Một số vấn đề về thủ tục rút gọn trong Bộ luật TTDS năm 2015

04/05/2017
Trong những năm qua, công cuộc đổi mới đất nước theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá, thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã và đang có những bước tiến vượt bậc. Đời sống Nhân dân ngày được nâng cao, các quan hệ kinh tế - quốc tế phát triển mạnh mẽ, giao lưu kinh tế, dân sự, thương mại… ngày một gia tăng. Theo quy luật chung, quan hệ xã hội nhiều sẽ dẫn đến các tranh chấp cũng nhiều. Hàng năm, ngành Toà án nhân dân đã thụ lý giải quyết một khối lượng rất lớn các vụ án tranh chấp liên quan đến dân sự, kinh tế, thương mại... Điều này đã tạo ra một áp lực lớn về công việc cho ngành. Trong số các vụ án được Toà án nhân dân các cấp thụ lý, giải quyết hàng năm có không ít vụ án có nội dung đơn giản, chứng cứ rõ ràng, bị đơn không phản đối yêu cầu của nguyên đơn hoặc các tranh chấp về tài sản có giá ngạch thấp. Tuy nhiên, những vụ việc này vẫn phải tiến hành theo một trình tự thủ tục tố tụng thông thường. Hệ quả là thời gian giải quyết vụ kiện sẽ bị kéo dài hoặc phải trải qua nhiều cấp xét xử một cách không cần thiết gây mất thời gian, tổn phí cho các đương sự và Nhà nước.
Nhận thức được thực trạng này, thể chế hóa đường lối chỉ đạo của Đảng và Nhà nước tại Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Hiến pháp năm 2013. Bộ luật tố tụng dân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2015, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đã dành hai chương quy định về thủ tục rút gọn để giải quyết một số loại vụ án khi đáp ứng các điều kiện nhất định. Đây là một chế định hoàn toàn mới.
I. KHÁI QUÁT VỀ THỦ TỤC TỐ TỤNG DÂN SỰ RÚT GỌN
1. Khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa của thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự
1.1. Khái niệm thủ tục tố tụng dân sự rút gọn
Hiện nay, trong hệ thống pháp luật của nhiều nước trên thế giới đều có xây dựng và áp dụng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn để giải quyết một số loại vụ án dân sự nhất định. Xét một cách khái quát thì tuy pháp luật mỗi nước có những đặc thù riêng nhưng nhìn chung thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự được hiểu là một thủ tục đơn giản hơn thủ tục tố tụng thông thường về thành phần hội đồng xét xử, về thời gian tiến hành tố tụng… đối với các vụ án có nội dung tranh chấp tương đối rõ ràng, bị đơn đã thừa nhận hoặc không phản đối yêu cầu của nguyên đơn, các vụ án có giá ngạch thấp hoặc do các bên đương sự lựa chọn giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự rút gọn.
Trong mối quan hệ giữa xét xử theo thủ tục tố tụng thông thường và thủ tục xét xử theo thủ tục rút gọn thì thủ tục tố tụng dân sự thông thường là cơ sở cho việc áp dụng giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn và thủ tục rút gọn là sự lược hoá một số bước của thủ tục tố tụng thông thường. Tuy nhiên, thủ tục tố tụng dân sự rút gọn không phải là thủ tục phụ thuộc vào thủ tục tố tụng thông thường mà thủ tục rút gọn là một thủ tục tố tụng độc lập tương đối so với thủ tục tố tụng thông thường. Tính độc lập của thủ tục tố tụng rút gọn thể hiện trong trường hợp nếu các điều kiện xét xử theo thủ tục tố tụng rút gọn không còn đáp ứng thì vụ việc vẫn có thể được giải quyết theo thủ tục tố tụng thông thường.
Từ những phân tích trên, tác giả cho rằng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn là một quy trình tố tụng riêng biệt được Toà án áp dụng để giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có nội dung đơn giản, rõ ràng, có giá ngạch thấp hoặc các bên đương sự thoả thuận lựa chọn thủ tục này. Theo đó, trong một thời hạn ngắn ngắn, thẩm phán độc lập tiến hành xem xét và ra phán quyết về vụ án tranh chấp mà không nhất thiết phải tuân theo tuần tự các bước như trong thủ tục tố tụng thông thường.
1.2. Đặc điểm thủ tục tố tụng dân sự rút gọn
Thủ tục tố tụng dân sự rút gọn là thủ tục được hình thành trên cơ sở đơn giản hóa thủ tục tố tụng thông thường nhằm giải quyết một số loại vụ việc cụ thể nhanh gọn, hiệu quả và có những đặc điểm sau đây:
(1) Được áp dụng để giải quyết các vụ việc dân sự có giá trị tranh chấp không lớn, những vụ việc dân sự đơn giản;
(2) Thủ tục giải quyết đơn giản, thời hạn giải quyết được rút ngắn (từ 2 đến 3 lần); thường được giải quyết bằng một Thẩm phán; quyết định của Tòa án có quốc gia quy định có hiệu lực thi hành ngay, có quốc gia cho phép kháng cáo lên Tòa án cấp trên;
(3) Chi phí tố tụng thấp hơn nhiều so với chi phí tố tụng thông thường.
1.3. Ý nghĩa của thủ tục tố tụng dân sự rút gọn
Ý nghĩa to lớn của thủ tục tố tụng dân sự rút gọn nằm ngay trong chính tên gọi của thủ tục này với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thể tiếp cận công lý một cách nhanh chóng. Việc xây dựng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn có ý nghĩa không chỉ đối với các đương sự, Toà án mà nó còn có ý nghĩa xã hội rộng lớn và sâu sắc.
Thứ nhất, thủ tục tố tụng dân sự rút gọn góp phần đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập kinh tế quốc tế và là sự hiện thực hoá chiến lược cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta.
Trong xu thế hội nhập nền kinh tế quốc tế hiện nay đòi hỏi các thủ tục tố tụng nói chung và thủ tục tố tụng tư pháp dân sự nói riêng phải đáp ứng được yêu cầu về sự mềm dẻo, linh hoạt, nhanh chóng, thuận tiện để giải quyết kịp thời các tranh chấp phát sinh. Việc cải cách thủ tục tố tụng tư pháp, trong đó có thủ tục tố tụng dân sự theo hướng trên sẽ góp phần thúc đẩy các giao lưu kinh tế, thương mại, dân sự…phát triển mạnh mẽ. Pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện hành chưa còn chưa thực sự mềm dẻo, linh hoạt, thời hạn giải quyết tranh chấp còn kéo dài, phải trải qua nhiều khâu, nhiều bước nên chưa thực sự đáp ứng yêu cầu giải quyết tranh chấp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, việc xây dựng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn với trình tự giải quyết đơn giản đặc biệt là thời hạn giải quyết ngắn…sẽ đáp ứng được nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và hiện thực hoá chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Thứ hai, thủ tục tố tụng dân sự rút gọn sẽ giảm đáng kể các chi phí tố tụng cho đương sự và Toà án trong quá trình giải quyết vụ án. Thông thường pháp luật các nước có quy định về thủ tục tố tụng dân sự rút gọn đều quy định án phí mà đương sự phải chịu là thấp hơn so với thủ tục tố tụng thông thường. Bên cạnh đó, do các vụ án đơn giản, xét xử nhanh nên các chi phí đi lại, thuê luật sư không phát sinh. Tòa án cũng không phải tiến hành tất cả các trình tự, thủ tục để đưa vụ án ra xét xử mà gần như chỉ căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ do các bên đương sự cung cấp. Vì vậy, các chi phí phát sinh như định giá, thẩm định tại chỗ, thu thập tài liệu, chứng cứ cũng không phát sinh.
Thứ ba, trong thủ tục tố tụng dân sự rút gọn, thời gian để tiến hành tố tụng được rút gắn đi rất nhiều lần so với thủ tục tố tụng dân sự thông thường. Do vậy, quyền lợi hợp pháp của đương sự sẽ được bảo vệ một cách nhanh chóng, kịp thời.
Xét về thực tế thì do các bước về thủ tục được giản lược nên Toà án sẽ giảm được tối đa các công việc không cần thiết, số lần đi lại để triệu tập đương sự, người làm chứng, thu thập chứng cứ cũng theo đó mà giảm đáng kể, thời hạn giải quyết vụ án sẽ không bị kéo dài một cách không cần thiết.
Thứ tư, thủ tục tố tụng dân sự rút gọn đáp ứng yêu cầu về bảo đảm quyền tiếp cận công lý của công dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Toà án có thể nhanh chóng giải quyết vụ án. Đối với công dân thì thủ tục tố tụng dân sự rút gọn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để họ tiến hành khởi kiện và tham gia tố tụng tại Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trong các vụ án có nội dung tranh chấp đơn giản, chứng cứ rõ ràng...thì cả nguyên đơn và bị đơn không phải trải qua tất cả các thủ tục tố tụng như trong thủ tục thông thường, mà chỉ tiến hành một số thủ tục luật định cần thiết cho việc giải quyết vụ án.
Thủ tục tố tụng dân sự rút gọn là phương tiện để Thẩm phán có thể chủ động và linh hoạt trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự vì họ không phải thực hiện tất cả các trình tự, thủ tục như thủ tục tố tụng dân sự thông thường. Ngoài ra, với đặc điểm của thủ tục tố tụng dân sự rút gọn là thời gian giải quyết nhanh chóng, trình tự, thủ tục tiến hành tố tụng đơn giản nên thủ tục này sẽ là một phương tiện được người dân tin cậy trong việc sử dụng để nhanh chóng bảo vệ quyền lợi của mình. Từ đó hạn chế được các hiện tượng tiêu cực hiện nay như khiếu kiện kéo dài hoặc người dân thiếu tin tưởng vào tính hiệu quả của hệ thống Toà án nên đã tự mình hành xử bằng cách bắt nợ, đòi nợ thuê dẫn đến gây mất trật tự xã hội và có thể phát sinh thành các tội phạm hình sự.
Thứ năm, thủ tục tố tụng dân sự rút gọn góp phần giảm áp lực công việc cho cán bộ ngành Toà án, đặc biệt là đối với Thẩm phán khi mà số lượng các vụ án tranh chấp về dân sự, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình ngày một gia tăng. Trong điều kiện không thể tăng biên chế Thẩm phán tương ứng với sự gia tăng số lượng công việc và ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp thì việc xây dựng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn với một trình tự, thủ tục đơn giản, thời gian giải quyết ngắn sẽ giúp cho các Thẩm phán nâng cao hiệu quả trong công tác xét xử, chủ động giải quyết được số các vụ án có nội dung đơn giản, chứng cứ rõ ràng, giá ngạch thấp. Do vậy, Thẩm phán sẽ có thời gian tập trung nghiên cứu, giải quyết các vụ án có tính chất phức tạp đòi hỏi một trình tự, thủ tục tố tụng chặt chẽ.
 2. Thủ tục tố tụng dân sự rút gọn theo pháp luật của một số nước trên thế giới
Trên thế giới, bên cạnh thủ tục tố tụng thông thường, nhiều nước đã xây dựng thủ tục tố tụng rút gọn (summary procedure) để áp dụng xử lý những vi phạm pháp luật nhỏ, giải quyết những tranh chấp, khiếu kiện có giá trị thấp, những vụ việc đơn giản, chứng cứ rõ ràng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, khắc phục nhanh chóng những vấn đề nảy sinh trong xã hội, tiết kiệm thời gian, vật chất cho Tòa án và các đương sự, không làm trầm trọng thêm những vụ việc, có thể giải quyết nhanh, theo trình tự đơn giản, góp phần ổn định xã hội.
2.1. Thủ tục tố tụng rút gọn trong pháp luật tố tụng dân sự Pháp
Hệ thống Toà án tư pháp của Pháp hiện nay được tổ chức và hoạt động theo tinh thần của Hiến pháp năm 1958 và Luật về tổ chức Toà án tư pháp. Theo đó, thẩm quyền giải quyết các vụ án đơn giản, những tranh chấp nhỏ được giao cho Tòa án sơ thẩm thẩm quyền hẹp. Cơ cấu tổ chức của hệ thống Tòa án Pháp hiện có 476 Tòa án sơ thẩm thẩm quyền hẹp bên cạnh 185 Tòa án sơ thẩm thẩm quyền chung.
Tòa án sơ thẩm thẩm quyền hẹp chuyên xét xử các vụ án dân sự nhỏ, có giá trị tranh chấp không vượt quá 10.000 EUR (các vụ án tranh chấp về hợp đồng thuê nhà ở, giải quyết yêu cầu giám hộ, kê biên đối với tiền lương, thưởng ...). Tòa án sơ thẩm thẩm quyền hẹp xét xử vụ án bằng một Thẩm phán duy nhất và các bên tham gia tố tụng không nhất thiết phải có luật sư.
Tại Tòa sơ thẩm thẩm quyền hẹp có thủ tục xét xử rút gọn để áp dụng giải quyết đối với các vụ án có giá trị tranh chấp không vượt quá 4.000 EUR (tương đương 115 triệu đồng Việt Nam). Theo thủ tục này, người tham gia giải quyết các vụ án không phải là Thẩm phán chuyên trách mà là các Thẩm phán được tuyển chọn từ những người có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, làm việc tại Tòa án sơ thẩm thẩm quyền hẹp. Những Thẩm phán này không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, được bổ nhiệm với nhiệm kỳ 7 năm và không được tái nhiệm.
Trong cơ cấu tổ chức của Tòa án sơ thẩm thẩm quyền hẹp có Tòa vi cảnh (Tribunal de Police) có thẩm quyền xét xử các tội vi cảnh, những vi phạm hình sự nhỏ. Việc xét xử loại tội này của Tòa vi cảnh do 1 Thẩm phán tiến hành.
2.2. Thủ tục ra lệnh thanh toán nợ theo pháp luật tố tụng dân sự Nga
Trong pháp luật tố tụng dân sự Nga chỉ quy định một thủ tục chung là thủ tục ra lệnh (ban hành quyết định). Theo Điều 121 Bộ luật tố tụng dân sự Nga thì lệnh của Tòa án - quyết định của Toà án do một Thẩm phán ban hành dựa trên yêu cầu đòi nợ hoặc đòi lại tài sản khi có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật Nga. Điều 121 Bộ luật tố tụng dân sự Nga quy định Toà án cấp lệnh, nếu:
- Yêu cầu căn cứ vào giao dịch đã được công chứng;
- Yêu cầu căn cứ vào giao dịch được thực hiện dưới hình thức văn bản viết không cần công chứng, chứng thực;
- Yêu cầu đòi tiền cấp dưỡng cho trẻ chưa thành niên không liên quan đến việc xác định cha, mẹ hoặc không liên quan đến việc phải triệu tập thêm người khác;
- Yêu cầu công dân nộp khoản thuế bị thất thu hoặc nộp những khoản tiền bắt buộc khác;
- Yêu cầu đòi khoản tiền lương đã được chấm công nhưng chưa được trả người lao động.
- Yêu cầu của các cơ quan công an, cơ quan thuế vụ, cơ quan thừa phát lại đòi hoàn trả chi phí cho việc tìm kiếm bị đơn, người có nghĩa vụ và tài sản của người đó, hoặc chi phí cho việc tìm kiếm trẻ em bị người có nghĩa vụ đem đi mất, hoặc chi phí liên quan đến việc bảo quản tài sản của người có nghĩa vụ bị thu giữ và bảo quản tài sản của người có nghĩa vụ khi bị buộc chuyển đi nơi ở khác.
Về thủ tục ra lệnh thanh toán, theo quy định tại Điều 126 Bộ luật tố tụng dân sự Nga thì lệnh thanh toán được ban hành trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mà không cần phải mở phiên toà xét xử và không phải triệu tập các bên để nghe lời giải thích của họ. Sau khi ra lệnh, Thẩm phán gửi bản sao lệnh của Toà án cho người có nghĩa vụ thi hành. Người có nghĩa vụ có quyền phản đối trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận bản sao. Nếu người có nghĩa vụ phản đối trong thời hạn luật định, Thẩm phán huỷ bỏ lệnh của Toà án. Trong trường hợp hết thời hạn luật định mà người có nghĩa vụ không phản đối, Toà án chuyển cho người yêu cầu bản thứ hai lệnh của Toà án để đưa ra thi hành (Điều 128, 129, 130 Bộ luật tố tụng dân sự Nga).
2.3. Thủ tục rút gọn trong pháp luật tố tụng dân sự Nhật Bản
Thẩm quyền giải quyết các vụ việc theo thủ tục rút gọn ở Nhật Bản được giao cho Tòa án giản lược thực hiện. Hiện tại, Nhật Bản có 438 Tòa án giản lược được thành lập ở các thành phố, thị trấn. Tòa giản lược có thẩm quyền xét xử các vụ án dân sự có giá trị tranh chấp dưới 1.400.000 Yên (tương đương 300 triệu đồng Việt Nam) và các vụ án hình sự nhỏ, có mức hình phạt là phạt tiền hoặc các hình phạt không nghiêm trọng. Theo nguyên tắc chung, Tòa án giản lược không có thẩm quyền quyết định các hình phạt tù không lao động hoặc các hình phạt tù nghiêm khắc hơn. Khi xác định hình phạt đối với bị cáo trong vụ án có thể vượt quá khung hình phạt cho phép thì Tòa án giản lược chuyển vụ án cho Tòa án sơ thẩm giải quyết.
Tòa án giản lược ở các thành phố lớn, nơi có các Tòa sơ thẩm thường có một số Thẩm phán; ở những vùng ít dân cư thì chỉ có 1 Thẩm phán.
Thẩm phán của Tòa án giản lược phải là người đã qua 2 năm làm Phụ thẩm, Công tố hoặc Luật sư. Tuy nhiên, người không được đào tạo về luật nhưng có năng lực cũng có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án giản lược.
Theo quy định của Luật Tòa án Nhật Bản, thì tại Tòa án giản lược, các vụ án đều do 1 Thẩm phán xét xử; tính chất đơn giản trong tố tụng giản lược được phản ánh trong các quy định của pháp luật tố tụng như: thủ tục khởi kiện bằng miệng, thủ tục triệu tập được đơn giản hóa, biên bản xét xử đơn giản và bản án ngắn gọn hơn các bản án của Tòa án thông thường. Chức năng hành chính tại Tòa án giản lược do chính Thẩm phán thực hiện. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các công chức của Tòa án giản lược thuộc thẩm quyền của Tòa án sơ thẩm.
2.4. Thủ tục rút gọn trong pháp luật tố tụng dân sự Cộng hoà nhân dân Trung Hoa
Hệ thống Tòa án Trung Quốc được tổ chức theo 4 cấp là: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân trung cấp và Tòa án nhân dân sơ cấp. Hiện tại, Trung Quốc có hơn 10.000 Tòa án nhân dân sơ cấp - Cấp Tòa án thấp nhất trong hệ thống Tòa án, có thẩm quyền xét xử hầu hết các vụ án theo thủ tục sơ thẩm (trừ một số ít vụ án quan trọng thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án cấp trên). Tại Tòa án nhân dân sơ cấp, thủ tục rút gọn được áp dụng đối với một số vụ án cụ thể trong cả lĩnh vực hình sự và dân sự.
Theo quy định tại Điều 174 của Bộ luật tố tụng hình sự Trung Quốc thì: “Toà án nhân dân có thể áp dụng thủ tục rút gọn đối với những vụ án sau, do một Thẩm phán xét xử:
(1) Những vụ án mà bị cáo có thể bị phạt tù có thời hạn không quá 3 năm, tạm giam, giám sát hoặc chỉ phạt tiền, có tình tiết rõ ràng, chứng cứ đầy đủ và Viện kiểm sát đề nghị hoặc đồng ý áp dụng thủ tục rút gọn;
(2) Những vụ án chỉ giải quyết dựa trên khiếu nại;
(3) Những vụ án do người bị hại khởi tố, có chứng cứ chứng minh là án ít nghiêm trọng.”
Theo quy định tại Điều 177 và Điều 178 của Bộ luật tố tụng hình sự Trung Quốc, thì việc xét xử theo thủ tục rút gọn không phải tuân theo những quy định chung về thẩm vấn bị cáo, hỏi nhân chứng, xuất trình chứng cứ, tranh luận; tuy nhiên, trước khi tuyên án phải lắng nghe lời nói sau cùng của bị cáo. Tòa án nhân dân phải kết luận về vụ án trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày chấp nhận thủ tục rút gọn.
Theo quy định tại Điều 141 của Bộ luật tố tụng dân sự Trung Quốc, thì việc xác định vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào ba tiêu chí như sau:
(1) Tranh chấp giữa các đương sự có sự thật rõ ràng mà hai bên đương sự cơ bản nhất trí, chứng cứ đưa ra rõ ràng. Tòa án không cần phải tiến hành công việc điều tra, thu thập chứng cứ mà vẫn có thể làm rõ được sự thật, đúng sai của vụ án;
(2) Quan hệ pháp luật về tranh chấp giữa các bên đã rõ về việc bên nào được hưởng quyền lợi, bên nào phải gánh vác nghĩa vụ. Đồng thời quan hệ pháp luật về việc giải quyết tranh chấp đó cũng đã được quy định tương đối rõ ràng;
(3) Tranh chấp mà hai bên không có bất đồng lớn về đúng sai, trách nhiệm của các bên trong vụ án và các khoản chi phí tố tụng.
Điểm đặc biệt của thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự của Trung Quốc là việc khởi kiện có thể thực hiện bằng miệng. Hai bên đương sự đồng thời đến Tòa án để đề nghị giải quyết tranh chấp. Tùy từng trường hợp, Tòa án nhân dân có thể xét xử ngay hoặc có thể ấn định một ngày khác để xét xử. Tòa án có thể thông báo bằng miệng hoặc bằng văn bản cho đương sự về nội dung khởi kiện mà không cần phải tiến hành các thủ tục thông báo chính thức như đối với thủ tục thông thường. Tòa án có thể sử dụng phương thức đơn giản để truyền gọi đương sự, nhân chứng. Việc xét xử theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành, không nhất thiết phải tuân thủ lần lượt các trình tự, thủ tục mà có thể linh hoạt. Thời hạn để Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn phải kết thúc trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày lập án.
Ngoài ra, thủ tục rút gọn còn được quy định trong pháp luật tố tụng dân sự của một số nước Châu Á khác như: Đài Loan, Thái Lan, Singapore…
3. Cơ sở lý luận và thực tiễn của thủ tục tố tụng dân sự rút gọn ở Việt Nam
3.1. Cơ sở lý luận
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, với mục tiêu thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đẩy mạnh quan hệ giao lưu kinh tế xã hội với các nước trên thế giới, tạo ra cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư nước ngoài thì việc thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Cải cách tư pháp là cải cách toàn diện trong đó tư pháp dân sự và hoạt động của ngành Toà án nhân dân luôn là một nhiệm vụ được đặc biệt quan tâm.
Nghị quyết 48/NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020 đã chỉ ra hướng cơ bản về cải cách tư pháp của nước ta là: “Cải cách mạnh mẽ các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ, nhưng thuận tiện, đảm bảo sự tham gia giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp...coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp”. Nghị quyết 49/NQ/TW ngày 02/6/2006 của Bộ chính trị về chiếc lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng đã chỉ rõ “Cải cách tư pháp xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần hoàn thiện các thủ tục tư pháp, đảm bảo tính đồng bộ, công khai, dân chủ...xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có một số điều kiện nhất định”.
Ngày 28-11-2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp mới, trong đó quy định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Theo quy định của Hiến pháp mới, nhiều nội dung quan trọng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân đã được bổ sung, sửa đổi. Trong đó, nguyên tắc việc xét xử của Toà án nhân dân có Hội thẩm tham gia và nguyên tắc Toà án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số đều quy định ngoại lệ đối với trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn (khoản 1 và khoản 4 Điều 103). Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Tòa án nhân dân và các Luật tố tụng cũng đã được đưa vào Chương trình làm việc của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đây là những điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, đề xuất thành lập Tòa giản lược trong hệ thống Tòa án nhân dân và áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết một số loại vụ việc cụ thể theo tinh thần cải cách tư pháp.
Như vậy, xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn là một bước đi đúng đắn và phù hợp với xu thế của thời đại, đáp ứng được các yêu cầu về bảo đảm quyền tiếp cận công lý của công dân; phù hợp đường lối của Đảng về cải cách hệ thống cơ quan tư pháp theo hướng bảo đảm tính chủ động, độc lập và nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của cá nhân mỗi Thẩm phán; bảo đảm tính hiệu quả trong việc giải quyết thay thế cơ chế trách nhiệm tập thể của một Hội đồng xét xử như hiện nay.
3.2. Cơ sở thực tiễn
Trong lịch sử lập pháp Việt Nam thì cơ chế xét xử một lần, xét xử một Thẩm phán đã từng tồn tại. Đây là tiền đề thực tiễn quan trọng cho việc xây dựng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn. Thực tiễn tố tụng tại Toà án cũng cho thấy trong số các vụ án mà ngành Toà án thụ lý giải quyết hàng năm có không ít những vụ án có nội dung đơn giản, chứng cứ rõ ràng, bị đơn thừa nhận yêu cầu hoặc không phản đối yêu cầu của nguyên đơn, vụ án tranh chấp có giá trị tài sản không lớn. Tuy nhiên, do thiếu vắng thủ tục rút gọn trong pháp luật nên các Toà án vẫn phải tiến hành giải quyết theo thủ tục thông thường gây mất thời gian, tổn thất về tiền bạc, công sức của cơ quan tiến hành tố tụng và của các đương sự.
* Thời kỳ 1945 -1959
Cách mạng tháng tám thành công mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sư dân tộc Việt Nam, lập lên nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà một nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngay sau ngày độc lập, để ổn định tình hình kinh tế chính trị, củng cố chính quyền và đáp ứng những đòi hỏi mới của đời sống dân sự, Đảng và Bác Hồ đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật mới. Trong đó, các văn bản về xây dựng hệ thống tư pháp mới và thủ tục tố tụng thì đáng chú ý là Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 về “Tổ chức các Toà án và ngạch thẩm phán”; Sắc lệnh 51/SL ngày 17/04/1946 về “Ấn định thẩm quyền các Toà án và sự phân công giữa các nhân viên trong Toà án”; Sắc lệnh số 112/SL ngày 28/6/1946 bổ khuyết sắc lệnh 51; Sắc Lệnh 185/SL ngày 26/5/1948 “Ấn định thẩm quyền các Toà án sơ cấp và đệ nhị cấp”; Sắc lệnh số 88/SL ngày 02/8/1949 “Về quyền ban tư pháp xã”; Sắc lệnh 85/SL ngày 22/6/1950 “Về cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng”.
Tại Sắc lệnh số 51 ngày 17/4/1946 thẩm quyền Toà án các cấp căn cứ theo giá ngạch được quy định một cách chi tiết. Tại Điều thứ 6 Sắc lệnh này quy định về dân sự và thương sự Toà án sơ cấp có thẩm quyền xét xử:
A. Chung Thẩm:
1. Những việc kiện dân sự, thương sự về động sản mà giá ngạch do nguyên đơn định không quá 150 đồng.
2. Những việc kiện về các khoản lệ phí đã phát sinh ra trước Toà án ấy không có giá ngạch nào.
B. Sơ thẩm:
Những việc dân sự hay thương sự về động sản mà giá ngạch do nguyên đơn định trên 150 đồng nhưng dưới 450 đồng.
Theo quy định tại Điều thứ 11 Sắc lệnh 51/SL thì về dân sự và thương sự Toà án đệ nhị cấp có quyền xét xử:
  1. Chung thẩm
  1. Những án của toà sơ cấp bị kháng cáo
            2. Những việc kiện về bất động sản mà giá ngạch theo thời giá hôm khởi tố.
3. Những việc kiện về động sản mà giá ngạch trên 450 đồng nhưng dưới 750 đồng.
B. Sơ thẩm:
1. Những việc kiện về bất động sản mà giá ngạch theo thời giá hôm khởi tố hay theo văn tự trên 150 đồng;
2. Những việc kiện về động sản mà giá ngạch trên 750 đồng;
3. Những việc kiện không thể định trước được giá ngạch;
4. Những việc kiện không cứ giá ngạch là bao nhiêu mà phải có án nghị về thẩm quyền.
5. Những việc kiện có quan hệ đến thân phận hay căn cước của người hoặc vấn đề tế tự.
Như vậy Sắc lệnh 51 đã quy định về cơ chế xét xử sơ thẩm và chung thẩm về dân sự. Xét xử chung thẩm được hiểu theo hai hướng đó là xét xử các bản án, quyết định của Toà án cấp dưới trực tiếp bị kháng cáo, kháng nghị (ngày nay gọi là xét xử phúc thẩm), và chung thẩm còn được hiểu là xét xử chỉ một lần đối với các việc dân sự hay thương sự mà bản án có hiệu lực pháp luật ngay (cơ chế xét xử một lần). Cơ chế xét xử một lần được áp dụng cả ở Toà án sơ cấp và Toà án đệ nhị cấp áp dụng cho các vụ án mà đối tượng tranh chấp là những tài sản có giá trị nhỏ (định theo giá ngạch).
Cơ chế xét xử một lần tiếp tục được quy định tại Nghị định số 32/NĐ ngày 06/4/1952 của Bộ Tư Pháp “Các Toà án cấp huyện có thẩm quyền chung thẩm các việc kiện dân sự về động sản có giá ngạch không quá 60 kg gạo và các Toà án nhân dân cấp tỉnh xử chung thẩm các việc kiện về bất động sản mà giá ngạch không quá 60 kg gạo...”.  Tại Thông tư số 4013/TTC ngày 09/5/1959 của Bộ Tư Pháp và Thông tư liên bộ Tư Pháp - Toà án nhân dân tối cao số 93/TC ngày 11/11/1959 cũng quy định các Toà án cấp huyện có “quyền xét xử chung thẩm các việc kiện dân sự mà giá ngạch không quá 60 đồng không phân biệt động sản hay bất động sản”.
* Thời kỳ 1960 -1989
- Giai đoạn 1960 - 1980
Sau khi ban hành Hiến pháp năm 1959, ngày 17/4/1960 Quốc hội nước Viêt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đã thông qua luật Tổ chức Toà án nhân dân, việc ban hành Luật tổ chức Toà án nhân dân đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong ngành tư pháp nói chung và trong pháp luật tố tụng dân sự nói riêng.
Theo quy định của Hiến Pháp năm 1959 và Luật tổ chức Toà án nhân dân đầu năm 1960 quy định: “Toà án nhân dân thực hành chế độ hai cấp xét xử...”,  thủ tục xét xử chung thẩm trong tố tụng dân sự đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, vẫn còn quy định một ngoại lệ tại Điều 12 Luật tổ chức Toà án nhân dân “Khi sơ thẩm, Toà án nhân dân gồm một thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân; trường hợp xử những vụ án nhỏ, giản đơn và không quan trọng thì Toà án nhân dân có thể xét xử không có Hội thẩm nhân dân .
Bên cạnh đó, trong giai đoạn này còn quy định Toà án xét xử bút lục ở trình tự phúc thẩm bên cạnh đó trong giai đoạn này còn quy định Toà án xét xử theo bút lục ở trình tự phúc thẩm "Xét xử bút lục là Hội đồng xét xử căn cứ những tài liệu có trong hồ sơ vụ án, mà những tài liệu này đã được Toà án cấp sơ thẩm đánh giá đầy đủ nên phiên toà sơ thẩm không cần triệu tập các đương sự, chỉ cần có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp". Việc xét xử bút lục ở giai đoạn phúc thẩm đối với vụ án dân sự được hướng dẫn tại Thông tư 132/NCPL ngày 28/8/1972 khi đáp ứng các điều kiện nội dung vụ án rõ ràng, chứng cứ đầy đủ, khả năng hoà giải không còn, bản án sơ thẩm đã xét xử đúng pháp luật, hướng xét xử của Toà phúc thẩm cũng là y án sơ thẩm. Như vậy xét xử theo bút lục ở giai đoạn phúc thẩm thời kỳ này đã chứa đựng những yếu tố, nhân tố của thủ tục tố tụng dân sự rút gọn.
- Giai đoạn 1981 - 1989
Ngày 25/4/1976, sau khi giải phóng hoàn toàn Miền Nam, nhân dân ta đã bầu ra Quốc hội của nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đến ngày 18/12/1980, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp mới. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1980, Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1981, luật sửa đổi và bổ sung Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1988 được ban hành.
Theo các văn bản tố tụng từ năm 1980 đến trước khi ban hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự 1989 thì việc xét xử vẫn được thực hiện theo hai cấp là sơ thẩm và phúc thẩm, đồng thời trong các văn bản pháp luật cơ chế xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm vẫn được quy định. Tại Điều 21 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1981 và Điều 27 Luật sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1988, thẩm quyền sơ thẩm đồng thời chung thẩm thuộc về Toà án nhân dân Tối cao.
* Thời kỳ 1989 đến nay
* Giai đoạn 1989 đến 2004
Từ sau Đại hội đảng toàn quốc năm 1986, đất nước bước vảo thời kỳ đổi mới toàn diện theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá thực hiện phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày 29/11/1989 Hội đồng nhà nước đã thông qua Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự có hiệu lực thi hành ngày 01/01/1990. Đây là văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất từ trước đến nay, tạo ra một hành lang những chuẩn mực nhất định điều chỉnh các quan hệ tố tụng dân sự, đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình phát triển của pháp luật tố tụng dân sự. Tại Điều 66 của pháp lệnh quy định: Hội đồng xét xử phúc thẩm không phải mở phiên toà trong các trường hợp sau:
1. Xét kháng cáo quá hạn.
2. Xét kháng cáo, kháng nghị về án phí.
3. Xét kháng cáo, kháng nghị những quyết định của Toà án
Tại Nghị quyết số 03-NQ/HNTW ngày 18/6/1997 Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, Đảng ta đã chỉ rõ “nghiên cứu áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử kịp thời một số vụ án đơn giản, rõ ràng”. Thực hiện mục tiêu đó, tại Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 các nhà nghiên cứu lập pháp đã xây dựng thủ tục rút gọn tại chương XV gồm 07 Điều (từ Điều 234 đến 243). Cho tới dự thảo VIII thì phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn bị thu hẹp còn 03 Điều (từ Điều 267 đến 269) tại chương XV với tên gọi thủ tục thanh toán nợ. Tuy nhiên cho tới dự thảo X và XI thì thủ tục rút gọn không còn tồn tại nữa.
* Giai đoạn 2004 đến 2015
Bộ luật Tố tụng dân sự đã được Quốc Hội thông qua ngày 15/6/2004. Đây là một thành tựu quan trọng để giải quyết các tranh chấp phát sinh. Qua nghiên cứu cho thấy Bộ luật tố tụng dân sự đã có một bước đột phá là đã xây dựng được thủ tục giải quyết việc dân sự trong Bộ luật này. Theo đó, việc dân sự sẽ sẽ do một Thẩm phán hoặc hội đồng gồm 03 Thẩm phán với một thời hạn giải quyết ngắn...và phán quyết của Tòa án vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm...tuy nhiên, thì thủ tục giải quyết việc dân sự không phải là một thủ tục rút gọn theo đúng nghĩa của nó.
Ngày 02 tháng 06 năm 2005 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong đó có nội dung: Xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định”.
Vấn đề trên không được xây dựng trong luật chung (luật tố tụng) mà lại được quy định ở luật chuyên ngành. Khoản 2 Điều 41 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục đơn giản quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
    “a) Cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện;
    b) Vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng;
    c) Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng”.
    Và Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004, được sửa đổi, bổ sung năm  2011 vẫn chưa “cho phép” Tòa án được xét xử theo thủ tục đặc biệt này.
Như vậy, những tiền đề về cơ chế xét xử một lần, thẩm quyền độc lập của Thẩm phán trong pháp luật và quá trình xây dựng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn ở Việt Nam đã cho chúng ta có một cái nhìn thấu đáo hơn về bản chất của loại hình thủ tục rút gọn này.
 Như vậy, có thể nói rằng các quy định về cơ chế xét xử một thẩm phán và xét xử một lần trong lịch sử pháp luật tố tụng dân sự là cơ sở thực tiễn của việc xây dựng thủ tục rút gọn.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ NĂM 2015 VỀ THỦ TỤC RÚT GỌN VÀ THỰC TRẠNG GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ HIỆN NAY
2.1. Những quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về thủ tục rút gọn
Ngày 25/11/2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Bộ luật tố tụng dân sự (Luật số 92/2015/QH13) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 được bố cục thành 10 phần, 42 chương, 517 điều, trong đó: giữ nguyên 63 điều; sửa đổi, bổ sung 350 điều; bổ sung mới 104 điều; bãi bỏ 07 điều. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã bổ sung nhiều chương mới, trong đó Thủ tục rút gọn được quy định tại Phần thứ tư, gồm 2 chương 9 điều, từ Điều 316 đến Điều 324.
2.1.1. Về khái niệm
Điều 316 quy định:
“Thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật”.
Như vậy, thủ tục rút gọn là một chế định mới, lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Mục đích của việc áp dụng thủ tục rút gọn là để giải quyết vụ án dân sự với trình tự, thủ tục đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường, nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật.
2.1.2. Về các điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn
Thủ tục rút gọn không áp dụng để giải quyết việc dân sự chỉ áp dụng để giải quyết vụ án dân sự khi có đầy đủ ba điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 317: (1) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ (2) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng (3) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Với quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì thủ tục rút gọn được áp dụng ngay cả tranh chấp có giá trị trên một trăm triệu đồng chứ không phải chỉ dưới một trăm triệu đồng như trước đây theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hay nói cách khác, tiêu chí này không phân biệt giá trị tranh chấp. Đây là một điều hết sức hợp lý bởi giá trị tranh chấp mặc dù lớn hay nhỏ nhưng tính chất đơn giản, đương sự thừa nhận sự việc thì vẫn xét xử theo thủ tục rút gọn, không nên kéo dài việc giải quyết vụ án.
2.1.3. Về thành phần, trình tự giải quyết thủ tục tố tụng dân sự rút gọn
Việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn được thực hiện ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm; Thành phần Hội đồng xét xử sở thẩm và phúc thẩm chỉ do một thẩm phán tiến hành (Điều 65); tại cấp sơ thẩm, việc xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn không có Hội thẩm nhân dân tham gia (Điều 11).
Trình tự thủ tục rút gọn được quy định tại Phần thứ tư Bộ luật tố tụng dân sự từ Điều 316 đến Điều 324; trường hợp không có quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật tố tụng dân sự để giải quyết vụ án.
2.1.4. Về thời hạn giải quyết
Kèm theo các điều kiện nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng thì việc quy định thời hạn ngắn nhất để giải quyết vụ án là điều không thể thiếu, do đó, trong thời gian 01 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án sơ thẩm, thẩm phán phải ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử (Điều 318). Và ở giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm thì thời hạn này cũng chỉ 01 tháng (Điều 323). Như vậy, thời hạn chuẩn bị xét xử ở cả giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm chỉ là 02 tháng, giảm 04 tháng so với thủ tục thông thường (chưa kể thời gian gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử đối với thủ tục thông thường).
Một điểm đặc biệt hơn là ngay cả việc tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm cũng không làm mất đi hiệu lực của thủ tục rút gọn, và khi lí do tạm đình chỉ không còn thì vụ án vẫn được tiếp tục xét xử theo thủ tục này (khoản 3, Điều 323). Chỉ khi xuất hiện tình tiết mới hoặc cần phải tiến hành giám định; cần phải định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá; cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập; phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì vụ án mới chuyển sang giải quyết theo thủ tục thông thường.
2.1.5. Về hiệu lực của bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn
Điều 321 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: Bản án quyết định sơ thẩm của Tòa án theo thủ tục rút gọn có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm rút gọn. Bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn cũng có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (Điều 319, 320), thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi có đủ 04 điều kiện: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang; Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng. Bên cạnh đó, việc áp dụng thủ tục này chỉ tiến hành ở cấp sơ thẩm, nếu vụ án có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hay xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì cũng không được giải quyết theo thủ tục này.
Khác với tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định vụ án được xét xử rút gọn ở cả giai đoạn phúc thẩm, đây là điểm tiến bộ và cần thiết bởi vì nếu vụ án được xét xử nhanh chóng ở giai đoạn sơ thẩm nhưng đến giai đoạn xét xử phúc thẩm lại bị kéo dài, điều đó sẽ làm mất đi ý nghĩa của việc rút gọn.
2.1.6. Về mức án phí
Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 326/2016/UBTTQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định: “đối với vụ án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và vụ án hành chính được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì mức án phí bằng 50% mức án phí quy định tại mục A Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết này”. Đây là quy định hoàn toàn phù hợp vì những vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn là những vụ án đơn giản, cần xét xử nhanh nên các chi phí đi lại, thuê luật sư, thu thập chứng cứ… đều ở mức thấp. Tòa án cũng không phải tiến hành nhiều thủ tục tố tụng mà gần như chỉ căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đương sự cung cấp; không phát sinh chi phí giám định, định giá, thu thập chứng cứ…
2.2. Thực trạng giải quyết các vụ án dân sự hiện nay
Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, tại báo cáo tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Bộ luật tố tụng dân sự ngày 26 tháng 2 năm 2015 thì tính trung bình mỗi năm các Tòa án nhân dân đã giải quyết trên 150.000 vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; trên 2.500 vụ việc về kinh doanh, thương mại; trên 2.000 vụ việc về lao động; tỷ lệ các vụ việc mà Tòa án phải giải quyết hàng năm tăng khoảng 15%; các vụ việc về kinh doanh, thương mại và lao động có tỷ lệ tăng cao hơn so với các vụ việc dân sự khác.
 
Năm 2009 2012 2014
Thụ lý (vụ) 214.174 360.941 385.356
Giải quyết (vụ) 194.398 332.868 415.038
Tỷ lệ (%) 90,7% 92,2% 92,8%
  [[1]] [2] [3]
Bảng số liệu tình hình thụ lý, giải quyết các loại án của Tòa án nhân dân
 
Năm 2009 2010 2011 2012 2013
Các vụ án DS, KDTM, HNGĐ, LĐ đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 177417 180022 207230 231546 259522
Các vụ án DS, KDTM, HNGĐ, LĐ đã giải quyết theo thủ tục phúc thẩm 15893 13032 13730 13484 13512
Các vụ án DS, KDTM, HNGĐ, LĐ đã giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm 1044 1316 1417 1185 1158
Bảng số liệu tình hình giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình, lao động của Toà án nhân dân các cấp [4]
Từ bảng số liệu trên ta thấy, số lượng các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động mà Toà án nhân dân cấp sơ thẩm thụ lý và giải quyết là rất lớn (chiếm hơn 90 % số lượng án giải quyết). Trong tổng số các vụ án mà toàn ngành Toà án thụ lý, giải quyết nêu trên có không ít những vụ án có chứng cứ rõ ràng, nội dung tranh chấp đơn giản, bị đơn thừa nhận hoặc không phản đối yêu cầu của nguyên đơn, vụ án có giá ngạch thấp nhưng vẫn phải giải quyết theo trình tự thủ tục tố tụng thông thường gây mất thời gian, tiền bạc, công sức của cơ quan tố tụng và các đương sự. Hơn nữa, có rất nhiều các vụ án bị đơn cố tình không thực hiện nghĩa vụ, lạm dụng quyền kháng cáo để kéo dài thời gian giải quyết vụ án góp phần làm cho tình trạng án tồn đọng kéo dài và gây sức ép không nhỏ cho cán bộ nhất là các Thẩm phán đã giải quyết vụ án.
Ví dụ: Vụ án Phạm Văn Quang kiện Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (VCB) ra Tòa án nhân dân quận 1, thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu bị đơn trả lại số tiền rất nhỏ là 5.500 đồng phí ATM. Theo nội dung vụ kiện thì ngày 03/4/2013, nguyên đơn đến trụ ATM của VCB đặt ở Quang Trung (Gò Vấp) để rút 15 triệu đồng. Những lần trước nguyên đơn chỉ cần giao dịch ba lần (mỗi lần rút được 05 triệu đồng) và chỉ mất phí rút tiền là 3.300 đồng. Tuy nhiên, thời điểm này trụ ATM chỉ còn tiền mệnh giá 50.000 đồng nên nguyên đơn phải rút đến tám lần, mỗi lần rút 1.750.000 đồng và phải chịu phí rút tiền là 8.800 đồng. Như vậy, so với mọi lần, nguyên đơn phải mất thêm 5.500 đồng. Vì cho rằng đây là hành vi lừa dối khách hàng để thu lợi thêm nên nguyên đơn làm đơn khởi kiện. Sau gần một năm thụ lý, ngày 23/01/2014 Tòa án nhân dân quận 1, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm bác yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn trả lại 5.500 đồng phí ATM. Chính vì thủ tục rút gọn chưa được áp dụng nên những vụ án đơn giản, giá trị tranh chấp chỉ 5.500 đồng mà gần một năm sau vụ việc mới được giải quyết, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nguyên đơn cũng như uy tín của ngân  hàng.
Với tình trạng án gia tăng và tồn đọng nhiều như hiện nay, ngành Toà án đã phải chịu một áp lực không nhỏ từ công việc. Để khắc phục tình trạng này, việc áp dụng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn để giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật những vụ án có nội dung đơn giản, rõ ràng, có giá ngạch thấp như trên là điều rất cần thiết và hợp lý.
Từ những phân tích nêu trên có thể thấy rằng, việc áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự là một bước chuyển biến mang tính cải cách quan trọng trong quá trình đổi mới thủ tục tố tụng dân sự ở nước ta. Tuy nhiên, các quy định về thủ tục tố tụng rút gọn mới chỉ mới được đưa vào Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và áp dụng từ ngày Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực (01/7/2016), các quy định hướng dẫn áp dụng thủ tục này còn chưa có, trong khi việc giải quyết các vụ án xảy ra trên thực tế không phải lúc nào cũng có thể “dễ dàng” để áp dụng thủ tục này. Hơn nữa, vì là quy định định mới cho nên tâm lý người thẩm phán dường như vẫn đang còn “e dè” trong việc áp dụng. Do đó, trong thời gian tới, cần có những hướng dẫn cụ thể của Tòa án nhân dân tối cao về cách thức áp dụng và điều kiện bắt buộc phải áp dụng thủ tục rút gọn trên thực tế để cho thủ tục này thực sự phát huy được vai trò, hiệu quả trong việc giải quyến các vụ án dân sự.
III. MỘT SỐ VƯỚNG MẮC VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN THỦ TỤC RÚT GỌN THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ NĂM 2015
3.1. Một số vướng mắc
3.1.1. Về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn
Theo quy định tại khoản 1 Điều 317 BLTTDS, vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi đáp ứng các điều kiện sau: (1) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ (2) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng (3) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Theo quy đinh trên thì vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi đáp ứng điều kiện: “có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ” đây là một quy định mới có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Chẳng hạn, trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, bị đơn chỉ đồng ý trả khoản tiền là nợ gốc, đồng thời phản đối yêu cầu thanh toán lãi quá hạn của nguyên đơn vì cho rằng nguyên đơn đã tính lãi quá cao. Điều này sẽ dẫn tới hai cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau.
+ Cách hiểu thứ nhất: Vì bị đơn đã phản đối một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nên không thỏa mãn điều kiện “đương sự thừa nhận nghĩa vụ”, do đó trường hợp này không áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án mà giải quyết bằng thủ tục thông thường.
+ Cách hiểu thứ hai: Trường hợp này vẫn áp dụng được thủ tục rút gọn, vì bị đơn đã thừa nhận nghĩa vụ trả phần nợ gốc và khoản tiền lãi cho nguyên đơn. Bị đơn chỉ không đồng ý đối với phần lãi cao vượt quá mà nguyên đơn đưa ra, chứ không phải là bị đơn phủ nhận nghĩa vụ trả nợ của mình đối với nguyên đơn.
3.1.2. Về vấn đề chuyển vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn sang thủ tục thông thường
Theo quy định tại khoản 3 Điều 317 và khoản 4 Điều 323 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, luật mới chỉ quy định trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường, cụ thể là: phát sinh tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất do đó cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định; cần phải định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá; cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập; phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp.
Quy định trên còn mang tính chất chung chung chưa cụ thể và cần có hướng dẫn thế nào là “tình tiết mới” làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn. Ví dụ, trong vụ án phát sinh yêu cầu phản tố của bị đơn, tuy nhiên yêu cầu phản tố đó vẫn thỏa mãn các tiêu chí để áp dụng thủ tục rút gọn vậy thì có áp dụng không?
Việc chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường tại Tòa án cấp phúc thẩm, khoản 4 Điều 323 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, quy định: “Trường hợp xuất hiện tình tiết mới quy định tại khoản 3 Điều 317 của Bộ luật này thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Trong trường hợp này, thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính theo quy định tại khoản 4 Điều 317 của Bộ luật này.”, nhưng luật lại không quy định với trường hợp, nếu xuất hiện tình tiết tại khoản 3 Điều 317 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 trong thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm buộc Tòa án cấp phúc thẩm phán ban hành quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường, điều đó có nghĩa, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn phải mở phiên tòa để xem xét và quyết định hủy bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại từ đầu theo thủ tục thông thường (quy định tại điểm c khoản 6 Điều 324 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015). Do vậy, cần có hướng dẫn rõ nhằm thống nhất áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 232 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015…
3.2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
(1). Thường xuyên tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ, tổ chức hội thảo khoa học về vấn đề áp dụng thủ tục rút gọn trong thực tiễn giải quyết các loại án về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức trong việc triển khai áp dụng những quy định này trên thực tiễn. Từ đó đóng góp ý kiến, kinh nghiệm để xây dựng và hoàn thiện thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự ở Việt Nam.
(2). Trong trường hợp đương sự khởi kiện tại tòa án bằng miệng. Nội dung vụ án thỏa mãn điều kiện áp dụng theo thủ tục rút gọn, các bên đương sự đồng thời đến Tòa án để đề nghị giải quyết tranh chấp. Thì tùy từng trường hợp Tòa án nhân dân có thể xét xử ngay hoặc có thể ấn định một ngày khác để xét xử. Tòa án có thể thông báo bằng miệng hoặc bằng văn bản cho đương sự về nội dung khởi kiện mà không nhất thiết phải tiến hành các thủ tục thông báo chính thức như đối với thủ tục thông thường.
(3). Về hướng dẫn yêu cầu có bản khai và lấy lời khai của đương sự trong vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
 Khoản 1 Điều 98 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Đương sự phải tự viết bản khai và ký tên của mình. Trường hợp đương sự không thể tự viết được thì Thẩm phán lấy lời khai của đương sự. Việc lấy lời khai của đương sự chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Tòa án ghi lại lời khai của đương sự vào biên bản…”. Quy định này được hiểu, cần phải có bản khai của đương sự trong mọi trường hợp. Vấn đề đặt ra, đơn khởi kiện và bản trả lời đơn khởi kiện của các đương sự trong vụ án có được coi là bản khai không? Nếu các văn bản đó không được coi là bản khai thì cần phải có bản khai của đương sự hoặc nếu không có thì Tòa án cần phải triệu tập đương sự để lấy lời khai. Như vậy, rất khó có thể ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn trong thời gian không quá 01 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Do đó, cần có sự hướng dẫn Điều 98 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 theo hướng đơn khởi kiện và văn bản trả lời đơn khởi kiện của đương sự cũng được coi là bản khai của đương sự.
(4). Về hướng dẫn việc cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử.
Việc cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử hiện nay đã được thực hiện khá phổ biến ở các nước tiên tiến trên thế giới. Để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp đơn khởi kiện; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tố tụng, tiến tới xây dựng “Tòa án điện tử”; khoản 2 Điều 173 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 bổ sung phương thức cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử, phù hợp với pháp luật về giao dịch điện tử. Vì vậy, ngoài phương thức nộp đơn khởi kiện trực tiếp gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã bổ sung phương thức gửi đơn khởi kiện trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án, đây là phương thức mới và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án nói chung và nhất là đối với các vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Do đó, để việc áp dụng quy định này trên thực tế được thuận lợi, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành hướng dẫn chi tiết thủ tục gửi đơn qua cổng thông tin điện tử.
(5). Xây dựng quy định có tính bắt buộc đi kèm chế tài xử lý trách nhiệm đối với thẩm phán khi có đủ điều kiện nhưng không áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết vụ án.
Dù thủ tục rút gọn khi áp dụng vào thực tiễn giải quyết án chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, vì là quy định mới trong pháp luật tố tụng dân sự, chính vì lẽ đó, tâm lý chung của không ít Thẩm phán thường không “mặn mà”, “ngại”, viện dẫn nhiều lý do khác nhau để “né” không áp dụng thủ tục này. Do vậy, để mục đích tốt đẹp của quy định giải quyết các vụ án theo thủ tục rút gọn không bị triệt tiêu trong thực tiễn áp dụng, tác giả đề xuất nên chăng Tòa án nhân dân tối cao ban hành quy định, mà theo đó, một trong những tiêu chí chấm điểm thi đua của cơ quan về giải quyết án, của cá nhân khi xét thành tích khen thưởng trong đó có chỉ tiêu phản ánh giải quyết án theo thủ tục rút gọn. Bên cạnh đó, cần ban hành quy định tạo cơ chế kiểm soát việc áp dụng thủ tục rút gọn của thẩm phán ngay từ thời điểm nhận đơn khởi kiện và thụ lý thông qua kết quả xử lý đơn khởi kiện của Thẩm phán được phản ánh trong sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện biết việc áp dụng hoặc không áp dụng theo thủ tục rút gọn. Đây cũng chính là cơ sở để người dân thực hiện quyền khiếu nại đối với quyết định của Tòa án trong việc áp dụng hay không áp dụng thủ tục rút gọn khi giải quyết tranh chấp.
(6). Những vụ án do các đương sự thoả thuận lựa chọn giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự rút gọn.
 Xuất phát từ nguyên tắc tự do, tự nguyện, cam kết thoả thuận là nguyên tắc cơ bản, quan trọng của pháp luật dân sự. Các đương sự tự do, tự nguyện giao kết dân sự thì đương nhiên cũng được tự do thoả thuận giải quyết các tranh chấp. Họ có quyền lựa chọn trình tự giải quyết tranh chấp của mình theo thủ tục rút gọn.
Tuy nhiên, để tránh việc lạm dụng thoả thuận giải quyết theo thủ tục rút gọn nhằm để không thực hiện nghĩa vụ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người thứ ba đồng thời để đảm bảo cho Toà án giải quyết chính xác, đúng pháp luật vụ việc theo quan điểm của tác giả thì các bên đương sự có quyền thoả thuận giải quyết theo thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, bên cạnh việc quy định đương sự có quyền thoả thuận giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Toà án có quyền quyết định vụ án đó có được tiến hành theo thủ tục tố tụng dân sự rút gọn theo yêu cầu lựa chọn của các đương sự hay không. Nếu xét thấy vụ án không đáp ứng được các yêu cầu để tiến hành theo thủ tục tố tụng dân sự rút gọn thì Toà án sẽ quyết định không chấp nhận yêu cầu lựa chọn thủ tục này và vụ án đó phải được giải quyết theo thủ tục tố tụng thông thường.
(7). Về hiệu lực pháp luật của quyết định theo thủ tục rút gọn.
 Đối với vụ án có giá ngạch thấp thì để phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái của người Việt, tránh việc kiện tụng tuy rất nhỏ nhặt nhưng vẫn phải qua nhiều lần xét xử thì việc khôi phục lại cơ chế xét xử một lần là điều cần thiết. Tuy nhiên, xét về thực tế thì ở những vùng miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì việc áp dụng thủ tục rút gọn với vụ kiện có giá ngạch thấp cũng cần phải cân nhắc. Do nhận thức và quan niệm lạc hậu nên đôi khi trong những tranh chấp nhỏ như tranh chấp một con trâu, con bò nhưng họ sẵn sàng dùng cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của bản thân. Do vậy, nên chăng cần giới hạn và không áp dụng thủ tục rút gọn đối với những đương sự là người thuộc các dân tộc thiểu số.
(8). Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có làm ảnh hưởng đến thời gian thụ lý vụ án hay không vì theo Điều 114 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì một số biện pháp khẩn cấp tạm thời như: tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động; cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ; cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình… sẽ không làm ảnh hưởng đáng kể đến thời gian thụ lý, giải quyết vụ án, vì vậy, nên chăng, trong một số trường hợp, nếu có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì vụ án vẫn được xét xử theo thủ tục rút gọn.
(9). Về vấn đề thành lập Tòa giản lược trong hệ thống Tòa án nhân dân, thì hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang triển khai thực hiện các văn kiện, nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, với mục tiêu là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao, trong đó có đặt ra yêu cầu nghiên cứu việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực; xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định. Theo đó, Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực có thể được thành lập ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh và có thẩm quyền xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ, việc thuộc thẩm quyền của Toà án. Nếu theo phương án này, tùy theo quy mô công việc và đội ngũ Thẩm phán có thể cân nhắc việc thành lập các Tòa hoặc phân Toà giản lược trực thuộc Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực (Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực được lập ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện) để xét xử các vụ án tiểu hình và các tranh chấp nhỏ, có giá ngạch thấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính theo thủ tục rút gọn. Việc xét xử, giải quyết các vụ việc theo thủ tục rút gọn do các Thẩm phán chính ngạch và có thể do Thẩm phán ngoài ngạch (là người có chuyên môn sâu về một số lĩnh vực chuyên ngành, không phải là công chức Tòa án, được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm làm Thẩm phán ngoài ngạch) tiến hành. Tại trụ sở Tòa hoặc phân Tòa giản lược cũng là nơi Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực tổ chức tiếp công dân, thụ lý đơn và tổ chức xét xử lưu động các vụ án sơ thẩm khác. Trong trường hợp này, không cần thiết phải lập chi nhánh của Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực ở những nơi có địa bàn xét xử rộng (trên cơ sở hợp nhất 2-3 Tòa án cấp huyện khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa) vì đã có Tòa hoặc phân Toà giản lược thuộc Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực trên địa bàn của mỗi huyện. Việc thành lập và tổ chức các Tòa hoặc phân Tòa giản lược trực thuộc Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực theo hướng này là phương thức để Tòa án giải quyết hiệu quả hơn các vụ việc thuộc thẩm quyền, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với hoạt động của Tòa án theo đúng tinh thần chỉ đạo đã được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Việc thành lập Tòa giản lược trong Tòa án nhân dân và áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết một số loại vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhằm nâng cao hiệu quả công tác Tòa án trong bối cảnh chúng ta đang tích cực triển khai các chủ trương, định hướng, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp và triển khai thi hành Hiến pháp mới là hết sức cần thiết; tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, cần được nghiên cứu kỹ để thống nhất trong nhận thức, từ đó cụ thể hóa trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và các luật tố tụng trong thời gian tới đây.
Thủ tục tố tụng dân sự rút gọn là một quy định mới được đưa vào Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Có thể nói đây là quy định tiến bộ, phù hợp yêu cầu đòi hỏi của xã hội và thực tiễn xét xử của ngành Tòa án nhân dân, đặc biệt trong tình hình hiện nay. Thủ tục này là cơ sở bảo đảm để người dân có quyền tiếp cận công lý một cách nhanh chóng và cũng là cơ sở để cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết nhanh chóng, kịp thời nhiều vụ án, góp phần giải quyết tình trạng tồn đọng án kéo dài; tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tập trung vào việc giải quyết các vụ án lớn, phức tạp hơn. Đồng thời, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, công sức cho các đương sự và Nhà nước mà vẫn đảm bảo tính pháp chế trong việc giải quyết các vụ án dân sự./.        
 
Hồ Nguyễn Quân
 
1 Trích báo cáo tổng kết ngành Tòa án các năm từ 2005 đến 2009.
[2] Trích số liệu từ Báo cáo tóm tắt ngày 18/01/2013 của Tòa án nhân dân Tối cao về công tác năm 2012 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2013của ngành Tòa án nhân dân.
[3] Trích số liệu từ Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 của ngành Tòa án nhân dân.
[4] Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao. (http://www.toaan.gov.vn/)