Xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính

18/04/2020
Đặt vấn đề Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng (theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019 - sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ). Hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ là một trong các dạng hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Về mặt khoa học pháp lý, hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể liên quan đến toàn bộ các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ nói chung (quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng), tuy nhiên, về mặt luật thực định, pháp luật hiện hành chỉ quy định những hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp. Do vậy, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thực chất chỉ gói trọn trong các hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ, thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, vi phạm hoặc tranh chấp về sở hữu trí tuệ, các biện pháp (chế tài) dân sự, hành chính hoặc hình sự có thể được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác. Ngoài 03 chế tài dân sự, hành chính, hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định các biện pháp khác mang tính chất hỗ trợ áp dụng 03 loại chế tài nói trên trong những trường hợp cần thiết, bao gồm: biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không có tham vọng đi sâu tìm hiểu tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay tất cả các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà chỉ tập trung phân tích, tìm hiểu các nội dung liên quan đến xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính.
          1. Về sự cần thiết phải áp dụng biện pháp hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ
          Trước hết, cần khẳng định, quyền sở hữu trí tuệ là một loại tài sản đặc biệt[1], được nhà nước và pháp luật bảo hộ. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không những ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền (là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ[2]) mà còn có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và gây tổn hại cho lợi ích của xã hội. Những hành vi này, trong một số trường hợp, có thể coi là hành vi vi phạm hành chính và phải bị xử phạt vi phạm hành chính, vì đã vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Hay nói cách khác, bằng những quy định của pháp luật, Nhà nước xác định những hành vi bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và quy định các chế tài xử lý những hành vi vi phạm đó, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, người thứ ba và của xã hội.
          Trên cơ sở đó, Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ (tại khoản 3 Điều 211).
          2. Việc xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ bị xử lý bằng biện pháp hành chính
          2.1. Hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn
          Các điểm a và b khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ quy định đây là một trong những dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ và có thể được biểu hiện dưới một trong hai hình thức sau đây: (i) sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ; (ii) sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
          Trước đây, hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 39 Luật Cạnh tranh năm 2004, tuy nhiên, Luật Cạnh tranh năm 2018 đã bãi bỏ quy định này để tránh trùng lặp, vì hành vi này đã được điều chỉnh bởi Luật Sở hữu trí tuệ.
          2.2. Hành vi sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó
          Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ, thì hành vi sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước thành viên là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh khi thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau đây: (i) nhãn hiệu được sử dụng được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (ii) điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu; (iii) người sử dụng nhãn hiệu là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu; (iv) việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng.
2.3. Hành vi đăng ký, chiếm giữ, sử dụng tên miền bất hợp pháp
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ, thì đây cũng bị coi là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ. Hành vi này được biểu hiện dưới dạng: đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.
2.4. Hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh
Trong Luật Cạnh tranh năm 2018, hành vi “xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh” được quy định tại khoản 1 Điều 45 và được biểu hiện dưới 02 hình thức: (i) tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó; (ii) tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Trong Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi “xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh” được quy định tại khoản 1 Điều 127 và được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: (i) tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó; (ii) bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó; (iii) vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh; (iv) tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền; (v) sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được từ việc  xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh; (vi) không thực hiện nghĩa vụ bảo mật quy định tại Điều 128 của Luật này.
Qua các quy định pháp luật nêu trên, có thể rút ra một số nhận xét sau:
Thứ nhất, về đối tượng được bảo hộ: Đối tượng được bảo hộ của hành vi “xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh” tại Luật Cạnh tranh có nghĩa nghĩa rộng hơn so với đối tượng được bảo hộ của hành vi “xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh” quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ. Điều này là hợp lý, vì Luật Sở hữu trí tuệ quy định về việc bảo hộ đối với bí mật kinh doanh, còn Luật Cạnh tranh với vai trò là một đạo luật bảo vệ cạnh tranh cần hướng tới điều chỉnh hành vi tiếp cận, thu thập, tiết lộ, sử dụng một cách bất hợp pháp các thông tin mang tính bí mật trong kinh doanh (phạm vi rộng hơn bí mật kinh doanh).
Thứ hai, về hình thức biểu hiện của hành vi vi phạm: Hành vi “xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh” trong Luật Cạnh tranh có nghĩa hẹp hơn so với hành vi “xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh” quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ. Quy định về “xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh” trong Luật Cạnh tranh chỉ bao gồm 02 hành vi tiếp cận, thu thập và tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh của đối thủ cạnh tranh nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi đó, biểu hiện của hành vi về “xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh” trong Luật Sở hữu trí tuệ là rất rộng, bao gồm cả hành vi như vi phạm hợp đồng bảo mật, không thực hiện bảo mật như cam kết, tiếp cận bí mật kinh doanh trong quá trình chủ sở hữu hợp pháp của bí mật kinh doanh thực hiện các thủ tục hành chính tại cơ quan có thẩm quyền…
          Thứ ba, nếu Luật Cạnh tranh coi hành vi “xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh” là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm thì Luật Sở hữu trí tuệ lại không xếp của hành vi “xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh” vào nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ tại Điều 130 mà coi đây là một hành vi xâm phạm quyền tại Điều 127 (trong nhóm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ tại Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ không có hành vi “xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh”). Tiếp tục tìm hiểu vấn đề này trong Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thì thấy rằng, điểm a khoản 14 Điều 14 của Nghị định có quy định xử phạt đối với hành vi “xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh theo quy định tại Điều 127 của Luật sở hữu trí tuệ” và Nghị định này coi đây là một trong những hành vi “cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp”.
          Từ 03 nhận xét kể trên, đặt ra vấn đề: Vậy có thể coi hành vi “xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh” trong Luật Sở hữu trí tuệ là hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp không? Tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan đến vấn đề áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi cũng không tìm ra lời giải thỏa đáng cho câu hỏi này. Bởi lẽ:
(i) Nếu chỉ căn cứ Nghị định số 99/2013/NĐ-CP (một văn bản dưới Luật Sở hữu trí tuệ) để khẳng định hành vi “xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh” là hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp thì không đúng với nguyên tắc áp dụng pháp luật tại khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”.
(ii) Khoản 6 Điều 45 Luật Cạnh tranh có quy định theo hướng mở, ngoài các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được liệt kê tại Điều 45 thì còn có “các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác”; khoản 2 Điều 4 Luật này cũng quy định việc áp dụng pháp luật về cạnh tranh: “Trường hợp luật khác có quy định về... hành vi cạnh tranh không lành mạnh và việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của luật đó”. Trường hợp muốn căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 4 và khoản 6 Điều 45 Luật Cạnh tranh để khẳng định hành vi “xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh” trong Luật Sở hữu trí tuệ cũng là hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp thì bản thân Luật Sở hữu trí tuệ phải thừa nhận vấn đề này. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là Luật Sở hữu trí tuệ với tư cách là một luật chuyên ngành về sở hữu trí tuệ lại không có quy định cụ thể.
          (iii) Nếu căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, “trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”, đối với hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh, có thể áp dụng Luật Cạnh tranh để xử lý, vì đây văn bản được ban hành sau Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 5 Luật Sở hữu trí tuệ lại quy định một nguyên tắc áp dụng pháp luật khác (nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật): “Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về sở hữu trí tuệ của Luật này với quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật này”.
Về vấn đề này, chúng tôi thấy rằng, mặc dù Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật nhưng trên thực tế, trong các đạo luật cụ thể vẫn quy định nguyên tắc này, ví dụ:
          Các khoản 2, 3 Điều 4 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
          “2. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.
3. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng.
Khoản 2 Điều 4 Luật Đầu tư năm 2014 quy định: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và luật khác về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trình tự, thủ tục đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật dầu khí.
Các khoản 2, 3 Điều 4 Luật Thương mại năm 2005 quy định:
2. Hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó.
3. Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật Thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự.”.
          Ngay cả Luật Cạnh tranh năm 2018 là văn bản mới được ban hành gần đây cũng quy định nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật tại khoản 2 Điều 4 như đã kể trên.
          3. Việc xử lý bằng biện pháp hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ
          Theo quy định tại khoản 3 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ, “tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh”. Khoản 3 Điều 198 Luật này cũng quy định: “tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự quy định tại Điều 202 của Luật này và các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh”. Các quy định này tương đối cụ thể, phân định khá rõ phạm vi điều chỉnh của từng hệ thống pháp luật: pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật về cạnh tranh. Mặc dù vậy, thực tế triển khai thi hành vẫn gặp không ít những vướng mắc, bất cập, cụ thể là:
          3.1. Về nguyên tắc áp dụng pháp luật để xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ
Qua các quy định nêu trên có thể hiểu, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ được xác định theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật này; còn chế tài, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt đối với các hành vi này được quy định và thực hiện theo Luật Cạnh tranh và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật này. Tuy nhiên, thực tế lại không hẳn như vậy.
Trong khi Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 26/9/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh quy định hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu trí tuệ (xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh) tại Điều 16 thì Nghị định số 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp cũng có quy định xử phạt đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp tại Điều 14. Các quy định tại hai văn bản này có nhiều sự khác biệt, khiến cho việc áp dụng gặp nhiều khó khăn:
- Về chế tài áp dụng: Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu trí tuệ tại Nghị định số 75/2019/NĐ-CP bị áp dụng mức phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng (đối với tổ chức), trong khi mức phạt tiền đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu trí tuệ tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP chỉ từ 500.000 đồng đến tối đa là 250.000.000 đồng (đối với cá nhân). Bên cạnh phạt tiền, các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả cũng có sự khác nhau: Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định 02 hình thức xử phạt bổ sungtịch thu tang vật, phương tiện tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm, không quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm; Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả (buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm; buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm nếu không loại bỏ được yếu tố vi phạm; buộc loại bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm; buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp; buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm)[3].
- Về thẩm quyền xử lý: Điều 26 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP chỉ quy định thẩm quyền  xử phạt của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Điều 15 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định thẩm quyền  xử phạt của nhiều chủ thể khác nhau (Thanh tra Khoa học và Công nghệ,  Thanh tra Thông tin và Truyền thông, Quản lý thị trường, Hải quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện).
 - Về thủ tục xử lý: Bản thân Nghị định số 75/2019/NĐ-CP cũng đang có những quy định không rõ ràng, thiếu thống nhất (khoản 1 Điều 29 quy định thủ tục xử phạt hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh thực hiện theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, khoản 3 Điều 29 lại quy định trình tự, thủ tục áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả, các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong xử lý hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh áp dụng theo quy định của pháp luật cạnh tranh và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính); khoản 2 Điều 30 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương III của Luật XLVPHC.
- Về thi hành quyết định xử lý: Điều 33 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định việc bên được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đó trong trường hợp tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm không tự nguyện thi hành (cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương do mình đã cấp cho các doanh nghiệp vi phạm hành chính về cạnh tranh; các cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp buộc cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất hoặc buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua; cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có trụ sở, nơi cư trú hoặc nơi có tài sản của bên phải thi hành có trách nhiệm tổ chức thực hiện phần quyết định liên quan đến tài sản của quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh); Điều 30 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định việc thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính được thực hiện theo quy định của Luật XLVPHC, theo đó, nếu cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt (thẩm quyền cưỡng chế thuộc về người đã ra quyết định xử phạt, trừ một số chức danh ở cấp cơ sở không có thẩm quyền cưỡng chế thì cấp trên của họ sẽ ban hành quyết định cưỡng chế đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cấp dưới ban hành[4]).
- Về hình thức thể hiện của văn bản xử lý: Nếu xử lý theo thủ tục của pháp luật về cạnh tranh thì người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; trường hợp nếu xử lý theo thủ tục của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Những quy định thiếu nhất quán giữa các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên khiến cho người có thẩm quyền rất lúng túng trong việc lựa chọn văn bản áp dụng để xử lý đối với vụ việc cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ, việc áp dụng những văn bản quy phạm pháp luật với chế tài, thẩm quyền, thủ tục áp dụng… khác nhau sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý khác nhau, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có liên quan.
3.2. Về sự không thống nhất giữa pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ
- Về trình tự, thủ tục ra quyết định xử lý: Theo pháp luật về sở hữu trí tuệ thì nghĩa vụ chứng minh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thuộc về người nộp đơn yêu cầu xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh: “Khi thực hiện yêu cầu xử lý… hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại Điều 130 của Luật sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản này (Người có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp bị thiệt hại do hành vi vi phạm) phải nêu rõ tính chất, mức độ vi phạm trong đơn yêu cầu xử lý vi phạm và cung cấp các tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Nghị định này” (điểm b khoản 1 Điều 22 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP). Trường hợp tài liệu, chứng cứ do người nộp đơn cung cấp chưa đầy đủ thì cơ quan xử lý vi phạm yêu cầu người nộp đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc giải trình trong thời hạn tối đa là 30 ngày, kể từ ngày yêu cầu (điểm b khoản 2 Điều 25 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP). Người yêu cầu xử lý vi phạm không đáp ứng yêu cầu của cơ quan xử lý vi phạm về giải trình, bổ sung chứng cứ chứng minh tư cách chủ thể quyền sở hữu công nghiệp và chứng minh vi phạm thì cơ quan xử lý vi phạm từ chối xử lý vi phạm (điểm b khoản 1 Điều 28 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP). Trong khi đó, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC thì việc chứng minh hành vi vi phạm hành chính thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt: “Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính”.
Bên cạnh đó, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP cũng quy định thủ tục dừng xử lý vụ việc vi phạm trong “trường hợp đơn yêu cầu xử lý vi phạm đã được thụ lý, nhưng các bên trong vụ việc thỏa thuận được với nhau và đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên thứ ba, người tiêu dùng và xã hội thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ghi nhận biện pháp giải quyết đó và dừng xử lý vụ việc” (khoản 2 Điều 27 và điểm d khoản 2 Điều 28). Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính không có thủ tục này, bởi một nguyên tắc cơ bản trong quản lý hành chính nhà nước đó là mệnh lệnh - phục tùng, quan hệ xử lý vi phạm hành chính là quan hệ giữa một bên là chủ thể quản lý, đơn phương ra quyết định xử phạt và một bên là đối tượng bị quản lý, có nghĩa vụ phải chấp hành quyết định xử phạt, không thể có yếu tố tự do thoả thuận.
- Về việc đình chỉ hiệu lực quyết định xử phạt hành chính: Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP, “trường hợp quyết định giải quyết tranh chấp về sở hữu công nghiệp của cơ quan có thẩm quyền được ban hành trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt hành chính dẫn đến việc thay đổi căn cứ, nội dung của quyết định xử phạt hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định sửa đổi, đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực của quyết định xử phạt hành chính đã ban hành cho phù hợp với quyết định giải quyết tranh chấp”. Tuy nhiên, Luật XLVPHC không quy định về thủ tục đình chỉ hiệu lực quyết định xử phạt hành chính mà chỉ có quy định về tạm đình chỉ việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nếu trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện mà xét thấy việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục (tại khoản 3 Điều 15 Luật XLVPHC). Thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ thuộc về “người giải quyết khiếu nại, khởi kiện” chứ không phải “người có thẩm quyền xử phạt” như quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
 3.2. Về sự không thống nhất giữa pháp luật về cạnh tranh và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ
- Về hình thức xử phạt: Luật Cạnh tranh và Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định 02 hình thức xử phạt không được Luật XLVPHC quy định, đó là thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương và tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm (các điểm a và c khoản 3 Điều 110 Luật Cạnh tranh; các điểm c và d khoản 2 Điều 3 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP).
          - Về trình tự, thủ tục ra quyết định xử lý: Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP, bên cạnh trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính thì còn có trình tự, thủ tục tố tụng cạnh tranh để ra quyết định áp dụng các chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ.
4. Một số giải pháp đề xuất
Nhằm tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau đây:
4.1. Giải pháp lâu dài
Chúng tôi cho rằng, việc song song tồn tại hai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu trí tuệ như hiện nay là không hợp lý. Do vậy, cần rà soát, nghiên cứu, quy định một cách tập trung, thống nhất các quy định về xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu trí tuệ (hành vi vi phạm, chế tài xử phạt, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt…) trong một văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau với những mâu thuẫn, chồng chéo như đã nêu trên đây (Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các Luật này).   
4.2. Giải pháp trước mắt
Trong trường hợp chưa thể thực hiện việc rà soát, nghiên cứu để quy định một cách tập trung, thống nhất các quy định về xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu trí tuệ trong một văn bản quy phạm pháp luật, thì trước mắt, cần nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhằm bảo đảm sự thống nhất về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ. Theo quan điểm của chúng tôi, cần xác định rõ: Luật Sở hữu trí tuệ chỉ quy định hành vi vi phạm cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ, các vấn đề liên quan đến chế tài, thẩm quyền, thủ tục xử lý thì viện dẫn sang quy định của Luật Cạnh tranh và Luật XLVPHC. Theo hướng này, có thể nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:
(i) Đối với Luật Sở hữu trí tuệ: Cần sửa đổi, bổ sung Điều 127 và Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng coi hành vi “xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh” là một dạng của hành vi vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cần bãi bỏ các quy định liên quan đến hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính tại Điều 214 và Điều 215 Luật Sở hữu trí tuệ, vì đây là các hình thức, biện pháp đã được Luật XLVPHC quy định.
(ii) Đối với Luật Cạnh tranh: Bãi bỏ các quy định liên quan đến hình thức xử phạt thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương và tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm (tại các điểm a và c khoản 3 Điều 110 Luật Cạnh tranh), vì xét đến cùng, về bản chất, đây chính là các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của Luật XLVPHC. Riêng về thủ tục xử phạt trong giải quyết các vụ việc cạnh tranh nói chung, vụ việc cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ nói riêng, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cần coi đây là một trường hợp ngoại lệ. Thủ tục tố tụng cạnh tranh là một thủ tục đặc thù, do vậy, việc ban hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh nói chung, vụ việc cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ nói riêng không thể đơn thuần tuân theo quy định về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong Luật XLVPHC mà cần có sự bổ sung từ thủ tục tố tụng cạnh tranh trong Luật Cạnh tranh.
(iii) Đối với Luật XLVPHC: Bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chức danh Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để thống nhất với Luật Cạnh tranh.
          (iv) Đối với Nghị định số 75/2019/NĐ-CP và Nghị định số 99/2013/NĐ-CP: Cần sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan, tương ứng với các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong các Luật là căn cứ ban hành các Nghị định này.
          Kết luận
          Qua thực tiễn thi hành, có thể khẳng định vai trò của biện pháp hành chính trong việc áp dụng để xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và hành vi cạnh tranh không lành mạnh về quyền sở hữu trí tuệ nói riêng. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này trên thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc xuất phát từ chính các quy định pháp luật trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và hành vi cạnh tranh không lành mạnh về quyền sở hữu trí tuệ nói riêng sẽ diễn ra ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh chính sách, pháp luật tương ứng. Do vậy, chúng ta cần nhận thức việc nghiên cứu, hoàn thiện quy định của pháp luật về vấn đề này là một việc làm cần thiết và thường xuyên./.
ThS. Nguyễn Hoàng Việt*
 
* Thạc sỹ Luật, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp
 
[1] Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”.
Điều 115 BLDS cũng quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.
[2] Xem khoản 6 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ.
[3] Xem Điều 16 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP và Điều 14 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP
[4] Xem Điều 86, Điều 87 và Điều 88 Luật XLVPHC