Phòng, chống tội phạm ở nước ta hiện nay- thực trạng và một số kiến nghị

11/05/2017
Dưới góc độ xã hội học thì tội phạm được coi là một hiện tượng xã hội tồn tại song song cùng với sự phát triển của xã hội. Không bao giờ có thể loại bỏ hết tội phạm mà chỉ có thể làm giảm tỷ lệ tội phạm trên tất cả các mặt , để giảm được tội phạm thì bên cạnh những giải pháp hoàn thiện pháp luật, về khoa học kỹ thuật được xây dựng, áp dụng trong công tác phòng, chống tội phạm thì nghiên cứu về nguyên nhân, tình hình tội phạm dưới góc độ xã hội học sẽ giúp cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được giải quyết tình hình tội phạm từ những nguyên nhân xã hội, qua đó góp phần giải quyết được căn nguyên của tội phạm từ việc giải quyết những vấn đề thuộc về xã hội là nguồn gốc có thể làm cho tội phạm phát triển.
Trong bối cảnh nước ta chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường, bên cạnh những thành tựu đạt được về mặt kinh tế thì cũng làm xuất hiện  những vấn đề tiêu cực trong xã hội, đó là sự thay đổi lối sống với việc đề cao giá trị vật chất và sự hưởng thụ diễn ra ở bộ phận không nhỏ trong xã hội; đạo đức xã hội có nhiều sự biến đổi nhanh chóng; sự di dân cơ học từ các vùng nông thôn về các đô thị trong khi vẫn giữ thói quen, văn hoá của vùng nông thôn; sự ứng xử giữa con người với nhau cũng có những biến động so với trước đây; công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn  có những kẽ hỡ, hệ thống pháp luật vẫn đang trong quá trình hoàn thiện; khoảng cách của phân hoá giàu nghèo ngày càng tăng và tình hình tham nhũng, lãng phí khiến một số người giàu lên nhanh chóng cũng như những tác động từ mặt trái của chính sách thu hút FDI nhằm tăng trưởng GDP ở một số địa phương dẫn đến mâu thuẫn giữa những người bị thu hồi đất với nhà đầu tư, chính quyền gây nên những bức xúc trong xã hội, tạo ra các vụ khiếu kiện đông người rất phức tạp… dẫn đến vi phạm pháp luật, phạm tội.
Xem xét nguyên nhân của tội phạm từ việc phân tích những nguyên nhân trong đời sống xã hội sẽ giúp cho Nhà nước kịp thời đề ra những chính sách pháp luật phù hợp nhằm giảm bớt những c mâu thuẫn trong xã hội, đưa ra những biện pháp phòng ngừa xã hội phù hợp, giúp cho công tác đấu tranh chống tội phạm đạt được những kết quả bền vững, làm cơ sở xã hội để giảm tỷ lệ tội phạm trong khi vẫn bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế, giữ nền chính trị ổn định.     
  I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM Ở VIỆT NAM
  1. Quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm
  Phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, thường xuyên, liên tục và lâu dài nhằm thực hiện Hiến pháp, pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý, chỉ đạo Điều hành thống nhất của Nhà nước. 
Phòng, chống tội phạm là một nội dung quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm ngay từ khi chúng ta giành được độc lập và thống nhất đất nước. Trong những năm gần đây, công tác phòng, chống tội phạm tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa thể hiện ở các văn bản chỉ đạo:
  - Kết luận số 86-KL/TW ngày 05/11/2010 của Bộ Chính trị về tiếp thực hiện  Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 14/10/2006 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới”.
  - Chỉ thị số 21-CT/T W ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị (khoá X) về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới”.
  - Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”.
  - Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng  đối với phong trào toàn dân bảo vệ An ninh tổ quốc trong tình hình mới”.
  - Chỉ thị số 18-CT/ TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư trung ương Đảng (khoá XII) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trạt tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”.
  - Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.
  - Kết luận số 95-KL/TW ngày 02/4/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/ TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị (khoá X) về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới”;
  - Chỉ thị số 46-CT/T W ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị (khoá XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”;
  - Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án năm 2013.
  - Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm;
  - Nghị quyết số 111/2015/QH 13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về cong tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Toà án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo.
  - Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
- Nghị quyết số 98/NQ-Cp ngày 26/12/2014 của Chính phủ  về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới.
2. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật
2.1. Tình hình tội phạm
  Theo dõi Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trước Quốc hội vào kỳ họp cuối mỗi năm từ năm 2011 đến năm 2016, cho thấy kết quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Nếu như năm 2011 tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật được Chính phủ nhìn nhận là diễn biến phức tạp,  hầu hết các loại tội phạm đều tăng so với cùng kỳ những năm trước đó (tăng cả về số tội phạm và loại tội), với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội ngày càng tăng; tội phạm có tổ chức dưới hình thức băng nhóm bao kê nhà hàng, đòi nợ thuê dưới danh nghĩa thành lập các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, vũ trường, cầm đồ…, tội phạm sử dụng công nghệ cao, mua bán người,… có xu hướng tăng; hành vi phạm tội chống đối người thi hành công vụ mang tính manh động cao; tội phạm sử dụng vũ khí có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn phạm tội tinh vi, manh động, liều lĩnh, tội phạm giết người mang tính dã man, tàn bạo, gây bức xúc trong xã hội… thì từ năm 2012 cho đến năm 2016 tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật dần được kiềm chế và đặc biệt năm 2016 thì về tổng thể tình hình tội phạm có giảm.
- Xem xét về cơ cấu tội phạm trong báo cáo của Chính phủ từ năm 2012 đến năm 2016 cho thấy:
+  Một số loại tội phạm như tội giết người (do mâu thuẫn bộc phát trong nhân dân), tội trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản, tội chống người thi hành công vụ giảm… có chiều hướng năm sau giảm hơn năm trước.
+ Một số loại tội phạm như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội mua bán tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc lại tăng.
+ Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng giảm về số vụ và số bị can.
+ Tội phạm về môi trường  giảm về số vụ nhưng lại tăng về số bị can.
+ Tội phạm sử dụng công nghệ cao tăng đột biến cả về số vụ và số bị can.
+ Tội phạm ma túy tăng về số vụ và số bị can.
Cụ thể như sau:
  -  Năm 2012: số vụ xâm phạm trật tự xã hội giảm 0,74%; tỷ lệ khám phá đạt cao hơn 1,56% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó:
  - Tội giết người: xảy ra 1.100 vu, tăng 10 vụ (0,92 %); tính chất vụ án nghiêm trọng hơn, phản án những vấn đề đáng báo động về mặt đạo đức xã hội; số vụ phạm tội có tổ chức tăng 10,8 %; tội phạm mua bán người tăng 23,36%; [năm 2013: tội giết người có 1.094 vụ, giảm 0,55%; cướp tài sản giảm 15,3 %; tội mua bán người giảm 26,5%,…);  năm 2014:  giảm về số vụ và số bị can; tăng số vụ mua bán người;
  - Tội xâm phạm sở hữu: Nổi lên là tội cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản mang tính manh động ngày càng nghiêm trọng, số vụ phạm tội sử dụng vũ khí nóng tăng 41,62%; tội trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm hình sự, nhất là địa bàn nông thôn, nhưng tỉ lệ điều tra, khám phá đạt tỷ lệ thấp; [năm 2013: tội cưỡng đoạt tài sản tăng 20,9%; tội trộm cắp tài sản tăng 11,3%]; Năm 2014 tăng về số vụ, giảm về số bị can;
  - Tội phạm chống người thi hành công vụ ngày càng gia tăng, xảy ra 780 vụ (tăng 126 vụ =19,27%), hành vi chống đối ngày càng manh động, liều lĩnh. Xảy ra nhiều vụ chống người thi hành công vụ có đông người tham gia. [tội chống người thi hành công vụ, giảm 6,54% nhưng số vụ đông người tham gia lại tăng];
  - Tội phạm đánh bạc tăng mạnh (tăng 34,09 % về số vụ, tăng 30,26% về số đối tượng). Nhiều nhóm đối tượng sử dụng mạng Internet để đánh bạc.[ năm 2013, giảm 16,6%]; năm 2014: tăng, nhiều vụ có quy mô lớn
  - Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế:  Tăng 1.037 vụ=11,83 %, tập trung vào các hành vi chiếm đoạt tài sản của ngân hàng, tín dụng đen; sử dụng công nghệ cao; dùng thẻ ATM, thẻ thanh toán giả để rút tiền... tội buôn lậu, mua bán trái phép ngoại tệ, buộn lậu vàng qua biên giới… [năm 2013, được kiểm chế nhưng vẫn còn những vụ gây hậu quả nghiêm trọng gây bức xúc dư luận, xã hội, ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước]; Năm 2014: tăng về số vụ và số bị can;
  - Tội phạm về môi trường: Tăng 341 vụ (3,97%), xử lý 8.685 đối tượng, tăng 561 đối tượng (tăng 6,91%), khởi tố 492 bị can (tăng 32,26%). Hành vi phạm tội chủ yếu là xả chất thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường hoặc doanh nghiệp không xây dựng khu xử lý nước thải. [năm 2013 diễn biến phức tạp - nhập khẩu trái phép chất thải; khai thác trái phép khoáng sản].
  - Tội phạm ma tuý: Diễn biến phức tạp, phát hiện 16.140 vụ, tăng 2.107 vụ (15,01 %), nhiều đường dây mua bán từ 30 đến 100 bánh heroin. [năm 2013, giảm về số vụ nhưng tăng về số đối tượng phạm tội và lượng ma tuý thu giữ]; Năm 2014: giảm về số vụ và số bị can.
  - Tội phạm tham nhũng: Phát hiện 803 vụ (tăng 555 vụ=223,79%) với 1.719 đối tượng, tăng 1.193 đối tượng (226,81%); khởi tố điều tra 270 vụ (tăng 22,17%) với 554 bị can (tăng 26,2 %). Đáng chú ý là hành vi lạm quyền của các cán bộ ngân hàng khi cho khách hàng vay tiền [2013: Diễn biến phức tạp, nhiều vụ án lớn với số tiền chiếm đoạt hoặc gây thiệt hai hàng ngàn tỷ đồng]; Năm 2014, giảm về số vụ và số bị can.
Xét về tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2016 số lượng tội phạm giảm nhưng mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội được thực hiện ngày càng tinh vi, manh động, gây ra thiệt hại về vật chất rất lớn; số ma túy thu giữ qua các vụ án ma túy đều tăng. Với một số loại tội phạm được xác định là giảm như tội giết người thì tính chất tội phạm vẫn rất nghiêm trọng. Giết người do mâu thuẫn cá nhân bột phát, thù tức cá nhân chiếm hơn 80% tỷ lệ loại tội này, đáng lưu ý một số vụ án giết người mà thủ phạm là người chưa thành niên thực hiện có nguyên nhân bị ảnh hưởng từ trò chơi điện tử trên Internet, các vụ án giết người thân lại tăng mạnh. Tội phạm chống người thi hành công vụ giảm về số lượng nhưng tính chất manh động lại tăng, đối tượng phạm tội dùng hung khí, lôi kéo nhiều người tham gia chống người thi hành công vụ.
Về các nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm năm 2016 giảm có thể thấy, báo cáo của Chính phủ đã ghi nhận bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm của các cơ quan bảo vệ pháp luật mà nòng cốt là lực lượng công an, sự tham gia của nhân dân và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể vào công tác phòng, chống tội phạm, cũng đã thẳng thắn chỉ ra tỷ lệ tội phạm giảm còn có nguyên nhân từ sự thay đổi chính sách hình sự bằng việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 109/2015/QH13 về thi hành Bộ luật hình sự năm 2015 không quy định tội phạm với một số hành vi trước đây được xác định là tội phạm (gồm: Hoạt động phỉ (Điều 83); Đăng ký kết hôn trái pháp luật (Điều 149); Kinh doanh trái phép (Điều 159); Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165); Báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167). Như vậy, kết quả tỷ lệ tội phạm giảm trong năm 2016 có nguyên nhân kỹ thuật là sự thay đổi trong chính sách hình sự, nói cách khác công tác phòng, chống tội phạm vẫn đang ở mức kiềm chế, đặc biệt tuy giảm về số lượng tội phạm nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm lại tăng, có những tội phạm giảm nhưng nhìn vào tính chất phổ biến của loại tội phạm này lại là dấu hiệu báo động về những vấn đề đạo đức xã hội như tỷ lệ vụ án giết người thân lại tăng; mức độ nguy hiểm của hành vi chống người thi hành công vụ cũng tăng lên; có loại tội phạm tăng biểu hiện của lối sống vụ lợi, bất chấp thủ đoạn làm giàu (hành vi lừa đảo qua kinh doanh đa cấp).
2.2. Tình hình vi phạm pháp luật
Bên cạnh tình hình tội phạm, báo cáo của Chính phủ cũng xác định tình hình vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến, đa dạng và phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng tập trung chủ yếu ở các loại vi phạm: vi phạm về trật tự , an toàn giao thông; vi phạm ở một số cơ sở kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật quy đinh điều kiện kinh doanh (như kinh doang vũ trường, khách sạn nhà nghỉ, karaoke...); vi phạm về xuất nhập cảnh; vi phạm về phòng, chống cháy nổ; vi phạm về an toàn thực phẩm; vi phạm trong lĩnh vực môi trường; vi phạm trong lĩnh vực xây dựng; vi phạm trong lĩnh vực đất đai; vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Như vậy, có thể thấy tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật xảy ra ở hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, kéo dài từ năm này qua năm khác, tuy ở mỗi thời điểm khác nhau tỷ lệ tội phạm, vi phạm pháp luật ở các lĩnh vực có tăng, giảm nhưng về căn bản loại tội phạm, vi phạm pháp luật thường được lặp đi lặp lại với các mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Vậy, nguyên nhân của tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật là do đâu?
Thực tế qua các hoạt động giám sát của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội về các mặt của đời sống kinh tế xã hội; hoạt động giám sát, khảo sát thuộc lĩnh vực chuyên môn của Ủy ban tư pháp của Quốc hội về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng nhiều năm qua, mặc dù hoạt động giám sát, khảo sát nói trên không phải là những khảo sát chuyên sâu về tội phạm học hay xã hội học nhưng qua kết quả giám sát, khảo sát này đã cung cấp thêm những dữ liệu về nguyên nhân xã hội của tội phạm. Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm mới chỉ ta ở mức độ khái quát nhất nguyên nhân của tình hình tội phạm từ năm 2011 đến năm 2016; cụ thể gồm:
  (1) Sự chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường trong khi công tác quản lý chưa theo kịp, có nhiều lỗ hổng trong quản lý nhà nước và chính sách pháp luật chưa hoàn thiện nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản. Đất đai, khoáng sản trở thành một loại hàng hóa đặc biệt có giá trị sinh lời cao làm cho một số người giàu lên nhanh chóng nhưng đây cũng là cơ hội để loại tội phạm tham nhũng, lừa đảo phát triển; ở nhiều vùng nông thôn nhất là các địa bàn ven đô thị, thành phố lớn thì người dân qua 01 đêm ngủ dậy tự nhiên có một số tiền lớn do Nhà nước hoặc doanh nghiệp đền bù khi thu hồi đất phục vụ quá trình mở mang đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông hay khu công nghiệp trong khi họ lại chưa được hướng dẫn về chuyển đổi nghề nghiệp, tích lũy đầu tư để sử dụng số tiền có hiệu quả. Việc tự dưng trong thời gian ngắn có số tiền lớn đã là cơ sở để phát sinh các tội liên quan đến cờ bạc hoặc các tệ nạn xã hội hoặc các tranh chấp tài sản giữa các anh chị em ruột, họ hàng với nhau.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp phá sản, thu hẹp sản xuất, lao động mất việc làm tăng cao tạo áp lực lớn đến các vấn đè xã hội; ảnh hưởng của văn hoá phẩm đồi truỵ, các trò chơi bạo lực trên mạng và sự xuống cấp về lối sống, đạo đức của một bộ phận trong xã hội nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên; tình trạng sử dụng ma tuý tổng hợp gia tăng, nhất là trong thanh niên.
  (2) Công tác quản lý Nhà nước nhiều lĩnh vực còn sơ hở dễ phát sinh tội phạm như lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, đất đai, tài nguyên, môi trường, công nghệ thông tin, quản lý biên giới, cửa khẩu… công tác phòng ngừa xã hội hiệu quả thấp; sự phối hợp giữa nhà trường, xã hội và gia đình trong giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho giới trẻ còn hạn chế.
  (3) Cấp uỷ, chính quyền cơ sở ở một số nơi chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm; trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan chưa được đề cao; sự tham gia của các ngành, đoàn thể còn ít.
  (4) Công tác nắm tình hình, giải quyết các mâu thuẫn trong nhân dân chưa kịp thời, hiệu quả, công tác thông tin, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật còn hạn chế.
  (5) Công tác quản lý những người bị bệnh tâm thần, công tác cai nghiện  ma tuý còn nhiều bất cập, quản lý người nghiện ma tuý ở ngoài xã hội còn nhiều tồn tại.
  (6) Hệ thống pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống pháp luật còn nhiều bát cập, trang bị phương tiện cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm còn chưa đầy đủ….
Để giải quyết tình trạng trên, Chính phủ cũng nêu nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm. Trong khi đó, một trong nhiều giải pháp quan trọng cần phải được nghiên cứu là nhìn nhận tội phạm, nguyên nhân dẫn đến tội phạm gia tăng dưới góc độ nghiên cứu về xã hội học chỉ được đề cập rất mờ nhạt trong các báo cáo và cũng chưa thấy được sự quan trọng của việc chỉ ra các nguyên nhân ở góc độ này.
Từ thực tế hoạt động giám sát của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội nói chung, của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về các mặt của đời sống kinh tế xã hội; hoạt động giám sát, khảo sát thuộc lĩnh vực chuyên môn của Ủy ban Tư pháp về tình hình chấp hành pháp luật  trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng những năm qua, đi sâu phân tích các nguyên nhân của tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật  và Báo cáo của Chính phủ đã nêu, xin nêu lên một số nguyên nhân làm phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật hiện nay như sau:
(1) Nguyên nhân từ công tác quản lý xã hội
Nói đến tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật hiện nay rất nhiều người đều cho rằng, một trong những nguyên nhân là do ảnh hưởng của  mặt trái của nền kinh tế thị trường. Báo cáo của Chính phủ cũng cho rằng một trong những nguyên nhân là do tình hình kinh tế xã hội khó khăn, tạo áp lực lớn đến các vấn đề xã hội, tình trạng không việc làm... Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ cho thấy, chúng ta không thể đổ lỗi cho nền kinh tế thị trường mà những hiện tượng nêu trên chỉ là bề nổi biểu hiện sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng trong xã hội nước ta. Việt nam đến nay vẫn chưa được nhiều nước phát triển trên thế giới công nhận nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế thị trường. Bản thân Đảng và Nhà nước ta khẳng định chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa chứ chưa phải chúng ta đã xây dựng thành công nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, ở những nước có nền kinh tế thị trường phát triển thì tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật ở những nước này cũng không tăng như ở Việt nam. Như vậy, có thể xác định nguyên nhân trước hết dẫn đến tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp là công tác quản lý xã hội của chúng ta còn nhiều hạn chế, thể hiện ở các khía cạnh sau:
-  Việc thực thi pháp luật của chúng ta chưa thực sự nghiêm minh
Sự chưa nghiêm minh thể hiện ở cả hai phía là phía có trách nhiệm thi hành công vụ và phía người dân - đối tượng chịu  sự điều chỉnh của pháp luật thể hiện rõ nét nhất ở những bất cập trong việc tham gia giao thông đường bộ ở nước ta hiện nay, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Chúng ta có thể dễ dàng thấy khi tham gia giao thông các trường hợp vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... hay cũng không hiếm gặp tình trạng mãi lộ của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông với người vi phạm; trong quản lý đất đai thì không hiếm gặp những vụ án mà cán bộ thôn, xã dễ dàng chia đất công ra bán, và sự việc chỉ bị phát hiện khi có kiện tụng giữa những người mua bán hoặc khi báo chí đưa tin; hay hiện tượng xử lý không công bằng giữa những người vi phạm pháp luật..., đã tạo ra tâm lý dần trở thành phổ biến trong xã hội là “cái gì cũng phải chạy”, chạy trường, chạy lớp, chạy hộ khẩu, chạy việc làm, chạy dự án... và cả chạy án.
Hay đơn cử như pháp luật về phòng, chống cháy nổ quy định rất đầy đủ nhưng chỉ khi xảy ra cháy mới phát hiện cơ sở bị cháy không đáp ứng quy định về an toàn cháy, nổ. Và như vậy, kết quả xử lý giảm giá trị đi rất nhiều  khi hậu quả thiệt hại về người, tài sản đã xảy ra. Trong khi nếu thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy ngay từ đầu thì vụ việc cháy, nổ đã có thể không xảy ra.
-  Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng trong đời sống xã hội nước ta
Cùng với sự phát triển cuả nền kinh tế thị trường, xã hội xuất hiện sự phân hóa giàu nghèo là tất yếu. Song sự phân hóa tất yếu này là bình thường nếu như những người giàu lên bằng chính trí tuệ, sức lao động của bản htân họ, còn những người nghèo đi vì họ hạn chế về năng lực, sức khỏe hay do họ lười lao động. Song trên thực tế trong xã hội số người giàu lên bằng chất xám, tri thức và tài năng của mình lại ít so với những người giàu lên vì họ có được sự khôn ngoan, lắt léo, chạy dự án và độc quyền thông tin hay có quyền ban phát chức tước, bổng lộc, cấp phép,... Ví dụ, vấn đề khiếu kiện trong thu hồi đất đai của nông dân ở nhiều nơi để thực hiện dự án xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị khi nhà đầu tư chỉ bỏ ra một ít tiền để đền bù phần đất ruộng thu hồi và đổ ít đất để san lấp mặt bằng sau đó bán với giá gấp hàng trăm lần giá đền bù đã tạo ra những khiếu kiện đông người về đất đai xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Hiện tượng quan chức có rất nhiều nhà, biệt thự ở các khu đô thị trong khi chỉ với lương gồm cả phụ cấp thì không bao giờ có thể mua được. Hiện tượng những người do có quyền lực, quen biết nắm trước được thông tin dự án sẽ triển khai nên đã mua trước sau đó bán lại kiếm lời và giàu lên nhanh chóng, tình trạng tham nhũng, chạy quyền, chạy chức... Điều này  làm khoét sâu hố ngăn cách xã hội tạo nên sự bất bình đẳng và sự  bất mãn trong xã hội của số đông người lao động đối với số ít người giàu có không bằng trí tuệ, sức lực của mình. Trên thực tế, Nhà nước và pháp luật chưa có giải pháp thực sự hiệu quả để giải quyết tình trạng này.
(2) Nguyên nhân từ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật ở nước ta hiện nay, đó là thái độ “thờ ơ”, né tránh trách nhiệm , ngại va chạm của một số cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi trách nhiệm của mình. Điều này có thể khẳng định qua những vụ việc về mại dâm đang tồn tại. Thực tế nhiều người đều biết, báo chí đưa tin và phản ánh chính xác. Tuy nhiên, chính quyền địa phương ở những nơi đó vẫn báo cáo rằng địa phương mình không có mại dâm. Vụ việc xảy ra ở thẩm mỹ viện Cát Tường, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cuối cùng không xác định được trách nhiệm của phường hay của quận hay của ngành y tế trong khi một cơ sở dịch vụ tồn tại không có giấy phép hành nghề bao nhiêu năm ngay mặt phố mà chính quyền và các cơ quan chức năng đều không biết. Hoặc thời gian gần đây xảy ra những vụ dâm ô đối với trẻ em nhưng  không cơ quan nào lên tiếng[1]. Hoặc nếu như chính quyền địa phương ở phường Phương Nam, thành phố Uông Bí buộc Doãn Trung Dũng đi cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thì có lẽ Dũng đã không thể gây ra cái chết của cả 3 bà cháu trong cơn phê ma túy đá[2].
Sự bao che của một số cơ quan chức năng, người có chức vụ đối với hành vi vi phạm pháp luật. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật ngày càng diễn biến phức tạp là do sự bao che của người có thẩm quyền. Pháp luật đã quy định rõ về điều kiện bảo vệ môi trường khi thực hiện đầu tư dự án. Tuy nhiên, để thu hút doanh nghiệp  vào đầu tư, nhiều địa phương chính quyền hoặc người có thẩm quyền đã lờ đi hoặc có thái độ xuê xoa đối với những doanh nghiệp, bỏ quan những hạng mục bắt buộc phải có để bảo đảm hoạt động sả thải ra môi trường không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Hiện tượng khai thác cát trái phép trên nhiều dòng ống lớn của đất nước với quy mô lớn và công khai đến mức trắng trợn, nhưng chính quyền nhiều nơi lại trả lời không biết, không nắm được, chỉ khi dự luận báo chí thông tin, lên án thì mới ra quân trấn áp.
Và chính những điều này là một trong những nguyên nhân làm cho tội phạm, vi phạm phápluật có “đất” để hoạt động.
(3) Trong công tác giáo dục hiện nay, chúng ta đang thiếu một chương trình giáo dục kỹ năng sống cho giới trẻ
Nền giáo dục của chúng ta dường như mới chỉ  tập trung vào việc truyền bá kiến thức cho học sinh mà thiếu đi những chương trình dạy kỹ năng sống cho lứa tuổi thanh, thiếu niên. Trong khi đó, thông tin trên Internet lại tràn ngập và cũng chưa có một chương trình kiểm soát hoặc định hướng cho thanh, thiếu niên lựa chọn thông tin khi vào Internet. Chính vì không được trang bị kỹ năng sống lại đứng trước “rừng” thông tin tốt, xấu các loại nên làm cho thanh, thiếu niên bối rối, lựa chọn sai những thông tin mà mình cần tìm hiểu. Điều này vô hình chung đã đưa nhiều em tiếp nhận, hấp thụ, chuyển hóa thành những ứng xử sai trái và là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội hoặc hành vi vi phạm pháp luật (vấn đề nghiện game online dẫn đến bỏ học, trộm cắp lấy tiền chơi game; học theo những hành vi bạo lực trên mạng; ảnh hưởng phim ảnh đồi trụy dẫn đến thực hiện hành vi dâm ô, hiếp dâm ở một số tội phạm chưa thành niên...).
(4) Chính sách pháp luật của húng ta còn thiếu nhất quán trong xử lý hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật
Bộ luật hình sự là công cụ để trấn áp hành vi phạm tội, tuy nhiên trong chính sách hình sự của chúng ta, nhiều lần sửa đổi BLHS có sự thay đổi chính sách hình sự mà hiệu quả tích cực thu lại ít hơn những hậu quả tiêu cực mà do thực thi chính sách hình sự mới, cụ thể: Năm 1997, chúng ta tiến hành sửa BLHS năm 1985 về các tội phạm ma túy. Ở lần sửa đổi này, chúng ta xác định hành vi sử dụng thuốc phiện là tội phạm, đồng thời tăng nặng hình phạt rất nhiều đối với tội phạm về ma túy và bắt buộc phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với các tội phạm về ma túy. Khi  thực thi chính sách hình sự này, số lượng người bị kết án phạt tù, bị kết án tử hình tăng lên, quá tải cho công tác giam giữ; Tòa án tuyên hình phạt bổ sung là hình phạt tiền trong mọi trường hợp dù không đủ thông tin là người phạm tội có điều kiện thi hành không? Điều này dẫn đến loại tội phạm ma túy đặc biệt ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào, đối tượng vận chuyển, mua bán ma túy chống cự điên cuồng khi bị truy bắt, gây tổn thất cho lực lượng chức năng nhưng tình hình tội phạm ma túy không giảm. Bên cạnh đó, việc tuyên hình phạt bổ sung là hình phạt tiền là bắt buộc dẫn đến công tác thi hành án dân sự về loại hình phạt này không khả thi trên thực tế, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Những chính sách trên kéo dài đến khi BLHS năm 1999 được ban hành đã phải thay đổi.
Bên cạnh Bộ luật hình sự quy định rất nghiêm khắc về tội phạm, hình phạt, điều kiện miễn, giảm hình phạt rất chặt chẽ, nhưng đến năm 2006 chúng ta lại ban hành Luật đặc xá. Theo đó, mỗi năm đặc xá tha tù cho hàng nghìn phạm nhân mà không có sự ràng buộc hay răn đe. Điều này làm nảy sinh hai vấn đề : thứ nhất, đó là sự bất hợp lý giữa tên đặc xá - miễn tội cho những trường hợp đặc biệt vơi số lượng hàng ngàn phạm nhân được tha mỗi năm thì  mất đi tính ân huệ đặc biệt của chính sách này; thứ hai, mâu thuẫn với chính sách hình sự. Bộ luật hình sự quy định và thực tế xét xử khi lượng hình hoặc khi xét miễn, giảm thời gian chấp hành hình phạt cho bị cáo hoặc phạm nhân thì việc giảm hình phạt rất chặt chẽ, mức giảm nhiều nhất một lần cũng chỉ được 01 năm - 02 năm nhưng với quy định của Luật đặc xá thì chỉ thi hành 1/3 thời hạn tù, hoặc thi hành hành 1/4 thời hạn tù và có trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng chỉ thi hành án 12 năm đã được tha tù. Điều này tạo nên sự bất bình đẳng trong chính sách xử lý tội phạm.
Bộ luật hình sự quy định chỉ xử lý hình sự đối với người có hành vi trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng người đó phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, hoặc đã bị xử lý hành chính về hành vi trộm cắp nhưng chưa hết thời hạn bị coi là chưa bị xử phạt hành chính. Chính vì điều này, chúng ta không xử lý được hành vi trộm cắp tài sản là chó nuôi của nhiều gia đình ở các vùng nông thôn vì một con chó nuôi ở vùng nông thôn khó có giá đến 2 triệu đồng, trong khi đó cơ sở dữ liệu theo dõi người bị xử phạt hành chính cũng như công tác theo dõi người bị xử phạt hành chính còn chưa được chú ý nên rất khó xác định một người đã bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt. Điều này đã làm cho các cơ quan bảo vệ pháp luật coi nhẹ việc xử lý hành vi trộm cắp chó, dẫn đến nhiều địa phương người dân tự xử hành vi trộm cắp chó bằng cách đánh chết kẻ trộm chó. Như vậy, từ vi phạm pháp luật của một người không được xử lý nghiêm túc, kịp thời đã dẫn đến hành vi phạm tội của người khác.
(5) Chính sách kinh tế và quản lý tài chính của chúng ta còn nhiều “lỗ hổng” tạo điều kiện cho tội phạm được thực hiện
Không đề cập đến lĩnh vực thuần túy chuyên môn nhưng một trong những nguyên nhân dẫn đền tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp là do chúng ta duy trì nền kinh tế sử dụng tiền mặt là phổ biến. Trong khi đó, Nhà nước chưa có chính sách, pháp luật có hiệu quả để quản lý được tài sản của các nhân, trong thời gian tới và có lẽ còn kéo dài nhiều năm sau nữa. Điều này tạo điều kiện cho hành vi vi phạm các tội tham nhũng, tội xâm phậm trật tự kinh tế, tội rửa tiền, buôn lậu, trốn thuế dễ dàng thực hiện và khó chứng minh là tiền phi pháp để thu hồi lại tài sản cho nhà nước. Bên cạnh đó, điều này cũng làm người dân tiếp cận các dịch vụ tín dụng chính thức của ngân hàng rất khó khăn (vì đa phần các ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản bảo đảm ), dẫn đến người dân tìm đến các dịch vụ tín dụng “đen” bên ngoài như cầm cố, cho vay nặng lãi. Đây là cơ hội cho các loại tội phạm cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo phát triển.
(6) Chúng tav đang thiếu một chính sách, hệ thống cơ quan, tổ chức hoạt động có hiệu quả về phúc lợi, an sinh xã hội đối với người chưa thành niên có hoàn cảnh khó khăn
Khảo sát của Ủy ban Tư pháp tại một số trại giam Bộ Công an cho thấy, người phạm tội là người chưa thành niên có tỷ lệ phạm tội trộm cắp là cao nhất (chiếm hơn 60%). Số phạm nhân là người chưa thành niên trước khi phạm tôi đa phần là những người có hoàn cảnh khó khăn: cha mẹ ly hôn, cha hoặc mẹ bỏ đi hoặc cả cha mẹ cùng bỏ đi để trẻ sống với ông, bà hoặc sống lang thang dựa vào hảo tâm của hàng xóm; gia đình có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Do thiếu sự quan tâm của cha mẹ, gia đình nên các cháu sống tự do, bị kẻ xấu lợi dụng dẫn đến vi phạm pháp luật hoặc thực hiện hành vi phạm tội. Trong quá trình thi hành án, do những khó khăn về cơ sở vật chất và những điều kiện khách quan khác nên phạm nhân là người chưa thành niên thường giam chung với phạm nhân đã thàn niên. Điều này trái quy định của pháp luật nhưng khó có giải pháp khả thi hơn ở một số trại giam. Công tác giáo dục, dạy nghề thường chỉ ở mức xóa mù chữ, cao nhất thường tổ chức được 1 - 2 lớp có trình độ đầy cấp 2 nhưng nếu ó với mặt bằng chung khó có thể bảo đảm. Việc dạy nghề thường chỉ là những lao động chân tay giản đơn. Do đó, sau khi chấp hành xong án phạt tù, họ trở về địa phương, người phạm tội nói chung và người phạm tội là người chưa thành niên nói riêng rất khó tìm được việc làm và khó tìm được sự hỗ trợ của cộng đồng và các ơ quan, tổ chức khác. Vì vậy, họ rất dễ tái phạm khi bị rủ rê, lôi kéo dù trước đó họ đã nhận thức được về lỗi lầm của mình.
 Xuất phát từ những nguyên nhân của tội phạm và vi phạm pháp luật đã nêu ở trên, theo tôi để giải quyết vấn đề tội phạm, vi phạm pháp luật cần xuất phát từ căn nguyên của vấn đề, đề cao công tác phòng ngừa xã hội qua việc phát triển nền kinh tế, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong xã hội và thực hiện một nền pháp luật, một nền công vụ nghiêm minh chứ không phải tăng nặng hình phạt hay mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự. Trên cơ sở xin nêu một số kiến nghị sau:
1. Hoàn thiện thể chế về công vụ, theo đó xác định rõ phạm vi trách nhiệm của mỗi cơ quan, của người đứng đầu mỗi cơ quan. Đề cao nguyên tắc chịu trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu nhưng đồng thời phải có thiết chế kiểm soát quyền lực nhằm ngăn ngừa hành vi tham nhũng, làm giàu bất chính.
Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 với các giải pháp được nêu như: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, phân bổ ngân sách bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ cho công tác phòng, chống tội phạm. Nâng cao vai trò trách nhiệm, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra tình hình tội phạm phức tạp, kéo dài, hoạt động lộng hành hoặc bao che cho tội phạm; Đẩy nhanh tiến độ đổi mới, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; xây dựng cơ chế Điều hành, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện chiến lược cải cách hành chính, cải cách tư pháp thống nhất từ Trung ương đến địa phương; Tăng cường, hoàn thiện mối quan hệ phối hợp liên ngành trong phòng, chống tội phạm. Thường xuyên trao đổi thông tin tội phạm và phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các loại tội phạm để có đối sách kịp thời, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; Nắm chắc diễn biến, đánh giá, thống kê chính xác về tình hình tội phạm; tiếp tục hoàn thiện, đổi mới công tác thông tin, thống kê tội phạm, xây dựng; bổ sung hệ thống thống kê công tác xử lý vi phạm hành chính. Thường xuyên tổng kết, nghiên cứu, xây dựng các luận cứ khoa học về tội phạm, dự báo về tình hình phạm tội hàng năm, giữa kỳ và từng giai đoạn để điều chỉnh, bổ sung các Mục tiêu, giải pháp, chính sách cho phù hợp yêu cầu thực tiễn.
2. Hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, khai thác tài nguyên, môi trường, thực hiện đúng nguyên tắc công khai, minh bạch trong thu hồi, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất. Xây dựng chế tài nghiêm khắc, áp dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.
Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật  có nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về trật tự, an ninh, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; từ đó có những sửa đổi, bổ sung mới phù hợp tình hình đối với những tồn tại, hạn chế được phát hiện, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống pháp luật.
3. Xây dựng lộ trình hạn chế thanh toán tiền mặt trong các giao dịch và chính sách pháp luật về kiểm soát tài sản của công dân nói chung và cán bộ đảng viên nói riêng.
4. Hoàn thiện chính sách pháp luật về hình sự theo hướng nhân đạo theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TƯ ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Xây dựng các thủ tục để kịp thời đưa quy định tha tù có điều kiện trong Bộ luật hình sự năm 2015 khi Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 được Quốc hội thông qua. Sửa đổi Luật đặc xá, Luật thi hành án hình sự để phù hợp với chính sách hình sự mới trong Bộ luật hình sự năm 2015.
5. Xây dựng cơ chế phù hợp để huy động sự tham gia của cộng đồng, các cơ quan, tổ chức vào công tác chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên có hoàn cảnh khó khăn. Quy định cơ chế kiểm soát chặt chẽ và có chế tài nghiêm khắc việc khai thác thông tin trên Internet và hoạt động kinh doanh game online đối với những người kinh doanh dịch vụ khi khách hàng là người chưa thành niên.
Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là giáo dục về đạo đức, lối sống, chính sách pháp luật. Thường xuyên cải tiến hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm của nhân dân về phòng, chống tội phạm: Kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền, vừa rộng rãi, vừa mở đợt tập trung, vừa tuyên truyền cá biệt; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc họp của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị, trường học, tổ dân phố, cụm dân cư. Chú trọng hình thức tuyên truyền, vận động cá biệt đối với các đối tượng có nguy cơ phạm tội, tái phạm và tại các địa bàn trọng điểm về trật tự, an toàn xã hội.
- Thực hiện tốt Chỉ thị số 09-CT/TƯ của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; các nghị quyết liên tịch, kế hoạch phối hợp giữa các ngành, các cấp về công tác phòng, chống tội phạm. Đẩy mạnh công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các mô hình tổ chức quần chúng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh, trật tự ngay từ gia đình, cộng đồng dân cư, trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhà trường; thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình có hiệu quả cao, nghiên cứu xây dựng những mô hình mới phù hợp với tình hình đặc điểm từng địa bàn. Tổ chức cho nhân dân, cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên ký cam kết xây dựng khu dân cư, xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường “An toàn về an ninh, trật tự”. Kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, có chính sách thỏa đáng đối với những trường hợp bị thương, hy sinh hoặc thiệt hại về tài sản khi tham gia phòng, chống tội phạm.
 
 
[1] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170314/15-co-quan-bao-ve-nhung-tre-bi-xam-hai-khong-biet-goi-ai/1280108.html
[2] http://news.zing.vn/nghi-pham-giet-4-ba-chau-trong-con-phe-ma-tuy-post684928.html