Một số vấn đề lý luận về hợp đồng vay tài sản theo quy định của pháp luật dân sự

15/10/2019

Trong cuộc sống hàng ngày, để giải quyết những khó khăn tạm thời về kinh tế, đặc biệt đối với những gia đình túng thiếu cần vốn để sản xuất, kinh doanh, phải vay mượn tài sản của người khác để thực hiện những mục đích trên …thì hợp đồng vay tài sản là phương tiện pháp lý để thỏa mãn những nhu cầu đó. Thực tế, Nhà nước đã tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn của ngân hàng với mức lãi suất phù hợp, các hộ nông dân nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh. Hoặc nhân dân vay, mượn của nhau để tiêu dùng cho những việc cần thiết trong gia đình hoặc để kinh doanh là việc làm phổ biến và có ý nghĩa cần được Nhà nước khuyến khích.
1. Những vấn đề lý luận chung của hợp đồng vay tài sản
1.1. Khái niệm hợp đồng vay tài sản
Theo Từ điển Tiếng Việt thì vay là hoạt động nhận tiền hay vật gì của người khác để chi dùng trước với điều kiện sẽ trả tương đương hoặc có thêm phần lãi. Dưới góc độ tín dụng thì: “Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi” (khoản 16 Điều 4 Luật các tổ chức tính dụng năm 2010).
Dưới góc độ dân sự thì: Theo giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập 2 của Trường Đại học Luật Hà Nội: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên cho vay giao cho bên vay một số tiền hoặc tài sản để làm sở hữu. Hết hạn của hợp đồng, bên vay có nghĩa vụ trả cho bên kia số tiền hoặc hiện vật tương đương với tiền hoặc vật đã vay, đồng thời trả thêm một số lợi ích vật chất nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định (1).
Theo Điều 463 BLDS 2015: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định (2).
Trên cơ sở các quan điểm trên, tác giả cũng đưa ra quan điểm của mình về Hợp đồng vay tài sản: Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng dân sự thông dụng, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả cho bên cho vay thì bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định (3).
1.2. Đặc điểm của hợp đồng vay tài sản
Thứ nhất, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng ưng thuận hoặc hợp đồng thực tế.
Pháp luật không quy định cụ thể về thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng vay tài sản, liên quan đến vấn đề này, thực tiễn đã có nhiều quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng ưng thuận. Theo quan điểm của TS. Nguyễn Mạnh Bách: “Hiệu lực của hợp đồng vay tài sản không lệ thuộc vào sự giao tài sản, hợp đồng vay được thành lập khi có sự thỏa thuận của hai bên và có hiệu lực ngay từ lúc đó, bên cho vay có nghĩa vụ giao tài sản cho bên vay. Với lập lập này, TS. Nguyễn Mạnh Bách khẳng định hợp đồng vay tài sản là hợp đồng ưng thuận.
Quan điểm thứ hai cho rằng, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng thực tế. ThS. Nguyễn Hữu Chính lập luận: “Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng thực tế, trong hợp đồng vay tài sản thì việc thể hiện ý chí của các chủ thể chỉ là điều kiện cần, muốn hợp đồng có hiệu lực pháp luật, thì các bên phải tiến hành chuyển giao tiền hoặc vật cho nhau, đó là điều kiện đủ”.
Theo quan điểm của cá nhân tác giả thì: “Hợp đồng vay tài sản có thể là hợp đồng ưng thuận cũng có thể là hợp đồng thực tế tùy từng trường hợp cụ thể, điều này tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên (bên vay và bên cho vay) cũng như hình thức của hợp đồng vay.
Thứ hai, Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng đơn vụ hoặc song vụ
Xét về nguyên tắc, hợp đồng cho vay là đơn vụ đối với những trường hợp vay không có lãi suất, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải hoàn trả vật cùng loại tương ứng với số lượng, chất lượng của tài sản cho bên cho vay. Bên  vay không có quyền đối với bên cho vay. Tuy nhiên, đối với hợp đồng cho vay có lãi suất thì bên cho vay có nghĩa vụ chuyển tiền đúng thời hạn, nếu vi phạm phải chịu trách nhiệm dân sự.
Tức là, bên vay và bên cho vay ràng buộc nghĩa vụ đối với nhau từ thời điểm hợp đồng phát sinh hiệu lực. Do vậy, việc xác định hợp đồng vay tài sản là hợp đồng song vụ hay đơn vụ, điều đó phụ thuộc vào thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng. Vì vậy, (i) Nếu hợp đồng vay tài sản là hợp đồng thực tế, tức là hợp đồng vay có hiệu lực từ thời điểm bên cho vay chuyển giao tài sản cho bên vay thì chỉ có bên vay có nghĩa vụ trả tài sản cho bên cho vay, thì trường hợp này hợp đồng vay là hợp đồng đơn vụ; (ii) Nếu hợp đồng vay là hợp đồng ưng thuận tức là hợp đồng vay có hiệu lực từ thời điểm giao kết thì bên cho vay có nghĩa vụ chuyển giao tài sản vay, còn bên vay có nghĩa vụ trả tài sản cho bên cho vay thì trường hợp này, hợp đồng vay là hợp đồng song vụ.
Thứ ba, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù
Nếu hợp đồng vay có lãi suất là hợp đồng vay có đền bù. Khoản lãi chính là lợi ích vật chất mà bên cho vay nhận được từ hợp đồng vay. Các hợp đồng tín dụng của ngân hàng luôn được xác định là hợp đồng vay có đền bù, lãi trong hợp đồng vay do các bên thỏa thuận.
Nếu hợp đồng vay không có lãi suất là hợp đồng không có đền bù. Hợp đồng vay không có đền bù được xác lập phổ biến với những người có quan hệ thân thích, tình cảm…mang tính chất tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
Thứ tư, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng chuyển quyền sở hữu đối với tài sản từ bên cho vay sang bên vay, khi bên vay nhận tài sản. Vì vậy, bên cho vay có toàn quyền đối với tài sản vay, trừ trường hợp vay có điều kiện sử dụng.
1.3. Ý nghĩa của hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là quan hệ tương đối phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Nó có tác dụng giúp cho bên vay giải quyết những khó khăn về kinh tế trước mặt; giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn khi thiếu vốn đề sản xuất và lưu thông hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của con người, nhu cầu kinh doanh của các doanh nghiệp. Hợp đồng vay tài sản thường mang tính chất tương trợ giúp đỡ lẫn nhau để giải quyết những khó khăn tạm thời trong cuộc sống và sản xuất, kinh doanh.
Xét về mặt kinh tế, đối với bản thân các chủ thể khi tham gia giao kết hợp đồng, sẽ góp phần làm tang năng suất lao động , nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mình, bởi trong xã hội nhiều chủ thể có tài sản nhàn rỗi nhưng tạm thời chưa có nhu cầu sử dụng đến, nên họ sẽ chuyển giao cho những chủ thể khác có nhu cầu, nhờ đó bản thân họ sẽ có them khoản lợi ích, nguồn thu nhập (lãi) từ chính tài sản đó; trong khi đó, một bộ phận chủ thể khác có nhu cầu sử dụng tài sản rất lớn, song họ lại không có hoặc không có đủ tài sản để đáp ứng cho nhu cầu của mình. Vì vậy, hợp đồng vay tài sản chính là một trong những phương thức hiệu quả để các bên có thể thỏa mãn được nhu cầu của mình, chủ thể đi vay sẽ có tài sản để phát triển sản xuất, kinh doanh tăng them thu nhập cho mình và gia đình hoặc phục vụ cho mục đích sinh hoạt, tiêu dùng của bản thân, còn chủ thể cho vay sẽ có them một khoản lợi ích. Ngoài ra, việc cho vay lẫn nhau còn giúp phân phối nguồn vốn trong xã hội, gián tiếp mang lại lợi ích cho đất nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế ngày càng giàu mạnh.
Hợp đồng vay tài sản không những có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị - xã hội, thể hiện bản chất giai cấp sâu sắc. Hiện nay với chế độ xã hội chủ nghĩa, quan hệ vay tài sản lại là một phương tiện pháp lý để thực hiện quan hệ hợp tác giữa các cá nhân với nhau; giữa Nhà nước với cá nhân và pháp nhân, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giúp lưu thông hàng hóa, điều hòa nền kinh tế thị trường.
2. Quy định của pháp luật về hợp đồng vay tài sản
2.1. Đối tượng và kì hạn của hợp đồng vay tài sản
Thứ nhất, về đối tượng của hợp đồng vay tài sản
Thông thường, đối tượng của hợp đồng vay tài sản là một khoản tiền. Tuy nhiên, trong thực tế, đối tượng của của hợp đồng cho vay có thể là vàng, kim khí, đá quý hoặc một số lượng tài sản khác. Đối tượng của hợp đồng vay tài sản được chuyển từ bên cho vay sang cho bên vay, bên vay có quyền định đoạt đối với tài sản vay. Khi hết hạn của hợp đồng vay tài sản, bên vay có nghĩa vụ trả cho bên kia một tài sản khác cùng loại với tài sản đã vay hoặc số tiền đã vay.
Thứ hai, về kì hạn của hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản có thể có hoặc không có kì hạn (xác định, không xác định). Nếu hợp đồng vay tài sản không thỏa thuận về kì hạn thì hợp đồng vay tài sản được coi là không có kì hạn. Bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải thực hiện hợp đồng bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho bên vay chuẩn bị tiền hoặc tài sản khi trả, bên cho vay phải báo cho bên vay một thời gian hợp lí để thực hiện hợp đồng. Hết thời gian đó, bên vay buộc phải thực hiện nghĩa vụ của mình (Điều 469 BLDS 2015).
Nếu hợp đồng không có kì hạn thì bên vay có thể thực hiện hợp đồng vào bất cứ thời gian nào, bên cho vay không được từ chối tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ của bên vay. Xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng vay có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định trách nhiệm dân sự của các bên và thời hiệu của hợp đồng.
Đối với hợp đồng vay có kì hạn không có lãi suất, thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ khi nào, còn bên cho vay chỉ được đòi tài sản trước thời hạn nếu bên vay đồng ý.
Đối với hợp đồng vay có kì hạn và có lãi, bên vay phải trả tài sản và lãi đúng thời hạn. Nếu bên vay trả tài sản trước thời hạn thì phải trả toàn bộ lãi theo kì hạn đã thỏa thuận.
Thứ ba, hình thức của hợp đồng vay tài sản
Hình thức của hợp đồng vay tài sản có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản. Hình thức miệng thường được áp dụng trong những trường hợp như số lượng tài sản cho vay không lớn hoặc giữa các bên có mối quan hệ thân thiết. Đối với với hợp đồng cho vay bằng miệng, khi xảy ra tranh chấp, bên cho vay phải chứng minh được là mình đã cho bên vay vay một số tiền hoặc một số tài sản nhất định. Trong thực tế, nếu hình thức của hợp đồng vay tài sản bằng miệng mà có tranh chấp thì rất khó xác định quyền và nghĩa vụ của các bên. Để làm cơ sở pháp lí cho việc giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản, các bên nên kí kết hợp đồng bằng văn bản. Các bên có thể tự lập văn bản hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền các nhận văn bản đó.
2.2. Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản
Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là tỉ lệ nhất định mà bên vay phải trả thêm vào số tài sản hoặc số tiền đã vay tính theo đơn vị thời gian. Luất suất thường được tính theo tuần, tháng hoặc năm do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Căn cứ vào lãi suất, số tiền vay hoặc thời gian vay mà bên vay phải trả một số tiền nhất định (tiền lãi). Số tiền này tỉ lệ thuận với lãi suất, số tiền đã vay và thời gian vay.
Điều 468 BLDS 2015 quy định lãi suất giới hạn là 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp các bên cho vay vượt quá lãi suất quy định thì phần vượt quá không có hiệu lực, trừ trường hợp luật khác liên quan quy định khác (Luật các tổ chức tín dụng). Ví dụ: A và B thỏa thuận lãi suất 25%/năm đối với khoản tiền vay là 100.000.000đ trong thời gian 2 năm. Trường hợp này các bên đã thỏa thuận vượt quá lãi suất theo quy định, do đó, phần vượt quá là 5% không có hiệu lực. Mức lãi suất để tính trong trừng hợp này là 20%/năm; Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất nhưng không cụ thể, nếu có tranh chấp thì tính bằng 10%/năm của khoản tiền vay tương ứng với thời hạn vay.
Ngoài quy định về cách tính lãi suất trong hạn, BLDS 2015 quy định về lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn. Mặt khác, đối với khoản lãi suất chưa trả thì bên vay phải trả lãi suất bằng 50% mức lãi suất giới hạn hoặc khoản lãi chưa trả tương ứng với thời hạn chậm trả lãi. Đây là một quy định phù hợp với các quy định về nghĩa vụ trả tiền và trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ. Quy định này thúc đẩy bên vay phải thực hiện nghĩa vụ trả lãi đúng kì hạn, góp phần lành mạnh hóa thị trường tiền tệ.
Ví dụ: A cho B vay 100.000.000 đồng với lãi suất 1%/ tháng, thanh toán tiền lãi hàng tháng và thời hạn của hợp đồng vay là 12 tháng từ 01/01/2017 đến 31/12/2017. Đến hạn B chưa thanh toán cho A cả gốc lẫn lãi. 06 tháng sau là 01/07/2018, B mới thực hiện việc thanh toán. Nghĩa vụ thanh toán của B trong trường hợp này theo quy định của BLDS 2015, như sau:
Tiền nợ gốc =100.000.000 đồng.
Tiền lãi trên nợ gốc trong thời hạn hợp đồng = 100.000.000 x 1% x 12 tháng = 12.000.000 đồng.
Tiền lãi đối với khoản lãi trên nợ gốc chậm trả trong thời hạn hợp đồng = 12.000.000 x 0.83% x 6 = 5.976.000 đồng.
Tiền lãi nợ gốc quá hạn = 100.000.000 x 150% x 1% x 6= 9.000.000 đồng.
Mục đích của quy định về lãi suất trong BLDS là nhằm hạn chế việc cho vay nặng lãi, bởi nếu đặt lợi thế quyết định ý chí trong hợp đồng vay thì bên cho vay có lợi thế quyết định ý chí hơn. Việc quy định cụ thể mức lãi suất trong luật là nhằm ngăn chặn việc bên cho vay lợi dụng tình trạng khó khăn của bên vay và đưa ra một mức lãi suất không thỏa đáng.
2.3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay tài sản
Thứ nhất, đối với bên cho vay tài sản
Nếu hợp đồng vay không kì hạn, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay trả tiền và lãi (nếu có thỏa thuận) bất cứ thời gian nào nhưng phải thông báo cho bên vay một thời hạn hợp lí. Hết thời hạn đó là hết hạn của hợp đồng và bên vay không trả nợ là vi phạm về thời hạn.
Trong BLDS 2015 không đưa ra khái niệm cụ thể về kì hạn vay tài sản cũng như thời hạn vay. Vấn đề này đã được giải quyết trong Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN của Ngân hàng nhà nước về việc ban hành Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, cụ thể: “Thời hạn cho vay là một khoảng thời gian được tính từ khi khách hàng bắt đầu nhận tiền vay cho đến thời điểm trả hết nợ gốc và lãi tiền vay đã được thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng”, còn “Kì hạn trả nợ là các khoảng thời gian trong thời hạn cho vay đã được thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng mà tại cuối mỗi khoảng thời gian đó khách hàng phải trả một phần hoặc toàn bộ tiền vay cho tổ chức tín dụng”. Ví dụ: A cho B vay 500.000.000đ trong thời gian 3 năm. B cam kết số nợ trên B sẽ trả cho A thành 3 đợt: đợt 1 (sau 6 tháng kể từ thời điểm nhận tiền vay): B trả cho A: 100.000.000đ; đợt 2 (sau 12 tháng kể từ ngày thanh toán đợt 1): B trả cho A: 150.000.000đ; đợt 3: B trả cho A toàn bộ số nợ còn lại vào thời điểm kết thúc 3 năm của thời hạn vay. Như vậy, thời hạn vay trong trường hợp này là 3 năm từ thời điểm B nhận tiền cho tới khi B trả hết toàn bộ số nợ; còn kì hạn vay là các khoảng thời gian trả nợ vào các đợt 1, đợt 2 và đợt 3.
Đối với hợp đồng vay có kì hạn, khi hết hạn của hợp đồng, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải trả cho mình một số tiền, tài sản tương ứng với số tiền, tài sản đã cho vay. Ngoài ra, nếu các bên có thỏa thuận về lãi suất, bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi như đã thỏa thuận. Nếu hợp đồng cho vay có áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng bên vay không thực hiện đúng thời hạn thì bên cho vay có quyền xử lí tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Bên cho vay có nghĩa vụ giao tài sản đầy đủ, đúng số lượng, chất lượng, chủng loại như đã thỏa thuận cho bên vay. Nếu bên cho có ý lừa dối bên vay chuyển giao tài sản không bảo đảm chất lượng mà gây thiệt hại cho bên vay thì phải bồi thường.
Thứ hai, đối với bên vay tài sản
Là người cần đến sự giúp đỡ về vật chất của bên cho vay, cho nên khi đến hạn của hợp đồng, bên vay phải tự giác thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình phát sinh từ hợp đồng đã kí kết. Bên vay phải trả đủ tiền hoặc tài sản đã vay và tiền lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Nếu đối tượng hợp đồng là tài sản thì bên vay phải trả bằng tài sản cùng loại. Nếu hợp đồng cho vay không kì hạn, khi bên cho vay yêu cầu trả nợ thì bên vay phải thực hiện hợp đồng trong thời gian thỏa thuận. Bên vay cũng có thể thực hiện hợp đồng bất cứ thời gian nào, thời điểm này được coi là thời điểm chấm dứt hợp đồng cho vay không kì hạn. Trường hợp các bên có thỏa thuận về mục đích vay, bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản của bên vay có đúng mục đích như thỏa thuận hay không. Nếu sử dụng tài sản không đúng mục đích đã thỏa thuận, bên cho vay có quyền hủy hợp đồng (Điều 467 BLDS 2015).
Nếu hợp đồng có kì hạn mà bên vay trả nợ trước thời hạn thì phải trả toàn bộ nợ gốc và lãi của cả thời kỳ vay trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Bởi vì khi cho vay, bên cho vay đã xác định trong thời gian cho vay đó không sử dụng tài sản, tiền vào mục đích khác, do vậy khi trả lại tài sản thì bên cho vay chưa có kế hoạch sử dụng tài sản đó, tức là bên cho vay sẽ bị động khi bên vay trả tài sản trước thời hạn (khoản 2 Điều 470 BLDS 2015).
2.4. Về hụi, họ, biêu, phường (gọi chung là họ).
Họ là một loại giao dịch dân sự về tài sản, giao dịch được nhân dân ta sử dụng từ lâu và nó đã trở thành tập quán, thông qua hình thức góp vốn, lĩnh vốn theo phường/hội trên cơ sở một nhóm người về thời gian, số tiền hoặc tài sản khác (có thể chơi hội dưới hình thức góp tiền hoặc vàng…).  Điều 471 BLDS 2015 quy định: “1.Họ là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên; 2. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật; 3. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của pháp luật…”. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành hẳn một Nghị định hướng dẫn chi tiết cụ thể vấn đề trên đó là Nghị định số 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường.
Nguyên tắc chung của chơi họ là nhiều người (nhà con) hay còn gọi là một nhóm người (có thể là cùng cơ quan, cùng phố/xóm…) cùng tham gia một dây họ bầu ra nhà cái (người thu tiền/vàng/tài sản khác của các nhà con)b và chuyển cho người bốc họ. Hằng tháng, mỗi nhà con phải góp một số tiền nhất định cho nhà cái. lần lượt theo thứ tự bốc thăm hoặc theo thỏa thuận đến kì hạn bốc họ, một nhà con sẽ nhận một số tiền từ nhà cái, số tiền này do các nhà con khác góp họ. Theo thứ tự bốc họ, khi người cuối cùng bốc họ thì dây họ chấm dứt.
Bản chất truyền thống của góp họ là những người chơi họ tương trợ giúp đỡ lẫn nhau dưới hình thức góp họ, có thể thỏa thuận ai khó khăn hơn thì lấy trước, thành viên góp họ có được số vốn tập trung để có điều kiện kinh doanh, làm kinh tế gia đình như mở trang trại chăn nuôi hoặc sử dụng vào công việc gia đình mà cần khoản chi tiêu lớn. Những hình thức chơi họ có tính chất lành mạnh thì Nhà nước khuyến khích. Ngược lại, pháp luật cấm lợi dụng hình thức chơi họ nhằm lừa đảo hoặc biến tướng việc chơi họ để đánh bạc…Những trường hợp này, tùy theo mức độ vi phạm nặng hay nhẹ mà sẽ bị xử lí hành chính hoặc hình sự.
Như vậy, trong điều kiện kinh tế thì trường phát triển mạnh như hiện nay, nhu cầu huy động vốn trở nên vô cùng cấp bách thì hợp đồng vay tài sản được coi là công cụ pháp lí hữu hiệu để giải quyết những nhu cầu đó, đồng thời cũng là căn cứ pháp lý khi các bên xảy ra tranh chấp và thực hiện quyền khởi kiện để đảm bảo quyền lợi của mình tại Tòa án. Việc quy định chặt chẽ các nội dung về Hợp đồng vay tài sản là vô cùng cần thiết.
ThS. Đoàn Thị Ngọc Hải - Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Xem, Bộ luật Dân sự năm 2015 (từ Điều 463 đến Điều 471);
2. Xem, Trường Đại học Luật Hà Nội “Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam - Tập II”, NXB Công an nhân dân – 2017;
3. Xem, PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ - PGS. TS. Trần Thị Huệ “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015”, NXB Công an nhân dân.