Mục đích quản lý lý lịch tư pháp trong mối quan hệ với Phiếu lý lịch tư pháp

18/05/2020
Luật Lý lịch tư pháp (Luật LLTP) đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17/6/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010. Trong đó, Luật LLTP đã quy định cụ thể về mục đích quản lý lý lịch tư pháp và các loại Phiếu lý lịch tư pháp (Phiếu LLTP). Bài viết đề cập, phân tích các quy định của Luật LLTP  về mục đích quản lý lý lịch tư pháp trong mối quan hệ với quy định và thực tiễn thực hiện các quy định của Luật LLTP và các văn bản quy phạm pháp luật trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước về Phiếu LLTP, đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị, góp phần tiếp tục hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật liên quan đến vấn đề này.
1. Quy định của Luật Lý lịch tư pháp về mục đích quản lý lý lịch tư pháp và Phiếu lý lịch tư pháp
Theo quy định của Luật LLTP, quản lý lý lịch tư pháp nhằm hướng đến bốn mục đích cơ bản sau đây:
Một là, đáp ứng yêu cầu cần chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Hai là, ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hoà nhập cộng đồng.
Ba là, hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự.
Bốn là, hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Việc đáp ứng các yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức nêu trên được thực hiện thông qua Phiếu LLTP[1] - là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp[2] cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Theo đó, quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP của cá nhân, cơ quan, tổ chức được pháp luật quy định cụ thể như sau[3]:
(i) Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP của mình.
(ii) Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
(iii) Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo quy định của Luật LLTP thì có hai loại Phiếu LLTP, bao gồm Phiếu LLTP số 1 và Phiếu LLTP số 2.
Nội dung của Phiếu LLTP số 1[4] xác nhận về tình trạng án tích và xác nhận thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã (nếu có yêu cầu). Theo đó, về tình trạng án tích: Đối với người không bị kết án; Đối với người được xóa án tích và thông tin về việc xóa án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp; Đối với người được đại xá và thông tin về việc đại xá đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”. Trường hợp người bị kết án chưa đủ điều kiện được xóa án tích thì ghi “có án tích”, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung. Về xác nhận thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã: Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”. Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không có yêu cầu thì nội dung xác nhận về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã không ghi vào Phiếu LLTP số 1.
Nội dung của Phiếu LLTP số 2[5] xác nhận về tình trạng án tích và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo đó, về tình trạng án tích: Đối với người không bị kết án thì ghi là “không có án tích”. Đối với người đã bị kết án thì ghi đầy đủ án tích đã được xoá, thời điểm được xoá án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Toà án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án. Trường hợp người bị kết án bằng các bản án khác nhau thì thông tin về án tích của người đó được ghi theo thứ tự thời gian. Về xác nhận thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã: Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”. Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Qua nghiên cứu quy định pháp luật về nội dung ghi trong Phiếu LLTP số 1 và Phiếu LLTP số 2 rõ ràng nội dung xác nhận giữa Phiếu LLTP số 1 và Phiếu LLTP số 2 có sự khác nhau. Phiếu LLTP số 1 chỉ ghi những án tích chưa được xóa (những án tích đã được xóa không ghi vào Phiếu LLTP số 1). Phiếu LLTP số 1 cũng không ghi thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức không có yêu cầu. Khác với Phiếu LLTP số 1, Phiếu LLTP số 2 ghi đầy đủ các thông tin của cá nhân, bao gồm các thông tin về án tích (đối với người đã bị kết án thì ghi đầy đủ án tích đã được xóa, thời điểm được xóa án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Tòa án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án) và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trên cơ sở quy định về quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP của cá nhân, cơ quan, tổ chức, nội dung xác nhận của từng loại Phiếu LLTP, Luật LLTP tiếp tục quy định cụ thể về quyền của từng chủ thể trong việc yêu cầu cấp các loại Phiếu LLTP (bao gồm Phiếu LLTP số 1 và Phiếu LLTP số 2), cụ thể:
(i) Đối với cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu LLTP (bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam) có quyền yêu cầu cấp cả hai loại Phiếu LLTP: Phiếu LLTP số 1 và Phiếu LLTP số 2. Trong đó, Phiếu LLTP số 2 chỉ cấp theo yêu cầu của cá nhân nhằm mục đích “để người đó biết được nội dung về LLTP của mình”[6] nên cá nhân không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu LLTP số 2. Trong khi đó, cá nhân khi có yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 1 có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu LLTP.
(ii) Đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chỉ có quyền yêu cầu cấp một loại Phiếu LLTP, đó là Phiếu LLTP số 1 để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
(iii) Đối với cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2[7] để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
2. Quy định của các văn bản quy phạm pháp luật trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước về Phiếu lý lịch tư pháp
Hiện nay, có rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau quy định về Phiếu LLTP để đáp ứng yêu cầu của cá nhân cần chứng minh về nhân thân tư pháp của bản thân theo yêu cầu của các cơ quan có liên quan khi tham gia các quan hệ pháp luật như trong thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép, tuyển dụng, tiếp nhận công chức vào cơ quan nhà nước, dự kiến nhân sự hay được bổ nhiệm để hành nghề, cấp Chứng chỉ hành nghề trong một số lĩnh vực nhất định mà pháp luật quy định phải có Phiếu LLTP:
- Trong quy định về thành lập doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định[8] Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng” thì không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam và “Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh”.
- Trong quy định việc cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, thì trong tài liệu chứng minh năng lực của bộ máy quản trị, kiểm soát, điều hành dự kiến phải có “Phiếu lý lịch tư pháp: Đối với người có quốc tịch Việt Nam: Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp, trong đó phải có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa) và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã; Đối với người không có quốc tịch Việt Nam: Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương (có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích, bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa; thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã) phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp theo quy định; Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương phải được cơ quan có thẩm quyền cấp trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép không quá 06 (sáu) tháng;[9].
- Trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần, đối với hồ sơ của cổ đông góp vốn thành lập, đối với cá nhân là cổ đông sáng lập phải có “Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp, trong đó phải có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa) và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã;Phiếu lý lịch tư pháp phải được cơ quan có thẩm quyền cấp trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép không quá 06 (sáu) tháng;[10]. Trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần, hồ sơ của cổ đông góp vốn thành lập đối với tổ chức là cổ đông sáng lập phải có Phiếu lý lịch tư pháp của người đại diện theo pháp luật, người được cử đại diện phần vốn góp của tổ chức tại tổ chức tín dụng phi ngân hàng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 14 Thông tư này”[11].
-  Trong quy định về tuyển dụng, tiếp nhận công chức vào cơ quan nhà nước, pháp luật quy định trong thành phần hồ sơ của người trúng tuyển công chức phải có phiếu LLTP do Sở Tư pháp nơi thường trú cấp”[12] hay trong hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận không qua thi tuyển (tiếp nhận đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức) phải có Phiếu LLTP do Sở Tư pháp nơi thường trú cấp[13].
- Trong quy định về hồ sơ đề nghị chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự của tổ chức tín dụng, pháp luật quy định phải có:
Phiếu lý lịch tư pháp của nhân sự dự kiến bầu, bổ nhiệm:
a) Đối với nhân sự dự kiến có quốc tịch Việt Nam: Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp, trong đó phải có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa) và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã;
b) Đối với nhân sự dự kiến không có quốc tịch Việt Nam: Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương (có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích; thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã) phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp theo quy định….[14]
- Trong hồ sơ đề nghị chấp thuận dự kiến bổ nhiệm Tổng Giám đốc (Giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phải có:
“Phiếu lý lịch tư pháp của nhân sự dự kiến bổ nhiệm:
a) Đối với nhân sự dự kiến có quốc tịch Việt Nam: Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp, trong đó phải có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa) và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã;
b) Đối với nhân sự dự kiến không có quốc tịch Việt Nam: Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương (có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích; thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã) phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp theo quy định….[15]
- Trong quy định về thành phần hồ sơ bổ nhiệm một số chức danh, pháp luật quy định phải có Phiếu LLTP như trong quy định về thành phần hồ sơ bổ nhiệm giám định viên tư pháp phải có Phiếu LLTP[16]. Đồng thời, Luật Giám định tư pháp cũng quy định người “Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý[17], không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp, miễn nhiệm giám định viên tư pháp. Trong quy định về bổ nhiệm Thừa phát lại, pháp luật quy định trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại, bổ nhiệm lại Thừa phát lại phải có “Phiếu lý lịch tư pháp được cấp trong thời hạn 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ”[18]. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định sẽ không được bổ nhiệm Thừa phát lại nếu thuộc trường hợp Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ýchưa được xóa án tích; người đã bị kết án về tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian dối, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích[19]. Thừa phát lại bị miễn nhiệm nếuBị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án[20]  và Người bị miễn nhiệm Thừa phát lại do đã bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý chưa được xóa án tích; đã bị kết án về tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian di, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích thì không được bổ nhiệm lại Thừa phát lại[21].
- Trong quy định về hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược, pháp luật quy định phải có Phiếu lý lịch tư phápTrường hợp là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận hiện không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không thuộc trường hợp bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến hoạt động dược theo bản án, quyết định của Tòa án do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp[22].
- Trong quy định về cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, pháp luật quy định trong hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá phải có “Phiếu lý lịch tư pháp”[23]. Đồng thời, pháp luật cũng quy định người Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; đã bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các tội về tham nhũng kể cả trường hợp đã được xóa án tích[24] là một trong những trường hợp không được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá.
3. Một số hạn chế, bất cập trong quy định và thực hiện các quy định pháp luật về mục đích quản lý lý lịch tư pháp và về phiếu lý lịch tư pháp
Quá trình thực hiện quy định của pháp luật về mục đích quản lý lý lịch tư pháp trong việc đáp ứng yêu cầu cần chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản; Ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hoà nhập cộng đồng; Hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự; Hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, tác giả thấy rằng có một số hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật và thực hiện các quy định pháp luật về mục đích quản lý lý lịch tư pháp và về Phiếu LLTP, cụ thể:
Thứ nhất, mục đích quản lý lý lịch tư pháp theo quy định của Luật LLTP trong “Ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hoà nhập cộng đồng[25] trong một số trường hợp không đạt được như quy định mà Luật LLTP đã đề ra
Luật LLTP quy định cá nhân có quyền yêu cầu cấp cả hai loại Phiếu LLTP, bao gồm Phiếu LLTP số 1 và Phiếu LLTP số 2. Trong đó, Phiếu LLTP số 2 chỉ cấp theo yêu cầu của cá nhân nhằm mục đích “để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình”[26] nhưng hiện nay Luật LLTP chưa có các quy định bảo đảm để việc cấp Phiếu LLTP chỉ nhằm đến mục đích như Luật đề ra nên trên thực tế tình trạng cá nhân yêu cầu và cung cấp Phiếu LLTP số 2 của mình theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức ngày càng nhiều (khi cá nhân thực hiện một số các thủ tục tại các cơ quan, tổ chức như các thủ tục về định cư, kết hôn, xin việc làm, xuất khẩu lao động, du học...). Theo thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2019 “Tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 đối với công dân vẫn tăng nhanh (cấp 209.123 Phiếu, tăng 25,6% so với năm 2018)”[27].
Theo báo cáo của các Sở Tư pháp và phản ánh của người dân, khi Phiếu LLTP số 2 được cấp và sử dụng công khai có thể dẫn đến hệ lụy cho cá nhân khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế cơ hội tìm kiếm việc làm, cơ hội được nhập cảnh, du học, định cư ở nước ngoài đối với người đã từng bị kết án (mặc dù người đó đã được xóa án tích) làm hạn chế ý nghĩa nhân đạo của chế định xóa án tích, xâm phạm bí mật đời tư của công dân[28].
Thứ hai, quy định của các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về Phiếu LLTP còn chung chung, chưa cụ thể và chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong quy định giữa các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, đồng thời, chưa phù hợp với quy định của Luật LLTP về Phiếu LLTP
Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước chỉ quy định chung chung là Phiếu LLTP mà không quy định cụ thể là Phiếu LLTP số 1 hay Phiếu LLTP số 2 nhưng để phù hợp với quy định của Luật LLTP thì phải hiểu đây là yêu cầu về Phiếu LLTP số 1. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu hiểu là yêu cầu về Phiếu LLTP số 1 thì Phiếu LLTP số 1 lại không thể hiện được đầy đủ thông tin mà quy định pháp luật tại lĩnh vực đó đề ra. Trong một số trường hợp để bao quát đầy đủ thông tin theo quy định của văn bản trong lĩnh vực đó, phải hiểu đó là yêu cầu về Phiếu LLTP số 2. Ví dụ: Trong quy định về bổ nhiệm Thừa phát lại, pháp luật quy định trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại[29], bổ nhiệm lại Thừa phát lại[30] phải có “Phiếu lý lịch tư pháp được cấp trong thời hạn 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ”. Quy định này nếu đối chiếu với các quy định của Luật LLTP, có thể hiểu đây là yêu cầu về Phiếu LLTP số 1. Tuy nhiên, pháp luật về thừa phát lại cũng quy định sẽ không được bổ nhiệm Thừa phát lại nếu thuộc trường hợp Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà chưa được xóa án tích; người đã bị kết án về tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian dối, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích[31]Người bị miễn nhiệm Thừa phát lại do đã bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà chưa được xóa án tích; đã bị kết án về tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian di, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích thì không được bổ nhiệm lại Thừa phát lại[32]. Căn cứ quy định này, thì để có đầy đủ cơ sở xem xét, đánh giá, quyết định việc bổ nhiệm Thừa phát lại, bổ nhiệm lại Thừa phát lại (đối với cả một số loại tội phạm mặc dù đã được xóa án tích nhưng cũng không được bổ nhiệm) thì cá nhân muốn chứng minh bản thân không thuộc các trường hợp này để được xem xét bổ nhiệm Thừa phát lại, bổ nhiện lại Thừa phát lại thì phải yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2.
Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật chỉ quy định là Phiếu LLTP (không nêu cụ thể là Phiếu LLTP số 2) nhưng nội dung yêu cầu trong Phiếu LLTP lại thể hiện chính là Phiếu LLTP số 2 như quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-NHNN ngày 21/8/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư có liên quan đến việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó, có sửa đổi các quy định về Phiếu LLTP của Thông tư số 22/2018/TT-NHNN ngày 05/9/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong khi đó, Luật LLTP quy định Phiếu LLTP số 2 chỉ cấp theo yêu cầu của cá nhân nhằm mục đích “để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình[33].
Thứ ba, yêu cầu cấp Phiếu LLTP chủ yếu xuất phát chủ động từ phía cá nhân khi họ tham gia vào những quan hệ liên quan đến quyền lợi của mình. Các cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp Phiếu LLTP phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã; công tác điều tra, truy tố, xét xử chiếm tỷ lệ rất ít.
- Các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước hiện nay chủ yếu quy định việc cung cấp Phiếu LLTP thuộc trách nhiệm của cá nhân nên việc cấp Phiếu LLTP hiện nay của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp) chủ yếu xuất phát từ yêu cầu của cá nhân. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2019[34], tổng số Phiếu LLTP đã cấp (bao gồm cả Phiếu LLTP số 1 và Phiếu LLTP số 2) là 640.777 phiếu (trong đó, số Phiếu LLTP cấp theo yêu cầu của cá nhân là 640.732 Phiếu LLTP. Số phiếu LLTP cấp cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và cơ quan tiến hành tố tụng là 45 Phiếu LLTP), cụ thể:
+ Tổng số Phiếu LLTP số 1 đã cấp là 466.508 Phiếu LLTP, trong đó có 466.483/466.508 Phiếu LLTP cấp cho cá nhân với 447.450 Phiếu LLTP cấp cho công dân Việt Nam và 19.033 Phiếu LLTP cấp cho người nước ngoài.
+ Tổng số Phiếu LLTP số 2 đã cấp là 174.269 Phiếu LLTP, trong đó có 174.249/174.269 Phiếu LLTP cấp cho cá nhân với 172.460 Phiếu LLTP cấp cho công dân Việt Nam và 1.789 Phiếu LLTP cấp cho người nước ngoài.
- Đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội mặc dù Luật LLTP quy định có quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 1 để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã nhưng trên thực tế hầu như các cơ quan, tổ chức không thực hiện yêu cầu này. Năm 2019[35], tổng số Phiếu LLTP số 1 đã cấp cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là 25/466.508 Phiếu LLTP. Trong khi đó, nhiều trường hợp Phiếu LLTP được cấp theo yêu cầu của cá nhân là để hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã (việc cung cấp Phiếu LLTP cho các cơ quan, tổ chức này được thực hiện thông qua cá nhân) như trong quy định về thủ tục tuyển dụng công chức, tiếp nhận đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức quy định người trúng tuyển (mà không phải là cơ quan tuyển dụng) yêu cầu đề nghị cấp Phiếu LLTP.
- Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng có yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử rất ít. Năm 2019[36], tổng số Phiếu LLTP số 2 đã cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng là 20/174.269 Phiếu LLTP.
4. Đề  xuất, kiến nghị, góp phần tiếp tục hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về mục đích quản lý lý lịch tư pháp gắn với công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp
Để góp phần tiếp tục hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về mục đích quản lý lý lịch tư pháp gắn với công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền cân nhắc, nghiên cứu một số đề xuất, kiến nghị sau đây:
Thứ nhất, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật LLTP theo hướng bỏ quy định về Phiếu LLTP số 2. Theo đó, cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu LLTP chỉ được cấp một loại Phiếu LLTP. Nội dung của Phiếu LLTP như Phiếu LLTP số 1 hiện nay, bảo đảm thực hiện có hiệu quả mục đích quản lý lý lịch tư pháp, đó là ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, phù hợp nguyên tắc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng[37], đó là: tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật. Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành xong hình phạt tù.
Hiện nay, Chính phủ đã giao cụ thể trách nhiệm cho các Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng[38], trong đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm[39]: Chỉ đạo Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp các địa phương cập nhật thông tin về tình hình án tích của người chấp hành xong hình phạt tù và thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật. Phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, phù hợp để thực hiện có hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước theo hướng:
- Một là, quy định cụ thể, thống nhất về Phiếu LLTP, bảo đảm thống nhất, phù hợp với Luật LLTP. Theo đó, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, bảo đảm các nội dung, yêu cầu đặt ra phù hợp với các quy định của Luật LLTP về nội dung xác nhận của Phiếu LLTP số 1, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hòa nhập cộng đồng.
- Hai là, nghiên cứu, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong việc yêu cầu cấp Phiếu LLTP của cá nhân có liên quan để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã (thay vì hiện nay phần lớn việc yêu cầu cấp Phiếu LLTP để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã đều xuất phát từ yêu cầu của cá nhân). Theo đó, chuyển chủ thể yêu cầu cấp Phiếu LLTP từ cá nhân sang cho cơ quan, tổ chức như trong quy định về thủ tục thi tuyển công chức, thủ tục xét tuyển công chức. Về Phiếu LLTP trong thành phần hồ sơ quy định theo hướng người trúng tuyển không phải nộp Phiếu LLTP mà chuyển chủ thể đề nghị Sở Tư pháp cấp Phiếu LLTP sang cơ quan tuyển dụng. Trong thủ tục tiếp nhận đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức, về thành phần Phiếu LLTP trong hồ sơ, quy định theo hướng người trúng tuyển không phải nộp Phiếu LLTP mà chuyển chủ thể đề nghị Sở Tư pháp cấp Phiếu LLTP sang cơ quan tuyển dụng[40].
Thứ ba, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, bảo đảm kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế phù hợp. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong quá trình rà soát, nghiên cứu xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến Phiếu LLTP, bảo đảm không có sự mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định về Phiếu LLTP và các quy định khác có liên quan giữa Luật LLTP với các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật và tính khả thi trong thực tiễn thi hành, bảo đảm quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP của cá nhân, cơ quan, tổ chức và thực hiện có hiệu quả mục đích quản lý lý lịch tư pháp./.
Ths. Nguyễn Thị Minh Phương, Cục QLXLVPHC&TDTHPL, Bộ Tư pháp
 
[1] Xem: Khoản 4 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
[2] Khoản 5 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định: Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bao gồm Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp.
[3] Xem: Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
[4] Xem: Điều 42 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
[5] Xem: Điều 43 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
[6] Xem: Điểm b khoản 1 Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
[7] Xem: Điểm b khoản 1 Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
[8] Xem: Điểm e khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[9] Xem: Điểm a khoản 4 Điều 14 Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 01/2019/TT-NHNN ngày 01/02/2019 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam).
[10] Xem: Điểm b (ii) khoản 3 Điều 15 Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 01/2019/TT-NHNN ngày 01/02/2019 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam).
[11] Xem: Điểm d (ii) khoản 3 Điều 15 Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 01/2019/TT-NHNN ngày 01/02/2019 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam).
[12] Xem: Điểm b khoản 2 Điều 9 Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 03/2015/TT-BNV ngày 10/3/2015).
[13] Xem: Điểm c khoản 3 Điều 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
 
[14] Xem: Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 22/2018/TT-NHNN ngày 05/9/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều 2 Thông tư số 13/2019/TT-NHNN ngày 21/8/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư có liên quan đến việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).
[15] Xem: Khoản 2a Điều 7 Thông tư số 22/2018/TT-NHNN ngày 05/9/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (được bổ sung tại Khoản 6 Điều 2 Thông tư số 13/2019/TT-NHNN ngày 21/8/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư có liên quan đến việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).
[16] Xem: Khoản 3 Điều 8 Luật Giám định tư pháp năm 2012.
[17] Xem: Điểm b khoản 2 Điều 7 và điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Giám định tư pháp năm 2012.
[18] Xem: Điểm b khoản 1 Điều 10 và Điểm b khoản 4 Điều 14 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
[19] Xem: Khoản 4 Điều 11 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
[20] Xem: Điểm h khoản 2 Điều 13 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
[21] Xem: Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
[22] Xem: Khoản 7 Điều 24 Luật Dược năm 2016.
[23] Xem: Điểm đ khoản 1 Điều 14 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
[24] Xem: Khoản 4 Điều 15 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
[25] Xem: Khoản 2 Điều 3 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
[26] Xem: Điểm b khoản 1 Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
[27] Xem: Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 01/01/2020 của Bộ Tư pháp tổng kết công tác tư pháp năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2020, trang 13.
[28] Xem: Báo cáo số 173/BC-BTP ngày 20/6/2017 của Bộ Tư pháp Tổng kết 6 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp, trang 16.
[29] Xem: Điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
[30] Xem: Điểm b khoản 4 Điều 14 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
[31] Xem: Khoản 4 Điều 11 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
[32] Xem: Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
[33] Xem: Điểm b khoản 1 Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
[34] Xem: Biểu mẫu số 12 – Tổng hợp số liệu thống kê về số Phiếu lý lịch tư pháp đã cấp năm 2019 (từ 01/01/2019 đến 31/12/2019), (Kèm theo Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 01/01/2020 của Bộ Tư pháp tổng kết công tác tư pháp năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2020).
[35] Xem: Biểu mẫu số 12 – Tổng hợp số liệu thống kê về số Phiếu lý lịch tư pháp đã cấp năm 2019 (từ 01/01/2019 đến 31/12/2019), (Kèm theo Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 01/01/2020 của Bộ Tư pháp tổng kết công tác tư pháp năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2020).
[36] Biểu mẫu số 12 – Tổng hợp số liệu thống kê về số Phiếu lý lịch tư pháp đã cấp năm 2019 (từ 01/01/2019 đến 31/12/2019), (Kèm theo Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 01/01/2020 của Bộ Tư pháp tổng kết công tác tư pháp năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2020).
 
[37] Xem: Điều 3 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng (Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020).
[38] Xem: Chương IV Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng (Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020).
[39] Xem: Khoản 2, 3 Điều 16 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng (Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020).
[40] Xem: Khoản 2 Mục A Phần VII của Phương án đơn giản hóa kèm theo Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực.