Đặt vấn đề
Nguyên tắc
pacta sunt servanda (nguyên tắc về tính chất ràng buộc của hợp đồng) là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật hợp đồng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc áp dụng cứng nhắc nguyên tắc này có thể dẫn đến sự bất hợp lý hoặc bất công cho một bên trong hợp đồng. Do đó, việc cân bằng giữa nguyên tắc
pacta sunt servanda và nguyên tắc
rebus sic stantibus (nguyên tắc cho phép điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi) là vấn đề cần được quan tâm. Hầu hết các hệ thống pháp luật trên thế giới đều ghi nhận trường hợp khi hoàn cảnh thay đổi đến mức làm cho bên có nghĩa vụ không thể thực hiện nghĩa vụ của mình, hay còn gọi là “bất khả kháng” (
force majeure), là một trong những căn cứ để miễn trách nhiệm cho bên không thực hiện nghĩa vụ
[1]. Bên cạnh đó, còn có trường hợp khi hoàn cảnh thay đổi, tuy chưa đến mức khiến một bên không thể thực hiện nghĩa vụ, nhưng làm cho chi phí thực hiện nghĩa vụ tăng lên quá mức, gây ra bất công đối với bên có nghĩa vụ. Trường hợp này thường được gọi là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”. Tuy nhiên, trong các hệ thống pháp luật hiện nay còn tồn tại nhiều quan điểm khác biệt đối với việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản này.
Thực tiễn tài phán tại Việt Nam cũng từng ghi nhận nhiều trường hợp liên quan, mà vụ án dưới đây là một ví dụ. Năm 2010, Công ty M (trụ sở tại Đắk Lắk) ký hợp đồng với Công ty T (trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh) để thiết kế một hệ thống chế biến cà phê cho Công ty M. Tổng giá trị hợp đồng là hơn bốn tỷ đồng, thời hạn mà Công ty T phải bàn giao hệ thống chế biến là hai năm, kể từ khi ký hợp đồng. Một năm sau, Công ty T tạm ngưng công việc, yêu cầu Công ty M ký thêm phụ lục hợp đồng theo hướng tăng giá lên do hoàn cảnh thay đổi. Theo Công ty T, tại thời điểm hai bên ký hợp đồng, nhiều bộ phận, thiết bị để chế tạo hệ thống chế biến cà phê không phải nhập ngoại do các công ty trong nước có thể sản xuất được. Tuy nhiên, sau khi có quy định mới của Nhà nước thì một số linh kiện không có hàng trong nước, khiến Công ty T phải nhập khẩu từ nước ngoài, và giá thành tăng gấp ba lần. Nếu không tăng giá hợp đồng thì Công ty T sẽ bị lỗ nặng, và không thể tiếp tục kinh doanh. Công ty M không đồng ý, cho rằng Công ty T đã “cố tình viện lý do để đơn phương chấm dứt hợp đồng” nên khởi kiện, yêu cầu Công ty T phải tiếp tục thực hiện công việc theo đúng thời hạn đã cam kết, nếu không sẽ phải chịu phạt vi phạm hợp đồng.
Tại phiên xét xử sơ thẩm, Công ty T đề nghị Tòa án cho phép hai bên được điều chỉnh hợp đồng với một giá thành hợp lý hơn. Tuy nhiên, Tòa án đã không chấp nhận và tuyên buộc Công ty T phải tiếp tục thực hiện hợp đồng theo đúng thời gian và mức giá trong hợp đồng, nếu không sẽ chịu phạt vi phạm hợp đồng. Theo Tòa án, dù hoàn cảnh thực tế thay đổi khiến giá thành sản xuất tăng cao nhưng pháp luật không cho phép điều chỉnh lại trong tình huống này, nên Công ty T phải tôn trọng hợp đồng đã ký. Công ty T kháng cáo và tại phiên xét xử phúc thẩm sau đó, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm
[2].
Như vậy, có thể thấy sự thiếu vắng các quy định điều chỉnh trường hợp khi hoàn cảnh thay đổi đến mức gây thiệt hại rõ rệt cho một bên nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng như thỏa thuận ban đầu đã làm cho cả cơ quan tài phán và các bên gặp nhiều lúng túng trong quá trình giải quyết tranh chấp. Chính vì vậy Bộ luật Dân sự năm 2015, với nhiều quy định mới mang tính đột phá, đã quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản tại Điều 420.
1. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo pháp luật một số quốc gia trên thế giới và Bộ Nguyên tắc UNIDROIT năm 2010 về hợp đồng thương mại quốc tế
1.1. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo pháp luật Pháp
Trước đây, Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804 chỉ ghi nhận nguyên tắc
pacta sunt servanda tại Điều 1134, mà không có quy định chung về việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi. Vì vậy, các Tòa án tư pháp (
ordre judiciaire) luôn tuân thủ triệt để nguyên tắc
pacta sunt servanda, theo đó, một bên chỉ được miễn trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng (
force majeure). Sự tuân thủ này được định hình từ quan điểm pháp lý của Tòa Phá án (
Cour de Cassation) trong án lệ
Canal de Craponne. Năm 1567, các bên giao kết hợp đồng dịch vụ dẫn nước từ con kênh Crappone vào khu vườn lân cận. Sau ba thế kỷ, giá dịch vụ dần trở nên bất hợp lý, thậm chí là không đủ để bù đắp chi phí vận hành con kênh. Năm 1873, Tòa Phúc thẩm (
Cour d’Appel) Aix cho phép bên cung cấp dịch vụ (chủ của con kênh) được tăng giá dịch vụ để phù hợp với hoàn cảnh mới. Tuy nhiên, năm 1876, Tòa Phá án hủy bỏ bản án trên vì cho rằng: “Điều 1134 của Bộ luật Dân sự Pháp là một quy định chung và tuyệt đối, do đó, các Tòa án dù cho rằng quyết định của mình là hợp lý cũng không được sử dụng yếu tố thời gian và hoàn cảnh để làm căn cứ thay đổi hợp đồng do các bên xác lập”
[3]. Cách hiểu và áp dụng nguyên tắc
pacta sunt servanda như trên trở thành quan điểm thống trị gần như tuyệt đối trong thực tiễn tài phán tại Pháp suốt nhiều thế kỷ.
Tuy nhiên, riêng trong lĩnh vực hợp đồng hành chính, các Tòa án hành chính (
ordre administratif) lại có cách tiếp cận linh hoạt hơn. Điều này xuất phát từ quan điểm pháp lý của Tham chính Viện (
Conseil d’Etat) trong án lệ
Gaz de Bordeaux. Năm 1904, thành phố Bordeaux và một công ty tư nhân giao kết hợp đồng, theo đó, công ty này cung cấp phần lớn điện và khí đốt cho thành phố trong vòng 30 năm. Sau khi Thế chiến thứ nhất nổ ra, giá than đá tăng từ 35 franc lên 117 franc mỗi tấn, nên công ty tư nhân yêu cầu tăng giá dịch vụ để phù hợp với hoàn cảnh mới. Tham chính Viện đã chấp nhận yêu cầu này và giải thích: do chiến tranh, giá than đá đã tăng đột biến và giá dịch vụ không còn phù hợp với hoàn cảnh. Do đó, thành phố Bordeaux phải “bồi thường” cho công ty tư nhân
[4]. Các Tòa án hành chính đã áp dụng án lệ
Gaz de Bordeaux trong nhiều vụ việc tương tự sau này. Điều này xuất phát từ lý do các hợp đồng hành chính thường liên quan đến lợi ích công cộng và nếu việc thực hiện các hợp đồng bị tạm dừng do hoàn cảnh thay đổi thì sẽ gây ra hậu quả xấu cho dân cư.
Năm 2016, Bộ luật Dân sự Pháp trải qua một đợt sửa đổi quan trọng liên quan đến luật nghĩa vụ (
droit des obligations). Việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi đã được ghi nhận tại Điều 1195 Bộ luật Dân sự Pháp
[5]. Theo đó, nếu sau khi giao kết hợp đồng, hoàn cảnh thay đổi cơ bản đến mức làm cho chi phí thực hiện nghĩa vụ đó tăng lên, mà bên bị bất lợi không thể gánh chịu rủi ro về sự kiện này, họ có quyền yêu cầu tiến hành đàm phán lại hợp đồng. Trong quá trình đàm phán lại hợp đồng, bên bị bất lợi vẫn phải thực hiện nghĩa vụ. Nếu các bên không thỏa thuận được, các bên có quyền hủy bỏ hợp đồng, hoặc cùng yêu cầu Tòa án sửa đổi hợp đồng. Nếu sau một thời hạn hợp lý mà hai bên không thỏa thuận được, Tòa án, theo yêu cầu của một bên, có quyền sửa đổi hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng vào ngày và theo các điều kiện do Tòa án quyết định.
1.2. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo pháp luật Anh
Pháp luật Anh cho đến thế kỷ XIX vẫn thừa nhận quan điểm hợp đồng có giá trị ràng buộc tuyệt đối. Ví dụ, trong án lệ
Paradine v. Jane vào thế kỷ XVII, Tòa án cho rằng “trong trường hợp mà luật pháp đặt ra nghĩa vụ và một bên không thể thực hiện nghĩa vụ đó, cũng như không có biện pháp khắc phục thì luật pháp sẽ miễn trách nhiệm cho bên đó… Tuy nhiên, trong trường hợp hợp đồng đặt ra một nghĩa vụ thì dù xảy ra sự cố gì, một bên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đó, bởi vì đây là nghĩa vụ họ tự quy định trong hợp đồng”
[6]. Quan điểm này chỉ thay đổi vào năm 1863, khi các Tòa án Anh phát triển học thuyết về sự tiêu giải của hợp đồng (
frustration of contract) trong án lệ
Taylor v. Caldwell. Ban đầu, học thuyết này cho rằng, hợp đồng chỉ bị tiêu giải (
frustrated) khi đối tượng của hợp đồng không còn nữa. Tuy nhiên, sau đó, phạm vi áp dụng của học thuyết được mở rộng khi mục đích của hợp đồng không còn nữa (
frustration of purpose). Trong án lệ
Krell v. Henry, bị đơn thuê phòng của nguyên đơn để chứng kiến lễ đăng quang của Vua Edward VII. Tuy nhiên, nhà vua bị bệnh bất ngờ và lễ đăng quang bị dời lại vài ngày. Bị đơn từ chối trả tiền thuê phòng và được Tòa án chấp nhận, bởi vì “lễ đăng quang là mục đích của hợp đồng và việc lễ đăng quang không diễn ra giải phóng các bên khỏi việc thực hiện hợp đồng”
[7].
Mặc dù, học thuyết về sự tiêu giải của hợp đồng tỏ ra linh hoạt hơn khái niệm bất khả kháng, nhưng các Tòa án Anh hiếm khi chấp nhận sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh như là căn cứ để áp dụng học thuyết này. Hơn nữa, ngay cả khi học thuyết này được áp dụng, Tòa án Anh cũng không có quyền sửa đổi hợp đồng giữa các bên mà chỉ có quyền tuyên bố chấm dứt hợp đồng
[8].
1.3. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo pháp luật Đức
Trước khi Thế chiến thứ nhất nổ ra, pháp luật Đức cũng có quan điểm khắt khe về khả năng sửa đổi hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi. Theo đó, pháp luật Đức chỉ ghi nhận học thuyết về việc không thể thực hiện nghĩa vụ (
unmöglichkeit)
[9]. Tuy nhiên, tình hình kinh tế sau Thế chiến thứ nhất, đặc biệt là sự siêu lạm phát, khiến cho nhiều hợp đồng trở nên vô lý. Vào thời điểm này, Bộ luật Dân sự Đức năm 1896 không cho phép Tòa án được sửa đổi hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi. Vì vậy, các Tòa án Đức đã giải quyết một số tranh chấp dựa trên học thuyết về việc không thể thực hiện nghĩa vụ nhưng lại vấp phải sự phản đối. Sau đó, Giáo sư Oertmann phát triển học thuyết mới về căn cứ của hợp đồng (
geschäftsgrundlage)
[10]. Theo học thuyết này, mong đợi của một bên trong việc thực hiện hợp đồng phải trùng khớp với mong đợi của bên kia hoặc bên kia phải được thông báo rõ ràng về mong đợi này. Nếu sau khi hợp đồng được giao kết mà hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì căn cứ của hợp đồng (
geschäftsgrundlage) không còn nữa, và Tòa án có quyền giải phóng các bên khỏi nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc sửa đổi hợp đồng nhằm tái lập sự cân bằng. Học thuyết này của Giáo sư Oertmann nhanh chóng được các Tòa án Đức đón nhận và áp dụng trong thời gian dài
[11].
Năm 2002, Bộ luật Dân sự Đức có sửa đổi quan trọng và việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi đã được ghi nhận tại Điều 313. Khoản 1 Điều 313 quy định rằng: nếu sau khi hợp đồng được giao kết mà hoàn cảnh thay đổi cơ bản đến mức các bên sẽ không giao kết hợp đồng hoặc sẽ giao kết hợp đồng khác đi nếu họ tiên liệu được sự thay đổi này, thì hợp đồng có thể được sửa đổi, trong chừng mực xét theo hoàn cảnh liên quan. Khoản 3 Điều 313 quy định rằng, nếu việc sửa đổi hợp đồng không thể thực hiện được hoặc không hợp lý cho một bên thì bên bị bất lợi có quyền chấm dứt hợp đồng
[12].
1.4. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Bộ Nguyên tắc UNIDROIT năm 2010 về hợp đồng thương mại quốc tế
Việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản “hardship” được quy định tại các Điều 6.2.1 – 6.2.3 Bộ Nguyên tắc UNIDROIT năm 2010 về hợp đồng thương mại quốc tế. Điều 6.2.1 Bộ Nguyên tắc UNIDROIT năm 2010 thiết lập nguyên tắc chung về việc áp dụng hardship: “Các bên có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình, ngay cả khi chi phí thực hiện nghĩa vụ đó tăng lên, với điều kiện tuân thủ các quy định dưới đây về hardship”
[13]. Như vậy, quy định đầu tiên về hardship nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc
pacta sunt servanda và không cho phép các bên được mặc nhiên tạm dừng hoặc chấm dứt thực hiện nghĩa vụ mỗi khi hoàn cảnh thay đổi. Điều 6.2.2 Bộ Nguyên tắc UNIDROIT năm 2010 đưa ra định nghĩa về hardship, đó là các sự kiện làm thay đổi cơ bản sự cân bằng giữa các nghĩa vụ hợp đồng, hoặc do chi phí thực hiện nghĩa vụ tăng lên, hoặc do giá trị của nghĩa vụ đối trừ giảm xuống, và:
a. Các sự kiện này xảy ra hoặc bên bị thiệt hại chỉ biết đến sau khi giao kết hợp đồng;
b. Bên bị bất lợi đã không thể tính một cách hợp lý đến các sự kiện đó khi giao kết hợp đồng;
c. Các sự kiện này nằm ngoài sự kiểm soát của bên bị bất lợi; và
d. Bên bị bất lợi không gánh chịu rủi ro về các sự kiện này
[14].
Điều 6.2.3 Bộ Nguyên tắc UNIDROIT năm 2010 quy định về hệ quả của trường hợp hardship. Cách xử lý trường hợp hardship trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất chú trọng vào thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên bị bất lợi có quyền yêu cầu tiến hành đàm phán lại hợp đồng. Yêu cầu này phải được đưa ra không chậm trễ và phải có căn cứ. Khi các bên đàm phán lại hợp đồng, họ phải nỗ lực đạt được thỏa thuận và phải tuân thủ nguyên tắc thiện chí. Giai đoạn hai, nếu các bên không thỏa thuận được trong một thời hạn hợp lý thì mỗi bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Nếu xác định có hoàn cảnh hardship và hợp lý, Tòa án có thể:
a. Chấm dứt hợp đồng vào ngày và theo các điều kiện do Tòa án quyết định; hoặc
b. Sửa đổi hợp đồng nhằm thiết lập lại sự cân bằng giữa các nghĩa vụ hợp đồng
[15].
Theo Điều 6.2.3 Bộ Nguyên tắc UNIDROIT năm 2010, Tòa án có quyền chọn một trong hai biện pháp: chấm dứt hợp đồng hoặc sửa đổi hợp đồng. Vấn đề đặt ra là Tòa án nên ưu tiên biện pháp nào. Một trong những nguyên tắc nền tảng để xây dựng Bộ Nguyên tắc UNIDROIT năm 2010 là nguyên tắc bảo tồn hiệu lực của hợp đồng (
favor contractus), do đó, Tòa án khi áp dụng Bộ Nguyên tắc UNIDROIT năm 2010 nên ưu tiên biện pháp sửa đổi hợp đồng nhằm bảo tồn mối quan hệ hợp đồng giữa các bên
[16]. Ngoài ra, Tòa án có quyền chấm dứt hợp đồng vào ngày và theo các điều kiện do Tòa án quyết định. Điều này giúp Tòa án được quyền tùy nghi lớn hơn trong nhiều vấn đề, ví dụ như phân chia chi phí và xác định mức bồi thường.
2. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo pháp luật Việt Nam
2.1. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản trước khi có Bộ luật Dân sự năm 2015
Bộ luật Dân sự năm 2005 không có quy định cụ thể về việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Trong một số văn bản luật chuyên ngành, đã tồn tại bóng dáng của việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản nhưng nội dung của các quy định này không hoàn toàn giống nhau về bản chất pháp lý. Ví dụ, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) quy định về việc thay đổi phí bảo hiểm do cơ sở tính phí bảo hiểm thay đổi như sau:
“Điều 20. Thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm
1. Khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, dẫn đến giảm các rủi ro được bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giảm phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không chấp nhận giảm phí bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm.
2. Khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, dẫn đến tăng các rủi ro được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tính lại phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm không chấp nhận tăng phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm”.
Có thể nói, quy định trên là minh chứng rõ ràng cho việc thay đổi các yếu tố làm cơ sở tính phí bảo hiểm dẫn đến việc một bên bị thiệt hại trong quan hệ bảo hiểm, và bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu thỏa thuận theo chiều hướng có lợi để giảm thiểu thiệt hại cho chính mình. Ở quy định này, nhà làm luật đã cho phép bên bị thiệt hại do hoàn cảnh thay đổi cơ bản có quyền: (i) Yêu cầu thỏa thuận lại với bên kia về điều khoản gây bất lợi cho mình, cụ thể là về phí bảo hiểm; (ii) Nếu không thỏa thuận được có thể đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng nhưng phải có nghĩa vụ thông báo ngay cho bên kia. Tuy có bóng dáng của Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015, nhưng đây là quy định về hai hình thức chấm dứt hợp đồng khác nhau: (i) Đình chỉ thực hiện hợp đồng theo pháp luật thương mại (khoản 5 Điều 292, Điều 310, Điều 311 Luật Thương mại năm 2005) và (ii) Chấm dứt hợp đồng theo pháp luật dân sự (Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2015). Do vậy, Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) cho phép bên bị thiệt hại chủ động đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, trong khi đó, nếu áp dụng trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên bị thiệt hại chỉ được chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quyết định của Tòa án, chứ không được đơn phương chấm dứt hợp đồng.
2.2. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong Bộ luật Dân sự năm 2015
Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Đây là quy định có ý nghĩa quan trọng và tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như nguyên tắc thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Bên cạnh đó, Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đặt ra một số vấn đề pháp lý cần nghiên cứu như sau:
Thứ nhất, theo điểm c khoản 1 Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015, một trong năm điều kiện của hoàn cảnh thay đổi cơ bản là “hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác”. Quy định này cần được hướng dẫn cụ thể, bởi đây là điều kiện trung tâm để xác định sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh. Tiếp cận từ góc độ so sánh, bình luận chính thức của Bộ Nguyên tắc UNIDROIT năm 1994 cho rằng: “nếu việc thực hiện nghĩa vụ có thể quy đổi ra tiền, chi phí thực hiện nghĩa vụ hoặc giá trị của nghĩa vụ thay đổi từ 50% trở lên có thể được xem là thay đổi cơ bản”
[17]. Tuy nhiên, nhận định trên không được các học giả ủng hộ, bởi vì họ cho rằng con số 50% được đưa ra là quá thấp và có phần tùy tiện
[18]. Thực tiễn tài phán tại nhiều quốc gia cũng thể hiện rằng sự thay đổi hoàn cảnh phải rất lớn mới được xem là hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Ví dụ, Tòa án Đức thường yêu cầu phần chi phí tăng thêm phải bằng hoặc hơn 150% chi phí ban đầu mới được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản
[19], trong khi Tòa án Nga thường yêu cầu mức tăng từ 100% trở lên so với chi phí ban đầu
[20].
Thứ hai, khoản 3 Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, trường hợp các bên không thể thỏa thuận về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, thì một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, “Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi”. Các khái niệm “thiệt hại” và “các chi phí để thực hiện hợp đồng” trong điều luật này cần được làm rõ. Cụ thể, thiệt hại mà việc chấm dứt hợp đồng gây ra cho bên nào sẽ được sử dụng để so sánh với các chi phí để thực hiện hợp đồng? Thậm chí là có tính toán đến chi phí, lợi ích của người thứ ba hay không?
Ngoài ra, cách giải quyết của Bộ luật Dân sự năm 2015 có lẽ chưa phù hợp với nguyên tắc bảo tồn hiệu lực của hợp đồng (
favor contractus). Bởi, Tòa án cần ưu tiên việc duy trì hiệu lực của hợp đồng bằng cách sửa đổi hợp đồng và chỉ khi nào việc sửa đổi hợp đồng không thể thực hiện được hoặc bất hợp lý cho bên còn lại thì Tòa án mới chấm dứt hợp đồng. Tiếp cận từ góc độ so sánh, mặc dù Điều 6.2.3 Bộ Nguyên tắc UNIDROIT năm 2010 cũng ghi nhận hai biện pháp là chấm dứt hợp đồng và sửa đổi hợp đồng mà không nêu rõ thứ tự ưu tiên, tuy nhiên, các học giả khi bình luận Bộ Nguyên tắc UNIDROIT năm 2010 đều cho rằng trong chừng mực hợp lý, biện pháp sửa đổi hợp đồng cần được ưu tiên hơn.
Thứ ba, khoản 4 Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng hay khi Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Như vậy, “thỏa thuận khác” là căn cứ duy nhất để một trong các bên có thể hoãn thực hiện nghĩa vụ. Vấn đề đặt ra là trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không? Với quy định hiện nay, nếu không thỏa thuận được, bên còn lại có thể cố tình trì hoãn giải quyết vụ việc tại Tòa án nhằm thu được nhiều lợi ích hơn và tiếp tục thực hiện hợp đồng gây thiệt hại cho bên kia. Quy định này chưa bảo vệ kịp thời cho bên yếu thế trong thời gian chờ Tòa án đưa ra quyết định cuối cùng.
Thứ tư, Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ đề cập đến vai trò của Tòa án mà không quy định vai trò của trọng tài thương mại. Theo Điều 6 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài, mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được. Như vậy, trong hoạt động thương mại, nếu các bên có thỏa thuận trọng tài thì trọng tài có thẩm quyền giải quyết việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản hay không? Tiếp cận từ góc độ so sánh, mặc dù các điều 6.2.1 – 6.2.3 Bộ Nguyên tắc UNIDROIT năm 2010 chỉ nhắc đến thuật ngữ “Tòa án”, tuy nhiên, Điều 1.11 Bộ Nguyên tắc UNIDROIT năm 2010 đã quy định “Tòa án” bao gồm cả “Hội đồng trọng tài”
[21]. Cách hiểu này cần được áp dụng đối với Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thứ năm, hệ quả pháp lý của việc sửa đổi hợp đồng cần được hướng dẫn cụ thể hơn nữa nhằm xác định các nghĩa vụ và trách nhiệm trước, trong, và sau khi sửa đổi hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Có quan điểm cho rằng, việc sửa đổi hợp đồng phải đảm bảo các yêu cầu sau: (i) Các điều khoản mới có hiệu lực thay thế cho các điều khoản đã bị sửa đổi; (ii) Việc sửa đổi hợp đồng tuân theo hình thức của hợp đồng nếu hình thức là bắt buộc, và việc sửa đổi hợp đồng có thể nằm trong phần phụ lục của hợp đồng; (iii) Việc sửa đổi không được gây thiệt hại cho người thứ ba, trường hợp người thứ ba có lợi ích liên quan từ hợp đồng thì việc sửa đổi phải được người thứ ba đồng ý; (iv) Việc sửa đổi hợp đồng phải tuân thủ các quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng; (v) Không làm thay đổi việc chọn luật áp dụng để giải quyết tranh chấp cũng như thời hiệu khởi kiện
[22].
Kết luận
Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 là một quy định mới thể hiện sự tiến bộ trong tư duy lập pháp và tham khảo kinh nghiệm quốc tế của các nhà làm luật Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và đảm bảo quyền lợi của bên yếu thế trong thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, đây là quy định mới và khá phức tạp. Để triển khai thi hành trên thực tiễn, cần có sự nghiên cứu và nhìn nhận nghiêm túc từ phía nhà làm luật, nhà nghiên cứu, đặc biệt là của các thẩm phán trong việc giải quyết các vụ việc liên quan. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nên xem xét ban hành nghị quyết hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015, đặc biệt là đối với các vấn đề đã được trình bày trong bài viết này.
Ngô Thu Trang - Nguyễn Thế Đức Tâm
[1] Egidijus Baranauskas and Paulius Zapolskis (2009), The Effect of Change in Circumstances on the Performance of Contract, Jurisprudence, Vol. 118, No. 4, p. 198.
[3] Cour de Cassation, Civ., 6 mars 1876.
[4] Conseil d’Etat, 30 mars 1916.
[5] Điều 1195 Bộ luật Dân sự Pháp, tham khảo trực tuyến tại: https://www.legifrance.gov.fr/affichCodeArticle.do?cidTexte=LEGITEXT000006070721&idArticle=LEGIARTI000006436705, truy cập lần cuối ngày 25/11/2016.
[6] Paradine v. Jane [1647] EWHC KB J5.
[7] Krell v. Henry [1903] 2 KB 740.
[8] Egidijus Baranauskas and Paulius Zapolskis (2009), The Effect of Change in Circumstances on the Performance of Contract, Jurisprudence, Vol. 118, No. 4, p. 203.
[9] Điều 275 Bộ luật Dân sự Đức, tham khảo trực tuyến tại: https://www.gesetze-im-internet.de/bgb/__275.html truy cập lần cuối ngày 25/11/2016.
[10] Paul Oertmann (1921), Die Geschäf
tsgrundlage – Ein neuer Rechtsbegriff, Leipzig und Erlangen.
[12] Điều 313 Bộ luật Dân sự Đức, tham khảo trực tuyến tại: https://www.gesetze-im-internet.de/bgb/__313.html truy cập lần cuối ngày 25/11/2016.
[13] UNIDROIT (2010), UNIDROIT Principles on International Commercial Contracts, p. 212.
[14] UNIDROIT (2010), UNIDROIT Principles on International Commercial Contracts, p. 213.
[15] UNIDROIT (2010), UNIDROIT Principles on International Commercial Contracts, p. 218.
[16] Michael Joachim Bonell (2005), An International Restatement of Contract Law: The UNIDROIT Principles of International Commercial Contracts, Third Edition, Transnational Publishers, pp. 117 – 124.
[17] UNIDROIT (1994), UNIDROIT Principles on International Commercial Contracts, p. 147.
[18] UNIDROIT (2003), Study L – Doc. 85, p. 15.
[19] BGHZ 90, 227; BGHZ 97, 171; BGHZ 111, 214, BGHZ 119, 220.
[20] Alexei G. Doudko (2000), Hardship in Contract: The Approach of the UNIDROIT Principles and Legal Developments in Russia, Uniform Law Review, Vol. 5, Issue 3, p. 496.
[21] UNIDROIT (2010), UNIDROIT Principles on International Commercial Contracts, pp. 30 – 32.
[22] PGS.TS. Đỗ Văn Đại (chủ biên) (2016), Giáo trình pháp luật về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Hồng Đức, tr. 273 – 274.