Huy động vốn thông qua ICO, STO, IEO, IDO – Cơ hội và thách thức pháp lý

02/10/2019

CMCN 4.0 góp phần tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới trong một không gian rộng mở xóa nhòa khoảng cách thế giới thực và không gian mạng. Nhu cầu hiện thực hóa các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh sáng tạo vào cuộc sống gặp phải rất nhiều khó khăn do sự chưa sẵn sàng của khung pháp lý hiện tại. Nhiều mô hình kinh doanh mới, nhiều khái niệm mới chưa được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành, dẫn đến cản trở đổi mới sáng tạo. Hiện nay, hành lang pháp lý cho công ty thông thường đã có, nhưng pháp lý riêng cho công ty khởi nghiệp sáng tạo thì đang còn là khoảng trống. Một công ty khởi nghiệp sáng tạo nếu muốn huy động vốn qua các kênh thông thường, ví dụ, vay vốn ngân hàng sẽ rất khó thực hiện được. Vì vậy, có thể cân nhắc các phương thức huy động vốn từ các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, hay gọi vốn qua ICO, STO, IEO,…Tuy nhiên, khung pháp lý hiện tại lại chưa sẵn sàng cho các hình thức gọi vốn này.
1. Nắm bắt sự phát triển
 ICO, STO, IEO hay thậm chí IDO là những công cụ để gọi vốn cho các start-up trong lĩnh vực công nghệ. Giai đoạn vừa qua, ICO (là hình thức gọi vốn qua phát hành tiền điện tử) đã bộc lộ nhiều hạn chế, dẫn đến sự phát triển của STO (các dịch vụ mã thông báo chứng khoán) và IEO (hình thức gọi vốn qua sàn giao dịch). Cộng đồng tiền điện tử đã chứng kiến ​​sự thay đổi mang tính chiến lược trong các xu hướng gọi vốn: Xu hướng gọi vốn dường như phát triển đa dạng hơn hàng năm. Năm 2017 có thể nói là sự bùng nổ của các hình thứ gọi vốn ICO, sau đó cuối năm 2018 là sự nhộn nhịp của STOs, 2019 là sự gia tăng của IEO khi có một làn sóng mới cho các doanh nghiệp crypto khi ra mắt token của họ.
Kể từ khi hoạt động ICO đầu tiên được thực hiện năm 2013, kênh huy động này đã giúp các startup huy động được hàng tỷ USD (riêng trong năm 2017 con số vốn huy động được thông qua ICO là 1,6 tỷ USD; tháng 8/2017, dự án Filecoin huy động được 252 triệu USD chỉ sau hơn 30 phút mặc dù chỉ mở cửa cho các nhà đầu tư được chứng nhận, không mở cửa cho các nhà đầu tư đại trà. Nhà đầu tư nhận được token Filecoin và sau đó có thể đổi sang các loại tiền tệ khác.[1] Năm 2018 đã có ​​1253 đợt ICOs với số vốn huy động được khoảng 8 tỷ USD[2]). Nếu như trong IPO (hoạt động thường được đem ra so sánh với ICO), công ty sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và các nhà đầu tư sẽ được quyền sở hữu cổ phiếu của công ty, thì trong ICO nhà đầu tư sẽ nhận về đồng tiền kỹ thuật số được phát hành dựa trên ứng dụng blockchain. Đồng tiền kỹ thuật số (hay còn gọi là tiền mã hóa) này cũng chính là loại tiền tệ được sử dụng trong dự án mà nhà đầu tư tài trợ, đồng thời nó còn có thể được giao dịch như một loại tài sản đầu cơ mà nhà đầu tư thường hi vọng đồng tiền số sẽ tăng giá khi dự án thành công. Điểm khác biệt lớn thứ hai giữa ICO và IPO là trong khi IPO chịu sự kiểm soát tương đối chặt chẽ của Ủy ban chứng khoán thì sự kiểm soát dành cho ICO lại “lỏng lẻo” hơn[3]. Nếu trước khi IPO  công ty phải công bố bản cáo bạch đã được kiểm toán thì các nhà phát hành trong ICO chỉ cần đưa ra “white paper” – bản báo cáo miêu tả tham vọng phát triển của dự án.
Tiếp theo, cuối năm 2018, khi ICO trở nên tai tiếng với nhiều vụ lừa đảo thì STO được cho là sẽ trở thành bước tiến tiếp theo của ICO. Tuy nhiên, dù STO được hỗ trợ bởi tài sản thực, nhưng rào cản gia nhập cao vì việc huy động vốn thông qua STO được quản lý chặt chẽ tương tự như với IPO.
Năm 2019, xu thế gọi vốn thông qua IEO. IEO được phối hợp bởi một sàn giao dịch tiền điện tử thay mặt cho một công ty khởi nghiệp đang tìm cách gọi vốn. Đổi lại cho các dịch vụ của họ, các startup phải trả phí niêm yết và tỷ lệ phần trăm token được bán trong IEO. Do đó, mối quan hệ giữa trao đổi và khởi nghiệp trở nên cộng sinh khi các sàn giao dịch được khuyến khích để giúp các công ty khởi nghiệp tiếp thị và quảng bá. IEO chỉ là các ICO với một lớp can thiệp và quy định mới nhằm đảm bảo giá trị và rủi ro thấp hơn cho người tham gia. Mặt khác, STO có rào cản gia nhập cao đến mức chúng trở nên không khả thi đối với hầu hết các dự án. Ngoài ra, các nhà đầu tư trung bình hiện đang khôn ngoan hơn về các rủi ro liên quan và cần có sự kiểm tra chặt chẽ hơn so với một vài năm trước. Tuy nhiên, IEO đã được chứng minh là một giải pháp trung gian  hợp lý giữa cấu trúc tự do của ICO và cấu trúc quản lý chặt chẽ của STOs.[4]
Tiếp theo STO, giới công nghệ đang dự đoán IDO có thể là bước tiến sau IEO. Intial DEX offering (IDO) tương tự như IEO ngoại trừ việc IDO được thực hiện trên các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) trong khi IEO được thực hiện trên các sàn tập trung. Vài tháng trước, Raven Protocol (RAVEN) đã tiến hành IDO trên Binance DEX.
Như vậy, từ phương thức đến quy mô gọi vốn có sự thay đổi nhanh chóng hàng năm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, dù các phương thức gọi vốn của các startup công nghệ trên thế giới đã đi từ ICO > STO > IEO > IDO, thì khung pháp lý hiện nay vẫn chưa có bất kỳ quy định pháp luật nào quy định về việc gọi vốn thông qua các phương thức này (ICO, STO, IEO, IDO). Gọi vốn thông qua ICO, STO, IEO, IDO hay mô hình sàn giao dịch tài sản số hiện nay vẫn đang có khoảng trống pháp lý.
Vì vậy, làm thế nào để nhà quản lý và hành lang pháp lý có thể theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các hình thức gọi vốn cho các startup công nghệ thời 4.0? Và trong khi chờ khung pháp lý, chờ các nhà quản lý thì đã có một làn sóng ra nước ngoài khởi nghiệp âm thầm diễn ra.
2. Doanh nghiệp Fintech startup ngoài biên giới Việt
Có một hiện tượng đáng chú ý là doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, do đội ngũ người Việt sáng lập ra nhưng lại đăng ký kinh doanh tại Singapore, là thực tế của nhiều startup hiện nay[5]. Trên thực tế, với nhiều chính sách ưu đãi như thủ tục mở công ty đơn giản, miễn giảm thuế trong các năm đầu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài mở công ty ở sở tại, hệ sinh thái khởi nghiệp linh động với cơ chế cho phép áp dụng Sandbox, cơ hội gọi vốn và vươn ra thế giới dễ dàng hơn,...Singapore đang trở thành điểm dừng chân của các startup ngoại, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, nhiều startup, bằng cách này hay cách khác đang thành lập công ty ở Singapore nhưng đội ngũ chủ chốt vẫn ở Việt Nam. Các công ty tại Singapore chỉ được dùng làm đại diện pháp nhân, với văn phòng rất nhỏ và nhân sự rất ít để tiết kiệm chi phí tối đa, mọi công việc khác thực tế đều do nhân sự tại Việt Nam đảm trách. Tất nhiên, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu hay thống kê chính thức nào về số lượng các startup Việt Nam đăng ký thành lập ở đảo quốc sư tử, dù xu hướng này đã xuất hiện từ những năm 2015, 2016. Bên cạnh Singapore, các startup Việt Nam còn tìm đến một số quốc gia khác trong khu vực như Philippines, Thái Lan... để lập công ty nhưng đây vẫn là vấn đề đáng suy ngẫm.[6]
Một ví dụ, Kyber Network (doanh nghiệp thành lập tại Singapore do người Việt là Giám đốc điều hành và Người đồng sáng lập) bắt đầu tiến hành ICO vào ngày 22/9/2017 tại Singapore, chỉ sau vài giờ đồng hồ dự án này đã huy động được 200.000 ETH tương đương với khoảng 52 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ VNĐ). Điều này đã đưa KyberNetwork trở thành thương vụ gọi vốn lớn nhất trong lịch sử Startup của Việt Nam và ngang hàng với 10 công ty khởi nghiệp hàng đầu thế giới về số tiền được huy động năm 2017.[7]
3. Tại sao Việt Nam rất cần Sandbox trong thời điểm hiện nay?
Sự thành công từ Anh quốc, Thụy sĩ, Trung quốc, Hà lan, Adu Dhabi, Malay, Hongking, Úc, Canada, Singapore, Brazin, … với hơn 50 quốc gia đã và đang phát triển Regulatory Sanbox cho thấy, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giảm hoặc bỏ các rào cản pháp lý, hay tạo mới quy định phù hợp thì Regulatory Sandbox là một hướng đi cần thiết và phù hợp nhất.
Bản đồ trên thế giới về Regulatory Sandbox[8] đang ngày càng được bôi màu kín dần. Việt Nam không thể chậm chân vì thực tế, các hoạt động liên quan đổi mới sáng tạo, mô hình kinh tế mới vẫn diễn ra hằng ngày tại Việt nam, nhưng nhiều doanh nghiệp phải “tị nạn” sang các nước để đăng ký kinh doanh, hoặc vẫn ở Việt nam nhưng hoạt động với hình thức khác. Tại Việt nam, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo khởi nghiệp đứng thứ ba châu Á với trên 3000 doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp, lớn hơn con số đó đã ra nước ngoài đăng ký như sang Malaysia, Singapore, Malta, Hongkong hay nhiều nước khác ở châu Âu. Lý do đơn giản là sự sẵn sàng của hệ thống pháp luật nước sở tại. Ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã thiết lập cơ chế Regulatory sandbox để tạo không gian cho đổi mới sáng tạo được thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ hay mô hình mới của mình. Sự ảnh hưởng xã hội, kinh tế ngày càng tăng từ các cộng đồng khởi nghiệp với quy mô vốn hóa và ảnh hưởng dân chúng, đòi hỏi sự tham gia ngay của chính phủ.[9]
Do đó, trong khi chờ các văn bản chính thức được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung ở tầm Luật thì Việt Nam có thể xem xét xây dựng khung pháp lý theo cơ chế Sandbox (xem xét ban hành dưới dạng Nghị định). Dưới góc độ pháp lý, có thể định nghĩa một cách khái quát nhất về Sandbox như sau:
Sandbox là tạo ra một không gian thuận lợi với khung chính sách pháp lý riêng (nằm ngoài hoặc vượt khung pháp lý hiện tại) để tiến hành thử nghiệm những khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới. Theo đó, Regulatory sandbox - “khung pháp lý thí điểm” là một cách tiếp cận mới và khá linh hoạt trong kỹ thuật lập pháp, cho phép thử nghiệm trực tiếp, giới hạn thời gian của các đổi mới dưới sự giám sát điều chỉnh. Sandbox cho phép thử nghiệm trong môi trường thực tiễn, nhưng có phạm vi và thời gian xác định, cùng với các biện pháp bảo vệ thích hợp để ngăn chặn bất kỳ hậu quả nào của sự thất bại mà không ảnh hưởng quá nhiều đến hệ thống tài chính quốc gia. Hết thời hạn thử nghiệm, nếu doanh nghiệp khởi nghiệp và đi vào hoạt động thành công, thì sẽ phải thoát ra khỏi khung pháp lý Sandbox và hoạt động theo khung pháp luật hiện hành.
Đối tượng điều chỉnh của Regulatory sandbox thường là các sản phẩm tài chính sáng tạo, sản phẩm ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Những “khung pháp lý thử nghiệm” Sandbox áp dụng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có ứng dụng công nghệ (fintech, blockchain,…) hay doạnh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế mới (kinh tế chia sẻ) sẽ được tiến hành trong một không gian và thời gian được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, thử nghiệm Sandbox cũng có thể thất bại, nên việc cho phép thử nghiệm Sandbox cần đi kèm với các biện pháp bảo vệ thích hợp để bảo vệ cho hệ thống tài chính quốc gia.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hình thành cơ chế quản lý thử nghiệm, phổ biến nhất là yêu cầu xúc tiến cạnh tranh và nâng cao hiệu quả trên các thị trường dịch vụ tài chính thông qua các sáng kiến đổi mới. Với kinh nghiệm và trình độ quản lý hiện nay ở Việt Nam, cơ chế thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế (Sandbox) cũng có thể là một gợi ý đáng tham khảo.
- Fintech nói chung và các khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ Blockchain, Cryptocurrency cũng đang rất cần Regulatory sandbox. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ/Ban/Ngành hình thành các nhóm nghiên cứu về mô hình Sandbox, các nhóm này cần kết hợp với các đơn vị nghiệp vụ để đề xuất bài toán cụ thể, ví dụ ngành Ngân hàng cho các bài toán huy động vốn dùng công nghệ hay Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, các công ty chứng khoán cho các bài toán về sàn giao dịch…
- Với khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ hỗ trợ các trung tâm tư vấn, vườn ươm khởi nghệp. Với các hoạt động đầu tư, hành lang pháp lý Sandbox cho phép các nhà khởi nghiệp thuận lợi đăng ký, tiếp cận nguồn vốn, đồng thời bảo vệ nhà đầu tư, tạo môi trường hoạt động lành mạnh, tránh các hệ lụy ngoài mong muốn cũng như vi phạm pháp luật trong hoạt động Fintech.
- Đồng thời, Chính phủ cũng có thể nghiên cứu xây dựng những "đặc khu công nghệ", "đặc khu đổi mới sáng tạo" với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệp.
- Trong giai đoạn trước mắt, Việt Nam có thể xây dựng Sandbox cho các hình thức gọi vốn cho doanh nghiệp thông qua sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số, có điểm tương đồng với IPO của chứng khoán, có thể dùng pháp luật chứng khoán và quản lý ngoại hối để quản lý, kiểm soát và thúc đẩy hoạt động này.
Như vậy, các starup có thể thực hiện hoạt động huy động vốn từ nguồn tiền của các nhà đầu tư trên thị trường thông qua việc chào bán các token trên nền tảng blockchain, tỷ lệ sở hữu token tương ứng với quyền lợi của nhà đầu tư đối với dự án. Hoạt động này khá giống với hoạt động huy động vốn, gọi vốn từ phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO), các token được phát hành có chức năng giống chứng khoán, có vai trò như một loại giấy tờ có giá trị hứa hẹn đem lại lợi tức cho nhà đầu tư. Bởi vậy, Ủy ban Chứng khoán có thể xem xét được giao trách nhiệm quản lý việc phát hành tài sản số, quản lý cấp giấy phép kinh doanh các hoạt động liên quan tới tài sản số. Cũng cần lưu ý, việc huy động vốn theo hình thức này chỉ được phép phát hành cho các nhà đầu tư đáp ứng đủ các điều kiện do Ủy ban Chứng khoán ban hành (không huy động và phát hành đại trà).
TS. Chu Thị Hoa – Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
 
 
 

[1] Giải mã các vụ ICO - nơi 1 startup có thể gọi vốn trăm triệu USD chỉ trong 30 phút, http://cafef.vn/giai-ma-cac-vu-ico-noi-1-startup-co-the-goi-von-tram-trieu-usd-chi-trong-30-phut-20170913142246471.chn
[2]
IEO, ICO, STO và bây giờ là IDO – Đâu là cách gọi vốn cho các công ty Crypto vào năm 2019?https://www.tapchibitcoin.vn/ieo-ico-sto-va-bay-gio-la-ido-dau-la-cach-goi-von-cho-cac-cong-ty-crypto-vao-nam-2019.html

[3] Tháng 8/2017, Ủy ban chứng khoán và hối đoái Mỹ đã thông báo hoạt động ICO nên được coi là hoạt động phát hành chứng khoán và do đó cần phải được kiểm soát chặt chẽ như hoạt động IPO. Riêng tại Singapore, hoạt động ICO sẽ được chia thành 02 loại, nếu là phát hành xu token dưới dạng chứng khoán thì sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật chứng khoán và quản lý ngoại hối; nếu là phát hành token tiện ích thì sẽ được hoạt động theo khung pháp lý thí điểm Sandbox.
[4] IEO, ICO, STO và bây giờ là IDO – Đâu là cách gọi vốn cho các công ty Crypto vào năm 2019?https://www.tapchibitcoin.vn/ieo-ico-sto-va-bay-gio-la-ido-dau-la-cach-goi-von-cho-cac-cong-ty-crypto-vao-nam-2019.html
[5] Startup Việt “chạy” sang Singapore khởi nghiệp: Nên mừng hay lo? http://cafebiz.vn/startup-viet-chay-sang-singapore-khoi-nghiep-nen-mung-hay-lo-20190414075401574.chn; truy cập 18/6/2019.
[9] Đặng Văn Phúc, Chu Thị Hoa “Một số gợi ý về xây dựng Sandbox cho Việt Nam”, Tạp chí Thông tin Truyền thông 8/2019.