Đối với bất kỳ một tổ chức, một đơn vị, doanh nghiệp hay cao hơn nữa là một quốc gia, vai trò của quản trị là điều không thể phủ nhận và ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đó được coi là yếu tố đánh giá sự thành công. Quản trị công ty tốt sẽ giúp cho công ty nâng cao khả năng tiếp cận vốn và hoạt động hiệu quả hơn. Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2014 được đánh giá như bước đột phá lớn về thể chế, thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều quy định mới theo hướng thông thoáng hơn, nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập của luật cũ, tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, những quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 về quản trị công ty còn tồn tại những bất cập, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung.
1. Một số vấn đề lý luận về quản trị công ty
1.1. Khái niệm quản trị công ty
Quản trị tổ chức là quản trị những hoạt động phát sinh từ sự tập hợp tự giác của một nhóm người một cách có ý thức nhằm hoàn thành mục tiêu chung cụ thể. Tổ chức là một thực thể tồn tại có mục tiêu phải hoàn thành, có đời sống và hoạt động riêng của nó để có thể tồn tại và phát triển. Công ty cũng là một tổ chức, nó cần được quản trị. Công ty muốn cạnh tranh thành công thì phải hoạt động hiệu quả, điều này tùy thuộc nhiều vào việc quản trị công ty. Quản trị công ty là một quá trình tác động liên tục, có tổ chức, có hướng đích của chủ công ty lên đối tượng quản trị, sử dụng một cách tốt nhất những tiềm năng và cơ hội để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đạt được mục tiêu đề ra theo đúng luật định và thông lệ xã hội. Có thể nói, quản trị công ty tốt là nền tảng cho sự phát triển lâu dài của các doanh nghiệp lớn. Ngược lại, quản trị không tốt thường dẫn đến những hậu quả xấu, thậm chí phá sản công ty. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khối doanh nghiệp cả về số lượng và quy mô, đặc biệt là sự hình thành các công ty lớn ở Việt Nam hiện nay, quản trị công ty đã trở thành công cụ giúp tách biệt giữa sở hữu và quản lý, đang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và các nhà xây dựng pháp luật về doanh nghiệp.
Mặc dù rất nhiều khái niệm khác nhau được đưa ra và chưa có sự thống nhất hoàn toàn nào về định nghĩa này nhưng theo quan điểm của đa số các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này thì quản trị công ty là một hệ thống các thiết chế, chính sách, luật lệ nhằm định hướng, vận hành và kiểm soát công ty. Quản trị công ty cũng bao hàm mối quan hệ giữa nhiều bên, không chỉ trong nội bộ công ty như các cổ đông (đối với công ty cổ phần)/thành viên góp vốn (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn), ban giám đốc điều hành, hội đồng quản trị/hội đồng thành viên mà còn những bên có lợi ích liên quan bên ngoài công ty: Cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác kinh doanh và cả môi trường, cộng đồng, xã hội.
1.2. Chức năng của quản trị công ty
Chức năng quản trị là những hoạt động riêng biệt của quản trị, thể hiện những phương thức tác động của nhà quản trị đến các lĩnh vực quản trị trong công ty. Theo đó, quản trị công ty có bốn chức năng, bao gồm: Kế hoạch hóa, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát. Trong đó:
- Chức năng kế hoạch hóa là chức năng đầu tiên trong tiến trình quản trị, xác định mục tiêu, mục đích của công ty, sau đó, quyết định các biện pháp để thực hiện mục tiêu này.
- Chức năng tổ chức là thiết lập một cấu trúc hợp lý của công ty nhằm bảo đảm cho việc đạt được mục đích, mục tiêu của công ty, bao gồm: Việc xác định những việc phải làm, những ai sẽ phải làm việc đó, các công việc sẽ được phối hợp lại với nhau như thế nào, những bộ phận nào cần phải được thành lập, quan hệ phân công và trách nhiệm giữa các bộ phận đó và hệ thống quyền hành trong công ty.
- Chức năng lãnh đạo là truyền đạt, giải thích cho các cấp dưới kế hoạch đã đề ra, lãnh đạo và thúc đẩy họ đạt được mục tiêu của công ty.
- Chức năng kiểm soát là bảo đảm cho các hoạt động được thực hiện đúng pháp luật, điều lệ và kế hoạch.
1.3. Hệ thống các cơ quan quản trị công ty
Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có nhiều quy định tương đối rõ, phù hợp và góp phần tạo khung pháp lý để hình thành một cơ chế quản trị có hiệu quả cho các công ty, nhất là đối với 02 loại hình công ty phổ biến hiện nay là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn. Theo chức năng, hệ thống các cơ quan quản trị của công ty gồm 04 cơ quan: Cơ quan quyền lực, cơ quan quản lý, cơ quan điều hành và cơ quan kiểm soát. Trong đó:
- Cơ quan quyền lực của công ty là chủ sở hữu công ty hoặc một thiết chế do các thành viên của công ty tham gia; bổ nhiệm (bầu ra) cơ quan quản lý, cơ quan điều hành, cơ quan kiểm soát có những thẩm quyền cao nhất đối với sự tồn tại và phát triển của công ty.
- Cơ quan quản lý là cơ quan có thẩm quyền cao đối với việc tổ chức và hoạt động của công ty, đại diện cho công ty trong các mối quan hệ với bên ngoài.
- Cơ quan điều hành chịu trách nhiệm thi hành các quyết định, chủ trương, chính sách của cơ quan quyền lực và cơ quan quản lý; điều hành công việc hàng ngày của công ty; ký kết, thực hiện các hợp đồng, thỏa thuận kinh doanh.
- Cơ quan kiểm soát thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát các cơ quan, cán bộ, nhân viên công ty thi hành pháp luật, điều lệ, nội quy và quy chế của công ty.
2. Một số vướng mắc, bất cập của Luật Doanh nghiệp năm 2014 về quản trị công ty
Ở nước ta, hệ thống các quy định về quản trị công ty được đề cập tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 có vai trò trung tâm, chi phối hầu hết vấn đề quản trị công ty cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đối với các quy định quản trị công ty đặc thù, hiện nay đang có khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về vấn đề quản trị doanh nghiệp cho đối tượng này như: Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/7/2014 của Chính phủ về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước; Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 06/6/2017 của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng với công ty đại chúng; Thông tư số 95/2017/NĐ-CP ngày 22/9/2017 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 71/2017/NĐ-CP...
Ngoài ra, các quy định quản trị doanh nghiệp đặc thù còn được quy định căn cứ theo lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp (tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán, ...). Nhìn chung, các luật chuyên ngành thường quy định dẫn chiếu để áp dụng khung pháp lý về quản trị theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015 và trong các nghị định hướng dẫn thi hành các luật về vấn đề này.
Có thể nói, hệ thống các quy định pháp luật về quản trị công ty ở Việt Nam quy định khá cụ thể, rõ ràng về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyền lực, cơ quan quản lý, cơ quan điều hành, cơ quan kiểm soát trong các công ty. Trong đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 với những quy định quan trọng mang tính đột phá đã góp phần tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư. Theo đó, các quy định về quản trị doanh nghiệp được hoàn thiện hơn theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, đưa doanh nghiệp trở thành một loại hình kinh doanh an toàn hơn. Tuy nhiên, những quy định về quản trị công ty trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập cơ bản như sau:
Thứ nhất, quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014:
- Khoản 2 Điều 13 quy định “công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”. Như vậy, Luật không quy định rõ chức danh nào trong công ty là người đại diện sẽ dẫn tới sự tùy tiện trong quá trình thực thi.
- Khoản 6 Điều 13 quy định “đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật Hình sự thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty”. Quy định này không hợp lý bởi Hội đồng thành viên gồm 02 thành viên mà thành viên là người đại diện thuộc trong các trường hợp trên thì không thể có quyết định mới của Hội đồng về người đại diện theo pháp luật của công ty.
Thứ hai, quy định về kiểm soát viên tại Điều 103 và Điều 105:
- Điều 103 quy định khá rõ và đầy đủ tiêu chuẩn của kiểm soát viên trong doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với các kiểm soát viên trong các loại hình công ty khác. Có thể thấy, vai trò của kiểm soát viên trong doanh nghiệp nhà nước là tương đối lớn, nhưng sẽ tạo ra sự phân biệt với các loại hình công ty khác.
- Khoản 1 Điều 105 quy định: “Trưởng ban kiểm soát làm việc chuyên trách tại công ty; các thành viên khác có thể tham gia ban kiểm soát của không quá 04 doanh nghiệp nhà nước nhưng phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu”. Theo đó, với những quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 102 thì công việc của ban kiểm soát trong một doanh nghiệp là rất lớn. Hiện nay, hầu hết các công ty có 03 thành viên trong ban kiểm soát, chỉ có số lượng nhỏ công ty là có đến 05 thành viên. Những thành viên này thường do hội đồng quản trị chỉ định, không độc lập và là cấp dưới, phụ thuộc vào thành viên của hội đồng quản trị và tổng giám đốc. Như vậy, hoạt động của ban kiểm soát sẽ không hiệu quả. Trên thực tế, hầu hết các kiểm soát viên làm việc kiêm nhiệm tại công ty, chỉ có một số lượng nhỏ kiểm soát viên là cổ đông, đại điện của cổ đông, không là người lao động trong công ty, không chuyên trách, không có chuyên môn cao. Do vậy, việc tham gia các doanh nghiệp nhà nước khác là không hợp lý.
Thực tế hiện nay ở Việt Nam cũng cho thấy, ban kiểm soát chưa thể hiện đầy đủ vai trò bảo vệ cổ đông và nhà đầu tư. Do đó, rủi ro mà nhà đầu tư và cổ đông phải gánh chịu từ sự “lép vế” của ban kiểm soát là rất lớn.
Thứ ba, quy định liên quan đến công ty hợp danh: Quy định về trách nhiệm của thành viên góp vốn mâu thuẫn ngay trong Luật Doanh nghiệp năm 2014. Tại điểm c khoản 1 Điều 172 quy định “thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty” trong khi điểm a khoản 2 Điều 182 lại quy định “thành viên góp vốn chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp”. Như vậy, trách nhiệm của thành viên góp vốn sẽ thực hiện theo quy định nào, chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp hay số vốn đã cam kết góp?
Bên cạnh đó, Điều 179 về điều hành kinh doanh của công ty hợp danh quy định chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc có các nhiệm vụ như nhau (khoản 4) thì theo như phân tích ở trên, mỗi chức năng quản trị công ty tương ứng với một chức danh nhất định. Bởi vậy, quy định các chức danh khác nhau có cùng nhiệm vụ là không hợp lý.
Thứ tư, quy định tại Điều 162 về hợp đồng, giao dịch giữa công ty với thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc, kiểm sát viên, cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần phổ thông trở lên… phải được đại hội đồng cổ đông của công ty cổ phần chấp thuận là không hợp lý bởi đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan cao nhất của công ty cổ phần. Đại hội đồng cổ đông họp thường niên mỗi năm một lần mà những nội dung phải thảo luận và thông qua rất nhiều. Bên cạnh đó, trong nền kinh tế thị trường, thời gian là cơ hội nên có hợp đồng phải được đại hội đồng cổ đông chấp thuận sẽ làm giảm tính hiệu quả của quá trình kinh doanh.
Thứ năm, thực tế cho thấy, quyền lợi của cổ đông thiểu số chưa được bảo vệ hiệu quả là do từ nhiều nguyên nhân khác như như việc không nắm rõ các quyền của mình, tâm lý phó thác cho cổ đông lớn và thiếu động lực đấu tranh cho quyền lợi của chính các cổ đông thiểu số. Đồng thời, các cổ đông lớn có khuynh hướng thao túng việc quản trị, điều hành công ty, cũng như lạm dụng quyền cổ đông, thành viên lớn để loại bỏ hoặc ngăn cản thực hiện quyền của cổ đông thiểu số. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật hiện hành chưa tạo những điều kiện thuận lợi nhất để cổ đông thực hiện quyền khởi kiện này của mình, trình tự thủ tục khởi kiện còn nhiều phức tạp, tốn kém rất nhiều về thời gian và tiền bạc của các cổ đông thiểu số khi họ phát hiện những sai sót, gian lận trong quá trình điều hành của các cấp quản lý công ty đều có quyền khởi kiện. Ngoài ra, các quy định pháp luật về quyền của cổ đông trong công ty cổ phần chưa được thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm túc, chưa có nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2014 về việc bỏ phiếu từ xa đối với các cổ đông. Do vậy, xảy ra tình trạng nhiều công ty cổ phần tiến hành đại hội đồng cổ đông ở những nơi xa xôi, điều kiện đi lại khó khăn, thủ tục ủy quyền phức tạp nhằm hạn chế sự tham gia của các cổ đông thiểu số.
Thứ sáu, khoản 3 Điều 144 về điều kiện để nghị quyết được thông qua quy định như sau: “3. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu…”. Luật Doanh nghiệp năm 2014 không còn quy định việc bầu thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, mà có thể chọn phương thức bầu bình thường. Có một số ý kiến không tán thành với việc quy định bắt buộc bầu dồn phiếu, vì có thể dẫn đến tình trạng các cổ đông lớn của công ty lợi dụng để lựa chọn phương án có lợi cho mình thay vì lợi ích chung của công ty. Tuy nhiên, theo tác giả, đây là một nhận định chưa chính xác về bản chất và thực tế vấn đề, tước bỏ một công cụ quan trọng để bảo vệ nhóm cổ đông thiểu số.
Bên cạnh đó, việc quy định cho phép hội đồng quản trị có quyền thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty theo khoản 5 Điều 149 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã dẫn đến có nhiều trường hợp, hội đồng quản trị, vì sự chủ quan trong nhận định của mình, ra các quyết định đầu tư sai lầm, gây thiệt hại cho các cổ đông thiểu số.
Thứ bảy, hiện nay, yêu cầu về công khai và minh bạch hóa thông tin đối với doanh nghiệp nói chung còn yếu, chưa thật đầy đủ và tương thích với thông lệ quốc tế; chưa có cơ chế kiểm tra và giám sát hiệu quả chất lượng của các thông tin được công bố. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch hóa thông tin trong còn mang tính hình thức, sơ sài. Các quy định của pháp luật cũng cho thấy sự hạn chế rất lớn trong cơ chế kiểm tra và giám sát các thông tin công bố ra ngoài của các công ty cổ phần gây ra rất nhiều thiệt hại cho thị trường, cho các cổ đông, cho các nhà đầu tư và cho tất cả các bên liên quan.
Thứ tám, khoản 4 Điều 162 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết hoặc thực hiện mà chưa được chấp thuận theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, gây thiệt hại cho công ty; người ký kết hợp đồng, cổ đông, thành viên hội đồng quản trị hoặc giám đốc hoặc tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó”.
Theo quy định trên thì cổ đông chỉ có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu hợp đồng, giao dịch được thực hiện không đúng với quy định của pháp luật, hay nói cách khác là có yếu tố phạm tội hoặc cố ý gây thiệt hại. Hơn nữa, cổ đông chỉ có thể yêu cầu người quản lý có liên quan phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu có thiệt hại phát sinh, các thành viên khác không phải chịu trách nhiệm liên đới. Điều này cũng chưa phù hợp với nguyên tắc quản trị doanh nghiệp tốt (nguyên tắc là người quản lý doanh nghiệp/doanh nghiệp phải làm việc/hoạt động vì lợi ích cao nhất của cổ đông, quyền lợi của cổ đông cũng cần phải được bảo vệ ở mức cao nhất).
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quản trị công ty ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về người đại diện cho công ty, về tiêu chuẩn, nhiệm vụ của ban kiểm soát, kiểm soát viên của các loại hình công ty phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế thích hợp để thành viên ban kiểm soát làm việc độc lập, chuyên trách, không phụ thuộc vào chủ công ty, hội đồng quản trị nhằm tăng tính hiệu quả, minh bạch của hoạt động kiểm soát. Đồng thời, các thành viên ban kiểm soát cũng phải liên đới chịu trách nhiệm nếu các cơ quan quản lý, người lao động trong các công ty vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho công ty mà ban kiểm soát không phát hiện được hoặc không có kiến nghị kịp thời.
Thứ hai, đối với công ty hợp danh, cần quy định cụ thể nhiệm vụ từng vị trí cán bộ lãnh đạo nhằm phù hợp với chức năng quản trị công ty; bổ sung các quy định về một số mô hình công ty hiện đang tồn tại ở các nước khác như công ty hợp vốn đơn giản đảm bảo tính hiệu quả trong quản trị công ty.
Thứ ba, đối với công ty cổ phần:
- Đề nghị xem xét quy định việc bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát bắt buộc phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu như quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Đồng thời, việc bầu thành viên độc lập Hội đồng quản trị phải được tiến hành đồng thời với bầu các thành viên khác. Quy tắc bầu dồn phiếu quy định tại khoản 3 Điều 144 Luật Doanh nghiệp năm 2014 cần sửa đổi theo hướng bảo vệ, nâng cao quyền của cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần; việc bãi miễn thành viên hội đồng quản trị phải có cơ sở, điều kiện và lý do rõ ràng.
- Để đảm bảo các nguyên tắc người quản lý doanh nghiệp phải làm việc, hoạt động vì lợi ích cao nhất của cổ đông và quyền lợi của cổ đông cũng cần phải được bảo vệ ở mức cao nhất, đề nghị xem xét sửa đổi khoản 4 Điều 162 Luật Doanh nghiệp năm 2014 như sau: “Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết hoặc thực hiện mà chưa được chấp thuận theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này hoặc nếu bị cổ đông khởi kiện và được xác định là có gây thiệt hại cho lợi ích của công ty. Nếu hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu theo quy định này và/hoặc gây thiệt hại cho công ty hoặc quyền lợi của các cổ đông khác, cổ đông có quyền yêu cầu người chấp thuận, ký kết hợp đồng và cổ đông, thành viên hội đồng quản trị, hoặc giám đốc hoặc tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó”.
- Tăng cường cơ chế chế ước giữa chủ sở hữu, hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong các công ty; đồng thời, chủ tịch hội đồng quản trị không nên kiêm giám đốc, tổng giám đốc.
- Cần sửa đổi một số quy định liên quan đến ban kiểm soát trong công ty cổ phần. Có thể thấy, nếu toàn bộ quyền lực trong công ty cổ phần đều tập trung vào hội đồng quản trị và ban giám đốc, thì dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền và khi đó cổ đông sẽ không được bảo vệ. Ban kiểm soát là một cơ chế phù hợp để cổ đông tự bảo vệ mình. Muốn vậy, hoạt động của ban kiểm soát cần được điều chỉnh bởi một khung pháp lý rõ ràng hơn theo hướng: (i) Ban kiểm soát cần phải được độc lập hoạt động, tránh tình trạng ban kiểm soát hoạt động vì lợi ích của hội đồng quản trị và ban giám đốc; (ii) Việc bầu ra ban kiểm soát, cơ chế hiệu quả nhất là các thành viên hội đồng quản trị và ban giám đốc không được quyền đề cử, giới thiệu và bỏ phiếu bầu ra các thành viên ban kiểm soát bởi ban kiểm soát không điều hành quản lý doanh nghiệp, mà đóng vai trò giám sát hoạt động của hội đồng quản trị và ban giám đốc.
- Cần hoàn thiện pháp luật về công khai, minh bạch hóa thông tin trong quản trị công ty để đảm bảo cho sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về doanh nghiệp của các cơ quan quản lý nhà nước, tạo sự an toàn cho các hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm thông tin của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu; đồng thời, nâng cao yêu cầu công khai hóa thông tin đối với công ty, mở rộng quyền tiếp cận thông tin cho cổ đông, tăng cường quyền được tiếp cận thông tin, định kỳ hoặc theo yêu cầu đối với mọi cổ đông, không hạn chế về tỷ lệ sở hữu cổ phần trong công ty cổ phần, đặc biệt đối với các thông tin về quản lý và giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi của công ty.
Có thể nói, sau hơn 03 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2014 trên thực tế thì nội dung mới về quản trị công ty vẫn chưa cho thấy những tác động tích cực, rõ rệt. Với những tồn tại và hạn chế trong các quy định của Luật như hiện nay, vấn đề cấp bách đặt ra là cần tiếp tục hoàn thiện Luật cùng các văn bản dưới luật về quản trị công ty để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng và an toàn cho hoạt động của doanh nghiệp, nhằm theo kịp và đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Mai Ngọc
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Thị Hồng Đào, Một số hạn chế của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 cần hoàn thiện,http://www.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2066, truy cập ngày 29/11/2016.
2. Trần Ngọc Dũng & Trần Ngọc Anh, Các quy định về của Luật Doanh nghiệp năm 2014 về công ty hợp danh và giải pháp hoàn thiện, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật (Viện Nhà nước và Pháp luật), số 3/2017.
3. Nguyễn Vinh Hưng, Xây dựng chế định pháp luật về công ty hợp vốn đơn giản ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, số 1, năm 2016.
4. Phan Đức Hiếu, Ba cải cách lớn nhất của Luật Doanh nghiệp năm 2014, http://khucongnghiep.com.vn/kinhnghiem.aspx, truy cập ngày 20/3/2015.
5. Trần Ngọc Dũng, Hoàn thiện quy định về cơ chế giám sát hoạt động quản lý, điều hành trong công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật (Viện Nhà nước và Pháp luật), số 5/2016.
6. Đỗ Tiến Thịnh, Tổng quan pháp luật về quản trị doanh nghiệp, https://dangkykinhdoanh.gov.vn/tong-quan-phap-luat-ve-dang-ky-doanh-nghiep.