Tìm hiểu về một số chỉ số, nhóm chỉ số góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam

19/02/2020
Bài viết tập trung tìm hiểu về điểm số và thứ hạng của một số chỉ số, nhóm chỉ số góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2019 so với năm 2018 và so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra trong Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 về nâng thứ hạng của các chỉ số, nhóm chỉ số này. Đồng thời, có sự so sánh về mục tiêu cải thiện điểm số và thứ hạng của một số chỉ số, nhóm chỉ số nói chung và cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam nói riêng mà Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 và 2020 đặt ra.
1. Chỉ số, nhóm chỉ số góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh theo GCI 4.0 theo Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 và 2020
Ngày 01/01/2020 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Trong đó, năm 2020 phấn đấu đạt mục tiêu cải thiện thứ bậc trên các bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh theo xếp hạng GCI 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lên 5 bậc. Để cải thiện năng lực cạnh tranh theo GCI 4.0 trong năm 2020 với mục tiêu đề ra nâng xếp hạng lên 5 bậc, Nghị quyết số 02/NQ-CP đã đề ra mục tiêu cụ thể trong việc cải thiện 6 chỉ số, nhóm chỉ số sau đây:
Một là, cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật[1] (B1).
Hai là, nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai[2] (B3) lên từ 5- 7 bậc.
Ba là, nâng xếp hạng nhóm chỉ số Ứng dụng công nghệ thông tin[3] (B5) lên từ 2 – 3 bậc.
Bốn là, nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng đào tạo nghề[4] (B6) lên từ 5-10 bậc.
Năm là, nâng xếp hạng chỉ số Tăng trưởng về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo[5] (B9) lên từ 3-5 bậc.
Sáu là, nâng xếp hạng chỉ số Công ty có ý tưởng sáng tạo mới đột phá[6] (B10) lên từ 2-3 bậc.
Đây là 6 chỉ số, nhóm chỉ số đã được Chính phủ đề ra mục tiêu nâng xếp hạng trong năm 2019. Năm 2019[7] để cải thiện năng lực cạnh tranh theo GCI 4.0, Chính phủ đề ra mục tiêu nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh – GCI 4.0 tăng 5-10 bậc; trong năm 2019 tăng từ 2-3 bậc. Theo đó, để cải thiện năng lực cạnh tranh theo GCI 4.0, Chính phủ đề ra mục tiêu cải thiện 10 chỉ số, nhóm chỉ số sau đây:
Một là, nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (B1) lên từ 5-10 bậc; năm 2019 ít nhất 2 bậc.
Hai là, nâng xếp hạng chỉ số Kiểm soát tham nhũng[8] (B2) lên từ 5 đến 10 bậc; năm 2019 từ 2-5 bậc.
Ba là,  nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3) lên từ 5 đến 8 bậc; năm 2019 từ 2-3 bậc.
Bốn là, nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng[9] (B4) lên từ 3 – 5 bậc; năm 2019 ít nhất 1 bậc.
Năm là, nâng xếp hạng nhóm chỉ số Ứng dụng công nghệ thông tin (B5) lên từ 20 đến 25 bậc; năm 2019 ít nhất 5 bậc.
Sáu là, nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng đào tạo nghề (B6) lên từ 20-25 bậc; năm 2019 ít nhất 5 bậc.
Bảy là, nâng xếp hạng chỉ số Vốn hóa thị trường chứng khoán[10] (B7) lên từ 10-15 bậc; năm 2019 ít nhất 5 bậc.
Tám là, nâng xếp hạng chỉ số Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển[11] (B8) lên 6-10 bậc; năm 2019 ít nhất 2 bậc.
Chín là, nâng xếp hạng chỉ số Tăng trưởng về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (B9) lên từ 20-25 bậc; năm 2019 ít nhất 5 bậc.
Mười là, nâng xếp hạng chỉ số Công ty có ý tưởng sáng tạo mới đột phá (B10) lên từ 5-10 bậc, năm 2019 ít nhất 2 bậc.
2. Điểm số và thứ hạng các chỉ số, nhóm chỉ số góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh theo GCI 4.0 theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2019
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 (The global Competitiveness Report 2019) được phát hành ngày 08/10/2019 của WEF[12], năm 2019, 06 chỉ số, nhóm chỉ số góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam (những chỉ số, nhóm chỉ số được đề cập trong Nghị quyết của Chính phủ năm 2019 và 2020) đạt được kết quả cụ thể như sau:
(1) Chi phí tuân thủ pháp luật (B1): Đạt 3.4/7, tương ứng 39.8/100, xếp thứ 79/141 quốc gia.
(2) Chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3): Đạt 14.0, tương ứng với 46.7/100, xếp thứ 80/141 quốc gia.
(3) Nhóm chỉ số Ứng dụng công nghệ thông tin (B5): Đạt 69.0/100, xếp thứ 41/141 quốc gia.
(4) Chỉ số Chất lượng đào tạo nghề (B6): Đạt 3.6/7, tương ứng với số điểm 44.0/100,  xếp thứ 102/141 quốc gia.
(5) Chỉ số tăng trưởng về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (B9): Đạt 4.1/7, tương ứng với số điểm 51.5/100, xếp thứ 68/141 quốc gia.
(6) Chỉ số Công ty có ý tưởng sáng tạo mới đột phá (B10): Đạt 4.0/7, tương ứng với số điểm 50.3/100, xếp thứ 39/141 quốc gia.
3. Nhận xét, đánh giá về các chỉ số, nhóm chỉ số góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo GCI 4.0
Qua nghiên cứu Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019, 2020 và qua tìm hiểu, nghiên cứu về điểm số và thứ hạng của các chỉ số, nhóm chỉ số góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo GCI 4.0 năm 2019 theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (có so sánh với năm 2018), tác giả thấy rằng:
Thứ nhất, so với năm 2019, năm 2020 số lượng chỉ số, nhóm chỉ số được đề ra mục tiêu cải thiện điểm số, vị trí xếp hạng đã giảm (năm 2020 còn 6 chỉ số, nhóm chỉ số trên tổng số 10 chỉ số, nhóm chỉ số của năm 2019). Theo đó, có 4 chỉ số, nhóm chỉ số không đề ra mục tiêu cải thiện thứ hạng trong năm 2020 (phần một số nội dung cụ thể), bao gồm: (i) Chỉ số kiểm soát tham nhũng (B2). (ii) Nhóm chỉ số Hạ tầng (B4). (iii) Chỉ số Vốn hóa thị trường chứng khoán (B7). (iv) Chỉ số Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (B8). Tuy nhiên, trong phần nhiệm vụ và giải pháp, Chính phủ tiếp tục giao “Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019[13].
Thứ hai, trong số 06 chỉ số, nhóm chỉ số tiếp tục đề ra mục tiêu cải thiện điểm số và xếp thứ hạng, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong năm 2020, có 03/06 chỉ số, nhóm chỉ số đã đạt và vượt mục tiêu mà Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 đề ra (không chỉ trong năm 2019 mà cả giai đoạn 2019-2021), cụ thể:
Một là, năm 2019, chỉ số B1 của Việt Nam tăng 0.3/7 và tăng 17 bậc so với năm 2018[14]). Mặc dù năm 2019, điểm số và thứ hạng chỉ số B1 của Việt Nam đã có sự cải thiện vượt bậc so với năm 2018, đạt và vượt mục tiêu mà Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 đề ra về tăng thứ hạng (Trong khi đó, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 đề ra mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số B1 lên từ 5-10 bậc; năm 2019 ít nhất 2 bậc), tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong số 69/141 quốc gia có điểm số chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật dưới điểm trung bình trên thang điểm 7 (dưới 3.5/7).
Hai là, năm 2019, nhóm chỉ số Ứng dụng công nghệ thông tin (B5) của Việt Nam theo đánh giá của WEF tăng 54 bậc so với năm 2018[15] (Trong khi đó, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 đề ra mục tiêu nâng xếp hạng nhóm chỉ số B5 lên từ 20-25 bậc; năm 2019 ít nhất 5 bậc). Chỉ số Công ty có ý tưởng sáng tạo mới đột phá (B10) tăng 13 bậc so với năm 2018[16] (Trong khi đó, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 đề ra mục tiêu nâng xếp hạng nhóm chỉ số B10 lên từ 5-10 bậc; năm 2019 ít nhất 5 bậc).
Thứ ba, trong số 06 chỉ số, nhóm chỉ số tiếp tục đề ra mục tiêu cải thiện điểm số và xếp thứ hạng, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong năm 2020, có 02/06 chỉ số đã đạt và vượt mục tiêu mà Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 đề ra trong năm 2019 (Tuy nhiên, chưa đạt mục tiêu đề ra cao nhất của cả giai đoạn 2019-2021):
Một là, nhóm chỉ số Chất lượng đào tạo nghề (B6) của Việt Nam tăng 13 bậc so với năm 2018[17] (Trong khi đó, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 đề ra mục tiêu nâng xếp hạng nhóm chỉ số B6 lên từ 20-25 bậc; năm 2019 ít nhất 5 bậc).
Hai là, chỉ số tăng trưởng về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (B9) tăng 22 bậc so với năm 2018[18] (Trong khi đó, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 đề ra mục tiêu nâng xếp hạng nhóm chỉ số B9 lên từ 20-25 bậc; năm 2019 ít nhất 5 bậc).
Thứ tư, trong số 06 chỉ số, nhóm chỉ số tiếp tục đề ra mục tiêu cải thiện điểm số và xếp thứ hạng, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong năm 2020, có 01/06 chỉ số giảm thứ hạng, không đạt mục tiêu mà Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 đề ra. Theo đó, chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3) năm 2019 giảm 02 bậc so với năm 2018[19] (Trong khi đó, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 đề ra mục tiêu nâng xếp hạng nhóm chỉ số B3 lên từ 5 đến 8 bậc; năm 2019 từ 2-3 bậc).
Thứ năm, khác với năm 2019, năm 2020 đồng thời với việc đặt ra mục tiêu cải thiện vị trí xếp thứ hạng, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu nâng cao về điểm số của một số chỉ số, nhóm chỉ số. Ví dụ, năm 2019, trong Nghị quyết số 02/NQ-CP, Chính phủ chỉ đề ra mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (B1) thì năm 2020, trong Nghị quyết số 02/NQ-CP, Chính phủ đề ra mục tiêu cải thiện điểm sốduy trì thứ hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật. Như vậy, so với năm 2019, năm 2020, trên cơ sở kết quả đánh giá về các chỉ số, nhóm chỉ số liên quan đến cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo GCI 4.0 của WEF, Chính phủ đã có sự điều chỉnh về mục tiêu đề ra đối với các chỉ số, nhóm chỉ số, theo đó, đồng thời với việc đề ra mục tiêu nâng xếp hạng các chỉ số, nhóm chỉ số, riêng Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (B1) Chính phủ chỉ đề ra mục tiêu cải thiện điểm số mà không đề ra mục tiêu cải thiện vị trí xếp thứ hạng. Theo đó, năm 2020, mục tiêu đề ra chỉ là cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật đã đạt được của năm 2019 (xếp thứ 79/141 quốc gia).
Có thể nói, các chỉ số, nhóm chỉ số nêu trên đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Theo đó, năm 2019 năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 67/141 quốc gia (tăng 10 bậc so với năm 2018[20], đạt và vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết số 02/NQ-CP đề ra: Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh – GCI 4.0 (của WEF) tăng 5-10 bậc; trong năm 2019 tăng 3-5 bậc). Với những kết quả đã đạt được trong năm 2019, năm 2020 Chính phủ tiếp tục đề ra mục tiêu nâng xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam (lên 5 bậc), đồng thời, đề ra mục tiêu cải thiện điểm số, duy trì thứ hạng hoặc nâng xếp hạng của một số chỉ số, nhóm chỉ số góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo GCI 4.0 (B1, B3, B5, B6, B9, B10). Tác giả hy vọng, tin tưởng rằng, trên cơ sở những kết quả đã đạt được của năm 2019, năm 2020, xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam nói chung và các chỉ số, nhóm chỉ số nói riêng tiếp tục có những khởi sắc, đạt và vượt mục tiêu mà Nghị quyết số 02/NQ-CP đề ra./.
Ths. Nguyễn Thị Minh Phương, Cục QLXLVPHC&TDTHPL .
 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chính phủ (2019), Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
2. Chính phủ (2020), Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
3. Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 (The global Competitiveness Report 2018) được phát hành ngày 16/10/2018 của WEF - https://www.weforum.org/reports/the-global-competitveness-report-2018.
4. Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 (The global Competitiveness Report 2019) được phát hành ngày 08/10/2019 của WEF - http://www3.weforum.org/docs/WEF_TheGlobalCompetitivenessReport2019.
 
 
[1] Thuộc trụ cột thể chế (Trụ cột 1, GCI 4.0).
[2] Thuộc trụ cột thể chế (Trụ cột 1, GCI 4.0).
[3] Thuộc trụ cột 3, GCI 4.0.
[4] Thuộc trụ cột kỹ năng (Trụ cột 6, GCI 4.0).
[5] Thuộc trụ cột mức độ năng động trong kinh doanh (Trụ cột 11, GCI 4.0).
[6] Thuộc trụ cột mức độ năng động trong kinh doanh (Trụ cột 11, GCI 4.0).
[7] Xem: Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
[8] Thuộc trụ cột thể chế (Trụ cột 1, GCI 4.0).
[9] Thuộc trụ cột hạ tầng (Trụ cột 2, GCI 4.0).
[10] Thuộc trụ cột hệ thống tài chính (Trụ cột 9, GCI 4.0).
[11] Thuộc trụ cột năng lực đổi mới sáng tạo (Trụ cột 12, GCI 4.0).
[12] Xem: World Economic Forum (2019), “The Global Competitiveness Report 2019”, retrieved from http://www3.weforum.org/docs/WEF_TheGlobalCompetitivenessReport2019.pdf, truy cập ngày 09/10/2019.
[13] Xem: Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Mục III.1.
[14] Năm 2018, chỉ số B1 của Việt Nam đạt 3.1/7, xếp thứ 96/140 quốc gia.
[15] Năm 2018, chỉ số B5 của Việt Nam đạt 43.3/100, xếp thứ 95/140 quốc gia
[16] Năm 2018, chỉ số B10 của Việt Nam đạt 3.7/7, xếp thứ 52/140 quốc gia.
[17] Năm 2018, chỉ số B6 của Việt Nam đạt 3.5/7, xếp thứ 115/140 quốc gia.
[18] Năm 2018, chỉ số B9 của Việt Nam đạt 3.8/7, xếp thứ 90/140 quốc gia.
[19] Năm 2018, chỉ số B3 của Việt Nam đạt 14.0, tương ứng với 46.7/100, xếp thứ 78/140 quốc gia.
[20] Năm 2018 năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 77/140 quốc gia.