Quy định của pháp luật về thông tin môi trường và tác động đến việc thực thi pháp luật

23/09/2019
Hiện nay, môi trường là vấn đề nóng của toàn nhân loại. Khí hậu ngày càng khắc nghiệt và khó dự báo hơn, mưa bão, lũ quét thất thường, suy thoái đất, nước, suy giảm nguồn tài nguyên rừng, ô nhiễm môi trường xảy ra trên diện rộng… Đó là các vấn đề về môi trường mà toàn nhân loại đã và đang đối mặt. Con người đã tác động quá nhiều đến môi trường, khai thác đến mức cạn kiệt các nguồn tài nguyên, thải nhiều chất độc làm cho môi trường không còn khả năng tự phân hủy. Ở nước ta, để hạn chế được các rủi ro đó, thông tin môi trường là một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt hiện nay, trong đó, thông tin môi trường có tác động mạnh mẽ đến việc thực thi các quy định của pháp luật về môi trường của cộng đồng dân cư. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ tập trung phân tích, đánh giá các quy định về thông tin môi trường và tác động của vấn đề thông tin môi trường đến thực thi pháp luật môi trường ở Việt Nam hiện nay.
1. Quy định của pháp luật về thông tin môi trường
Thông tin môi trường là số liệu, dữ liệu về môi trường dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự (khoản 29 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2014). Khái niệm thông tin môi trường lại được cụ thể hóa trong Điều 128 Luật Bảo vệ môi trường 2014. Theo điều luật này thì thông tin môi trường bao gồm: Số liệu, dữ liệu về thành phần môi trường, các tác động đối với môi trường, chính sách, pháp luật về môi trường, hoạt động bảo vệ môi trường (xem Điều 129 Luật Bảo vệ môi trường 2014). Hai khái niệm này tuy có sự khác nhau về câu chữ song bản chất không có sự thay đổi. Khái niệm theo Điều 128 Luật Bảo vệ môi trường mang tính chi tiết hơn, rõ ràng hơn và phù hợp với yêu cầu quản lý, bảo vệ môi trường trong đời sống xã hội.
Thông tin môi trường hiện nay được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Nghị định số 19/2015 ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 73/2017 ngày 14/6/2017 của Chính phủ về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường... với một số nội dung cơ bản như sau:
1.1. Thu thập thông tin môi trường
- Thu thập thông tin môi trường được thực hiện thông qua nhiều cách thức khác nhau, song chủ yếu thông qua quan trắc môi trường. Quan trắc môi trường là quá trình theo dõi có hệ thống về thành phần môi trường, các yếu tố tác động lên môi trường nhằm cung cấp thông tin đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu đối với môi trường (khoản 21 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014).
Hoạt động quan trắc môi trường được tập trung vào các thành phần môi trường và chất phát thải sau: Môi trường nước (gồm nước mặt lục địa, nước dưới đất, nước biển); Môi trường không khí (gồm không khí trong nhà, không khí ngoài trời); Tiếng ồn, độ rung, bức xạ, ánh sáng; Môi trường đất, trầm tích; Phóng xạ; Nước thải, khí thải, chất thải rắn; Hóa chất nguy hại phát thải và tích tụ trong môi trường; Đa dạng sinh học.
Các cơ quan nhà nước, tổ chức cá nhân liên quan có  trách nhiệm thực hiện quan trắc môi trường gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động quan trắc môi trường trên phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường quốc gia; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả quan trắc môi trường; Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện chương trình quan trắc phát thải và các thành phần môi trường; báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Quan trắc môi trường được thực hiện với các trương trình và hệ thống nhất định: Chương trình quan trắc môi trường quốc gia gồm chương trình quan trắc môi trường lưu vực sông và hồ liên tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm, môi trường xuyên biên giới và môi trường tại các vùng có tính đặc thù; Chương trình quan trắc môi trường cấp tỉnh gồm các chương trình quan trắc thành phần môi trường trên địa bàn; Chương trình quan trắc môi trường của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm quan trắc chất phát thải và quan trắc các thành phần môi trường theo quy định của pháp luật. Hệ thống quan trắc môi trường gồm: Quan trắc môi trường quốc gia; Quan trắc môi trường cấp tỉnh; Quan trắc môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Hệ thống quan trắc môi trường phải được quy hoạch đồng bộ, có tính liên kết, tạo thành mạng lưới thống nhất và toàn diện.
- Sau khi có kết quả quan trắc môi trường, các cơ quan nhà nước và tổ chức liên quan phải quản lý số liệu quan trắc theo quy định sau: Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý số liệu quan trắc môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc môi trường; công bố kết quả quan trắc môi trường quốc gia; hướng dẫn nghiệp vụ và hỗ trợ kỹ thuật quản lý số liệu quan trắc môi trường; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý số liệu quan trắc môi trường và công bố kết quả quan trắc môi trường của địa phương; Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quản lý số liệu quan trắc môi trường và công bố kết quả quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật.
- Ngoài hình thức thu thập thông tin môi trường qua quan trắc môi trường thì cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân còn có thể thu thập thông tin môi trường thông qua các hoạt động điều tra xã hội học, phỏng vấn, khảo sát về môi trường hoặc từ các hoạt động khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực môi trường, vv.. Tuy nhiên những thông tin này chỉ mang tính thứ cấp và cũng thường có nguồn gốc từ kết quả quan trắc môi trường, song việc thu thập, đánh giá tính chính xác của các thông tin từ phương pháp thu thập này rất quan trọng, vì đó có thể là căn cứ quan trọng cho việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật môi trường, giải quyết tranh chấp môi trường.
1.2. Cơ sở dữ liệu thông tin môi trường
Sau khi thu thập thông tin môi trường các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin môi trường dưới các dạng khác nhau, nhưng chủ yếu là dưới hai loại: Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia, báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh. Bộ Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 05 năm một lần; hằng năm lập báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo hiện trạng môi trường của địa phương 05 năm một lần; căn cứ những vấn đề bức xúc về môi trường của địa phương, quyết định lập báo cáo chuyên đề về môi trường;  Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn công tác lập báo cáo hiện trạng môi trường.
Báo cáo hiện trạng môi trường có nội dung cơ bản gồm: Tổng quan về tự nhiên, kinh tế, xã hội; Các tác động môi trường; Hiện trạng và diễn biến các thành phần môi trường; Những vấn đề bức xúc về môi trường và nguyên nhân; Tác động của môi trường đối với kinh tế, xã hội; Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật và các hoạt động bảo vệ môi trường; Dự báo thách thức về môi trường; Phương hướng và giải pháp bảo vệ môi trường.
Bên cạnh hai loại báo cáo trên thì hàng năm Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh còn tổ chức lập các báo cáo chuyên đề đối với từng thành phần môi trường như: Báo cáo hiện trạng tài nguyên nước, báo cáo hiện trạng tài nguyên đất, báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học,vv… đây cũng là những cơ sở dữ liệu thông tin môi trường rất quan trọng, làm cơ sở cho việc quản lý và bảo vệ môi trường.
Cùng với các cơ quan nhà nước thì các tổ chức kinh doanh như: Chủ dự án đầu tư, người quản lý khu sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung,... cũng phải xây dựng các báo cáo chứa đựng các thông tin môi trường trong hoạt động của mình như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo về sự cố môi trường trong quá trình hoạt động,... các báo cáo này cung cấp các thông tin môi trường cũng rất quan trọng để cơ quan nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý về môi trường trong hoạt động kinh doanh, mặt khác nó còn là cơ sở để các doanh nghiệp, các chủ dự án tự thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.
1.3. Cung cấp thông tin môi trường
Cung cấp thông tin môi trường được thực hiện để đảm bảo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như tổ chức, cá nhân liên quan nhận được những báo cáo chính thức về thông tin môi trường thuộc đối tượng bị quản lý hoặc đối tượng có ảnh hưởng đời sống cộng đồng, qua đó đảm bảo hiệu quả công tác bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ quyền lợi của cộng đồng dân cư. Cung cấp thông tin môi trường được thực hiện bằng các phương thức cụ thể sau đây:
a. Cung cấp thông tin môi trường cho cơ quan nhà nước
- Chủ thể kinh doanh có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới môi trường phải cung cấp thông tin môi trường cho cơ quan nhà nước: Tổ chức, cá nhân quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường có trách nhiệm báo cáo thông tin môi trường trong phạm vi quản lý của mình với cơ quan quản lý về môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng cung cấp thông tin môi trường cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh như trên thì có trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường liên quan đến hoạt động của mình cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.
- Các bộ, ngành cung cấp thông tin môi trường cho Bộ Tài Nguyên và môi trường: Bộ, ngành hằng năm có trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý cho Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định ở Điều 130  Luật bảo vệ môi trường 2014.
- Cơ quan cấp dưới báo cáo công tác bảo vệ môi trường (có chứa đựng nhiều thông tin môi trường) cho cơ quan cấp trên và cơ quan quyền lực địa phương như sau: Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn; Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn; Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác bảo vệ môi trường; Bộ, ngành báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ, Quốc hội về công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước (Điều 134 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).
b. Cung cấp thông tin môi trường công khai cho mọi đối tượng
Thông tin môi trường phải được công khai gồm: Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Thông tin về nguồn thải, chất thải, xử lý chất thải; Khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; Các báo cáo về môi trường; Kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường. Các thông tin này mà thuộc danh mục bí mật nhà nước thì không được công khai (Điều 131 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014).
Đặc biệt đối với danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường là những vấn đề rất được Nhà nước và nhân dân quan tâm nên cần phải được công khai một cách nhanh chóng, kịp thời. Pháp luật môi trường có quy định khá rõ về vấn đề này. Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và biện pháp xử lý sau khi phê duyệt được gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở có hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau 05 ngày kể từ ngày phê duyệt. Sau khi nhận được quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đăng tải thông tin về cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường cho đến khi cơ sở được chứng nhận đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Sau khi nhận được quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm đăng tải thông tin về cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại địa bàn trên trang thông tin điện tử của tỉnh, trên các phương tiện thông tin đại chúng cho đến khi cơ sở được chứng nhận đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường; đồng thời phổ biến quyết định phê duyệt danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cơ sở có hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng biết. Sau khi nhận được quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm: Đăng tải thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang hoạt động trên địa bàn phải thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên trang thông tin điện tử của địa phương cho đến khi cơ sở được chứng nhận đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường; đồng thời phổ biến quyết định phê duyệt danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở có hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng biết; Thông tin thường xuyên về việc cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn phải thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên hệ thống truyền thanh của địa phương. Sau khi nhận được quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm: Niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang hoạt động trên địa bàn phải thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thông báo thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang hoạt động trên địa bàn phải thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tới các thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố và tương đương, các tổ chức chính trị - xã hội của xã để biết và phối hợp giám sát việc thực hiện (Điều 36 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP).
c. Cung cấp thông tin môi trường cho cộng đồng dân cư
- Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền yêu cầu chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường thông qua đối thoại trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức tìm hiểu thực tế về công tác bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thu thập, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp. Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với cơ sở. Đại diện cộng đồng dân cư có quyền tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện các yêu cầu của đại diện cộng đồng dân cư theo quy định tại Điều 146 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (Điều 146 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014).
- Để làm rõ về quyền được cung cấp thông tin của cộng đồng dân cư, Nghị định 19/2015/NĐ-CP có quy định chi tiết việc cung cấp thông tin môi trường cho cộng đồng dân cư như sau: Thông tin môi trường được cung cấp định kỳ ít nhất một năm một lần bao gồm: Các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường;Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, địa phương; các báo cáo chuyên đề về môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường xây dựng và công bố; Danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các khu vực môi trường bị ô nhiễm, bị suy thoái nghiêm trọng; khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường lập và công bố; Danh sách, thông tin về các nguồn thải, các loại chất thải có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường lập và công bố; Các xuất bản phẩm, ấn phẩm theo chuyên đề về môi trường, tài liệu truyền thông về môi trường và các vấn đề liên quan; Kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn dân cư; Hoạt động bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn dân cư; Giấy phép liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn dân cư (xem Điều 51 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP).
- Đặc biệt với quản lý chất thải nguy hại là một hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nên pháp luật đã có những quy định kiểm soát thông tin môi trường trong lĩnh vực này với yêu cầu rất nghiêm ngặt đó là người quản lý chất thải nguy hại phải: Tổ chức xây dựng và vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về chất thải nguy hại; tổ chức, hướng dẫn việc triển khai đăng ký chủ nguồn thải, kê khai chứng từ chất thải nguy hại và báo cáo quản lý chất thải nguy hại trực tuyến; tổ chức việc tăng cường sử dụng hệ thống thông tin hoặc thư điện tử để thông báo, hướng dẫn, trao đổi với tổ chức, cá nhân trong quá trình cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Cập nhật cơ sở dữ liệu về chất thải nguy hại và triển khai đăng ký chủ nguồn thải, kê khai chứng từ chất thải nguy hại, báo cáo quản lý chất thải nguy hại trực tuyến tại địa phương; tăng cường sử dụng hệ thống thông tin hoặc thư điện tử trong quá trình đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại (xem khoản 3 Điều 13, khoản 2 Điều 14 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP).
2. Một số vướng mắc, bất cập của pháp luật về thông tin môi trường
Như vậy, qua nghiên cứu hệ thống các quy phạm pháp luật về thông tin môi trường ở Việt Nam hiện nay, có thể thấy, những quy định này cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về quản lý thông tin nhằm bảo vệ môi trường trong thực tế, tuy nhiên pháp luật trong lĩnh vực này vẫn một số nhiều bất cập đó là:
Thứ nhất, như đã phân tích ở trên, khái niệm thông tin môi trường được quy định ở hai điều luật của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 nhưng giữa hai điều này chưa có sự thống nhất về khái niệm thông tin môi trường (khoản 29 Điều 3 và khoản 1 Điều 128) dẫn đến tình trạng có nhiều cách hiểu khác nhau trong việc xác định bản chất của vấn đề thông tin môi trường.
Thứ hai, chưa có quy định một cách tổng thể, logic về các hoạt động thông tin môi trường với tính chất là một hệ thống các hoạt động quản lý môi trường trong mối liên hệ chặt chẽ với nhau, dẫn đến việc hiểu cũng như vận dụng những quy định này trong thực tế rất rời rạc và không khả thi (các điều từ Điều 121 đến 138 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014).
Thứ ba, chưa có quy định, hướng dẫn về hoạt động của cộng đồng dân cư trong việc yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh cung cấp thông tin môi trường theo yêu cầu thông qua đối thoại trực tiếp, dẫn đến tình trạng khi cộng đồng dân cư yêu cầu cung cấp thông tin môi trường của doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng thì thường bị chuyển hóa thành biểu tình, gây mất trật tự an ninh... Hệ lụy của vấn đề này là người dân không được bảo vệ quyền lợi hợp pháp, doanh nghiệp thì coi thường lợi ích của cộng đồng. Đây là một tiền lệ xấu cho hoạt động bảo vệ môi trường, bảo đảm dân chủ ở nước ta, ví dụ như vụ Formosa với sự biểu tình đòi quyền lợi của nhiều người dân không được coi là hợp pháp, bởi thiếu cơ chế thực hiện quyền đối thoại trực tiếp nhằm cung cấp thông tin môi trường.
Thứ tư, trong Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 có quy định các trường hợp cơ quan nhà nước có quyền từ chối cung cấp thông tin trong trường hợp ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan. Quy định này rất khó xác định cụ thể và liệu nó có ngăn cản quyền được tiếp cận thông tin của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư (điểm đ khoản 1 Điều 128 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016).
3. Tác động của vấn đề thông tin môi trường đến việc thực thi pháp luật
Để người dân và doanh nghiệp nắm rõ các quy định về thông tin môi trường, thời gian qua, Sở Tài nguyên và môi trường các tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động công khai, minh bạch thông tin với nhiều nội dung từ giá đất, hiện trạng sử dụng đất, quan trắc môi trường … bằng nhiều hình thức, để mọi đối tượng có thể dễ dàng tiếp cận.
Việc công khai, minh bạch đầy đủ các thông tin môi trường sẽ giúp cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, đồng thời chú trọng đổi mới hình thức thực hiện theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình địa phương.
Theo đó, các luật chuyên ngành về môi trường được quy định cụ thể về hình thức, nội dung, thời gian, địa điểm công khai các loại thông tin liên quan đến quản lý ngành. Đồng thời, các hình thức công khai được chú trọng để mọi đối tượng được tiếp cận. Các hình thức công khai, công bố thông tin như: niêm yết tại trụ sở cơ quan Nhà nước, trên internet, thông qua cổng thông tin chính thức của cơ quan Nhà nước… là hình thức được quan tâm chỉ đạo thực hiện thời gian qua.
Ví dụ: Việc công khai thông tin về đất đai trên nhiều phương tiện giúp người dân có thể truy cập được thông tin mọi lúc mọi nơi, để người dân kịp thời tìm hiểu các quy định của pháp luật về môi trường, cụ thể là về quy hoạch sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất.
Việc công khai, minh bạch các thông tin môi trường, đặc biệt là ở lĩnh vực đất đai, môi trường trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Góp phần phòng chống tham nhũng, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng.
 Hiện nay, cộng đồng dân cư có quyền được thông tin về môi trường. Đây là cơ sở để cộng đồng dân cư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như thực hiện các quyền tham vấn, giám sát, khiếu nại, tố cáo liên quan đến môi trường. Quyền này đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng như Nghị định số 19/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Tuy nhiên, theo pháp luật môi trường, cộng đồng dân cư chỉ có thể biết được thông tin môi trường bằng hai phương thức: Do Nhà nước, các chủ thể sản xuất, kinh doanh cung cấp, tuy nhiên, cộng đồng lại chỉ có thể được biết các thông tin môi trường được phép cung cấp; Do đại diện cộng đồng yêu cầu cơ quan nhà nước, cơ sở sản xuất, kinh doanh cung cấp, trong trường hợp này, cá nhân trong cộng đồng lại không có quyền trực tiếp yêu cầu mà phải qua người đại diện cộng đồng. Như vậy, quy định này đã hạn chế quyền được thông tin của cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP mặc dù đã liệt kê rõ hơn các thông tin môi trường có thể được cung cấp tại Điều 51, tuy nhiên, cách liệt kê này sẽ làm hạn chế quyền được thông tin của cộng đồng dân cư, bởi theo quy định, cộng đồng dân cư chỉ giới hạn các thông tin thuộc Danh mục bí mật Nhà nước. Mặt khác, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 còn nhiều quy định hạn chế quyền được thông tin về môi trường của cộng đồng dân cư như Điều 6 quy định nhiều thông tin công dân không được tiếp cận; hay tại Điều 28 quy định về các trường hợp từ chối cung cấp thông tin nếu thông tin được yêu cầu ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan nhà nước, từ đó, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi pháp luật về môi trường của cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước khi quyết định các chủ trương, chính sách xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường; xác lập các chỉ tiêu về môi trường, có trách nhiệm tổ chức tham vấn cộng đồng dân cư về môi trường thông qua việc công bố công khai thông tin về dự thảo văn bản trên các trang thông tin điện tử hoặc phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, thực tiễn các quy định cho thấy, thực chất việc tham vấn cộng đồng dân cư được thực hiện thông qua người đại diện của cộng đồng dân cư, còn người dân bị ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp lại ít được tham vấn. Mặc dù pháp luật hiện hành quy định kết quả tham vấn là một trong những nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), nhưng chưa quy định rõ giá trị ý kiến tham vấn của cộng đồng trong quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM, cũng như quá trình cấp phép đầu tư dự án. Điều này dẫn tới ý kiến tham vấn của người dân chưa hiệu quả, từ đó dẫn đến tình trạng người dân không hiểu rõ các thông tin về chủ trương, chính sách môi trường và do đó, hiệu quả thực thi pháp luật về môi trường không cao.
4. Một vài góp ý hoàn thiện quy định của pháp luật về thông tin môi trường
Với những hạn chế nêu trên chúng ta cần thực hiện một số giải pháp nhằm khắc phục hạn chế trong quy định pháp luật về thông tin môi trường, cụ thể:
(i)  Nên quy định lại khái niệm thông tin môi trường theo nội dung khoản 1 Điều 128 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 vì quy định như vậy sẽ chi tiết hơn, rõ ràng hơn và phù hợp với yêu cầu quản lý, bảo vệ môi trường;
(ii) Cần có sự sắp xếp, bổ sung các quy định về kiểm soát thông tin môi trường theo một hệ thống logic, thống nhất;
(iii) Quy định cụ thể về hoạt động đối thoại trực tiếp của cộng đồng dân cư để được cung cấp thông tin môi trường;
(iv) Quy định chi tiết về hình thức, thời gian cung cấp thông tin môi trường cho cơ quan nhà nước của các cơ sở kinh doanh cũng như cung cấp thông tin môi trường theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư với cơ quan nhà nước. Đồng thời, nên bỏ quy định ở điểm đ khoản 1 Điều 128 Luật Tiếp cận thông tin 2016.
Có thể thấy, mặc dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có bước tiến trong quy định về đảm bảo quyền được cung cấp thông tin của người dân, song đối với vấn đề thông tin môi trường, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu này để xây dựng cơ sở hạ tầng thống nhất thông tin về ngành tài nguyên môi trường ở cấp trung ương và địa phương nhằm vừa đảm bảo việc thống nhất quản lý, vừa tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các thông tin môi trường một cách có hệ thống và dễ dàng.
Minh Thảo