1.Một số vấn đề chung về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm (KDBH) chính là việc doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) cung ứng sản phẩm bảo hiểm thông qua giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm (HĐBH). Hoạt động đầu tư của DNBH là hết sức quan trọng, có mối liên hệ mật thiết và hỗ trợ cho hoạt động KDBH, thậm chí đầu tư còn được coi là một chức năng cơ bản của DNB
H. Vậy, hoạt động KDBH và hoạt động đầu tư có phải là hai lĩnh vực kinh doanh riêng, tồn tại độc lập với nhau không? Xoay quanh vấn đề này, nhiều người cho rằng, đó là hai lĩnh vực riêng biệt. Tuy nhiên, theo người viết quan niệm như vậy là chưa chính xác, bởi:
Một là, DNBH luôn có sẵn một lượng vốn đáng kể từ phí bảo hiểm và có quyền sử dụng nguồn vốn này để đầu tư. Trong lĩnh vực KDBH, doanh thu từ phí bảo hiểm thường phát sinh trước chi phí bồi thường và được tích lũy dưới hình thức dự phòng nghiệp vụ. Do vậy, với nguồn dự phòng nghiệp vụ có sẵn, cộng với vốn chủ sở hữu, DNBH có thể thực hiện các hoạt động đầu tư trên cơ sở đảm bảo khả năng thanh toán cho các HĐBH khi phát sinh sự kiện bảo hiểm. Do đó, hoạt động đầu tư từ nguồn dự phòng luôn gắn kết với nghiệp vụ bảo hiểm và là một phần không thể thiếu trong hoạt động KDBH. Việc sử dụng nguồn dự phòng phí bảo hiểm để đầu tư của DNBH về bản chất cũng tương tự như việc các tổ chức tín dụng có quyền sử dụng nguồn vốn huy động để cấp tín dụng, trên cơ sở đảm bảo khả năng thanh toán cho những người gửi tiền theo quy định của pháp luật.
Quyền đầu tư từ nguồn dự phòng phí của DNBH luôn được pháp luật các quốc gia công nhận. Điều này được giải thích bởi hai lý do cơ bản:
Thứ nhất, DNBH là một chủ thể kinh doanh, do vậy có quyền sử dụng những nguồn lực sẵn có để tạo ra lợi nhuận cho các cổ đông/thành viên góp vốn, từ đó đóng góp của cải vật chất cho xã hội thông qua nguồn thu thuế;
Thứ hai, hoạt động đầu tư sẽ góp phần làm tăng khả năng của DNBH để đảm bảo chi trả cho các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ HĐBH theo thỏa thuận với người tham gia bảo hiểm.
Hai là, nghiệp vụ đầu tư của DNBH từ nguồn dự phòng phí là hoạt động thuộc về bản chất của hoạt động KDBH, cho phép phân biệt hoạt động KDBH với việc đánh bạc. Mặc dù đều dựa trên lý thuyết xác suất và có tính chất may rủi, nhưng nếu như việc đánh bạc chỉ thuần túy dựa vào may rủi thì hoạt động đầu tư của DNBH giúp cho DNBH không còn quá phụ thuộc vào yếu tố này. DNBH không chỉ trông chờ vào việc người tham gia bảo hiểm không gặp rủi ro, hay nói cách khác thì nguồn thu nhập của DNBH chủ yếu dựa vào hiệu quả của việc đầu tư, chứ không chỉ dựa vào chênh lệch giữa nguồn doanh thu phí bảo hiểm với chi phí bồi thường/trả tiền bảo hiểm. Chính vì vậy, hiệu quả đầu tư sẽ có khả năng đảm bảo cho DNBH đối mặt với những rủi ro từ các HĐBH. Ngay cả khi có những rủi ro có tính chất hàng loạt thì DNBH vẫn có thể đảm bảo khả năng chi trả khi có được hiệu quả đầu tư tốt.
Từ đó có thể thấy rằng, khi nói đến hoạt động KDBH tức là nói đến cả hai nội dung là hoạt động cung ứng sản phẩm bảo hiểm và hoạt động đầu tư của DNBH. Hai hoạt động này có mối liên hệ mật thiết với nhau để đảm bảo việc kinh doanh của DNBH có hiệu quả. Vậy mối quan hệ giữa hoạt động cung ứng sản phẩm bảo hiểm với hoạt động đầu tư của DNBH được thể hiện ra sao?
Trước hết, về bản chất, hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm là nghiệp vụ chính, cơ bản của kinh doanh bảo hiểm, còn hoạt động đầu tư là nghiệp vụ phái sinh, thể hiện qua những nội dung cơ bản sau đây:
Một là, hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm là hoạt động cơ bản nhất, giúp phân biệt chức năng của DNBH với chức năng các loại hình doanh nghiệp khác. Nói cách khác, đã là DNBH thì phải cung ứng dịch vụ bảo hiểm cho khách hàng.
Hai là, hoạt động đầu tư của DNBH chủ yếu dựa vào nguồn dự phòng nghiệp vụ được thiết lập dựa trên phí bảo hiểm. Nguồn vốn có được là dựa trên các sản phẩm bảo hiểm đã phân phối, theo đó khách hàng sẽ nộp phí một lần hoặc định kỳ như thỏa thuận. Như vậy, hoạt động đầu tư của DNBH liên quan chặt chẽ đến doanh thu phí bảo hiểm.
Như vậy, đầu tư từ nguồn; phí bảo hiểm là một nghiệp vụ quan trọng thuộc hoạt động KDBH. Về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn, lợi ích dành cho người tham gia bảo hiểm cũng như lợi nhuận của DNBH có được chủ yếu từ hoạt động đầu tư, thay vì từ việc quản lý đơn thuần doanh thu phí bảo hiểm và chi trả tiền bảo hiểm.
Xuất phát từ quan niệm như đã phân tích ở trên về mối quan hệ chặt chẽ giữa hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm và hoạt động đầu tư trong kinh doanh bảo hiểm, đòi hỏi pháp luật cần điều chỉnh những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, pháp luật cần có các quy định nhằm đảm bảo an toàn cho danh mục đầu tư.
Mặc dù an toàn trong đầu tư là một nguyên tắc chung đối với mọi hoạt động đầu tư, tuy nhiên đối với DNBH lại càng hết sức quan trọng, bởi lẽ hầu hết các sản phẩm bảo hiểm đều đòi hỏi DNBH phải sẵn sàng thực hiện việc bồi thường/trả tiền, do đó nếu hoạt động đầu tư gặp rủi ro cũng đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của DNBH. Theo Hiệp hội quốc tế các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm
(viết tắt từ tiếng Anh IAIS[1] International Association of Insurance Supervisors) thì những rủi ro mà DNBH thường phải đối mặt là rủi ro tiền tệ, rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng và rủi ro do mức độ tập trung đầu tư quá mức. Do đó, để đảm bảo an toàn, pháp luật các quốc gia thường yêu cầu DNBH tập trung danh mục đầu tư vào những tài sản có độ an toàn cao và được quản lý tốt.
Thứ hai, pháp luật cần có các quy định nhằm đảm bảo tính thanh khoản đối với tài sản đầu tư.
Đảm bảo tính thanh khoản đối với tài sản đầu tư cũng là một nguyên tắc quan trọng không kém nguyên tắc đảm bảo an toàn. Bởi lẽ, DNBH cần đảm bảo duy trì khả năng chi trả đối với các HĐBH khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Một đặc trưng của sự kiện bảo hiểm chính là việc không thể dự đoán trước khi nào nó xảy ra, do đó, DNBH phải luôn trong tình trạng sẵn sàng đáp ứng quyền lợi của khách hàng. Chính vì vậy, pháp luật các quốc gia thường yêu cầu danh mục đầu tư của DNBH cần ưu tiên cho những loại tài sản đầu tư có tính thanh khoản cao, ví dụ như các sản phẩm tài chính như cổ phiếu, trái phiếu v.v.. Trên thực tế, các DNBH thường rất hạn chế tham gia hoạt động đầu tư trực tiếp vì tính thanh khoản kém hơn nhiều so với hoạt động đầu tư gián tiếp trên thị trường tài chính.
Thứ ba, pháp luật các quốc gia thường có nhiều quy định hạn chế đầu tư để đảm bảo khả năng thanh toán của DNBH.
Về nguyên tắc, pháp luật thường yêu cầu các DBHN phải tiến hành đầu tư một cách an toàn, trên cơ sở đảm bảo giữ vững khả năng thanh toán thường xuyên theo dự kiến bằng những tiêu chí đánh giá nhất quán. IAIS cho rằng pháp luật điều chỉnh về đầu tư cần đảm bảo khả năng thanh toán của DNBH, giúp DNBH có thể giải quyết các rủi ro phải đối mặt. Pháp luật có thể đặt ra các quy định hoặc những giới hạn cụ thể về các hoạt động đầu tư của DNBH để hạn chế việc DNBH theo đuổi những mục tiêu đầu tư có nhiều rủi ro. Ở châu Âu, pháp luật thường quy định DNBH phải tuân thủ một số nguyên tắc về chiến lược đầu tư hoặc đặt ra giới hạn định lượng về các loại tài sản mà DNBH có thể đầu tư như giới hạn phần trăm lượng vốn đầu tư vào cổ phiếu, bất động sản hay việc hạn chế đầu tư ra nước ngoài
[2]. IAIS còn cho rằng những yêu cầu của pháp luật cần phải cung cấp cơ sở và động lực cho việc thực hiện quản lý rủi ro hiệu quả của các DNBH trong lĩnh vực đầu tư, chứ không đơn thuần chỉ là hạn chế đầu tư.
Thứ tư, pháp luật cũng cần có những quy định điều chỉnh khác nhau đối với bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ.
Do nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ (BHNT) và nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ có những đặc trưng khác nhau, nên pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư của DNBH cũng cần những quy định điều chỉnh đặc thù đối với từng loại hình. Trong lĩnh vực BHNT thì hầu hết các sản phẩm bảo hiểm đều phát sinh nghĩa vụ trả tiền của DNBH một cách khá chắc chắn, trừ sản phẩm bảo hiểm tử kỳ thuần túy là hoàn toàn phụ thuộc vào rủi ro. Hay nói cách khác, hầu hết các sản phẩm BHNT đều là sự kết hợp giữa nhu cầu bảo hiểm và nhu cầu tiết kiệm. Nhiều sản phẩm BHNT hiện nay có khuynh hướng nhấn mạnh hơn đến yếu tố đầu tư, bên cạnh yếu tố bảo hiểm truyền thống. Do đó, lợi ích mà DNBH cung cấp sản phẩm BHNT có được chính là quyền sử dụng dự phòng nghiệp vụ trong khoảng thời gian có hiệu lực của hợp đồng. Do vậy, DNBH luôn phải tiến hành các hoạt động đầu tư mới có khả năng thu được lợi nhuận sau khi thực hiện các nghĩa vụ chi trả cho người tham gia bảo hiểm.
Bên cạnh đó, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư của DNBH mới đảm bảo yếu tố tiết kiệm trong các sản phẩm BHNT, ít nhất là việc bảo vệ người tham gia bảo hiểm trước tình trạng lạm phát của nền kinh tế do tham gia bảo hiểm với thời hạn dài. Trong khi đó đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, yếu tố bảo hiểm chiếm ưu thế tuyệt đối cùng với thời hạn bảo hiểm ngắn nên đã ảnh hưởng đến khả năng đầu tư dài hạn của DNBH. Chính vì vậy, pháp luật các quốc gia thường có những quy định mở rộng hơn quyền đầu tư của DNBH kinh doanh sản phẩm BHNT so với DNBH kinh doanh sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ.
Hiện nay, danh mục đầu tư của DNBH trong lĩnh vực BHNT thường tập trung vào các tài sản đầu tư dài hạn như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, cổ phiếu, thậm chí cả bất động sản. Trong khi đó, hoạt động đầu tư của các DNBH phi nhân thọ thường tập trung vào đầu tư ngắn hạn và tài sản có tính thanh khoản cao, ví dụ như gửi tiền ngân hàng hoặc mua tín phiếu Kho bạc nhà nước.
2.Pháp luật hiện hành về hoạt động đầu tư của DNBH và những thách thức
Thứ nhất, pháp luật Việt Nam đề cao nguyên tắc an toàn và hiệu quả trong đầu tư của DNBH.
Tương tự pháp luật của nhiều quốc gia, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010), quy định hoạt động đầu tư vốn của DNBH phải bảo đảm nguyên tắc an toàn, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu chi trả thường xuyên cho các cam kết theo HĐBH. Để đảm bảo nguyên tắc này, DNBH chỉ được thực hiện hoạt động đầu tư ở những nội dung như mua trái phiếu Chính phủ; mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản; góp vốn vào các doanh nghiệp khác; trực tiếp cho vay theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng; và gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.
Thứ hai, pháp luật quy định nguồn vốn đầu tư bao gồm hai loại chủ yếu là nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ và nguồn vốn chủ sở hữu.
Nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ của DNBH là tổng dự phòng nghiệp vụ trừ các khoản tiền mà DNBH dùng để trả tiền bảo hiểm thường xuyên trong kỳ. Đối với nguồn vốn này, DNBH được quyền đầu tư vì hai mục đích: Một là, làm gia tăng lợi nhuận cho DNBH; Hai là, tăng cường khả năng chi trả và lợi ích cho người tham gia bảo hiểm. Cũng theo quy định của Nghị định 46/2007/NĐ-CP thì để đảm bảo khả năng chi trả bình thường, khoản tiền dùng để trả tiền bảo hiểm thường xuyên trong kỳ đối với DNBH kinh doanh BHNT không thấp hơn 5% tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm (mức này đối với DNBH phi nhân thọ là 25%) và phải được gửi tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam.
Theo Thông tư 194/2014/TT-BTC ngày 17/12/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 124/2012/TT-BTC ngày 30/7/2012 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định 123/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ quy định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Thông tư số 125/2012/TT-BTC ngày 30/7/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo biểm phi nhân thọ nước ngoài (viết tắt Thông tư 125/2012/TT-BTC), đối với nguồn vốn chủ sở hữu phân chia nội dung đầu tư thành hai nhóm:
Nhóm 1, đối với hoạt động đầu tư để thiết lập cơ sở vật chất và trang trải chi phí kinh doanh thì được thực hiện theo quy định chung;
Nhóm 2, đối với phần vốn chủ sở hữu còn lại thì phải được sử dụng để đầu tư tương tự như đối với nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm. Đồng thời, để đảm bảo sự minh bạch, pháp luật cũng quy định DNBH phải tách bạch trong hạch toán các loại nguồn đầu tư, cũng như đảm bảo ghi nhận các tài sản đầu tư một cách nhất quán.
Thứ ba, pháp luật quy định về giới hạn đầu tư đối với từng loại hình đầu tư.
Nghị định 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ, quy định chế độ tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, cho phép DNBH được mua không hạn chế trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh cũng như gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Đối với hoạt động đầu tư cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp không có bảo lãnh hoặc góp vốn vào các doanh nghiệp khác thì DNBH kinh doanh BHNT chỉ được thực hiện tối đa bằng 50% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ (trong khi DNBH phi nhân thọ có mức giới hạn thấp hơn, chỉ là 35%). Tương tự, đối với kinh doanh bất động sản hoặc cho vay, các giới hạn này lần lượt là 40% (đối với DNBH kinh doanh BHNT) và 20% (đối với DNBH phi nhân thọ) vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ. Quy định này cũng được áp dụng đối với nguồn vốn chủ sở hữu dành để đầu tư. Từ quy định cho thấy, các hạn mức đối với DNBH kinh doanh BHNT thường là cao hơn nếu so sánh với DNBH phi nhân thọ. Thông tư 125/2012/TT-BTC cũng hướng dẫn bổ sung, theo đó để bảo đảm an toàn tài chính, DNBH không được đầu tư trở lại dưới mọi hình thức cho các cổ đông/thành viên góp vốn và người có liên quan (trừ trường hợp gửi tiền vào tổ chức tín dụng), đồng thời những tổ chức tín dụng nhận tiền gửi phải có mức tín nhiệm cao (thuộc nhóm 1 và 2) theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ tư, pháp luật quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DNBH.
Pháp luật hiện hành quy định DNBH có quyền sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để đầu tư ra nước ngoài và DNBH được phép thực hiện nhiều hình thức đầu tư như đầu tư thành lập DNBH, chi nhánh DNBH ở nước ngoài và các hình thức đầu tư khác. Tuy nhiên, DNBH chỉ được đầu tư ra nước ngoài ở phần vốn tương ứng với số chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu vượt quá so với vốn pháp định. Trong trường hợp biên khả năng thanh toán tối thiểu lớn hơn vốn pháp định, thì giới hạn đầu tư ra nước ngoài sẽ là chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu vượt quá biên khả năng thanh toán tối thiểu. Một nội dung quan trọng khác cũng được quy định trong việc thực hiện đầu tư ra nước ngoài của DNBH đó là phải được sự chấp thuận của Bộ Tài chính khi tiến hành đầu tư, điều chỉnh và chấm dứt đầu tư với quy trình được quy định tại Thông tư 125/2012/TT-BTC.
Từ những phân tích trên đây, có thể nhận xét rằng các quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư của DNBH là khá tương đồng với quy định ở nhiều quốc gia trên thế giới như các giới hạn đầu tư và hạn chế đầu tư. Một số nước cũng có quy định về hạn chế đầu tư ra nước ngoài của DNBH nhằm đảm bảo cho nguồn vốn đầu tư đáp ứng những nhu cầu trong nước, đặc biệt là những nước đang phát triển. Ví dụ trong thời gian gần đây, pháp luật Trung Quốc có nhiều quy định mới nhằm hạn chế việc đầu tư ra nước ngoài của các DNBH Trung Quốc. Mà theo đó, năm 2012 của Cơ quan quản lý bảo hiểm Trung Quốc (CIRC), việc đầu tư ra nước ngoài chỉ giới hạn trong việc đầu tư gián tiếp vào trái phiếu, cổ phiếu, các quỹ đầu tư và bất động sản, đồng thời DNBH phải đảm bảo khả năng thanh toán và chỉ được đầu tư không quá 15% tổng tài sản của mình. Tổ chức đầu tư ở nước ngoài nhận ủy thác đầu tư từ DNBH Trung Quốc cũng phải đảm bảo năng lực tài chính và kinh nghiệm.
Thứ năm, khi thực hiện hội nhập, các DNBH Việt Nam cũng đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ, đó là:
Một là, các DNBH có quy mô nhỏ, vốn pháp định thấp. Theo quy định tại Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết Luật KDBH và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật KDBH (viết tắt Nghị định 73/2016/NĐ-CP), thì mức vốn pháp định của DNBH nhân thọ là 600 tỷ VND, mức vốn pháp định của DNBH phi nhân thọ là 300 tỷ VND. Theo cam kết hội nhập, Việt Nam sẽ tự do hóa bảo hiểm chỉ với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Với mức vốn pháp định đối với DNBH phi nhân thọ là 300 tỷ VND (chưa đến 1,5 triệu USD) thì việc cạnh tranh về khả năng tài chính của các DNBH Việt Nam với các DNBH nước ngoài là vô cùng khó khăn. Hiện tại, cơ quan quản lý bảo hiểm ở một số nước đã nâng mức quy định về vốn để nâng cao năng lực cạnh tranh và phù hợp với các cam kết ASEAN (ví dụ, các nước Indonesia, Phillipines, các DNBH phải tăng vốn với những mốc thời hạn bắt buộc rất cụ thể vào 31/12/2014, 31/12/2016
…). Muốn nâng cao khả năng tài chính, các DNBH Việt Nam phải có lộ trình tăng vốn điều lệ. Mức tăng này phải tương đương với các DNBH nước ngoài. Nhưng điều này là tương đối khó với các DNBH Việt Nam khi khả năng tài chính có hạn. Muốn khắc phục được thực trạng này, các DNBH Việt Nam phải có phương án tăng vốn điều lệ trong thời gian ngắn để đảm bảo cạnh tranh được với các DNBH nước ngoài.
Hai là, các sản phẩm bảo hiểm của DNBH Việt Nam cung ứng ra thị trường hầu hết là các sản phẩm bảo hiểm truyền thống. Sức hấp dẫn và sự đảm bảo an toàn cho người được bảo hiểm của các sản phẩm này chưa cao. Để đảm bảo cạnh tranh, các DNBH Việt Nam phải tiến hành đổi mới các sản phẩm bảo hiểm. Ngoài ra, cần phải chú trọng đến việc xây dựng các sản phẩm có sức hấp dẫn với người mua bảo hiểm trên cơ sở đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia bảo hiểm.
Ba là, hiện nay, phí bảo hiểm của thị trường bảo hiểm Việt Nam khá cao. Hơn nữa, trên thực tế, các DNBH Việt Nam sau khi bán bảo hiểm chủ yếu tái lại cho các DNBH nước ngoài. Nếu các DNBH Việt Nam không giảm phí, hội nhập sẽ giúp các DNBH nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam. Với mức phí thấp, các DNBH nước ngoài sẽ dễ dàng thu hút khách hàng mua bảo hiểm tại doanh nghiệp mình.
Bốn là, trình độ nghiệp vụ quản lý của các DNBH Việt Nam chưa cao, phong cách kinh doanh chưa chuyên nghiệp. Các tranh chấp bảo hiểm trên thị trường Việt Nam khá nhiều. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp thường là do các DNBH không thực hiện trách nhiệm bảo hiểm hoặc do DNBH không giải thích cụ thể điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm dẫn đến gây nhầm lẫn về phạm vi bảo hiểm. Để khắc phục tình trạng này, các DNBH cần chú trọng đến việc nâng cao trình độ quản lý, nâng cao uy tín trong kinh doanh, tạo thương hiệu cho mình để có thể cạnh tranh với các DNBH nước ngoài.
Năm là, mạng lưới khai thác của các DNBH Việt Nam không ổn định, thiếu tính chuyên nghiệp. Đa số các đại lý bảo hiểm thực hiện hoạt động đại lý với tư cách là một nghề phụ, một công việc làm thêm, vì thế mà họ chưa thật sự chú trọng đến việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về bảo hiểm. Chính vì vậy, việc tư vấn các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng của các đại lý bảo hiểm khá sơ sài, thiếu tính chuyên nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua bảo hiểm. Trong khi đó, mạng lưới đại lý của các DNBH nước ngoài hoạt động khá chuyên nghiệp, trách nhiệm nghề nghiệp của họ cao. Nếu các DNBH Việt Nam không khắc phục được điểm yếu này sẽ dễ mất thị phần ngay trên sân nhà.
Sáu là, quy định về ủy thác đầu tư là không rõ ràng, có thể làm sai lệch các giới hạn đầu tư trên thực tế.
Theo quy định hiện hành thì DNBH có thể trực tiếp đầu tư hoặc đầu tư thông qua ủy thác cho chủ thể khác có chức năng đầu tư, ví dụ như công ty quản lý đầu tư. Một thực tế hiện nay đang là xu hướng chung trên thế giới là việc các DNBH thực hiện đầu tư thông qua ủy thác đầu tư. Tại Việt Nam, xu hướng này cũng đang dần rõ nét trong thời gian gần đây với việc rất nhiều DNBH xin cấp phép để thành lập công ty đầu tư trực thuộc. Do đó, vấn đề đầu tư ủy thác mặc dù đang rất cần được pháp luật điều chỉnh nhưng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể. Các quy định hiện hành không thể hiện rõ việc đầu tư qua ủy thác có phải đáp ứng những giới hạn đầu tư theo quy định hay không. Về bản chất, ủy thác đầu tư là một phương thức đầu tư chứ không phải là lĩnh vực đầu tư vì nó không thể hiện được hiện DNBH đang đầu tư vào loại tài sản đầu tư nào hoặc chủ thể nào tiếp nhận đầu tư.
Những thống kê số liệu của Bộ Tài chính về hoạt động đầu tư của DNBH trong những năm qua cho thấy cơ quan này đang quan niệm đầu tư qua ủy thác là một lĩnh vực đầu tư. Sự nhầm lẫn này sẽ làm cho việc xem xét các giới hạn đầu tư trở nên khó khăn hơn, thậm chí sẽ tạo điều kiện cho DNBH “lách” các quy định về giới hạn đầu tư bằng cách ủy thác đầu tư cho chính những công ty đầu tư do mình lập ra. Trong khi đó, các quốc gia có thị trường bảo hiểm phát triển như Liên minh Châu Âu hay Hoa Kỳ đều quan niệm là khi xác định các giới hạn đầu tư thì không phụ thuộc vào việc DNBH trực tiếp đầu tư hay đầu tư qua ủy thác. Điều này thể hiện rất rõ tại
Luật mẫu về hoạt động đầu tư của DNBH của NAIC và các hướng dẫn của IAIS. Với sự thiếu vắng các quy định như phân tích ở trên, hoạt động đầu tư ủy thác của DNBH trong thời gian qua được các chuyên gia đánh giá là chưa đạt những chuẩn mực cần thiết theo thông lệ quốc tế.
Bảy là, có sự mâu thuẫn giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, liên quan đến nghiệp vụ cho vay.
Theo quy định của Luật KDBH, cho vay là một trong những lĩnh vực đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó bao gồm cả việc cho vay độc lập và cho vay theo hợp đồng bảo hiểm (đối với lĩnh vực BHNT). Mặc dù Luật KDBH quy định việc cho vay phải được thực hiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, nhưng theo quy định tại Điều 8
[3] Luật Các tổ chức tín dụng lại cấm các tổ chức không phải tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng với tư cách là một hoạt động kinh doanh, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán. Như vậy, nghiệp vụ cho vay của DNBH hiện đang được thực hiện trên thực tế được xem là không hợp pháp theo cách tiếp cận của Luật Các tổ chức tín dụng vì DNBH đương nhiên không phải là tổ chức tín dụng.
3. Một số kiến nghị
Thứ nhất, pháp luật cần quy định cụ thể hơn về những giới hạn đầu tư của DNBH đối với từng loại tài sản đầu tư.
Trừ trái phiếu Chính phủ là tài sản được đầu tư không hạn chế, còn các tài sản đầu tư khác đều nên có quy định về giới hạn đầu tư. Ngay cả đối với việc đầu tư bằng cách gửi tiền vào tổ chức tín dụng và đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh cũng cần phải hạn chế một tỷ lệ nhất định. Bản thân tổ chức tín dụng cũng là trung gian tài chính nên việc gửi tiền vào tổ chức tín dụng sẽ làm tăng chi phí vốn cho nền kinh tế hơn những kênh đầu tư gián tiếp khác. Trong khi đó hiện nay, hệ thống tổ chức tín dụng cùng đang đối mặt với nhiều rủi ro cần được tái cơ cấu, đặc biệt là rủi ro nợ xấu, nên việc quy định giới hạn đầu tư thông qua kênh gửi tiền là một biện pháp nhằm hạn chế khả năng ảnh hưởng dây chuyền trên thị trường tài chính giữa tổ chức tín dụng và DNBH. Những tỷ lệ giới hạn cụ thể cần được nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên các số liệu điều tra thực tế và đánh giá kỹ thuật, nhưng để thực hiện đúng nguyên tắc phân tán rủi ro thì những quy định cần đảm bảo:
+Phân biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ với trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của tổ chức tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của tổ chức khác không phải là tổ chức tín dụng. Về lý thuyết, giới hạn dành cho trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh nên là cao nhất và thấp nhất là trái phiếu được bảo lãnh bởi tổ chức không phải tổ chức tín dụng.
+ Phân biệt giữa chứng khoán của doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán với chứng khoán của doanh nghiệp không niêm yết. Do những yêu cầu về giám sát cũng như khả năng tài chính của những doanh nghiệp niêm yết là cao hơn nên giới hạn đầu tư cần được quy định lớn hơn.
+ Không cho phép DNBH đầu tư quá nhiều vào một loại hình đầu tư, ví dụ như chỉ đầu tư vào cổ phiếu của một doanh nghiệp hoặc một nhóm doanh nghiệp có quan hệ sở hữu với nhau, hoặc chỉ gửi tiền vào một tổ chức tín dụng. Cần có những quy định để yêu cầu DNBH phải phân tán các khoản đầu tư bằng các giới hạn đầu tư đối với từng chủ thể tiếp nhận đầu tư.
+ Bên cạnh việc quy định những giới hạn tối đa như ở trên, người viết cho rằng cũng cần quy định những giới hạn tối thiểu để đảm bảo định hướng phát triển thị trường vốn của nhà nước. Ví dụ, DNBH phải đảm bảo một tỷ lệ nhất định đầu tư vào cổ phiếu hoặc bất động sản vì thực tế hiện nay, hầu như nguồn vốn của DNBH không đầu tư vào bất động sản và tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp không bảo lãnh còn khá thấp, trong khi đó thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán đang rất cần nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn hiện nay.
Pháp luật vừa có quy định về giới hạn đầu tư tối đa, vừa có giới hạn đầu tư tối thiểu không có gì là mâu thuẫn nhau vì như vậy sẽ vừa đảm bảo cho danh mục đầu tư đa dạng, vừa đảm bảo định hướng xây dựng thị trường vốn phát triển lành mạnh và cân đối theo đúng định hướng của Nhà nước.
Thứ hai, pháp luật cần quy định cụ thể về phương thức đầu tư ủy thác để đảm bảo những giới hạn đầu tư được tuân thủ đúng. Theo đó, Bộ Tài chính cần sớm ban hành quy định về phương thức đầu tư ủy thác một cách cụ thể theo hướng sau:
+ Thống nhất quan điểm đầu tư ủy thác là một phương thức đầu tư chứ không phải là lĩnh vực đầu tư. Do đó, cần quy định rằng các giới hạn đầu tư đối với từng lĩnh vực đầu tư sẽ bao gồm cả trường hợp DNBH trực tiếp đầu tư và trường hợp DNBH ủy thác đầu tư. Quy định như vậy sẽ đảm bảo minh bạch các giới hạn đầu tư, tránh tình trạng DNBH “lách” giới hạn đầu tư thông qua việc ủy thác đầu tư. Với những quy định rõ ràng cũng sẽ giúp cho cơ quan giám sát có khả năng đánh giá đúng về thực trạng hoạt động đầu tư và tình hình tài chính của DNBH.
+ Từ quan điểm trên, cần quy định về điều kiện đối với tổ chức nhận ủy thác đầu tư để đảm bảo sự an toàn đối với các khoản đầu tư ủy thác. Những điều kiện này bao gồm điều kiện về loại hình, năng lực tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực nhận ủy thác đầu tư. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần yêu cầu tổ chức nhận ủy thác đầu tư của DNBH phải minh bạch thông tin qua việc báo cáo với cơ quan giám sát về tình hình thực hiện đầu tư ủy thác.
Thứ ba, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về nghiệp vụ đầu tư thông qua cho vay theo hướng sau:
+ Sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, nhằm điều chỉnh trường hợp DNBH đầu tư cho vay, theo đó khoản 2 Điều 8 của Luật này, sau khi sửa đổi, bổ sung được viết lại, như sau: “
Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán và giao dịch cho vay của doanh nghiệp bảo hiểm.” . Hoạt động cho vay cần được xem là một nghiệp vụ kinh doanh của DNBH nên cần được điều chỉnh theo pháp luật ngân hàng, từ đó Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần phối hợp để ban hành thông tư hướng dẫn về nghiệp vụ cho vay của DNBH.
+ Quy định cụ thể hơn về hoạt động cho vay của DNBH, theo đó, ngoài việc DNBH kinh doanh BHNT được cho vay đối với bên mua bảo hiểm theo HĐBH nhân thọ thì trong các trường hợp khác, DNBH chỉ được quyền cho vay đối với tổ chức mà không được phép cho vay đối với cá nhân để đảm bảo an toàn. Giới hạn cho vay cần được sửa đổi theo mức thấp hơn, vì theo các chuyên gia thì giới hạn cho vay ở mức 20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ như quy định hiện nay là quá cao. Theo người viết, mức giới hạn này chỉ nên quy định ở mức từ 5% đến 10%, vì từ thực tế năm 2012 cho thấy, tỷ lệ bình quân chỉ là 7%.
Thứ tư, pháp luật KDBH cần có những quy định chi tiết về trách nhiệm của chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài khi thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện thành lập chi nhánh DNBH nước ngoài tại Việt Nam, nhưng chưa quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của chi nhánh khi hoạt động tại Việt Nam. Trong khi đó, nội dung này là cần thiết để chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có hiệu quả, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.
Thứ năm, để đảm bảo khả năng tài chính của DNBH Việt Nam có thể cạnh tranh với các DNBH nước ngoài, Chính phủ cần tăng mức vốn pháp định đối với các DNBH và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm của Việt Nam. Hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, mức vốn pháp định của các DNBH nhân thọ là 600 tỷ đồng, DNBH phi nhân thọ 300 tỷ đồng, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm 4 tỷ đồng là quá thấp. Với mức vốn pháp định hiện nay, các DNBH và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm Việt Nam khó có thể cạnh tranh về khả năng tài chính với các DNBH nước ngoài.
Thứ sáu, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định còn bất cập của Luật KDBH về hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo pháp luật phải thống nhất với bản chất của quan hệ bảo hiểm như cần có quy định về quyền lợi được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản, quyền lợi được bảo hiểm trong bảo hiểm con người. Những nội dung này, pháp luật KDBH các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia quy định khá chi tiết, nhưng Luật KDBH Việt Nam quy định còn chung chung. Cần thống nhất các quy định về đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và hậu quả pháp lý của hành vi này. Sửa đổi, bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, theo đó điều khoản hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu khi bên mua bảo hiểm không có quyền lợi được bảo hiểm cần xem xét lại đối với loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự
[4].
Thứ bảy, pháp luật KDBH cần bổ sung quy định về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người quản trị và điều hành DNBH. Theo quy định Điều 27 và Điều 28 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP
[5], tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên là có bằng đại học hoặc trên đại học; trực tiếp làm việc trong các lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng tối thiểu 5 năm. Tiêu chuẩn đối với Tổng giám đốc, người đại diện trước pháp luật là có bằng đại học hoặc trên đại học; có tối thiểu 5 năm làm trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, trong đó có ít nhất 3 năm giữ vị trí là người quản trị, điều hành tại DNBH, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm hoặc trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm…
Nhiều ý kiến cho rằng, với tiêu chuẩn có bằng đại học hoặc trên đại học của người quản trị và điều hành cần bổ sung thêm lĩnh vực chuyên môn, đó là bằng cấp này phải thuộc một trong các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, luật. Sở dĩ cần phải yêu cầu trình độ đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các lĩnh vực trên vì hoạt động KDBH là hoạt động phức tạp, để thực hiện được hoạt động này, cần thiết phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhất định. Người quản trị, điều hành DNBH phải có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực KDBH. Nếu như người quản trị, điều hành không có bằng cấp thuộc một trong các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, luật sẽ rất khó thực hiện vai trò điều hành và kiểm soát hoạt động KDBH. Việc bổ sung quy định về bằng cấp chuyên môn của người quản trị và điều hành DNBH sẽ hạn chế được rủi ro trong việc điều hành hoạt động KDBH của DNBH, giúp thị trường bảo hiểm phát triển an toàn và lành mạnh.
Phạm Thị Hồng Đào
[1] IAIS thành lập từ năm 1994, Hiệp hội có trụ sở chính tại Basel, Thụy Sĩ. Với một lực lượng thành viên đông đảo (190 cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm của gần 140 quốc gia, chiếm khoảng 97% thị phần phí bảo hiểm toàn cầu), hoạt động của IAIS có ảnh hưởng sâu rộng tới thị trường bảo hiểm trên toàn thế giới.
[2] Jérôme Yeatman (2001),
Giáo khoa quốc tế về bảo hiểm, Nxb. Thống kê, Hà Nội, tr.76-77
[3] Điều 8. Quyền hoạt động ngân hàng
1. Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
2. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.
[4] Bảo hiểm trách nhiệm dân sự là loại hình bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba. Mục đích của loại hình bảo hiểm này là người mua bảo hiểm muốn chuyển giao trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người được bảo hiểm sang DNBH. Như vậy, người phải có quyền lợi được bảo hiểm trong loại hình bảo hiểm này là người được bảo hiểm chứ không nhất thiết phải là người mua bảo hiểm. Tuy nhiên, Điều 22, Luật KDBH lại quy định một trong những trường hợp dẫn đến hợp đồng bảo hiểm vô hiệu là: “Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm”.
[5] Điều 27. Tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên, Trưởng Ban kiểm toán nội bộ
1. Các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 26 Nghị định này.
2. Có bằng đại học hoặc trên đại học.
3. Trực tiếp làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng tối thiểu 05 năm đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch hội đồng thành viên; 03 năm đối với các thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên (đối với trường hợp doanh nghiệp không phải thành lập Ban kiểm soát), Trưởng Ban kiểm toán nội bộ hoặc có kinh nghiệm quản lý điều hành tối thiểu 03 năm tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng.
4. Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát (đối với công ty cổ phần) phải bảo đảm số thành viên thường trú tại Việt Nam theo quy định tại Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
5. Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên (đối với trường hợp doanh nghiệp không phải thành lập Ban kiểm soát) phải làm việc chuyên trách tại doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Điều 28. Tiêu chuẩn của Tổng Giám đốc (Giám đốc) hoặc người đại diện trước pháp luật
1. Các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 26 Nghị định này.
2. Có bằng đại học hoặc trên đại học.
3. Có bằng cấp hoặc chứng chỉ đào tạo về bảo hiểm do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm được thành lập và hoạt động hợp pháp trong và ngoài nước cấp.
4. Có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, trong đó có tối thiểu 03 năm giữ vị trí là người quản trị, điều hành theo quy định tại Điều 25 Nghị định này tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm hoặc trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm.
5. Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm