Xác định thế nào là đã bị xử phạt vi phạm hành chính

24/03/2020
Đặt vấn đề Thời gian qua, việc xác định thế nào là đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC) gặp nhiều vướng mắc, bất cập do các quy định liên quan đến vấn đề này tại Luật hiện hành chưa cụ thể và không thống nhất. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi tập trung phân tích những vướng mắc, bất cập, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất hướng xử lý có thể nghiên cứu, tham khảo để quy định cụ thể, rõ ràng hơn nội dung này trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính .
Nội dung chính
Khoản 5 Điều 2 Luật XLVPHC quy định: “Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định này mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý. Quy định “đã bị xử lý vi phạm hành chính” (trong đó bao gồm cả trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính) tại Luật XLVPHC được áp dụng trong trường hợp xác định tái phạm của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, quy định về việc đã bị xử phạt vi phạm hành chính còn là căn cứ để cơ quan tố tụng hình sự xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số loại tội phạm cụ thể. Ví dụ, điểm a khoản 1 Điều 172 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người nào “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, với các quy định của Luật XLVPHC hiện hành, việc xác định thế nào là đã bị xử phạt vi phạm hành chính không hề đơn giản, còn gây nhiều tranh cãi trong thực tiễn áp dụng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật XLVPHC thì đối với trường hợp hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 6 hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 của Luật, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Giả sử trường hợp đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hành chính nhưng do đã hết thời hiệu xử phạt hoặc quá thời hạn ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà ban hành quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và/ hoặc quyết định (độc lập) áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Vậy trong trường hợp này, đối tượng vi phạm có bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính không?
Có quan điểm cho rằng, phải coi đây là trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính, vì đối tượng đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính nhưng do vụ việc đã hết thời hiệu xử phạt hoặc quá thời hạn ra quyết định xử phạt nên người có thẩm quyền xử phạt không thể ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà phải ban hành quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và/ hoặc quyết định (độc lập) áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Hình thức, biện pháp xử lý khác nhau nhưng bản chất vẫn là có hành vi vi phạm hành chính và đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hành chính vẫn bị áp dụng chế tài xử lý bởi người có thẩm quyền xử phạt.
  Quan điểm khác lại cho rằng, trường hợp người có thẩm quyền không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ ban hành quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và/ hoặc quyết định (độc lập) áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật XLVPHC thì không được xem là đã bị xử phạt vi phạm hành chính, vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, khoản 2 Điều 2 Luật XLVPHC quy định: “Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Khoản 3 Điều 21 Luật XLVPHC quy định: “Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1 Điều này. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.
Theo các quy định nêu trên, thì việc xử phạt vi phạm hành chính sẽ bao gồm việc áp dụng hình thức xử phạt (hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung) và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, nếu các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm đó. Hay nói cách khác, việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung hoặc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.
Thứ hai, khoản 1 Điều 7 Luật XLVPHC quy định: “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định này, thì Luật XLVPHC xác định 01 cá nhân hay tổ chức chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nếu đã chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm. Như vậy, Luật XLVPHC quy định căn cứ tính thời hạn, thời hiệu để xác định cá nhân, tổ chức được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính đó là quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không căn cứ vào quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và/ hoặc quyết định (độc lập) áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Những quy định không rõ ràng liên quan đến việc xác định thế nào là đã bị xử phạt vi phạm hành chính như đã nêu trên đã dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng không thống nhất, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức vi phạm. Bởi vì, có thể cùng một vụ việc tương tự nhưng nếu bị coi là tái phạm vi phạm hành chính thì cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị áp dụng mức phạt tiền nặng hơn do có tình tiết tăng nặng (tái phạm); thậm chí, trong một số trường hợp, việc xác định đã bị xử phạt vi phạm hành chính có thể khiến cá nhân, tổ chức vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu trong cấu thành tội phạm cụ thể có tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm”.
Hướng xử lý
Chúng tôi cho rằng, những quy định không rõ ràng, đã và đang gây ra nhiều cách hiểu khác nhau liên quan đến xác định thế nào là đã bị xử phạt vi phạm hành chính xuất phát từ việc quy định nguyên tắc áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 3 Điều 21 Luật XLVPHC: “Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính” và việc quy định chỉ coi việc chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính (không coi việc chấp hành xong quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và/ hoặc quyết định (độc lập) áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả) là điều kiện để tính tái phạm tại khoản 5 Điều 2 Luật XLVPHC: “Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt… hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định này mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý”. Do vậy, để xử lý vấn đề này, thiết nghĩ cần sửa đổi, bổ sung một cách đồng bộ các quy định có liên quan của Luật XLVPHC theo hướng:
Thứ nhất, không quy định việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung phải kèm theo hình thức xử phạt chính.
Thứ hai, cần quy định cụ thể việc đối tượng vi phạm chấp hành xong quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và/ hoặc quyết định (độc lập) áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả cũng là điều kiện để tính tái phạm (chứ không chỉ chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính như quy định của Luật hiện hành)./.
 ThS. Nguyễn Hoàng Việt*
 
* Thạc sỹ Luật, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
  2. Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11/6/2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.