Tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác THPL về XLVPHC – Thực trạng và một số đề xuất, kiến nghị

10/04/2020
Bài viết đề cập đến những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế trong xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật (THPL) về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương, qua đó, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị, góp phần nâng cao hiệu quả THPL về XLVPHC.
1. Những kết quả đạt được trong xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác THPL về XLVPHC
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC)  được  Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014. Điều 17 Luật XLVPHC quy định Chính phủ thống nhất quản lý công tác THPL về XLVPHC trong phạm vi cả nước. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý công tác THPL về XLVPHC. Tòa án nhân dân, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện hoặc phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác THPL về XLVPHC.
Đồng thời với việc ban hành Luật XLVPHC, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 24/2012/QH13 về việc thi hành Luật XLVPHC. Theo đó, Quốc hội giao “Chính phủ khẩn trương chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, tổ chức, nguồn lực kịp thời triển khai việc quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết này”[1]
Để triển khai thi hành Luật XLVPHC, Nghị quyết số 24/2012/QH13 kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, ngày 19/7/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC[2]. Trong đó, Chính phủ giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm  “Xây dựng cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức, bố trí nguồn lực để triển khai việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 24/2012/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính[3]. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ còn có trách nhiệm “Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định biên chế bảo đảm thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên cơ sở đề xuất của Bộ Tư pháp và các cơ quan khác có liên quan”[4]. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm “Chỉ đạo xây dựng cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức, bố trí nguồn lực để triển khai việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 24/2012/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính[5].
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, ngày 25/10/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương” (Quyết định số 1950/QĐ-TTg) với ba mục tiêu cụ thể sau[6]:
Thứ nhất: Tổ chức thi hành Luật XLVPHC một cách thống nhất, toàn diện, hiệu quả, bảo đảm trật tự quản lý nhà nước và phục vụ đắc lực cho công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm, tiêu cực, tham nhũng, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ hai: Triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý thống nhất công tác THPL về XLVPHC mà Luật XLVPHC đã giao cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các cấp; tạo điều kiện về tổ chức bộ máy, biên chế cho các ngành, các cấp thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý công tác theo dõi THPL về XLVPHC.
Thứ ba: Gắn kết công tác tham mưu, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý công tác THPL về XLVPHC với công tác tổ chức THPL, theo dõi THPL về XLVPHC.
Có thể thấy, kể từ khi Luật XLVPHC được ban hành và có hiệu lực thi hành, công tác triển khai thi hành Luật đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND các địa phương quan tâm triển khai thực hiện, trong đó có công tác xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác THPL về XLVPHC của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương và đã đạt được một số kết quả trong xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác THPL về XLVPHC, cụ thể:
(1) Tại Bộ Tư pháp: Ngày 15/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 717/QĐ-TTg về việc thành lập Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi THPL trực thuộc Bộ Tư pháp (Cục QLXLVPHC&TDTHPL). Quyết định số 717/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở, điều kiện quan trọng và cần thiết về tổ chức bộ máy để Bộ Tư pháp bước đầu triển khai có hệ thống và bài bản các nội dung hoạt động quản lý nhà nước công tác THPL về XLVPHC trong toàn quốc. Tại Quyết định số 717/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục QLXLVPHC&TDTHPL. Theo đó, ngày 03/6/2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1266/QĐ-BTP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục QLXLVPHC&TDTHPL [7]. Ngày 11/7/2014 tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định số 717/QĐ-TTg nêu trên của Thủ tướng Chính phủ. Sau Lễ công bố, Cục QLXLVPHC&TDTHPL chính thức đi vào hoạt động. Từ khi được thành lập và chính thức đi vào hoạt động đến nay[8], Cục QLXLVPHC&TDTHPL đã từng bước được kiện toàn về tổ chức bộ máy với 20 biên chế quản lý hành chính được giao, 07 biên chế sự nghiệp, được bố trí tại 05 đơn vị trực thuộc, gồm: (i) Văn phòng Cục;  (ii) Phòng Quản lý XLVPHC; (iii) Phòng Theo dõi THPL; (iv) Phòng Cơ sở dữ liệu XLVPHC; (v) Trung tâm Thông tin pháp luật về XLVPHC&TDTHPL.
(2) Tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Thực hiện quy định của Luật XLVPHC, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Quyết định số 1950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ[9] về cơ bản đã giao cho Vụ Pháp chế là đơn vị đầu mối và cử từ 01 đến 03 cán bộ thực hiện công tác này[10].
(3) Tại các địa phương: Để triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, trong đó có Quyết định số 1950/QĐ-TTg, ngày 22/12/2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Theo đó, về các tổ chức tham mưu, tổng hợp và chuyên môn nghiệp vụ[11]: Đối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các tổ chức thuộc Sở Tư pháp được thành lập phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bao gồm Văn phòng Sở, Thanh tra Sở và không quá 09 Phòng chuyên môn, nghiệp vụ; trường hợp vượt quá thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo xây dựng Đề án thành lập tổ chức và phải thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp trước khi quyết định.  Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp có Văn phòng Sở, Thanh tra Sở và 06 Phòng chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó có Phòng Quản lý XLVPHC và theo dõi THPL (quản lý công tác XLVPHC và theo dõi THPL). Tính đến ngày 08/01/2018[12], tại 60/63 Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Phòng Quản lý XLVPHC và theo dõi THPL (tại đa số các Sở Tư pháp)/Phòng Kiểm tra văn bản và theo dõi THPL (Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ)/Phòng Văn bản và theo dõi THPL (Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh).
Đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác XLVPHC, tại Báo cáo số 09/BC-BTP ngày 08/01/2018 của Bộ Tư pháp tổng kết thi hành Luật XLVPHC đã nêu “Bộ Tư pháp đã chủ động, quyết liệt trong việc xây dựng tổ chức bộ máy và kiện toàn biên chế thực hiện công tác quản lý XLVPHC tại Bộ Tư pháp và tại các Bộ, ngành, địa phương. Đến nay, hầu hết các Bộ, ngành và địa phương đã phân công đơn vị đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về công tác XLVPHC, đồng thời, bố trí công chức chuyên trách hoặc kiêm nhiệm thực hiện việc tham mưu, giúp lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương quản lý nhà nước về công tác XLVPHC. Đội ngũ công chức được giao nhiệm vụ tham mưu về công tác quản lý XLVPHC đa số đều có trình độ đại học, chủ yếu là chuyên ngành Luật, vì vậy, về cơ bản, đội ngũ này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao”.
2. Những khó khăn, hạn chế trong xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác THPL về XLVPHC
Bên cạnh những kết quả đạt được trong xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác THPL về XLVPHC như đã nêu trên, hiện nay, việc xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác THPL về XLVPHC tại Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, có thể kể đến những khó khăn, hạn chế sau đây:
Thứ nhất, vẫn còn tình trạng có địa phương chưa thành lập Phòng chuyên môn (quản lý công tác XLVPHC và theo dõi THPL) hoặc đã thành lập nhưng lại không có sự ổn định, tiếp tục có sự kiện toàn, thay đổi
Tính đến ngày 08/01/2018[13]03/63 tỉnh, thành phố chưa thành lập Phòng chuyên môn là Phú Thọ, Lai Châu, Thanh Hóa. Bên cạnh đó, hiện nay, trong bối cảnh thực hiện chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo các văn bản như Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Ban Chấp hành trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành trung ương khóa XII: Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế…, tại một số địa phương, Phòng QLXLVPHC&TDTHPL tại các Sở Tư pháp tiếp tục có sự thay đổi như:
- Tại Đà Nẵng, nhiệm vụ quản lý công tác THPL về XLVPHC được giao cho Phòng Hành chính tư pháp – Quản lý XLVPHC – Theo dõi THPL.
 - Tại Bình Định[14], ngày 28/12/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 198/QĐ-UBND hợp nhất Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Phòng Quản lý XLVPHC và theo dõi tình hình THPL thành Phòng Xây dựng, Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Theo dõi THPL.
- Tại Đồng Nai[15], thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đề án sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế của Sở Tư pháp, theo đó sáp nhập, chuyển giao nhiệm vụ Phòng Quản lý XLVPHC và theo dõi THPL với Thanh tra Sở.
- Tại Hà Tĩnh[16], trước đây nhiệm vụ quản lý công tác THPL về XLVPHC được giao cho Phòng Quản lý XLVPHC và theo dõi THPL, hiện nay là Phòng Xây dựng, kiểm tra và theo dõi THPL.
- Tại Lai Châu[17], từ ngày 01/8/2018, Phòng Quản lý XLVPHC và theo dõi THPL và Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Sở Tư pháp đã được sáp nhập thành Phòng Xây dựng, kiểm tra và THPL thuộc Sở Tư pháp.
- Tại Lạng Sơn[18], nhiệm vụ quản lý nhà nước công tác THPL về XLVPHC được giao cho Thanh tra Sở Tư pháp.
- Tại Quảng Bình[19], đến tháng 10/2018, Phòng Quản lý XLVPHC và theo dõi THPL được hợp nhất với Phòng Xây dựng, Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Theo dõi THPL. Theo đó, nhiệm vụ XLVPHC và theo dõi THPL thuộc nhiệm vụ của Phòng Xây dựng, Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Theo dõi THPL.
- Tại Quảng Ninh[20], nhiệm vụ theo dõi THPL về XLVPHC được giao cho Phòng Văn bản và Theo dõi THPL.
- Tại Sơn La[21], giải thể Phòng Quản lý XLVPHC, chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý XLVPHC về Thanh tra Sở.
- Tại Yên Bái[22], sáp nhập Phòng Quản lý XLVPHC và theo dõi THPL với Phòng Xây dựng, kiểm tra văn bản thành Phòng Xây dựng, kiểm tra văn bản và theo dõi THPL thuộc Sở Tư pháp.
Thứ hai, phần lớn nguồn lực cho THPL về XLVPHC hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu của Đề án “xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương[23] đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
- Tại Bộ Tư pháp: Để đảm bảo triển khai chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước và tổ chức THPL về XLVPHC theo quy định, số biên chế công chức, viên chức tại Bộ Tư pháp (Cục QLXLVPHC&TDTHPL), theo Đề án gồm khoảng từ 42-45 người. Trong khi đó, thực tế hiện nay tại Bộ Tư pháp (Cục QLXLVPHC&TDTHPL) chỉ có 27 người (chiếm 60% - 64% so với số lượng biên chế của Đề án).
- Tại các Bộ, ngành: Nhiệm vụ quản lý công tác THPL về XLVPHC hầu như chưa bố trí đủ cán bộ chuyên trách trong khi khối lượng công việc trong lĩnh vực này khá lớn.
- Tại địa phương, hầu hết các Sở Tư pháp hiện nay số lượng biên chế làm nhiệm vụ quản lý công tác THPL về XLVPHC chưa được bố trí theo như số lượng biên chế mà Đề án đưa ra: Tại cấp tỉnh, theo đề án, tổng số lượng biên chế là từ 290 đến 319 biên chế (Phòng Quản lý XLVPHC tại Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với ít nhất là 07 biên chế công chức, tại Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ với ít nhất là 05 biên chế. Đối với Sở Tư pháp các tỉnh, bổ sung từ 03 đến 05 biên chế chuyên trách). Trong khi đó, hiện nay số lượng biên chế làm nhiệm vụ quản lý công tác THPL về XLVPHC được bố trí còn rất hạn chế, nhiều nơi kiêm nhiệm các công việc khác như  Phòng Quản lý XLVPHC và Theo dõi THPL tại Sở Tư pháp thành phố Hà Nội có 07 biên chế, tuy nhiên, kiêm nhiệm cả về công tác bồi thường nhà nước. Tại Sở Tư pháp Cần Thơ có 04 biên chế. Một số Sở Tư pháp các tỉnh chỉ có 02 biên chế làm công tác XLVPHC như Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng, Kon Tum, Phú Yên, Quảng Nam, Tây Ninh, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Yên Bái. Tại cấp huyện, cấp xã, cán bộ thực hiện nhiệm vụ về quản lý công tác THPL về XLVPHC hầu hết là kiêm nhiệm. Có thể thấy “việc củng cố, bổ sung biên chế để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong công tác THPL về XLVPHC gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, yêu cầu và khối lượng công việc quản lý XLVPHC ngày càng tăng”[24].
Với những khó khăn, hạn chế trong xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác THPL về XLVPHC như đã nêu trên, dẫn đến “tình trạng công tác tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ về quản lý XLVPHC không được thống nhất, số lượng cán bộ làm công tác THPL về XLVPHC phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác, do vậy, không thể đảm đương hết khối lượng công việc rất lớn và khó khăn, phức tạp như hiện nay”[25].
3. Một số đề xuất, kiến nghị
          Trong bối cảnh các cơ quan tiếp tục rà soát, sắp xếp, thu gọn đầu mối tổ chức, thực hiện có hiệu quả tinh giản biên chế, việc củng cố, đề xuất bổ sung số lượng biên chế làm công tác THPL về XLVPHC là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, với yêu cầu và khối lượng công việc quản lý công tác THPL về XLVPHC ngày càng tăng, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền tiếp tục có sự quan tâm, tạo điều kiện sắp xếp, bố trí cán bộ chuyên trách về XLVPHC tại các Bộ, cơ quan, địa phương, đồng thời, tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện duy trì phòng chuyên môn, quản lý công tác XLVPHC và theo dõi THPL tại các Sở Tư pháp, đảm bảo để các cơ quan, đơn vị có thể đảm đương, hoàn thành tốt khối lượng công việc rất lớn và khó khăn, phức tạp như hiện nay./.
         ThS. Nguyễn Thị Minh Phương - PCT Cục QLXLVPHC&TDTHPL
 
 
[1][1] Xem: Khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 24/2012/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Luật XLVPHC.
[2] Được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017.
[3] Xem: Khoản 7 Điều 27 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013.
[4] Xem: Khoản 2 Điều 28 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013.
[5][5] Xem: Khoản 7 Điều 30 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013.
[6] Xem: Điều 1.I Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
[7] Hiện nay Quyết định số 1266/QĐ-BTP ngày 03/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã được thay thế bằng Quyết định số 679/QĐ-BTP ngày 09/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
[8] Tính đến ngày 31/3/2020.
[9] Xem: Báo cáo số 09/BC-BTP ngày 08/01/2018 của Bộ Tư pháp tổng kết thi hành Luật XLVPHC.
[10] Do liên quan đến nhiều lĩnh vực phức tạp, riêng Bộ Tài chính giao Vụ Pháp chế là đầu mối tổng hợp, theo dõi công tác xử phạt vi phạm hành chính với 08 cán bộ thực hiện nhiệm vụ này.
[11] Xem: Điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
[12] Xem: Báo cáo số 09/BC-BTP ngày 08/01/2018 của Bộ Tư pháp tổng kết thi hành Luật XLVPHC.
[13] Xem: Báo cáo số 09/BC-BTP ngày 08/01/2018 của Bộ Tư pháp tổng kết thi hành Luật XLVPHC.
[14] Xem: Báo cáo số 04/BC-UBND ngày 18/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
[15] Xem: Báo cáo số 712/BC-UBND ngày 19/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018.
[16] Xem: Báo cáo số 14/BC-UBND ngày 18/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018 trên địa bàn tỉnh.
[17] Xem: Báo cáo số 10/BC-UBND ngày 16/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018 trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
[18] Xem: Báo cáo số 40/BC-UBND ngày 29/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
[19] Xem: Báo cáo số 11/BC-UBND ngày 18/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018.
[20] Xem: Báo cáo số 09/BC-UBND ngày 18/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018.
[21] Xem: Báo cáo số 31/BC-UBND ngày 23/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018.
[22] Xem: Báo cáo số 08/BC-UBND ngày 16/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
[23] Xem: Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
[24] Ý kiến của UBND Tp. Hồ Chí Minh tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật XLVPHC (Báo cáo số 148/BC-UBND ngày 06/9/2017), trang 14.
[25] Xem: Báo cáo số 51/BC-BTP ngày 06/3/2020 của Bộ Tư pháp Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2019 (Mục II.1.2 Phần thứ ba, tr.8).