Hoàn thiện cơ chế phối hợp trong công tác tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu lý lịch tư pháp

10/03/2015
 

ĐẶT VẤN ĐỀ

Bảo đảm thời hạn cấp Phiếu Lý lịch tư pháp đang là vấn đề “nóng” trong giải quyết thủ tục hành chính của ngành tư pháp hiện nay. Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thời hạn trả kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp là hoạt động phối hợp tra cứu, xác minh thông tin giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp với các cơ quan có liên quan  như Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Quốc phòng, Thi hành án dân sự…

Trong phạm vi chuyên đề này, chúng tôi tập trung phân tích, đánh giá những vấn đề nổi bật về thực trạng công tác phối hợp tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp giữa các cơ quan trong thời gian qua, trên cơ sở đó đề xuất những phương hướng, giải pháp hoàn thiện cơ chế phối hợp trong hoạt động này nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách trong thực tiễn hiện nay là bảo đảm thời hạn trả kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho người dân theo đúng quy định của pháp luật.

I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PHỐI HỢP TRA CỨU, XÁC MINH THÔNG TIN ĐỂ CẤP PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP             

1. Các căn cứ pháp lý cho hoạt động phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu Lý lịch tư pháp

Hoạt động phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu Lý lịch tư pháp đã được luật hóa tại Điều 47 Luật Lý lịch tư pháp, theo đó việc tra cứu thông tin sẽ được thực hiện tại cơ sở dữ liệu của Sở Tư pháp và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia. Tuy nhiên do hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành tư pháp mới được triển khai xây dựng, nên đối với những thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày 1/7/2010, cơ quan cấp Phiếu Lý lịch tư pháp phải phối hợp tra cứu, xác minh tại các cơ quan khác như Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Quốc phòng...(Điều 56 Luật Lý lịch tư pháp).

Để triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp, ngày 23/11/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp. Tiếp theo đó, ngày 10/5/2012 Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp. Cụ thể, để thực hiện cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ quan cấp Phiếu Lý lịch tư pháp (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp) sẽ thực hiện việc phối hợp tra cứu, xác minh thông tin như sau:

a) Tra cứu, xác minh tại cơ quan công an

- Sở Tư pháp thực hiện tra cứu, xác minh tại Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh. Thời gian Phòng Hồ sơ nghiệp vụ trả kết quả tra cứu, xác minh cho Sở Tư pháp là 07 ngày làm việc, trường hợp phải tra cứu tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C53)– Bộ Công an thì không quá 09 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Phiếu xác minh lý lịch tư pháp (khoản 1 Điều 25 Nghị định 111/2010/NĐ-CP, Điều 20 Thông tư liên tịch số 04);

- Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện tra cứu, xác minh tại C53. Thời gian C53 trả kết quả tra cứu, xác minh cho Trung tâm là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Phiếu xác minh lý lịch tư pháp (khoản 2 Điều 25 Nghị định 111/2010/NĐ-CP, Điều 20 Thông tư liên tịch số 04).

b) Tra cứu tại Tòa án

Trường hợp sau khi đã tra cứu thông tin lý lịch tư pháp về án tích tại cơ quan Công an mà vẫn chưa đ căn cứ đ kết luận hoặc nội dung về tình trạng án tích của đương sự có điểm chưa rõ ràng, đầy đ đ khẳng đương sự có hay không có án tích thì Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp liên hệ với Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án đã xét xử phúc thẩm vụ án liên quan đến đương sự đ tra cứu hồ sơ. Thời hạn tra cứu hồ sơ tại Tòa án không quá 5 ngày làm việc (Điều 25 Nghị định 111/2010/NĐ-CP, Điều 21 Thông tư liên tịch số 04).

c) Tra cứu tại cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng

Trường hợp cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người đã từng là sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thì Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp phối hợp với Tòa án quân sự Trung ương đ tra cứu thông tin. Tòa án quân sự Trung ương thông báo kết quả tra cứu trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đ nghị tra cứu thông tin iều 27 Nghị định 111/2010/NĐ-CP, Điều 22 Thông tư liên tịch số 04).

d) Tra cứu tại cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của ngành tư pháp (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp)

Việc tra cứu thông tin lý lịch tư pháp tại cơ sở dữ liệu của ngành tư pháp thực hiện trong các trường hợp sau:

- Tra cứu thông tin từ ngày 01 tháng 7 năm 2010;

- Trường hợp người bị Tòa án kết án trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 nhưng từ ngày 01 tháng 7 năm 2010 Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp đã lập Lý lịch tư pháp của người đó (Điều 47 Luật Lý lịch tư pháp, Điều 12 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP, Điều 23 Thông tư liên tịch số 04).

2. Tình hình phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp

Trên cơ sở các quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp hiện hành, ngay khi Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực thi hành, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp đã triển khai tiếp nhận, giải quyết hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Đối với những trường hợp phải phối hợp tra cứu, xác minh thông tin tại các cơ quan hữu quan như Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát...cơ quan cấp Phiếu đã tích cực chủ động trong công tác phối hợp tra cứu, xác minh để cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho người có yêu cầu. Tuy nhiên, nhìn từ thực trạng cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp trong thời gian qua cho thấy, tình hình phối hợp trong hoạt động tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu Lý lịch tư pháp vẫn chưa đạt hiệu quả, còn tồn tại một số bất cập, ảnh hưởng đến thời hạn trả kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho người dân.

a) Tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia

Ngay từ khi mới thành lập, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã phối hợp với C53 và các cơ quan có liên quan tiến hành tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Tính từ tháng 5 năm 2011 đến 31/12/2014, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã cấp 324 Phiếu Lý lịch tư pháp, trong đó có 84 Phiếu quá hạn trả kết quả, chiếm tỉ lệ 26%. Cụ thể như sau:

Năm

Số hồ sơ đã cấp phiếu

Số hồ sơ quá hạn

Tỷ lệ %

2011

36

6

16.7

2012

48

24

50

2013

68

27

39.7

2014

172

27

15.7

Tổng

324

84

26

Số liệu thống kê cho thấy, phần lớn các trường hợp hồ sơ chậm cấp Phiếu là do công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan chưa đạt hiệu quả, tỉ lệ chậm trả kết quả tra cứu, xác minh tại cơ quan công an vẫn ở mức cao. Ví dụ, năm 2013, trong số 27 trường hợp chậm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp thì có tới 11 trường hợp do cơ quan công an chậm trả kết quả tra cứu xác minh (trong đó 10 trường hợp hồ sơ tra cứu, xác minh chậm do đường công văn gửi đến muộn).

Tuy nhiên trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã quyết liệt vào cuộc để khắc phục tình trạng chậm cấp Phiếu với phương châm nói không với chậm. Công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan, đặc biệt với C53 được đẩy mạnh, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ. Kết quả là tính từ thời điểm 1/7/2014 trở lại đây, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia không còn trường hợp chậm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp nào, các hồ sơ đều được giải quyết đúng hạn và trước thời hạn quy định (trong tổng số 133 hồ sơ có 19 hồ sơ trả đúng hạn, còn lại đều trả trước thời hạn từ 1 đến 14 ngày).

b) Tại các Sở Tư pháp

Căn cứ số liệu các Sở Tư pháp báo cáo về Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, tính từ thời điểm 01/7/2013 đến 15/3/2014, các Sở Tư pháp đã thụ lý 244.559 hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu, có 235.066 hồ sơ đến hạn trả kết quả, trong đó số lượng hồ sơ chậm thời hạn trả kết quả cấp Phiếu là 49.504, chiếm tỷ lệ trung bình 21%. Đối với công tác phối hợp tra cứu, xác minh thông tin đ cấp Phiếu Lý lịch tư pháp, các Sở Tư pháp đã chuyển 236.988 hồ sơ đ nghị Phòng Hồ sơ nghiệp vụ công an tỉnh, thành phố tra cứu, xác minh. Tuy nhiên, trong tổng số 49.504 hồ sơ chậm thời hạn cấp Phiếu Lý lịch tư pháp có tới 44.122 hồ sơ do cơ quan Công an tỉnh chậm trả kết quả tra cứu, xác minh thông tin (chiếm khoảng 90% số lượng hồ sơ chậm thời hạn cấp Phiếu). Số lượng hồ sơ cấp Phiếu chậm thời hạn còn lại (khoảng 10%) là do các nguyên nhân khác như Sở Tư pháp chậm gửi yêu cầu tra cứu, xác minh hoặc chậm tổng hợp kết quả tra cứu xác minh hoặc Sở Tư pháp phải xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích và xác minh tại nhiều nơi do kết quả tra cứu, xác minh của Công an tỉnh chưa đ cơ sở đ xác định tình trạng án tích.

3. Những tồn tại, vướng mắc

3.1. Về thể chế

Nhìn chung, hệ thống các văn bản pháp luật về lý lịch tư pháp hiện nay đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đầy đủ và đánh dấu một bước phát triển mới trong việc thiết lập mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan cấp Phiếu Lý lịch tư pháp với các cơ quan có liên quan đến công tác tra cứu, xác minh thông tin như Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Quốc phòng, Thi hành án dân sự...

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng công tác phối hợp trong hoạt động tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu Lý lịch tư pháp chưa đạt hiệu quả cao do còn có những tồn tại, bất cập về cơ chế pháp lý.  Một trong những bất cập lớn hiện nay là Nghị định 111/2010/NĐ-CP đang hạn chế vai trò chủ động và chịu trách nhiệm của cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong hoạt động tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày 1/7/2010. Việc Nghị định quy định tại điều 25, Sở Tư pháp thực hiện tra cứu, xác minh tại cơ quan Công an tỉnh không còn phù hợp vì trên thực tế có rất nhiều trường hợp cơ quan Công an tỉnh phải thực hiện việc tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp tại C53. Như vậy, công tác tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp đã phát sinh thêm một tầng nấc trung gian không cần thiết.

Về mặt cơ sở pháp lý, quy định nêu trên không phù hợp với tinh thần của khoản 1 Điều 55 Luật Lý lịch tư pháp trong đó cho Sở Tư pháp được quyền chủ động tìm kiếm các nguồn thông tin về án tích tại các cơ quan có thẩm quyền, theo đó “Đối với thông tin lý lịch tư pháp về án tích, thông tin lý lịch tư pháp về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã có trước ngày Luật này có hiệu lực thì Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ cung cấp cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp đ phục vụ việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Điều này có nghĩa là Luật Lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp được quyền chủ động tìm kiếm các nguồn thông tin về án tích tại các cơ quan có thẩm quyền chứ không bó hẹp lại như quy định của Nghị định 111/2010/NĐ-CP là phải tra cứu, xác minh trước tiên tại cơ quan Công an tỉnh. Có thể nói đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc chậm trả kết quả Phiếu Lý lịch tư pháp cho người dân, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan cấp Phiếu Lý lịch tư pháp nói riêng và của ngành Tư pháp nói chung.

3.2. Về thực tiễn phối hợp tra cứu xác minh thông tin để cấp Phiếu Lý lịch tư pháp

Mặc dù đã có sự quan tâm vào cuộc, chỉ đạo của các ngành, các cấp, tuy nhiên công tác phối hợp trong hoạt động tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu Lý lịch tư pháp vẫn còn tồn tại một số bất cập, ảnh hưởng đến thời gian trả kết quả Phiếu Lý lịch tư pháp cho người dân. Hầu hết các địa phương đều có tình trạng chậm trả kết quả tra cứu, xác minh thông tin dẫn đến việc chậm thời hạn giải quyết hồ sơ cấp Phiếu Lý lịch tư pháp.

Nhìn vào số liệu thống kê kết quả tra cứu, xác minh tại Phòng Hồ sơ nghiệp vụ công an tỉnh, thành phố cho thấy, công tác phối hợp giữa các Sở Tư pháp và cơ quan công an đang có vấn đề vướng mắc, 90% số lượng hồ sơ chậm cấp Phiếu là do cơ quan công an chậm trả kết quả tra cứu, xác minh. Đây là con số thuyết phục để khẳng định rằng, công tác phối hợp tra cứu, xác minh giữa cơ quan cấp Phiếu và cơ quan công an không đạt hiệu quả, cần sớm có giải pháp thảo gỡ nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của người yêu cầu cấp Phiếu.

3.3. Nguyên nhân những tồn tại, vướng mắc

Thực trạng chậm thời hạn cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trong thời gian qua xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan như còn tồn tại các bất cập về thể chế chính sách pháp luật, mô hình tổ chức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp chưa phù hợp; đội ngũ cán bộ công chức làm công tác cấp Phiếu Lý lịch tư pháp còn thiếu về số lượng và tính chuyên nghiệp; điều kiện về cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác cấp Phiếu Lý lịch tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng chậm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp là công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với cơ quan công an trong hoạt động tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu Lý lịch tư pháp chưa đi vào nền nếp, chưa thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật. Thực trạng chậm trả kết quả tra cứu, xác minh của cơ quan công an xuất phát từ bất cập của pháp luật về lý lịch tư pháp. Điều 25 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp quy định về quy trình Sở Tư pháp thực hiện tra cứu, xác minh tại cơ quan công an, theo đó Sở Tư pháp gửi Phiếu xác minh lý lịch tư pháp cho Công an tỉnh, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Phiếu xác minh lý lịch tư pháp, cơ quan Công an tỉnh thực hiện tra cứu thông tin về tình trạng án tích của đương sự và gửi cho Sở Tư pháp kết quả tra cứu; trường hợp phải tra cứu thông tin tại C53 thì thời hạn không quá 09 ngày làm việc. Điều này có nghĩa là việc tra cứu, xác minh đối với những hồ sơ phức tạp phải qua cấp trung gian là công an tỉnh mà Sở Tư pháp không thể tra cứu, xác minh trực tiếp từ C53. Vì quy trình tra cứu lòng vòng, qua cấp trung gian như vậy nên dẫn đến sự chậm trễ trong việc trả lời kết quả tra cứu, xác minh thông tin, ảnh hưởng tới thời hạn cấp Phiếu Lý lịch tư pháp.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trả lời kết quả tra cứu, xác minh thông tin là các cơ quan có thẩm quyền chưa đẩy mạnh việc ứng dụng tin học trong hoạt động này. Căn cứ báo cáo của các Sở Tư pháp và kết quả kiểm tra liên ngành năm 2014 cho thấy, hầu hết các Sở Tư pháp chưa thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin tiếp nhận, trao đổi, tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là với cơ quan công an tỉnh. Các hồ sơ yêu cầu tra cứu thường được chuyển và nhận qua đường văn thư hành chính thông thường, do đó mất rất nhiều thời gian chờ đợi công văn đi, đến và hệ quả tất yếu là chậm trả kết quả cấp Phiếu cho người dân.

Ngoài ra, nhận thức về tầm quan trọng về công tác phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, ý thức trách nhiệm thực hiện công việc tại một số nơi còn có biểu hiện gây khó khăn trong việc trả kết quả tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp.

II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CƠ CHẾ PHỐI HỢP

1. Quan điểm, định hướng

a) Các giải pháp đưa ra phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách thủ tục hành chính, Luật Lý lịch tư pháp và Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020 tầm nhìn 2030, phù hợp với thực tiễn hoạt động cấp Phiếu Lý lịch tư pháp.

b) Các giải pháp được thực hiện theo lộ trình ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, trong đó luôn bảo đảm hướng tới mục tiêu cao nhất là phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

c) Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động cấp Phiếu Lý lịch tư pháp.

d) Xây dựng cơ chế mới, hiệu quả trong công tác phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu Lý lịch tư pháp bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, thường xuyên và liên tục.

2. Những giải pháp cụ thể

2.1. Giải pháp ngắn hạn: Triển khai thử nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp tại một số Sở Tư pháp

Để nhanh chóng tháo gỡ điểm “nóng” chậm thời hạn cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tại các Sở Tư pháp hiện nay, chúng tôi cho rằng giải pháp tiên quyết để giải quyết dứt điểm tình trạng chậm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tại các Sở Tư pháp là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu Lý lịch tư pháp. Giải pháp này được coi là chìa khóa để triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án thí điểm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trực tuyến” của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 08 tháng 01 năm 2015.

 Giải pháp như sau:

Đối với những hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp đơn giản mà người yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp chỉ có một nơi cư trú duy nhất tại một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kể từ khi đủ 14 tuổi trở lên thì Sở Tư pháp vẫn thực hiện tra cứu, xác minh tại cơ quan Công an tỉnh theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP.

Đối với các trường hợp hồ sơ có yếu tố phức tạp còn lại mà cơ quan Công an tỉnh phải tiếp tục thực hiện tra cứu, xác minh ở C53 thì Sở Tư pháp không tiến hành thực hiện việc tra cứu, xác minh tại Công an tỉnh để giảm bớt tầng nấc trung gian, không cần thiết mà Sở Tư pháp thực hiện tra cứu, xác minh trực tiếp tại C53 thông qua cơ quan đầu mối, có chức năng tham mưu giúp Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác lý lịch tư pháp là Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia. Theo đó, sẽ áp dụng mô hình “Kiềng ba chân: Trung tâm – C53 – Sở Tư pháp” để tiến hành thử nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong động tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp và chỉ áp dụng cho các đối tượng:

- Người được cấp Phiếu Lý lịch tư pháp đã cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kể từ khi đủ 14 tuổi trở lên;

- Người được cấp Phiếu Lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam có thời gian cư trú ở nước ngoài; người nước ngoài;

- Người được cấp Phiếu Lý lịch tư pháp mà không xác định được nơi thường trú, tạm trú;

- Các trường hợp quá 09 ngày mà Sở Tư pháp chưa nhận được kết quả tra cứu, xác minh của Công an tỉnh.

Quy trình thử nghiệm như sau:

C53 sẽ cử ra một tổ công tác đặc trách về nhiệm vụ này để phối hợp với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia trực tiếp cài đặt, hướng dẫn sử dụng phần mềm do C53 xây dựng, kèm theo đó là máy Scan tốc độ cao tại các Sở Tư pháp nơi chọn thử nghiệm để truyền trực tiếp yêu cầu tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp từ Sở Tư pháp tới Trung tâm và C53 qua mạng Internet. Sau khi nhận được yêu cầu của Sở Tư pháp qua mạng, C53 có trách nhiệm tra cứu, xác minh thông tin qua mạng và gửi thông tin tra cứu, xác minh đến Sở Tư pháp và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (các công văn, giấy tờ, hồ sơ theo quy định sẽ được gửi theo đường công văn đến sau). Kết quả tra cứu, xác minh thông tin qua đường mạng có giá trị như văn bản giấy (bản giấy sẽ được gửi sau để kiểm soát và lưu trữ) và C53 hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả tra cứu, xác minh này. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia với chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác lý lịch tư pháp sẽ giữ vai trò điều phối, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp và C53 để thực hiện triệt để, hiệu quả giải pháp nêu trên.

Theo đánh giá của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và C53, toàn bộ chu trình kể từ khi Sở Tư pháp gửi hồ sơ yêu cầu tra cứu, xác minh cho đến khi nhận được kết quả chỉ trong vòng 48 giờ, sẽ khắc phục tuyệt đối tình trạng chậm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tại các Sở Tư pháp hiện nay.

2.2. Giải pháp trung hạn: Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp

 Bộ Tư pháp sớm xây dựng trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2010/NĐ-CP theo hướng tăng quyền chủ động và chịu trách nhiệm về hoạt động tra cứu, xác minh thông tin cho các Sở Tư pháp, đồng thời thể chế hóa các phương thức tiếp nhận, tra cứu, xác minh thông tin, trả kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp .

Bất cập về mặt thể chế hiện nay là Nghị định 111/2010/NĐ-CP đang hạn chế vai trò chủ động và chịu trách nhiệm của cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong hoạt động tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày 1/7/2010. Việc Nghị định quy định tại điều 25, Sở Tư pháp thực hiện tra cứu, xác minh tại cơ quan Công an tỉnh không còn phù hợp vì trên thực tế cơ quan Công an tỉnh vẫn phải tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp tại C53. Công tác tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp đã phát sinh thêm một tầng nấc trung gian không cần thiết. Quy định nêu trên không phù hợp với tinh thần của khoản 1 Điều 55 Luật Lý lịch tư pháp trong đó cho Sở Tư pháp được quyền chủ động tìm kiếm các nguồn thông tin về án tích tại các cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, thực trạng chậm trả kết quả tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp trong thời gian qua đã cho thấy sự quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phối hợp tra cứu, xác minh. Như đã trình bày ở trên, nguyên nhân dẫn đến việc chậm trả kết quả tra cứu, xác minh có nguyên nhân cơ bản xuất phát từ việc công văn gửi, trả kết quả chỉ đi bằng đường công văn hành chính thông thường nên mất nhiều thời gian chờ đợi. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, một trong những nội dung quan trọng mà Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 111/2010/NĐ-CP cần hướng tới là thể chế hóa các phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua đường điện tử. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để cơ quan cấp Phiếu Lý lịch tư pháp triển khai hiệu quả công tác phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu Lý lịch tư pháp.

2.3. Giải pháp lâu dài

Trên cơ sở thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030, để công tác cấp Phiếu Lý lịch tư pháp thực hiện có hiệu quả và giải quyết triệt để tình trạng chậm cấp Phiếu, đề nghị Bộ Tư pháp tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

a) Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Lý lịch tư pháp

Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Lý lịch tư pháp  cần tập trung  vào các nội dung cơ bản như: xây dựng mô hình cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp một cấp; thành lập Cục Lý lịch tư pháp thuộc Bộ Tư pháp; đổi mới, đa dạng hóa các  phương thức tiếp nhận, trả kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp; sửa đổi quy định về cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2.

b) Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác lý lịch tư pháp

Tập trung vào các nhiệm vụ xây dựng cơ chế thông tin, phối hợp giữa các cơ quan quản lý lý lịch tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan, giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp ở Trung ương và địa phương. Đầu tư thỏa đáng về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho đội ngũ cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp ở Trung ương và địa phương và tại các cơ quan có liên quan trong cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp Phiếu Lý lịch tư pháp. Triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và hoạt động cấp Phiếu Lý lịch tư pháp. Triển khai thực hiện cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp bằng dữ liệu điện tử giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp với các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an, Quốc phòng, Thi hành án dân sự. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là kiểm tra liên ngành để nắm bắt tình hình thi hành Luật Lý lịch tư pháp, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, sai phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực cấp Phiếu Lý lịch tư pháp để tháo gỡ và chấn chỉnh để nâng cao hiệu quả công tác lý lịch tư pháp.

c) Nâng cao chất lượng công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp theo hướng tập trung đào tạo, bồi dưỡng theo chiều sâu, tăng cường kiến thức chuyên môn nghiệp vụ nhằm xây dựng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp có chuyên môn cao, có đạo đức và uy tín nghề nghiệp./.

 

    NCS. Hoàng Quốc Hùng – Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia