Một số định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật ở VN hiện nayThi hành pháp luật nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống là giai đoạn tiếp nối của xây dựng pháp luật, là chức năng đặc trưng, xuyên suốt của các cơ quan hành chính nhà nước và là yếu tố quyết định vận hành thông suốt hệ thống pháp luật hướng tới quản trị quốc gia tốt trong Nhà nước pháp quyền XHCN.Có thể nói thi hành pháp luật - đưa pháp luật vào đời sống - là giai đoạn tiếp nối của xây dựng pháp luật đưa đời sống vào pháp luật, tạo thành vòng đời liên tục của hệ thống pháp luật quốc gia[1]
Trong hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới, hệ thống pháp luật Việt Nam được xây dựng và hoàn thiện một cách cơ bản. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, một số lĩnh vực của hệ thống pháp luật Việt Nam đã tiệm cận với pháp luật của nhiều nước và pháp luật quốc tế. Đặc biệt, giai đoạn 2011-2020 là thời kỳ Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị) tiếp tục được triển khai với mục tiêu: “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Trong giai đoạn này, hệ thống pháp luật đã không ngừng được xây dựng và hoàn thiện cả về nội dung, hình thức, số lượng và chất lượng: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 141 luật, 12 pháp lệnh; 32 nghị quyết, Chính phủ ban hành 1070 nghị định[2]. Các văn bản này về cơ bản đã thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong đó, đáng chú ý là, thể chế về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được bổ sung, hoàn thiện một bước quan trọng; thể chế về bảo vệ, bảo đảm quyền con người được quan tâm hoàn thiện (các đạo luật về quyền dân sự,[3] chính trị[4], quyền tự do, dân chủ của công dân đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân[5]; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện với nhiều đặc điểm của thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế (chế độ sở hữu[6], pháp luật về các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế[7] và thể chế cho việc đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước[8] đều có bước phát triển mới). Có thể nói, đến nay, đa số các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều đã được điều chỉnh bởi các đạo luật. Số lượng đạo luật điều chỉnh lĩnh vực quyền con người, quyền công dân đã cân xứng hơn so với các đạo luật về tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền XHCN cũng như các đạo luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, kinh tế. Trên cơ sở đó, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần sớm đưa các quy định trong các đạo luật vào thực tiễn đời sống.Tuy nhiên, khi mà hệ thống pháp luật Việt Nam được xây dựng và hoàn thiện một cách cơ bản, thì việc thi hành pháp luật lại còn nhiều khiếm khuyết, làm giảm hiệu lực thực tế của các văn bản pháp luật và hiện trở thành mối quan tâm sâu sắc của xã hội. Tình trạng vi phạm pháp luật, tình trạng né tránh pháp luật, lợi dụng pháp luật đang diễn ra khá phổ biến cả trong xã hội lẫn trong các cơ quan nhà nước, thậm chí trong cả các cơ quan bảo vệ pháp luật. Việc thực hiện pháp luật không nghiêm đã khiến lòng tin của nhân dân đối với tính thượng tôn của pháp luật, đối với hệ thống cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan quản lý hành chính và cơ quan tư pháp suy giảm nghiêm trọng. Luật ban hành nhiều song không được triển khai thi hành hoặc thi hành không đầy đủ, không nghiêm chỉnh đang là thực tiễn đáng lo ngại hiện nay. Điều này cũng phản ánh sự cắt khúc giữa xây dựng, hoàn thiện pháp luật với thi hành pháp luật.
1. Tổ chức thi hành pháp luật
Trong thi hành pháp luật, cơ quan hành chính nhà nước với vị trí là một chủ thể quyền lực nhà nước, có trách nhiệm thi hành các quy định pháp luật thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp, luật quy định. Đồng thời, bằng chính hoạt động thi hành các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan hành chính nhà nước tạo ra các tiền đề, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành pháp luật của chính mình và các chủ thể khác, nói cách khác là tổ chức thi hành pháp luật trong phạm vi thẩm quyền của mình. Theo đó, cơ quan hành chính nhà nước có quyền hạn và trách nhiệm (1) ban hành văn bản hướng dẫn, tạo cơ chế để đưa Hiến pháp, pháp luật vào cuộc sống và (2) tổ chức thi hành các văn bản pháp luật của cơ quan cấp trên và của mình ban hànhChính vì vậy, tổ chứcthi hành pháp luậtlà nhiệm vụ đặc trưng, có tính độc lập tương đối của cơ quan hành chính nhà nước đã được hiến định[9] Hiến pháp năm 2013 có 05 điều khoản quy định về nhiệm vụ tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật thì cả năm điều khoản đó đều gắn với các chủ thể là cơ quan hành chính nhà nước, cụ thể: Chính phủ (Điều 96), Thủ tướng Chính phủ (Điều 98), Bộ trưởng (Điều 99), Chính quyền địa phương (Điều 112) và Uỷ ban nhân dân (Điều 114)[10].Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các cơ quan nhà nước khác (cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp, cơ quan kiểm toán nhà nước,,…) không tổ chức thi hành pháp luật mà việc tổ chức thi hành pháp luật của các cơ quan này gắn liền với và được tiến hành ngay trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn hiến định (ví dụ Quốc hội tổ chức thi hành pháp luật trong hoạt động lập pháp để hoạt động này theo đúng pháp luật; Toà án nhân dân tổ chức thi hành pháp luật ngay trong hoạt động xét xử để hoạt động này được thực hiện một cách độc lập và chỉ tuân theo pháp luật)[11]. Tổ chức thi hành pháp luật không phải là một nhiệm vụ độc lập của các cơ quan khác ngoài hệ thống cơ quan hành chính nhà nước[12]
Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, các Luật Tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Chính quyền địa phương, các đạo luật chuyên ngành, Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ đã cụ thể hóa các nội dung của các hoạt động tổ chức thi hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước. Cụ thể,
- Nhiệm vụ của Chính phủ:
Điều 6 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật:
“1. Ban hành kịp thời và đầy đủ các văn bản pháp luật để thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước và để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và của chính quyền địa phương; kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái Hiến pháp và pháp luật.
2. Quyết định các biện pháp để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; chỉ đạo triển khai và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, nghị định, chương trình công tác của Chính phủ.
3. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và các nguồn lực khác để thi hành Hiến pháp và pháp luật; thống nhất quản lý công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bồi thường nhà nước, thi hành án.
4. Tổng hợp đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp, pháp luật và báo cáo với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước theo quy định của pháp luật.”
- Nhiệm vụ của Bộ, cơ quan ngang Bộ: Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ).
- Nhiệm vụ của Chính quyền địa phương:Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật, Điều 21 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh, Điều 28 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND huyện, Điều 35 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND xã.
Tóm lại, Chính phủ vừa là cơ quan đề xuất xây dựng chính sách, soạn thảo luật vừa là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành luật sau khi được thông qua. Uỷ ban nhân dân tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Từ các quy định pháp luật nói trên, một cách khái quát nhất, nội dung tổ chức thi hành pháp luật gồm 06 nhóm hoạt động cơ bản sau:
(1) Ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các văn bản của cấp trên hoặc để cụ thể hóa, chi tiết hóa hoặc cho phù hợp với đặc điểm cụ thể của ngành, địa phương mà cơ quan hành chính nhà nước thực hiện công việc quản lý;
(2) Xây dựng, ban hành hoặc thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch, quy hoạch triển khai văn bản pháp luật của cấp trên hoặc do mình đã ban hành;
(3) Quyết định các biện pháp để tổ chức thi hành pháp luật;
(4)Tổ chức bộ máy, nhân sự, trang thiết bị, ngân sách và các điều kiện bảo đảm khác để tổ chức thi hành pháp luật;
(5)Tổ chức hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật;
(6)Tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trong quá trình thi hành pháp luật.
Ngoài ra, ở cấp độ cụ thể hơn, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 xác định 08 nhóm nội dung tổ chức thi hành một văn bản quy phạm pháp luật là:Ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật;Xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật;Phổ biến, tập huấn văn bản quy phạm pháp luật;Bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực để triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật;Thi hành và tổ chức thi hành các chính sách, giải pháp trong văn bản quy phạm pháp luật, cung cấp các dịch vụ hành chính công thuộc nhiệm vụ quyền hạn;Theo dõi, đánh giá việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức cá nhân;Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trong quá trình thi hành pháp luật;Sơ kết, tổng kết việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị xử lý vướng mắc trong việc tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.2. Case study – Nghiên cứu thực tiễn tổ chức thi hành pháp luật qua tình huống tổ chức thi hành Luật An toàn thực phẩm năm 2010 (sửa đổi bổ sung năm 2018)
2.1. Hoạt động ban hành văn bản hướng dẫn thi hành
Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm năm 2010,trong số các nội dung giao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, (khoảng 30 nội dung liên quan đến an toàn thực phẩm) thì có 10 nội dung giao cho Chính phủ, 19 nội dung giao các Bộ ban hành thông tư, thông tư liên tịch, 01 nội dung giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chuẩn về an toàn thực phẩm tại địa phương.
Trong giai đoạn 2011-2016, đã có 123 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do các cơ quan trung ương ban hành[13], trong đó 6 văn bản của Quốc hội, 23 văn bản của Chính phủ, 20 thông tư của Bộ Y tế, 45 thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 12 thông tư của Bộ Công Thương[14]. Đáng chú ý Luật an toàn thực phẩm đã phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP cho ba Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương theo nguyên tắc quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm với từng nhóm thực phẩm, ngành hàng cụ thể; Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, và Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực ATTP là những văn bản QPPL được các tổ chức quốc tế đánh giá là cách tiếp cận hiện đại.Đánh giá một cách khái quát về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, có thể thấy việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết đã được các Bộ, ngành tích cực triển khai thực hiện. Chất lượng văn bản quy định chi tiết được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, tiệm cận với phương pháp quản lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm của thế giới trong đó có tính đến đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại một số hạn chế cơ bản sau:
Thứ nhấttình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn hiện đang được xem là một trong những vấn đề nổi cộmTiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa đáp ứng được yêu cầu phải có hiệu lực cùng thời điểm với văn bản được quy định chi tiết như theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.Trong số gần 20 văn bản quy định chi tiết đã ban hành, không có văn bản có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật, đa số có hiệu lực sau thời điểm Luật có hiệu lực từ 01 năm trở lên[15]
Thứ haiLuật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực thi hành được nhiều năm nhưng vẫn còn một số văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được ban hành[16]. Chẳng hạn, Khoản 2 Điều 66 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định: “Chính phủ quy định việc phối hợp giữa các lực lượng thanh tra an toàn thực phẩm của các bộ, cơ quan ngang bộ với một số lực lượng khác trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm”. Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ vẫn chưa ban hành Nghị định quy định chi tiết nội dung trên. Trong bối cảnh pháp luật hiện hành chưa quy định thanh tra chuyên ngành ở xã, phường trong khi lực lượng thanh tra ở tỉnh, trung ương rất mỏng, ngày 09/09/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg về việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn đầu, thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh lựa chọn tại mỗi thành phố 5 đơn vị hành chính cấp quận; 10 đơn vị hành chính cấp phường thuộc các đơn vị hành chính cấp quận được lựa chọn để triển khai thí điểm. Từ ngày 10-7-2019 đến ngày 10-7-2020, thành phố Hà Nội mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.
Thứ ba, chính quyền địa phương hầu như không thực hiện nhiệm vụ ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương, quy định cụ thể điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ đối với thực phẩm đặc thù trên địa bàn cấp tỉnhLuật An toàn thực phẩm năm 2010 và Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 có 01 nội dung giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chuẩn về an toàn thực phẩm tại địa phương, tuy nhiên, việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với sản phẩm đặc thù vùng miền còn rất hạn chế, mới chỉ có 02 quy chuẩn về rượu bưởi Tân Triều (Đồng Nai) và rượu Xuân Thạnh (Trà Vinh) được ban hành trong giai đoạn này.
Theo kết quả khảo sát về thực trạng thi hành pháp luật an toàn thực phẩm của Viện Khoa học pháp lý tiến hành năm 2014-2015, khi đánh giá về pháp luật an toàn thực phẩm, nhiều cán bộ cơ sở trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã có nhận định pháp luật an toàn thực phẩm chưa đầy đủ. Cụ thể, có 58,1% cán bộ nông nghiệp phát triển nông thôn, 43,1% cán bộ công thương, 39,7% cán bộ y tế và 37,2% cán bộ chung (cán bộ UBND và cán bộ tư pháp) nhận định pháp luật an toàn thực phẩm chưa đầy đủ[17]
Thứ tưmột số văn bản quy định chi tiết được ban hành, nhưng phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần, gây khó khăn cho việc phổ biến, tập huấn, áp dụng và tuân thủ của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân. Ví dụ, Thông tư số 14/2011/TT-NNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản được sửa đổi bởi Thông tư số 53/2011/TT-BNNPTNT ngày 02/8/2011, Thông tư số 35/2012/TT-BNNPTNT ngày 27/7/2012, Thông tư số 01/2013/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2013, được thay thế bởi Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và hiện nay tiếp tục được thay thế bởi Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (05 lần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản thay thế).
Thứ nămmột số văn bản quy định chi tiết chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, và tính khả thi. Chẳng hạn:
- Quy định về phân công quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; quản lý sản phẩm hỗn hợp thuộc lĩnh vực quản lý của 3 ngành Y tế, NN&PTNT và Công thương trong các văn bản dưới luật thì theo thống kê sơ bộ còn có 37 văn bản có mặt mâu thuẫn, không phù hợp với điều kiện thực tế, cần sửa đổi, bổ sung[18]Quy định về quản lý ATTP đối với các chợ, siêu thị, quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, sản xuất thủ công như: miến, bún, phở khô, rượu chưa cụ thể, thiếu các văn bản hướng dẫn cần thiết.
- Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, mức xử phạt quy định trong Nghị định này theo đánh giá của đối tượng chịu sự tác động (doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ là cao, do đó thiếu tính khả thi trên thực tế vì nhiều đối tượng vi phạm sẽ bỏ lại tang vật vi phạm hoặc chuyển địa bàn hoạt động.
2.2.Về công tácxây dựng, ban hành hoặc thực hiện các chương trình, kế hoạch, quy hoạch triển khai văn bản pháp luật.
Có lẽ do lĩnh vực an toàn thực phẩm là lĩnh vực nóng nên các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương đều xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Thậm chí, ở tầm cỡ quốc gia, chúng ta còn có Chiến lược Quốc gia ATTP giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030. Đối với các lĩnh vực pháp luật khác, mỗi khi có 01 đạo luật mới ra đời thì các cơ quan quản lý nhà nước thường sẽ chỉ ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật ngay sau khi luật được thông qua và việc ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật này cũng chỉ làm 01 lần. Riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm, các địa phương ban hành Kế hoạch an toàn thực phẩm hàng năm, thậm chí trong 01 năm có thể có 2, 3 Kế hoạch như: Kế hoạch an toàn thực phẩm năm, kế hoạch tháng hành động vì ATTP, ….. Chẳng hạn, tại Hà Nội, thực hiện chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thông tri 06-TTr/TU ngày 18/01/2012 của Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề An toàn thực phẩm trong tình hình mới, thực hiện kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 29/3/2012 của UBND Thành phố Hà Nội về “Triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia ATTP giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030”; Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 30/12/2015 về công tác An toàn thực phẩm năm 2016. Những năm trước đó, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành nhiều Kế hoạch về công tác ATTP.
2.3. Về tổ chức bộ máy, nhân sự, trang thiết bị, ngân sách và các điều kiện đảm bảo khác để tổ chức thi hành pháp luật.
Luật ATTP năm 2010 đã chuyển hoạt động quản lý về ATTP sang cơ chế quản lý theo nhóm sản phẩm. Đây được xem là một chính sách quan trọng của Luật ATTP, theo đó, việc phân công trách nhiệm quản lý quản lý nhà nước về ATTP được xác định theo hướng quản lý theo nhóm sản phẩm thay vì quản lý theo phân khúc sản xuất, kinh doanh thực phẩm với hi vọng khắc phục sự chồng chéo trong quản lý nhà nước về ATTP của các Bộ, ngành đồng thời xác định rõ hơn trách nhiệm mỗi Bộ, ngành trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ATTP. Một phần của nội dung chính sách này là tư tưởng giảm số Bộ tham gia quản lý nhà nước về ATTP từ 8 Bộ (theo Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003) xuống chỉ còn 3 Bộ là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương.
Những bất cập nảy sinh trong thực tiễn thi hành pháp luật về ATTP liên quan đến việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, có thể được minh họa qua ví dụ sau:
Câu chuyện quản lý từ trang trại đến mâm cơm được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, Quốc hội đã có nhiều cuộc giám sát, thậm chí ra Nghị quyết của vấn đề này nhưng tình hình vẫn chưa có chuyển biến mạnh mẽ. Việc phân định trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP giữa các bộ có liên quan là vấn đề rất quan trọng. Trước khi Luật An toàn thực phẩm năm 2010 có hiệu lực, việc quản lý an toàn thực phẩm được phân chia theo từng công đoạn: Bộ Nông nghiệp quản lý khâu sản xuất, Bộ Công thương khâu lưu thông, Bộ Y tế khâu chế biến, tuy nhiên Luật An toàn thực phẩm năm 2010 ra đời đã chuyển đổi quản lý nhà nước về ATTP theo chuỗi sản phẩm và nhóm ngành nghề, thông suốt từ khâu trồng trọt, chế biến, lưu thông, kinh doanh.
Luật An toàn thực phẩm năm 2010 với việc giao cho 03 Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Y Tế và Công Thương đã hình thành hệ thống tổ chức quản lý an toàn thực phẩm từ trung ương tới tỉnh, huyện và xã/phường/thị trấn. Hệ thống tổ chức quản lý an toàn thực phẩm này giúp cho việc thực thi quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo chuỗi, và giúp kiểm soát an toàn thực phẩm tại nơi phát sinh ra mối nguy hại.
Việc quy định phân công quản lý nhà nước giao cho 03 Bộ (Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương) và có sự phân công cụ thể trách nhiệm quản lý ATTP của các bộ đối với từng nhóm sản phẩm như tại Điều 62, 63, 64 Luật ATTP 2010 và được hướng dẫn cụ thể trong Thông tư số 13/2014/TTLT/BYT-BNN-BCT. Thông tư này quy định nguyên tắc quan trọng trong việc phân công quản lý, đó là một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý Nhà nướcTuy nhiên, các quy định này còn chưa phù hợp trong quản lý các sản phẩm “giao thoa” giữa các bộ hoặc giữa các bộ và địa phương[19], một số nội dung còn chồng chéo, thiếu rõ ràng; một số lĩnh vực quản lý còn thiếu hướng dẫn cụ thể.
Về lý thuyết, đây là tư duy quản lý tiến bộ, xuất phát từ lợi ích của đối tượng chịu sự quản lý thay vì lợi ích của chủ thể quản lý. Việc đưa ra nguyên tắc này được kỳ vọng sẽ giúp khắc phục tình trạng chồng chéo trong quản lý ATTP. Ngoài ra, việc đưa danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từng Bộ đã tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện, tuân thủ các quy định về pháp luật ATTP do từng Bộ quản lý.
Tuy nhiên, trên thực tế việc phân công trách nhiệmquản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm vẫn còn một số điểm bất hợp lý. Chẳng hạn, một số ngành hàng đang có sự đan xen và không phân định rõ Bộ nào chịu trách nhiệm quản lý về ngành hàng đó, ví dụ, việc quản lý chất lượng bún đang được cả 03 Bộ chịu trách nhiệm như: nguyên liệu là bột gạo ướt để làm bún thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sản phẩm tinh bột thuộc về Bộ Công Thương. Như vậy, cùng một sản phẩm hai Bộ (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương) kiểm tra đã là chồng chéo nhưng còn bất cập ở chỗ sản phẩm Bún trên thị trường có chứa chất Tinopal gây ngộ độc cho người tiêu dùng (Tinopal - một loại hóa chất tẩy trắng dùng trong công nghiệp nhưng lại được dùng để tẩy trắng bún) lại liên quan tới Bộ Y tế. Hàng loạt các sản phẩm khác cũng gặp tình trạng tương tự như ô mai, mứt là sản phẩm từ hoa quả sẽ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hay là bánh, mứt, kẹo do Bộ Công thương quản lý, ...
Ngoài ra, Bộ Y tế chỉ quản lý thực phẩm khi đã đến tay người tiêu dùng. Khi kiểm tra nếu trong trường hợp không bảo đảm chất lượng vệ sinh thì Bộ Y tế chỉ thu được mẫu thực phẩm. Còn toàn bộ thực phẩm nhiễm bẩn đã bán ngoài chợ thì không thể tịch thu được do không thuộc quản lý của Bộ Y tế.
Sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý ATTP đang là một thực tế tồn tại từ lâu nhưng việc giải quyết vẫn chưa dứt điểm, đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, cùng một chủ thể kinh doanh 03 nhãn hàng thuộc về trách nhiệm quản lý về ATTP của cả ba ngành Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế thì một năm sẽ phải lần lượt chịu sự thanh kiểm tra của cả 3 cơ quan trên. Trong việc cấp giấy phép ATTP, đối với các siêu thị, nguyên tắc là ngành Công Thương quản lý (theo quy định của Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT phân cấp cho Bộ Công thương chịu trách nhiệm cấp giấy phép ATTP cho siêu thị), nhưng vì kinh doanh nhiều mặt hàng thực phẩm, nên việc xin giấy phép phải qua đủ cả 03 cơ quan: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương. Hoặc một vướng mắc khác phát sinh trong khâu cấp giấy phép ATTP cho siêu thị là trong trường hợp có cửa hàng ăn uống trong siêu thị thì sẽ do ai cấp: Bộ Công thương hay chính quyền địa phương hay cả 02 cơ quan nói trên vì chính quyền địa phương được phân công chịu trách nhiệm đối với các cửa hàng ăn uống.
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm muốn xin phép quảng cáo thì phải xin được 02 con dấu xác nhận, một của ngành y tế xác nhận nội dung quảng cáo và một con dấu của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận mẫu mã, hình thức quảng cáo, thậm chí phải xin cấp phép cả từ phía ngành Công Thương xác nhận sản phẩm được phép lưu thông trên thị trường. Chỉ với một nội dung nhưng doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, công sức để thực hiện, ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ bán hàng và hiệu quả kinh doanh.
Mặc dù quy định nhiều giấy phép “con” để quản lý ATTP nhưng trên thực tế việc quản lý nhà nước về ATTP “vẫn lỏng”. Trái ngược với thực tế một mặt hàng phải chịu nhiều cơ quan nhà nước cùng quản lý lại có thực tế có mặt hàng chưa được cơ quan quản lý nhà nước nào phụ trách. Chẳng hạn, trong thời gian qua có thông tin thương lái Trung Quốc thu mua đỉa gây dư luận không tốt trong xã hội, tuy nhiên, vấn đề này nên quy định trách nhiệm quản lý cho bộ nào thì vẫn chưa thực sự rõ ràng. Không ít ý kiến của các nhà quản lý trao đổi tại các cuộc tọa đàm trong khuôn khổ các đợt điều tra khảo sát do Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp tiến hành năm 2013-2014 cho rằng “càng nhiều bộ, nhiều ngành quản lý ATTP thì càng rối rắm”.
Ngoài ra, còn một bất cập nữa trong việc phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đó là đang có nhiều đầu mối chịu trách nhiệm (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có 04 đơn vị đầu mối, Bộ Y tế có 01 đơn vị đầu mối và Bộ Công thương có 02 đơn vị đầu mối, trong số này có rất nhiều cơ quan có hệ thống ngành dọc đến cấp xã, phường, biên chế rất cồng kềnh, thêm vào đó là các cơ quan Thanh tra của các Bộ này), tuy nhiên, mỗi khi có sự cố liên quan đến an toàn thực phẩm xảy ra thì không cơ quan quản lý nhà nước nào chịu trách nhiệm (hành chính và vật chất).
2.4. Về tổ chức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật
Phổ biến, giáo dục pháp luật ATTP là một trong những hoạt động được các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện. Hoạt động này được thực hiện bằng các hình thức đa dạng như tập huấn, tuyên truyền qua hội nghị, hội thảo, sử dụng các tài liệu như sách, tờ rơi, tập gấp, tuyên truyền trực tiếp và cả phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung tuyên truyền, phổ biến là văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm như: Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm,... và kiến thức về ATTP. Việc tuyên truyền, phổ biến tập trung chủ yếu vào đội ngũ cán bộ quản lý ở địa phương, người sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, người sản xuất kinh doanh, chế biến và tiêu dùng thực phẩm với một số nội dung cơ bản như: Quy trình sản xuất thực phẩm an toàn; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; bảo quản, sử dụng thực phẩm; nhận biết, phân biệt giữa sản phẩm an toàn và sản phẩm có biểu hiện, nguy cơ nhiễm độc. Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn còn một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm thường tập trung cao điểm vào tháng vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán; hoặc triển khai tích cực trước và trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm trong các thời điểm khác chưa được chú trọng đầy đủ.
Thứ hai, công tác phổ biến pháp luật ATTP thường chỉ chú trọng thực hiện khi có Luật mới ban hành, do đó nhiều văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) không được phổ biến đến cấp cơ sở. Cá biệt, đoàn khảo sát của Viện Khoa học pháp lý tại tỉnh Lâm Đồng khi trao đổi, tọa đàm với cán bộ cơ sở đã nhận thấy có cán bộ không biết đến Nghị định số 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, mặc dù Nghị định này đã ban hành ngày 14/11/2013, nghĩa là cách thời điểm khảo sát (tháng 7/2014) gần 1 năm.
Thứ ba, hiệu quả hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật ATTP vẫn còn chưa thực sự cao như đánh giá của chính đội ngũ cán bộ đang công tác trong các ngành có liên quan tới công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Điều này được thể hiện qua nhận thức của người dân, doanh nghiệp về pháp luật liên quan đến việc bảo đảm an toàn thực phẩm chưa triệt để, chưa đầy đủ.
Thứ tư, công tác truyền thông về ATTP thường chỉ chú trọng, nhấn mạnh vào thực phẩm không an toàn. Trong tuyên truyền còn nặng về các nội dung tiêu cực, chưa có nhiều thông tin về thực phẩm an toàn dẫn đến tâm lý lo lắng, hoang mang trong nhân dân, thậm chí làm ảnh hưởng đến xuất khẩu và chưa kết nối được thực phẩm an toàn với người tiêu dùng; chưa có nhiều hỗ trợ cho người tiêu dùng phân biệt đâu là thực phẩm an toàn, không an toàn; chưa tạo được động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
2.5. Về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm
Trong thời gian qua, hoạt động kiểm tra, thanh tra ATTP đã được tăng cường, đã phát huy hiệu quả tích cực, kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về ATTP. Chẳng hạn, từ năm 2011-2016: Cả nước đã thành lập được 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các ngành chức năng: Y tế, NN&PTNT, Công thương, Công an, KH&CN, Giáo dục và đào tạo..., tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm, chiếm 20,3%.[20]
Mặc dù vậy, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP vẫn còn một số điểm hạn chế cụ thể như sau:
- Thứ nhất, tình hình vi phạm trong lĩnh vực về an toàn thực phẩm vẫn còn cao và việc xử lý vi phạm chưa đạt được kết quả như mong muốn (nhất là tình trạng vi phạm các quy định về sử dụng chất phụ gia độc hại trong chế biến, bảo quản thực phẩm, việc cung ứng thực phẩm đường phố, việc sử dụng các hóa chất độc hại trong sản xuất, bảo quản nông sản, thực phẩm v.v.).
- Thứ hai, một số quy định pháp luật về ATTP không khả thi đã hạn chế vai trò của cơ quan nhà nước trong quá trình thi hành pháp luật ATTP, đặc biệt trong hoạt động thanh kiểm tra và xử lý vi phạmChẳng hạn,quy định người đi lấy mẫu kiểm tra phải có chứng chỉ chuyên môn của Bộ Y tế cấp, trong khi tình hình thực tế hiện nay số lượng cán bộ có chứng chỉ này không nhiều, chủ yếu là cán bộ ngành y tế. Do đó, khi tác nghiệp liên quan tới thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP, cán bộ quản lý thị trường, công an sẽ không thể đáp ứng quy định này.
- Thứ ba, thiếu nhân lực có chuyên môn và thiếu các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động thanh kiểm tra, xử lý vi phạm ATTPCông tác thanh, kiểm tra chuyên ngành ATTP ở nhiều địa bàn chưa thực sự bài bản do thiếu nguồn lực; việc xử phạt hành chính chưa triệt để, bởi chưa kết hợp đồng thời các biện pháp phạt bổ sung. Đặc biệt, bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác ATTP tại một số địa phương vừa yếu, vừa thiếu đồng bộ (thực trạng này sẽ được đề cập sâu hơn trong phần dưới đây). Thực tế hệ thống kiểm nghiệm mỏng, thời gian kiểm tra giám định kéo dài gây khó khăn cho cơ quan quản lý ATTP. Ví dụ, bộ test (kiểm tra) nhanh rau, quả chỉ cho kết quả bước đầu, để xác định có bị xử lý vi phạm hay không thì phải đợi sau 2, 3 ngày mới có kết quả kiểm nghiệm và khi đó thì hàng hóa nếu là sản phẩm nông sản thì sẽ gây khó khăn cho cơ quan quản lý do thiếu kho chứa.Về xử lý hình sự Theo thống kê của Bộ Công an trong thời gian từ 2011-2016, Cơ quan điều tra các cấp trong công an nhân dân chỉ khởi tố 01 vụ, 03 bị cáo về tội danh vi phạm các quy định về ATTP, đã khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến ATTP theo các tội danh khác, trong đó: tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156 BLHS); tội sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh (Điều 157 BLHS): 74 vụ, 117 bị can; tội buôn lậu (Điều 153 BLHS): 9 vụ, 12 bị can (hàng hóa buôn lậu là thực phẩm); tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 154 BLHS): 7 vụ. Tòa án nhân dân các cấp từ ngày 01/10/2010 đến 30/9/2016 đã thụ lý 321 vụ án liên quan đến ATTP, đã giải quyết, xét xử 313 vụ, cụ thể là thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 258 vụ/467 bị cáo, trong đó tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” với 256 vụ/467 bị cáo; tội vi phạm quy định về ATTP 02 vụ/02 bị cáo.[21]
3. Một số nhận xét rút ra từ nghiên cứu tình huống thi hành luật ATTP Một là, tổ chức thi hành pháp luật chịu sự tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan như: (1) Chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành; (2) Yếu tố chính trị; (3) Yếu tố kinh tế (4) Yếu tố văn hóa, tôn giáo, đạo đức; (5) Cơ chế phối hợp và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; và (6) Các điều kiện đảm bảo để tổ chức THPL.Hai là, pháp luật chưa hoàn thiện và việc tuân thủ pháp luật không nghiêmlà 02 yếu tố cơ bản dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong tổ chức thi hành pháp luậtLuật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, các văn bản pháp quy do cơ quan hành chính nhà nước ban hành là yếu tố đầu vào của toàn bộ quá trình tổ chức thi hành pháp luật. Do đó, chất lượng của hệ thống pháp luật còn hạn chế, gây nhiều khó khăn cho việc thi hành pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.Ba làvẫn còn tồn tại tình trạng cắt khúc giữa xây dựng và thi hành pháp luật. Thể hiện cụ thể qua:
Độ trễ trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, không bảo đảm kịp thời tiền đề về pháp luật cho việc tổ chức thi hành luật. Dẫn đến, pháp luật chậm đi vào cuộc sống, luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, chờ văn bản của chính quyền địa phương …
Các tác động kinh tế - xã hội và các nguồn lực bảo đảm thi hành pháp luật không được dự báo đầy đủ, khách quan, không được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng trong quá trình xây dựng pháp luật.Điều này dẫn đến luật khi được ban hành không đảm bảo tính khả thi, và đây cũng là nguy cơ ẩn chứa sự “cắt khúc” giữa xây dựng và thi hành pháp luật.Bốn là,công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, cơ chế phối hợp quản lý của Chính phủ, các Bộ ngành, UBND các cấp chưa được thường xuyên và hiệu quả không cao.Từ phương diện tổng quan nhất chúng ta có thể nhận thấy: Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước hiện nay theo các nhóm công việc sẽ có tác động đến rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, của nhiều cơ quan nhà nước khác nhau trong hệ thống chính trị. Đây là sự tác động qua lại mang tính phổ biến khách quan, qua đó hình thành nên cơ chế phối hợp giữa các chủ thể với nhau dựa trên nguyên tắc phân cấp, phân quyền, ủy quyền đã được pháp luật quy định. Trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách của mình, cơ quan nhà nướclà chủ thể chịu trách nhiệm chính (chủ thể chủ động) làm đầu mối tổ chức, điều phối công việc, còn các chủ thể khác sẽ là chủ thể bị động, cùng nhau chia sẻ, gánh vác thực hiện công việc chung của nhà nước, của nhân dân.
Tổ chức thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước có phạm vi rất rộng và phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Để công tác này đạt được hiệu quả cao thì điều kiện tiên quyết là phải xây dựng được cơ chế phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước với nhau, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh...) nhằm đưa pháp luật vào đời sống.
Việc phối hợp phải bảo đảm hiệu quả ngay từ khâu soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; ban hành văn bản hướng dẫn triển khai và cả trong quy trình tổ chức thi hành pháp luật giữa các cơ quan, tổ chức, cùng với đó là các điều kiện để bảo đảm cho cơ chế phối hợp được vận hành đồng bộ, kịp thời.
Cơ chế phối hợp tác động đến hiệu quả tổ chức thi hành pháp luậtcủa các cơ quan nhà nướctheo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Tác động tích cực của cơ chế phối hợp đến hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước thể hiện ở các khía cạnh sau: (i) Phát huy được các nguồn lực để tập trung và xử lý có hiệu quả những vấn đề khó khăn, phức tạp trong tổ chức thi hành pháp luật mà đối với một người, một cơ quan, tổ chức không thể giải quyết được; (ii) Tạo sự gắn kết, liên thông giữa các cơ quan nhà nước trong thực thi công vụ...
Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế phối hợp trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luậtcủa cơ quan nhà nướcđã bộc lộ sự hạn chế, yếu kém, lỏng lẻo, hiệu quả thấp theo kiểu "mạnh ai nấy làm". Trong nhiều trường hợp, việc phối hợp còn tạo thêm nhiều tầng nấc trung gian, mất nhiều thời gian, tạo ra sự đùn đẩy trách nhiệm, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc. Với cách thức đánh giá hoạt động như hiện nay, chưa có sự gắn kết trong đánh giá công chức với công vụ, công vụ với trách nhiệm. Hiệu quả của nền công vụ được đánh giá bởi những tiêu chí chung chung như “thành tựu”, hay “thực hiện đầy đủ” hoặc “về cơ bản đạt mục tiêu đã đề ra”,... trách nhiệm của các cá nhân/đơn vị đối với công việc cũng được xác định một cách không rõ ràng, dù là thành công hay thất bại thì đó cũng là “thành quả của tập thể” hay “trách nhiệm của tập thể”.Năm là,nguồn lực, điều kiện làm việc, trang thiết bị cho công tác thi hành pháp luật còn hạn chếNăng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức thi hành pháp luật (chất lượng nguồn nhân lực) là một trong các yếu tố quyết định đến hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước. Nguồn nhân lực cùng với các yếu tố như nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đó là các yếu tố điều kiện bảo đảm cùng tác động đến hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước.
Để đảm bảo hiệu quả tổ chức thi hành pháp luậtthì phải bảo đảm các điều kiện cần thiết về nguồn nhân lực, nguồn tài chính và trang thiết bị cần thiết để việc thực thi pháp luật được đầy đủ, chất lượng, hiệu quả cao trong thực tiễn.Một văn bản pháp luật dù được xây dựng có tính khả thi cao đến mấy, chất lượng quy phạm cao đến bao nhiêu chăng nữa nhưng nếu khi thi hành mà không có đội ngũ thực thi có chuyên môn, có tính chuyên nghiệp và trách nhiệm cao, thiếu kinh phí để tổ chức thực thi, thiếu các trang thiết bị kỹ thuật theo yêu cầu của văn bản để thực hiện các quy định pháp luật thì hiệu quả của việc thực thi pháp luật không thể bảo đảm, thậm chí còn gây ra hậu quả, xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Ví dụ: các quy định về xử phạt “nguội” người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định pháp luật giao thông đường bộ hoặc ví dụ trường hợp các doanh nghiệp xả thải ra không khí, môi trường nước các chất thải vượt quá nồng độ quy định cho phép... Trong những trường hợp như vậy, để bảo đảm thực thi hiệu quả các quy định này thì cần phải có trang thiết bị theo dõi, kiểm nghiệm, giám định phục vụ việc xác định vi phạm hành chính (camera theo dõi giao thông, máy đo độ ô nhiễm môi trường nước, không khí...)... mẫu thu thập để nhận định, kết luận các trường hợp vụ việc cụ thể, cần đội ngũ công chức thực thi công vụ có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản, có tay nghề, có tính chuyên nghiệp... tất cả đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu của công tác tổ chức thi hành pháp luật về các điều kiện cần thiết cho tổ chức thi hành pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy nhà nước còn những điểm chưa thực sự hợp lý (cơ cấu tổ chức bộ máy còn cồng kềnh), hiệu lực, hiệu quả còn hạn chế, chưa khắc phục được sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ giữa các thiết chế, làm ảnh hưởng tới sự thống nhất quyền lực nhà nước và hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Các điều kiện bảo đảm về tổ chức, bộ máy, biên chế và kinh phí để cơ chế tổ chức thi hành pháp luật vận hành hoạt động chưa được kiện toàn và bố trí tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong và ngoài bộ máy nhà nước để việc tổ chức thi hành pháp luật được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả.
Sáu làviệc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đephòng ngừa, tình hình vi phạm pháp luật trong một số lĩnh vực có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và độ phức tạp.
Vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến trên các lĩnh vực và địa bàn, nhất là vi phạm về trật tự an toàn giao thông, vi phạm của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, vi phạm về phòng chống cháy nổ, vi phạm trên các lĩnh vực ngân hàng, hải quan, thuế, chứng khoán, tài nguyên môi trường, an toàn thực phẩm.Tuy nhiên, việc xử lý lại không đạt được kết quả như kỳ vọng.
Bảy làhoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thường xuyên, thiếu chủ độngkết quả còn hạn chế
Tám làtính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức nhà nước trong thi hành pháp luật còn yếu, trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ ràng, làm giảm hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Hiện nay, kết quả và những phát hiện, kiến nghị đề xuất từ theo dõi, đánh giá thi hành pháp luật chưa được sử dụng kịp thời và hiệu quả trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật và điều hành, quản lý bằng pháp luật của cơ quan nhà nước. Người đứng đầu cơ quan nhà nước chưa thực sự phải chịu trách nhiệm (chính trị, hành chính, pháp luật) về hiệu quả thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình.
Chín làcác đánh giá về hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật từ trước đến nay chủ yếu là đánh giá định tính, thiếu đánh giá định lượng. Nguyên nhân là do chưa có một Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật ở cấp độ kết quả trung gian (mức độ tuân thủ pháp luật) và cấp độ mục tiêu cuối cùng (mức độ đạt được mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Đồng thời, cũng chưa có các tiêu chí, phương pháp nhận diện và đo lường mức độ ảnh hưởng của các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hoá, tôn giáo, đạo đức, ý thức pháp luật của các chủ thể thi hành pháp luật, đặc biệt là của công chức nhà nước đến hiệu quả thi hành pháp luật.
Mười làđánh giá của quốc tế về hiệu quả thi hành pháp luật còn chưa tích cực[22]. Năm 2018, theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế (xếp thứ hạng 69/190 về môi trường kinh doanh, thứ hạng 77/140 về năng lực cạnh tranh). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam hiện chưa được xếp vào nhóm 04 nước dẫn đầu (Việt nam đứng thứ 05 về môi trường kinh doanh, thứ 07 về năng lực cạnh tranh). Bên cạnh một số chỉ số có mức cải thiện thứ hạng nhanh, vẫn còn nhiều chỉ số cải thiện thứ hạng còn chậm. Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã xếp thứ hạng chỉ số B1 – Chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam tương đối thấp, đứng thứ 96/140 nước, là nước có điểm số và thứ hạng về chỉ số B1 thấp nhất trong khu vực ASEAN. Năm 2019, chỉ số B1 của Việt Nam đã có sự cải thiện tăng 17 thứ bậc xếp hạng, tuy nhiên, vẫn còn ở nhóm thấp cả trên thế giới và trong khu vực. Cụ thể, theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 (The global Competitiveness Report 2019) được phát hành ngày 08/10/2019 của WEF[23], chỉ số B1 của Việt Nam năm 2019 đạt 3.4/7, tương ứng với số điểm 39.8/100, xếp thứ 79/141 quốc gia và vùng lãnh thổ (sau đây gọi là quốc gia) và đứng vị trí thứ 7 trong các nước ASEAN.
4. Một số đề xuất ban đầu về hoàn thiện pháp luật vềtổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam
Quan điểm
Các hạn chế trong tổ chức thi hành pháp luật (được phát hiện ở phần 2 và 3) có thể giải quyết được thông qua (1) sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành; và (2) các giải pháp về thực thi pháp luật; không nhất thiết phải xây dựng Luật riêng về tổ chức thi hành pháp luật.
Đề xuất
(1) Đổi mới và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật phù hợp với tinh thần và nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, cụ thể hoá phạm vi nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước; cụ thể hoá cơ chế giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động lãnh đạo và trách nhiệm giải trình của các tổ chức đảng và cán bộ - đảng viên về các quyết định của mình.
Trong giai đoạn tới, khi Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 và Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị hết hiệu lực thi hành vào năm 2020 thì đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, ban hành “Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật” (trong đó bao gồm các nội dung về xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và cải cách tư pháp), bảo đảm tính đồng bộ giữa cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đồng thời, cụ thể hoá nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp phù hợp với đặc điểm tổ chức và hoạt động của từng cơ quan, lãnh đạo việc thực thi đúng đắn, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lực nhà nước phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, cơ chế giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức trong hệ thống chính trị.
(2) Hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước và người đứng đầu cơ quan nhà nước gắn với kết quả thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và thi hành, tổ chức thi hành pháp luật. Các quy định hiện hành về trách nhiệm giải trình mới chủ yếu là các quy định mang tính nguyên tắc như:Quy định về trách nhiệm thông tin, báo cáo công khai và chịu sự giám sát của các cơ quan và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trước các cơ quan quyền lực nhà nước, trước cơ quan hành chính nhà nước cấp trên và trước nhân dân. Còn thiếu vắng các quy định về nội dung giải trình và đặc biệt là thiếu các quy định rõ ràng về trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý cùng các chế tài nghiêm minh mà cơ quan, cá nhân phải gánh chịu do các vi phạm, thiếu trách nhiệm trong việc thi hành, tổ chức thi hành pháp luật và thực thi trách nhiệm giải trình.[24]
(3) Xây dựng, ban hành và áp dụng thống nhất Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật vào hệ thống đánh giá chất lượng hoạt động tổ chức thi hành pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước. Bộ tiêu chí này phải được ứng dụng trong điều kiện gắn kết quả đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước với (i) đánh giá tín nhiệm người đứng đầu các cơ quan này; và (ii) các quyết định về phân bổ biên chế, ngân sách cho các cơ quan này.
(4) Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Phải lấy kết quả thực hiện công tác này là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo năm công tác và theo nhiệm kỳ. Kết quả (số lượng, chất lượng) ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật thuộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ là một tiêu chí để đánh giá tín nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành.
(5) Ngoài ra, còncó một số đề xuất khác như
- Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và VBQPPL theo thẩm quyền để tổ chức thi hành pháp luật.
- Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
- Đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm minh cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, chấp hành các bản án, quyết định của Toà án nhân dân.
- Đổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp của cả hệ thống chính trị trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật - một yếu tố nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
- Đảm bảo các nguồn lực cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đầu tư thoả đáng, hợp lý các nguồn lực cho hoạt động xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.TS. Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp[1] Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài NCKH cấp nhà nước “Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Hà Hùng Cường, HN 2019. [2] Số liệu được rà soát, thống kê từ 01/01/2011 – 15/4/2019, nguồn: Bộ Tư pháp.[3] Bộ luật dân sự năm 2015.[4] Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.[5] Lần đầu tiên, Quốc hội ban hành Luật Trưng cầu ý dân (năm 2015), Luật Tiếp cận thông tin (năm 2016).[6] Bộ luật dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 v.v.[7] Luật Doanh nghiệp năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016), Luật Đầu tư năm 2014…[8] Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014; Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển DNNN và công ty TNHH một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần (thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015)); Nghị định số 94/2017/NĐ-CP ngày 10/8/2017 về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại…[9] Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài NCKH cấp nhà nước “Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Hà Hùng Cường, HN 2019. [10]Hiến pháp năm 2013,
Điều 98: Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ tổ chức thi hành pháp luật
Điều 99: Bộ trưởng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
Điều 100: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng… ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật.
Điều 112: Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương.
Điều 114: Ủy ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương.[11] Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát việc tuân theo, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật; Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân độc lập, chỉ tuân theo pháp luật; Viện kiểm sát nhân dân đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh...[12] Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài NCKH cấp nhà nước “Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Hà Hùng Cường, HN 2019. [13] Báo cáo số 21/BC-CP ngày 18/5/2017 của Chính phủ tình hình thực thi chính sách pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.[14] Chưa có số liệu ban hành văn bản QPPL của địa phương[15] Ví dụ: Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; Thông tư số 08/2013/TT-BYT ngày 13/03/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế; Thông tư số 40/2012/TT-BCT ngày 21/12/2012 của Bộ Công Thương quy định cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương,... [16] Thông tin cập nhật đến tháng 7 năm 2017[17] Dự án điều tra cơ bản “Thực trạng thi hành pháp luật an toàn thực phẩm và vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc đảm bảo thi hành”, chủ nhiệm dự án: TS. Nguyễn Văn Cương.[18]Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016” của Quốc Hội, Hà Nội 5/2017.[19] Một số quy định còn chưa rõ ràng như quy định đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm khác nhau mà thuộc thẩm quyền quản lý của 2 bộ trở nên, trong đó có kinh doanh dịch vụ ăn uống thì khó xác định trách nhiệm quản lý (vì quản lý dịch vụ ăn uống được phân công cho UBND các cấp theo quy định tại khoản 2 Điểu 65).[20]Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016” của Quốc Hội, Hà Nội 5/2017.[21]Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016” của Quốc Hội, Hà Nội 5/2017.[22] Chỉ số pháp quyền của Việt Nam năm 2019 theo đánh giá so sánh của Dự án công lý thế giới (World Justice Project) cụ thể như sau: Việt Nam đạt 0,49 điểm (tương đương với mức điểm của Trung Quốc) (đứng thứ 81, trong khi Trung Quốc đứng thứ 82), thấp hơn so với Malaysia (0,55 điểm, đứng thứ 51), Indonesia (0,52 điểm, đứng thứ 62), Thái Lan (điểm 0,5 và đứng thứ 76), cao hơn mức của Philippines (0,47 điểm, đứng thứ 90), Myanmar (0,42 điểm, đứng thứ 100), Cambodia (0,32 điểm, đứng thứ 125). Điều đáng nói là, trong 8 bộ tiêu chí kể trên thì bộ tiêu chí đạt điểm khá thấp là “vắng bóng tham nhũng” (0,40 điểm). Một số chỉ số thành phần đạt khá thấp là: (1) không tham nhũng trong hoạt động tư pháp dân sự (0,34 điểm); (2) sự can thiệp không hợp lý từ quan chức chính quyền trong hoạt động tư pháp dân sự (0,32 điểm); (3) sự kiểm soát của tư pháp đối với hành pháp (0,37 điểm) và sự kiểm soát của khu vực tổ chức xã hội với hoạt động hành pháp (0,40 điểm); (4) quyền lập hội (0,37 điểm); (5) quyền tiếp cận thông tin (0,34 điểm); (6) ảnh hưởng không hợp lý từ bên ngoài vào quá trình thực thi các quy định của chính quyền (0,39 điểm); (7) thu hồi quyền tài sản mà thiếu sự bồi thường đầy đủ (0,38 điểm).[23]World Economic Forum (2019), “The Global Competitiveness Report 2019”, retrieved from http://www3.weforum.org/docs/WEF_TheGlobalCompetitivenessReport2019.pdf, truy cập ngày 19/11/2019[24] Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài NCKH cấp nhà nước “Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Hà Hùng Cường, HN 2019.
Một số định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật ở VN hiện nay
21/11/2019
Thi hành pháp luật nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống là giai đoạn tiếp nối của xây dựng pháp luật, là chức năng đặc trưng, xuyên suốt của các cơ quan hành chính nhà nước và là yếu tố quyết định vận hành thông suốt hệ thống pháp luật hướng tới quản trị quốc gia tốt trong Nhà nước pháp quyền XHCN.
Có thể nói thi hành pháp luật - đưa pháp luật vào đời sống - là giai đoạn tiếp nối của xây dựng pháp luật - đưa đời sống vào pháp luật, tạo thành vòng đời liên tục của hệ thống pháp luật quốc gia.[1]
Trong hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới, hệ thống pháp luật Việt Nam được xây dựng và hoàn thiện một cách cơ bản. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, một số lĩnh vực của hệ thống pháp luật Việt Nam đã tiệm cận với pháp luật của nhiều nước và pháp luật quốc tế. Đặc biệt, giai đoạn 2011-2020 là thời kỳ Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị) tiếp tục được triển khai với mục tiêu: “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Trong giai đoạn này, hệ thống pháp luật đã không ngừng được xây dựng và hoàn thiện cả về nội dung, hình thức, số lượng và chất lượng: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 141 luật, 12 pháp lệnh; 32 nghị quyết, Chính phủ ban hành 1070 nghị định[2]. Các văn bản này về cơ bản đã thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong đó, đáng chú ý là, thể chế về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được bổ sung, hoàn thiện một bước quan trọng; thể chế về bảo vệ, bảo đảm quyền con người được quan tâm hoàn thiện (các đạo luật về quyền dân sự,[3] chính trị[4], quyền tự do, dân chủ của công dân đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân[5]; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện với nhiều đặc điểm của thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế (chế độ sở hữu[6], pháp luật về các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế[7] và thể chế cho việc đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước[8] đều có bước phát triển mới). Có thể nói, đến nay, đa số các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều đã được điều chỉnh bởi các đạo luật. Số lượng đạo luật điều chỉnh lĩnh vực quyền con người, quyền công dân đã cân xứng hơn so với các đạo luật về tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền XHCN cũng như các đạo luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, kinh tế. Trên cơ sở đó, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần sớm đưa các quy định trong các đạo luật vào thực tiễn đời sống.
Tuy nhiên, khi mà hệ thống pháp luật Việt Nam được xây dựng và hoàn thiện một cách cơ bản, thì việc thi hành pháp luật lại còn nhiều khiếm khuyết, làm giảm hiệu lực thực tế của các văn bản pháp luật và hiện trở thành mối quan tâm sâu sắc của xã hội. Tình trạng vi phạm pháp luật, tình trạng né tránh pháp luật, lợi dụng pháp luật đang diễn ra khá phổ biến cả trong xã hội lẫn trong các cơ quan nhà nước, thậm chí trong cả các cơ quan bảo vệ pháp luật. Việc thực hiện pháp luật không nghiêm đã khiến lòng tin của nhân dân đối với tính thượng tôn của pháp luật, đối với hệ thống cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan quản lý hành chính và cơ quan tư pháp suy giảm nghiêm trọng. Luật ban hành nhiều song không được triển khai thi hành hoặc thi hành không đầy đủ, không nghiêm chỉnh đang là thực tiễn đáng lo ngại hiện nay. Điều này cũng phản ánh sự cắt khúc giữa xây dựng, hoàn thiện pháp luật với thi hành pháp luật.
1. Tổ chức thi hành pháp luật
Trong thi hành pháp luật, cơ quan hành chính nhà nước với vị trí là một chủ thể quyền lực nhà nước, có trách nhiệm thi hành các quy định pháp luật thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp, luật quy định. Đồng thời, bằng chính hoạt động thi hành các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan hành chính nhà nước tạo ra các tiền đề, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành pháp luật của chính mình và các chủ thể khác, nói cách khác là tổ chức thi hành pháp luật trong phạm vi thẩm quyền của mình. Theo đó, cơ quan hành chính nhà nước có quyền hạn và trách nhiệm (1) ban hành văn bản hướng dẫn, tạo cơ chế để đưa Hiến pháp, pháp luật vào cuộc sống và (2) tổ chức thi hành các văn bản pháp luật của cơ quan cấp trên và của mình ban hành. Chính vì vậy, tổ chứcthi hành pháp luậtlà nhiệm vụ đặc trưng, có tính độc lập tương đối của cơ quan hành chính nhà nước đã được hiến định[9]. Hiến pháp năm 2013 có 05 điều khoản quy định về nhiệm vụ tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật thì cả năm điều khoản đó đều gắn với các chủ thể là cơ quan hành chính nhà nước, cụ thể: Chính phủ (Điều 96), Thủ tướng Chính phủ (Điều 98), Bộ trưởng (Điều 99), Chính quyền địa phương (Điều 112) và Uỷ ban nhân dân (Điều 114)[10].Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các cơ quan nhà nước khác (cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp, cơ quan kiểm toán nhà nước,,…) không tổ chức thi hành pháp luật mà việc tổ chức thi hành pháp luật của các cơ quan này gắn liền với và được tiến hành ngay trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn hiến định (ví dụ Quốc hội tổ chức thi hành pháp luật trong hoạt động lập pháp để hoạt động này theo đúng pháp luật; Toà án nhân dân tổ chức thi hành pháp luật ngay trong hoạt động xét xử để hoạt động này được thực hiện một cách độc lập và chỉ tuân theo pháp luật)[11]. Tổ chức thi hành pháp luật không phải là một nhiệm vụ độc lập của các cơ quan khác ngoài hệ thống cơ quan hành chính nhà nước[12].
Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, các Luật Tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Chính quyền địa phương, các đạo luật chuyên ngành, Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ đã cụ thể hóa các nội dung của các hoạt động tổ chức thi hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước. Cụ thể,
- Nhiệm vụ của Chính phủ:
Điều 6 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật:
“1. Ban hành kịp thời và đầy đủ các văn bản pháp luật để thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước và để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và của chính quyền địa phương; kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái Hiến pháp và pháp luật.
2. Quyết định các biện pháp để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; chỉ đạo triển khai và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, nghị định, chương trình công tác của Chính phủ.
3. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và các nguồn lực khác để thi hành Hiến pháp và pháp luật; thống nhất quản lý công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bồi thường nhà nước, thi hành án.
4. Tổng hợp đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp, pháp luật và báo cáo với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước theo quy định của pháp luật.”
- Nhiệm vụ của Bộ, cơ quan ngang Bộ: Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ).
- Nhiệm vụ của Chính quyền địa phương:Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật, Điều 21 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh, Điều 28 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND huyện, Điều 35 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND xã.
Tóm lại, Chính phủ vừa là cơ quan đề xuất xây dựng chính sách, soạn thảo luật vừa là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành luật sau khi được thông qua. Uỷ ban nhân dân tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Từ các quy định pháp luật nói trên, một cách khái quát nhất, nội dung tổ chức thi hành pháp luật gồm 06 nhóm hoạt động cơ bản sau:
(1) Ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các văn bản của cấp trên hoặc để cụ thể hóa, chi tiết hóa hoặc cho phù hợp với đặc điểm cụ thể của ngành, địa phương mà cơ quan hành chính nhà nước thực hiện công việc quản lý;
(2) Xây dựng, ban hành hoặc thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch, quy hoạch triển khai văn bản pháp luật của cấp trên hoặc do mình đã ban hành;
(3) Quyết định các biện pháp để tổ chức thi hành pháp luật;
(4)Tổ chức bộ máy, nhân sự, trang thiết bị, ngân sách và các điều kiện bảo đảm khác để tổ chức thi hành pháp luật;
(5)Tổ chức hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật;
(6)Tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trong quá trình thi hành pháp luật.
Ngoài ra, ở cấp độ cụ thể hơn, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 xác định 08 nhóm nội dung tổ chức thi hành một văn bản quy phạm pháp luật là:
- Ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật;
- Xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật;
- Phổ biến, tập huấn văn bản quy phạm pháp luật;
- Bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực để triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật;
- Thi hành và tổ chức thi hành các chính sách, giải pháp trong văn bản quy phạm pháp luật, cung cấp các dịch vụ hành chính công thuộc nhiệm vụ quyền hạn;
- Theo dõi, đánh giá việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức cá nhân;
- Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trong quá trình thi hành pháp luật;
- Sơ kết, tổng kết việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị xử lý vướng mắc trong việc tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
2. Case study – Nghiên cứu thực tiễn tổ chức thi hành pháp luật qua tình huống tổ chức thi hành Luật An toàn thực phẩm năm 2010 (sửa đổi bổ sung năm 2018)
2.1. Hoạt động ban hành văn bản hướng dẫn thi hành
Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm năm 2010,trong số các nội dung giao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, (khoảng 30 nội dung liên quan đến an toàn thực phẩm) thì có 10 nội dung giao cho Chính phủ, 19 nội dung giao các Bộ ban hành thông tư, thông tư liên tịch, 01 nội dung giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chuẩn về an toàn thực phẩm tại địa phương.
Trong giai đoạn 2011-2016, đã có 123 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do các cơ quan trung ương ban hành[13], trong đó 6 văn bản của Quốc hội, 23 văn bản của Chính phủ, 20 thông tư của Bộ Y tế, 45 thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 12 thông tư của Bộ Công Thương[14]. Đáng chú ý Luật an toàn thực phẩm đã phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP cho ba Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương theo nguyên tắc quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm với từng nhóm thực phẩm, ngành hàng cụ thể; Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, và Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực ATTP là những văn bản QPPL được các tổ chức quốc tế đánh giá là cách tiếp cận hiện đại.Đánh giá một cách khái quát về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, có thể thấy việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết đã được các Bộ, ngành tích cực triển khai thực hiện. Chất lượng văn bản quy định chi tiết được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, tiệm cận với phương pháp quản lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm của thế giới trong đó có tính đến đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại một số hạn chế cơ bản sau:
Thứ nhất, tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn hiện đang được xem là một trong những vấn đề nổi cộm. Tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa đáp ứng được yêu cầu phải có hiệu lực cùng thời điểm với văn bản được quy định chi tiết như theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.Trong số gần 20 văn bản quy định chi tiết đã ban hành, không có văn bản có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật, đa số có hiệu lực sau thời điểm Luật có hiệu lực từ 01 năm trở lên[15].
Thứ hai, Luật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực thi hành được nhiều năm nhưng vẫn còn một số văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được ban hành[16]. Chẳng hạn, Khoản 2 Điều 66 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định: “Chính phủ quy định việc phối hợp giữa các lực lượng thanh tra an toàn thực phẩm của các bộ, cơ quan ngang bộ với một số lực lượng khác trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm”. Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ vẫn chưa ban hành Nghị định quy định chi tiết nội dung trên. Trong bối cảnh pháp luật hiện hành chưa quy định thanh tra chuyên ngành ở xã, phường trong khi lực lượng thanh tra ở tỉnh, trung ương rất mỏng, ngày 09/09/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg về việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn đầu, thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh lựa chọn tại mỗi thành phố 5 đơn vị hành chính cấp quận; 10 đơn vị hành chính cấp phường thuộc các đơn vị hành chính cấp quận được lựa chọn để triển khai thí điểm. Từ ngày 10-7-2019 đến ngày 10-7-2020, thành phố Hà Nội mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.
Thứ ba, chính quyền địa phương hầu như không thực hiện nhiệm vụ ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương, quy định cụ thể điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ đối với thực phẩm đặc thù trên địa bàn cấp tỉnh. Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 có 01 nội dung giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chuẩn về an toàn thực phẩm tại địa phương, tuy nhiên, việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với sản phẩm đặc thù vùng miền còn rất hạn chế, mới chỉ có 02 quy chuẩn về rượu bưởi Tân Triều (Đồng Nai) và rượu Xuân Thạnh (Trà Vinh) được ban hành trong giai đoạn này.
Theo kết quả khảo sát về thực trạng thi hành pháp luật an toàn thực phẩm của Viện Khoa học pháp lý tiến hành năm 2014-2015, khi đánh giá về pháp luật an toàn thực phẩm, nhiều cán bộ cơ sở trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã có nhận định pháp luật an toàn thực phẩm chưa đầy đủ. Cụ thể, có 58,1% cán bộ nông nghiệp phát triển nông thôn, 43,1% cán bộ công thương, 39,7% cán bộ y tế và 37,2% cán bộ chung (cán bộ UBND và cán bộ tư pháp) nhận định pháp luật an toàn thực phẩm chưa đầy đủ[17].
Thứ tư, một số văn bản quy định chi tiết được ban hành, nhưng phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần, gây khó khăn cho việc phổ biến, tập huấn, áp dụng và tuân thủ của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân. Ví dụ, Thông tư số 14/2011/TT-NNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản được sửa đổi bởi Thông tư số 53/2011/TT-BNNPTNT ngày 02/8/2011, Thông tư số 35/2012/TT-BNNPTNT ngày 27/7/2012, Thông tư số 01/2013/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2013, được thay thế bởi Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và hiện nay tiếp tục được thay thế bởi Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (05 lần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản thay thế).
Thứ năm, một số văn bản quy định chi tiết chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, và tính khả thi. Chẳng hạn:
- Quy định về phân công quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; quản lý sản phẩm hỗn hợp thuộc lĩnh vực quản lý của 3 ngành Y tế, NN&PTNT và Công thương trong các văn bản dưới luật thì theo thống kê sơ bộ còn có 37 văn bản có mặt mâu thuẫn, không phù hợp với điều kiện thực tế, cần sửa đổi, bổ sung[18].Quy định về quản lý ATTP đối với các chợ, siêu thị, quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, sản xuất thủ công như: miến, bún, phở khô, rượu chưa cụ thể, thiếu các văn bản hướng dẫn cần thiết.
- Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, mức xử phạt quy định trong Nghị định này theo đánh giá của đối tượng chịu sự tác động (doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ là cao, do đó thiếu tính khả thi trên thực tế vì nhiều đối tượng vi phạm sẽ bỏ lại tang vật vi phạm hoặc chuyển địa bàn hoạt động.
2.2.Về công tácxây dựng, ban hành hoặc thực hiện các chương trình, kế hoạch, quy hoạch triển khai văn bản pháp luật.
Có lẽ do lĩnh vực an toàn thực phẩm là lĩnh vực nóng nên các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương đều xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Thậm chí, ở tầm cỡ quốc gia, chúng ta còn có Chiến lược Quốc gia ATTP giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030. Đối với các lĩnh vực pháp luật khác, mỗi khi có 01 đạo luật mới ra đời thì các cơ quan quản lý nhà nước thường sẽ chỉ ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật ngay sau khi luật được thông qua và việc ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật này cũng chỉ làm 01 lần. Riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm, các địa phương ban hành Kế hoạch an toàn thực phẩm hàng năm, thậm chí trong 01 năm có thể có 2, 3 Kế hoạch như: Kế hoạch an toàn thực phẩm năm, kế hoạch tháng hành động vì ATTP, ….. Chẳng hạn, tại Hà Nội, thực hiện chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thông tri 06-TTr/TU ngày 18/01/2012 của Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề An toàn thực phẩm trong tình hình mới, thực hiện kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 29/3/2012 của UBND Thành phố Hà Nội về “Triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia ATTP giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030”; Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 30/12/2015 về công tác An toàn thực phẩm năm 2016. Những năm trước đó, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành nhiều Kế hoạch về công tác ATTP.
2.3. Về tổ chức bộ máy, nhân sự, trang thiết bị, ngân sách và các điều kiện đảm bảo khác để tổ chức thi hành pháp luật.
Luật ATTP năm 2010 đã chuyển hoạt động quản lý về ATTP sang cơ chế quản lý theo nhóm sản phẩm. Đây được xem là một chính sách quan trọng của Luật ATTP, theo đó, việc phân công trách nhiệm quản lý quản lý nhà nước về ATTP được xác định theo hướng quản lý theo nhóm sản phẩm thay vì quản lý theo phân khúc sản xuất, kinh doanh thực phẩm với hi vọng khắc phục sự chồng chéo trong quản lý nhà nước về ATTP của các Bộ, ngành đồng thời xác định rõ hơn trách nhiệm mỗi Bộ, ngành trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ATTP. Một phần của nội dung chính sách này là tư tưởng giảm số Bộ tham gia quản lý nhà nước về ATTP từ 8 Bộ (theo Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003) xuống chỉ còn 3 Bộ là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương.
Những bất cập nảy sinh trong thực tiễn thi hành pháp luật về ATTP liên quan đến việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, có thể được minh họa qua ví dụ sau:
Câu chuyện quản lý từ trang trại đến mâm cơm được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, Quốc hội đã có nhiều cuộc giám sát, thậm chí ra Nghị quyết của vấn đề này nhưng tình hình vẫn chưa có chuyển biến mạnh mẽ. Việc phân định trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP giữa các bộ có liên quan là vấn đề rất quan trọng. Trước khi Luật An toàn thực phẩm năm 2010 có hiệu lực, việc quản lý an toàn thực phẩm được phân chia theo từng công đoạn: Bộ Nông nghiệp quản lý khâu sản xuất, Bộ Công thương khâu lưu thông, Bộ Y tế khâu chế biến, tuy nhiên Luật An toàn thực phẩm năm 2010 ra đời đã chuyển đổi quản lý nhà nước về ATTP theo chuỗi sản phẩm và nhóm ngành nghề, thông suốt từ khâu trồng trọt, chế biến, lưu thông, kinh doanh.
Luật An toàn thực phẩm năm 2010 với việc giao cho 03 Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Y Tế và Công Thương đã hình thành hệ thống tổ chức quản lý an toàn thực phẩm từ trung ương tới tỉnh, huyện và xã/phường/thị trấn. Hệ thống tổ chức quản lý an toàn thực phẩm này giúp cho việc thực thi quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo chuỗi, và giúp kiểm soát an toàn thực phẩm tại nơi phát sinh ra mối nguy hại.
Việc quy định phân công quản lý nhà nước giao cho 03 Bộ (Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương) và có sự phân công cụ thể trách nhiệm quản lý ATTP của các bộ đối với từng nhóm sản phẩm như tại Điều 62, 63, 64 Luật ATTP 2010 và được hướng dẫn cụ thể trong Thông tư số 13/2014/TTLT/BYT-BNN-BCT. Thông tư này quy định nguyên tắc quan trọng trong việc phân công quản lý, đó là một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý Nhà nước.Tuy nhiên, các quy định này còn chưa phù hợp trong quản lý các sản phẩm “giao thoa” giữa các bộ hoặc giữa các bộ và địa phương[19], một số nội dung còn chồng chéo, thiếu rõ ràng; một số lĩnh vực quản lý còn thiếu hướng dẫn cụ thể.
Về lý thuyết, đây là tư duy quản lý tiến bộ, xuất phát từ lợi ích của đối tượng chịu sự quản lý thay vì lợi ích của chủ thể quản lý. Việc đưa ra nguyên tắc này được kỳ vọng sẽ giúp khắc phục tình trạng chồng chéo trong quản lý ATTP. Ngoài ra, việc đưa danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từng Bộ đã tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện, tuân thủ các quy định về pháp luật ATTP do từng Bộ quản lý.
Tuy nhiên, trên thực tế việc phân công trách nhiệmquản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm vẫn còn một số điểm bất hợp lý. Chẳng hạn, một số ngành hàng đang có sự đan xen và không phân định rõ Bộ nào chịu trách nhiệm quản lý về ngành hàng đó, ví dụ, việc quản lý chất lượng bún đang được cả 03 Bộ chịu trách nhiệm như: nguyên liệu là bột gạo ướt để làm bún thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sản phẩm tinh bột thuộc về Bộ Công Thương. Như vậy, cùng một sản phẩm hai Bộ (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương) kiểm tra đã là chồng chéo nhưng còn bất cập ở chỗ sản phẩm Bún trên thị trường có chứa chất Tinopal gây ngộ độc cho người tiêu dùng (Tinopal - một loại hóa chất tẩy trắng dùng trong công nghiệp nhưng lại được dùng để tẩy trắng bún) lại liên quan tới Bộ Y tế. Hàng loạt các sản phẩm khác cũng gặp tình trạng tương tự như ô mai, mứt là sản phẩm từ hoa quả sẽ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hay là bánh, mứt, kẹo do Bộ Công thương quản lý, ...
Ngoài ra, Bộ Y tế chỉ quản lý thực phẩm khi đã đến tay người tiêu dùng. Khi kiểm tra nếu trong trường hợp không bảo đảm chất lượng vệ sinh thì Bộ Y tế chỉ thu được mẫu thực phẩm. Còn toàn bộ thực phẩm nhiễm bẩn đã bán ngoài chợ thì không thể tịch thu được do không thuộc quản lý của Bộ Y tế.
Sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý ATTP đang là một thực tế tồn tại từ lâu nhưng việc giải quyết vẫn chưa dứt điểm, đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, cùng một chủ thể kinh doanh 03 nhãn hàng thuộc về trách nhiệm quản lý về ATTP của cả ba ngành Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế thì một năm sẽ phải lần lượt chịu sự thanh kiểm tra của cả 3 cơ quan trên. Trong việc cấp giấy phép ATTP, đối với các siêu thị, nguyên tắc là ngành Công Thương quản lý (theo quy định của Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT phân cấp cho Bộ Công thương chịu trách nhiệm cấp giấy phép ATTP cho siêu thị), nhưng vì kinh doanh nhiều mặt hàng thực phẩm, nên việc xin giấy phép phải qua đủ cả 03 cơ quan: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương. Hoặc một vướng mắc khác phát sinh trong khâu cấp giấy phép ATTP cho siêu thị là trong trường hợp có cửa hàng ăn uống trong siêu thị thì sẽ do ai cấp: Bộ Công thương hay chính quyền địa phương hay cả 02 cơ quan nói trên vì chính quyền địa phương được phân công chịu trách nhiệm đối với các cửa hàng ăn uống.
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm muốn xin phép quảng cáo thì phải xin được 02 con dấu xác nhận, một của ngành y tế xác nhận nội dung quảng cáo và một con dấu của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận mẫu mã, hình thức quảng cáo, thậm chí phải xin cấp phép cả từ phía ngành Công Thương xác nhận sản phẩm được phép lưu thông trên thị trường. Chỉ với một nội dung nhưng doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, công sức để thực hiện, ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ bán hàng và hiệu quả kinh doanh.
Mặc dù quy định nhiều giấy phép “con” để quản lý ATTP nhưng trên thực tế việc quản lý nhà nước về ATTP “vẫn lỏng”. Trái ngược với thực tế một mặt hàng phải chịu nhiều cơ quan nhà nước cùng quản lý lại có thực tế có mặt hàng chưa được cơ quan quản lý nhà nước nào phụ trách. Chẳng hạn, trong thời gian qua có thông tin thương lái Trung Quốc thu mua đỉa gây dư luận không tốt trong xã hội, tuy nhiên, vấn đề này nên quy định trách nhiệm quản lý cho bộ nào thì vẫn chưa thực sự rõ ràng. Không ít ý kiến của các nhà quản lý trao đổi tại các cuộc tọa đàm trong khuôn khổ các đợt điều tra khảo sát do Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp tiến hành năm 2013-2014 cho rằng “càng nhiều bộ, nhiều ngành quản lý ATTP thì càng rối rắm”.
Ngoài ra, còn một bất cập nữa trong việc phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đó là đang có nhiều đầu mối chịu trách nhiệm (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có 04 đơn vị đầu mối, Bộ Y tế có 01 đơn vị đầu mối và Bộ Công thương có 02 đơn vị đầu mối, trong số này có rất nhiều cơ quan có hệ thống ngành dọc đến cấp xã, phường, biên chế rất cồng kềnh, thêm vào đó là các cơ quan Thanh tra của các Bộ này), tuy nhiên, mỗi khi có sự cố liên quan đến an toàn thực phẩm xảy ra thì không cơ quan quản lý nhà nước nào chịu trách nhiệm (hành chính và vật chất).
2.4. Về tổ chức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật
Phổ biến, giáo dục pháp luật ATTP là một trong những hoạt động được các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện. Hoạt động này được thực hiện bằng các hình thức đa dạng như tập huấn, tuyên truyền qua hội nghị, hội thảo, sử dụng các tài liệu như sách, tờ rơi, tập gấp, tuyên truyền trực tiếp và cả phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung tuyên truyền, phổ biến là văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm như: Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm,... và kiến thức về ATTP. Việc tuyên truyền, phổ biến tập trung chủ yếu vào đội ngũ cán bộ quản lý ở địa phương, người sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, người sản xuất kinh doanh, chế biến và tiêu dùng thực phẩm với một số nội dung cơ bản như: Quy trình sản xuất thực phẩm an toàn; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; bảo quản, sử dụng thực phẩm; nhận biết, phân biệt giữa sản phẩm an toàn và sản phẩm có biểu hiện, nguy cơ nhiễm độc. Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn còn một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm thường tập trung cao điểm vào tháng vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán; hoặc triển khai tích cực trước và trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm trong các thời điểm khác chưa được chú trọng đầy đủ.
Thứ hai, công tác phổ biến pháp luật ATTP thường chỉ chú trọng thực hiện khi có Luật mới ban hành, do đó nhiều văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) không được phổ biến đến cấp cơ sở. Cá biệt, đoàn khảo sát của Viện Khoa học pháp lý tại tỉnh Lâm Đồng khi trao đổi, tọa đàm với cán bộ cơ sở đã nhận thấy có cán bộ không biết đến Nghị định số 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, mặc dù Nghị định này đã ban hành ngày 14/11/2013, nghĩa là cách thời điểm khảo sát (tháng 7/2014) gần 1 năm.
Thứ ba, hiệu quả hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật ATTP vẫn còn chưa thực sự cao như đánh giá của chính đội ngũ cán bộ đang công tác trong các ngành có liên quan tới công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Điều này được thể hiện qua nhận thức của người dân, doanh nghiệp về pháp luật liên quan đến việc bảo đảm an toàn thực phẩm chưa triệt để, chưa đầy đủ.
Thứ tư, công tác truyền thông về ATTP thường chỉ chú trọng, nhấn mạnh vào thực phẩm không an toàn. Trong tuyên truyền còn nặng về các nội dung tiêu cực, chưa có nhiều thông tin về thực phẩm an toàn dẫn đến tâm lý lo lắng, hoang mang trong nhân dân, thậm chí làm ảnh hưởng đến xuất khẩu và chưa kết nối được thực phẩm an toàn với người tiêu dùng; chưa có nhiều hỗ trợ cho người tiêu dùng phân biệt đâu là thực phẩm an toàn, không an toàn; chưa tạo được động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
2.5. Về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm
Trong thời gian qua, hoạt động kiểm tra, thanh tra ATTP đã được tăng cường, đã phát huy hiệu quả tích cực, kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về ATTP. Chẳng hạn, từ năm 2011-2016: Cả nước đã thành lập được 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các ngành chức năng: Y tế, NN&PTNT, Công thương, Công an, KH&CN, Giáo dục và đào tạo..., tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm, chiếm 20,3%.[20]
Mặc dù vậy, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP vẫn còn một số điểm hạn chế cụ thể như sau:
- Thứ nhất, tình hình vi phạm trong lĩnh vực về an toàn thực phẩm vẫn còn cao và việc xử lý vi phạm chưa đạt được kết quả như mong muốn (nhất là tình trạng vi phạm các quy định về sử dụng chất phụ gia độc hại trong chế biến, bảo quản thực phẩm, việc cung ứng thực phẩm đường phố, việc sử dụng các hóa chất độc hại trong sản xuất, bảo quản nông sản, thực phẩm v.v.).
- Thứ hai, một số quy định pháp luật về ATTP không khả thi đã hạn chế vai trò của cơ quan nhà nước trong quá trình thi hành pháp luật ATTP, đặc biệt trong hoạt động thanh kiểm tra và xử lý vi phạm. Chẳng hạn,quy định người đi lấy mẫu kiểm tra phải có chứng chỉ chuyên môn của Bộ Y tế cấp, trong khi tình hình thực tế hiện nay số lượng cán bộ có chứng chỉ này không nhiều, chủ yếu là cán bộ ngành y tế. Do đó, khi tác nghiệp liên quan tới thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP, cán bộ quản lý thị trường, công an sẽ không thể đáp ứng quy định này.
- Thứ ba, thiếu nhân lực có chuyên môn và thiếu các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động thanh kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP.Công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành ATTP ở nhiều địa bàn chưa thực sự bài bản do thiếu nguồn lực; việc xử phạt hành chính chưa triệt để, bởi chưa kết hợp đồng thời các biện pháp phạt bổ sung. Đặc biệt, bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác ATTP tại một số địa phương vừa yếu, vừa thiếu đồng bộ (thực trạng này sẽ được đề cập sâu hơn trong phần dưới đây). Thực tế hệ thống kiểm nghiệm mỏng, thời gian kiểm tra giám định kéo dài gây khó khăn cho cơ quan quản lý ATTP. Ví dụ, bộ test (kiểm tra) nhanh rau, quả chỉ cho kết quả bước đầu, để xác định có bị xử lý vi phạm hay không thì phải đợi sau 2, 3 ngày mới có kết quả kiểm nghiệm và khi đó thì hàng hóa nếu là sản phẩm nông sản thì sẽ gây khó khăn cho cơ quan quản lý do thiếu kho chứa.
Về xử lý hình sự
Theo thống kê của Bộ Công an trong thời gian từ 2011-2016, Cơ quan điều tra các cấp trong công an nhân dân chỉ khởi tố 01 vụ, 03 bị cáo về tội danh vi phạm các quy định về ATTP, đã khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến ATTP theo các tội danh khác, trong đó: tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156 BLHS); tội sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh (Điều 157 BLHS): 74 vụ, 117 bị can; tội buôn lậu (Điều 153 BLHS): 9 vụ, 12 bị can (hàng hóa buôn lậu là thực phẩm); tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 154 BLHS): 7 vụ. Tòa án nhân dân các cấp từ ngày 01/10/2010 đến 30/9/2016 đã thụ lý 321 vụ án liên quan đến ATTP, đã giải quyết, xét xử 313 vụ, cụ thể là thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 258 vụ/467 bị cáo, trong đó tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” với 256 vụ/467 bị cáo; tội vi phạm quy định về ATTP 02 vụ/02 bị cáo.[21]
3. Một số nhận xét rút ra từ nghiên cứu tình huống thi hành luật ATTP
Một là, tổ chức thi hành pháp luật chịu sự tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan như: (1) Chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành; (2) Yếu tố chính trị; (3) Yếu tố kinh tế (4) Yếu tố văn hóa, tôn giáo, đạo đức; (5) Cơ chế phối hợp và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; và (6) Các điều kiện đảm bảo để tổ chức THPL.
Hai là, pháp luật chưa hoàn thiện và việc tuân thủ pháp luật không nghiêmlà 02 yếu tố cơ bản dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong tổ chức thi hành pháp luật.
Luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, các văn bản pháp quy do cơ quan hành chính nhà nước ban hành là yếu tố đầu vào của toàn bộ quá trình tổ chức thi hành pháp luật. Do đó, chất lượng của hệ thống pháp luật còn hạn chế, gây nhiều khó khăn cho việc thi hành pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Ba là, vẫn còn tồn tại tình trạng cắt khúc giữa xây dựng và thi hành pháp luật. Thể hiện cụ thể qua:
- Độ trễ trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, không bảo đảm kịp thời tiền đề về pháp luật cho việc tổ chức thi hành luật. Dẫn đến, pháp luật chậm đi vào cuộc sống, luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, chờ văn bản của chính quyền địa phương …
- Các tác động kinh tế - xã hội và các nguồn lực bảo đảm thi hành pháp luật không được dự báo đầy đủ, khách quan, không được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng trong quá trình xây dựng pháp luật.Điều này dẫn đến luật khi được ban hành không đảm bảo tính khả thi, và đây cũng là nguy cơ ẩn chứa sự “cắt khúc” giữa xây dựng và thi hành pháp luật.
Bốn là,công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, cơ chế phối hợp quản lý của Chính phủ, các Bộ ngành, UBND các cấp chưa được thường xuyên và hiệu quả không cao.
Từ phương diện tổng quan nhất chúng ta có thể nhận thấy: Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước hiện nay theo các nhóm công việc sẽ có tác động đến rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, của nhiều cơ quan nhà nước khác nhau trong hệ thống chính trị. Đây là sự tác động qua lại mang tính phổ biến khách quan, qua đó hình thành nên cơ chế phối hợp giữa các chủ thể với nhau dựa trên nguyên tắc phân cấp, phân quyền, ủy quyền đã được pháp luật quy định. Trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách của mình, cơ quan nhà nướclà chủ thể chịu trách nhiệm chính (chủ thể chủ động) làm đầu mối tổ chức, điều phối công việc, còn các chủ thể khác sẽ là chủ thể bị động, cùng nhau chia sẻ, gánh vác thực hiện công việc chung của nhà nước, của nhân dân.
Tổ chức thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước có phạm vi rất rộng và phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Để công tác này đạt được hiệu quả cao thì điều kiện tiên quyết là phải xây dựng được cơ chế phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước với nhau, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh...) nhằm đưa pháp luật vào đời sống.
Việc phối hợp phải bảo đảm hiệu quả ngay từ khâu soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; ban hành văn bản hướng dẫn triển khai và cả trong quy trình tổ chức thi hành pháp luật giữa các cơ quan, tổ chức, cùng với đó là các điều kiện để bảo đảm cho cơ chế phối hợp được vận hành đồng bộ, kịp thời.
Cơ chế phối hợp tác động đến hiệu quả tổ chức thi hành pháp luậtcủa các cơ quan nhà nướctheo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Tác động tích cực của cơ chế phối hợp đến hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước thể hiện ở các khía cạnh sau: (i) Phát huy được các nguồn lực để tập trung và xử lý có hiệu quả những vấn đề khó khăn, phức tạp trong tổ chức thi hành pháp luật mà đối với một người, một cơ quan, tổ chức không thể giải quyết được; (ii) Tạo sự gắn kết, liên thông giữa các cơ quan nhà nước trong thực thi công vụ...
Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế phối hợp trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luậtcủa cơ quan nhà nướcđã bộc lộ sự hạn chế, yếu kém, lỏng lẻo, hiệu quả thấp theo kiểu "mạnh ai nấy làm". Trong nhiều trường hợp, việc phối hợp còn tạo thêm nhiều tầng nấc trung gian, mất nhiều thời gian, tạo ra sự đùn đẩy trách nhiệm, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc. Với cách thức đánh giá hoạt động như hiện nay, chưa có sự gắn kết trong đánh giá công chức với công vụ, công vụ với trách nhiệm. Hiệu quả của nền công vụ được đánh giá bởi những tiêu chí chung chung như “thành tựu”, hay “thực hiện đầy đủ” hoặc “về cơ bản đạt mục tiêu đã đề ra”,... trách nhiệm của các cá nhân/đơn vị đối với công việc cũng được xác định một cách không rõ ràng, dù là thành công hay thất bại thì đó cũng là “thành quả của tập thể” hay “trách nhiệm của tập thể”.
Năm là,nguồn lực, điều kiện làm việc, trang thiết bị cho công tác thi hành pháp luật còn hạn chế.
Năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức thi hành pháp luật (chất lượng nguồn nhân lực) là một trong các yếu tố quyết định đến hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước. Nguồn nhân lực cùng với các yếu tố như nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đó là các yếu tố điều kiện bảo đảm cùng tác động đến hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước.
Để đảm bảo hiệu quả tổ chức thi hành pháp luậtthì phải bảo đảm các điều kiện cần thiết về nguồn nhân lực, nguồn tài chính và trang thiết bị cần thiết để việc thực thi pháp luật được đầy đủ, chất lượng, hiệu quả cao trong thực tiễn.Một văn bản pháp luật dù được xây dựng có tính khả thi cao đến mấy, chất lượng quy phạm cao đến bao nhiêu chăng nữa nhưng nếu khi thi hành mà không có đội ngũ thực thi có chuyên môn, có tính chuyên nghiệp và trách nhiệm cao, thiếu kinh phí để tổ chức thực thi, thiếu các trang thiết bị kỹ thuật theo yêu cầu của văn bản để thực hiện các quy định pháp luật thì hiệu quả của việc thực thi pháp luật không thể bảo đảm, thậm chí còn gây ra hậu quả, xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Ví dụ: các quy định về xử phạt “nguội” người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định pháp luật giao thông đường bộ hoặc ví dụ trường hợp các doanh nghiệp xả thải ra không khí, môi trường nước các chất thải vượt quá nồng độ quy định cho phép... Trong những trường hợp như vậy, để bảo đảm thực thi hiệu quả các quy định này thì cần phải có trang thiết bị theo dõi, kiểm nghiệm, giám định phục vụ việc xác định vi phạm hành chính (camera theo dõi giao thông, máy đo độ ô nhiễm môi trường nước, không khí...)... mẫu thu thập để nhận định, kết luận các trường hợp vụ việc cụ thể, cần đội ngũ công chức thực thi công vụ có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản, có tay nghề, có tính chuyên nghiệp... tất cả đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu của công tác tổ chức thi hành pháp luật về các điều kiện cần thiết cho tổ chức thi hành pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy nhà nước còn những điểm chưa thực sự hợp lý (cơ cấu tổ chức bộ máy còn cồng kềnh), hiệu lực, hiệu quả còn hạn chế, chưa khắc phục được sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ giữa các thiết chế, làm ảnh hưởng tới sự thống nhất quyền lực nhà nước và hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Các điều kiện bảo đảm về tổ chức, bộ máy, biên chế và kinh phí để cơ chế tổ chức thi hành pháp luật vận hành hoạt động chưa được kiện toàn và bố trí tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong và ngoài bộ máy nhà nước để việc tổ chức thi hành pháp luật được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả.
Sáu là,việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa, tình hình vi phạm pháp luật trong một số lĩnh vực có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và độ phức tạp.
Vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến trên các lĩnh vực và địa bàn, nhất là vi phạm về trật tự an toàn giao thông, vi phạm của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, vi phạm về phòng chống cháy nổ, vi phạm trên các lĩnh vực ngân hàng, hải quan, thuế, chứng khoán, tài nguyên môi trường, an toàn thực phẩm.Tuy nhiên, việc xử lý lại không đạt được kết quả như kỳ vọng.
Bảy là,hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thường xuyên, thiếu chủ động,kết quả còn hạn chế.
Tám là, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức nhà nước trong thi hành pháp luật còn yếu, trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ ràng, làm giảm hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Hiện nay, kết quả và những phát hiện, kiến nghị đề xuất từ theo dõi, đánh giá thi hành pháp luật chưa được sử dụng kịp thời và hiệu quả trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật và điều hành, quản lý bằng pháp luật của cơ quan nhà nước. Người đứng đầu cơ quan nhà nước chưa thực sự phải chịu trách nhiệm (chính trị, hành chính, pháp luật) về hiệu quả thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình.
Chín là, các đánh giá về hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật từ trước đến nay chủ yếu là đánh giá định tính, thiếu đánh giá định lượng. Nguyên nhân là do chưa có một Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật ở cấp độ kết quả trung gian (mức độ tuân thủ pháp luật) và cấp độ mục tiêu cuối cùng (mức độ đạt được mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Đồng thời, cũng chưa có các tiêu chí, phương pháp nhận diện và đo lường mức độ ảnh hưởng của các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hoá, tôn giáo, đạo đức, ý thức pháp luật của các chủ thể thi hành pháp luật, đặc biệt là của công chức nhà nước đến hiệu quả thi hành pháp luật.
Mười là, đánh giá của quốc tế về hiệu quả thi hành pháp luật còn chưa tích cực[22]. Năm 2018, theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế (xếp thứ hạng 69/190 về môi trường kinh doanh, thứ hạng 77/140 về năng lực cạnh tranh). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam hiện chưa được xếp vào nhóm 04 nước dẫn đầu (Việt nam đứng thứ 05 về môi trường kinh doanh, thứ 07 về năng lực cạnh tranh). Bên cạnh một số chỉ số có mức cải thiện thứ hạng nhanh, vẫn còn nhiều chỉ số cải thiện thứ hạng còn chậm. Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã xếp thứ hạng chỉ số B1 – Chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam tương đối thấp, đứng thứ 96/140 nước, là nước có điểm số và thứ hạng về chỉ số B1 thấp nhất trong khu vực ASEAN. Năm 2019, chỉ số B1 của Việt Nam đã có sự cải thiện tăng 17 thứ bậc xếp hạng, tuy nhiên, vẫn còn ở nhóm thấp cả trên thế giới và trong khu vực. Cụ thể, theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 (The global Competitiveness Report 2019) được phát hành ngày 08/10/2019 của WEF[23], chỉ số B1 của Việt Nam năm 2019 đạt 3.4/7, tương ứng với số điểm 39.8/100, xếp thứ 79/141 quốc gia và vùng lãnh thổ (sau đây gọi là quốc gia) và đứng vị trí thứ 7 trong các nước ASEAN.
4. Một số đề xuất ban đầu về hoàn thiện pháp luật vềtổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam
Quan điểm
Các hạn chế trong tổ chức thi hành pháp luật (được phát hiện ở phần 2 và 3) có thể giải quyết được thông qua (1) sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành; và (2) các giải pháp về thực thi pháp luật; không nhất thiết phải xây dựng Luật riêng về tổ chức thi hành pháp luật.
Đề xuất
(1) Đổi mới và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật phù hợp với tinh thần và nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, cụ thể hoá phạm vi nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước; cụ thể hoá cơ chế giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động lãnh đạo và trách nhiệm giải trình của các tổ chức đảng và cán bộ - đảng viên về các quyết định của mình.
Trong giai đoạn tới, khi Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 và Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị hết hiệu lực thi hành vào năm 2020 thì đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, ban hành “Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật” (trong đó bao gồm các nội dung về xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và cải cách tư pháp), bảo đảm tính đồng bộ giữa cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đồng thời, cụ thể hoá nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp phù hợp với đặc điểm tổ chức và hoạt động của từng cơ quan, lãnh đạo việc thực thi đúng đắn, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lực nhà nước phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, cơ chế giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức trong hệ thống chính trị.
(2) Hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước và người đứng đầu cơ quan nhà nước gắn với kết quả thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và thi hành, tổ chức thi hành pháp luật. Các quy định hiện hành về trách nhiệm giải trình mới chủ yếu là các quy định mang tính nguyên tắc như:Quy định về trách nhiệm thông tin, báo cáo công khai và chịu sự giám sát của các cơ quan và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trước các cơ quan quyền lực nhà nước, trước cơ quan hành chính nhà nước cấp trên và trước nhân dân. Còn thiếu vắng các quy định về nội dung giải trình và đặc biệt là thiếu các quy định rõ ràng về trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý cùng các chế tài nghiêm minh mà cơ quan, cá nhân phải gánh chịu do các vi phạm, thiếu trách nhiệm trong việc thi hành, tổ chức thi hành pháp luật và thực thi trách nhiệm giải trình.[24]
(3) Xây dựng, ban hành và áp dụng thống nhất Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật vào hệ thống đánh giá chất lượng hoạt động tổ chức thi hành pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước. Bộ tiêu chí này phải được ứng dụng trong điều kiện gắn kết quả đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước với (i) đánh giá tín nhiệm người đứng đầu các cơ quan này; và (ii) các quyết định về phân bổ biên chế, ngân sách cho các cơ quan này.
(4) Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Phải lấy kết quả thực hiện công tác này là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo năm công tác và theo nhiệm kỳ. Kết quả (số lượng, chất lượng) ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật thuộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ là một tiêu chí để đánh giá tín nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành.
(5) Ngoài ra, còncó một số đề xuất khác như:
- Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và VBQPPL theo thẩm quyền để tổ chức thi hành pháp luật.
- Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
- Đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm minh cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, chấp hành các bản án, quyết định của Toà án nhân dân.
- Đổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp của cả hệ thống chính trị trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật - một yếu tố nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
- Đảm bảo các nguồn lực cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đầu tư thoả đáng, hợp lý các nguồn lực cho hoạt động xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
TS. Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
[1] Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài NCKH cấp nhà nước “Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Hà Hùng Cường, HN 2019.
[2] Số liệu được rà soát, thống kê từ 01/01/2011 – 15/4/2019, nguồn: Bộ Tư pháp.
[3] Bộ luật dân sự năm 2015.
[4] Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.
[5] Lần đầu tiên, Quốc hội ban hành Luật Trưng cầu ý dân (năm 2015), Luật Tiếp cận thông tin (năm 2016).
[6] Bộ luật dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 v.v.
[7] Luật Doanh nghiệp năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016), Luật Đầu tư năm 2014…
[8] Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014; Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển DNNN và công ty TNHH một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần (thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015)); Nghị định số 94/2017/NĐ-CP ngày 10/8/2017 về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại…
[9] Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài NCKH cấp nhà nước “Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Hà Hùng Cường, HN 2019.
[10]Hiến pháp năm 2013,
Điều 98: Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ tổ chức thi hành pháp luật;
Điều 99: Bộ trưởng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
Điều 100: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng… ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật.
Điều 112: Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương.
Điều 114: Ủy ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương.
[11] Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát việc tuân theo, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật; Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân độc lập, chỉ tuân theo pháp luật; Viện kiểm sát nhân dân đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh...
[12] Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài NCKH cấp nhà nước “Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Hà Hùng Cường, HN 2019.
[13] Báo cáo số 21/BC-CP ngày 18/5/2017 của Chính phủ tình hình thực thi chính sách pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.
[14] Chưa có số liệu ban hành văn bản QPPL của địa phương
[15] Ví dụ: Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; Thông tư số 08/2013/TT-BYT ngày 13/03/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế; Thông tư số 40/2012/TT-BCT ngày 21/12/2012 của Bộ Công Thương quy định cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương,...
[16] Thông tin cập nhật đến tháng 7 năm 2017
[17] Dự án điều tra cơ bản “Thực trạng thi hành pháp luật an toàn thực phẩm và vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc đảm bảo thi hành”, chủ nhiệm dự án: TS. Nguyễn Văn Cương.
[18]Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016” của Quốc Hội, Hà Nội 5/2017.
[19] Một số quy định còn chưa rõ ràng như quy định đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm khác nhau mà thuộc thẩm quyền quản lý của 2 bộ trở nên, trong đó có kinh doanh dịch vụ ăn uống thì khó xác định trách nhiệm quản lý (vì quản lý dịch vụ ăn uống được phân công cho UBND các cấp theo quy định tại khoản 2 Điểu 65).
[20]Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016” của Quốc Hội, Hà Nội 5/2017.
[21]Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016” của Quốc Hội, Hà Nội 5/2017.
[22] Chỉ số pháp quyền của Việt Nam năm 2019 theo đánh giá so sánh của Dự án công lý thế giới (World Justice Project) cụ thể như sau: Việt Nam đạt 0,49 điểm (tương đương với mức điểm của Trung Quốc) (đứng thứ 81, trong khi Trung Quốc đứng thứ 82), thấp hơn so với Malaysia (0,55 điểm, đứng thứ 51), Indonesia (0,52 điểm, đứng thứ 62), Thái Lan (điểm 0,5 và đứng thứ 76), cao hơn mức của Philippines (0,47 điểm, đứng thứ 90), Myanmar (0,42 điểm, đứng thứ 100), Cambodia (0,32 điểm, đứng thứ 125). Điều đáng nói là, trong 8 bộ tiêu chí kể trên thì bộ tiêu chí đạt điểm khá thấp là “vắng bóng tham nhũng” (0,40 điểm). Một số chỉ số thành phần đạt khá thấp là: (1) không tham nhũng trong hoạt động tư pháp dân sự (0,34 điểm); (2) sự can thiệp không hợp lý từ quan chức chính quyền trong hoạt động tư pháp dân sự (0,32 điểm); (3) sự kiểm soát của tư pháp đối với hành pháp (0,37 điểm) và sự kiểm soát của khu vực tổ chức xã hội với hoạt động hành pháp (0,40 điểm); (4) quyền lập hội (0,37 điểm); (5) quyền tiếp cận thông tin (0,34 điểm); (6) ảnh hưởng không hợp lý từ bên ngoài vào quá trình thực thi các quy định của chính quyền (0,39 điểm); (7) thu hồi quyền tài sản mà thiếu sự bồi thường đầy đủ (0,38 điểm).
[24] Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài NCKH cấp nhà nước “Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Hà Hùng Cường, HN 2019.