Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi – Một số vấn đề đặt ra

03/03/2020
Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2000 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008). Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 đã dành một chương (chương IV) quy định về cai nghiện ma túy, trong đó có quy định về người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Bài viết tập trung phân tích những quy định của pháp luật đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (trong đó có sự so sánh với quy định của pháp luật đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên), thực tiễn thi hành pháp luật thời gian qua đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và một số vấn đề đặt ra trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật đối với đối tượng này.
1. Quy định của pháp luật về người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi
Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy quy định:
“1. Người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ.
2. Người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tự nguyện hoặc được gia đình làm đơn xin cai nghiện thì được nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ.
3. Việc cai nghiện ma tuý đối với người nghiện ma tuý quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không coi là việc xử lý vi phạm hành chính.
4. Tổ chức và hoạt động của cơ sở cai nghiện bắt buộc, thẩm quyền, thời gian, chế độ cai nghiện, thủ tục đưa người nghiện ma tuý quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Chính phủ quy định”.
Thực hiện quy định nêu trên tại Luật Phòng, chống ma túy, đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 61/2011/NĐ-CP ngày 26/7/2011). Theo đó[1], những người chưa thành niên nghiện ma túy sau đây bị cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội[2]:
  1. Người đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mà vẫn còn nghiện;
(2) Người đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện;
(3) Người không có nơi cư trú nhất định.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định việc đưa người chưa thành niên nghiện ma túy vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội để cai nghiện bắt buộc. Thời hạn cai nghiện, phục hồi áp dụng đối với người chưa thành niên nghiện ma túy tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội từ một năm đến hai năm.
Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội được tiếp nhận người chưa thành niên nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào Trung tâm. Việc người chưa thành niên nghiện ma túy tự nguyện xin vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội để chữa trị, cai nghiện không bị coi là bị xử lý vi phạm hành chính.
Trong cơ sở cai nghiện, người chưa thành niên cũng là một trong các đối tượng phải được bố trí vào các khu vực tách riêng với những người nghiện ma túy khác để quản lý và chữa bệnh[3].
Khác với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy quy định:
1. Người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
2. Việc đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thời hạn cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc từ một năm đến hai năm.
3. Người nghiện ma tuý tự nguyện làm đơn xin cai nghiện thì được nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc và không bị coi là bị xử lý vi phạm hành chính.
4. Tổ chức và hoạt động của cơ sở cai nghiện bắt buộc, chế độ cai nghiện bắt buộc, thủ tục đưa người nghiện ma tuý quy định tại khoản 1 Điều này vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”.
Căn cứ quy định pháp luật nêu trên có thể thấy, tổ chức và hoạt động của cơ sở cai nghiện bắt buộc (CSCNBB), chế độ cai nghiện bắt buộc, thủ tục đưa người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC), đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào CSCNBB là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định. Theo đó, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB bao gồm:
- Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện[4].
- Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy[5].
- Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định[6].
- Người đang tham gia chương trình cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng, người đang tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế[7].
Cùng với việc quy định về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB như đã nêu trên, Luật XLVPHC và các văn bản pháp luật có liên quan cũng quy định cụ thể về việc không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:
- Người nước ngoài[8].
- Người không có năng lực trách nhiệm hành chính[9].
- Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện[10].
- Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận[11].
- Người đang tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện[12].
nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên và người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (cùng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc):
Thứ nhất, về căn cứ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tự nguyện hoặc được gia đình làm đơn xin cai nghiện thì được nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ. Trong khi đó, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên sẽ bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (đối với người có nơi cư trú ổn định/nhất định)[13] hoặc đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng[14] mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, chưa cai nghiện tại gia đình, cộng đồng[15] nhưng không có nơi cư trú ổn định/nhất định (trừ trường hợp người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên tự nguyện làm đơn xin cai nghiện thì được nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc)[16].
Thứ hai, về thẩm quyền quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:  Đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, thẩm quyền quyết định là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện[17]. Trong khi đó, đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, thẩm quyền quyết định là Tòa án nhân dân cấp huyện[18]
Thứ ba, về hậu quả pháp lý khi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi vào CSCNBB thì không bị coi là bị xử lý vi phạm hành chính. Điều này có nghĩa là, việc người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không bị coi là bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Trong khi đó, đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên khi bị đưa vào CSCNBB, có nghĩa là họ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật XLVPHC.
          2. Thực tiễn thi hành pháp luật đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và một số vấn đề đặt ra trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi
2.1. Theo dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống ma túy của Bộ Công an[19] , tình hình người nghiện ngày càng diễn biến phức tạp,…người nghiện có ở tất cả các địa phương, có ở mọi thành phần, mọi lứa tuổi song chủ yếu ở lớp trẻ (0,1% dưới 16 tuổi; 76% dưới 35 tuổi)....
Công tác cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện đối với người dưới 18 tuổi[20]: trước năm 2014 (khi chưa có Luật Xử lý vi phạm hành chính) các cơ sở cai nghiện trên cả nước đều tiếp nhận chung cả người chưa thành niên và người đã thành niên. Nhiều cơ sở cai nghiện có bố trí khu ở riêng, nhưng không cách ly hoàn toàn với người lớn, lao động và một số hoạt động khác vẫn chung. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh có Trung tâm Thanh thiếu niên 2, được bố trí riêng cho người chưa thành niên nhưng vẫn tiếp nhận cả người đã thành niên. Từ 01/01/2014 (khi Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định chỉ người đủ 18 tuổi trở lên mới được áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) đến nay, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người dưới 18 tuổi không còn được thực hiện, trong khi cai nghiện tự nguyện chưa thu hút được nhiều người tham gia, nên vấn đề người nghiện ma túy dưới 18 tuổi hiện nay đang bị bỏ ngỏ, ở nhiều nơi gây ảnh hưởng không nhỏ tới trật tự xã hội.
Thực tiễn thực hiện các quy định pháp luật cho thấy[21] còn một số khó khăn, vướng mắc, trong đó có khó khăn, vướng mắc xuất phát từ chính các quy định của pháp luật: Một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính về độ tuổi áp dụng, thẩm quyền đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc….
2.2. Xuất phát từ các quy định pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi như đã nêu trên, hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này:
          Ý kiến thứ nhất cho rằng: Trước khi các quy định về các biện pháp xử lý hành chính (trong đó có biện pháp đưa vào CSCNBB) quy định trong Luật XLVPHC hiện hành có hiệu lực  (trước ngày 01/01/2014)[22] thì các cơ sở cai nghiện bắt buộc trên cả nước đều tiếp nhận chung cả người chưa thành niên và người đã thành niên. Từ ngày 01/01/2014 (khi Luật XLVPHC quy định chỉ người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên mới bị áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB), đến nay, việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cai nghiện ma túy tại CSCNBB không còn được thực hiện, trong khi cai nghiện tự nghiện chưa thu hút được nhiều người tham gia, nên vấn đề người nghiện ma túy dưới 18 tuổi đang bị bỏ ngỏ, ở nhiều nơi gây ảnh hưởng không nhỏ tới trật tự xã hội. Do vậy, cần bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào CSCNBB theo quy định của Luật XLVPHC. Trong trường hợp này, họ không bị coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính. 
          Ý kiến thứ hai cho rằng: Cần cân nhắc thận trọng việc bổ sung quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào CSCNBB đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vì chưa phù hợp với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (như Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em). Đối với các đối tượng này nên áp dụng các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính để giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, thay đổi hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội.
          Ý kiến thứ ba cho rằng: Đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ nên áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà không nên “cách ly” họ khỏi xã hội. Đối với trường hợp họ tự nguyện hoặc có đơn đề nghị của gia đình thì xem đây là một chính sách xã hội cho đối tượng này vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng không quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC mà quy định trong Luật Phòng, chống ma túy đang được xem xét sửa đổi. Quy định như vậy vừa bảo đảm tính nhân văn, vừa tuân thủ nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
          2.3. Liên quan đến các ý kiến nêu trên đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tác giả cho rằng, để có sự lựa chọn, quy định phù hợp đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, cơ quan, người có thẩm quyền cần tiếp tục có sự nghiên cứu, làm rõ được thực trạng các quy định pháp luật, tình hình, kết quả thực hiện thời gian qua  của các quy định pháp luật đối với đối tượng này, tính hiệu quả, khả thi trong việc áp dụng biện pháp (dự kiến đề xuất) cũng như tác động và sự tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để có đề xuất phù hợp, khả thi nhất. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC năm 2012[23]. Bộ Công an đang được giao chủ trì tổng kết, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008)[24]. Theo đó, các Bộ, ngành cần tiếp tục có sự nghiên cứu, tăng cường công tác phối hợp trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật, đồng thời, tạo sự liên thông, gắn kết giữa công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, khả thi trong quy định và thực tiễn thi hành pháp luật đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trong dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) với quy định trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC./.
          Ths. Nguyễn Thị Minh Phương, Cục QLXLVPHC&TDTHPL.
 

[1] Xem: Mục II Chương 2 Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh.
[2] Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 61/2011/NĐ-CP ngày 26/7/2011 của Chính phủ) , “Cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Phòng, chống ma túy và cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính được gọi chung trong Nghị định này là Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội…”.
[3] Xem: Điều 32 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008).
 
[4] Xem: Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 136/2016/NĐ-CP) và khoản 2 Điều 7 Luật XLVPHC.
[5] Xem: Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 136/2016/NĐ-CP).
[6] Xem: Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 136/2016/NĐ-CP).
[7] Xem: Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP), điểm d khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
[8] Xem: Khoản  2 Điều 5 Luật XLVPHC năm 2012.
[9] Xem: Điểm a khoản 2 Điều 96 Luật XLVPHC năm 2012.
[10] Xem: Điểm b khoản 2 Điều 96 Luật XLVPHC năm 2012.
[11] Xem: Điểm c khoản 2 Điều 96 Luật XLVPHC năm 2012.
[12] Xem: Khoản 2, 3 Điều 3 Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
[13] Xem: Khoản 4 Điều 90 Luật XLVPHC năm 2012 và khoản 1 Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000.
[14] Xem: Khoản 1 Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000.
[15] Xem: Khoản 1 Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000.
[16] Xem: Khoản 3 Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000.
[17] Xem: Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh.
[18] Xem: Khoản 2 Điều 105 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban  thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.
[19] Xem: Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống ma túy (Mục II.1, PhầnII, trang 9, 10) - https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=2740.
[20] Xem: Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống ma túy  (Mục II.2.1.3, Phần II, trang 12). - https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=2740.
[21] Xem: Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống ma túy (Mục II.2, Phần II, trang 14). - https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=2740.
[22] Khoản 1 Điều 141 Luật XLVPHC năm 2012 quy định: Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
[23] Đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC đã được Chính phủ thông qua tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2018 (theo Nghị quyết số 162/NQ-CP ngày 31/12/2018 của Chính phủ). Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.
[24] Ngày 05/12/2019, Bộ Tư pháp đã thẩm định đề nghị xây dựng Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).