Bất cập về xử phạt VPHC về trật tự công cộng, quản lý sử dụng vũ khí, bạo lực gia đình

09/10/2015
 

Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng chống cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình (viết tắt Nghị định 167/2013/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ ngày 28/12/2013; Các Điều 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20 Chương 3 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2004 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, Nghị định số 110/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chng bạo lực gia đình, Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, Nghị định số 52/2012/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy hết hiệu lực, kể từ ngày Nghị định 167/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Mà theo đó, các hành vi vi phạm về bảo đảm sự yên tĩnh chung, về giữ gìn vệ sinh chung, về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm, về phòng chống và kiểm soát ma túy, bạo lực gia đình sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại các điều 5, 6, 7, 10, 21 và 60 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Qua triển khai thi hành Nghị định 167/2013/NQ-CP đã phát huy vai trò là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng tuyên truyền giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho mọi người dân, cơ quan, tổ chức “Sống và làm việc theo pháp luật”. Tuy nhiên từ thực tiễn áp dụng đã bộc lộ một số vướng mắc cần sự hướng dẫn kịp thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là một số quy định tại các điều 5, 6, 7, 10, 21 và 60 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Thứ nhất,  về quy định bảo đảm sự yên tĩnh chung. Mà theo đó, tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi: a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau; Thực tế cho thấy, việc đặt ra quy định vi phạm và xử phạt hành chính về hành vi vi phạm về bảo đảm sự yên tĩnh chung trong điều kiện mật độ dân cư khá đông đúc ở những khu chung cư, ở các thành phố, thị trấn,…là rất cần thiết, bởi: Hiện nay ở nước ta, nhất là các khu dân cư tập trung tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đã đến mức báo động. Một tình trạng khá phổ biến và rất đáng chê trách là chuyện lạm dụng âm thanh phát ra từ các thùng loa được mở gần hết công suất ở nhiều gia đình sống trong các khu chung cư khi cùng nhau hát Karaoke; đó là nhiều tốp thanh niên thường xuyên tụ tập bạn bè sau các buổi vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, không vui không buồn cũng nhậu rồi thuê nhạc sống phục vụ đến tận đêm. Hoặc chỉ cần đi ra đường là mọi người cảm nhận được ngay tình trạng ô nhiễm tiếng ồn của đủ các loại ôtô, xe máy thường bóp còi inh ỏi. Nhiều người thích dùng loại còi kêu to và dùng tiếng còi để dọn đường cho mình đi. Ngoài ra, để thu hút khách, một số cửa hàng bán quần áo thời trang, điện tử, điện máy, quán ăn thản nhiên dùng dàn loa lớn để ngay trước cửa với những bản nhạc dance âm thanh lớn hết cỡ từ sáng cho đến tối. Nhưng việc áp dụng quy định trên để xử phạt đối tượng vi phạm là chuyện không đơn giản. Vì: Theo quy định hành vi bị coi là vi phạm hành chính và bị xử phạt khi gây ra tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, … Vấn đề đặt ra, âm lượng đến mức độ nào mới bị coi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo? Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường – Ban hành kèm theo Thông tư 39/2010/TT-BTNMT ngày 16/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mà theo đó, QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn, có quy định: Với khu vực thông thường, gồm: Khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính. Các nguồn gây ra tiếng ồn do hoạt động sản xuất, xây dựng, thương mại, dịch vụ và sinh hoạt không được vượt quá giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn, từ 06 giờ đến 21 giờ là 70 dBA; từ 21 đến 06 giờ sáng hôm sau là 55 dBA. Căn cứ vào quy định này, nếu nguồn gây ra tiếng ồn vượt mức tối đa cho phép trên bị coi là vi phạm. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, để xử phạt vi phạm hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau là điều dường như rất khó thực hiện, bởi: Khi lập biên bản vi phạm hành chính, phải chứng minh được nguồn gây ra tiếng ồn vượt mức tối đa cho phép, mà để có được kết quả này, không phải UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung UBND cấp xã) cũng đều được trang bị máy đo tiếng ồn, do vậy phải nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của cơ quan chuyên môn Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, quận. Tóm lại quy trình để xử lý vi phạm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thiếu tính khả thi của chính quyền cấp xã phường! Hơn nữa, nếu đủ căn cứ xử phạt vi phạm hành chính, thì mức xử phạt tiền cũng quá nhẹ và thiếu quy định buộc đối tượng vi phạm chịu trách nhiệm hoàn trả chi phí giám định tiếng ồn, vì không thể xuất kinh phí của Nhà nước chi trả cho hoạt động này.

Theo quan điểm nghiên cứu của người viết, hành vi gây tiếng ồn lớn, làm ồn ào, huyên náo…người vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tương tự như Điều 17 của Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, vì thực tế để có căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP,  người có thẩm quyền xử phạt vi phạm cũng phải căn cứ vào Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn - Ban hành kèm theo Thông tư 39/2010/TT-BTNMT ngày 16/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, để xác định có vi phạm không? Hơn nữa, với mức phạt vi phạm hiện hành còn quá nhẹ nên không đủ sức răn đe. Do vậy, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm sự yên tĩnh chung theo hướng, nếu trường độ, tần số và cường độ âm thanh phát ra từ nguồn vi phạm càng cao, càng lớn thì mức xử phạt cũng tăng theo tỉ lệ thuận như quy định tại Điều 17 Nghị định 179/2013/NĐ-CP và đồng thời bổ sung chế tài buộc đối tượng vi phạm phải chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm.

Không thể sử phạt theo nghị định 167 / 2013 ngày 12/11/2013 theo điều 6 vi phạm qui định về bảo đảm sự yên tĩnh chung được vì không có tính răn đe mạnh mẽ mà phải áp dụng xử phạt theo nghị định 179/2013 ngày 14/11/2013 qui định xử phạt hành chính trong lãnh vực bảo vệ môi trường theo điều 17 vi phạm các qui định về tiếng ồn mới đúng mức độ và hành vi vi phạm ( có phương tiện hỗ trợ hiện đại ) Áp dụng và thực thi luật không đúng sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt về sau .

Thứ hai, về quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;. Nghiên cứu quy định này, người viết thấy rằng còn có “kẽ hỡ” mà trong thực tế cơ quan chức năng, người thi hành công vụ vẫn áp dụng quy định này để xử phạt hành chính người có hành vi vi phạm, mà dưới góc nhìn pháp lý là thiếu chính xác. Cụ thể, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/ND-CP chỉ liệt kê đối tượng mà người có hành vi vi phạm tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày mà không chỉ ra một số loại công cụ mà đối tượng vi phạm có thể sử dụng nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác, như: mã tấu, kiếm Nhật, lưỡi lê, quả chùy, quả đấm. Những loại này rõ ràng không thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày. Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp lực lượng cảnh sát lập biên bản thu giữ và xử phạt vi phạm qua tuần tra, kiểm soát phát hiện mã tấu, tuýp sắt; kiếm Nhật;… mà đối tượng cất giấu trong cốp xe mô tô, xe ô tô và sẳn sàng sử dụng để đánh nhau khi cần thiết. Do vậy, để bảo đảm tính chính xác khi áp dụng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP làm căn cứ ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính với những trường hợp trên, rất cần quy định bổ sung kịp thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm cơ sở pháp lý vững chắc khi xử lý trường hợp vi phạm mà đối tượng tàng trữ, cất giấu các loại hung khí như vừa đề cập.

Thứ ba, tại điểm a khoản 3 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;. Với câu chữ thể hiện tại điểm a, người đọc rất khó hiểu nội dung quy định này, cụ thể: Hủy hoại cái gì? Cố ý làm hư hỏng cái gì? Qua nghiên cứu có thể hiểu rằng, thông qua quy phạm này pháp luật đặt ra quy định: Hành vi hủy hoại, cố ý làm hư hỏng vũ khí được giao; hành vi cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đều bị coi là vi phạm pháp luật hành chính và bị xử phạt vi phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Bởi theo quy định tại khoản 4 và khoản 6 Điều 5 Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12 thông qua ngày 30/6/2011 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của UBTVQH13 thông qua ngày 12/7/2013, có quy định các hành vi bị nghiêm cấm sau: “Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng vũ khí được giao.”; “Cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”. Do vậy, để tạo sự dễ hiểu hơn cho người đọc là mọi đối tượng, đề nghị điểm a khoản 3 Điều 10 nghị định 167/2013/NĐ-CP được viết lại như sau: “a) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng vũ khí được giao; Cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

Thứ tư, theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt chất ma túy trái phép;

b) Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy;

c) Sản xuất, mua, bán những dụng cụ sử dụng chất ma túy trái quy định của pháp luật.. Những câu hỏi được đặt ra khi áp dụng quy định này, đó là: Với số lượng là bao nhiều thì người có hành vi tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt chất ma túy trái phép bị xử lý hành chính? Tương tự, với số lượng tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy là bao nhiêu thì người có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt sẽ bị xử phạt hành chính?

+ Trước hết, đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt chất ma túy trái phép (theo điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP). Ở nước ta, các chất ma túy thường gặp là: Thuốc phiện, heroin, morphine, cần sa, các dạng ma túy tổng hợp (sedusen, dolagang, methamphetamine,…). BLHS hiện hành  có quy định một số tội phạm về ma túy, cụ thể: Điều 194. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy; Điều 195. Tội tang trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; Điều 196. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy. Riêng Điều 194 BLHS không quy định hành vi tàng trữ, vận chuyển chất ma túy với số lượng bao nhiêu thì cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Tư pháp, hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 (viết tắt Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT). Mà theo đó, có quy định người nào tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy với số lượng sau đây không nhằm mục đích mua bán hay sản xuất trái phép chất ma túy khác thì áp dụng khoản 4 Điều 8 BLHS, không truy cứu TNHS nhưng phải xử lý hành chính:

-Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng dưới một gam;

-Heroin hoặc côcain có trọng lượng dưới không phẩy một gam;

-Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây coca có trọng lượng dưới một kilogram;

-Quả thuốc phiện khô có trọng lượng dưới năm kilogram;

-Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng dưới một kilogram;

-Các chất ma túy khác ở thể rắn có trọng lượng dưới một gam;

-Các chất ma túy khác ở thể lỏng từ mười mililit trở xuống.

Vấn đề đặt ra, với những người là người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt chất ma túy trái phép có bị xử lý hành chính không, nếu xác định được vai trò của họ? Hành vi chiếm đoạt trái phép chất ma túy của một người, mà người đó họ hoàn toàn không biết đó là chất ma túy, thì có bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP không, hay chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chiếm đoạt tài sản thông thường?

+ Về hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (theo điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, các tiền chất và các chất hóa học tham gia vào việc sản xuất chất ma túy như: Ephedrine, Eegometrine, Ergotamine, Lysergic acid, Pseudoephedrine, Safrole, Acetic anhydride, Acetone, Hydrocholiric acid,…Và cũng theo Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT người nào có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy trong trường hợp tiền chất có trọng lượng dưới 50 gam (đối với tiền chất thể rắn) hoặc dưới 75 mililit (đối với tiền chất ở thể lỏng) thì bị xử lý hành chính. Nhưng nếu chỉ xác định được số lượng tiền chất, xác định đối tượng có hành vi tàng trữ hoặc nhằm bán lại cho người khác để sản xuất ra chất ma túy, mà không chứng minh được đối tượng sẽ dùng tiền chất đó vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì có xử lý hành chính không?

+ Về hành vi sản xuất, mua, bán những dụng cụ sử dụng chất ma túy trái quy định của pháp luật (theo điểm c khoản 2 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Cho đến nay, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng chưa có ban hành văn bản chính thức nào quy định danh mục các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất dụng cụ sử dụng chất ma túy. Tuy nhiên từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống loại hành vi trái pháp luật này ghi nhận: Phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy là các phương tiện, dụng cụ được sản xuất ra với chức năng chủ yếu dùng vào việc sử dụng chất ma túy hoặc sản xuất ra với mục đích dân dụng nhưng thường xuyên được sử dụng vào việc sử dụng chất ma túy, bao gồm: Bơm tiêm (xilanh), đèn bếp, đèn bàn. Cũng theo Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT, với trường hợp sản xuất, mua bán từ năm bộ dụng cụ, phương tiện (có thể cùng loại, có thể khác loại) trở xuống thì chỉ bị xử lý hành chính. Vấn đề đặt ra, đối tượng không thực hiện hành vi mua, cũng không thực hiện hành vi bán dụng cụ sử dụng chất ma túy trái phép mà giữa họ thực hiện hành vi trao đổi với nhau (không dùng tiền), như dùng tài sản đem trao đổi để lấy dụng cụ sử dụng chất ma túy thì có coi là vi phạm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP không? Theo Từ điển Tiếng Việt: Mua (đg) đổi tiền lấy vật; Bán (đg) đổi vật lấy tiền (Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 1998, tr 626, 29), do vậy rất cần sự hướng dẫn kịp thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tạo sự nhận thức thống nhất chung khi áp dụng.

Thứ năm, theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Người chủ hoặc người có trách nhiệm quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, câu lạc bộ, các phương tiện giao thông và các nơi khác để cho người khác lợi dụng sử dụng chất ma túy trong khu vực, phương tiện mình quản lý;”. Qua nghiên cứu thấy rằng quy định này thiếu tính khả thi trong thực tế, bởi để áp dụng quy định này vào xử phạt thì cơ quan chức năng, người thi hành công vụ phải chứng minh được rằng người chủ, người có trách nhiệm quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, câu lạc bộ, các phương tiện giao thông và các nơi khác có hành vi “để cho” … “Để cho” được hiểu là hành vi “để ngoài tai”, “làm ngơ” mà không có một hành động nào trực tiếp tác động đến một trạng thái nào đó, làm cho trạng thái ấy được giữ nguyên, từ đó “mặc nhiên” các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy tại nơi họ đang quản lý. Do vậy khi bị phát hiện, người chủ hoặc người có trách nhiệm quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, câu lạc bộ, các phương tiện giao thông và các nơi khác không “dại dột” gì họ khai báo với cơ quan chức năng là họ biết đối tượng đến thuê phòng nghỉ, biết các đối tượng A, B, C, D đến câu lạc bộ hoặc biết các đối tượng E, F, G cùng thuê xe ô tô làm nơi để cùng sử dụng chất ma túy trái phép, chỉ trừ trường hợp cơ quan chức năng tập trung lực lượng, sử dụng biện pháp nghiệp vụ theo dõi, thu thập chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của người chủ hoặc người có trách nhiệm quản lý cơ sở đó. Chính vì lẽ đó mà tình trạng các đối tượng thường tìm đến các nhà nghỉ, câu lạc bộ,...để cùng nhau sử dụng chất ma túy trái phép tuy nhiều, nhưng thực tế phát hiện xử lý vi phạm thì còn khiêm tốn về mặt số vụ. Do vậy, người viết đề xuất theo hướng chỉ cần chứng minh tại khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng hoặc cơ sở lưu trú, câu lạc bộ, trên các phương tiện giao thông thường và các nơi khác mà có người sử dụng trái phép chất ma túy thì coi như đủ căn cứ để áp dụng chế tài xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Nếu cơ sở đó tiếp tục vi phạm lần hai thì mạnh dạn áp dụng biện pháp xử lý bổ sung “Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn”, có như vậy mới có thể góp phần kéo giảm tình trạng vi phạm này như hiện nay.

Thứ sáu, tại điểm a khoản 1 Điều 60 Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi: a) Biết hành vi bạo lực gia đình, có điều kiện ngăn chặn mà không ngăn chặn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng;Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 02/2007/QHXII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008, các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;

e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Nhưng  Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ và cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quy định nào giải thích cụ thể hành vi bạo lực gia đình đến mức độ nào là hậu quả nghiêm trọng, và khi ấy một người mà biết hành vi bạo lực gia đình đang xảy ra, có điều kiện ngăn chặn mà không ngăn chặn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì mới có đủ căn cứ xử phạt hành vi vi phạm này. Xoay quanh quy định này hiện có cách hiểu khác nhau như sau: Ý kiến thứ nhất: Để coi là dẫn đến hậu quả nghiêm trọng của người biết hành vi bạo lực gia đình mà không ngăn chặn, mặc dù có điều kiện ngăn chặn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 60 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, khi người thực hiện hành vi vi phạm bạo lực gia đình đủ căn cứ bị xử phạt theo quy định tương ứng của Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Ví dụ: A thường xuyên có hành vi đối xử tồi tệ với con gái của vợ, như bắt lao động nặng nhọc nhưng phải chịu khát, hạn chế vệ sinh cá nhân, B là vợ của A, biết rất rõ hành vi vi phạm đó nhưng không ngăn chặn, mặc dù B có điều kiện ngăn chặn, thì  ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính đối với A theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người có thẩm quyền cũng phải xử phạt vi phạm hành chính đối với B theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 60 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Ý kiến thứ hai: Yếu tố hậu quả nghiêm trọng được hiểu là hậu quả của hành vi bạo lực gia đình của đối tượng vi phạm gây ra, nhưng do không được ngăn chặn kịp thời, mặc dù người đó có điều kiện ngăn chặn và theo quy định của pháp luật hành vi vi phạm đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh tương ứng quy định trong Bộ luật hình sự năm 2009. Ví dụ: H có hành vi cưỡng ép con gái của mình kết hôn trái với sự tự nguyện bằng cách hành hạ, đe dọa, uy hiếp,… dù đã bị xử phạt hành chính về hành vi này rồi nhưng H vẫn tiếp tục vi phạm. Theo quy định, hành vi của H đủ yếu tố cấu thành tội phạm tại Điều 146 BLHS, tội “Cưỡng ép kết hôn”. T là mẹ của H, biết rõ hành vi vi phạm của con mình, dù có đủ điều kiện ngăn chặn nhưng không ngăn chặn, dẫn đến H bị xử lý bằng pháp luật hình sự, do vậy bà T cũng phải bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 60 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Người viết cho rằng, ý kiến thứ hai có cơ sở lý luận vững chắc hơn và thuyết phục hơn, bởi cấu thành tội phạm của các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình tại Chương XV BLHS ( từ Điều 146 đến Điều 152), mà theo đó, nhà làm luật đều quy định hầu hết phải có dấu hiệu hậu quả nghiêm trọng xảy ra hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Do vậy, nếu hành vi của một người mà không ngăn chặn, mặc dù có điều kiện ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình dẫn đến hậu quả nghiêm trọng xảy ra, pháp luật áp dụng chế tài xử phạt hành chính đối với họ là hợp lý. Tuy nhiên, để tránh tình trạng áp dụng pháp luật thiếu thống nhất rất cần sự hướng dẫn kịp thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quy định này.

Trên đây là một số vấn đề vướng mắc từ thực tiễn thi hành Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Từ đó, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hoặc ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất nhận thức và áp dụng trong thực tế. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi cùng Quí bạn đọc.

 

Th.S Lê Văn Sua