Điều ước và tập quán quốc tế, về nguyên tắc, được coi là cách thức chủ yếu xây dựng quy phạm pháp luật quốc tế bắt buộc, hay còn gọi là luật “cứng” (“hard” law). Hai hình thức này được sự ủng hộ đặc biệt từ các quốc gia theo trường phái thực nghiệm luận lý (positivist) trong luật quốc tế, có nghĩa là các quốc gia sẽ không bị ràng buộc vào một quy tắc trước khi họ thừa nhận hoặc tỏ ý thừa nhận là quy phạm pháp lý bắt buộc. Mặc dù, điều ước quốc tế được xem là phương thức làm luật phổ biến trong lĩnh vực môi trường, các quốc gia có thể ưa chuộng tập quán vì một số lý do. Không có những thủ tục phê chuẩn phức tạp như điều ước quốc tế, những quy tắc tập quán là cách thức dễ dàng hơn để đạt được sự thống nhất toàn cầu, bởi vì các chủ thể chủ động có thể bảo đảm sự mặc nhiên và thừa nhận từ phía các chủ thể thụ động, đó là một thuận lợi đặc biệt trong giải quyết những vấn đề môi trường. Những khái niệm mới trong luật môi trường, như
“quyền bình đẳng giữa các thế hệ”, “di sản chung”, “phát triển bền vững”,… chứng minh rằng các quốc gia theo trường phái bảo tồn và các tổ chức phi chính phủ đang nỗ lực sử dụng phương pháp làm luật này để thúc đẩy sự thay đổi về bản chất và phạm vi chủ quyền quốc gia đối với hoạt động bảo vệ và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Điểm b, khoản 1, Điều 38 Quy chế Tòa án Quốc tế (STATUTE OF THE INTERNATIONAL COURT OF JUSTICE
[1] ), quy định:
“Các tập quán quốc tế như những chứng cứ thực tiễn chung, được thừa nhận như những quy phạm pháp luật;”. Như vậy, hai yếu tố hình thành tập quán quốc tế là sự áp dụng
thường xuyên của quốc gia và được thừa nhận là
quy phạm pháp lý bắt buộc (opinio juris).
Thứ nhất, sự áp dụng thường xuyên của quốc gia
Để được công nhận là tập quán quốc tế, một quy tắc phải được các quốc gia thừa nhận và áp dụng thường xuyên, mà sự áp dụng thường xuyên thì hiếm khi có thể chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, có thể chứng minh thông qua tài liệu chuẩn bị cho các thủ tục, ví dụ phê chuẩn điều ước; đàm phán điều ước và tham gia các hội nghị quốc tế; xây dựng pháp luật quốc gia; phán quyết tại Tòa án quốc gia thành viên; phát biểu của bộ trưởng và đại diện chính phủ hoặc ngoại giao; văn kiện chính thức về ngoại giao; ý kiến bào chữa của luật sư trước tòa án quốc gia và quốc tế.
Trong đó, phán quyết của tòa án hoặc trọng tài đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và thừa nhận một tập quán quốc tế. Nguyên tắc cơ bản trong quan hệ song phương về môi trường được hình thành từ phán quyết trọng tài đối với tranh chấp Trail Smelter là một ví dụ. Năm 1939, Mỹ kiện Canada ra Trọng tài vì khói thải độc hại phát thải từ lò luyện kim tại bang Trail của Canada gây hại tới tiểu bang Washington của Mỹ. Lò luyện kim này nằm cách biên giới Mỹ 7 dặm, trong đơn kiện Mỹ yêu cầu xác định về việc gây ô nhiễm môi trường của lò luyện kim trên và yêu cầu những biện pháp ngăn ngừa những tai hại có thể xảy ra trong tương lai cũng như hình thức bồi thường thiệt hại.
Phán quyết của Trọng tài nếu rõ: Không quốc gia nào có quyền sử dụng hoặc cho phép sử dụng lãnh thổ của mình để phát tán khói gây thiệt hại nghiêm trọng đến lãnh thổ, tài sản và người dân của quốc gia khác, những thiệt hại phải thể hiện ở những chứng cứ xác thực và thuyết phục. Vấn đề chứng cứ đã được chứng minh bằng các thí nghiệm khoa học. Trong phán quyết cuối cùng hoạt động của lò luyện kim đã bị hạn chế. Từ đó, một tập quán quốc tế mới đã được hình thành từ phán quyết trọng tài đối với tranh chấp Trail Smelter năm 1941:
“Không quốc gia nào có quyền sử dụng hoặc cho phép sử dụng lãnh thổ của mình để phát tán khói gây thiệt hại nghiêm trọng đến lãnh thổ, tài sản và người dân của quốc gia khác” và nguyên tắc này được mở rộng bằng tuyên bố Stockholm: “
Các quốc gia có trách nhiệm bảo đảm những hoạt động chủ quyền quốc gia không gây thiệt hại đến môi trường của các quốc gia khác hoặc các khu vực vượt quá giới hạn chủ quyền quốc gia” (Nguyên tắc 21). Một loạt các văn bản quốc tế, cả cưỡng chế lẫn khuyến nghị, đều ghi nhận nguyên tắc này, do đó, các quốc gia có nghĩa vụ bảo đảm những hoạt động trong phạm vi chủ quyền quốc gia phải được tiến hành theo cách thức tôn trọng môi trường quốc gia khác hoặc những khu vực vượt quá giới hạn chủ quyền quốc gia. Đây trở thành một cách giải thích luật quốc tế trong những vấn đề môi trường
[2]
Từ đó, nghĩa vụ của quốc gia thông báo cho quốc gia khác về hiểm họa môi trường cũng được thừa nhận, về bản chất, là một quy tắc tập quán. Nguyên tắc này lần đầu tiên được ghi nhận năm 1974, trong một văn bản khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (
OECD – viết tắt từ tiếng Anh: Organization for Economic Coperation and Development) của khối các quốc gia công nghiệp phát triển. Sau khi xuất hiện ở rất nhiều văn bản, cả khuyến nghị lẫn cưỡng chế, năm 1982, Công ước Luật biển đã chính thức quy định tại Điều 198, như sau:
“Khi biết được môi trường biển đang có nguy cơ sắp phải chịu thiệt hại hay đã bị thiệt hại do ô nhiễm, các quốc gia phải thông báo cho quốc gia có nguy cơ phải chịu những tổn thất, cũng như thông báo cho các tổ chức có thẩm quyền”.
Một vấn đề quan trọng cần lưu ý là không hành động (bất hành vi) cũng có thể được xem là sự áp dụng thường xuyên của quốc gia, như việc chấp nhận một mức độ ô nhiễm hoặc các hành vi gây suy thoái môi trường mặc nhiên được hiểu rằng các quốc gia thừa nhận điều đó phù hợp với luật quốc tế.
Để được xem là một yếu tố hình thành tập quán quốc tế, sự áp dụng thường xuyên này phải phổ biến, nhưng không đòi hỏi sự thừa nhận áp dụng của tất cả quốc gia trên thế giới hoặc tại một khu vực.
Vụ tranh chấp phân định thềm lục địa Biển Bắc (North Sea Continental Shelf Case năm 1969), Tòa án Quốc tế (ICJ) đã coi dạng chung của bờ biển của các bên (CHLB Đức, Đan Mạch, Hà Lan) là hoàn cảnh đặc biệt. Bởi vì, Tòa án nhận thấy rằng bờ biển của Đan Mạch và Hà Lan lồi còn bờ biển của Đức tuy không dài lắm nhưng quanh co, khúc khuỷu, ăn lõm hơn và cắt giảm đáng kể là phần kéo dài tự nhiên của bờ biển mà nước này xứng đáng được hưởng. Do vậy, Tòa án đưa ra quan điểm rằng phân định phải dựa trên việc xem xét những nhân tố liên quan để đem lại kết quả công bằng, và Tòa đã bác bỏ phương pháp đường cách đều. Trường hợp phân định thềm lục địa Biển Bắc năm 1969 là trường hợp phân định biển đầu tiên giữa các quốc gia liền kề áp dụng khái niệm tỷ lệ. CHLB Đức cho rằng mỗi nước có liên quan cần phải được hưởng phần phân chia công bằng và thích đáng trong thềm lục địa hiện hữu, sao cho cân đối với chiều dài bờ biển của mỗi nước. ICJ cũng cho rằng: “
Yếu tố cuối cần phải xem xét là tỷ lệ hợp lý giữa diện tích của thềm lục địa thuộc các quốc gia có liên quan và chiều dài bờ biển của các nước ấy mà một sự phân định ranh giới được thực hiện theo các nguyên tắc công bằng”
Tòa án Quốc tế khẳng định “
một quy tắc có thể được công nhận là tập quán ngay khi có sự thừa nhận của những đại diện, miễn sao bao gồm cả những quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc áp dụng quy tắc đó”. Ngược lại, nếu một quốc gia không thừa nhận áp dụng không có nghĩa là quy tắc này sẽ không có giá trị ràng buộc đối với quốc gia đó. Điều này có thể hiểu là các quốc gia không cần thiết phải chính thức hoặc
“ngầm” thừa nhận bị ràng buộc vào quy tắc tập quán, bởi vì, sự hình thành tập quán luôn luôn phải xuất phát từ một cách thức thừa nhận bất kỳ.
Tuy nhiên, một quốc gia có thể không bị ràng buộc vào quy tắc tập quán trong trường hợp liên tục phản đối quy tắc đó. Đây là một trong những chủ đề chính trong tranh chấp về ngư trường giữa Anh và Nauy năm 1951 liên quan đến đường cơ sở (Norwegian Fisheries Case
[3]), Nửa đầu thế kỷ XX, Anh và Nauy tranh chấp về quyền đánh cá trong khu vực biển ngoài khơi Nauy, phía Bắc của vòng cung Bắc cực, Nauy cho rằng họ có quyền bảo tồn nghề cá cho ngư dân của họ trong khu vực này. Vương quốc Anh cho rằng khu vực này là biển cả và ngư dân của mọi quốc gia đều có quyền đánh cá và khẳng định hành vi của Na Uy, áp dụng luật quốc gia, xác định đường cơ sở thẳng qua tất cả cửa vịnh để tính chiều rộng lãnh hải là không hợp pháp. Ngày 12/7/1935, Nauy quyết định hoạch định khu vực biển cả đó bằng nghị định. Ngày 28/9/1948, Vương quốc Anh đơn phương thỉnh kiện Tòa án Quốc tế xem xét đường hoạch định khu vực đánh cá của Nauy và yêu cầu Tòa tuyên bố Nauy phải bồi thường mọi thiệt hại do việc họ bắt giữ các tàu đánh cá của Anh sau ngày 16/9/1948 tại các vùng biển được coi là biển cả.
Do cả hai quốc gia cùng thừa nhận nguyên tắc “
kiên trì phản đối” (persistent objector). Phán quyết ngày 18/12/1951 của ICJ đã tuyên bố:
Người ta không thể khăng khăng biểu thị đường ngấn nước thủy triều thấp nhất như một nguyên tắc bắt buộc chạy theo bờ biển tại tất cả các chỗ uốn gập của nó. Người ta cũng có thể biểu thị như các ngoại lệ của quy tắc này, các vi phạm nhiều đến nỗi chúng gợi lên các mấp mô của một bờ biển gồ ghề; quy tắc sẽ mất đi trước các ngoại lệ. Toàn bộ một đường bờ biển như vậy đòi hỏi áp dụng một phương pháp khác: đó là đường cơ sở cách đường hình thể của bờ biển một khoảng hợp lý.
Tòa án Quốc tế phán quyết “
Na Uy được quyền áp dụng luật quốc gia trong quan hệ với Anh nếu đã xem xét đến thực tế, sự thừa nhận chung của cộng đồng thế giới, vị trí của Anh trong Biển Bắc, quyền lợi và sự im lặng kéo dài của Anh”. Điều này đồng nghĩa, Tòa án công nhận việc phân định của Na Uy dựa trên kỹ thuật đường cơ sở thẳng: “
không trái với luật pháp quốc tế”.
Như vậy, quan hệ mật thiết với nguyên tắc
“kiên trì phản đối” là nguyên tắc mặc nhiên được thừa nhận. Nếu một quốc gia không phản đối sự thừa nhận áp dụng một quy tắc của quốc gia khác, quốc gia đó sẽ không có quyền, hoặc không đủ tư cách tiếp tục phản đối khi quy tắc đã được luật quốc tế cho phép áp dụng rộng rãi, thậm chí khi quy tắc đó ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Một ví dụ khác chứng minh nguyên tắc “
kiên trì phản đối” trong lĩnh vực môi trường là khi Mỹ kiên quyết không thừa nhận khái niệm “
quyền được phát triển” như Nguyên tắc 3
[4] Điều 3 của Công ước khung về biến đổi khí hậu, tại Hội nghị Rio
[5] năm 1992. Mỹ lập luận rằng phát triển là mục đích, chứ không phải là quyền, và do đó tự cô lập khỏi cách giải thích phổ biến đối với Nguyên tắc 3. Nguyên tắc 3, Tuyên bố Rio được coi là một sự thương lượng giữa hai khối quốc gia phát triển và đang phát triển, là tiền đề cho những điều khoản “
mập mờ” trong các điều ước về môi trường. Chẳng hạn, Nguyên tắc 4, Điều 3, Công ước khung về biến đổi khí hậu, ghi nhận:
“Các bên có quyền và cần tăng cường sự phát triển bền vững”, được hiểu là một điều khoản thỏa hiệp giữa những quốc gia công nhận quyền được phát triển và những quốc gia chỉ khuyến khích sự phát triển bền vững.
Thực tế cho thấy, giữa tập quán và điều ước quốc tế có mối quan hệ tương hỗ với nhau. Một điều ước quốc tế có thể tập hợp hóa hoặc pháp điển hóa quy tắc tập quán, như Công ước Luật biển 1982. Ngược lại, việc ký kết và thực thi điều ước quốc tế có thể phản ánh sự tồn tại của một số quy tắc tập quán. Trong tranh chấp thềm lục địa Biển Bắc năm 1969, Tòa án Quốc tế công nhận hành vi ký kết và phê chuẩn Công ước Geneva năm 1958 (Công ước 1958) về thềm lục địa của các quốc gia cũng có thể hình thành quy tắc tập quán quốc tế. Mà theo đó, khoản 1 và khoản 2 Điều 6
[6] Công ước 1958, quy định nguyên tắc cơ bản cho việc phân định thềm lục địa sẽ là nguyên tắc thỏa thuận và nếu như không có thỏa thuận thì nguyên tắc đường trung tuyến
hoặc đường cách đều sẽ được áp dụng, trừ khi có “
hoàn cảnh đặc biệt”.
Có thể nhận thấy, thuật ngữ “
hoàn cảnh đặc biệt” vẫn được duy trì một cách mơ hồ của Công ước và như vậy cơ sở hợp lý cho việc tiếp cận và tuân theo nguyên tắc công bằng trong phân định biển theo các yếu tố thỏa thuận và các hoàn cảnh đặc biệt vẫn chưa rõ ràng.
Trong vụ thềm lục địa Biển Bắc năm 1969, ICJ đã nhấn mạnh rằng Điều 6 Công ước 1958 gần như nhắc lại nguyên khuôn mẫu dự luật của ILC, và quan trọng là Ủy ban này đưa ra những quy tắc trên với nhiều “lưỡng lự”, trên danh nghĩa thử nghiệm, hơn là thực sự đưa ra một quy tắc rõ ràng. Ngoài ra, đây là một điều khoản mà theo đó tất cả các quốc gia có thể đưa ra các bảo lưu. Điều này mâu thuẫn với một ý tưởng về luật tập quán chung - dường như các quốc gia ký kết đã không coi Điều 6 như một tuyên bố về nguyên tắc phân định thềm lục địa đã tồn tại từ trước hoặc đang trong quá trình hình thành. Tuy nhiên, các quốc gia với trách nhiệm chủ yếu thực hiện hoạch định ranh giới bằng con đường thỏa thuận, với vai trò tự diễn giải các “
hoàn cảnh đặc biệt” cũng như khả năng đưa ra các bảo lưu đối với điều này đã tước bỏ tính quy phạm của nó. Và như vậy, Điều 6 Công ước 1958 không phải là một phần của luật tập quán, vì theo Tòa án Quốc tế, luật tập quán trong áp dụng phân định biển bị tác động bởi nguyên tắc công bằng. Như vậy, có thể thấy rằng, trong trường hợp hoạch định thềm lục địa có tính đến yếu tố công bằng thì giá trị hiệu lực thực sự của nguyên tắc này được ghi nhận trong Công ước 1958 chưa mang tính rõ ràng.
Thứ hai, sự thừa nhận quy phạm pháp lý bắt buộc
Khi công nhận những quy tắc tập quán từ sự áp dụng thường xuyên của các quốc gia, không chỉ xem xét họ đã làm gì mà cần phải tìm hiểu vì sao họ lại làm như vậy. Nói cách khác, yếu tố tâm lý rất cần thiết trong quá trình hình thành tập quán. Sự áp dụng thường xuyên của quốc gia chưa đủ, mà cần phản ánh một nghĩa vụ pháp lý. Tòa án Quốc tế đã xác định nội dung và vai trò của yếu tố này trong tranh chấp thềm lục địa Biển Bắc, như sau:
Quốc gia không chỉ thực hiện hành vi nhiều lần, mà còn phải hành động theo một cách thức cho thấy rằng họ nhận thức được đó là nghĩa vụ luật định. Sự nhận thức này được ngầm hiểu rằng quốc gia xem hành vi đó là một quy phạm pháp lý bắt buộc (opinio juris sive necessitatis). Như vậy, quốc gia phải ý thức rằng họ đang thực hiện một nghĩa vụ pháp lý. Sự áp dụng thường xuyên, hay thậm chí là thói quen thực hiện hành vi, không phải là điều kiện đủ. Có rất nhiều hành vi trong quan hệ quốc tế, ví dụ nghi thức ngoại giao, được thực hiện theo những cách thức khác nhau, nhưng hầu hết bị chi phối bởi truyền thống, xã giao hay sự thông dụng, chứ không phải là nghĩa vụ pháp lý.
Opinio juris sive necessitatis (hay opinio juris) được hiểu là các quốc gia thừa nhận rằng luật quốc tế điều chỉnh một số hành vi nhất định. Khái niệm này, và theo nhận định của Tòa án Quốc tế trong tranh chấp trên, giả định tất cả những quy tắc xử sự của luật quốc tế đều thể hiện dưới hình thức nghĩa vụ. Có nghĩa là quốc gia được phép xử sự theo một cách thức nào đó mà không bị buộc phải thực hiện điều đó, ví dụ quốc gia có quyền quản lý, điều hành chính sách môi trường theo bất kỳ phương thức nào, miễn không ảnh hưởng đến môi trường quốc gia khác và môi trường chung: phần đầu thể hiện quy phạm cho phép, trong khi đó phần tiếp theo là nghĩa vụ không gây hại. Ngoài ra, opinio juris đôi khi được giải thích là các quốc gia phải nghĩ rằng một quy định nào đó có giá trị ràng buộc trước khi quy định đó có thể trở thành pháp luật. Tuy nhiên, điều này có thể không đúng; vấn đề quyết định không phải ở chỗ quốc gia nghĩ gì, mà là họ tuyên bố gì. Nếu một vài quốc gia xác nhận một quy phạm có giá trị ràng buộc và các quốc gia khác không phản đối, thì một quy tắc mới sẽ được hình thành, cho dù tất cả các quốc gia liên quan có thể nhận ra rằng đó chẳng qua là một sự chuyển hướng của một quy tắc đang tồn tại.
Luật tập quán gắn liền với một cơ chế thay đổi. Nếu các quốc gia tán thành nên thay đổi một quy tắc, một quy tắc mới xuất phát từ sự áp dụng thường xuyên của các quốc gia có thể hình thành một cách nhanh chóng. Nếu số lượng quốc gia ủng hộ, hoặc phản đối sự thay đổi quá ít, họ lại phải theo cách xử sự của số đông. Khó khăn chỉ thật sự nảy sinh khi số lượng quốc gia ủng hộ và phản đối tương đương nhau. Trong trường hợp này, sự thay đổi rất khó khăn và chậm chạp. Sự bất đồng có thể tồn tại rất lâu cho đến khi đạt được sự nhất trí, điển hình là bất đồng trong việc xác định chiều rộng lãnh hải.
Tuy nhiên xu hướng mới hiện này là dù không trực tiếp chứng minh quốc gia thừa nhận những quy phạm bắt buộc, và có thể suy luận một cách gián tiếp thông qua những xử sự thực tế của quốc gia, cũng không cần phải qui định rằng quốc gia phải tuyên bố chính thức thừa nhận, sự thừa nhận quy phạm bắt buộc có thể thông qua hành vi hoặc bất hành vi; với mục đích này, cho nên các quy tắc xử sự của luật quốc tế điều chỉnh hành vi của quốc gia trong mối quan hệ với những quốc gia khác, vì vậy, không thể xem xét hành vi xử sự của một quốc gia, mà phải xem phản ứng của quốc gia khác như thế nào; nếu các quốc gia cùng khẳng định tính trái pháp luật trong những xử sự của một quốc gia, thì sự áp dụng thường xuyên vẫn không hình thành một quy tắc tập quán quốc tế.
Trong thực tế, những vấn đề môi trường đều bị chi phối bởi lợi ích kinh tế – xã hội, dẫn đến sự mâu thuẫn về lợi ích giữa các quốc gia. Tuy nhiên, muốn đạt lợi ích chung, ví dụ ngăn ngừa nguy cơ tuyệt chủng các loài sinh vật, hoặc hạn chế nguyên nhân gây mưa acid, giải pháp hợp lý là bảo đảm tính hài hòa trong hành vi của các quốc gia, một trong những cách thức thực hiện, bên cạnh việc ký kết điều ước quốc tế, là thừa nhận và áp dụng những quy phạm pháp lý bắt buộc, nhằm xác định những hậu quả pháp lý từ hành vi của quốc gia.
Thứ ba, vấn đề hoàn thiện pháp luật bảo vệ môi trường của nước ta
Có thể nhắc lại ý kiến tư vấn của Tòa án quốc tế ngày 08/07/1996: “
Môi trường không phải là khái niệm trừu tượng, mà thể hiện một không gian nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống và sức khỏe của con người, kể cả những thế hệ chưa được sinh ra. Do đó, các quốc gia có nghĩa vụ bảo đảm những hoạt động trong phạm vi chủ quyền quốc gia phải được tiến hành theo cách thức tôn trọng môi trường quốc gia khác hoặc những khu vực vượt quá giới hạn chủ quyền quốc gia. Đây trở thành một cách giải thích luật quốc tế trong những vấn đề môi trường”[7]
Nhà nước pháp quyền là nhà nước bảo vệ quyền con người bằng pháp luật, trong đó có quyền được sống trong môi trường trong lành. Nhưng hiện nay chúng ta chưa có sự nhận thức rõ ràng, đầy đủ, thống nhất về quyền được sống trong môi trường trong lành. Quyền được sống trong môi trường trong lành được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 nên hiểu theo nghĩa tự nhiên của nó (tức là chỉ có trong lành về mặt tự nhiên) hay theo nghĩa phát triển bền vững bao hàm cả trong lành về mặt xã hội. Bên cạnh đó, tại Điều 43 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành đồng thời phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Khi Nhà nước thừa nhận quyền được sống trong môi trường trong lành của mọi người đồng nghĩa với việc Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ quyền đó; mặt khác, quyền được sống trong môi trường trong lành quy định tại Điều 43 không phải lúc nào cũng đồng nhất với nghĩa vụ bảo vệ môi trường tại Điều này. Vì môi trường không trong lành, không chỉ do con người gây ra mà có thể do tự nhiên gây ra. Ví dụ: sự cố hạt nhân ở Fukushima, cháy rừng do nắng nóng dẫn tới khói bụi làm ô nhiễm bầu không khí ở Indonesia,… Trong khi đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 chưa quy định rõ cơ chế bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành.
Qua nghiên cứu cho thấy, một số luật liên quan đến lĩnh vực môi trường, cần rà soát lại, như: Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Luật Đất đai năm 2013, Luật Thủy sản năm 2003,… để có những cập nhật sửa đổi phù hợp với quy định của Hiến pháp, tạo nên sự thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như góp phần làm tăng thêm tính hiệu quả và tính khả thi trong quá trình áp dụng, thực hiện pháp luật môi trường trên thực tiễn. Ví dụ: Luật Thủy sản năm 2003 quy định rõ nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khi đánh bắt thủy sản phải sử dụng phương tiện đánh bắt phù hợp với tiêu chuẩn cho phép và không được sử dụng các phương tiện bị cấm đánh bắt như chất nổ, xung điện,… nhưng thực tiễn cho thấy hoạt động vi phạm các quy định này xảy ra công khai, thậm chí nguồn lợi thủy sản được đánh bắt theo phương thức vi phạm pháp luật này được bày bán công khai. Về môi trường không khí hiện nay, độ che phủ cây xanh cũng là yếu tố giúp giảm lượng khí thải trong khí quyển đáng kể. Theo thống kê ở nước ta, mặc dù tổng diện tích rừng đã tăng, đạt mức độ che phủ 40%, nhưng chất lượng rừng đang tiếp tục suy thoái. Đối với các khu vực đô thị, mật độ cây xanh chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ. Cụ thể, tại thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh diện tích này mới đạt <4m
2/người, thấp hơn so với yêu cầu của tiêu chuẩn (10-15 m
2/người) và không đáp ứng vai trò lá phổi xanh giảm thiểu ô nhiễm không khí
[8].Việt Nam là một trong các quốc gia có môi trường không khí bị ô nhiễm trầm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người và sinh vật. Pháp luật về môi trường không khí hiện hành còn nhiều bất cập, hạn chế,… Ví dụ: Luật Bảo vệ môi trường hiện hành chưa có những quy định riêng về đánh giá tác động môi trường không khí, thiếu quy định về quy chuẩn kỹ thuật môi trường không khí; trách nhiệm của nhà nước trong kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí,… Điều đáng nói, pháp luật bảo vệ môi trường quy định rõ nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chủ nguồn thải phải có nghĩa vụ phân loại chất thải ngay tại nguồn nhằm tái chế, tái sử dụng có hiệu quả chất thải. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm quy định này diễn ra khá phổ biến kể cả đối tượng; hình thức và tính chất, mức độ vi phạm nhưng việc phát hiện xử lý trách nhiệm còn rất ít hoặc tuy có xử lý nhưng chưa bảo đảm tính răn đe. Hay trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 có quy định về vấn đề giao rừng cho các hộ gia đình quản lý, nhưng xảy ra hiện tượng các hộ gia đình không những không bảo vệ mà còn chặt cây để bán lấy tiền, trong khi đó các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý được. Diện tích rừng ngày càng bị suy giảm và có dấu hiệu cho thấy có sự tiếp tay của một số cán bộ kiểm lâm biến chất, nhưng hình thức xử lý kỷ luật là chủ yếu, gây bức xúc trong dư luận; Luật Tài nguyên nước năm 2012 coi nước là một loại hàng hóa, người khai thác, sử dụng nguồn nước phải trả tiền, tuy nhiên, thực tế cho thấy tài nguyên nước của nước ta ngày càng bị ô nhiễm, suy thoái,… mà nguyên nhân là do sự khai thác bừa bãi, thiếu quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền,… Điều đáng buồn là những hiện tượng này xảy ra trong khi Luật quy định rất rõ và “
dày đặc” trách nhiệm của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương trong bảo vệ môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã ghi nhận quyền được sống trong môi trường trong lành là một nguyên tắc. Tuy nhiên, để quyền này có thể thực hiện hiệu quả trên thực tế, thiết nghĩ pháp luật cần ghi nhận và bảo đảm một loạt các quyền khác làm cơ sở, tiền đề cho thực hiện quyền này, như: quyền được thông tin về môi trường; quyền được bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, quyền học tập, lao động, làm việc trong môi trường trong lành; quyền được yêu cầu và được bồi thường thiệt hại về môi trường; trách nhiệm hình sự với tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm đến quyền được sống trong môi trường trong lành;…
Nghiên cứu cho thấy, pháp luật bảo vệ môi trường biển Việt Nam chưa đưa ra được định nghĩa rõ ràng và cụ thể về môi trường biển và ô nhiễm môi trường biển. Pháp luật bảo vệ môi trường biển Việt Nam cần bổ sung và hoàn thiện các quy định về quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường, các quy định về bảo vệ môi trường biển trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch…gắn liền với biển. Cần bổ sung, ban hành các tiêu chuẩn về môi trường biển Việt Nam để tạo thuận lợi cho việc quản lý và thực thi pháp luật bảo vệ môi trường biển trong thực tiễn. Mặt khác, bổ sung các quy định về phòng ngừa và khắc phục sự cố môi trường biển, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường biển, như: Quy định về nguyên tắc trong phòng ngừa và khắc phục sự cố; quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm của các chủ thể khác đối với việc phòng ngừa và khắc phục sự cố môi trường biển…Hiện vấn đề này, pháp luật bảo vệ môi trường còn đang thiếu nhiều quy định về trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người dân địa phương nơi xảy ra sự cố. Việc xã hội hóa công tác khắc phục và xử lý hậu quả của sự cố môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường biển sẽ góp phần tích cực vào việc giảm thiểu các hậu quả do sự cố này gây ra...Đồng thời, hoàn thiện các quy định về kiểm soát ô nhiễm và quản lý các loại chất thải, khí thải như ban hành các qui định pháp luật cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc quản lí chất lượng nước thải và dầu thải ra từ tàu tại cảng biển…Từ đó, sớm hoàn thiện khung thể chế quản lý biển, bởi có quản lý tốt thì mới mang lại kết quả tốt. Đây cũng là bài học kinh nghiệm Việt Nam nên học tập các nước trên thế giới như Canada, Nhật Bản, Trung Quốc…Các nước này đều có chính sách quản lý biển rất hiệu quả. Chúng ta cần thành lập một cơ quan đầu mối về chính sách biển tập trung vào việc điều phối chính sách biển, giám sát quá trình kế hoạch phân vùng biển, xây dựng các chương trình, kế hoạch thực thi chính sách biển quốc gia, nghiên cứu biển liên quan đến phát triển và thực thi chính sách biển.
Trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đã hội nhập ASEAN, ASEAN đã chuyển hóa căn bản về chất và chính thức trở thành Cộng đồng chung (ngày 31/12/2015), với ba trụ cột kinh tế, chính trị và an ninh. Với ý nghĩa đó việc hoàn thiện pháp luật về môi trường ở Việt Nam phải phù hợp với các điều ước quốc tế và khu vực về vấn đề này, đặc biệt hơn là Việt Nam càng ngày càng phải thực thi nghiêm túc những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, kể cả trường hợp Việt Nam chưa nội luật hóa các điều ước quốc tế đó.
ThS.LS Lê Văn Sua
[1] Tiền thân của Tòa án Công lý Quốc tế (The International Court of Justice - ICJ) là Tòa án Thường trực Công lý Quốc tế (The Permanent Court of International Justice - PCIJ) - vốn là tòa án của Hội Quốc Liên ra đời vào năm 1922. Tòa PCIJ tồn tại cùng với sự tồn tại của Hội Quốc Liên cho tới khi UN được thành lập và ICJ ra đời thay thế cho PCIJ vào năm 1946. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, UN được thành lập thay thế Hội Quốc Liên với mục đích chấm dứt chiến tranh giữa các quốc gia và thiết lập một cơ chế đối thoại cho các nước. Cùng với sự ra đời của UN, ICJ được thành lập dựa trên Hiến chương UN năm 1945 và bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 1946. Trụ sở của ICJ đặt tại La Hay, Hà Lan.
Không giống như PCIJ - vốn không phải là một bộ phận trực thuộc Hội Quốc Liên, ICJ là một phân ban quan trọng trực thuộc UN (điều này được nêu trong Điều 92 Hiến chương UN). Hoạt động của Tòa được điều chỉnh bởi Quy chế Tòa án Công lý quốc tế (the Statute of the International Court of Justice), trong đó có các Quy tắc về trình tự thủ tục (Rules of Procedure). Các quy tắc này có thể được sửa đổi và bộ quy tắc hiện hành là bộ quy tắc năm 1978.[
http://legal.moit.gov.vn/default.aspx?page=news&do=detail&category_id=9&news_id=484; cập nhật ngày 25/4/2017]
[2] Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đề nghị Tòa án Quốc tế xem xét tính hợp pháp của hành vi đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân (Advisory Opinion on the Legality of the Threat or Use of Nuclear Weapons), 1996.
[3] Sands, Frameworks, Standards and Implementation – Principles of International Environmental Law, Vol. 1, Manchester University Press, 1995
[4] “Các Bên phải thực hiện những biện pháp thận trọng để đoán trước, ngăn ngừa hoặc làm giảm những nguyên nhân của biến đổi khí hậu và làm giảm nhẹ những ảnh hưởng có hại của nó. Ở những nơi có các mối đe dọa bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc không thể đảo ngược, việc thiếu sự chắc chắn đầy đủ về khoa học không được dùng làm lý do để trì hoãn những biện pháp ấy, lưu ý rằng các chính sách và biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu phải là chi phí có hiệu quả để đảm bảo những lợi ích toàn cầu ở mức phí tổn thấp nhất có thể được. Để đạt được mục tiêu đó, những chính sách và biện pháp như vậy phải tính đến những tình huống kinh tế xã hội khác nhau, phải toàn diện, bao trùm mọi nguồn, bể hấp thụ và bể chứa các khí nhà kính và sự thích ứng và bao gồm mọi lĩnh vực kinh tế. Những nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu có thể được thực hiện một cách hợp tác bởi các Bên quan tâm.”
[5] Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (
United Nations Framework Convention on Climate Change, UNFCCC hoặc FCCC) là một hiệp ước quốc tế về môi trường được đàm phán tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED), thường được gọi là Hội nghị Thượng đỉnh trái đất diễn ra tại Rio de Janeiro từ ngày 3 đến 14 tháng 6 năm 1992
[6] Trường hợp thềm lục địa chung tiếp giáp với lãnh thổ của hai hay nhiều quốc gia có đường bờ biển đối diện/kề cận nhau, đường ranh giới của thềm lục địa các quốc qua sẽ được xác định bằng thỏa thuận giữa những quốc gia đó. Trong trường hợp thiếu thỏa thuận như vậy, và trừ khi đường ranh giới này được điều chỉnh bởi những hoàn cảnh đặc biệt, đường ranh giới sẽ là đường trung tuyến/đường cánh đều mà các điểm trên đó cách đều các điểm gần nhất của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia.
[7] Trần Văn Thắng – Lê Mai Anh, Luật Quốc tế - Lý luận và thực tiễn, Nxb Giáo dục, năm 2001; tr 85).
[8] http://tapchimoitruong.vn/pages/article.aspx?item=Hi%E1%BB%87n-tr%E1%BA%A1ng-m%C3%B4i-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-kh%C3%B4ng-kh%C3%AD-%E1%BB%9F-Vi%E1%BB%87t-Nam-38622