Trợ giúp pháp lý trong tư pháp hình sự

26/09/2019
 
1. Trợ giúp pháp lý trong tư pháp hình sự theo pháp luật Quốc tế và pháp luật Việt Nam
Trên thế giới, quyền trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong những quyền cơ bản của hệ thống quyền con người. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị[1] đã ghi nhận quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, chỉ định người bào chữa cho người bị phán quyết về bất kỳ sự buộc tội hình sự nào chống lại mình. Đặc biệt tại Nghị quyết số 67/187 ngày 20/12/2012 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về Nguyên tắc và những hướng dẫn về tiếp cận TGPL trong hệ thống tư pháp hình sự đã thừa nhận 14 nguyên tắc cơ bản[2], trong đó nguyên tắc quan trọng quy định TGPL như một thành tố cơ bản của một hệ thống tư pháp hình sự dựa trên nguyên tắc pháp quyền, là cơ sở cho việc thụ hưởng các quyền khác.
Tại Việt Nam, trước năm 1997 thì quyền TGPL được ghi nhận chung trong quyền bào chữa. Quyền bào chữa là quyền Hiến định được ghi nhận trong tất cả các bản Hiến pháp của nước Việt Nam trong các thời kỳ[3]. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”(khoản 4 Điều 31) và lần đầu tiên quy định: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo” (khoản 5 Điều 103).
Bộ luật tố tụng hình sự là văn bản luật quan trọng, liên quan nhiều đến hoạt động TGPL, đặc biệt lần đầu tiên quy định trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người bào chữa; cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho người thuộc diện TGPL về quyền được TGPL; nếu họ đề nghị được TGPL thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm TGPL nhà nước hoặc yêu cầu Trung tâm TGPL nhà nước cử người bào chữa nếu họ thuộc trường hợp chỉ định bào chữa (Điều 71). Đồng thời, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam cũng đã quy định quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, TGPL (điểm đ khoản 1 Điều 9).
Đặc biệt, ngày 20/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật TGPL năm 2017 với nhiều quy định mới về TGPL trong tư pháp hình sự: đối tượngTGPL được mở rộng hơn (từ 06 nhóm đối tượng lên thành 14 nhóm); trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc thông báo cho Trung tâm TGPL nhà nước tại địa phương khi người được TGPL có yêu cầu trong thời hạn Luật định (khoản 3 Điều 31); cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện cho người được TGPL được hưởng quyền TGPL, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng (Điều 41).
Nhằm hướng dẫn Luật TGPL, các Bộ luật, luật tố tụng[4], ngày 29/6/2018, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT). Thông tư là sự kế thừa các thành tựu của các Thông tư liên tịch về phối hợp TGPL trong tố tụng đã được hình thành từ năm 2007[5], khắc phục tồn tại của Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT, trên cơ sở đó thúc đẩy mạnh mẽ công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng. Đặc biệt là các quy định mới  về giải thích, thông báo, thông tin về TGPL; truyền thanh về TGPL trong các cơ sở giam giữ; khuyến khích Cơ quan điều tra, Tòa án các cấp tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL trực tại các cơ quan để người được TGPL có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ TGPL thuận lợi; thống kê vào Sổ theo dõi vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng và báo cáo về công tác phối hợp; sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương và địa phương, các ngành thành viên Hội đồng và bảo đảm kinh phí cho công tác phối hợp của các ngành…
2. Kết quả thực hiện TGPL trong tư pháp hình sự
Từ ngày 01/01/2018 đến 31/5/2019, cả nước đã thực hiện 27.868 vụ việc tham gia tố tụng (bào chữa là 15.796 vụ việc, chiếm 57%), trong đó có 16.042/27.868 vụ việc kết thúc, trong đó trợ giúp viên pháp lý thực hiện 13.292/16.042 vụ việc (chiếm 83% vụ việc), luật sư thực hiện 2.750/16.042 vụ việc (chiếm 07% vụ việc). Riêng trong năm 2018, cả nước đã thực hiện 16.882 vụ việc tham gia tố tụng, trong đó có 11.867 vụ việc kết thúc, trợ giúp viên pháp lý thực hiện 9.660/11.867 vụ việc (chiếm 81%), luật sư thực hiện 2.207/11.867 vụ việc (chiếm 09%).
Như vậy, so với số liệu vụ việc tham gia tố tụng trung bình hàng năm trong giai đoạn triển khai Luật TGPL năm 2006 (từ năm 2007 - 2017), trong năm 2018 là năm đầu tiên triển khai Luật TGPL năm 2017, số lượng vụ việc tham gia tố tụng thực hiện đã tăng lên 52%, tỉ lệ thực hiện vụ việc do trợ giúp viên pháp lý thực hiện đã tăng lên 22%. Nhiều địa phương, 90 - 100% vụ việc tham gia tố tụng đều do trợ giúp viên pháp lý thực hiện[6].
3. Một số khó khăn, vướng mắc về TGPL trong tư pháp hình sự
Thứ nhất, quyền được TGPL chưa được quy định trong Hiến pháp, do đó một bộ phận người tiến hành tố tụng, đối tượng thuộc diện TGPL chưa nhận thức sâu sắc về TGPL trong tố tụng, quyền được TGPL của đối tượng thuộc diện và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, nhất là cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm quyền trên. Do đó, chưa phối hợp, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL và đối tượng thuộc diện TGPL trong việc bảo đảm thực hiện quyền TGPL của đối tượng.
Thứ hai, việc triển khai các quy định của các Bộ luật, luật tố tụng có nội dung liên quan đến người được TGPL chưa thực sự hiệu quả.
Thứ ba, hiện nay nguồn nhân lực thực hiện TGPL còn ít[7], chất lượng nguồn nhân lực mặc dù đã được nâng nên nhưng có lúc, có nơi vẫn rất khó đáp ứng được toàn bộ nhu cầu TGPL, nhất là trong điều kiện sau các Bộ luật, luật tố tụng và Luật TGPL năm 2017 đã có hiệu lực nên nhu cầu và số lượng vụ việc tham gia tố tụng đang có xu hướng tăng nhanh[8].
Thứ tư, việc bảo đảm nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất cho công tác TGPL nói chung, TGPL trong hoạt động tố tụng nói riêng từ nguồn ngân sách nhà nước rất khó khăn, nhất là từ sau năm 2010 khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thì các nguồn hỗ trợ đã bị cắt giảm mạnh.
4. Một số định hướng trong thời gian tới
Thứ nhất,triển khai có hiệu quả các Bộ luật, luật tố tụng, Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT nhằm bảo đảm quyền được TGPL của người được TGPL, đặc biệt là quyền TGPL trong tư pháp hình sự.
Thứ hai, tăng cường công tác tập huấn, đào tạo nhằm phát triển nguồn Trợ giúp viên pháp lý; nâng cao chất lượng người thực hiện TGPL thông qua việc thực hiện nghiêm túc quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, ký hợp đồng, nâng cao năng lực theo Luật TGPL năm 2017.
Thứ ba, tăng cường công tác truyền thông, tập huấn cho người tiến hành tố tụng về TGPL, nhất là trách nhiệm bảo đảm quyền được TGPL trong tố tụng; truyền thông cho đối tượng thuộc diện TGPL về quyền được TGPL trong tố tụng quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Luật TGPL năm 2017.
Thứ tư, củng cố, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế về TGPL nói chung và TGPL trong tư pháp hình sự nói riêng dưới nhiều hình thức (hỗ trợ về kỹ thuật, nâng cao năng lực, hỗ trợ các nguồn lực…)./.
Nguyễn Thị Pha, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp
 
 
[1] Khoản 3 Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị theo Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc số 2200 ngày 16/12/1966.
[2]Gồm: Quyền được TGPL; trách nhiệm của Nhà nước; TGPL cho những người bị tình nghi hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự; TGPL cho nạn nhân của tội phạm; TGPL cho nhân chứng; không phân biệt đối xử; TGPL phù hợp và có hiệu quả; quyền được thông báo; các biện pháp thay thế và bảo vệ; công bằng khi tiếp cận TGPL; TGPL trong quyền lợi tốt nhất của đứa trẻ; sự độc lập và bảo vệ của người thực hiện TGPL; thẩm quyền và trách nhiệm giải trình của những người thực hiện TGPL; quan hệ đối tác.
[3]Hiến pháp năm 1946 (Điều 67); Hiến pháp năm 1959 (Điều 101); Hiến pháp năm 1980 (Điều 133); Hiến pháp năm 1992 (Điều 132) và Hiến pháp năm 2013 hiện hành.
[4] Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
[5]Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/2007 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng; Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT).
[6]Lào Cai, Lai Châu, Thanh Hóa; Gia Lai, Điện Biên, Thừa Thiên - Huế, Bắc Kạn…
[7]Tính đến ngày 31/7/2019, cả nước có 63 Trung tâm TGPL nhà nước ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện TGPL với  643 trợ giúp viên pháp lý; có 533 luật sư ký hợp đồng với Trung tâm và 152 tổ chức hành nghề luật sư tham gia TGPL.
[8]Theo đánh giá tác động đối với phương án trong Luật TGPL năm 2017 đã được Quốc hội thông qua thì số lượng người được TGPL dự kiến sẽ tăng 2,6 lần và vụ việc tham gia tố tụng dự kiến sẽ tăng 2,8 lần so với việc thực hiện Luật TGPL năm 2006.