Sửa đổi một số quy định của luật xử lý vi phạm hành chính về thi hành quyết định xử phạt tiền

18/04/2020
Đặt vấn đề Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Mục 2 Chương III của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC), từ Điều 69 đến Điều 85, bao gồm nhiều hoạt động khác nhau như: gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành; chuyển quyết định xử phạt để tổ chức thi hành trong trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm hành chính ở địa phương này nhưng cư trú, đóng trụ sở ở địa phương khác và không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt; nộp tiền phạt, nộp tiền phạt nhiều lần, hoãn thi hành quyết định phạt tiền, giảm, miễn tiền phạt; xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu... Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ giới hạn, tập trung nghiên cứu, đánh giá những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện cũng như đề xuất sửa đổi một số quy định trực tiếp liên quan đến thi hành quyết định xử phạt tiền trong Luật XLVPHC nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về vấn đề này, cụ thể là các quy định về hoãn thi hành quyết định phạt tiền, giảm, miễn tiền phạt và nộp tiền phạt nhiều lần.
1. Về đối tượng, điều kiện được hoãn thi hành quyết định phạt tiền, giảm, miễn tiền phạt
1.1. Đối tượng, điều kiện được hoãn thi hành quyết định phạt tiền
a) Việc mở rộng đối tượng thuộc diện được hoãn thi hành quyết định phạt tiền, giảm, miễn tiền phạt
Thứ nhất, qua thực tiễn triển khai thi hành Luật cho thấy, mức tiền phạt 3.000.000 đồng để xem xét hoãn thi hành quyết định phạt tiền đối với cá nhân trong một số trường hợp là khá cao, đặc biệt là đối với các trường hợp xử phạt cá nhân vi phạm ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn. Do vậy, cần thiết phải tổng kết, đánh giá thực tiễn triển khai thi hành về vấn đề này để có sự điều chỉnh mức tiền phạt của cá nhân được xem xét hoãn thi hành quyết định phạt tiền cho phù hợp thực tiễn (có thể giảm từ mức 3.000.000 đồng xuống còn từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng).
Thứ hai, Điều 76, Điều 77 Luật XLVPHC chỉ quy định việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền, giảm, miễn tiền phạt đối với cá nhân vi phạm hành chính, không quy định việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền, giảm, miễn tiền phạt đối với tổ chức vi phạm hành chính. Trên thực tế, nhiều trường hợp tổ chức vi phạm hành chính cũng gặp khó khăn về kinh tế nhưng không được hoãn thi hành quyết định phạt tiền, giảm, miễn tiền phạt dẫn đến tình trạng quyết định xử phạt vi phạm hành chính chậm được thi hành hoặc không được thi hành, làm giảm hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Chính vì vậy, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều 76 và Điều 77 Luật XLVPHC theo hướng: quy định thêm trường hợp hoãn thi hành quyết định phạt tiền, giảm, miễn tiền phạt đối với tổ chức để giải quyết một cách triệt để khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức. 
b) Về việc xác định trường hợp cá nhân “đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn” (điều kiện để được hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật XLVPHC)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật XLVPHC thì cá nhân thuộc trường hợp bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc, không có khả năng thi hành quyết định thì có thể được xem xét hoãn thi hành quyết định phạt tiền. Thực tế, người có thẩm quyền xử phạt rất lúng túng trong việc xác định điều kiện để được hoãn thi hành quyết định phạt tiền: phải xác định cá nhân vừa thuộc diện khó khăn đặc biệt và vừa thuộc diện khó khăn đột xuất thì mới đáp ứng đủ điều kiện để được xem xét hoãn thi hành quyết định phạt tiền hay chỉ cần xác định thuộc một trong hai trường hợp nêu trên (khó khăn đặc biệt hoặc khó khăn đột xuất) là đáp ứng đủ điều kiện để được xem xét hoãn thi hành quyết định phạt tiền?
Do vậy, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC để quy định cụ thể hơn về điều kiện khó khăn đặc biệt, khó khăn đột xuất. Theo đó, có thể quy định đây là hai điều kiện được áp dụng độc lập, chỉ cần xác định đối tượng vi phạm hành chính thuộc một trong hai trường hợp: khó khăn đặc biệt hoặc khó khăn đột xuất về kinh tế là đáp ứng đủ điều kiện để được xem xét hoãn thi hành quyết định phạt tiền nhằm bảo đảm tính khả thi.
          1.2. Đối tượng, điều kiện được giảm, miễn tiền phạt
          Theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật XLVPHC thì “cá nhân thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 76 của Luật này (trường hợp hoãn thi hành quyết định phạt tiền) mà không có khả năng thi hành quyết định thì có thể được xem xét giảm, miễn phần còn lại[1] tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt”. Quy định này không thực sự rõ ràng: Liệu người vi phạm có cần phải được hoãn thi hành quyết định phạt tiền (như là một biện pháp tiền đề) thì mới được xem xét giảm, miễn tiền phạt không hay chỉ cần thuộc đối tượng được hoãn thi hành quyết định phạt tiền và không có khả năng thi hành quyết định là đã được xem xét giảm, miễn tiền phạt (không cần phải được hoãn thi hành quyết định phạt tiền)?
Luật XLVPHC không có điều khoản nào đề cập cụ thể đến vấn đề nêu trên. Tìm hiểu Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017), chúng tôi nhận thấy, có một quy định có liên quan đến vấn đề này, đó là quy định về thời hạn gửi đề nghị giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt tại khoản 4 Điều 10: “Trường hợp cá nhân đề nghị giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt theo quy định tại Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì phải có đơn đề nghị gửi người đã ra quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày làm việc, trước khi hết thời hạn hoãn ghi trong quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt”. Qua quy định này của Nghị định, có thể “suy ra” cách hiểu về quy định của Luật rằng, muốn được giảm, miễn tiền phạt, đối tượng vi phạm phải đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền. Nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại, liệu cách hướng dẫn này của Nghị định có trái với quy định của Luật không, khi mà khoản 1 Điều 77 Luật XLVPHC không hề đề cập đến điều kiện phải đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền thì mới được giảm, miễn tiền phạt?
Xuất phát từ vướng mắc, bất cập trên, chúng tôi cho rằng, cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện giảm, miễn tiền phạt trong Luật XLVPHC theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn. Theo đó, có thể sửa đổi, bổ sung điều kiện giảm, miễn tiền phạt đối với từng trường hợp như sau:
a) Đối với trường hợp giảm tiền phạt
Đối tượng vi phạm phải đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền; sau khi đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền rồi mà vẫn còn gặp khó khăn về kinh tế thì mới được giảm tiền phạt.
b) Đối với trường hợp miễn toàn bộ tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt
Đối tượng vi phạm cũng phải đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền; sau khi đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền rồi mà vẫn không có khả năng thi hành quyết định thì mới được miễn toàn bộ tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt.
c) Đối với trường hợp miễn phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt
Đối với trường hợp này, không đặt ra vấn đề đối tượng vi phạm phải đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền như trường hợp giảm tiền phạt hoặc trường hợp miễn toàn bộ tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt nêu trên, vì đối tượng vi phạm đã thực hiện nộp một phần tiền phạt vào ngân sách nhà nước. Thay vào đó, cần quy định đối tượng vi phạm phải thuộc vào một trong hai trường hợp sau đây:
Một là, đã được giảm một phần tiền phạt; sau khi đã được giảm một phần tiền phạt mà không có khả năng thi hành quyết định thì mới được miễn phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt.
Hai là, đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc đã nộp tiền phạt đến lần thứ hai trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 của Luật XLVPHC nhưng gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo mà không có khả năng thi hành quyết định thì mới được miễn phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt. Đây là trường hợp đối tượng vi phạm ban đầu chỉ gặp khó khăn về kinh tế nhưng vẫn có khả năng thi hành quyết định xử phạt và được người có thẩm quyền xử phạt quyết định cho nộp tiền phạt nhiều lần. Tuy nhiên, trong quá trình chấp hành quyết định về việc nộp tiền phạt nhiều lần thì đối tượng vi phạm tiếp tục gặp phải những khó khăn khác về kinh tế, dẫn đến việc không thể có khả năng thi hành quyết định xử phạt nữa, cần thiết phải được miễn phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt.
2. Về thẩm quyền, thủ tục thực hiện
          2.1. Về thẩm quyền
Theo quy định tại Điều 76, Điều 77 Luật XLVPHC hiện hành, thẩm quyền xem, xét quyết định việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền thuộc về người đã ra quyết định xử phạt; thẩm quyền xem, xét quyết định việc giảm, miễn tiền phạt thuộc về cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định xử phạt. Đối với trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ra quyết định xử phạt thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đó xem xét, quyết định việc giảm, miễn tiền phạt. Việc quy định thẩm quyền xem xét, quyết định việc giảm, miễn tiền phạt thuộc về cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định xử phạt như Luật hiện hành là hết sức rườm rà, phức tạp, không thực sự cần thiết, mất thời gian, công sức cho cả đối tượng vi phạm hành chính và người có thẩm quyền giải quyết vụ việc vi phạm hành chính. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi quy định về thẩm quyền miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính theo hướng người nào có thẩm quyền xử phạt thì người đó có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giảm, miễn tiền phạt. Quy định như vậy sẽ góp phần rút ngắn thời gian, thủ tục xem xét, quyết định việc giảm, miễn tiền phạt, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, đồng thời, cũng phần nào “giảm tải” công việc cho cơ quan cấp trên của người có thẩm quyền xử phạt.
2.1. Về thủ tục
Khoản 2 Điều 76 Luật XLVPHC quy định: “Cá nhân phải có đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gửi cơ quan của người đã ra quyết định xử phạt”. Khoản 2 Điều 77 Luật XLVPHC quy định: “Cá nhân… phải có đơn đề nghị giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt gửi người đã ra quyết định xử phạt”. Qua quá trình triển khai thực hiện, có 02 vướng mắc chủ yếu liên quan đến các quy định này của Luật:
Thứ nhất, các điều, khoản trên của Luật XLVPHC không quy định về thời hạn đối tượng vi phạm hành chính được thực hiện quyền gửi đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đơn đề nghị giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt đến cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định các vấn đề này[2].
Thứ hai, các điều, khoản trên của Luật XLVPHC quy định không có sự thống nhất về nơi nhận đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đơn đề nghị giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt: Trường hợp hoãn chấp hành quyết định xử phạt thì đơn được gửi đến “cơ quan của người đã ra quyết định xử phạt[3]; trường hợp giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt thì đơn được gửi đến chính “người đã ra quyết định xử phạt”.
Do vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 76 và Điều 77 Luật XLVPHC để quy định cụ thể vấn đề thời hạn gửi và nơi gửi đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đơn đề nghị giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt. Theo quan điểm của chúng tôi, nên quy định thống nhất việc gửi đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đơn đề nghị giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt đến cơ quan của người đã ra quyết định xử phạt, bởi có nhiều trường hợp, người có thẩm quyền xử phạt đã giao quyền xử phạt vi phạm hành chính cho cấp phó, người vi phạm lại gửi đơn đề nghị đến cấp trưởng thì đơn sẽ bị chuyển đi, chuyển lại rất mất thời gian.
3. Về nộp tiền phạt nhiều lần
Ngoài những vướng mắc liên quan đến các quy định về hoãn thi hành quyết định phạt tiền, giảm, miễn tiền phạt, thì quy định về chủ thể có thẩm quyền xác nhận điều kiện khó khăn về kinh tế trong trường hợp nộp tiền phạt nhiều lần đối với tổ chức tại điểm b khoản 1 Điều 79 Luật XLVPHC hiện hành cũng gặp vướng mắc, cụ thể là:
          Điểm b khoản 1 Điều 79 Luật XLVPHC quy định điều kiện để tổ chức đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế được nộp tiền phạt nhiều lần là phải “có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần” và đơn này “phải được xác nhận của cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp”. Trên thực tế, việc xin xác nhận của cơ quan thuế quản lý trực tiếp là cực kỳ khó khăn đối với doanh nghiệp. Cơ quan thuế quản lý trực tiếp thường từ chối với lý do việc này không thuộc chức năng, nhiệm vụ của họ và trong trường hợp họ từ chối xác nhận thì pháp luật hiện hành cũng chưa có chế tài để xử lý.
Do vậy, chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 79 Luật XLVPHC hiện hành theo hướng quy định mở rộng chủ thể có thẩm quyền xác nhận điều kiện khó khăn về kinh tế trong trường hợp tổ chức có mong muốn được nộp tiền phạt nhiều lần, cụ thể là: trường hợp tổ chức đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đóng trụ sở hoặc Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế hoặc cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp.
4. Một số vấn đề khác
          Ngoài những vấn đề nêu trên, chúng tôi thấy rằng, còn một số vướng mắc, bất cập khác liên quan đến nội dung về thi hành quyết định xử phạt chưa được Luật XLVPHC và các văn bản quy định chi tiết thi hành đề cập tới, cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn:
Thứ nhất, hiện nay, Luật XLVPHC chưa có quy định cụ thể về việc hoãn thi hành, giảm, miễn, nộp nhiều lần đối với số tiền là số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật (biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm i khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC) nên còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Đa số ý kiến cho rằng, không thể áp dụng quy định về việc hoãn thi hành, giảm, miễn và nộp nhiều lần đối với số tiền là số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật, vì các lý do sau đây:
(i) Các quy định này chỉ có thể áp dụng đối với khoản tiền phạt. Số tiền là số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật không được coi là tiền phạt.
(ii) Đồng thời, khoản 6 Điều 34 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng quy định, nếu đối tượng vi phạm hành chính phải thi hành quyết định cưỡng chế buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật không chấp hành quyết định cưỡng chế thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế phải áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều 86 Luật XLVPHC, không áp dụng quy định về việc hoãn thi hành, giảm, miễn và nộp nhiều lần: “Trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật mà người bị cưỡng chế chưa thực hiện được ngay thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính”.
Một số ý kiến cho rằng, có thể áp dụng quy định về việc hoãn thi hành, giảm, miễn và nộp nhiều lần đối với số tiền là số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật, vì các lý do sau đây:
(i) Quy định về việc buộc cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật tại điểm i khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC thực chất là để buộc đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hành chính nếu đã thu lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc đã tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật thì phải bị áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tài sản mà đối tượng vi phạm hiện đang sở hữu để bảo đảm sự công bằng và tính nghiêm minh của pháp luật.
(ii) Khoản 1 và khoản 2 Điều 83 Luật XLVPHC quy định:
1. Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính gồm tiền nộp phạt vi phạm hành chính; tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền; tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác.
2. Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước”.
Qua các quy định nêu trên có thể đưa ra nhận định rằng, số tiền phạt vi phạm hành chính hay là số tiền số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật suy cho cùng cũng đều là tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, đều phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và đều được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Do vậy, các biện pháp để thi hành quyết định xử phạt tiền (hoãn thi hành, giảm, miễn và nộp nhiều lần) cũng cần phải được áp dụng để thi hành đối với số tiền là số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật.
Thứ hai, tương tự như vậy, hiện nay, Điều 76, Điều 77 và Điều 79 Luật XLVPHC cũng chưa có quy định cụ thể về việc hoãn thi hành, giảm, miễn và nộp nhiều lần đối với khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước trong trường hợp đối tượng vi phạm hành chính chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật XLVPHC: “Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước”. Các ý kiến khác nhau về vấn đề này cũng tương tự như vấn đề thứ hai nêu trên.
Do vậy, cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về việc hoãn thi hành, giảm, miễn và nộp nhiều lần đối với khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước trong trường hợp đối tượng vi phạm hành chính chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC.
Kết luận
Có thể nói, phạt tiền là một trong những hình thức xử phạt được áp dụng một cách phổ biến, rộng rãi nhất trong xử phạt vi phạm hành chính. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nói chung và thi hành quyết định xử phạt tiền nói riêng là một trong những “khâu” (bước) quan trọng trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính, nếu quyết định xử phạt không được thi hành hoặc thi hành không đầy đủ thì sẽ làm giảm đi rất nhiều tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa (thậm chí dẫn đến tâm lý “nhờn luật”), đồng thời cũng làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, việc tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Luật XLVPHC đang được tiến hành sửa đổi, bổ sung[4]. Với mong muốn được trao đổi những nhận định, đánh giá và đề xuất liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật XLVPHC về thi hành quyết định xử phạt tiền, chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp, chia sẻ từ phía các độc giả, đồng nghiệp, đặc biệt là những người trực tiếp thực hiện công tác xử phạt vi phạm hành chính quan tâm đến vấn đề này./.    
                                                  ThS. Nguyễn Hoàng Việt*
 
* Thạc sỹ Luật, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp
 

[1] Khoản 1 Điều 77 Luật XLVPHC chỉ quy định về việc “miễn phần còn lại tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt” (không quy định về việc miễn toàn bộ tiền phạt). Tuy nhiên, khoản 2 Điều 77 lại quy định “Cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này phải có đơn đề nghị giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt gửi người đã ra quyết định xử phạt”. 
[2] Như đã nêu tại điểm 1.2 mục 1 của bài viết, nội dung này chỉ được quy định chi tiết tại khoản 3 và khoản 4 Điều 10 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP:
3. Trường hợp cá nhân đề nghị hoãn thi hành quyết định phạt tiền hoặc cá nhân, tổ chức đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 76 và Điều 79 Luật xử lý vi phạm hành chính, thì phải có đơn đề nghị gửi người đã ra quyết định xử phạt trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.
4. Trường hợp cá nhân đề nghị giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt theo quy định tại Điều 77 Luật xử lý vi phạm hành chính, thì phải có đơn đề nghị gửi người đã ra quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày làm việc, trước khi hết thời hạn hoãn ghi trong quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt.
[3] Trường hợp này, khoản 3 Điều 10 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP lại quy định gửi đơn đến “người đã ra quyết định xử phạt”: “Trường hợp cá nhân đề nghị hoãn thi hành quyết định phạt tiền hoặc cá nhân, tổ chức đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 76 và Điều 79 Luật xử lý vi phạm hành chính, thì phải có đơn đề nghị gửi người đã ra quyết định xử phạt trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt”.
[4] Theo Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11/6/2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 thì dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10 (Quốc hội khóa XIV)