Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân

26/11/2020
Những suy nghĩ và hành động từ tuổi thiếu niên, thanh niên và tiếp đó là quá trình hoạt động ở nước ngoài, tìm con đường đấu tranh giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đã từng bước định hình những giá trị tư tưởng của Người:
“Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.[1]
Trong hệ thống quan điểm của tư tưởng Hồ Chí Minh có tư tưởng về xây dựng Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Hồ Chí Minh đã tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở lý luận đó những giá trị phổ biến có tính quy luật và phương pháp luận khoa học, để vận dụng và phát triển sáng tạo. Người kế thừa di sản truyền thống của dân tộc và với 30 năm hoạt động ở nước ngoài tiếp cận nhiều nền văn hóa, văn minh của nhân loại, phát triển nhận thức cùng thời đại.
Giành chính quyền, xây dựng Nhà nước cách mạng của giai cấp vô sản là một bộ phận quan trọng trong học thuyết lý luận của Karl Marx (1818-1883), Friedrich Engels (1820-1895) và V.I.Lênin (1870-1924). Học thuyết của các ông hướng tới một cuộc cách mạng giải phóng triệt để giai cấp vô sản và nhân dân lao động khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công, xây dựng Nhà nước, chế độ xã hội mới là chủ nghĩa cộng sản thật sự vì Nhân dân, vì con người. Chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn của các ông không chỉ là ý tưởng mà còn là hành động để giải phóng con người, giải phóng toàn nhân loại. Các ông chú trọng lợi ích giai cấp gắn với lợi ích dân tộc, giải phóng giai cấp cần lao gắn với giải phóng các dân tộc bị áp bức. “Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”.[2] V.I.Lênin nhấn mạnh: “Vấn đề chính quyền nhà nước nhất định là vấn đề chủ yếu nhất của mọi cuộc cách mạng. Giai cấp nào giữ chính quyền? Điều đó quyết định tất cả”,[3] “Giữ vững chính quyền thì khó hơn là giành lấy chính quyền”.[4]
Dân tộc Việt Nam có truyền thống văn hiến với lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước thể hiện ý chí, khát vọng độc lập, tự hào và tự tôn dân tộc. “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (Lý Thường Kiệt), “Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục bắc nam cũng khác. Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, gây nền độc lập; cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương. Dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có” (Nguyễn Trãi - Bình Ngô đại cáo).
Chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam được xây dựng từ thế kỷ X sau chiến thắng giành độc lập năm 938 của Ngô Quyền. Nhà nước phong kiến với quyền lực trong tay hoàng đế, song vẫn có nội dung dân chủ với sự hòa đồng giữa Vua với thần dân với tinh thần “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục” (Trần Hưng Đạo). Dân chủ làng xã là một nét truyền thống đẹp của dân tộc và một đặc điểm của Nhà nước phong kiến Việt Nam. Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền chú trọng chính sách thân dân, “Khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc” (Trần Hưng Đạo), “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” (Nguyễn Trãi).
Quyền lực tập trung ở Vua, nhưng rất chú ý xây dựng pháp luật để quản lý đất nước, xã hội. Đó là một đặc điểm của Nhà nước phong kiến Việt Nam. Triều đại Đinh, Lê, thế kỷ X, tuy chưa có luật pháp thành văn, nhưng đã có chức Tăng quan để lo về pháp luật và tín ngưỡng. Triều Lý đã ban bố Hình thư (1042) là pháp luật thành văn đầu tiên. Triều Trần ban hành Hình luật (1244) (Quốc triều hình luật). Hồ Quý Ly, đầu thế kỷ XV, đã chủ trương xây dựng Nhà nước quân chủ pháp trị và xây dựng hệ thống pháp luật. Vua Lê Thánh Tông triều Hậu Lê đã ban hành Luật Hồng Đức (1483). Đó là bộ luật hoàn chỉnh đỉnh cao về hệ thống pháp luật phong kiến và chứa đựng nhiều nội dung dân chủ tiến bộ. Triều Nguyễn, năm 1815, đã ban hành Hoàng triều luật lệ (Luật Gia Long). Trong bộ máy hành chính nhà nước có 6 Bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công. Bộ Hình quản lý nhà nước về pháp luật và hoạt động tư pháp.
Những giá trị truyền thống của dân tộc về dân chủ, pháp luật, về văn hiến nhân nghĩa đã được Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển. Cần nhấn mạnh giá trị văn hiến là sự hội tụ của văn hóa, trí tuệ, đạo đức và cái đẹp.
Hồ Chí Minh sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, thương dân và ở một vùng quê có truyền thống yêu nước, cách mạng. Lớn lên trong gia đình trí thức Nho học, thân phụ Người là cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng năm 1901, học vị cao nhất trong khoa cử triều Nguyễn. Khi 5 tuổi, Nguyễn Tất Thành đã học chữ Hán và bắt đầu tiếp thụ những tư tưởng Nho học, từng bước tiếp cận với những nhà tư tưởng Khổng Tử (551-479 trước Công nguyên), Mạnh Tử (372-289 trước Công nguyên), với sách kinh điển của Nho giáo tức Đạo Nho (Confucianism): Tứ thư, Ngũ kinh. Sau này, Hồ Chí Minh tiếp thu nhiều điểm tích cực của Nho học, nhất là chuẩn mực hành động của con người, đức trị và pháp trị, vai trò của người dân. Khi học Quốc ngữ và Pháp ngữ ở Vinh và nhất là ở Trường Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành đã biết đến những tư tưởng tiến bộ của Đại cách mạng Pháp 1789: Liberté, Egalité, Fraternité (Tự do, Bình đẳng, Bác ái) và những nhà tư tưởng Khai sáng của nước Pháp: Charles Louis Montesquieu (1689-1755), Voltaire (1694-1778), Jean Jacques Rousseau (1712-1778). Nguyễn Tất Thành ngưỡng mộ những tư tưởng tiến bộ đó về quyền tự do, quyền sống của con người, về nền dân chủ trong Nhà nước pháp quyền đồng thời cũng phát hiện thực trạng xã hội tư bản không như lý tưởng cao đẹp mà cách mạng Pháp, Mỹ đã đề ra. Trên bước đường đấu tranh, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cũng đề cao giá trị nhân văn vì con người của Phật Thích ca mâu ni, đạo Phật (Buddhism), của Đức Chúa Jesus Christ và Đạo Thiên Chúa (Catholicism), nghiên cứu những tư tưởng lớn trong chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn (1866-1925), và tư tưởng nhân văn của nhà tư tưởng lớn của Ấn Độ: Mahatma Gandhi (1869-1948). Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng về đạo đức (Morals).
Ngày 05/6/1911, Nguyễn Tất Thành rời Sài Gòn sang Pháp và đi qua các nước Châu Phi và khu vực Mỹ latinh. Năm 1912, đến nước Mỹ, năm 1913 từ Mỹ đến nước Anh và cuối năm 1917 từ nước Anh trở lại Pháp. Đầu năm 1919, tại Paris, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp, thành viên của Quốc tế II do F.Engels sáng lập. Từ thời điểm đó, Nguyễn Tất Thành bắt đầu sự nghiệp chính trị. Ngày 18/6/1919, thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Nguyễn Ái Quốc gửi bản yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm tới Hội nghị của các cường quốc Đồng minh thắng trận trong Chiến tranh thế giới 1914-1918 họp tại Verssailles (Pháp). Cùng ngày, Nguyễn Ái Quốc còn gửi thư tới Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đang dự Hội nghị. Bản yêu sách 8 điểm yêu cầu cho nhân dân An Nam, một nước thuộc địa, được hưởng những quyền tự do báo chí và ngôn luận, tự do hội họp, lập hội, tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương, tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ. Yêu cầu thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật. Chú trọng đại biểu của người bản xứ trong Nghị viện Pháp. Đó là nội dung cải cách pháp lý. Nội dung bản yêu sách hướng tới quyền của con người, quyền tự do, dân chủ của người dân các nước thuộc địa và thể hiện tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc viết Việt Nam yêu cầu ca, trong đó nêu rõ: “Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”.[5]
Điều nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh là quyền tự do, dân chủ, hạnh phúc của Nhân dân gắn liền với quyền độc lập của dân tộc. Tại Đại hội 18 của Đảng Xã hội Pháp (12/1930), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành theo Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) của V.I.Lênin, tán thành thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn, đấy là tất cả những gì tôi hiểu”.[6] Trong cuộc gặp Bộ trưởng thuộc địa Pháp Albert Sarraut (6/1922), Nguyễn Ái Quốc nói rõ: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”.[7] Trong cuộc gặp lần trước (02/1921), Nguyễn Ái Quốc nói với Bộ trưởng thuộc địa Pháp rằng “nếu nước Pháp trả lại nền độc lập cho chúng tôi, ông sẽ thấy là chúng tôi biết cầm quyền cai trị lấy”.
Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường giải phóng và phát triển đất nước đúng đắn và cũng bắt đầu quá trình Người truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện về chính trị, tư tưởng, tổ chức để thành lập Đảng Cộng sản. Ngày 14/6/1923, Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp và ngày 30/6/1923 tới Liên Xô (Nga) hoạt động trong Quốc tế Cộng sản. Ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu (Trung Quốc) xúc tiến mạnh mẽ việc xây dựng tổ chức cách mạng, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (tổ chức tiền thân của Đảng), đào tạo, huấn luyện cán bộ. Trong tác phẩm Đường Cách mệnh (1927), Nguyễn Ái Quốc nói rõ cách mạng thành công, xây dựng Nhà nước thì quyền lực, quyền lợi phải thuộc về dân chúng. “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”.[8]
Cuối những năm 20 của thế kỷ XX, tư tưởng về xây dựng Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền đã định hình rõ trong lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Vấn đề là thực hiện tư tưởng đó trong tiến trình cách mạng.
Mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh do Người soạn thảo, được Hội nghị thành lập Đảng họp từ ngày 06/01 đến ngày 07/02/1930 ở Hồng Kông (Trung Quốc) thông qua đã nêu bật những mục tiêu cách mạng là giành độc lập dân tộc, dựng ra Chính phủ công nông binh thực hiện quyền và lợi ích của Nhân dân. Tiến hành cách mạng thổ địa mang lại ruộng đất cho nông dân. Dân chúng được tự do, tổ chức, nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục, thu hết sản nghiệp lớn, công nghiệp vận tải, ngân hàng giao cho Chính phủ quản lý, bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo, mở mang công nghiệp, nông nghiệp, thi hành luật ngày làm tám giờ...
Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/01/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc giành độc lập và giành chính quyền về tay Nhân dân. Tại Cao Bằng, Người chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 họp từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941. Hội nghị Trung ương quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và nhiều vấn đề quan trọng trong đường lối chiến lược và sách lược cách mạng bảo đảm thúc đẩy mạnh mẽ cao trào giải phóng dân tộc đi tới thắng lợi. Về vấn đề chính quyền nhà nước, Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tán thành chủ trương của Hội nghị Trung ương tháng 11/1939 do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì, lựa chọn hình thức nhà nước là Cộng hòa dân chủ - tức là Nhà nước của đông đảo các tầng lớn dân chúng. Hồ Chí Minh và Trung ương chủ trương “thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới”, “Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là của chung cả toàn thể dân tộc”.[9]
Đó là quan điểm, tư tưởng nổi bật, đặc sắc vượt qua nhận thức thông thường coi chính quyền nhà nước chỉ là của một giai cấp, là công cụ cai trị của một giai cấp này đối với một giai cấp khác. Tư tưởng Hồ Chí Minh, Hội nghị Trung ương 8 và Mặt trận Việt Minh đã thống nhất chủ trương: “Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một Chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc”.[10]
Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã diễn ra đúng như đường lối đã đề ra và sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Mặt trận Việt Minh. Ngày 13 đến ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) ra nghị quyết lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành độc lập, giành chính quyền. Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào với hơn 60 đại biểu Bắc, Trung, Nam và cả đại biểu kiều bào ở nước ngoài, đại biểu các đảng phái, các dân tộc, tôn giáo. Quốc dân Đại hội là Đại hội đại biểu nhân dân cả nước, một hình thức tiền Quốc hội. Quốc dân Đại hội đã thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và gồm các vị: Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang.
Cuộc tổng khởi nghĩa thành công trên cả nước. Ngày 28/8/1945, tại Hà Nội, Ủy ban Giải phóng dân tộc được mở rộng thành Chính phủ lâm thời và danh sách Chính phủ lâm thời được công bố. Hồ Chí Minh là Chủ tịch Chính phủ lâm thời kiêm Ngoại giao. Bộ trưởng Bộ Tư pháp là Vũ Trọng Khánh. Trong 15 thành viên Chính phủ có tới 9 Bộ trưởng là nhân sĩ, trí thức. Một số đồng chí lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã rút khỏi danh sách Chính phủ lâm thời (Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh) để tăng số ghế cho các nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng. Cử chỉ cao cả đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh chân thành ca ngợi: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học”.[11]
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đối xử nhân đạo với những người của chính quyền phong kiến hoặc đã đi theo Pháp, Nhật, không xử lý và trấn áp họ, mong họ là công dân tốt của nước Việt Nam độc lập và không kỳ thị tôn giáo, tuyên bố ngay chính sách tín ngưỡng tự do, đoàn kết lương, giáo. Đó là những điều đặc biệt của Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam theo tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh, không gây thù oán. Sau khi thoái vị ngày 30/8/1945, kết thúc chế độ phong kiến quân chủ ở Việt Nam, cựu Hoàng đế Bảo Đại được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội làm Cố vấn tối cao cho Chính phủ. Điều đó chưa có ở cuộc cách mạng nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có thư mời cụ Bùi Bằng Đoàn, người từng là quan Thượng thư Bộ Hình trong triều Nguyễn, tham gia công việc của Nhà nước cách mạng. Cụ đã được cử làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (ngày nay là Chủ tịch Quốc hội) từ cuối năm 1946 đến khi cụ mất (1955). Các vị từng làm việc trong chính quyền phong kiến cũng tham gia công việc của Nhà nước và Ủy ban kiến thiết quốc gia như Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Phạm Khắc Hòe... Quan Khâm sai đại thần Phan Kế Toại làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và sau này làm Phó Thủ tưởng đến khi cụ mất (1973).
Các nhà trí thức có tên tuổi đều được mời tham gia bộ máy nhà nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Pháp (31/5/1946), cụ được giao làm Quyền Chủ tịch Chính phủ. Cụ Nguyễn Văn Tố làm Bộ trưởng, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, hy sinh tháng 10/1947. Nhiều nhà trí thức là thành viên Chính phủ như Phan Anh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Mạnh Hà, Cù Huy Cận, Hoàng Minh Giám, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đăng Khoa, Hoàng Tích Trý, Ngô Tấn Nhơn... Các vị đã đem hết trí tuệ, tâm huyết phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, một lòng theo Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 78/SL thành lập Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết để giúp Chính phủ xây dựng kế hoạch kiến thiết quốc gia về kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hóa. Ủy ban gồm 40 vị, chủ yếu là các trí thức trên các lĩnh vực. Ngày 14/01/1946, trong Sắc lệnh số 04/SL bổ sung 10 vị vào Ủy ban.[12]
Xây dựng, củng cố Chính phủ Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng xây dựng chính quyền nhân dân ở địa phương. Ngày 22/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 68/SL về tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính. Đó là hai tổ chức của chính quyền nhân dân ở địa phương. Quan niệm của Hồ Chí Minh phải chăm lo xây dựng bộ máy chính quyền nhà nước thật sự của dân nghèo, là bộ máy do chính Nhân dân xây dựng và bảo vệ. Vì thế, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (03/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu để bầu ra Quốc hội và soạn thảo, thông qua bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam, lập Chính phủ chính thức. Đó là chủ trương mang tầm chiến lược của Hồ Chí Minh nhằm khẳng định cơ sở pháp lý và thực tế của Nhà nước cách mạng do chính Nhân dân tạo dựng. Đó cũng là sự hòa quyện mang tính thống nhất của tư tưởng Nhà nước của dân và Nhà nước pháp quyền. Cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra ngày 06/01/1946 bầu Quốc hội khóa I với 333 đại biểu. Ngày 02/3/1946, Quốc hội họp kỳ đầu tiên thành lập Chính phủ chính thức do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và quyết định những vấn đề lớn của kháng chiến và kiến quốc. Ngày 09/11/1946, kỳ họp thứ II của Quốc hội đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân không chỉ ở những người trong bộ máy thật sự đại biểu cho Nhân dân, mà còn ở chỗ các đại biểu đó trong cả cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, vì độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của đồng bào. Trong thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện, làng ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
“Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. 
Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. 
Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. 
Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.[13]
Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gắn liền với mục tiêu cao cả: ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC. “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.[14]
Hồ Chí Minh suốt đời tự xác định trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân của chính mình. Tháng 01/1946, trả lời các nhà báo, Hồ Chí Minh nêu rõ:
“Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.[15]
Bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức của Nhà nước từ Trung ương tới cơ sở đều phục vụ lợi ích của Nhân dân, là công bộc của Nhân dân. Nhân dân làm chủ, mọi quyền lực thuộc về Nhân dân, đúng như Hồ Chí Minh đã xác định năm 1927: cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam 1946 đã thể hiện nội dung đó. Điều thứ 1 của Hiến pháp 1946 ghi rõ: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Từ Điều thứ 4 tới Điều thứ 16 quy định nghĩa vụ và quyền lợi của công dân, trong đó Điều thứ 4 quy định nghĩa vụ: bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp, tuân theo pháp luật. Quyền lợi của công dân được đề cập rất cơ bản và rộng rãi. Điều thứ 11 có nội dung rất quan trọng: “tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam”.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về quyền làm chủ và quyền lợi của Nhân dân được nhiều lần nhấn mạnh và Người thực hiện trên thực tế và yêu cầu Nhà nước thực hiện bằng hệ thống chính sách, pháp luật. Hồ Chí Minh nêu rõ: Nước ta là nước dân chủ.
“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.[16]
Một nội dung rất quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là không ngừng đấu tranh chống những lầm lỗi, thoái hóa, hư hỏng trong bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, nhất là những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, hối lộ, mất dân chủ với Nhân dân.
Trong thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những lầm lỗi chủ yếu. Trái phép, “vì tư thù, tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm cho dân oán thán”. Cậy thế, “cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”. Hủ hóa, “Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, ngày càng xa xỉ, ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc lấy ở đâu ra?”, “Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên cho đến các cô các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?”. Tư túng, “kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”. Chia rẽ, “Bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các tầng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hòa thuận với nhau”. Kiêu ngạo, “Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô (khoác lác), cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ”. Hồ Chí Minh nhấn mạnh:
“Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”.[17]
Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng chính sách ngoại giao thân thiện, hữu nghị chân thành của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay sau khi tuyên bố độc lập (02/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ chính sách thêm bạn bớt thù. Với Trung Quốc thực hiện chính sách Hoa - Việt thân thiện. Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Thư gửi anh em Hoa kiều. Trong thư gửi Tổng thống Mỹ Harry S Truman ngày 16/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”.[18]
Trong chuyến thăm chính thức nước Pháp, tại buổi chiêu đãi của Chủ tịch Chính phủ Pháp Georges Bidault ngày 02/7/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra vấn đề có tính nguyên tắc trong quan hệ giữa các nước, “sự thành thực và sự tin cẩn lẫn nhau sẽ san phẳng được hết thảy những trở ngại... Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý đạo Khổng, và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân””.[19]
Tháng 12/1946, trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ chính sách ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”.[20] Tháng 9/1947, trả lời nhà báo Mỹ S.Elie Maissie, Hồ Chí Minh mong muốn Việt Nam “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”.[21] Tinh thần quốc tế chân thành, trong sáng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao của Nhà nước cách mạng, dân chủ Việt Nam.
Có thể nhận thức tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trên những nội dung cơ bản. Một là, đó là Nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo về mọi mặt. Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo toàn bộ sự nghiệp đấu tranh giành và bảo vệ chính quyền nhà nước. Trong chính sách đối nội và đối ngoại Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối của Đảng. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với Nhà nước ngày càng được làm rõ cả về nội dung và phương thức và bảo đảm giữ vững bản chất cách mạng và tính dân chủ thực chất của Nhà nước. Hai là, bộ máy nhà nước từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở do chính Nhân dân xây dựng nên thông qua bầu cử dân chủ theo chế độ phổ thông đầu phiếu. Bộ máy đó đại diện cho tất cả các giai tầng trong xã hội đại biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhân dân làm chủ đất nước và xã hội, mọi quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, chú trọng hoàn thiện chính sách và hệ thống pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp dân chủ. Đó là Nhà nước dân chủ nhân dân - hình thức tổ chức phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh Việt Nam. Ba là, Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước là công bộc của Nhân dân, phục vụ Nhân dân, việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân phải hết sức tránh. Nhà nước thực hiện dân chủ với Nhân dân đồng thời trấn áp những thế lực phản động làm hại đến lợi ích của đất nước và Nhân dân. Nhà nước chú trọng xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Nhân dân thực hiện tốt nhất nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Nhà nước loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Bốn là, Nhà nước thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, hữu nghị, hợp tác về mọi mặt, là bạn với các nước trên thế giới.
Hồ Chí Minh và Đảng đã xây dựng, củng cố và lãnh đạo Nhà nước cách mạng từ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 theo tư tưởng Nhà nước thật sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nhà nước dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tổ chức thắng lợi sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, đưa kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954) và ký kết Hiệp định Geneve (21/7/1954). Nhà nước dân chủ nhân dân ở miền Bắc trong những năm 1954-1975 chuyển sang làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản tổ chức sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc và cùng với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam hoàn thành cuộc chống Mỹ, cứu nước toàn thắng ngày 30/4/1975 thống nhất đất nước. Ngày 02/7/1976, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI Nhà nước Việt Nam thống nhất mang tên Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh, vì hạnh phúc của Nhân dân, đề cao quyền làm chủ của Nhân dân và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện những nội dung cơ bản của Hiến pháp 1959 và đặc biệt là Hiến pháp 1980.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) đã quyết định đường lối đổi mới. Ngay từ đầu, Đảng đã lấy đổi mới kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm và kết hợp chặt chẽ đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Tập trung chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, hành chính, bao cấp, kinh tế hiện vật sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa (sau này gọi tắt là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa). Đổi mới chính trị trước hết là đổi mới tư duy lý luận và phong cách lãnh đạo của Đảng cầm quyền, đổi mới vai trò quản lý điều hành của Nhà nước, coi trọng xây dựng hệ thống pháp luật. Đại hội VI nhấn mạnh:
“Quản lý đất nước bằng pháp luật, chứ không chỉ bằng đạo lý. Pháp luật là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, thể hiện ý chí của nhân dân, phải được thực hiện thống nhất trong cả nước. Tuân theo pháp luật là chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng. Quản lý bằng pháp luật đòi hỏi phải quan tâm xây dựng pháp luật. Từng bước bổ sung và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để bảo đảm cho bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động theo pháp luật”.[22]
Quan điểm cơ bản trên đây của Đại hội VI của Đảng đã thúc đẩy mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước theo hướng Nhà nước pháp quyền. Tháng 12/1987, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và có hiệu lực từ ngày 01/01/1988. Đó là luật đầu tiên của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị ngày 05/4/1988 giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho các hộ nông dân đòi hỏi phải có luật đất đai. Tháng 3/1989, Hội nghị Trung ương 6 khóa VI chính thức sử dụng hệ thống chính trị thay cho hệ thống chuyên chính vô sản trước đó. Đại hội VII của Đảng (6/1991) khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng và thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thực hiện Cương lĩnh của Đảng, trên cơ sở sửa đổi Hiến pháp 1980, Quốc hội khóa VIII đã thông qua Hiến pháp mới phù hợp với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước (15/4/1992) - Hiến pháp 1992. Đó là bước đổi mới rất quan trọng bảo đảm cho xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, lợi ích của đất nước và Nhân dân.
Kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền, một thời kỳ dài được coi là thuộc tính của chủ nghĩa tư bản. Thực tế đã cho thấy đó là thành quả chung của nhân loại, cần được nhận thức và vận dụng đúng đắn. Từ thực tiễn của đổi mới và hội nhập quốc tế, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (01/1994) đã chính thức chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Ngày 23/01/1995, Hội nghị Trung ương 8 khóa VII ban hành nghị quyết quan trọng về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trung ương Đảng đề ra 5 quan điểm cơ bản: “Xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương xã hội, chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”; “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp”; “Quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; “Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội chủ nghĩa”; “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước”.[23]
Các Đại hội Đảng toàn quốc từ 1996 đến nay đều tập trung lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Thực tiễn xây dựng và hoạt động của Nhà nước theo pháp luật đã làm rõ được giá trị khoa học và yêu cầu tất yếu khách quan của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thành tựu nổi bật là làm sáng tỏ những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đặc trưng trước hết phải là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Đặc trưng thứ hai là quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đặc trưng thứ ba: pháp luật chi phối mọi quan hệ trong đời sống xã hội, mọi người sống và hành động theo Hiến pháp và pháp luật, mọi tổ chức, cá nhân bình đẳng trước pháp luật, không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đặc trưng thứ tư: các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị được tổ chức và hoạt động theo đúng quy định của Hiến pháp và các luật. Đặc trưng thứ năm: Nhà nước pháp quyền Việt Nam tuân thủ, thực hiện nghiêm chỉnh hệ thống pháp luật quốc tế với tư cách thành viên Liên hợp quốc, chấp hành đầy đủ các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và Việt Nam mong muốn tất cả các Nhà nước trên thế giới tôn trọng luật pháp quốc tế. Đặc trưng thứ sáu: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Một thành tựu cần nhấn mạnh trong xây dựng và hoạt động của Nhà nước pháp quyền Việt Nam là không ngừng xây dựng hệ thống pháp luật toàn diện và đồng bộ với Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001), Hiến pháp 2013 và pháp luật trên các lĩnh vực chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Xây dựng và phát huy vai trò của hệ thống luật pháp gắn liền với kiện toàn bộ máy nhà nước và chính quyền các cấp trong tổng thể xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị theo đường lối, chủ trương của Đảng. Xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật gắn liền với cải cách nền hành chính quốc gia và cải cách tư pháp, nâng cao rõ rệt hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc và đời sống về mọi mặt của Nhân dân. Thành công về hoạt động lập pháp gắn liền với hành pháp và tư pháp phản ánh sự phát triển của khoa học pháp lý và lý luận về Nhà nước.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam gắn liền với thành tựu về nghiên cứu, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ mới của thời đại, góp phần rất quan trọng về lý luận Đảng Cộng sản cầm quyền. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định 8 đặc trưng của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (Cương lĩnh 1991 là 6 đặc trưng). Một trong những đặc trưng được bổ sung từ thực tiễn đổi mới là: “có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng cộng sản lãnh đạo”.[24] Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013. Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 ghi rõ:
“1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.[25]
Mục đích cuối cùng của Nhà nước pháp quyền Việt Nam là vì độc lập thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Trong công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, Nhà nước đã phấn đấu hết sức mình để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện tốt hơn dân chủ xã hội chủ nghĩa, chăm lo đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Nhà nước Việt Nam đã thực hiện tốt nhất 8 mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc năm 2000 vì cuộc sống của Nhân dân. Với các Chương trình 135 (1998), 134 (2004), 30a (2008) đã hỗ trợ các hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo và hiện nay đang thực hiện Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 năm 2020 càng thể hiện bản chất vì dân của Nhà nước khi Chính phủ coi chống dịch như chống giặc với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân. Vừa chống dịch vừa bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống mọi tầng lớp nhân dân, nhất là những người nghèo, yếu thế trong xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau với gói chi 62.000 tỷ đồng hỗ trợ 7 nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Nhà nước pháp quyền Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Với chính sách đó, Việt Nam đã thành công trong hội nhập quốc tế và tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, bằng chứng lịch sử và pháp lý, Việt Nam kiên quyết và kiên trì đấu tranh bằng giải pháp hòa bình, bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. Trong Diễn văn kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “với những thành tựu to lớn đã đạt được chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.[26]
Trong sự phát triển, hoàn thiện của Nhà nước pháp quyền Việt Nam vẫn còn một số điểm cần chú trọng hơn. Bộ máy nhà nước và chính quyền các cấp vẫn còn nặng nề, cồng kềnh, biên chế quá lớn, chức năng, nhiệm vụ của không ít tổ chức còn chồng chéo, một việc nhiều cơ quan làm vì thế chất lượng, hiệu quả thấp. Cần sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế theo như Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị Trung ương lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã đề ra. Trình độ hiểu biết pháp luật của cán bộ, công chức và công dân còn hạn chế dẫn đến công việc giải quyết chậm hoặc không đúng pháp luật. Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong Nhân dân hình thành văn hóa pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Kiên quyết chống quan liêu, xa dân, chống tham nhũng, lãng phí trong tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời nâng cao nhận thức của Nhân dân về quyền làm chủ, dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Giải quyết đúng đắn quan hệ giữa đề cao và giữ nghiêm pháp luật với giáo dục, bồi đắp những chuẩn mực đạo đức, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh:
Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn. Xây dựng Nhà nước pháp quyền phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật[27]./.
PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc*
 
 
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 88.
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tập 4, tr. 623-624.
[3] V.I.Lênin Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, 1976, tập 34, tr. 268.
[4] V.I.Lênin Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, 1977, tập 36, tr. 585.
[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 1, tr. 473.
[6] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1993, tập 1, tr. 94.
[7] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, tlđd, tập 1, tr. 129.
[8] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, tập 2, tr. 292. 
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tập 7, tr. 117.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tlđd, tr. 150.
[11] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, tập 7, tr. 26.
[12] Lịch sử Chính phủ Việt Nam, tập 1 (1945-1955), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr. 69.
[13] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, tập 4, tr. 64-65.
[14] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, tập 4, tr. 64.
[15] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, tập 4, tr. 187.
[16] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, tập 6, tr. 232.
[17] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, tập 4, tr. 66.
[18] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, tập 4, tr. 204.
[19] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, tập 4, tr. 304. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” nghĩa là Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác.
[20] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, tập 4, tr. 523.
[21] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, tập 5, tr. 256.
[22] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tập 47, tr. 455.
[23] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2007, tập 54, tr. 164-166.
[24] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 70.
[25] Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 9-10.
[26] Nguồn: Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam,
[27] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 175.
* Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.