thể hiện trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp 1959 và những văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
1.4. Về đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền địa phương
Khi nói về trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với nhà nước, đối với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề một cách giản dị mà sâu sắc trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Người cho rằng: “Nếu chúng ta hỏi cán bộ: “Việc đó, làm cho ai? Đối với ai phụ trách?”, chắc số đông cán bộ sẽ trả lời: “Làm cho Chính phủ hoặc Đảng, phụ trách trước cấp trên”. Câu trả lời đó chỉ đúng một nửa. Nếu chúng ta lại hỏi: “Chính phủ và Đảng vì ai mà làm việc đó? Và phụ trách với ai?” thì e nhiều cán bộ không trả lời được. Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Đó chính là tinh thần, trách nhiệm trong hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức chính quyền địa phương.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phẩm chất, bản lĩnh và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức cũng là nhân tố quan trọng tạo nên chất lượng tổ chức bộ máy nói chung và ở địa phương cơ sở nói riêng, vì cán bộ là nhân tố động nhất của tổ chức, quyết định tất thảy “
vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”. Vì vậy, khi nói về tư cách phẩm chất của cán bộ, công chức chính quyền địa phương, Người cho rằng cần phải tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở cả về năng lực và phẩm chất, cần “
kiện toàn tổ chức và lề lối làm việc; nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật và đạo đức cách mạng của toàn thể cán bộ và đảng viên”, “
Đảng và Chính phủ đề ra chính sách. Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, hiểu thấu hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực, để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người hiểu thấu và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy. Như thế là làm trọn nhiệm vụ”.
Trong tác phẩm “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành phần lớn những lời tâm tình chỉ bảo về sửa đổi những khuyết điểm trên các phương diện để đưa sự nghiệp kiến quốc tiến lên. Người chỉ ra những khuyết điểm lớn ở địa phương là khuynh hướng chật hẹp và bao biện, lạm dụng hình phạt, kỷ luật không nghiêm, hủ hoá... Người chỉ rõ, những khuyết điểm trên làm ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân, do đó cần phải chỉnh đốn lại. Ngay từ năm 1945, trong bài viết “Cách tổ chức các ủy ban nhân dân”, Người đã phê phán cách lựa chọn cán bộ theo “
khuynh hướng chật hẹp và bao biện. Việc gì cũng do người Việt Minh làm, không biết đem những người có danh vọng hoặc có tài cán ở địa phương vào giúp việc”.
Trong tác phẩm nổi tiếng “Sao cho được lòng dân”, Người khẳng định: “
Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chǎm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý. Ngoài ra, đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta. Phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được. Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.
Một trong những vấn đề mà Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý là phương pháp bố trí và sử dụng cán bộ. Theo Người, trong bố trí, sử dụng cán bộ cần tuân thủ nguyên tắc: “
Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”. Người đã tiên lượng được những khó khăn phức tạp, tinh tế của công tác tổ chức, do đó Người mong muốn kỳ vọng làm sao cấp ủy, cơ quan tổ chức cán bộ phải bố trí đúng người, đúng việc, đúng với sở trường sở đoản của cán bộ. Người chỉ dẫn: “
Công việc có việc khó việc dễ, việc nặng việc nhẹ. Phải phân phối thế nào cho người đúng với việc, việc đúng với người, và ai cũng có công việc, cũng phấn khởi lao động”. Bằng sự theo dõi, tổng kết thực tiễn, Người đã phát hiện có những trường hợp bố trí sử dụng cán bộ không đúng với tiêu chuẩn, năng lực của cán bộ, người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được.
Về phương pháp làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân, từ yêu cầu thực tiễn đặt ra chứ không máy móc: “…
cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”; “
Việc to, việc nhỏ đều phải phù hợp với lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng, thì mới có thể phục vụ được quần chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.
Cũng có một điểm rất đặc biệt, là cùng với yêu cầu về nhiệm vụ dân vận và phương pháp dân vận trong hoạt động của chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu công chức, cán bộ chính quyền phải có tác phong dân vận để phục vụ nhân dân, mà tác phong đó phải được thực hiện trước hết từ lãnh đạo cấp cao trong chính quyền: “
các vị bộ trưởng nên luyện cho mình có đôi chân hay đi, đôi mắt hay nhìn, cái óc hay nghĩ, không nên chỉ ngồi ở bàn giấy”; hoặc “hội mà không nghị, nghị mà không quyết, quyết mà không làm”.
[12]
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về chính quyền ở địa phương mà đặc biệt là cấp cơ sơ có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Đây là cấp gần dân nhất, hiểu dân nhất. Do vậy, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thì việc xây dựng chính quyền ở địa phương bảo đảm trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả là công việc cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
2. Thực tiễn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương thời gian qua
Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước ta trân trọng, đề cao và vận dụng nhất quán trong quá trình cách mạng Việt Nam. Song, do điều kiện lịch sử, nhất là khi đất nước còn chiến tranh và thời kỳ kế hoạch hóa tập trung mà chúng ta chưa có đủ điều kiện vận dụng vào thực tiễn đất nước (mặc dù đã quan tâm xây dựng, ban hành Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 1983). Chỉ từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới (1986) đến nay, chúng ta mới có điều kiện để nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương nói riêng vào thực tiễn: “
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật là di sản quý báu trong truyền thống tư tưởng chính trị - pháp lý Việt Nam... Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền đang đặt ra đòi hỏi phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn đồng thời tiếp tục hiện thực hoá những yêu cầu của hệ quan điểm đó trong toàn bộ quá trình lãnh đạo và quản lý đất nước”.
[13]
Theo đó, đã xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 1989, sau đó Hội đồng Nhà nước ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp để cụ thể hóa những quy định của luật này. Đến năm 1994, Quốc hội ban hành Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 1994, sau đó Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn. Song chỉ đến khi Quốc hội ban hành Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 thì nhiều nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương mới được nghiên cứu, tiếp thu có hệ thống. Và quá trình nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương vào thực tiễn, bên cạnh việc đem lại nhiều kết quả tích cực thì cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện để đem lại kết quả tích cực hơn nữa.
2.1. Vận dụng trong giai đoạn thực hiện Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003
a) Đối với thiết chế Hội đồng nhân dân
Theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, Hội đồng nhân dân (HĐND) được thành lập ở tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; thiết lập Thường trực HĐND các cấp; bố trí tăng số lượng đại biểu chuyên trách trong Thường trực HĐND. Căn cứ quy định của Luật, HĐND các cấp đã từng bước đổi mới về phương thức hoạt động, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo đúng quy định, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn và cả nước.
Theo quy định tại Điều 1 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, HĐND các cấp được xác định là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. HĐND thực hiện ba chức năng cơ bản là: đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương; quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; giám sát hoạt động các cơ quan, tổ chức, đơn vị và công dân trên địa bàn địa phương. Theo quy định, HĐND các cấp họp thường lệ mỗi năm hai kỳ, các kỳ họp HĐND các cấp được chuẩn bị chu đáo, đúng luật và ngày càng có chất lượng. Đại biểu HĐND đã dành thời gian nghiên cứu tài liệu, tiếp xúc cử tri trước kỳ họp. Các ban của HĐND thực hiện công tác thẩm tra đúng quy trình, thủ tục và thời gian theo quy định của pháp luật và có sự đầu tư đúng mức nên chất lượng báo cáo thẩm tra được nâng lên, có tính phản biện, đề xuất giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung làm cơ sở để HĐND thảo luận và quyết định.
Việc điều hành kỳ họp của Thường trực HĐND các cấp đã được cải tiến đáng kể, dành nhiều thời gian cho việc thảo luận và hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn, rút ngắn thời gian đọc và trình bày các báo cáo. Thường trực HĐND đã chú trọng định hướng để các đại biểu thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự thống nhất cao, những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm, dư luận xã hội còn nhiều bức xúc. Do vậy, kỳ họp HĐND các cấp ở nhiều địa phương đã tạo được không khí dân chủ, cởi mở, phát huy được trí tuệ tập thể khi thảo luận và biểu quyết. Nhiều địa phương đã tổ chức được kỳ họp chuyên đề để tập trung thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng, những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm, có nhiều bức xúc như xóa đói giảm nghèo; xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính; quản lý và sử dụng đất đai; quy hoạch và phát triển đô thị; nâng cao chất lượng giáo dục; chế độ, chính sách đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố… nên đã có tác dụng rõ nét trong việc khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, đem lại lợi ích thiết thực cho đời sống nhân dân ở địa phương.
Đối với việc quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương của HĐND, HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới trong việc thực hiện chức năng này. Việc trình bày báo cáo, thảo luận quyết định tại kỳ họp được thay đổi theo hướng trình bày tóm tắt, tập trung thảo luận những vấn đề trọng tâm, cốt lõi, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Việc xem xét, thảo luận và giải trình mang tính trao đổi hai chiều nhằm làm rõ vấn đề nên đã phát huy được trí tuệ tập thể, thu được nhiều ý kiến chất lượng, có tính xây dựng. Nhờ vậy, các nghị quyết được HĐND thông qua nhìn chung đạt được sự thống nhất cao, chất lượng nghị quyết được nâng lên, sát với tình hình thực tế của địa phương và có tính khả thi, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến tích cực ở địa phương, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước.
Đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND các cấp đã xây dựng nội dung, chương trình giám sát hàng năm trình HĐND thông qua, trên cơ sở đó đã tạo sự chủ động cho Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND và các cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động tham gia hoạt động giám sát. Chính vì vậy, hoạt động giám sát đã từng bước đi vào nề nếp, có chương trình, kế hoạch theo từng tháng, từng quý và cả năm. Tại các kỳ họp, HĐND thực hiện quyền giám sát thông qua việc xem xét các báo cáo văn bản, Đề án trình HĐND. Các đại biểu đã phát huy tinh thần trách nhiệm đầu tư thời gian, công sức và trí tuệ để nghiên cứu, xem xét các báo cáo, đóng góp nhiều ý kiến, đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị thiết thực để các cơ quan, tổ chức tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND.
Quy trình thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn từng bước được cải tiến. Chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng được nâng lên và đi vào thực chất. Không khí phiên chất vấn có tính xây dựng, làm rõ được nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục. HĐND nhiều tỉnh, thành phố đã kết hợp giữa chất vấn và giám sát chuyên đề trong một số lĩnh vực bảo đảm hoạt động chất vấn tập trung, làm sáng tỏ được nhiều vấn đề trên diện rộng, đưa ra được nhiều giải pháp thiết thực; các cam kết trả lời chất vấn đã được HĐND tỉnh, thành một số nơi đưa vào Nghị quyết của kỳ họp.
Về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, nhiều nội dung mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 áp dụng trong thực tiễn đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động này của đại biểu HĐND. Nhìn chung chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri được nâng lên và đi vào thực chất. Đại biểu HĐND ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động này. Hầu hết HĐND các cấp chủ động trong việc xây dựng được kế hoạch, chương trình tiếp xúc cử tri, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong tiếp xúc cử tri. Hình thức tiếp xúc cử tri được mở rộng, ngoài việc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, một số đại biểu HĐND đã tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi công tác.
b) Đối với thiết chế Ủy ban nhân dân
Thực hiện quy định tại Điều 4 của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, Ủy ban nhân dân (UBND) đã được thành lập ở tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Chính phủ đã ban hành các văn bản quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên UBND các cấp, qua đó UBND các cấp đã được tổ chức theo đúng quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 và văn bản hướng dẫn của Chính phủ. Cơ cấu, số lượng và trình độ của thành viên UBND các cấp đã đáp ứng yêu cầu của việc điều hành quản lý nhà nước ở địa phương. Hầu hết thành viên UBND các cấp đã có thời gian kinh qua thực tiễn tại cơ sở, có bản lĩnh chính trị, phát huy được năng lực, sở trường trong công tác và năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành, góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn việc tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện; đã nhiều lần điều chỉnh, bổ sung để cải cách theo hướng tinh gọn bộ máy và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để tổ chức cơ quan chuyên môn quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Có nhiều điểm mới so với cách tổ chức trước đây như bổ sung những điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của một số cơ quan chuyên môn khác để đảm bảo thực hiện chủ trương sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; khác biệt về số lượng, tên gọi và nhiệm vụ, thẩm quyền của một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố trực thuộc Trung ương khác so với cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; tổ chức, số lượng, tên gọi, nhiệm vụ, thẩm quyền của một số cơ quan chuyên môn ở khu vực đô thị khác với khu vực nông thôn để phân biệt đặc thù quản lý nhà nước giữa đô thị và nông thôn; UBND xã, phường, thị trấn được tổ chức theo hướng tinh gọn, lồng ghép các chức danh chuyên môn theo lĩnh vực công tác được giao theo quy định của Chính phủ.
Về nhiệm vụ, thẩm quyền của UBND các cấp, đã luật hóa các quy định về nhiệm vụ, thẩm quyền của UBND các cấp được quy định trong Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của UBND các cấp (ban hành năm 1996), quy định những nội dung mới về phân cấp giữa các cấp chính quyền địa phương, đã bước đầu khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương; khắc phục việc không quy định cụ thể thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương trong Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 1994. Trên tinh thần tạo quyền chủ động cho UBND ở mỗi cấp, đã có những nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp trong Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND ở mỗi cấp. Quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của UBND ở mỗi cấp trên tinh thần phân cấp mạnh và rõ hơn theo hướng tăng thẩm quyền cho UBND các cấp, nhất là cấp tỉnh trên một số lĩnh vực quan trọng như: tài chính - ngân sách, giáo dục, y tế, tổ chức bộ máy, biên chế hành chính - sự nghiệp, đất đai.
Với tính chất là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, UBND các cấp thực hiện quản lý tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương, là cơ quan chấp hành của HĐND, chịu trách nhiệm trước HĐND cùng cấp và cơ quan nhà nước cấp trên. UBND chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và thực hiện các chính sách khác trên địa bàn. UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương, góp phần bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.
Quy định như vậy đã xác định rõ vị trí, vai trò của UBND, mối quan hệ chấp hành của UBND với HĐND cùng cấp cũng như mối quan hệ chỉ đạo, điều hành của UBND với các cơ quan hành chính cấp trên mà đứng đầu là Chính phủ. Trong quá trình thực hiện cải cách hành chính, UBND các cấp đã có nhiều đổi mới về tổ chức, lề lối làm việc và phương thức quản lý, điều hành; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được nâng lên. Thực hiện có kết quả bước đầu việc đẩy mạnh phân cấp giữa chính quyền cấp trên với chính quyền cấp dưới, nhất là các đô thị và trong nội bộ đô thị, các lĩnh vực trọng điểm phân cấp.
UBND đã thể hiện được vai trò là cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương, đề xuất để HĐND cùng cấp quyết định các chủ trương, chính sách phát triển địa phương; thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực và chỉ đạo, điều hành các mặt kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương. Do đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đã được nâng lên. UBND đã từng bước thực hiện có kết quả việc đẩy mạnh phân cấp giữa các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là các lĩnh vực đầu tư xây dựng, tài chính, ngân sách, quản lý đô thị, tổ chức cán bộ, giáo dục và y tế.
Về đội ngũ cán bộ, công chức của UBND các cấp, Chủ tịch UBND các cấp là người lãnh đạo và điều hành công việc của UBND các cấp, chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, cùng với tập thể UBND các cấp chịu trách nhiệm về hoạt động của UBND trước HĐND cùng cấp và trước cơ quan nhà nước cấp trên. Phó Chủ tịch và các thành viên khác của UBND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do Chủ tịch UBND phân công và phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã được giao.
Mỗi thành viên của UBND chịu trách nhiệm cá nhân về phần công tác của mình và cùng với các thành viên khác chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của UBND trước HĐND cùng cấp và trước cơ quan nhà nước cấp trên. Vị trí, vai trò của Chủ tịch UBND với tính chất là người đứng đầu UBND các cấp được đề cao. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch UBND được kế thừa từ quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 1994 và được hoàn chỉnh, bổ sung trong Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân 2003.
Trên cơ sở quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, UBND các cấp ở các địa phương đã ban hành quy chế làm việc của UBND theo quy chế mẫu được Thủ tướng Chính phủ ban hành, cụ thể hoá nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch UBND và các thành viên của UBND. Thực tiễn cho thấy, việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của Chủ tịch UBND các cấp trong Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 là cần thiết, phát huy tác dụng tốt trong quản lý và điều hành hoạt động của UBND; giúp xử lý nhanh, kịp thời những vấn đề phát sinh trong hoạt động quản lý của UBND; từng bước đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân Chủ tịch UBND và từng thành viên của UBND. Đây là những điểm đã được quy định trong Sắc lệnh số 63/SL và Sắc lệnh số 77/SL đã nêu ở phần trên.
Thực hiện các quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, hoạt động của UBND các cấp nhiệm kỳ 2004-2011 và nhiệm kỳ 2011-2016 đã có những chuyển biến rõ rệt, hiệu lực hiệu quả hoạt động từng bước được nâng lên; vai trò quản lý điều hành và chỉ đạo của UBND các cấp đã được đổi mới một bước. Lề lối làm việc được cải tiến, thủ tục hành chính bước đầu được giảm nhẹ; đầu mối trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện được thu gọn, tạo sự vận hành thông suốt trong hệ thống bộ máy hành chính nhà nước và đóng góp tích cực vào việc giữ gìn trật tự - trị an, ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đáng chú ý, thực hiện chủ trương của Đảng (Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khoá X) về làm rõ sự khác biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền khu vực nông thôn, phân định nhiệm vụ, thẩm quyền giữa tập thể và cá nhân theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 26/2008/NQ-QH12 ngày 15/11/2008 về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng, làm cơ sở cho việc cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Và đây cũng có thể được xem như là “sự trở lại” với tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương thể hiện qua Sắc lệnh số 63/SL, Sắc lệnh số 77/SL và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 1958.
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm thì Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 cũng còn có những hạn chế so với cả thực tiễn và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương. Cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, thẩm quyền của HĐND và UBND được luật này quy định chung cho cả ba cấp nên chưa thể hiện rõ vai trò của mỗi cấp chính quyền địa phương. Trách nhiệm, thẩm quyền giữa cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã chưa được phân định rõ ràng, rành mạch. Do đó, đã hạn chế sự chủ động của cấp dưới và phần nào hạn chế vai trò chỉ đạo, quản lý điều hành của cơ quan nhà nước cấp trên.
Việc phân định trách nhiệm giữa cá nhân và tập thể chưa rõ; do đó chưa đề cao được trách nhiệm của tập thể UBND và nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cá nhân Chủ tịch UBND và các thành viên khác của UBND. Quy định thẩm quyền, nhiệm vụ của các cấp HĐND, UBND gần giống nhau, do đó trong thực tế có tình trạng cùng một vấn đề cả ba cấp HĐND (tỉnh, huyện, xã) đều bàn bạc và ra nghị quyết thông qua; một văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành chỉ được chính quyền địa phương triển khai thực hiện khi có văn bản hướng dẫn của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên trực tiếp. Bên cạnh đó, việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp, đặc biệt là đối với cấp xã còn bỏ sót một số lĩnh vực công tác (như nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã về tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; quản lý công chức cấp xã; quản lý địa giới hành chính, thi đua - khen thưởng).
Đồng thời, mô hình tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của HĐND, UBND được áp dụng cho tất cả các cấp hành chính, không phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của đơn vị hành chính ở đô thị. HĐND chưa thực sự phát huy được vai trò là cơ quan dân chủ đại diện trong việc thay mặt nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước ở địa phương. Nhiệm vụ của UBND chưa thể hiện và đáp ứng được yêu cầu quản lý đối với đơn vị hành chính đô thị và đơn vị hành chính nông thôn. Tổ chức, hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh do Chính phủ quy định chung cho tất cả địa phương nên chưa sát và phù hợp với từng địa phương. Phương pháp, tác phong làm việc của cán bộ, công chức chính quyền địa phương vẫn nặng về hành chính mệnh lệnh, ít chú ý đến phương pháp và tác phong dân vận mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu.
2.2. Vận dụng trong giai đoạn thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015
Sau 12 năm triển khai thực hiện Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, HĐND và UBND các cấp đã không ngừng được củng cố và hoàn thiện, cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương như đã nêu và phân tích những nét cơ bản ở phần trên. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy cả về tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND các cấp theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 đã bộc lộ những hạn chế, thiếu sót, chưa sát thực tế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, mà nổi lên là:
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của HĐND và UBND cơ bản giống nhau ở cả 3 cấp, chưa thể hiện tính gắn kết thống nhất giữa HĐND và UBND cùng cấp trong chỉnh thể chính quyền địa phương, chưa phân biệt theo đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo. Trong khi đây là những nội dung đã thể hiện tại Sắc lệnh số 63/SL, Sắc lệnh số 77/SL và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 1958.
Chưa phân định rõ thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương; một số nhiệm vụ theo luật định, chính quyền cấp xã không có khả năng thực thi; chưa quy định rõ các vấn đề do tập thể UBND thảo luận, quyết định và các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND dẫn đến tình trạng vừa không phát huy được vai trò người đứng đầu UBND, vừa bị Chủ tịch UBND lợi dụng để lẩn tránh trách nhiệm.
Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới về chính quyền địa phương, như: thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; quy định đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc trung ương; quy định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; quy định về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính; quy định về phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương; về việc thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước cấp trên giao. Nhưng tất cả chưa được luật hóa.
Định hướng của Đảng (trước hết là tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng) đã yêu cầu phải tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt giữa chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo; đẩy mạnh phân cấp giữa Trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương. Đây là những yêu cầu cần phải được Nhà nước thể chế hóa trong văn bản ở tầm luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp.
Kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở một số đơn vị hành chính thời gian qua; các Đề án mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng; các Đề án về đặc khu kinh tế (Vân Đồn, Quảng Ninh; Vân Phong, Khánh Hòa; Phú Quốc, Kiên Giang) cũng đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu về mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp cho phù hợp.
Ngày 19/6/2015, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 (Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015) để thay thế Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003. Đáng lưu ý là ngay từ tên gọi, Luật số 77/2015/QH13 đã thể hiện sự “trở lại” với tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương - Luật Tổ chức chính quyền địa phương (năm 1958, Quốc hội cũng đã ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương).
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức HĐND và UBND (cấp chính quyền địa phương), đồng thời chấm dứt việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kể từ ngày luật này có hiệu lực pháp luật (01/01/2016). Đây là điểm khác so với tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương thể hiện tại Sắc lệnh số 63/SL, Sắc lệnh số 77/SL và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 1958.
Đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo, tổ chức chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện tại hải đảo chia thành các đơn vị hành chính cấp xã thì tại đơn vị hành chính cấp xã cũng tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm có HĐND và UBND. Cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động của HĐND, UBND tại đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt thực hiện theo quy định của luật. Số lượng đại biểu HĐND, số lượng thành viên UBND và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, UBND của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.
Phân định thẩm quyền giữa trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương là điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 nhằm cụ thể hóa Điều 112 của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, để tạo cơ sở pháp lý cho việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương, luật quy định 06 nguyên tắc: bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực;
bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia (là điểm rất quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương); phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn lãnh thổ; phân định thẩm quyền phải phù hợp điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đặc thù của các ngành, lĩnh vực; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cùng cấp trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền cấp trên, trừ trường hợp có quy định khác; chính quyền địa phương được bảo đảm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp (Điều 11).
Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và của HĐND, UBND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính theo hướng chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh, giảm dần xuống cấp huyện đến cấp xã để tránh tình trạng dồn việc về cấp cơ sở mà không tính đến khả năng đáp ứng của từng cấp chính quyền; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở địa bàn nông thôn tập trung thực hiện quản lý theo lãnh thổ; ở địa bàn đô thị chú trọng thực hiện quản lý theo ngành, lĩnh vực.
Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND trên các lĩnh vực nhằm thể hiện rõ sự gắn kết chặt chẽ, thống nhất giữa hai thiết chế HĐND và UBND hợp thành chính quyền địa phương: HĐND quyết định các vấn đề của địa phương như quyết định ngân sách; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh trong cơ cấu của chính quyền địa phương; quyết định các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật, các biện pháp bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế, tài nguyên, môi trường, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể thao, y tế, lao động, chính sách xã hội, dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện các nghị quyết của HĐND trên địa bàn.
Với tính chất là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, UBND có nhiệm vụ xây dựng, trình HĐND quyết định những nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và tổ chức thực hiện các nghị quyết này sau khi được HĐND thông qua. UBND còn có nhiệm vụ quản lý nhà nước về các lĩnh vực trên địa bàn trong phạm vi được phân quyền, phân cấp, ủy quyền. Với tính chất là người đứng đầu UBND, Chủ tịch UBND có nhiệm vụ lãnh đạo và điều hành công việc của UBND, thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của HĐND và UBND, lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn,
bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính ở địa phương.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn đặc trưng của chính quyền đô thị nhằm thể hiện sự khác biệt với chính quyền nông thôn: ngoài việc quyết định các vấn đề của địa phương như đối với địa bàn nông thôn, chính quyền đô thị còn tập trung quyết định các vấn đề mang đặc thù của đô thị; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền quận và phường cho phù hợp với yêu cầu quản lý thống nhất, liên thông trong khu vực nội thành, nội thị tại các đô thị.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cũng đã kế thừa các nội dung hợp lý của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, bổ sung những điểm mới nhằm quy định chi tiết hơn về tổ chức và hoạt động của HĐND, kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND và đại biểu HĐND. Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của UBND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định chi tiết hơn về số lượng, cơ cấu thành viên UBND, nguyên tắc hoạt động của UBND; phiên họp UBND; phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của các thành viên UBND; mối quan hệ phối hợp công tác của UBND; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND. Luật đã phân định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể UBND và Chủ tịch UBND theo hướng đề cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình và trong việc điều động, cách chức, đình chỉ chức vụ đối với Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp, chỉ định quyền Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp trong trường hợp khuyết Chủ tịch UBND giữa hai kỳ họp HĐND. Đây là nội dung không chỉ kế thừa, mà còn phát triển thêm tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương về mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân người đứng đầu UBND các cấp, trong đó nhấn mạnh và đề cao thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND.
Sau đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 tiếp tục được sửa đổi, bổ sung và thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (Luật số 47/2019/QH14 ngày 22/11/2019). Cũng trong thời gian này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản rất quan trọng để chỉ đạo việc sắp xếp các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Trong đó, văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 ban hành kèm theo Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021; Bộ Nội vụ ban hành Văn bản số 2115/BNV-CQĐP ngày 16/5/2019 hướng dẫn mẫu hồ sơ đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.
Tổng hợp số liệu của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành các nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thì số lượng các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 là 18 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó có 09 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 01 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 08 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp). Kết quả số lượng đơn vị hành chính cấp huyện giảm là 06 đơn vị. Trong đó, tỉnh Cao Bằng giảm 03 huyện (03/13 đơn vị, tỷ lệ giảm 20,08%); tỉnh Quảng Ngãi giảm 01 huyện (01/14 đơn vị, tỷ lệ giảm 7,14%); tỉnh Quảng Ninh giảm 01 huyện (01/14 đơn vị, tỷ lệ giảm 7,14%); tỉnh Hòa Bình giảm 01 huyện (01/15 đơn vị, tỷ lệ giảm 6,67%); các tỉnh Yên Bái, Điện Biên có điều chỉnh địa giới để sắp xếp, nhưng không làm giảm số lượng đơn vị hành chính cấp huyện.
Về số lượng các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp: đã tiến hành sắp xếp đối với 1.025 đơn vị (trong đó có 532 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 111 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 382 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp). Kết quả số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm là 545. Trong đó có những tỉnh giảm nhiều như: tỉnh Hòa Bình 59/210 đơn vị (tỷ lệ giảm 28,09%); tỉnh Cao Bằng 38/199 đơn vị (tỷ lệ giảm 19,10%); tỉnh Phú Thọ 52/277 đơn vị (tỷ lệ giảm 18,77%); tỉnh Hà Tĩnh 46/262 đơn vị (tỷ lệ giảm 17,56%); tỉnh Thanh Hóa 76/635 đơn vị (tỷ lệ giảm 11,97%); tỉnh Quảng Trị 16/141 đơn vị (tỷ lệ giảm 11,35%); tỉnh Lạng Sơn 26/226 đơn vị (tỷ lệ giảm 11,50%); tỉnh Hải Dương 29/264 đơn vị (tỷ lệ giảm 10,98%)...
Về số lượng cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí, sắp xếp đúng quy định và số dôi dư phải giải quyết các chính sách: đối với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện: dự kiến tại các đơn vị hành chính cấp huyện mới hình thành sẽ bố trí số cán bộ, công chức đúng quy định là 1.062 người; số dôi dư là 428 người. Đối với sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã: dự kiến tại các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sẽ bố trí số cán bộ, công chức cấp xã đúng quy định là 10.043 người; số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 9.534 người; bố trí số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đúng quy định là 8.816 người; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 6.913 người.
Theo tính toán của các địa phương, khi tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong đợt này thì dự kiến sẽ giảm chi ngân sách nhà nước do giảm chi tiền lương, phụ cấp và chi hoạt động trong 05 năm tới (giai đoạn 2020-2024) là khoảng 1.431 tỷ đồng (gồm giảm chi tiền lương và phụ cấp khoảng 511 tỷ đồng; giảm chi hoạt động khoảng 920 tỷ đồng). Như vậy, hiệu quả kinh tế, xã hội của việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị khóa XII là rất lớn.
3. Tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương trong thời gian tới
Hiện nay, chúng ta đang tập trung nỗ lực để thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị ở nước ta trong giai đoạn mới. Đó là điều kiện, bối cảnh thuận lợi để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương. Tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương trong thời gian tới phải nhằm mục tiêu khắc phục được những hạn chế, bất cập, yếu kém về mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nói chung và chính quyền địa phương nói riêng cho phù hợp với quá trình đổi mới, phát triển bền vững đất nước.
Từ lý luận về tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương, thực tiễn vận dụng tư tưởng của Người như đã nêu và phân tích ở các phần nêu trên, chúng ta thấy rằng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa được hoàn thiện, một số bộ phận, lĩnh vực chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Năng lực quản lý, điều hành và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của một số cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ. Tổ chức bộ máy ở các cấp vẫn còn khó khăn, bộc lộ một số hạn chế, còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, trung gian hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo; cơ cấu bên trong chưa hợp lý.
Thực tế đó đã gây ra tình trạng quá tải cho ngân sách nhà nước và định hướng cải cách chế độ tiền lương khó thực hiện; hơn nữa việc chi thường xuyên ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi ngân sách nhà nước làm cho tăng bội chi và tăng nợ công, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế và kìm hãm sự phát triển đất nước. Chính vì vậy, chúng ta phải đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của từng tổ chức trong toàn bộ hệ thống chính trị ở nước ta theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thực sự phục vụ nhân dân. Đó cũng là hành động thiết thực và thành kính để thực hiện chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng và thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Để thực hiện có hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị ở nước ta trong giai đoạn mới nói chung và xây dựng, hoàn thiện chính quyền địa phương nói riêng, chúng ta cần đảm bảo sự kết hợp hài hoà mối quan hệ giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; thực hiện tích cực, mạnh mẽ, bài bản, khoa học, có lộ trình; không được nóng vội, chủ quan duy ý chí; phải gắn đổi mới bộ máy tổ chức hệ thống chính trị nói chung, chính quyền địa phương nói riêng với đổi mới phương thức lãnh đạo, với tinh giản biên chế và thực hiện cải cách tiền lương; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quá trình xác định mô hình tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị để hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Để xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị (trong đó có bộ máy chính quyền địa phương) tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần phải tiến hành những nghiên cứu cơ bản cả về lý luận và tổng kết thực tiễn xây dựng hệ thống chính trị nước ta từ năm 1945 đến nay để làm rõ những gì cần kế thừa, những gì cần giữ vững sự ổn định, và những gì cần đổi mới, bổ sung, phát triển; trong đó công tác nghiên cứu lý luận cần làm rõ những nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương thể hiện qua các bài viết, bài phát biểu, nói chuyện, các văn bản quy phạm pháp luật do Người chỉ đạo xây dựng, ban hành hoặc trực tiếp ký ban hành; gắn với tổng kết tám (08) mối quan hệ lớn đã được Đảng xác định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, trong đó cần đặc biệt lưu ý mối quan hệ tổng thể “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, nội dung nhân dân làm chủ và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”. Qua đó, xác định rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, phải có quyết tâm cao, phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương của cả hệ thống chính trị để công tác xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nói chung và xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền địa phương nói riêng đảm bảo thực sự có chất lượng và hiệu quả.
Đối với chính quyền địa phương, cần tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của chính quyền địa phương theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Cần một đề án cấp quốc gia để tiến hành tổng rà soát bộ máy chính quyền ở từng địa phương và trong phạm vi cả nước để kiện toàn các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện theo hướng thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, thực hiện mô hình cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; xây dựng và thực hiện mô hình cơ quan quản lý liên tỉnh, liên huyện, liên khu vực có chất lượng và hiệu quả như các ngành thuế, hải quan đã thực hiện.
Chúng ta cũng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của chính quyền địa phương ở đô thị, nông thôn và hải đảo; giảm số lượng cấp phó gắn với nâng cao chất lượng đại biểu HĐND. Chính phủ cần ban hành văn bản quy định khung số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện và khung số lượng cấp phó của các cơ quan này để làm căn cứ giúp các cấp ủy địa phương lãnh đạo việc sắp xếp, bố trí cho phù hợp. Rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện theo hướng kiên quyết cắt giảm số lượng đầu mối trực thuộc. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả và nhân rộng hơn nữa mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cấp. Quy định khung số lượng cán bộ, công chức cấp xã cho phù hợp theo hướng xác định rõ vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh, đặc thù của địa phương và bảo đảm giảm biên chế một cách phù hợp với mô hình tổ chức.
Tiếp tục rà soát để thực hiện sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định; khuyến khích việc sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Cần quan tâm và thận trọng khi sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đối với các huyện, các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số (bản, làng) và các huyện, các xã có đông đồng bào tín đồ các tôn giáo; phải căn cứ vào điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội và cả phong tục tập quán, tâm lý cộng đồng làng xã, tạo được sự đồng thuận, ổn định và phát triển thì mới thành công. Bài học tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận và quy định về công tác dân vận chính quyền phải được quán triệt nghiêm túc trong quá trình triển khai nhiệm vụ này.
Chính quyền địa phương có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị nói chung, trong bộ máy nhà nước nói riêng, là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân; là nơi trực tiếp triển khai, thực hiện chính sách, và pháp luật của Đảng và Nhà nước, chăm lo mọi mặt đời sống cho nhân dân ở địa phương. Để tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền địa phương đảm bảo thực sự khoa học, hợp lý, có chất lượng và hiệu quả, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, huy động và phát huy ý kiến, sáng kiến, trí tuệ của nhân dân. Trong đó, cần phải nghiên cứu và nhận thức đầy đủ các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ máy nhà nước; quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, như quan điểm chỉ đạo của Đảng: “
Trên cơ sở bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính quốc gia, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước của mỗi cấp chính quyền địa phương theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương gắn kết hữu cơ với đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp. Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo luật định”
[14]./.
[1]. Kiến nghị của các chủ nhiệm đề tài thuộc Chương trình KX 05 với Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng (1993), Thư viện Sau đại học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ký hiệu ĐTNC 58, tr. 8, 9.
[2]. Hồ Chí Minh,
Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 232.
[3]. Hồ Chí Minh,
Toàn tập, tập 5, tlđd, tr. 460.
[4]. Điều 1, Sắc lệnh số 63/SL về tổ chức chính quyền nhân dân ở các địa phương.
[5]. Điều 3, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 1958.
[6]. Điều 3, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 1958.
[7].http://www.na.gov.vn/60namqhvn/www.na.gov.vn/60namqhvn/cacbaiviet/Phong%20van%20cu%20Vu%20Dinh%20Hoe.html
[8]. Hồ Chí Minh,
Toàn tập, tập 4, tlđd, tr. 12.
[9]. Hồ Chí Minh,
Toàn tập, tập 4, tlđd, tr. 21.
[10]. Hồ Chí Minh,
Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2000, tr. 83.
[11]. Hồ Chí Minh,
Toàn tập, tập 4, tlđd, tr. 42.
[12]. Hồ Chí Minh,
Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2000, tr. 139.
[13]. GS.TSKH. Đào Trí Úc, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị,
Viện Nhà nước và Pháp luật - 40 năm xây dựng và phát triển, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam,
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016.
* Thứ trưởng Bộ Nội vụ.